John Steuart Curry (Phần 1)

John Steuart Curry, một phần của Bộ ba chủ nghĩa Khu vực (Regionalist Triumvirate) – ba hoạ sĩ Mĩ quan trọng nhất trong thời kì Đại suy thoái – có những bức tranh mang năng lượng mạnh mẽ độc đáo và những đối tượng (không phải lúc nào cũng là người) có phần kì dị thậm chí xấu xa. Ông đã mở rộng góc nhìn và bình luận cho những chủ đề quen thuộc của chủ nghĩa Khu vực. Tuy nhiên, bất chấp những danh tiếng đáng kể vào những năm 1930, Curry thường bị bỏ qua sau khi ông mất sớm vào năm 1946 ở tuổi 49. Trong loạt bài 2 phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về người nghệ sĩ mà di sản có phần không được đánh giá đúng đắn này.

  • Thay vì lịch ngũ cốc và thức ăn… chúng tôi có Rubens, Bellini, và Millet trong nhà. Điều này thật bất thường và liên quan rất nhiều đến việc hình thành tương lai của tôi.
  • Tôi thà vẽ một hình ảnh bản thân đang xúc phân bón thay vì thực sự làm việc ấy.
  • Và nếu tôi không thể là một nghệ sĩ, tôi sẽ không là gì cả.

Trong thời kì Đại suy thoái, John Steuart Curry đã cống hiến hết mình cho việc khắc hoạ những bức chân dung chân thực của vùng tâm nước Mĩ. Vào thời điểm mà các nhà phê bình đang kêu gọi nghệ thuật bản địa của Mĩ và việc khám phá một quá khứ hữu dụng, Curry và những nghệ sĩ khác theo chủ nghĩa Khu vực đi đầu trong việc đáp lại lời kêu gọi ấy và vẽ vùng nông thôn cũng như thị trấn nhỏ ở Mĩ. Những mô tả này thường được lí tưởng hoá, thậm chí hoài cổ, về cộng đồng, đời sống tôn giáo và đạo đức là việc bất khuất nhằm mục đích mang lại niềm an ủi cho người dân đang phải chịu đựng những ảnh hưởng của thảm hoạ tài chính và hạn hán lan rộng.

Được công nhận trong thời của mình, cùng với Thomas Hart Benton và Grant Wood, Curry đã vẽ những bức tranh giá vẽ cũng như tranh tường trang trí nhiều toà nhà chính phủ khác nhau. Thật không may, phong cách hội hoạ truyền thống hơn của Curry đã không duy trì được danh tiếng của ông sau khi ông mất, và Curry là một nghệ sĩ Mĩ thường bị bỏ qua.

John Steuart Curry sinh ngày 14/11/1897 ở Dunavant, Kansas và mất ngày 29/08/1948 ở Madison, Wisconsin, Mĩ

Thành tựu của John Steuart Curry

  • Khi sử dụng những ám chỉ đến nghệ thuật Cổ điển và Phục hưng, Curry đã truyền vào đối tượng chủ thể của mình sức hấp dẫn và tầm quan trọng mà những mô tả khác về cuộc sống nông thôn thường thiếu. Ông hướng đến việc tạo ra những câu chuyện vượt thời gian gợi lên quyền thế đạo đức và truyền cảm hứng cho mọi người.
  • Trong khi Curry thường miêu tả những cảnh đồng quê, nhiều cảnh trong đó có một tính chất đáng nghi ngờ thậm chí xấu xa, thêm vào sự phức tạp cho những mô tả hoàn toàn trực diện nếu không có tính chất ấy – điều này khiến một số người chỉ trích người hoạ sĩ là xuyên tạc về người dân ở các thị trấn nhỏ miền Trung Tây. Tuy nhiên, khía cạnh đáng lo ngại này trong tác phẩm của Cury có thể được coi là một bình luận về cuộc sống nông thôn của người Mĩ và là một góc nhìn đa chiều hơn về các chủ đề ưa thích của chủ nghĩa Khu vực.
  • Tuy Curry bị chỉ trích nặng nề là lúng túng về mặt kĩ thuật và không tạo ra được một phong cách mạnh mẽ, dễ nhận biết hơn, ông đã đưa ra tầm nhìn về một chủ nghĩa Khu vực mang tính biểu cảm thể hiện sự năng động và tinh thần của các cộng đồng nông thôn.

Tiểu sử của John Steuart Curry

Tuổi thơ

Vào năm 1897, John Steuart Curry sinh ra tại một trang trại ở cộng đồng chưa hợp nhất Dunavant, Quận Jefferson, Kansas. Theo điều tra dân số năm 1910, thị trấn có dân số 85 người. Ông là con cả của Thomas Smith Curry và Margaret Steuart – những người lớn lên ở các trang trại miền Trung Tây nhưng đã học đại học. Người hoạ sĩ trẻ vốn phải làm công việc đồng áng trong vài giờ trước khi vào thị trấn để đi học, nhưng người ta thường sẽ thấy anh ở ngoài đồng để phác thảo những con người và toà nhà thay vì xúc phân.

Mẹ và cha của Curry cũng nổi tiếng trong cộng đồng của họ vì đã đi hưởng tuần trăng mặt ở châu Âu, thăm Paris. Điều đáng chú ý là Margaret đã mang về những bản sao lưu niệm của những bức tranh nổi tiếng. Sau này, Curry hồi tưởng, “Thay vì lịch ngũ cốc và thức ăn… chúng tôi có Rubens, Bellini, và Millet trong nhà. Điều này thật bất thường và liên quan rất nhiều đến việc hình thành tương lai của tôi.

Mẹ tôi và ba tôi (My Mother and Father) (1929) của John Steuart Curry

Đào tạo ban đầu

Curry theo học tại trường trung học Winchester ở Kansas, xuất sắc trong bóng đá và điền kinh, nhưng đã bỏ học trước khi tốt nghiệp vào năm 1916 để theo học trường nghệ thuật. Từ năm 1916, Curry học ở Học viện Nghệ thuật Chicago và ở Đại học Geneva ở Beaver Falls, Pennsylvania từ năm 1918 đến 1919. Vào năm 1920, ông giới thiệu bản thân mình với minh hoạ gia Harvey Dunn sau khi háo hức theo đuôi Dunn tới New Jersey. Curry định cư ở New York vào năm 1921 và làm việc bốn năm với tư cách là hoạ sĩ minh hoạ cho các tạp chí như Boy’s Life. Kinh nghiệm làm việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách hoạ sĩ sau này của ông, đặc biệt là cảm nhận về tường thuật của ông và bố cục đặt hình tượng vào trung tâm tiền cảnh, táo bạo.

Năm 1923, Curry kết hôn với Clara Derrick. Họ gặp nhau thông qua anh trai của Curry, Eugene, người làm việc cho cha của Clara tại ngôi trường Nhà dành cho Nam sinh (Home for Boys) của bang New Jersey. “Chuyện là, con đã kết hôn, hạnh phúc và vui vì điều ấy,” Curry viết cho mẹ mình như vậy, “Chúng con có một đám cưới nhỏ sang trọng.” Cặp đôi định cư ở Westport, Connecticut, vào năm sau đó, và Curry bắt đầu vẽ tranh sơn dầu và màu nước trong xưởng của mình. Một gia đình chồn hôi cư trú bên dưới mặt sàn xưởng. Curry rất yêu quí chúng và đã nhiều lần đưa chồn hôi vào tranh của mình trong suốt sự nghiệp.

Năm 1925, Curry hỗ trợ nghệ sĩ James Daugherty vẽ bức tranh tường cho công ty lữ hành Cook. Daugherty nản lòng trước sự thiếu kĩ năng kĩ thuật cơ bản của Curry, ông thậm chí không có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ vẽ đơn giản như vẽ một lá cờ – nhưng đồng thời cũng bị ấn tượng bởi cảm nhận hình khối độc đáo một cách mạnh mẽ của người hoạ sĩ trẻ. Ông khuyên Curry nên học thêm tại học viện hội hoạ của Basil Schoukhaieff ở Paris. Vào năm 1926, Curry và Clara Derrick cùng rời Mĩ đi Pháp.

Trong khoảng thời gian ở Paris, Curry đã phát triển khả năng vẽ phác thảo và hoàn thiện tranh của mình. Những mầm mống của tư tưởng hướng chủ nghĩa truyền thống rồi sẽ tạo ra phong cách chủ nghĩa Khu vực của ông đã được gieo xuống. Ông từ chối xu hướng tiền tiến hướng tới sự trừu tượng với Matisse và Picasso là đại diện, ưa thích các Bậc thầy Cổ điển, và ông trở nên tôn sùng Rubens và Titian. Về những nghệ sĩ Hiện đại, ông nói, “Họ hay nhưng không hay cho tôi. Giờ đây, ở tuổi 29, tôi đã trưởng thành. Tôi đã khám phá ra truyền thống của mình. Tôi đã khám phá ra Rubens.

Thời kì trưởng thành

Không lâu sau khi quay trở về từ Paris, Curry trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm ở Bờ Đông khi bức tranh Rửa tội ở Kansas (Baptims in Kansas) (1928) được trưng bày ở Phòng trưng bày Mĩ thuật Corcoran, Washington D.C, như một phần của Triển lãm nhị niên về tranh sơn dầu đương đại Mĩ (Biennial Exhibition of Contemporary American Oil Paintings). Chủ đề nông thôn xa lạ, góc nhìn không gian bất thường, và những câu chuyện có sức thuyết phục rất lớn đã thu hút tâm trí của những người xem đương thời ở Philadelphia, New York và Washington D.C. Một bức tranh khác được thực hiện vào thời kì này, miêu tả một gia đình Kansas đang vội vã tìm nơi trú ẩn khi một cơn lốc xoáy xé toạc đường chân trời (Lốc xoáy trên bầu trời Kansas [Tornado Over Kansas], 1929), đã củng cố thêm danh tiếng của Curry. Ông bắt đầu được trưng bày thường xuyên ở vùng Đông Bắc, và vào tháng 1 năm 1930, triển lãm cá nhân đầu tiên của ông đã khai mạc tại Phòng trưng bày Whitney Studios mới ở New York. 

Lễ rửa tội ở Kansas (Baptims in Kansas) (1928) là bức tranh nổi tiếng nhất của John Steuart Curry

Tuy nhiên, thành công như vũ bão của ông lại đi đôi với sự hỗn loạn. Curry đã làm việc với sự căng thẳng tinh thần và cảm xúc mãnh liệt, và vào năm 1932, ông đã bỏ trốn theo một gánh xiếc theo đúng nghĩa đen. Để vợ, Clara, ở nhà, Curry chu du cùng Anh em nhà Ringling và gánh xiếc Barnum & Bailey trong suốt một năm. Vào tháng 7, Clara qua đời. Curry viết cho một người bạn: “Tôi đã trễ 20 phút để thấy cô ấy còn sống.”

Vào tháng 6 năm 1934, Curry cưới người vợ thứ hai, Kathleen Gould Shepherd, một người bạn đến từ Westport, và đi tới vùng Trung Tây để thực hiện các bản phác thảo. Cũng vào đầu những năm 1930, nhờ nỗ lực của William Allen White, một nhà xuất bản báo chí ở Topeka, tranh của Curry bắt đầu được triển lãm ở Kansas và vùng Trung Tây. Ở đây, chúng ít được đón nhận hơn so với ở Bờ Đông, với lời nhận xét của chính vợ White, “Tại sao lại vẽ những đối tượng kì dị nổi bật và gọi chúng là ‘linh hồn’ của Kansas?

Tuy nhiên, trong suốt những năm 1930, Curry được coi là một trong những hoạ sĩ hàng đầu Mĩ, cùng với Thomas Hart Benton và Grant Wood. Ba người này đã được giới thiệu trên tờ tạp chí TIME và được công nhận trên toàn quốc là những nghệ sĩ đột phá của phong trào chủ nghĩa Khu vực mới nổi. Họ được tôn vinh vì đã lên tiếng từ vùng trung tâm nước Mĩ và tạo ra một bức tranh Mĩ chống lại chủ nghĩa tiền tiến châu Âu. Trong thời kì này, Curry đã tạo ra nhiều tác phẩm được công nhận nhất của ông.

John Steuart Curry (trái) và Grant Wood (phải)

Giai đoạn cuối đời và cái chết

Năm 1936, Curry được công bố là Nghệ sĩ lưu trú tại Đại học Wisconsin, một vị trí mà ông sẽ giữ trong suốt phần đời còn lại của sự nghiệp (và trên thực tế, trong suốt quãng đời ngắn ngủi còn lại của ông). Bất chấp sự an toàn này, và bất chấp việc cho ra các tác phẩm tranh tường thành công và quan trọng như Vụ đổ bộ vào Oklahama (The Oklahama landrush) (1937), giai đoạn sau của sự nghiệp của Curry được xác định bằng vụ bê bối tranh tường ở Kansas.

Năm 1936, Uỷ ban tranh tường Kansas đã chấp nhận đề xuất thiết kế của Curry cho Toà nhà bang ở Topeka. Trong bốn năm tiếp theo, ông đã vẽ bốn tấm bao gồm bức Khúc dạo đầu bi thảm (Tragic Prelude) (1937-40) nổi tiếng, trong đó miêu tả người theo chủ nghĩa bãi nô John Brown như một Moses của Michelangelo thời hiện đại.

Vào tháng 3 năm 1941, các quan chức bang và những nhân vật quan trọng khác đã phản đối những bức tranh tường của Curry tới mức đã có những bàn tán về việc loại bỏ chúng. Uỷ ban tranh tường sau đó đã từ chối dỡ bỏ một phiến đá cẩm thạch khỏi nhà vòm của Toà nhà bang mà vốn đang cản trở công việc của Curry. Quyết định này đồng nghĩa với việc các thiết kế ban đầu của Curry không thể được hoàn thành. Người hoạ sĩ từ bỏ dự án trong sự chán ghét và từ chối thêm chữ kí của mình vào những tấm tranh đã được lắp đặt xong.

Tranh tường Kansas đồng quê (Kansas Pastoral) của John Steuart Curry ở cánh Tây của Toà nhà Bang Kansas (Kansas State Capitol)
Curry coi bức tường thứ ba (tường bên phải ở ảnh phía trên ảnh này) là còn dang dở nên chưa bao giờ kí tên vào đây. Nhưng ông đã vẽ một gia đình chồn hôi ở dưới để đại diện cho những người chỉ trích ông.

Cuộc tranh cãi khiến cuộc sống cá nhân và nghề nhiệp của Curry trở nên căng thẳng. Năm 1941, ông đột ngột cắt đứt quan hệ với người bạn và cộng sự Maynard Walker của phòng trưng bày Walker, người đã đại diện cho Curry trong mười năm. Curry viết: “Trong hai năm vừa qua, tôi đã không vui và thấy chán nản về việc bán tranh của mình. Tôi đã đi tới kết luận rằng mình đã làm mọi thứ có thể cho ông, và ông cũng đã làm mọi thứ có thể cho tôi.” Thay vào đó, Curry đã kí hợp đồng với Những nghệ sĩ Mĩ liên hợp (Associated American Artists). Walker cảm thấy rất ngỡ ngàng và tổn thương, trả lời: “Có lẽ tôi đơn giản là ngu ngốc, nhưng tôi vẫn hoàn toàn không hiểu được hành động của ông.

Bất chấp những tranh cãi này, năm 1942, Curry vẫn được bầu vào Viện Văn học và Nghệ thuật Quốc gia. Vào tháng 10 cùng năm, Grant Wood qua đời. Curry gửi lời tưởng nhớ đến người đồng nghiệp hoạ sĩ theo chủ nghĩa Khu vực của mình, nói rằng “Trong những năm tới, những bức tranh của Grant Wood sẽ đứng như những tượng đài thầm lặng với cách chúng diễn giải cuộc sống này. Không có tác phẩm của nghệ sĩ đương đại nào khác có sức hấp dẫn độc đáo như tác phẩm của Grant… Người bình thường nhìn thấy trong những bức hoạ này điều gì đó mà anh ta phản ứng lại.

Vào tháng 11 năm 1943, nhà sử học nghệ thuật và bạn thân của Curry là Laurence E. Schmeckebier đã xuất bản cuốn sách John Steuart Curry’s Pageant of America (TD: Diễn cảnh lịch sử Mĩ của John Steuart Curry) – nghiên cứu tiểu sử và phê bình đầu tiên về tác phẩm và cuộc đời của Curry.

Hình ảnh phiên bản đang được bày bán ngày nay của cuốn sách 

Vào ngày 29/08/1946, John Steuart Curry qua đời vì một cơn đau tim ở Madison. Ông được chôn cất ở Winchester, Kansas ba ngày sau đó. Tờ Topeka Star đưa tin, “Trong ánh nắng vàng của một buổi chiều Chủ nhật, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của Kansas, John Steuart Curry… trở lại quê hương và được chôn cất trong sân nhà thờ của Nhà thờ Giáo hội Trưởng nhiệm Kháng cách ở đây. Trong khi khoảng 500 đồng bào người Kansas trông mong để tới đưa tiễn ông, người nghệ sĩ nổi tiếng đã an táng trong một ngôi mộ đơn giản, chỉ được đánh dấu bằng một tảng đá granit nhìn ra những cối xay gió, nhà kho, và những nông trang mà ông thường xuyên khắc hoạ… Một nghệ sĩ Kansas vĩ đại, người đã vẽ một cách táo bạo, phong cách sống động và thường gây tranh cãi, đã về nhà để ở lại mãi mãi.

Nguyên bản tiếng Anh do Adam Heardman tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu. Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê John Steuart Curry Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…