Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)

Biểu hiện Trừu tượng là trào lưu nghệ thuật cuối cùng khép lại chủ nghĩa/thời kì Hiện đại trong lịch sử nghệ thuật. Nhiều người cũng coi đây là phong trào đi xa nhất trong địa hạt trừu tượng – xu hướng quan trọng mang tính định nghĩa của Hiện đại. Trong đó, hội hoạ Trường Màu (Color Field Painting) là một trong những phong cách nổi trội và Clyfford Still, dù không nổi tiếng với đại chúng bằng nhiều nghệ sĩ đương thời khác, là người đầu tiên khám phá. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ông trong bài viết này.

  • Đây không phải là những bức tranh theo nghĩa thông thường, chúng là sự sống và cái chết hoà với nhau trong một sự hợp nhất đáng sợ. Đối với tôi, chúng đốt lên một ngọn lửa; qua chúng mà tôi thở lần nữa, nắm một sợi dây bằng vàng, tìm thấy mặc khải của chính mình.” 
  • Tôi không có hứng thú với việc minh hoạ về thời đại của mình. ‘Thời’ của một người giới hạn anh ta, nó không thực sự giải phóng y. Thời đại của chúng ta – nó là của khoa học – của quyền lực và cái chết. Tôi không nhìn thấy đức hạnh trong việc thêm vào sự kiêu căng khổng lồ của nó lời khen ngợi của sự tôn kính đồ hoạ.
  • Tôi không bao giờ muốn màu là màu. Tôi không bao giờ muốn kết cấu là kết cấu, hay hình ảnh trở thành hình dạng. Tôi muốn tất cả chúng hoà quyện vào với nhau thành một linh hồn sống.
  • Tác phẩm của tôi không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ ai.
  • Như trước đây, những bức tranh tồn tại không cần bất cứ loại tiêu đề nào. Tôi không muốn bất cứ ám chỉ nào can thiệp hay hỗ trợ người khán giả. Trước chúng, tôi muốn anh ta chỉ có một mình, và nếu anh ta thấy nơi chúng một vốn hình ảnh không tử tế hay khó chịu hay độc ác, hãy để anh ta nhìn vào tình trạng của linh hồn chính mình.
  • Bạn có thể tắt đèn đi. Những bức tranh này mang ngọn lửa của chính chúng.
  • Thật không thể chịu nổi khi bị chặn lại bởi cạnh của một chiếc khung.

Tóm lược về Clyfford Still

Mặc dù không được biết đến rộng rãi như một vài người cùng thời thuộc trường phái New York, Clyfford Still là người đầu tiên có bước đột phá trong một phong cách mới và hoàn toàn trừu tượng, không có chủ đề rõ ràng. Những tác phẩm trưởng thành của ông sử dụng những trường màu sắc tuyệt vời để gợi lên những xung đột kịch tính giữa con người và thiên nhiên diễn ra trên quy mô hoành tráng. Still từng nói “Đây không phải là những bức tranh theo nghĩa thông thường, chúng là sự sống và cái chết hoà với nhau trong một sự hợp nhất đáng sợ… chúng đốt lên một ngọn lửa; qua chúng mà tôi thở lần nữa, nắm một sợi dây bằng vàng, tìm thấy mặc khải của chính mình.” Là một người tin vào giá trị đạo đức của nghệ thuật trong một thế giới hiện đại mất phương hướng, Still sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ hoạ sĩ Trường màu thứ hai.

Clyfford Still trong xưởng của mình.

Thành tựu

  • Chủ đề quan trọng nhất của Still là cuộc đấu tranh sinh tồn của con người chống lại các thế lực tự nhiên, một khái niệm được thể hiện dưới dạng các hình thức nằm thẳng đứng vươn lên một cách thách thức trong phần lớn các tác phẩm của ông, và một cuộc đấu tranh mà ông gợi lên trong cụm từ “sự cần thiết theo chiều thẳng đứng của cuộc sống.
  • Những trường màu rộng lớn của ông đôi khi được ví như những hang động hoặc vực thẳm rộng lớn được chiếu rọi trong chốc lát bằng những tia sáng chát chúa.
  • Sự phát triển của Still về hướng hội hoạ trừu tượng thuần tuý vào giữa những năm 1940 đã có trước và ảnh hưởng đến một dịch chuyển tương tự về hướng nghệ thuật phi đại diện của những người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng cùng thời.
  • Still là một nhân vật khó tính khét tiếng, thường xa lánh giới nghệ thuật New York, chống lại hầu hết những lời chỉ trích đối với tác phẩm của mình và cố gắng hết sức để kiểm soát cách bán, sưu tầm, và triển lãm tranh của mình.

Khung cảnh bên ngoài và bên trong bảo tàng Clyfford Still ở Denver, Colorado, Mĩ

Tiểu sử Clyfford Still

Tuổi thơ

Sinh ra ở Grandin, North Dakota, vào năm 1904, Clyfford Still đã trải qua những năm tháng khôn lớn ở Spokane, Washington và ở Alberta, Canada, nơi gia đình ông duy trì một trang trại lúa mì ở nơi bấy giờ là tiền đồn cuối cùng của biên giới Bắc Mĩ. Mặc dù sau này ông phủ nhận tầm quan trọng của nơi này, nhưng phong cảnh rộng lớn và bằng phẳng cùng lối sống khắc nghiệt của thảo nguyên Canada rồi sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới thế giới quan và thực hành nghệ thuật của Still.

Chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng từ những trường màu vàng lớn chói lọi dễ thấy trong tác phẩm của Still tới những thảo nguyên vàng bát ngát của Alberta, Canada

Đào tạo ban đầu

Sau một thời gian ngắn tham gia Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật ở New York, Still trở lại Washington vào năm 1926 và đăng kí học tại Đại học Spokane. Ông học hội hoạ, văn học, và triết học trong suốt thập kỉ sau đó, tốt nghiệp trường Spokane năm 1933 và nhận bằng Thạc sĩ Mĩ thuật tại trường Cao đẳng bang Washington (Washington State College) năm 1935. Ông ở lại để giảng dạy tại bang này trong vài năm.

Hội hoạ của Still trong thời kì này trải từ những cảnh nông nghiệp ảm đạm gợi nhớ tới chủ nghĩa Khu vực Mĩ, như bức Vô đề (Những căn nhà Anh-điêng, Nespelem) (1936), cho tới những tác phẩm có cảm hứng Siêu thực chủ nghĩa hơn như Vô đề (1935), nơi cơ thể người được tiêu giảm thành những hình thức hoàn toàn trừu tượng. Tuy nhiên, chủ đề cơ bản của tất cả những tác phẩm này dường như là nỗ lực sinh tồn của một con người trong một môi trường không khoan dung – một khái niệm đôi khi được biểu tượng hoá bằng những hình dạng thẳng đứng vươn lên thách thức một phong cảnh nằm ngang. Trong thời kì này, chúng ta thấy sự xuất hiện cách phối màu (tông màu tối, sắc đất, điểm bằng các nét nhá màu sáng) và kĩ thuật (các lớp sơn màu dày được quết lên bằng bay) mà sẽ thống trị toàn bộ các tác phẩm của nghệ sĩ.

Đập Grand Coulee (Grand Coulee Dam) (1937) của Clyfford Still. Bộ sưu tập tư nhân. Bên cạnh chủ đề được cho là gợi nhớ tới chủ nghĩa Khu vực Mĩ, nhiều tác phẩm trong thời kì này của Still cũng phản ánh một sự ảnh hưởng nhất định từ Paul Cézanne thay vì thẩm mĩ thường thấy đương thời của chủ nghĩa nói trên, tạo nên sự phức tạp cho tiếp cận sáng tác của Still.

Thời kì trưởng thành

Still chuyển nơi ở nhiều lần vào đầu thập kỉ 1940, đầu tiên là tới California (nơi ông kết bạn với Mark Rothko), sau đó đến Virginia (nơi ông giảng dạy tại Học viện Chuyên nghiệp Richmond), và cuối cùng đến New York vào năm 1945. Đây là sự khởi đầu của một thời kì đặc biệt hiệu quả với ông và những tác phẩm mà ông trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật của Thế kỉ này của Peggy Guggeheim (Peggy Guggenheim’s Art of This Century Gallery), năm 1946, là minh chứng với một phong cách độc đáo và mang tính cách mạng nằm ở đỉnh sự nghiệp trưởng thành của Still.

Trong những tác phẩm có quy mô hoành tráng này, tất cả những hình dạng có thể nhận ra là con người đã bị loại bỏ và thay thế bằng những hình dạng giống như ngọn lửa bốc lên theo chiều dọc xuyên qua những cánh đồng tối tăm và rộng lớn. Cùng với việc áp dụng phong cách phi-đại diện, Still cũng bắt đầu ngại sử dụng các tiêu đề mang tính tham chiếu cho các sáng tác của mình và cuối cùng sẽ sử dụng một danh pháp bao gồm chỉ có số và ngày tháng. Tác phẩm 1944-N số 2, sáng tác năm 1944, là điển hình cho cả phong cách và cách đặt tiêu đề của ông trong thời kì này.

1944-N Số 2 (1944-N No.2) (1944) của Clyfford Still. Sơn dầu trên toan. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mĩ. Tác phẩm này đi đôi với 1944-N Số 1 và còn được biết đến với cái tên ‘Chớp đỏ trên đồng đen’.

Trong bối cảnh hội hoạ Mĩ, những bức tranh của Still từ thời kì này đánh dấu một bức tiến rất độc đáo vào sự trừu tượng, và chúng rồi sẽ chứng tỏ tầm ảnh hưởng lớn tới các nghệ sĩ New York mà sau đó trở thành những người cắt nghĩa chính yếu của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ của ông với những nghệ sĩ này, Still vẫn luôn phản đối quan điểm cho rằng ông là một phần của bất kì trường phái hay phong trào nào, và ông luôn tự cho mình là một kẻ ngoài cuộc. Trên thực tế, mặc dù hoạt động ở New York nhưng Still đã dành rất nhiều thời gian ở Bờ Tây trong những năm này. Ông đã sáng tác phần lớn tác phẩm của mình ở đó và bắt đầu nhiệm kì giảng dạy gây ảnh hưởng lớn tại trường Mĩ thuật California vào năm 1947.

Still quay trở lại New York vào năm 1950 và dành phần lớn thập kỉ kế tiếp ở thành phố này. Ông tiếp tục khám phá và mở rộng các chủ đề đặc trưng của mình, tinh chỉnh các hoạ tiết và giới thiệu các yếu tố mới vào trong tác phẩm. Đáng chú ý hơn cả, ông bắt đầu đưa ra các vùng toan để trần trong tranh và bắt đầu làm việc với các bố cục theo chiều ngang càng ngày càng tăng. Tuy nhiên, vốn là một nhân vật khét tiếng là gắt gỏng, Still càng ngày càng vỡ mộng trước nền nghệ thuật New York. Ông xung đột với hầu hết những người cùng thời – dẫn đến việc chấm dứt tình bạn lâu dài với Rothko, Pollock, Newman – và cắt đứt quan hệ với các phòng trưng bày của ông. Năm 1957, ông thậm chí còn từ chối triển lãm tác phẩm ở gian trưng bày của Mĩ tại Venice Biennale. Vào khoảng thời gian này, Still cũng bắt đầu đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về cách các tổ chức có thể cho mượn và trưng bày tranh của ông. Trong nhiều trường hợp, ông thậm chí còn từ chối cho phép bất kì nghệ sĩ nào khác được trưng bày tác phẩm bên cạnh tác phẩm của ông.

Từ trái qua phải: Mark Rothko, Clyfford Still, và nhà sử học nghệ thuật, nhà quản lí và giám đốc bảo tàng Douglas MacAgy ở công viên Sutro Heights, San Francisco (1946)

Những năm cuối đời và cái chết

Năm 1961, Still chuyển đến một trang trại ở Westminster, Maryland. Ông tiếp tục hoạt động nghệ thuật cho đến khi qua đời vào năm 1980, nhưng không bao giờ quay lại với giới nghệ thuật New York nữa. Ông coi nơi đó là phù phiếm và suy đồi một cách vô vọng. Thay vào đó, ông làm việc ẩn dật, chỉ trưng bày các tác phẩm của mình khi có thể kiểm soát trọn vẹn tình hình triển lãm của chúng.

Di sản của Clyfford Still

Do những hạn chế mà Still áp đặt vào việc sưu tập và triển lãm các bức tranh của ông, phần lớn tác phẩm của ông vẫn chưa được biết đến cho tới khi thành phố Denver có thể xây dựng một bảo tàng riêng cho Still vào năm 2011. Trong lịch sử, các đánh giá về sự nghiệp của ông có xu hướng xoay quanh việc thảo luận về tính cách khó gần của ông cũng nhiều như việc phê bình các tác phẩm để đời của ông. Tuy nhiên, khi xem xét ảnh hưởng của Still đối với những người cùng thời với ông ở trường phái New York, rõ ràng là những bức tranh của ông cực kì quan trọng đối với việc thành lập trường phái chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Cũng rõ ràng rằng Still, cả bằng cách giảng dạy và tạo ra những tấm gương, vẫn tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vô số nghệ sĩ trong những năm sau đó.

Các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu qua các thời kì

1936: Vô đề (Những căn nhà Anh-điêng, Nespelem) (Untitled [Indian Houses, Nespelem])

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập Douglas Sandberg, San Francisco, Mĩ

Bức Vô đề (Những căn nhà Anh-điêng, Nespelem) là tác phẩm đặc trưng cho tạo tác nghệ thuật của nghệ sĩ từ cuối thập kỉ 1920 cho đến giữa những năm 1930. Nó được thực hiện tại thị trấn Nespelem, thuộc Khu bảo tồn người da đỏ Coleville, nơi Still đồng sáng lập một thuộc địa của nghệ sĩ vào năm 1937. Trong tác phẩm này, Still tổng hợp những ảnh hưởng của Gustave Courbet, Paul Cézanne và chủ nghĩa Khu vực Hoa Kì, đồng thời bắt đầu hình thành triết lí và phong cách nghệ thuật của riêng mình.

Kh. 1935: Vô đề

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập tư nhân

Là một hỗn hợp của cơ thể và phong cảnh, Vô đề biểu tượng cho ảnh hưởng của chủ nghĩa Siêu thực đối với nghệ thuật của Still vào giữa những năm 1930. Nó cũng cho thấy sự phát triển của tiếu tượng cá nhân và gợi ý về mối quan tâm lâu dài của người nghệ sĩ với thần thoại, thực hành shaman của người Mĩ bản đĩa, và các hoạ tiết vật tổ. Nhà sử học nghệ thuật David Anfam đã miêu tả hình ảnh này như một bức tranh đầy mâu thuẫn, cái đầu có khuôn mặt dữ tợn gợi lên sự vô trùng, trong khi vị trí rõ ràng của nó, ở trên cao so với phong cảnh, lại gợi lên một linh hồn bay bổng.

Kh. 1944: 1944-N số 2 (1944-N No.2) – cũng được biết đến với tên ‘Chớp đỏ trên đồng đen’ (‘Red Flash on Black Field’)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, Mĩ

Tác phẩm 1944-N Số 2 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình Still hướng tới hội hoạ hoàn toàn phi đại diện. Cùng với chủ đề thuần tuý trừu tượng, bức tranh còn thể hiện một số công cụ khác mà ông sẽ sử dụng trong suốt sự nghiệp của mình: mối quan hệ năng động giữa hình thức ngang và dọc; một bảng màu chủ yếu là màu tối được làm nổi bật bởi các vùng màu sáng; một bề mặt có kết cấu chất liệu rõ rệt do sử dụng bay pha màu; và việc áp dụng một hệ thống đặt tên tác phẩm không tham chiếu bao gồm số và ngày tháng.

Bức 1944-N Số 2 cũng đáng chú ý vì là một trong số ít bản sao mà Still tạo ra trong suốt sự nghiệp của mình. Mặc dù những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng thường tạo ra những bức tranh theo loạt với bố cục rất giống nhau, nhưng quan niệm của họ về hành động của họa sĩ như một sự kiện, như một biểu hiện của cảm xúc, đã ngăn cản họ tạo ra những bản sao. Tuy nhiên, có vẻ như Still đã nhìn nhận cả bức tranh này và cặp của nó, 1944-N Số 1, là giống hệt nhau về đặc điểm và phẩm chất.

1948: 1948-C

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Hirshhorn và vườn Điêu khắc, Viện Smithsonian, Washington DC, Mĩ

Bức 1948-C đóng vai trò như một ví dụ hoàn hảo về phong cách trưởng thành của Still khi hình thành vào khoảng giữa tới cuối thập kỉ 1940: sự tượng hình đã biến mất hoàn toàn, được thay thế bằng không gì ngoài một trường màu sắc kì lạ, nứt vỡ. Tác phẩm thể hiện mối quan hệ kịch tính đặc trưng giữa các yếu tố bố cục – tiền cảnh và hậu cảnh; sáng và tối – mối quan hệ mà người nghệ sĩ ví như “sự sống và cái chết hoà với nhau trong một sự hợp nhất đáng sợ”. Nó cũng đặc trưng cho tác phẩm của Still từ cuối những năm 1940 trong việc chịu chi phối bởi các màu được vẽ từng bảng màu ở tận cực của quang phổ – ở đây là màu vàng rực.

1957: 1957-D-Số 1 (1957-D-No. 1)

Still bắt đầu chuyển hướng về phía những bức tranh theo hướng dọc nhiều hơn vào khoảng giữa những năm 1950, một sự thay đổi được thể hiện rõ ràng trong bức tranh 1957-D-Số 1. Trong tác phẩm này, những tia màu sắc thoáng qua làm gián đoạn khoảng không gian tối tăm của những bức tranh trước đó giờ trở thành những  hình dạng thẳng đứng có tỉ lệ hoành tráng trồi trụt trên một bố cục gần giống như tranh tường. Nhà sử học nghệ thuật David Anfam đã quan sát cách Still bị thu hút bởi những bố cục gợi lên “sự bao bọc và giải phóng, ngăn chặn và phóng thích bấp bênh,” ở đây, sự căng thẳng kịch tính của màu vàng và đen gợi ra chính xác sự tương phản đó.

1974: Vô đề (Untitled)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, Mĩ

Tác phẩm này đặc trưng cho thời kì cuối sự nghiệp của still sau khi chuyển tới vùng thôn quê Maryland vào năm 1961. Nó cho thấy một bảng màu nhạt hơn rất nhiều so với những tác phẩm trước đấy, mặc dù vẫn giữ được cảm giác về một cấu trúc lỏng lẻo, giống như lưới, bên dưới những mô-típ trừu tượng, một đặc điểm rõ ràng trong những tác phẩm từ trước. Tác phẩm còn gây chú ý với diện tích lớn toan để trần nhìn thấy được trên bề mặt bức tranh.

Nguyên bản tiếng Anh do David Kupperberg tổng hợp và viết, Những cộng sự của The Art Story hiệu đính, Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, minh hoạ và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Clyfford Still Color Field Painting Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…