Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
Nối tiếp nội dung tóm lược, các ý tưởng và thành tựu chính, cũng như tổng quan lịch sử của Arts & Crafts trong phần 1 của loạt bài 3 phần về trào lưu, chúng ta đến với phần 2. Trong phần này, chúng ta tìm hiểu sâu hơn về sự phát triển của Arts & Crafts ở các khía cạnh khác nhau và tại hai quốc gia chính của phong trào là Anh và Mỹ.
Xã hội, cộng đồng, và triển lãm
Thành công của Morris và sự chú trọng của ông vào hình ảnh đồng quê và bản địa đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác thành lập những hiệp hội nơi mà các nhóm nghệ sĩ và nghệ nhân hợp tác trong những thiết kế trên nhiều phương tiện sáng tạo.
Vào năm 1882 Arthur Heygate Mackmurdo đã sáng lập Nghiệp đoàn Thế kỷ (The Century Guild), một nhóm hướng tới bảo tồn thủ công và tính chân thực của nghệ sĩ, những người có sản phẩm bao gồm đồ nội thất, kính màu, đồ kim loại, tranh trang trí, và thiết kế kiến trúc. Nghiệp đoàn đã đạt được sự công nhận từ một số cuộc triển lãm trong suốt những năm 1880 trước khi tan rã năm 1892. Tương tự, năm 1884 Eglantyne Louisa Jebb thành lập Hiệp hội Các ngành công nghiệp và Nghệ thuật gia đình – hiệp hội tài trợ trường học và những cơ hội tiếp thị cho những cộng đồng ở vùng quê để giúp họ duy trì các ngành tiểu thủ công nghiệp; trong vòng 5 năm hiệp hội đã phát triển tới mức bao gồm 450 lớp học với 1000 giáo viên hướng dẫn 5000 học sinh.
Năm 1887, Hiệp hội Triển lãm Nghệ thuật và Thủ công (Arts & Crafts Exhibition Society), nguồn gốc tên cho phong trào, được thành lập tại London, với Walter Crane là chủ tịch đầu tiên. Hiệp hội tổ chức buổi triển lãm đầu tiên vào tháng 11 năm 1888 ở New Gallery. Mục đích là để “[phớt lờ] sự khác biệt giữa mỹ thuật và nghệ thuật trang trí” và cho phép “người lao động đạt được danh hiệu nghệ sĩ.” Chiếm phần lớn là nghệ thuật trang trí và được hỗ trợ bởi một loạt các sản phẩm mạnh của Morris & Co., hai triển lãm đầu tiên đã đạt những thành công về mặt tài chính. Sau khi chuyển sang chu kỳ ba năm bắt đầu từ năm 1893, các cuộc triển lãm của Hiệp hội đã giúp tạo dựng hình tượng cho phong trào Arts & Crafts trong mắt công chúng và chứng tỏ là những thành công quan trọng trong thế kỷ mới – mặc dù vào những năm 1920, các vấn đề dai dẳng về khâu tổ chức và mối ác cảm của tổ chức đối với sản xuất máy cuối cùng đã chấm dứt sứ mệnh ban đầu của nó.
Kiến trúc và sự đa dạng trong phương tiện sáng tạo
Một phần vì Arts & Crafts tạo thành một triết lý sống toàn diện thay bằng chỉ là một phong cách thẩm mỹ riêng biệt, phạm vi của nó mở rộng đến hầu hết mọi khía cạnh của nghệ thuật trang trí, thiết kế và kiến trúc. Có rất ít nhà thiết kế Arts & Crafts, đặc biệt là trong số các kiến trúc sư, làm việc mà không kết nối nhiều phương tiện khác nhau. Philip Webb, Charles Francis Annesley Voysey, William Lethaby, Charles Robert Ashbee và Richard Norman Shaw là những minh chứng cho xu hướng tổng thể này – hơn nữa, hiếm khi tìm thấy một kiến trúc sư tiến bộ nào ở Vương quốc Anh vào nửa sau của thế kỷ 19 mà sự nghiệp của họ không được chạm tới bởi Arts & Crafts.
Trong kiến trúc, phong trào Nghệ thuật & Thủ công không phát triển thành một phong cách xây dựng cụ thể, nhưng có thể được nhìn thấy trong vô số luồng phong cách. Tuy nhiên, có thể cho tòa nhà Arts & Crafts mỹ nghệ tinh túy là bungalow gỗ kiểu Mỹ cổ điển – ngôi nhà vuông vắn, chắc khỏe, dành cho một gia đình, gồm một hoặc hai tầng với hiên nhà nổi bật, được phân biệt bởi một mái nhà có bản lề với mái hiên rộng nhô ra được hỗ trợ bởi các thanh xà dày.
Ở cả Anh và Hoa Kỳ, nét thẩm mỹ đơn giản, không trang trí và thô sơ của Arts & Crafts có thể được kết hợp với nhiều sở thích phong cách khác nhau – Queen Anne, Eastlake, phục hưng Tudor, Stick Style, phục hưng thuộc địa Tây Ban Nha, và phục hưng Gothic là nổi bật nhất. Ở Anh, phong trào Thành phố Vườn và các thị trấn công ty như Port Sunlight thường sử dụng các phong cách “lai” dựa trên Arts & Crafts như vậy trong thiết kế nhà ở của họ.
Mối quan hệ với Art Nouveau
Một phong cách đặc biệt có chung nhiều đặc tính về mặt lý thuyết và chất lượng thị giác với Arts & Crafts là Art Nouveau – vốn hình thành một phần từ Arts & Crafts ở Châu Âu vào cuối những năm 1880. Cả Arts & Crafts và Art Nouveau đều đặt trọng tâm vào thiên nhiên và tuyên bố phong cách Gothic là nguồn cảm hứng; cả hai đều trải dài toàn bộ bề rộng của các nhánh nghệ thuật khác nhau, với trọng tâm là nghệ thuật trang trí và kiến trúc cũng như sức mạnh của chúng trong việc định hình lại toàn bộ môi trường sống của con người; và về mặt trực quan, cả hai phong cách đều sử dụng đến một thẩm mỹ nông thôn, giản dị bằng cách sử dụng đá và gỗ đẽo thô.
Rất khó để phân loại đầy đủ nhiều nhà thiết kế là thuộc phong trào Arts & Crafts hay thuộc phong cách Art Nouveau. Henry van de Velde, Charles Rennie Mackintosh, Will Bradley, và một loạt các nghệ sĩ và kiến trúc sư khác chỉ là một vài trong số những nghệ sĩ được mô tả theo các cách khác nhau là đứng giữa ranh giới này, do vậy phân loại họ vẫn là không rõ ràng.
Nhiều nghệ sĩ Art Nouveau thậm chí còn thoải mái thừa nhận món nợ của họ đối với những văn bản và triết lý của William Morris. Tuy nhiên, trong khi Arts & Crafts nhấn mạnh vào sự đơn giản và coi máy móc là một vấn đề nghiêm trọng, thì Art Nouveau thường chào đón sự phức tạp và công nghệ mới, đôi khi đến mức che giấu sự thật về vật liệu để tạo hiệu ứng hình ảnh.
Art Nouveau cũng dựa trên nền tảng phong cách rộng hơn nhiều so với Arts & Crafts, tìm cảm hứng từ Baroque, Romanesque, Rococo và thậm chí cả các nguồn Hồi giáo và Đông Á bên cạnh Gothic. Chính cái tên “Nghệ thuật mới” của nó đã nói lên những nỗ lực quốc tế nhằm phát minh ra một phong cách cho thế kỷ 20 thay vì từ chối các điều kiện của cuộc sống hiện đại. Do đó, Art Nouveau cũng ít được liên kết hơn Arts & Crafts với sức mạnh thay đổi hoàn toàn thái độ và thói quen xã hội, mà thường được sử dụng để tô điểm và mê hoặc người xem vào một thế giới mộng mơ đầy khoái lạc, đôi khi nhuốm màu kỳ lạ.
Sự phát triển sang Hoa Kỳ
Arts & Crafts của Anh được biết đến ở Hoa Kỳ từ những năm 1860, và những ý tưởng của họ đã được phổ biến tự do thông qua các tờ báo và tạp chí trong suốt những năm 1880 và 1890. Một mốc quan trọng là năm 1897, năm mà Triển lãm Arts & Crafts Hoa Kỳ đầu tiên bắt đầu vào tháng 4 tại Hội trường Copley và Allston ở Boston, trưng bày hơn 1000 đồ vật của 160 thợ thủ công, một nửa trong số đó là phụ nữ. Thành công của nó đã khai sinh ra Hiệp hội Nghệ thuật & Thủ công vào cuối tháng 6, cống hiến chính nó cho “phát triển và khuyến khích các tiêu chuẩn cao hơn trong ngành thủ công”, với trọng tâm là “sự cần thiết của sự tỉnh táo và kiềm chế” trong thiết kế, cùng với “xem xét mối quan hệ giữa hình thức của một đồ vật và công dụng của nó”.
Charles Eliot Norton, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Harvard, từng là chủ tịch đầu tiên của SAC. Cũng quan trọng không kém, cùng năm đó tại Hull House ở Chicago dưới sự bảo trợ của Jane Addams, Hiệp hội Nghệ thuật & Thủ công được tổ chức, như một sự phát triển mạnh mẽ của Phong trào Tiến bộ, hoạt động như một công cụ để dạy những người nhập cư mới những kỹ năng hữu ích để tự hỗ trợ bản thân.
Ngay cả trước đó, tinh thần tập thể của Arts & Crafts đã đến với các nhà cải cách đầy tham vọng của Mỹ. Năm 1895, Elbert Hubbard, một cựu nhân viên bán xà phòng yêu sách, hoạt ngôn đã đến thăm nước Anh và say mê những ý tưởng của William Morris, đã thành lập cộng đồng cải cách của những người thợ thủ công ở Đông Aurora, New York, có tên là Roycroft. Trong hai mươi năm tiếp theo, tổ hợp thợ kim loại, các cửa hàng đồ nội thất, thợ làm đồ da, và (tất nhiên) thợ in và đóng sách của Hubbard sẽ trở thành một trong những đại diện hăng hái nhất của phong trào ở Mỹ cho đến khi ông qua đời tại Lusitania vào tháng 5 năm 1915.
Các cộng đồng không tưởng tương tập trung xung quanh Arts & Crafts đáng chú ý xuất hiện ở những nơi như Rose Valley, Pennsylvania và Byrdcliffe Colony ở Woodstock, New York. Năm 1907, nhà sản xuất đồ nội thất Gustav Stickley thành lập một trường lao động chân tay dành cho nam sinh có tên là Craftsman Farms ở Parsippany, New Jersey, như một môi trường Arts & Crafts nhập vai và thử nghiệm, nhưng nó nhanh chóng thất bại về tài chính và Stickley thay vào đó đành chuyển gia đình vào sống trong những tòa nhà của trường.
Văn hóa Doanh nghiệp
Không giống như những người cùng phong trào với họ ở Anh, nhiều người Mỹ thực hành và ủng hộ Arts & Crafts được thúc đẩy bởi động cơ tư bản rõ rệt, coi thẩm mỹ đơn giản của trào lưu như một cách để hình dung xã hội đại chúng tiêu dùng mới được tạo ra bởi quá trình công nghiệp hóa cuối thế kỷ 19 với một loại ảnh hưởng đạo đức sẽ tạo ra cảm giác hòa hợp xã hội. Hubbard và Stickley, những người có thiết kế đồ nội thất được bán theo đơn đặt hàng qua đường bưu điện và thông qua nơi trưng bày sản phẩm ở thành phố New York, đã làm rất nhiều điều để thúc đẩy ý tưởng này: Hubbard thông qua tạp chí The Fra và Stickley thông qua tạp chí của ông là The Craftsman, cuối cùng đã mang lại cho Arts & Crafts với biệt danh thay thế phổ biến “Phong cách Thợ thủ công” (Craftsman Style). Những ấn phẩm như vậy bề ngoài được thành lập với mục đích thúc đẩy lối sống giản dị, việc sử dụng các vật liệu thủ công một cách trung thực và tinh thần độc lập trong thiết kế và xây dựng cho mọi người, nhưng mục đích rõ ràng của chúng là tiếp thị sản phẩm của các nhà xuất bản tương ứng. Đồng tình với quan điểm như vậy, các nhân vật lớn của Phong trào Thủ công & Nghệ thuật Hoa Kỳ hoàn toàn coi máy móc như một lợi thế cho sản xuất hàng loạt và do đó lợi nhuận cao hơn, không phải là trở ngại cho chất lượng.
Việc thương mại hóa Arts & Crafts ở Hoa Kỳ có thể được nhìn thấy rõ nhất trong các cơ quan công ty lớn sản xuất và tiếp thị hàng thủ công của họ với số lượng lớn, tuy nhiên khía cạnh này không làm giảm giá trị của chúng trên thị trường sưu tầm kể cả ngày nay. Các xưởng đồ gốm như Rookwood, Greuby Faience, Marblehead, Teco và Overbeck là một số cái tên nổi tiếng nhất về mặt này, những tác phẩm của họ thường chỉ được biết đến bởi các nghệ danh công ty của họ, do đó làm giảm – ít nhất là cho đến gần đây – danh tính và tín nhiệm được trao cho cá nhân các nhà thiết kế và các nhà sản xuất và trang trí.
Ban đầu, trường hợp này cũng là trường hợp tại Newcomb Pottery vì lợi nhuận, một phần của trường nghệ thuật thuộc trường cao đẳng cho nữ sinh cùng tên tại Đại học Tulane ở New Orleans. Các cơ sở sản xuất đồ gốm nhỏ hơn khác, chẳng hạn như Eagle ở Arkansas (nhà sản xuất Niloak) và Bybee ở Kentucky, thể hiện tính cách đôi khi mang đặc tính vùng rõ rệt của thiết kế Arts & Crafts. Tuy nhiên, kỹ năng của một số cá nhân với thực hành riêng của họ, chẳng hạn như nghệ nhân gia công kim loại Dirk van Erp và nghệ nhân gốm Ernest Batchelder, cả hai đều ở California, thể hiện bản chất đa dạng của Arts & Crafts ở Hoa Kỳ.
Chính trị
Là một phong trào nghệ thuật mang tính phản ứng đặc biệt phát triển từ bình luận xã hội và chủ trương cải cách, phong trào Arts & Crafts được định sẵn sẽ gắn liền với chính trị. Bản thân Morris là nhân vật quan trọng nhất về Arts & Crafts với tư cách là một nhà xã hội chủ nghĩa và chống chủ nghĩa đế quốc đầy kiên định. Ông đã thành lập Liên đoàn Xã hội chủ nghĩa vào năm 1884 và ủng hộ cuộc cách mạng của công nhân trên toàn thế giới, diễn thuyết công khai khắp Vương quốc Anh, và biên tập tờ báo của Liên đoàn, Commonweal. Morris đã dành nhiều thời gian hơn trong những năm 1880 với tư cách là một nhà hoạt động chính trị hơn là một nhà thiết kế, tuy nhiên danh tiếng là một nhà thơ đã đi trước ông trong suốt cuộc đời, điều này ít nhất một phần giải thích tại sao các cáo phó của ông từ năm 1896 hầu như không đề cập đến quan điểm chính trị của ông. Nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp của Morris, chẳng hạn như William Lethaby và Walter Crane, cũng là những người theo chủ nghĩa xã hội lỗi lạc.
Trong khi vẫn ngưỡng mộ và thúc đẩy mong muốn của Morris trong việc khôi phục niềm vui cho cả lao động nghệ thuật và lao động chân tay, những người theo đuổi Arts & Crafts ở Mỹ phần lớn phớt lờ hoặc bác bỏ quan điểm chính trị của Morris.
Ví dụ, Hubbard và Stickley không giấu giếm tham vọng tư bản của họ và tiếp thị tác phẩm của họ một cách rõ ràng cho khán giả thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng như một sự bổ sung, chứ không phải phản ứng chống lại hệ thống kinh tế do công nghiệp hóa. Hubbard đã hết lời ca ngợi Morris, Ruskin, Lev Tolstoy và những người khác, đến những năm 1910 đã phát triển thành một người nhiệt thành bảo vệ tự do doanh nghiệp và sự khéo léo của người Mỹ, khiến ông bị chỉ trích là kẻ “phản bội”.
Phong trào ở Hoa Kỳ cũng không tập trung vào các vấn đề giới tính: trong khi có nhiều phụ nữ trong số những người hành nghề và những người ủng hộ, bao gồm một số người nổi bật như Jane Addams và kiến trúc sư Julia Morgan, một số nữ nghệ sĩ Arts & Crafts được sự công nhận đáng kể trong đời họ, và một số khác lại thậm chí bị giới hạn trong loại lao động mà họ được phép thực hiện trong quá trình sáng tạo. Tại Newcomb Pottery ở New Orleans, đặc biệt dành riêng cho giáo dục nghệ thuật nữ, chỉ những nam nghệ nhân (thường là Joseph Meyer) mới được phép bỏ đi những chiếc bình mà các nữ sinh đã vẽ.
Người dịch: Nhung
Nguồn: The Art Story
Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!