Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)

Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của trẻ em với những bức hoạ Hiện đại. Ông tiếp tục sử dụng cảm nhận ban đầu đó với màu sắc với niềm tin vốn có của của mình: “trải nghiệm bi thảm phấn khích đối với tôi là nguồn nghệ thuật duy nhất,” khi ông tạo ra những bức tranh Trường màu của mình, được tôn vinh vì sự hiện diện tâm lí và tâm linh của chúng. Trong loạt bài ba phần, chúng ta cùng tìm hiểu về một nghệ sĩ với rất nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt đỏ nhất thế giới, tuy nhiên sinh thời lại là một người có lí tưởng cách mạng xã hội mạnh mẽ và muốn vượt lên xã hội thị trường hoá.

  • Nếu bạn chỉ cảm thấy xúc động trước những mối quan hệ màu sắc, bạn đang hiểu sai vấn đề. Tôi cảm thấy hứng thú trong việc biểu hiện những cảm xúc to lớn – bi kịch, cực lạc, diệt vong.” – Mark Rothko
  • Tôi nghĩ về những hình của tôi như những vở kịch; những hình dạng trong đó là những người trình diễn. Chúng đã được tạo ra từ mong muốn về một nhóm diễn viên có thể chuyển động kịch tính mà không chút bối rối và thực hiện những cử chỉ không chút xấu hổ.” – Mark Rothko
  • Những ý tưởng và kế hoạch tồn tại trong tâm trí vào lúc ban đầu chỉ là ngưỡng cửa mà qua đó người ta rời bỏ thế giới nơi họ xuất hiện.” – Mark Rothko
  • Bởi vì các hình ảnh của tôi lớn, đầy màu sắc, và không đóng khung, và bởi các bức tường bảo tàng thường to lớn và ghê gớm, có một hiểm hoạ là những hình ảnh sẽ tự liên hệ mình với khu vực trang trí trước những bức tường.” – Mark Rothko
  • Thực tế là người ta sụp đổ và rơi lệ khi đối diện trước những hình ảnh của tôi cho thấy rằng tôi có thể giao tiếp với những cảm xúc cơ bản nhất của con người. Những người sụt sùi nước mắt trước hình ảnh của tôi đang có cùng một trải nghiệm tôn giáo mà tôi có khi vẽ chúng. Và nếu bạn nói bạn chỉ cảm thấy xúc động trước những mối quan hệ màu sắc của chúng là bạn đang hiểu sai vấn đề.” – Mark Rothko

Tóm lược về Mark Rothko

Là một nhân vật nổi bật trong số những hoạ sĩ New York School, Mark Rothko đã trải qua nhiều phong cách nghệ thuật cho đến khi tìm ra mô-típ đặc trưng những năm 1950 của mình là những hình dạng chữ nhật mềm mại trôi nổi trên một trường nhuốm màu sắc. Chịu ảnh hưởng to lớn của thần thoại và triết học, Rothko luôn khẳng định rằng nghệ thuật của mình chứa đầy nội dung và tràn ngập ý tưởng. Ông là một nhà đấu tranh quyết liệt cho tư tưởng cách mạng xã hội và quyền tự biểu hiện, Rothko cũng trình bày quan điểm của mình trong nhiều bài tiểu luận và bài phê bình.

Những thành tựu

  • Nghệ thuật của Rothko – được hình thành phần nhiều từ Nietzsche, thần thoại Hi Lạp, và di sản Nga-Do Thái của người nghệ sĩ – thấm đẫm một cách sâu sắc với nội dung cảm xúc mà ông thể hiện thông qua một loạt phong cách phát triển từ tượng hình đến trừu tượng.
  • Tác phẩm tượng hình thời đầu của Rothko – bao gồm phong cảnh, tĩnh vật, nghiên cứu hình tượng và chân dung – đã chứng tỏ khả năng trong việc kết hợp chủ nghĩa Biểu hiện và chủ nghĩa Siêu thực. Việc ông kiếm tìm các hình thức biểu đạt mới đã dẫn đến những bức tranh Trường màu, sử dụng những sắc màu lấp lánh để truyền tải cảm giác tâm linh.
  • Rothko đã duy trì những tư tưởng cách mạng xã hội thời trẻ trong suốt cuộc đời mình. Đặc biệt, ông ủng hộ quyền tự do ngôn luận toàn vẹn của các nghệ sĩ, điều mà ông cảm thấy bị thị trường xâm phạm. Niềm tin này khiến ông mâu thuẫn với cơ sở của giới nghệ thuật, khiến ông phải công khai phản ứng với các nhà phê bình và đôi khi từ chối các đơn đặt hàng, bán hàng, và triển lãm.

Tiểu sử của Mark Rothko

Tuổi thơ

Sinh ra ở Dvinsk, Nga (mà giờ đây là Latvia), Marcus Rothkovich là đứa con thứ tư của cặp vợ chồng Jacob và Anna Rothkovich. Vì Nga là một môi trường thù địch cho những người Do Thái theo phong trào Quốc phục, ông Jacob nhập cư vào Mĩ với hai người con trai lớn của mình vào năm 1910, và toàn bộ gia đình kể từ năm 1913. Họ định cư ở Portland, Oregon, mặc dù Jacob qua đời chỉ vài tháng sau khi gia đình ông cập bến, buộc những người ở lại phải chật vật kiếm sống ở đất nước mới dù chỉ nói tiếng Do Thái và tiếng Nga. Rothko buộc phải học tiếng Anh và đi làm từ khi còn rất nhỏ, khiến ông cảm thấy cay đắng vì mất tuổi thơ. Cậu tốt nghiệp sớm từ trường trung học Lincoln, tỏ ra quan tâm đến âm nhạc hơn là nghệ thuật thị giác. Cậu được trao học bổng vào học ở Đại học Yale, nhưng nhanh chóng nhận thấy môi trường ở đây bảo thủ và mang tính loại trừ; ông rời đi trước khi tốt nghiệp vào năm 1923.

Ảnh gia đình Rothkowitz trước khi rời quê hương, vào khoảng 1910. Marukus Rothkowitz (Mark Rothko) ngồi dưới cùng bên trái, đang ôm chú chó nhỏ.

Đào tạo ban đầu

Sau khi rời Yale, Rothko lên đường đến thành phố New York, như ông nói “để ăn mày một chút và đói một chút.” Trong vài năm tiếp theo, ông nhận những công việc lặt vặt khi đăng kí tham gia các lớp vẽ tĩnh vật và vẽ người của Max Weber ở Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật, nơi duy nhất ông nhận đào tạo nghệ thuật. Những đào tạo ban đầu của Rothko chủ yếu là chân dung, khoả thân, và cảnh thành thị. Sau một thời gian ngắn làm việc ở rạp hát trong chuyến quay lại thăm Portland, Rothko được chọn để tham gia một triển lãm nhóm năm 1928 với Lou Harris và Milton Avery tại phòng trưng bày Opportunity. Đây là một cuộc đảo chính đối với một thanh niên nhập cư đã bỏ học đại học và chỉ mới bắt đầu vẽ tranh ba năm trước đó.

Thời kì trưởng thành

Vào giữa thập kỉ 1930, những hiệu ứng của cuộc Đại Suy thoái đã lan rộng khắp xã hội Mĩ, và Rothko bắt đầu lo ngại về những tác động chính trị và xã hội của tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Điều này khuyến khích ông tham dự các cuộc họp của Hiệp hội Nghệ sĩ theo cánh tả. Tại đây, ông cùng nhiều nghệ sĩ khác đã đấu tranh để giành được một phòng trưng bày của thành phố, bên cạnh những vấn đề khác, và cuối cùng được cấp phép.

Làm việc trong Phòng giá vẽ của Cơ quan Quản lí Tiến độ, Rothko đã gặp nhiều nghệ sĩ khác, nhưngông cảm thấy thoải mái nhất khi làm việc với một nhóm chủ yếu bao gồm các hoạ sĩ người Nga gốc Do Thái khác. Nhóm này, bao gồm những nhân vật như Adolph Gottlieb, Joseph Solman, và John Graham, cùng nhau triển lãm ở phòng trưng bày Secession vào năm 1934, và được biết đến là “Bộ Thập” (The Ten). Vào năm 1936, triển lãm Bộ Thập: Những người bất đồng với Whitney được trưng bày ở phòng trưng bày Mercury, khai mạc chỉ đúng ba ngày sau triển lãm của bảo tàng Whitney mà họ phản kháng.

Danh sách tiềm năng cho Bộ Thập, trích từ sổ tay của Louis Schanker

Tác phẩm của Rothko vào những năm 1930, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Biểu hiện, được đặc trưng bởi những cảnh đô thị ngột ngạt thể hiện qua những tông màu a-xít, ví dụ như bức Lối vào ga tàu điện ngầm (Entrance to Subway) (1938). Tuy nhiên, vào những năm 1940, ông bắt đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Siêu thực và từ bỏ Biểu hiện để chuyển hướng sang vốn hình ảnh trừu tượng hơn, kết hợp các hình thức của con người, cây cối, và động vật. Ông ví những hình ảnh này với biểu tượng cổ xưa mà ông cảm thấy có thể truyền tải những cảm xúc bị nhốt lại trong những huyền thoại cổ xưa. Rothko nhận thấy con người đang bị nhốt trong một cuộc đấu tranh thần thoại với ý chí tự do và bản chất của mình. Năm 1939, ông tạm ngừng vẽ hoàn toàn để đọc thần thoại và triết học, tìm thấy sự cộng hưởng đặc biệt trong cuốn Birth of Tragedy (Sự khai sinh của bi kịch) của Nietzsche. Ông không còn quan tâm đến sự tương đồng mang tính tái hiện và trở nên say mê với sự diễn đạt của biểu hiện nội tâm.

Lối vào ga tàu điện ngầm (1938) của Mark Rothko

Trong suốt thời gian này, cuộc sống cá nhân của Rothko bị che phủ bởi tình trạng trầm cảm nặng nề và thậm chí là rối loạn lưỡng cực chưa được chẩn đoán. Vào năm 1932, ông kết hôn với nhà thiết kế trang sức Edith Sachar, nhưng li dị bà vào năm 1945 để cưới Mary Alice Beistel, người mà ông sẽ có hai đứa con chung.

Trong khi Rothko có xu hướng được xếp cùng nhóm với NewmanStill như một trong ba người truyền cảm hứng chính cho sự ra đời của hội hoạ Trường màu, các tác phẩm của Rothko đã trải qua nhiều sự thay đổi phong cách đột ngột và rõ ràng. Sự chuyển hướng mang tính xác quyết xảy ra vào cuối những năm 1940 khi người nghệ sĩ bắt đầu tạo ra nguyên mẫu cho những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình. Kể từ đó, chúng được gọi là những “đa hình thái” của ông: các hình tượng được loại bỏ hoàn toàn và các bố cục chịu chi phối của những khối màu có viền mềm trông như trôi nổi trong không gian. Rothko muốn xoá bỏ mọi chướng ngại giữa hoạ sĩ, bức tranh, và người xem.

Cam và Vàng (Orange and Yellow) (1956) của Mark Rothko – Sơn dầu trên toan. Bảo tàng Nghệ thuật Buffalo AKG, New York, Mĩ 

Phương pháp mà ông sử dụng là dùng màu lấp lánh để làm tràn ngập vùng nhìn của khán giả. Những bức tranh của Rothko nhằm mục đích bao bọc hoàn toàn người xem và nâng họ lên khỏi xã hội thương mại, cơ giới hoá khiến những người nghệ sĩ như ông tuyệt vọng. Vào năm 1949, Rothko đã giảm đáng kể số lượng hình thức trong các bức tranh của mình và phát triển chúng sao cho chúng lấp đầy toan vẽ, lơ lửng trên những trường màu lấm lem chỉ hiện ra ở phần viền của chúng. Những tác phẩm này, những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được gọi là những “tranh mảng”, và Rothko cảm thấy chúng đáp ứng tốt hơn mong muốn tạo ra những biểu tượng phổ quát cho niềm khao khát của con người. Ông tuyên bố rằng những bức tranh của mình không phải những bộc lộ về bản thân ông mà là những tuyên bố về số phận nhân sinh.

Rothko rồi sẽ tiếp tục làm việc với những “tranh mảng” cho đến cuối đời. Chúng được coi là khá bí ẩn vì chúng mâu thuẫn về mặt hình thức với mục đích của chúng. Bản thân nghệ sĩ tuyên bố rằng những thay đổi trong phong cách của mình được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong việc làm rõ nội dung. Những bổ cục mang tính tổng thể, những ranh giới mờ nhạt, tính liên tục của màu sắc, và tính toàn vẹn của hình thức đều đã là những yếu tố giúp Rothko phát triển hướng tới trải nghiệm siêu nghiệm về cái trác tuyệt – mục tiêu của ông. Ông tuyên bố: “Sự tiến triển trong tác phẩm của một hoạ sĩ, khi nó di chuyển từ điểm này qua điểm khác theo thời gian, sẽ hướng tới sự rõ ràng, hướng tới sự loại bỏ mọi trở ngại giữa hoạ sĩ và ý tưởng, cũng như giữa ý tưởng và người xem.

Tác phẩm của Rothko được trưng bày trong một triển lãm của ông tại Fondation Louis Vuitton, Paris, Pháp vào tháng 10/2023. Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP

Rothko đã giành được nhiều danh hiệu trong sự nghiệp của mình, bao gồm cả việc được mời làm một trong những đại diện của Hoa Kì tại Venice Biennale năm 1958. Tuy nhiên, sự tán tụng dường như chẳng bao giờ làm dịu đi được tinh thần chiến đấu của Rothko. Khi được quỹ Guggenheim trao giải thưởng, ông đã từ chối nó như một sự phản kháng lại ý tưởng rằng nghệ thuật nên có tính cạnh tranh. Ông luôn tự tin và thẳng thắn với niềm tin của mình: “Tôi không phải là một người vị Trừu tượng,” ông từng nói thế. Rothko đặt mình xa khỏi việc phân loại tác phẩm của ông như “hội hoạ phi đối tượng tràn ngập màu sắc.” Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng tranh của ông dựa trên những cảm xúc “bi kịch, cực lạc, diệt vong.” Ông cho rằng nghệ thuật không phải là về các mối quan hệ hình thức, mà có thể hiểu được về mặt đời sống con người. Ông cũng phủ nhận việc mình là một người vị màu sắc – phó mặc cho thực tế là màu sắc có tầm quan trọng hàng đầu đối với các bức tranh của ông.

Bức tranh đắt nhất trên thị trường hiện nay của Mark Rothko – Số 6 (Tím, lục, và đỏ) (No 6. [Violet, Greeen, and Red] (1951). Vào năm 2014, nó được Dmitry Rybolovlev mua với giá 180 triệu $. Ken Griffin được cho là đã mua lại vào năm 2024 với giá không rõ.

Rothko luôn sẵn sàng bảo vệ niềm tin của mình ngay cả khi ông phải trả giá đắt cho việc ấy. Trong một hành động trả thù chắc chắn là sẽ tự chuốc lấy thất bại, ông đã từ chối đề nghị mua hai bức tranh của ông từ Whitney vì “ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với đời sống mà những tác phẩm của tôi sẽ mang tới cho thế giới này.” Một dự án quan trọng khác có kết cục không mấy vui vẻ là loạt tranh tường mà ông hoàn thành cho toà Seagram năm 1958. Ban đầu, ý tưởng kết hợp tác phẩm vào trong một môi trường kiến trúc đã hấp dẫn Rothko vì ông rất ngưỡng mộ các nhà nguyện của Michelangelo và Vasari. Ông đã dành hai năm để thực hiện ba bộ tranh cho toà nhà này vì không hài lòng với hai bộ đầu tiên; sau đó, ông trở nên không vừa ý với ý tưởng rằng những bức tranh của mình sẽ được treo trong nhà hàng Four Seasons xa xỉ. Đặc biệt, lí tưởng xã hội của Rothko đã khiến ông từ bỏ đơn đặt hàng này, vì ông không thể dung hoà tầm nhìn cá nhân hay sự chính trực của mình trong tư cách nghệ sĩ với một môi trường phô trương.

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Thu Vũ dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi mark rothko New York School Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…
Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)
Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)
Biểu hiện Trừu tượng là trào lưu nghệ thuật cuối cùng khép lại chủ nghĩa/thời kì Hiện đại trong lịch sử nghệ thuật. Nhiều người cũng coi đây là phong…