Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật vẫn còn đang tranh luận. Rothko là một nghệ sĩ gây tranh cãi trong suốt cuộc đời và cả sau khi đã mất. Ông là một trường hợp rất hiếm hoi mà hai nhà phê bình đối đầu nổi tiếng trong thời của ông là Clement Greenberg và Harold Rosenberg gần như đồng tình với nhau về quan điểm, và không phải khen ngợi. Tuy nhiên, chẳng thể nào phủ nhận ảnh hưởng to lớn của Rothko đối với nghệ thuật Hiện đại. Trong phần thứ hai của loạt bài về Mark Rothko, chúng ta tìm hiểu thời kì cuối đời, di sản, những tư tưởng của ông và những bình luận về ông.
Tiểu sử của Mark Rothko (tiếp)
Thời kì sau này
Năm 1964, Rothko nhận được một đơn đặt hàng lớn từ John và Dominique de Menil, những nhà sưu tập nghệ thuật và nhà từ thiện nổi tiếng ở Houston. Ông được giao nhiệm vụ tạo ra những bức tranh tường lớn cho một nhà nguyện không theo nhánh Ki-tô nào cụ thể do họ tài trợ trong khuôn viên của Đại học Công giáo St. Thomas, nơi Dominique là trưởng khoa Nghệ thuật. Ông đã sáng tác mười bốn bức tranh trong khi hợp tác chặt chẽ với một nhóm kiến trúc sư để xây dựng một môi trường thiền định với bảng màu tối. Nhà nguyện Rothko kể từ đó trở thành địa điểm tổ chức các cuộc gặp gỡ quốc tế của một số nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại nhất thế giới, chẳng hạn như Dalai Lama.
Vào năm 1968, Rothko bị phình động mạch chủ và phải nằm viện ba tuần. Cú đánh đưa ông tới cận kề cái chết này đã ám ảnh ông suốt quãng đời còn lại. Ông trở nên phẫn uất vì tác phẩm của mình không được tôn trọng và kính trọng đúng mức mà ông cảm thấy chúng xứng đáng. Ông cũng bắt đầu lo lắng rằng nghệ thuật của mình sẽ không tạo ra di sản lớn, điều này khiến ông thực hiện loạt tác phẩm lớn, Đen trên xám (Black on Gray), bao gồm 25 bức tranh và đánh dấu sự khác biệt rõ ràng so với các tác phẩm trước đó của ông.
Tuy nhiên, công việc không vực dậy được tinh thần của ông, và ở tuổi 66, Rothko đã tự sát bằng cách uống thuốc chống trầm cảm quá liều và rạch tay bằng dao lam. Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1970, trợ lý Oliver Steindecker của ông đến xưởng vẽ trên Phố Đông 69 và thấy ông nằm trên sàn phòng tắm, đầy máu. Nhiều bạn bè của ông không hoàn toàn ngạc nhiên khi ông tự sát, nói rằng ông đã mất đi niềm đam mê và cảm hứng. Một số người cho rằng giống như những người khác đã chết trước đó vì đấu tranh nội tâm, chẳng hạn như Arshile Gorky, Rothko (thấy mình) luôn bị hành hạ đã đầu hàng trước nghi thức tự hủy hoại của người nghệ sĩ.
Sau khi ông qua đời, ba người bạn thân nhất của Rothko được bổ nhiệm làm người quản lí tài sản của ông. Họ đã bí mật chuyển quyền kiểm soát khoảng tám trăm bức tranh cho Phòng trưng bày Marlborough, vốn đã đại diện cho Rothko trong vài năm, với một mức giá chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thị trường của chúng. Con gái của Rothko, Kate, đã đưa những người đàn ông này và phòng trưng bày ra tòa trong một cuộc tranh chấp lộn xộn và kéo dài khét tiếng. Trong suốt cuộc chiến pháp lí dai dẳng, những giao dịch đôi khi bất hợp pháp và thiếu đạo đức của giới nghệ thuật lần đầu tiên được phơi bày trước công chúng. Nhà phê bình của tờ Time, Robert Hughes, đã trích dẫn “vụ án Rothko” là thứ mang lại điều mà ông gọi là “cái chết của chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng”. Cuối cùng, những đứa con của Rothko thắng kiện và nhận được một nửa tài sản. Quĩ Rothko sau đó đã tặng phần còn lại các tác phẩm cho các bảo tàng ở Hoa Kì và nước ngoài.
Di sản của Mark Rothko
Hội hoạ chiếm trọn cuộc đời của Rothko, và mặc dù ông không nhận được sự chú ý mà tự ông cho là xứng đáng với tác phẩm của mình trong suốt cuộc đời, nhưng danh tiếng của ông đã tăng lên đáng kể trong những năm ngay sau khi ông qua đời. Tuy có bất đồng với những nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện trừu tượng nghiêm ngặt về hình thức hơn, Rothko vẫn đã khám phá tiềm năng của bố cục màu sắc và hình thức lên tâm lí con người. Đứng trước một bức Rothko là đứng trước sự rung động mạnh mẽ của những tác phẩm khổng lồ của ông; là để cảm nhận, dù chỉ trong giây lát, một phần về tính tâm linh trác tuyệt mà ông không ngừng nỗ lực gợi lên. Kiên quyết và không khoan nhượng, Rothko từ chối khuất phục trước những khía cạnh đáng chê trách của giới nghệ thuật, một lập trường được những đứa con của ông bảo vệ. Họ đã không chỉ thay đổi toàn bộ tình trạng của thị trường nghệ thuật mà còn bảo vệ quyết liệt cuộc sống và tác phẩm của cha mình.
Văn bản và ý tưởng
Giới thiệu
Nietzsche, thần thoại, và tư tưởng cách mạng xã hội và Do Thái đều là những ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời và nghệ thuật của Rothko. Ông từng viết cho tờ New York Times rằng ông sẽ không bảo vệ tranh của ông, “bởi vì chúng tự bảo vệ được chính mình“. Tuy nhiên, ông luôn là người ủng hộ mạnh mẽ các nghệ sĩ, viết nhiều bài đánh giá và tiểu luận về sự phức tạp của giới nghệ thuật.
Khoảng năm 1941, có thể là trong khoảng thời gian ông tạm dừng vẽ tranh một năm, Rothko đã viết bản thảo cho một cuốn sách có tên là The Artist’s Reality (Hiện thực của nghệ sĩ). Tuy nhiên, nó chưa bao giờ được xuất bản trong suốt cuộc đời ông, bị giấu kín trong một thư mục màu nâu ghi nhãn “giấy tờ lặt vặt” trong hơn năm mươi năm. Nó được những đứa con của ông phát hiện trong một nhà kho và sau đó được con trai ông, Christopher, biên tập và được Nhà xuất bản Đại học Yale University phát hành vào năm 2006. Những bài viết này thảo luận về các ý tưởng của Rothko về nghệ thuật Hiện đại, thần thoại, cái đẹp, bản chất của nghệ thuật Mĩ và những thách thức của việc trở thành một nghệ sĩ trong xã hội của ông. Điều độc đáo nhất của cuốn sách là nó không bao giờ đề cập đến tác phẩm của riêng Rothko, mà nói lên quan điểm của một nghệ sĩ nói chung.
Mặc dù khuynh hướng chính trị của ông rõ ràng là thiên tả, nhưng ông vẫn duy trì cách tiếp cận lí thuyết mang tính chủ quan cao.
Về việc là một nghệ sĩ
Trong The Artist’s Reality, Rothko mô tả nhận thức về nghệ sĩ trong xã hội và cách họ nuôi dưỡng những huyền thoại về sự sáng tạo thành hiện thực dựa trên đời sống tưởng tượng cá nhân của chính họ. Ông thảo luận về những cách thức mà quyền lực dưới nhiều hình thức khác nhau đã đặt ra những quy tắc mà nghệ sĩ phải tuân theo, và thị trường là kẻ độc tài mới nhất của những quy tắc này. Vào thời điểm viết cuốn sách nói trên, Thế chiến II đang bắt đầu ở Châu Âu và những lo âu về sự đồng hoá và chuyên chế khiến cho những gì Rothko viết luôn mang một cảm giác bất an.
Về tự do
Trên tất cả, Rothko đề cao sự tự do của nghệ sĩ. Chính trị và thi ca trong cuộc đời của Rothko là không thể tách rời, và nghệ thuật của ông là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này. Như ông tuyên bố vào năm ông tự sát: “Tôi vẫn là một kẻ vô trị!” Nhà phê bình Dore Ashton viết rằng Rothko không dễ dàng hòa hợp với thế giới, rằng ông luôn tìm kiếm một lối thoát. Nhìn qua lăng kính về vụ tự sát của ông, nhiều người đã đọc các bức tranh của ông như những cửa sổ mà qua đó Rothko tìm cách vượt qua một thế giới nơi ông không thể tìm thấy sự yên thân.
Về việc diễn giải tác phẩm của mình
Trong suốt những gì mình viết, Rothko luôn nhấn mạnh rằng tác phẩm của ông được tạo ra để nhìn gần và một cách thân mật, không phải để quan sát từ một khoảng cách an toàn và vô trùng. Đối với những người cảm thấy tranh của Rothko quá choáng ngợp, có lẽ họ sẽ thấy an ủi khi biết rằng ông có ý định giao tiếp với khán giả, chứ không phải hù dọa. “Tôi nhận ra rằng theo truyền thống, chức năng của việc vẽ tranh khổ lớn là một thứ gì đó rất hùng vĩ và khoa trương,” ông viết vào năm 1951. “Tuy nhiên, lí do tôi vẽ chúng… chính xác là vì tôi muốn trở nên gần gũi và nhân văn.”
Về phê bình
Hầu hết các nhà phê bình đều giải thích tác phẩm của Rothko theo lí thuyết vị hình thức, hoàn toàn đối lập với ý định truyền tải kịch tính tâm linh vĩ đại của nghệ sĩ. Có lẽ vì vậy, ông không mấy kiên nhẫn với các tác giả chuyên nghiệp bàn về tác phẩm của mình. Ông từng nói: “Tôi ghét và không tin tưởng tất cả các nhà sử học nghệ thuật, chuyên gia và nhà phê bình. Họ đều là những kí sinh trùng đang bám vào thân thể nghệ thuật. Sản phẩm của họ không chỉ vô dụng mà còn gây hiểu lầm. Họ không thể nói bất cứ điều gì đáng để lắng nghe về nghệ thuật hay nghệ sĩ.“
Greenberg nói về Rothko
Clement Greenberg viết rất ít về các tác phẩm của Rothko. Họ gặp nhau vào năm 1943, và Greenberg không mấy ấn tượng với Rothko. “Chúng tôi đã nói chuyện,” Greenberg hồi tưởng, “và tôi thấy Rothko dễ mến, nhưng tôi cũng thấy ông ấy khá cổ hủ. Sau này thì ông ấy kiêu căng hơn. Nhưng ông ấy vẫn luôn hơi cổ hủ một chút.” Chủ nghĩa vị hình thức của Greenberg khiến ông ấy thiên hướng nói về tác phẩm của Rothko theo khía cạnh “đường thẳng,” “đường phân chia,” và trên hết là “màu sắc” (tham khảo bài luận “Hội hoạ kiểu Mĩ” (American-Type Painting), 1955).
Rosenberg nói về Rothko
Harold Rosenberg, người có những phê bình chịu nhiều ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Hiện sinh hơn là chủ nghĩa vị hình thức của Greenberg, lại có sự đồng thuận rất hiếm hoi với đối thủ của mình về Rothko. Viết trong chuyên mục “Thế giới Nghệ thuật” trên tờ The New Yorker vào tháng 3 năm 1978, Rosenberg cho rằng, “Rothko đã tiêu giảm hội họa thành khối lượng, sắc độ và màu sắc, với màu sắc là yếu tố then chốt.” Ông viết thêm, “Ba hoặc bốn khối màu ngang” mà Rothko kiên trì sử dụng trong hai mươi năm chính là “phần cốt lõi của đời sống cảm xúc của ông… trải nghiệm bi kịch hân hoan… nguồn cảm hứng duy nhất của nghệ thuật.“
Porter nói về Mark Rothko
Trong bức thư gửi cho tờ Parisian Review vào năm 1955, hoạ sĩ kiêm nhà phê bình Fairfield Porter đã phản hồi lại đánh giá của Greenberg về Rothko trong bài viết “Hội hoạ kiểu Mĩ”. Greenberg khẳng định rằng “sự đối lập của màu sắc thuần tuý” của Rothko gợi nhớ đến Matisse, nhưng Porter không đồng tình. Ông lưu ý rằng tác phẩm của Rothko không cân bằng như tác phẩm của Matisse ở khía cạnh tỉ lệ và bố cục, và việc sử dụng màu sắc mang tính tượng trưng của ông không nhạy cảm bằng.
Lá thư gửi biên tập viên của Rothko và Gottlieb
Có một vài bản nháp khác nhau của bức thư gửi biên tập viên này, được đăng vào ngày 13 tháng 6 năm 1943, trong đó Rothko và Gottlieb phản hồi bài đánh giá nghệ thuật của Edward Alden Jewell trên tờ Times về tác phẩm của họ tại một triển lãm của Liên đoàn các họa sĩ và điêu khắc gia Hiện đại. Điều đáng chú ý là trong bản nháp thứ năm và thứ sáu, họ liệt kê những quan niệm của họ về nghệ thuật Hiện đại:
“Chúng tôi tin rằng hình ảnh của chúng tôi thể hiện niềm tin thẩm mĩ của chúng tôi… đối với chúng tôi, nghệ thuật là một cuộc phiêu lưu vào một thế giới chưa được biết đến, chỉ có thể được những người dám mạo hiểm khám phá ra… thế giới này thoát khỏi những thứ tầm thường và hoàn toàn đối lập với lẽ thường.. chức năng của chúng tôi với tư cách là nghệ sĩ là khiến khán giả nhìn thế giới theo cách của chúng tôi – chứ không phải theo cách của họ. Chúng tôi ưa thích sự thể hiện đơn giản của những tư tưởng phức tạp. Chúng tôi ủng hộ các hình thức phẳng vì chúng phá vỡ ảo ảnh và tiết lộ sự thật. Có một quan niệm được chấp nhận rộng rãi trong giới họa sĩ là vẽ cái gì không quan trọng miễn vẽ đẹp. Không có bức tranh đẹp nào mà không về cái gì cả. Chúng tôi khẳng định rằng chủ đề là then chốt và chỉ những chủ đề bi tráng và vượt thời gian mới có giá trị.“
Rothko và Gottlieb trò chuyện
Vào năm 1943, Mark Rothko và Adolph Gottlieb tham gia một chương trình phát thanh, nơi họ trả lời các hỏi đặt ra qua thư; câu trả lời của họ bao gồm các ý tưởng về hoạ chân dung, thần thoại, trừu tượng, và chủ đề. Trong cuộc thảo luận, Rothko cũng nói về niềm tin của mình vào một tâm lí tập thể, dựa trên cái cổ đại và thần thoại. Ông tin rằng thần thoại khám phá những điều cơ bản của trải nghiệm con người, “Nếu tựa đề [của các bức tranh của tôi] gợi nhớ đến những huyền thoại cổ đại đã biết… [Tôi] đã sử dụng chúng vì chúng là những biểu tượng vĩnh cửu mà chúng ta phải dựa vào để thể hiện những ý tưởng tâm lí cơ bản. Chúng là biểu tượng của những nỗi sợ hãi và động lực nguyên thủy của con người, bất kể ở vùng đất nào hay thời gian nào, chỉ thay đổi ở chi tiết nhưng bản chất thì không bao giờ.. và tâm lí học hiện đại thấy chúng vẫn tồn tại dai dẳng trong giấc mơ, ngôn ngữ bản địa, và nghệ thuật của chúng ta, bất chấp tất cả những thay đổi về điều kiện bên ngoài của cuộc sống.“
(còn tiếp)
Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Thu Vũ dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật