Chủ nghĩa Hiện thực xã hội (Phần 2)

Trong phần hai của loạt bài về hội hoạ chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta sẽ tìm hiểu về những khái niệm, phong cách, và xu hướng của trào lưu này. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu về những phát triển hậu trào lưu.

  • Trường học không gây ảnh hưởng đến tôi, không nhiều như cuộc sống.” – William Gropper
  • Tôi sẽ miêu tả tác phẩm của mình là biểu hiện chủ nghĩa. Điểm nhìn biểu hiện sẽ thôi thúc cảm xúc của chính bạn về điều gì đó.” – Jacob Lawrence
  • Nghệ thuật là một hồi đáp tới cuộc sống. Là một nghệ sĩ có nghĩa là đảm đương một cách sống nhiều rủi ro, là tiếp nhận một trong những hình thức vĩ đại nhất của tự do, và là không thoả hiệp. Hội hoạ là một hình thức của tình yêu, là truyền tải năm tháng trong nghệ thuật.” – Antonio Berni
  • Hãy để trần những cánh tay của chúng ta và dìm chúng thật sâu qua tiếng cười, qua nỗi đau, qua nỗi buồn, qua hi vọng, qua thất vọng, vào tận sâu thẳm linh hồn những đồng bào của ta và lôi ra những vật chất, thô thiển, thô ráp, bị bỏ rơi. Sau đó hãy hát, nhảy, viết, vẽ.” – Aaron Douglas
  • Khi bạn nói về cuộc chiến chống đói nghèo, nó không có nghĩa gì nhiều; nhưng nếu bạn có thể thể hiện ra điều này ở một mức độ nào đó thì bạn có thể thể hiện nhiều hơn về cách con người đang sống và đó là một tỉ lệ rất lớn người dân của chúng ta ngày nay.” – Ben Shahn

Chủ nghĩa Hiện thực xã hội: Những khái niệm, phong cách và xu hướng

Bất chấp sự khác biệt về phong cách, các họa sĩ, nhà điêu khắc, hoạ sĩ minh họa và hoạ sĩ tranh in đều cam kết với chủ nghĩa hiện thực và tượng hình; thực tế, khó để hình dung một nhà Hiện thực Xã hội chủ nghĩa làm việc mà không tập trung đến thân phận và hình dạng con người. Một điểm chung giữa những tiếng nói đa dạng này là sự cam kết của họ với lao động, điều này giải thích cho sự nhấn mạnh vào việc lý tưởng hóa người công nhân trong nghệ thuật. Các nghệ sĩ đã tìm được mục tiêu chung cho đề tài của họ và cố gắng dùng “nghệ thuật như một vũ khí”, theo lời của Diego Rivera, để thay đổi hoàn toàn xã hội. 

Những người vợ của thợ mỏ (Miner’s Wives) (kh.1948) của Ben Shahn. Một tác phẩm đặc biệt nằm ở ranh giới giữa chủ nghĩa Biểu hiện và chủ nghĩa Hiện thực xã hội, nắm bắt một cách xuất sắc sự suy sụp của những người bị bỏ lại (những người vợ có chồng là thợ mỏ mất trong một vụ nổ trong hầm mỏ ở Illinois năm 1947, với 111 người mất).

Vinh quang của người công nhân anh hùng

Không giống như những nghệ sĩ của Trường phái Ashcan, nơi mà các thành viên của tầng lớp lao động là những người bị xã hội ruồng bỏ, các nhà Hiện thực Xã hội đã hình dung người công nhân như một người hùng xã hội. Nâng giá trị công nhân về mặt thể chất và lấy họ làm tâm điểm cho tác phẩm nghệ thuật đã truyền đạt tính trung tâm của người lao động đối với xã hội mới dựa trên công nhân. Sự chú trọng to lớn hơn đặt ở người công nhân công nghiệp so với công nhân nông nghiệp vì điều này diễn ra song song với sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hóa. 

Thường khoác lên mình chiếc quần yếm công nhân cầm dụng cụ, quai hàm vuông vức cùng gương mặt cương nghị và quyết đoán, anh hùng công nhân được thể hiện như trụ cột của Mĩ và phương tiện để đi tới một tương lai tốt hơn. Đôi khi anh hùng công nhân được thể hiện bên cạnh người vợ, trong tầm vóc bé nhỏ hơn, khoác lên người những đặc trưng của đời sống gia đình như là một chiếc tạp dề và phục tùng quyền lực của chồng. Hiếm hơn là những hình ảnh phụ nữ công nhân công nghiệp. 

Những người thợ xây (The Builders) (1947) của Jacob Lawrence

Niềm đồng cảm với “người bị lãng quên”

Những nghệ sĩ xã hội thường miêu tả những người bị ruồng bỏ và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như người nghèo nơi ở đô thị, dân tộc thiểu số, người nhập cư, và các cư dân khu ổ chuột. Thường những người này được hình dung ở một mình mà không hề có sự an toàn và thiêng liêng của gia đình. Các nhà Hiện thực Xã hội đã dành sự quan tâm và tiếng nói cho “những người bị lãng quên” này, như cách họ được gọi, với những hình ảnh đồng cảm với cuộc đấu tranh vật lộn của họ. 

Tàu điện ngầm (The Subway) (1928) của José Clemente Orozco

Những người bị ruồng bỏ này xuất hiện đối nghịch với người hùng công nhân vì trước đây không có quyền tự quyết hay quyền lực để kiểm soát vận mệnh của mình. Thay vì đứng thẳng với cơ bắp vạm vỡ, cơ thể của họ suy nhược và bao lại thành những hình dáng tròn hơn: cái đầu chùng xuống, đôi vai rũ xuống, và đầu gối cong. Trong dáng điệu này, cơ thể của họ truyền tải một cảm giác đau khổ của sự tuyệt vọng và cơ cực. 

Sự đấu tranh của Nông thôn Mĩ

Một điều rất đáng chú ý là chủ nghĩa Hiện thực xã hội là một phong trào dựa trên thành thị được tạo ra bởi các nghệ sĩ thành thị. Tuy nhiên, với sự kiện Dust Bowl và những sự kiện đau thương khác do quản lý đất đai kém gây ra, hệ thống người lĩnh canh và chủ đất vắng mặt đều nằm trong phạm vi bình luận xã hội. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và lao động công nghiệp là một chủ đề chính trị xã hội mạnh mẽ lúc bấy giờ và các đảng chính trị Công nhân–Nông dân đang được thành lập. Những tác phẩm nghệ thuật như vậy làm nổi bật sự nghèo nàn ở vùng quê, những vùng đất hoang tàn, và sự tàn phá của thiên nhiên, đã kịch liệt phản đối những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Khu vực sô-vanh (John Steuart Curry, Grant Wood, và Thomas Hart Benton), những người tôn vinh sự thiêng liêng của vùng nông thôn Mĩ, phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống ở thị trấn nhỏ, và người nông dân.

Những kết nối hiện đại: Chủ nghĩa Siêu thực xã hội

Trong khi các nhà Siêu thực Xã hội làm việc song song với các nhà Hiện thực xã hội, các nhà Hiện thực xã hội tuyên bố rằng họ có phong cách nghệ thuật chính trị thẳng thắn, nhưng thực ra, các nhà Siêu thực Xã hội mới là người làm việc với phong cách cấp tiến hơn. Chính trị cấp tiến và các thời đại cấp tiến đòi hỏi phải có một hình thức nghệ thuật cấp tiến, và vào những năm 1930 đến giữa những năm 1940, chủ nghĩa Siêu thực là một trong những hình thức hội hoạ như vậy. Họ tin rằng sự giải phóng tâm trí và giải phóng cá nhân sẽ dẫn tới sự chấm dứt áp bức chính trị và xã hội. Các nhà Siêu thực Xã hội chủ nghĩa đã dùng các kĩ thuật nghệ thuật cốt yếu của các nhà Siêu thực người Châu Âu, như cô đặc thời gian và không gian, hoàn thiện việc lắp ghép các yếu tố, và bố trí các thể theo một quy cách phi lí. 

Ví dụ, Oswaldo (Louis) Luigi Gugleimli đã bày tỏ mối quan tâm của mình đối với những khu dân cư nghèo đói của Manhattan với một sự đồng cảm hình thành từ việc ông lớn lên ở một khu vực di dân nghèo người Ý của thành phố. Các tác phẩm của Philip Evergood đã được xem là chủ nghĩa Hiện thực Xã hội ở đề tài của nó và cả chủ nghĩa Siêu thực Xã hội trong sự phóng đại nhân vật, màu sắc nổi bật, và những nét vẽ sống động. 

Mùa thu Connecticut (Connecticut Autumn) (1937) của O. Louis Guglielmi
Nhà thờ của mẹ (Mom’s Cathedral) (kh. 1951) của Philip Evergood

Chủ nghĩa Hiện thực xã hội ở Nga và Đức: Nghệ thuật chuyên chế

Sự cởi mở của các nhà Hiện thực Xã hội đối với đa dạng các phong cách và chủ đề nằm trái ngược hoàn toàn với Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa (Socialist Realism) Xô viết vốn nỗ lực để duy trì cấu trúc chính trị Nga thông qua những hình ảnh giáo huấn khắt khe về những người lao động được vẽ với sự đồng nhất cao độ. Ở cả Nga và Đức, hình ảnh giáo điều về cơ thể được anh hùng hóa, lấy cảm hứng từ cổ điển, đã thúc tiến tầm nhìn xã hội của Joseph Stalin và Adolph Hitler. Ở Đức, Hitler đã khuyến khích vẽ tranh khỏa thân với sự hoàn hảo siêu thực tế để thể hiện cơ thể hoàn hảo của người Aryan. Ngược lại, khỏa thân không bao giờ là chủ đề chính của các nhà Hiện thực Xã hội người Mĩ, khi nhân vật của họ được dựa trên thể loại tranh sinh hoạt nhiều hơn là những lí tưởng cổ điển. 

Thư từ tiền tuyến (Letter from the Front) của Alexander Laktionov. Một bức tranh rất điển hình cho Hiện thực Xã hội chủ nghĩa và mang đậm tính tuyên tuyền: chiến tranh được miêu tả bằng một hình ảnh đầy lạc quan của một nhóm người đang tươi cười hạnh phúc khi nhận được thư do một người lính bị thương mang từ tiền tuyến (của Thế chiến II) về. 

Những sự phát triển về sau – Sau chủ nghĩa Hiện thực xã hội

Sự thay đổi trong phong cảnh chính trị

Bắt đầu từ những năm 1930, chính phủ Hoa Kì đột ngột trở nên ít ủng hộ Nga hơn, dù vốn từng là đồng minh của nước này. Mối quan hệ quốc tế bị lạnh nhạt này và những cuộc tấn công chống lại Cộng sản trực tiếp ảnh hưởng đến nghệ sĩ và phong trào nghệ thuật. Do những tin đồn dai dẳng rằng “bọn đỏ” đã chiếm lĩnh chương trình nghệ thuật Liên bang, chính phủ đã thành lập Ủy ban Hạ về các hoạt động phi Mĩ (House Un-American Activities Committee – HUAC) vào năm 1938, chuyên điều tra nhiều nghệ sĩ, bên cạnh những cá nhân và hội nhóm khác, tìm kiếm đến những kẻ có thể là cộng sản thâm nhập. Điều này đã tạo ra những làn sóng công kích toàn bộ cánh tả nghệ thuật. Một cú đâm thậm chí còn sâu hơn là Hiệp ước Không xung đột giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô năm 1939, khiến cho các nghệ sĩ phải từ bỏ việc lí tưởng hóa Nga như một xã hội không tưởng của họ. Trong khi một số vẫn mù quáng ủng hộ Stalin, những người khác trở nên cam kết hơn với FDR (thủ tướng Franklin D. Roosevelt) và dân chủ.

Với sự bùng nổ của Chiến tranh Thế giới thứ II, nền kinh tế Mĩ đã đi vào giai đoạn phục hồi và nhiều cơ hội công việc công nghiệp mở ra nhưng vẫn còn phân biệt chủng tộc. Sự thịnh vượng hậu chiến cho một số người Mĩ này cũng đã làm nhiều người xa rời mô hình Xô-Viết. 

Sự thay thế của tiền tiến

Người ta thường nghĩ trường phái Biểu hiện Trừu tượng là loại hình nghệ thuật duy nhất vào giữa những năm 1940 và những năm 1950, hoàn toàn làm lu mờ đi chủ nghĩa hiện thực và nội dung chính trị trong nghệ thuật. Nhưng đấy không phải thực tế. Thực tế là nhiều nghệ sĩ như Ben Shahn, Jacob Lawrence, và Isaac, Moses, và Raphael Soyer, một vài trong vô số nghệ sĩ khác, tiếp tục trưng bày tác phẩm của họ suốt thời kì Chiến tranh lạnh. Một vài người, như Philip Guston, đã chứng kiến tác phẩm của họ tiến hóa thành trừu tượng. Đúng là chủ nghĩa Hiện thực Xã hội không còn là nghệ thuật của tiền tiến, nhưng nó không hề biến mất. Tuy nhiên, câu lạc bộ John Reed, Liên hiệp các nghệ sĩ, và tờ Art Front không còn tồn tại, một phần do các bè phái nội bộ và một phần do nhận thức về nạn diệt chủng và sự chấp nhận của nhiều người rằng Stalin là một nhà độc tài chuyên quyền giết người hơn là một nhân vật anh hùng. 

Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực và sáng tác nghệ thuật một cách có nhận thức xã hội không bao giờ chết, nhưng những điều này vẫn sẽ tiếp tục là sợi dây liên kết trong nghệ thuật đương thời, bao gồm những cái tên như Sue Coe và Mike Alewitz. 

Chúng ta đông người. Chúng có ít. (We are Many. They are Few) (2020) của Sue Coe
Đoàn kết lao động không có biên giới (Labor Solidarity Has No Borders) (1989) của Mike Alewitz

Coe tạo ra một chuỗi in ấn và tranh vẽ tường thuật đề cập đến những vấn đề nhức nhối như cưỡng hiếp và sự bất công đối với phụ nữ. Alewitz, người chứng kiến vụ giết hại bốn người người trẻ tại Kent State, đã tiếp tục trở thành một họa sĩ tranh tường cho các liên hiệp lao động, các hoạt động xã hội, và các hành động chính trị. Ông có lẽ là người họa sĩ vẽ tranh tường chính trị hàng đầu của Mĩ. Về học bổng và triển lãm, bắt đầu từ những năm 1980 với những ấn phẩm của Helen Langa, Diana Linden, và Jonathan Weinberg, đã có một sự quan tâm trở lại đối với chủ nghĩa Hiện thực Xã hội.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Olivia Ha dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa Hiện thực xã hội Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…