Hội hoạ hành động (Action Painting) (Phần 2)

Hội hoạ hành động đã trở thành một trong những dấu mốc đáng kể của hành trình cách mạng về cách hiểu nghệ thuật và nghệ sĩ của chủ nghĩa Hiện đại – tôn vinh quá trình sáng tạo ngang hàng với tác phẩm cuối cùng. Trong phần hai của loạt bài về trào lưu, chúng ta sẽ đi sâu vào khái niệm, phong cách và xu hướng của Hội họa Hành động, nơi mọi mỗi nét vẽ là dấu ấn của tâm hồn nghệ sĩ. Từ những cử động phóng khoáng của Jackson Pollock khi ông vung cọ trên những tấm toan rộng lớn, đến những cú quét cọ mạnh mẽ của Willem de Kooning và Franz Kline, Tranh Hành động vượt ra khỏi nghệ thuật thị giác và trở thành biểu hiện tinh thần và thể chất mãnh liệt. Như thế, người nghệ sĩ trở thành một phần của chính tác phẩm, với mọi cử chỉ đều mang ý nghĩa và nội tâm sâu sắc.

Một phác thảo là hình thức sơ bộ của một hình ảnh tâm trí cố gắng nắm bắt. Làm việc từ phác thảo làm dấy lên nỗi hồ nghi rằng nghệ sĩ vẫn nhìn nhận toan vẽ như một nơi chốn để tâm trí ghi lại nội dung của nó – thay bằng chính nó, tâm trí nơi hoạ sĩ nghĩ bằng cách thay đổi một bề mặt bằng sơn vẽ.” – Harold Rosenberg

Những trái táo không phải bị quét khỏi bàn để lấy chỗ cho những mối quan hệ hoàn hảo của không gian và màu sắc. Chúng phải ra đi để không có gì cản đường hành động vẽ.” – Harold Rosenberg

Điều bạn làm khi vẽ đó là cầm lấy một cây cọ nhúng đầy màu, đưa màu lên hình ảnh, và có niềm tin.” – Willem de Kooning

… bài tiểu luận năm 1952, ‘Những hoạ sĩ hành động Mĩ’ [là] một trong những nỗ lực xuất bản đầu tiên ban cho chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng ý nghĩa.” – Fred Orton

Hội hoạ hành động: Khái niệm, phong cách và xu hướng

Tranh cử chỉ

Tranh Hành động đã trở nên đồng nghĩa với tranh cử chỉ của đa dạng các nghệ sĩ như Jackson Pollock, Willem de Kooning và Franz Kline. Điển hình nhất, hành động của hội hoạ Hành động được liên kết với cách người nghệ sĩ đưa màu lên toan. Những người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng đã không sử dụng những chiếc bút lông nhỏ và tỉ mẩn tô màu. Những họa sĩ cử chỉ này thường sử dụng cọ vẽ lớn để tạo các nét quét trên bức tranh, và chính hành động của cử chỉ đó, không chỉ cử động bàn tay mà thường là cả cánh tay của một người, đã trở thành định nghĩa của Tranh Hành động trong hình dung phổ biến. Nét vẽ được đọc như là chỉ số chuyển động của họa sĩ.

Hành động về mặt thể chất như vậy của họa sĩ có miêu tả nổi tiếng nhất là bộ phim năm 1951 của Hans Namuth và các bức ảnh về tranh của Pollock. Chúng ta thấy Pollock di chuyển xung quanh các mép bức tranh của mình – thậm chí đôi khi còn bước vào đó – nhúng một họa cụ vào hộp sơn và hướng sơn về bức tranh bằng cách vươn cánh tay của ông phía trên khoảng không và bắn sơn ra khỏi cọ. Những đống hỗn độn của các nét sơn nhỏ giọt, những vết loang lổ bắn tung tóe, và những vũng sơn của Pollock mời gọi người xem suy nghĩ về những hành động mà Pollock đã sử dụng để thực hiện chúng. Cách các bức tranh nhỏ giọt được tạo ra không thể tách rời cách chúng hiện ra.

Jackson Pollock đang để sơn nhỏ giọt xuống toan từ cọ của mình. Ảnh do Martha Holmes cung cấp.

Trong số nhiều người khác, tác phẩm của Willem de Kooning, Robert Motherwell, Norman Bluhm, Franz Kline và Hans Hofmann đã thể hiện phong cách cá nhân cao, tất cả theo một cách nào đó đã thu hút sự chú ý đến hành động thực hiện – cuộc càn quét của một chiếc cọ dày sơn cho de Kooning, một vũng sơn bắn hoang dã cho Bluhm, một nhát sơn đen cho Kline. Trong tất cả các tác phẩm của các họa sĩ này, cách thức thực hiện đã trở thành nội dung của tác phẩm.

Từ trên xuống: Bố cục (Composition) (1955) của Willem de Kooning, Vô đề (Untitled) (1964) của Norman Bluhm, và Mahoning (1956) của Franz Kline.

Tranh trường màu

Sự tương đương giữa tranh cử chỉ và Tranh Hành động phần lớn là kết quả của những diễn giải theo sau ý tưởng của Rosenberg, và các học giả và nhà phê bình thường bỏ qua thực tế rằng Rosenberg nghĩ là các nghệ sĩ như Barnett Newman, Mark Rothko, Clyfford Still, và thậm chí cả Ad Reinhardt cũng rơi vào địa hạt của Tranh Hành động. Trong khi Clyfford Still sau đó bác bỏ các ý tưởng về hành động của Rosenberg, thì bản thân ông cũng thường nói về hành động vẽ tranh. Năm 1952, cùng năm khi bài luận của Rosenberg được xuất bản, Still viết, “Chúng ta giờ đây cam kết thực hiện một hành động không được bảo chứng chất lượng, không minh họa cho những huyền thoại lỗi thời hoặc những điều giả dối đương thời. Một người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì anh ta làm. Và thước đo cho sự vĩ đại của anh ta nằm ở chiều sâu trong cái nhìn sâu sắc và sự can đảm của anh ta trong việc thực hiện hóa tầm nhìn của chính mình.” Lời giải thích của Rosenberg về động lực của các nghệ sĩ Mĩ rồi sẽ vang vọng lời tuyên bố lớn của Still.


Bức ảnh huyền thoại tập trung nhiều tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật Mĩ giữa thế kỉ 20

Cử chỉ mà Rosenberg đã viết về trong bài tiểu luận “Những họa sĩ hành động Mĩ” là cử chỉ khởi động khi đưa sơn lên toan. Như ông giải thích, “Thời điểm quan trọng đã đến vẽ được quyết định là… chỉ để VẼ. Cử chỉ trên bức tranh là một cử chỉ của sự giải phóng…” Đối với Rosenberg, không nhất thiết là sơn trên bức tranh phải trông có tính cử chỉ. Nếu diễn giải một cách cực đoan, hầu hết mọi bức tranh đều có thể là Tranh hành động, và một trong những lời chỉ trích phổ biến nhất đối với ý tưởng của Rosenberg là người ta không thể đánh giá một bức tranh Hành động dựa trên vẻ ngoài của nó mà thay vào đó phải suy ra tính chân thực trong dụng ý của người họa sĩ. Tuy nhiên, Rosenberg sẽ không đi quá xa khi tuyên bố Rembrandt hoặc Monet là những họa sĩ Hành động, vì ông đang nói cụ thể về một nhóm các nghệ sĩ cùng chí hướng đang làm việc cùng thời ở thành phố New York.

Tachisme và Trường phái thứ hai của Paris

Như một phản ứng riêng trước sự tàn phá do Thế chiến thứ hai gây ra, các nghệ sĩ châu Âu đã phát triển phiên bản chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, hay Tranh Hành động của riêng họ. Trào lưu Tachisme là một phong trào hội họa của châu Âu liên quan chặt chẽ đến hai tờ tạp chí Art InformelArt Brut và được phát triển một phần nhờ nhà phê bình Michel Tapié. Giống như trường phái New York, trường phái thứ hai ở Paris bao gồm nhiều hứng thú nghệ thuật khác nhau. Một nghệ sĩ nổi tiếng gắn liền với thuật ngữ này, Jean Fautrier, đã sử dụng các bức tranh của mình để gợi ý về kết cấu của sự đau đớn của cơ thể. 

Tác phẩm của Jean Frautier

Sử dụng các phương pháp tự động hóa, các bức tranh của ông thường không được tính toán trước và trông như thể được vẽ nhanh chóng, che giấu kỹ thuật liên quan mà ông đã sử dụng. Một họa sĩ khác có liên hệ với Tachisme, Nicolas de Staël, đã tìm cách dung hòa sự trừu tượng của họa sĩ với một kiểu tái hiện mang tính gợi ý. Các bức tranh của ông từ năm 1950 trở đi chứng tỏ mối quan tâm ngày càng tăng đối với sự khởi đầu của hội họa – ứng dụng của cọ vẽ lên toan – trong khi tiếp tục gợi ý những đường nét nổi bật của phong cảnh, với tiền cảnh và chân trời.

Gutai

Năm 1954, một thời gian ngắn sau khi Rosenberg phát triển Tranh hành động ở Mĩ, một nhóm nghệ sĩ Nhật Bản đã tụ tập quanh Jirō Yoshihara ở thành phố nhỏ Ashiya, gần Osaka. Họ quan tâm đến việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cho thấy rõ hành động tạo tác. Yoshihara là nằm trong số những nhà tiên phong đầu tiên về trừu tượng ở Nhật Bản. Tìm cách phát triển một trường phái hội họa chặt chẽ hơn, ông đã bỏ tiền ra và lãnh đạo tổ chức Gutai Bijutsu Kyōkai, Hiệp hội Nghệ thuật Cụ thể. Không giống như các Họa sĩ hành động Mĩ, Gutai có tính tổ chức cao, xuất bản tạp chí cùng tên của riêng mình và thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm nhóm. Những người đóng góp hàng đầu cho nhóm là Kazuō Shiraga và Atsuko Tanaka.

Không gian triển lãm “Giữa hành động và cái chưa biết: Nghệ thuật của Kazuo Shiraga và Sadamasa Motonaga” năm 2015 ở Bảo tàng Nghệ thuật Dallas, Mĩ. Ảnh: Chad Redmon

Trong thập kỉ 1950, những người ủng hộ phương thức hội họa năng động này ngày càng nhận ra mối liên hệ giữa các họa sĩ Mĩ, Nhật Bản và châu Âu thời đó. Năm 1958, một cuộc triển lãm lớn về tác phẩm từ cả ba lục địa đã được tổ chức tại Tokyo tại cửa hàng bách hóa Takashimaya. Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế về Kỉ nguyên Mới, do Michel Tapié, nhà phê bình hàng đầu của Art Informel ở Pháp phụ trách một phần, là một cột mốc quan trọng đối với sự công nhận của quốc tế đối với chế độ Tranh Hành động.

Những phát triển sau này – Hậu Tranh hành động

Sau thế hệ Họa sĩ hành động ban đầu, các họa sĩ như Francis Bacon và Cy Twombly đã phát triển các phong cách cử chỉ đặc biệt của riêng họ. Trong các bức tranh ban đầu của mình, cụ thể là Twombly lấy cử chỉ của Họa sĩ hành động, đôi khi được nghĩ đến như là nét chữ độc đáo, và bỏ đi hoàn toàn khả năng hùng biện và cảm xúc hiện sinh của nó. Để đối lập với sự kiên quyết nhấn mạnh vào tính cá nhân của những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, Twombly đã hạ thấp vai trò của nghệ sĩ với tư cách là người sáng tạo nguyên gốc, làm nổi bật bản chất máy móc của chữ viết trong các bức tranh bảng đen của ông và tính ẩn danh của graffiti.

Vô đề (Untitled) (1967) của Cy Twombly

Tuy nhiên, nhìn chung, Hội hoạ Hành động đã bị thay thế bởi những nghệ sĩ mà đã đưa sự chối bỏ chủ nghĩa vị hình ảnh (Pictorialism) của họa sĩ Hành động thêm một bước. Tại nơi mà Tranh hành Hộng phủ nhận tầm quan trọng của “tính thẩm Mĩ”, một số nghệ sĩ tuyên bố rằng đó thậm chí không cần phải là tàn dư hoặc sử liệu của hành động nghệ thuật, nhấn mạnh trọng tâm của hành động sáng tạo trong và của chính nó. Thực tế, nghệ thuật trình diễn và những thứ liên quan nó đã đưa “bức tranh” ra khỏi Tranh Hành động. “Diễn biến” (happenings) của Allan Kaprow đã tìm cách từ chối hoàn toàn các chất liệu của hội họa. Kaprow muốn một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ những thứ ngay xung quanh – không phải là sự hỗn tạp của sơn mà Tranh Hành động đã thực hành.

(Chicken) (1962) – một trong rất nhiều happenings của Allan Kaprow

Những buổi biểu diễn ban đầu của Yves Klein có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh dấu sự suy thoái của triết lí Tranh hành động. Tác phẩm Nhân trắc học (Anthropometries) của ông, được dàn dựng vào năm 1960 và sử dụng phụ nữ làm “cọ vẽ sống” đã tìm cách loại bỏ người nghệ sĩ khỏi bất kì sự liên quan nào đến việc áp sơn lên bề mặt nhưng tiếp tục phát triển quan niệm của Rosenberg bằng cách tiết lộ rõ ​​ràng quá trình chế tạo. 

Một phần quá trình và kết quả của quy trình tạo nên tổng thể là tác phẩm Nhân trắc học

Trong khi Rosenberg yêu cầu khán giả suy nghĩ về một bức tranh về những gì nghệ sĩ đã làm trong sự riêng tư của xưởng vẽ, Klein đã mạnh dạn bước ra ánh nhìn của công chúng và trình diễn công khai về những gì đã tạo nên tác phẩm của mình. Bất chấp những lời chỉ trích sau đó của Rosenberg về nghệ-thuật-dựa-trên-trình-diễn, mà ông cho là cách hiểu sai về Tranh Hành động, những đổi mới của Klein đã truyền cảm hứng cho một thế hệ nghệ sĩ và những hướng đi xa hơn trong việc ghi dấu ấn nghệ thuật.

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Luke Farey tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính, viết tóm tắt và các thành tựu chính, Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa

Cùng tác giả

#Tag

Action Painting hội hoạ hành động Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…
Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)
Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)
Biểu hiện Trừu tượng là trào lưu nghệ thuật cuối cùng khép lại chủ nghĩa/thời kì Hiện đại trong lịch sử nghệ thuật. Nhiều người cũng coi đây là phong…