Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật

Trong phần 3 cũng là phần cuối cùng của loạt bài Art Nouveau, chúng ta tìm hiểu những tác phẩm quan trọng của trào lưu, cũng như tác giả của chúng, sắp xếp theo trình tự thời gian.

Bìa cuốn Những nhà thờ thành phố của Wren (1883) của Arthur Heygate Mackmurdo

Tranh khắc gỗ trên giấy

Bản khắc gỗ của Mackmurdo là một minh chứng cho sự ảnh hưởng tới Art Nouveau từ cách thiết kế đặc trưng của Anh quốc, đặc biệt là phong trào Nghệ thuật và Thủ công (Arts and Crafts). Thể loại tranh khắc gỗ làm nổi bật chất lượng thủ công độc đáo của tác phẩm và sự đơn giản trong việc sử dụng không gian âm và dương của Mackmurdo, cả hai đều góp phần vào việc thể hiện sự liên kết của giữa hai trường phái trong thực hành của ông.

Trong khi đó, các hình dạng vừa trừu tượng vừa tự nhiên của Mackmurdo cùng các đường cong whiplash cá biệt là đặc trưng của cảm nhận thị giác về chuyển động tự do và năng lượng sẽ là những yếu tố định nghĩa nên Art Nouveau. Việc nhấn mạnh vào hình ảnh hoa lá và cây cối trên thiết kế bìa này dù nó không thực sự phù hợp với chủ đề của cuốn sách cũng làm nổi bật ý đồ trang trí của nó, như muốn nói rằng tác phẩm của Mackmurdo chỉ mang tính thử nghiệm, và không phải là một ví dụ dứt khoát, hoàn thiện về Art Nouveau. 

Bản khắc gỗ là thứ đáng giá hơn nhiều so với phần nội dung thực tế của quan sách là những mô tả lan man, mơ hồ về kiến ​​trúc của các nhà thờ Baroque ở London do Sir Christopher Wren thiết kế.

Áp phích La Goulue tại Moulin Rouge (1891) của Henri de Toulouse-Lautrec

In thạch bản, thuộc bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia 

Toulouse-Lautrec là một trong những nghệ sĩ đồ họa quan trọng nhất của Art Nouveau, một người có công nâng tầm áp phích từ lĩnh vực quảng cáo phù du trở thành nghệ thuật cao cấp trong những năm 1890 (cũng là thập kỷ mà nhiều tạp chí nghệ thuật được thành lập chỉ để dành cho loại hình này). Lautrec và các nghệ sĩ đồ họa cùng chí hướng hiểu rằng họ đã đổi mới, mặc dù nhãn phong cách “Art Nouveau” có lẽ đã không được gắn họ cho tới sau cái chết của Lautrec vào năm 1901.

La Goulue tại Moulin Rouge nắm bắt lấy sự rực rỡ và lộn xộn của chiếc váy của một vũ công can-can Pháp, phá vỡ chúng thành một vài đường nét đơn giản, nhịp nhàng, làm gợi lên cảm giác về sự chuyển động và không gian xung quanh. Việc làm bẹt các hình khối thành những đường viền đơn thuần kết hợp với cách vẽ màu phẳng gợi nhớ tới món nợ của Art Nouveau đối với các bức tranh in Nhật Bản cũng như thứ ánh sáng trong các hộp đêm mà làm cho các chi tiết trên bề mặt của người và các vật thể khác trở nên bị mờ nhạt. Tương tự như vậy, tên của quán viết bằng chữ màu đỏ lặp đi lặp lại biểu hiện năng lượng nhiệt huyết đến từ các buổi biểu diễn mà các vũ công như La Goulue (nghệ danh của Louise Weber, một trong những người bạn của Lautrec) chiếm vị trí trung tâm.

Chiếc váy con công (The Peacock Skirt) (1894) của Aubrey Beardsley

Tranh minh họa bằng mực

Beardsley vẽ bức Chiếc váy con công minh họa cho vở kịch Salome năm 1892 của Oscar Wilde, lấy cảm hứng từ một câu chuyện trong Kinh thánh xoay quanh việc Salome ra lệnh chém đầu thánh Gioan Baotixita và bày cái đầu đó trên một cái đĩa. (Salome là một đề tài phổ biến đối với nhiều nghệ sĩ Art Nouveau, bao gồm cả Victor Prouvé.) Bộ sưu tập Salome của Beardsley tương đối “lành” so với một số tác phẩm gợi dục hơn và gần chạm đến ngưỡng khiêu dâm của ông. 

Đây là một dẫn chứng điển hình cho việc nhiều nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của Art Nouveau rất chú trọng vào đường nét, thường trừu tượng hoá các nhân vật trong tranh của họ để tạo nên những đường uốn lượn kiểu cách vô cùng đặc trưng của phong cách này. Người ta thậm chí có thể coi đây như một ví dụ về cách sử dụng ngôn ngữ hình ảnh với một sự xa hoa dư thừa – đặc tính sẽ gây nên những lời chỉ trích về sau. 

Bằng chứng của sự ảnh hưởng từ các bản in Nhật Bản có nằm trong hình thức thể hiện mảng phẳng của tác phẩm của Beardsley. Nhưng tranh minh họa này cũng có thể được coi là một ví dụ của một trào lưu đương thời là chủ nghĩa Thẩm mỹ (Aestheticism), và trong mặt này, nó thể hiện rằng Art Nouveau chồng chéo và tương tác với nhiều phong cách khác cùng thời.

Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng Budapest (1893-96) của Ödön Lechner và Gyula Pártos

Được thiết kế bởi Ödön Lechner cùng với người cộng sự của ông là Gyula Pártos, Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng Budapest, đôi khi được gọi là “Gaudi của Hungary”, là một ví dụ cho một phong cách Art Nouveau riêng của Hungary (thường được gọi là Hungarian Secession do sự gần với Vienna Secession) bao gồm sự pha trộn từ nhiều phong cách lịch sử khác nhau hơn là khám phá ra một phong cách hoàn toàn mới lạ. 

Công trình này tọa lạc trên một khu đất hình thang, bao quanh một sân mà chiếm phần lớn là một giếng trời bằng kính nằm phía sau mặt tiền chính. Toà nhà từ trong ra ngoài đều chứa những nét mỹ thuật bắt nguồn từ sự kết hợp giữa kiến ​​trúc Hồi giáo và Ba Tư thể hiện trong các mái vòm nhiều thùy phức tạp, các mái vòm hình chuông hay các chóp nhọn chạm khắc hình củ hành theo kiểu Baroque Trung Âu. 

Cũng giống như tác phẩm của Gaudí, tòa nhà được với rất nhiều chi tiết trang trí, được ghép nối ở khắp mọi nơi bằng gạch ngói, kính màu và đá tạo ra hiệu ứng đa sắc sống động giúp mắt người xem chuyển động và gợi nhớ tới những sự thống nhất hài hòa của nghệ thuật ứng dụng ở đây trong việc tạo ra một “tác phẩm nghệ thuật tổng lực” (Gesamtkunstwerk).

Lối vào các ga tàu điện ngầm Paris (1900) của Hector Guimard

Khi Hector Guimard được đặt hàng thiết kế các lối vào ga tàu điện ngầm nổi tiếng này, Paris và London là hai thành phố duy nhất đã có xây dựng một tuyến đường sắt ngầm. Thiết kế của Guimard đáp ứng mong muốn ăn mừng và quảng bá cơ sở hạ tầng mới này với một cấu trúc táo bạo nổi bật trên đường phố Paris.

Các lối vào sử dụng các hình thức xoắn và hữu cơ đặc trưng của Art Nouveau mà thoạt trông như liền mạch, nhưng thực tế được cấu trúc lên từ một số bộ phận bằng gang dễ dàng sản xuất hàng loạt tại Osne-le-Val ở phía đông Paris.Trên thực tế, Guimard đã che giấu một khía cạnh của tính hiện đại của thiết kế này dưới tính liên tục quanh co của nó, một chiến lược biểu hiện thái độ phổ biến của Art Nouveau đối với thời đại hiện đại. Do đó, thiết kế của Guimard là công cụ để đưa các thiết kế phức tạp, tốn nhiều công sức của Art Nouveau đến với khán giả đại chúng, những người vốn coi phong cách này như biểu tượng của sự sang trọng không thể đạt được.

Ernst-Ludwig-Haus, Darmstadt (1900-01) của Joseph Maria Olbrich

Đây là tác phẩm trung tâm của Lãnh thổ Nghệ sĩ (Künstler-Kolonie) mới của Darmstadt, được thành lập vào năm 1899 dưới sự bảo trợ của Đại công tước Ernst Ludwig vùng Hessen, một người ngưỡng mộ phong trào Nghệ thuật & Thủ công. Nó được thiết kế bởi J.M. Olbrich, một trong những nghệ sĩ sáng lập lãnh thổ, người mà Công tước đã săn trộm từ Vienna Secession. (Olbrich đã thiết kế tòa nhà triển lãm của Ly khai ba năm trước đấy.)

Giống như tòa nhà Ly khai, Ernst-Ludwig-Haus rất vuông vức, với ngoại thất màu trắng lấp lánh được che phủ bởi một mái dốc nhẹ, nằm trên đỉnh đồi. Điều này được bù đắp bởi lối vào chính có mái vòm, nằm ở vị trí trung tâm, được tạo nên bởi hoa văn hình học mạ vàng như những đám mây bao quanh cửa, phía trước là các tác phẩm điêu khắc đôi nam nữ của Ludwig Habisch là hình ảnh nhân cách hóa Sức mạnh và Sắc đẹp. Các cửa sổ trần dốc kéo dài chiều dài phía sau của cấu trúc tiết lộ chức năng của nó như một trong những tòa nhà theo trường phái Art Nouveau hiếm hoi được thiết kế chỉ làm không gian xưởng. Nó từng là trung tâm của buổi triển lãm khai mạc của nhóm Darmstadt vào năm 1901. Mặc dù chỉ Lãnh thổ chỉ tồn tại cho đến khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1914, ngày nay công trình vẫn phục vụ như một bảo tàng về những nỗ lực nghệ thuật của họ.

Mẫu số 342, đèn “Wisteria” của Clara Driscoll làm cho Tiffany Studios, New York

Pha lê và đồng mài

Đèn bàn là một số mặt hàng theo trường phái Art Nouveau nổi tiếng nhất được sản xuất bởi công ty của Louis Comfort Tiffany. Mẫu số 342, thường được gọi là “Wisteria,” là một trong những mẫu đắt nhất. Phần đế bằng đồng giống như rễ và thân dưới của một cái cây, với phần phía trên bằng pha lê trông giống như những tán hoa tử đằng rủ xuống từ một vương miện hình những cành cây bằng đồng. Những cánh hoa lơ lửng này dường như nhỏ giọt như những giọt nước, được tạo ra từ gần 2.000 mảnh thủy tinh được lựa chọn riêng biệt tạo ra ánh sáng ấm áp nhưng mềm mại, gợi ra một bộ lọc ánh sáng mặt trời. Hình dạng bất thường của phần vương miện và phần đế đèn làm tăng thêm tính tự nhiên của thiết kế, nhưng chúng cũng gợi ra ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và chủ nghĩa Nhật Bản đối với Art Nouveau, vì hoa tử đằng là cây địa phương ở cả miền đông Hoa Kỳ , nơi Tiffany đã đặt trụ sở, và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bằng chứng mới được phát hiện gần đây chứng minh rằng mẫu số 342 là thiết kế của Clara Driscoll, người đứng đầu Bộ phận cắt kính của nữ giới tại Tiffany Studios và người tạo ra hơn 30 mẫu đèn nổi tiếng của công ty, trong đó có bao gồm các mẫu Hoa thủy tiên vàng, Chuồn chuồn, và Mẫu đơn. Do đó, nó cũng đại diện cho một thời điểm quan trọng đối với các nhà thiết kế nữ trong thời điểm chuyển giao thế kỷ, những người được trao phụ trách cho một lĩnh vực sản xuất quan trọng của công ty. Bản thân Driscoll kiếm được 10,000 USD mỗi năm và là một trong những người phụ nữ được trả lương cao nhất trong thời đại của mình, cho đến khi bị buộc phải rời khỏi Tiffany Studios vào năm 1909 bởi bà quyết định kết hôn.

Hy vọng II (1907-08) của Gustav Klimt

Sơn dầu và lá vàng trên toan, thuộc về Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York

Tác phẩm, giống như của Aubrey Beardsley, chứa những hình dạng bị bóp méo và phóng đại và thường có chủ đề mang tính gợi dục cao. Tuy nhiên, không giống như Beardsley, Klimt nổi tiếng, đặc biệt là trong các bức tranh sau năm 1900, bởi việc thường xuyên sử dụng các lá bằng vàng, thường kết hợp với hình dạng như kính vạn hoa có các màu sáng. Sự kết hợp này đã giúp tạo nên phong cách đặc trưng của Klimt, thường được tóm tắt là một loạt những tranh mơ mộng, quyến rũ về mặt thị giác (và xa xỉ về mặt vật liệu) về phụ nữ, đôi khi là chân dung thực nhưng thường là những nhân vật tưởng tượng hoặc từ ngụ ngôn, bao gồm cả Hy vọng II của ông. Hình ảnh gần như siêu thực của các dạng cơ thể phóng đại và phẳng, được làm nổi bật bởi sự nhấn mạnh vào hoa văn và thiếu chiều sâu và tách biệt khỏi môi trường dễ nhận biết, làm rõ cách mà Klimt tập trung vào việc tạo ra một “nghệ thuật mới” theo nghĩa đen không tuân theo các quy tắc hoặc các nguyên tắc có sẵn. Là một thành viên sáng lập của Ly khai Vienna, ông từ chối các nguyên lý của hội họa hàn lâm mà ông đã được đào tạo. Những phản ứng gây sốc mà tác phẩm của Klimt đã gây ra – trong suốt cuộc đời của ông cho đến ngày nay – góp phần giúp ông nổi tiếng là họa sĩ theo trường phái Art Nouveau sáng tạo nhất và là một bậc thầy của chủ nghĩa hiện đại.

Công viên Guell (1900-1914) của Antoni Gaudi và Josep Maria Jujol

Antoni Gaudi, kiến ​​trúc sư hàng đầu của Modernisme Catalan, có lẽ là được biết đến nhiều nhất với công trình Nhà thờ Sagrada Familia vẫn còn dang dở ở Barcelona, ​​nhưng những thiết kế đặc trưng của ông có thể được nhìn thấy trong hàng tá những tòa nhà trải khắp thành phố. Một trong những dự án cuối cùng mà Gaudí, một người Công giáo sùng đạo, đã thực hiện trước khi cống hiến hoàn toàn cho Sagrada Familia vào năm 1914 là một khu cộng đồng ở sườn đồi ngoại ô cho người bảo trợ chính của ông, ông trùm dệt may Eusebi Guell. Sự phát triển cho thấy khả năng thiết kế sáng tạo của Gaudi, mặc dù những ngôi nhà duy nhất được hoàn thành là nhà riêng của ông cộng với một ngôi nhà nó và dự án này nói chung được là một thất bại tài chính.

Thiết kế của công viên được tích hợp một cách triệt để vào cảnh quan, với các cột nghiêng được đẽo thô dường như được đào ra khỏi sườn đồi và được bao phủ bởi các loại dây leo. Trung tâm bao gồm một không gian họp chợ có nhiều cột hỗ trợ một quảng trường mở được bao quanh bởi một băng ghế ngoằn ngoèo phủ một gạch men, được gọi là trencadís, một biểu tượng của tay nghề thủ công Catalan. Chợ được kết nối với lối vào của Parc bằng một cầu thang lớn với đài phun nước lát gạch có hình mặt rồng và lá cờ Catalan sọc. Ở đó, nhà gác cổng và nơi ở của nhân viên hướng dẫn khách bao gồm các nhà nghỉ bằng đá được quây bằng các chóp hình nón, hình dạng bất thường, trông như những miếng bánh gừng. Các hình dạng nhấp nhô lấy cảm hứng từ các mái vòm dây cung ngược, và gạch lát màu rực rỡ cho thấy bản chất cộng tác của Trường phái Tân nghệ thuật Catalan, với sự tham gia của các đội thợ thủ công chuyên về các phương tiện khác nhau và sự phụ thuộc vào việc xử lý trung thực các vật liệu nhạy cảm với sinh thái. 

Người dịch: CM Ngô
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!


Cùng tác giả

#Tag

Art nouveau Heirstory Hương Mi Lê Lê Hương Mi lịch sử thiết kế Series Lịch sử thiết kế đồ họa tân nghệ thuật

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…