Frank Stella - Đưa màu sắc vượt ra ngoài toan vẽ
Frank Stella bắt đầu nổi danh khi mới hơn 20 tuổi với loạt Tranh đen chỉ bao gồm sơn nhà đen quết phẳng trên bề mặt toan chừa lại những nét không phủ sơn, và đi tới đoạn cuối cuộc đời với những tác phẩm tranh in dài tới 7 m, 61 màu, và vô cùng phức tạp. Trung thành cả cuộc đời với nghệ thuật phi-đại-diện, khẳng định động lực sáng tạo của mình luôn mang tính hội hoạ, tiên phong và đi tới cùng trong việc sử dụng toan tạo hình – Stella đã phá vỡ ranh giới của tranh, phù điêu, và điêu khắc. Trong bài này, chúng ta tìm hiểu về một trong những nghệ sĩ hậu chiến vĩ đại nhất, mới mất đầu năm nay, và đã khẳng định vị thế trong lịch sử nghệ thuật.
- “Tôi thích nghệ thuật thực thụ. Thật khó để định nghĩa thế nào là “thực” nhưng đó là từ chuẩn xác nhất để mô tả những gì tôi muốn đạt được từ nghệ thuật và những gì một thứ nghệ thuật tuyệt vời nhất sẽ có. Nó có khả năng thuyết phục bạn rằng nó đang hiện diện – rằng nó ở đó. Bạn có thể nói nó là “nguyên bản”… nhưng “thực thụ” mới thực sự là một từ hay hơn, dù nghĩa nó rộng tới đâu”. – Frank Stella
- “Thứ bạn thấy là thứ bạn thấy” – Frank Stella
- “Một tác phẩm điêu khắc chỉ là bức tranh được cắt ra và dựng lên ở đâu đó”. – Frank Stella
- “Tạo ra nghệ thuật là một công việc phức tạp bởi những thể loại trong nghệ thuật cứ luôn thay đổi. Bạn chỉ cần tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng bạn, và rồi bất cứ sự phân loại nào thích hợp sẽ đến sau”. – Frank Stella
- Tôi nghĩ rằng có rất nhiều dạng cử chỉ của đường nét mà hoạ sĩ tạo ra, nghe có vẻ đơn thuần và không chắc chắn, nhưng chúng lại tạo ra những hiệu quả bất ngờ trong sáng tạo nghệ thuật, có thể áp dụng điều này cho kiến trúc”. – Frank Stella
- “Hội hoạ là một mặt phẳng có sơn ở trên đó”. – Frank Stella
- “Bạn chỉ có thể tận dụng lợi thế từ những năng khiếu mà bạn thực sự có – rằng nó là một phần cá tính của bạn, và bạn thật may mắn khi sở hữu chúng. Tôi có năng khiếu về cảm nhận cấu trúc và điểm mạnh của tất cả những bức tranh mà tôi thực hiện vào những năm 60 nằm ở cách tổ chức và ý thức về việc một cấu trúc hình ảnh có thể là gì”. – Frank Stella
- “Khủng hoảng của sự trừu tượng bắt nguồn từ việc nó bị sa lầy trong ý nghĩa về tính vật chất của chính nó, trong cái cảm nhận rằng chất liệu trong bức tranh có thể và nên cho thấy một bản chất. Đó mới chỉ là một phần và tôi tin rằng những suy nghĩ này đang giết chết hội hoạ”. – Frank Stella
Tóm lược về Frank Stella
Vào năm 1959, Frank Stella đã tạo được tiếng vang ban đầu với chuỗi những bức tranh màu đen kẻ sọc lạnh lẽo và tối giản làm thay đổi hoàn toàn cách thực hiện và cách hiểu của cọ pháp cử chỉ cũng như nỗi lo âu hiện sinh của chủ nghĩa Biểu Hiện Trừu Tượng. Tập trung vào các yếu tố hình thức trong sáng tác nghệ thuật, Stella tiếp tục tạo ra những tác phẩm ngày càng phức tạp, dường như tuân theo một tiến trình tự nhiên về tính năng động, tính linh hoạt và quy mô: đầu tiên, ông mở rộng bảng màu đơn sắc ban đầu của mình sang tới các sắc màu nhạt, và sau đó, đưa hội hoạ vào chiều thứ ba thông qua việc kết hợp các yếu tố khác phi hoạ tính vào toan. Cuối cùng, ông đã đi tới chỗ tạo ra các cấu trúc đứng độc lập mang tính điêu khắc và kiến trúc ở quy mô lớn cũng như các công trình phức tạp chưa từng thấy đối với phương tiện tranh in. Sự thử nghiệm gần như không ngừng nghỉ của Stella đã đưa ông trở thành nhân vật chủ chốt của chủ nghĩa Hiện đại Mĩ, giúp tạo ra những bước phát triển sau đó của chủ nghĩa Tối giản, trừu tượng hậu-hoạ tính và tranh Trường màu.
Những thành tựu chính
- Trong động thái rời bỏ Biểu hiện Trừu tượng, loạt Tranh đen (Black Paintings) của Stella bao gồm các kết cấu đường sọc đen song song chính xác được vẽ bằng sơn tường một cách uyển chuyển. Theo cách nói của Stella, họa tiết sọc đóng vai trò như một cơ chế điều chỉnh, đẩy “không gian ảo ảnh ra khỏi bức tranh với tốc độ không đổi”. Cơ chế này nhằm mục đích nhấn mạnh tính phẳng của mặt toan và thúc đẩy nhận thức của người xem về bức tranh như một bề mặt hai chiều được phủ sơn – từ đó lật ngược quan niệm coi bức tranh như một cửa sổ nhìn vào không gian ba chiều nổi lên trong thời Phục Hưng và đã thống trị hội hoạ qua hàng thế kỉ sau đó.
- Frank Stella tạo ra những Tranh đen theo một hệ thống được xác định trước và có giới hạn áp đặt. Bộ tác phẩm này đóng vai trò như chất xúc tác quan trọng cho nghệ thuật Tối giản những năm 1960. Các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Tối giản đã tạo ra những tác phẩm trừu tượng có đặc trưng là việc sử dụng những dạng hình học lặp đi lặp lại, mang dáng vẻ công nghiệp, loại bỏ mọi nội dung mang tính cảm xúc hay chủ đề – cũng tương tự như những sọc song song và khả năng xử lí sơn cực kì mượt mà của Stella.
- Stella từ sớm đã là một người thực hành hội họa không-tái-hiện – thay cho loại tác phẩm nghệ thuật ám chỉ đến những ý nghĩa, cảm xúc, hoặc tự sự tiềm ẩn – và vẫn là như vậy cho tới cuối đời. Dựa trên nguyên tắc về “đường thẳng, mặt phẳng, khối lượng và điểm trong không gian”, ông hoàn toàn tập trung vào các yếu tố cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật – màu sắc, hình dạng, và bố cục. Theo thời gian, ông cũng đã thành công trong việc tháo dỡ kết cấu của việc phối dựng ảo ảnh ba chiều; những tấm toan nhiều hình dạng khác nhau của ông nhấn mạnh vào bản chất “như-vật-thể” của một bức tranh, trong khi các hình đa giác bất đối xứng của ông khám phá độ căng giữa việc sắp xếp màu sắc trên bề mặt phẳng cũng như hiệu ứng quang học khiến những hình thức như đang tiến tới hoặc lùi xa người xem.
- Các nghệ sĩ từ thời Baroque như họa sĩ người Ý đầu thế kỉ 17 Caravaggio đã phát triển những “thủ thuật” ảo giác gợi ý một cách thuyết phục rằng những chủ thể trong tranh đang sống dậy khỏi khung vẽ và đi vào không gian của người xem. Vài thế kỉ sau đó, chính Stella cũng đã tiến thêm một bước nữa trong việc mở rộng tranh vẽ sang chiều không gian thứ ba thông qua những phù điêu-tranh của mình – bước vào không gian của người xem bằng sự kết hợp với những phần chất liệu nhô ra.
Tiểu sử
Tuổi thơ
Frank Stella là người con cả trong một gia đình có ba người con, có cha mẹ là những người Mỹ gốc Ý thuộc thế hệ đầu tiên – Frank và Constance (tên thời thiếu nữ là Santonelli) Stella. Họ đều là người yêu nghệ thuật, và người mẹ từng theo học trường nghệ thuật và ưa thích vẽ phong cảnh. Người cha là một bác sĩ phụ khoa. Khi còn là một đứa trẻ, Stella đã gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến cậu mất khớp ở các ngón tay trái. Điều này khiến sau đó (khoảng 1958), ông không thể tham gia phục vụ trong quân đội và được miễn nghĩa vụ tham chiến tại Việt Nam.
Vào năm thứ hai trung học tại học viện Phillips ở Andover, Massachusetts, Stella bắt đầu học vẽ dưới sự chỉ dạy của hoạ sĩ trường phái trừu tượng Patrick Morgan. Một giáo viên trung học khác của ông là họa sĩ Bartlett H. Hayes Jr., người đã giới thiệu cho ông tác phẩm của Hans Hofmann và Josef Albers.
Đào tạo ban đầu
Stella tiếp tục tham gia các khóa học nghệ thuật tại Đại học Princeton, đồng thời lấy bằng lịch sử. Các giáo sư tại Princeton của Stella như hoạ sĩ Stephen Greene và nhà sử học nghệ thuật William Seitz đã giới thiệu ông với giới nghệ thuật New York bằng những chuyến tham quan các cuộc triển lãm trong thành phố. Những chuyến đi này đã giúp Stella được tiếp cận với tác phẩm của những nghệ sĩ như Jackson Pollock, Franz Kline và nghệ sĩ quan trọng nhất đối với tiến trình phát triển sau đó của ông – Jasper Johns, người mà những bức vẽ lá cờ và hồng tâm đã truyền cảm hứng cho sáng tác của ông trong giai đoạn học tập tại Princeton.
Sau khi tốt nghiệp năm 1958, Stella chuyển đến sống tại vùng hạ Đông New York rồi dựng một xưởng vẽ bên trong cửa hàng trang sức cũ, và cũng kiếm được chút đỉnh nhờ việc sơn nhà. Năm 1961, ông cưới một người phụ nữ tên Barbara Rose, bấy giờ đang học lịch sử nghệ thuật, và rồi sẽ sớm gây dựng được tên tuổi như một nhà phê bình. Cùng nhau, họ có hai đứa con là Rachel và Michael.
Chàng nghệ sĩ trẻ Stella đã không mất nhiều thời gian để thu hút được sự chú ý lớn từ giới nghệ thuật. Triển khai một bản màu đơn sắc và việc tô sơn tường thành những mảng phẳng, thực hành thời kì này đã báo hiệu sự thoát li khỏi thủ pháp sử dụng nét cọ dày mang nhiều biểu cảm của chủ nghĩa Biểu Hiện Trừu Tượng. Stella gọi những tác phẩm này của mình là “một bề mặt phẳng có sơn trên đó và không có gì hơn”; đã phản ánh quan điểm của ông về nghệ thuật như là mục đích tự thân của chính nó hơn là sự tái hiện các trạng thái cảm xúc, trí tuệ hay thể chất. Với mong muốn nhấn mạnh vào hình thức chứ không phải nội dung, những bức vẽ của ông thường được cho là khởi đầu cho chủ nghĩa Tối Giản.
Trong loạt lớn các tác phẩm đầu tiên của mình Tranh đen (1958-60), Stella phủ lên những tấm toan bằng sơn tường đen, để chừa ra những sọc nhỏ không được sơn tạo thành các hoạ tiết song song lặp lại. Dù chỉ mới 23 tuổi nhưng ông đã lập tức được công nhận nhờ những tác phẩm đột phá này, chúng cũng được bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại đưa vào triển lãm Mười sáu người Mĩ (Sixteen Americans) trong hai năm 1959-60, và một bức trong số đó được mua lại cho bộ sưu tập vĩnh viễn của bảo tàng. Cùng năm đó, chủ phòng trưng bày nổi tiếng Leo Castelli đã chính thức đứng ra làm đại diện cho Stella.
Giai đoạn trưởng thành
Kể từ sau loạt Tranh đen, Stella tiếp tục chuỗi tác phẩm mới là Tranh nhôm (Aluminum Paintings) (1960) và Tranh đồng (Copper Paintings) (1960-61), trong đó ông tạo ra những bức toan có hình dạng hình học của riêng mình, thách thức định dạng hình chữ nhật truyền thống. Phần lớn các tác phẩm này dựa trên mô-típ sọc đã được triển khai lần đầu qua loạt Tranh đen, nhưng ngay sau đó ông đã bắt đầu chuyển tiếp sang việc sử dụng các hoạ tiết hình tròn phức tạp cũng như bảng màu sáng hơn, đặc biệt trong chuỗi tác phẩm Những đa giác bất thường (Irregular Polygon) (1965-67) và Thước đo góc (Protractor) (1967-71). Nhà phê bình Peter Schjeldahl đã viết rằng Stella là “một vị thần trong thế giới nghệ thuật những năm 1960, đề cao thị hiếu của những hình dạng giản lược, quy mô lớn đáng kinh ngạc, và màu sắc nhân tạo hoa mĩ.” Trong thời gian này, Stella cũng bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về tranh in, một khía cạnh mà ông đã theo đuổi một cách say mê trong suốt phần còn lại sự nghiệp của mình.
Vào năm 1970, sau khi li hôn với Rose, Stella trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất có triển lãm hồi tưởng tại bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York, và có được cuộc triển lãm hồi tưởng thứ hai 17 năm sau đó – một nghệ sĩ đầu tiên với hai lần nhận được sự vinh danh này ngay khi còn sống. Tiếp sau triển lãm hồi tưởng năm 1970, Stella một lần nữa khám phá những đường hướng nghệ thuật mới, lần này là sự kết hợp collage và phù điêu vào trong tranh – như là phần mở rộng thêm những lớp dải màu sắc trong những tác phẩm trước đây. Ở loạt tranh Làng Ba Lan (Polish Village) (1970-73), ông đã dán giấy, nỉ và gỗ vào toan. Xây dựng trên quỹ đạo chuyển biến này, loạt tranh Chim Ấn Độ (Indian Bird) (1977-79) là những tập hợp của các hình dạng bằng nhôm tô sơn trồi ra khỏi mặt tường, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của Stella đối với tính ba chiều và kết cấu chất liệu năng động. Ông tiếp tục thúc đẩy ý tưởng này qua việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc được đánh dấu bởi những đường cong, hình xoắn ốc và vòng lặp phức tạp – những tác phẩm với sự hoa mĩ thể hiện một độ tương phản đáng kinh ngạc với loạt Tranh đen u ám hơn vốn đưa Stella đến với công chúng lần đầu. Tuy nhiên, đối với Stella, ngay cả những tác phẩm có tính điêu khắc cao này vẫn chỉ là hội hoạ; ông khẳng định: “Một tác phẩm điểu khắc chỉ là một bức tranh được cắt ra rồi đem dựng lên ở đâu đó”.
Vào những năm 1970, Stella có mối quan hệ lãng mạn với Shirley De Lemos Wyse, người đã có một cô con gái tên Laura với ông. Rồi, vào năm 1978, ông cưới người vợ thứ hai – Bs. Harriet E. McGurk, một bác sĩ nhi khoa, người sẽ cùng ông có thêm hai đứa con trai là Patrick và Peter. Vào đầu thập kỉ 1980, Stella tới Rome để nghiên cứu các tác phẩm của Caravaggio. Stella sau đó nhận xét “Không gian mà Caravaggio tạo ra là thứ mà hội họa thế kỉ 20 có thể sử dụng: một sự thay thế cho cả không gian của sự tả thực truyền thống và không gian của những gì đã trở thành ‘cái vẽ vời’ truyền thống.” Trở lại Hoa Kì, ông giảng dạy tại Đại học Harvard từ năm 1983-1984.
Giai đoạn cuối đời
Trong những năm 1980 và 1990, Stella đã mở rộng loạt tranh ba chiều của ông thành những tác phẩm càng ngày càng bùng nổ, có màu sắc sống động, và đa chiều, đồng thời tiếp tục sáng tác với phương tiện tranh in. Loạt tác phẩm dựa trên tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville vận dụng nhiều kĩ thuật khác nhau, từ những phù điêu kim loại tới những điêu khắc khổng lồ cho đến các bản in kết hợp đa phương tiện kết hợp nhiều quy trình như in khắc gỗ, in khắc a-xít, và tô màu thủ công. Sau khi chuyển hướng sang điêu khắc đứng độc lập bằng đồng và thép, sáng tác của Stella được mở rộng tới cả các công trình kiến trúc, minh hoạ cho lời tuyên bố “thật khó để không nghĩ về kiến trúc khi bạn chuyển từ hội hoạ tới phù điêu rồi điêu khắc”. Những tác phẩm này bao gồm Khán đài (Bandshell) tại Miami (1999) và điêu khắc hoành tráng Hoàng tử Friedrich xứ Homburg, một vở kịch, 3X (Prinz Friedrich von Homburg, Ein Schauspiel, 3X) (1998-2001) được đặt trên bãi cỏ của phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia tại Washinton, D.C.
Stella dành những năm cuối đời sống và làm việc tại New York, tiếp tục tạo ra những tác phẩm điêu khắc quy mô lớn, cũng như thiết kế cho các dự án kiến trúc tiềm năng. Ông qua đời vì bệnh ung thư hạch vào tháng 05/2024. Ngoài vợ và năm người con, ông cũng có thêm năm người cháu. Trong bản cáo phó trên tờ New York Times dành cho Stella, phóng viên văn hoá William Grimes đã ca ngợi nghệ sĩ này là “một nhà đổi mới không ngừng nghỉ, không khoan nhượng với những khám phá về màu sắc và hình thức khiến sự hiện diện của ông là ngoại cỡ.”
Di sản của Frank Stella
Stella là một trong những nghệ sĩ hậu chiến vĩ đại nhất mà có tác động tiếp tục được cảm nhận trong tác phẩm của nhiều nghệ sĩ và phong cách Mĩ đương đại. Mặc dù ông chưa bao giờ coi mình là một người theo chủ nghĩa Tối Giản, nhưng loạt tác phẩm Tranh đen đã đảm bảo vị thế của người sáng tạo trong lịch sử nghệ thuật bằng cách truyền cảm hứng cho những nghệ sĩ Tối giản như Carl Andre trong việc loại bỏ nội dung biểu cảm ra khỏi những vật thể điêu khắc của mình, làm nổi bật lên dáng vẻ công nghiệp cùng với sự vô danh tính của các dạng hình học lặp đi lặp lại. Các biến thể về màu sắc của Stella, cùng việc khám phá các mô-típ hình tròn với các tấm toan được tạo hình đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ như Kenneth Noland và đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển của hội hoạ Trường Màu và trừu tượng hậu-hoạ tính.
Những nhà phê bình và lí thuyết nghệ thuật cũng đã học hỏi được nhiều điều từ tác phẩm của Stella. Clement Greenberg đã có phát ngôn nổi tiếng: “Khi các Bậc thầy Cổ điển tạo ra ảo ảnh về không gian mà người ta có thể tưởng tượng mình đang bước vào thì ảo ảnh do những nghệ sĩ Hiện Đại tạo ra là ảo ảnh mà người ta có thể nhìn vào, có thể du hành xuyên qua, chỉ với chính đôi mắt”. Greenberg rút ra các khái niệm về độ phẳng, tính toàn vẹn của mặt phẳng hình ảnh hay tính toàn vẹn quang học từ tác phẩm của Stella cùng một số khác những người theo chủ nghĩa Hiện Đại thời đó. Ý tưởng của Stella cũng truyền cảm hứng cho các nhà lí thuyết lớn như Carl Andre, Donald Judd và Michael Fried.
Những tác phẩm quan trọng của Frank Stella
1959: Hôn phối của lí trí và túng quẫn II (The Marriage of Reason and Squalor, II)
Nằm trong chuỗi tác phẩm Tranh đen mang tính đột phá của Stella; Hôn phối của lí trí và túng quẫn bao gồm sự kết hợp các hình chữ U ngược song song màu đen chứa các sọc được ngăn cách bởi các đường mỏng của mặt toan bỏ trống. Dạng thức hình học lặp đi lặp lại cùng với sự khuyết thiếu tính biểu hình và cọ pháp biểu cảm, thúc đẩy nhận thức của người xem về tác phẩm chỉ như một bề mặt phẳng được phủ sơn thay vì là mô tả của một thứ gì khác, làm đảo ngược khái niệm kéo dài hàng thế kỉ coi bức tranh như cửa sổ nhìn sang một thế giới ảo ảnh ba chiều.
Sự đơn giản tới trơ khốc, cách xử lí phương tiện hội hoạ một cách phi cá nhân, và việc sử dụng các hình thức hình học lặp lại của Tranh đen đã khiến chúng có ảnh hưởng to lớn tới sự hình thành chủ nghĩa Tối giản. Đó là nơi những người thực hành theo đuổi tương tác thuần tuý của người xem với tác phẩm nghệ thuật. Cùng với 3 bức Tranh đen khác, tác phẩm này đã được đưa vào trưng bày trong triển lãm Mười sáu người Mĩ (Sixteen Americans) của MoMA. Như thể phủ nhận tiêu đề đầy sức gợi của bức tranh, Stella còn đưa ra câu châm ngôn nổi tiếng của mình “Những gì bạn thấy là những gì bạn thấy” – liên quan tới bức tranh này.
1967: Harran II
Trong quá trình khám phá các vấn đề hình thức, Stella có thói quen phát triển các ý tưởng của ông theo một chuỗi biến thể với độ phức tạp tăng dần theo chủ đề được lựa chọn. Trái ngược với tính đơn sắc trong chuỗi Tranh đen; bức tranh Harran II thuộc chuỗi tác phẩm Thước đo góc triển khai một hệ thống bảng màu trong sự phối hợp sống động các hình dạng vuông vắn chồng lên nhau trên các hình dạng cong và tròn. Giống như bức Hôn phối của lí trí và túng quẫn, các dải sọc của Harran II nhấn mạnh tính phẳng của bố cục, nhắc nhở người xem rằng một bức tranh chỉ là một tấm toan được phủ sơn. Ý niệm này càng được củng cố bằng việc sử dụng những tấm toan được tạo hình như muốn thách thức định dạng hình chữ nhật thông thường, phủ nhận vị thế của tấm toan như là cửa sổ của ảo ảnh và đề cao tính “vật thể” của nó.
Tựa đề “Harran” bắt nguồn từ tên của một thành phố cổ vùng Tiểu Á, gợi ra sự tương đồng với điêu khắc cũng như kiến trúc. Với kích thước khổng lồ 3 × 6m, tác phẩm có quy mô mang tính kiến trúc, trong khi bố cục của nó dựa trên công cụ thước đo hình bán nguyệt được dùng để tính toán và xây dựng các góc.
1971: Michapol I
Toan có tạo hình trở lại trong loạt tranh Làng Ba Lan mà trong đó có bao gồm tác phẩm Michapol I. Mỗi bố cục được phát triển từ các biến thể màu sắc và dạng hình học lồng vào nhau chịu ảnh hưởng một phần của chủ nghĩa Kiến tạo Nga, và cũng đồng thời được lấy cảm hứng từ các giáo đường Do Thái ở Ba Lan từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19, những bức tranh thuộc chuỗi Làng Ba Lan là tác phẩm cắt dán quy mô lớn, trong đó những chất liệu như nỉ, giấy và gỗ được gắn lại với nhau bằng bột hồ trên toan. Bất chấp tính chất điêu khắc của tác phẩm, Stella mô tả động lực đằng sau hành vi tạo tác này như là “mang tính tranh”.
1978: Shoubeegi
Tác phẩm này là một phần trong chuỗi Chim Ấn Độ của Stella, trong đó ông đã mở rộng hơn nữa thể loại “hội hoạ”, bằng cách phối dựng các hình khối bằng nhôm nhô ra hướng vào không gian của người xem – gia tăng tính “vật thể” của tác phẩm và làm giảm đi dáng vẻ một bức tranh treo tường. Mặc dù sử dụng các bộ phận lắp ghép cùng yếu tố ba chiều, Stella vẫn coi loạt tranh Chim Ấn Độ – vào thời điểm đó là chuỗi tác phẩm có tính điêu khắc nhất của ông – như là tổng hoà của tranh hoặc phù điêu phủ sơn màu.
Được một số người lúc ấy cũng coi tác phẩm này mang “tính disco”, bảng màu sặc sỡ của chuỗi tác phẩm được tạo ra bằng cách gắn các hạt kim tuyến hoặc thuỷ tinh bào nhỏ vào lớp màu đầu tiên, sau đó sơn hoặc đổ màu lên trên – cũng là điều mới mẻ trong sáng tác của ông. Bộ tác phẩm này được Stella thực hiện trong thời gian ông ở Ahmedabad vào năm 1977 và mỗi bức tranh được ông đặt theo tên của một loài chim được tìm thấy trên vùng tiểu lục địa Ấn Độ.
1992: Đài phun nước (The Fountain)
Trong tác phẩm Đài phun nước, Stella tiếp tục khám phá ranh giới giữa các phương tiện nghệ thuật. Mặc dù có kích thước của một bức tranh tường nhưng tác phẩm rộng 213 × 701 cm này thực chất là một bản in, cũng đồng thời là tác phẩm trên giấy lớn nhất của ông và là thành tựu đỉnh cao của ông trong lĩnh vực tranh in – một khía cạnh quan trọng trong thực hành của ông kể từ năm 1960 – sử dụng 7 quy trình in với 61 màu khác nhau.
Tác phẩm này là một phần trong khối lượng đồ sộ những tác phẩm đa dạng được ông sáng tác vào quãng giữa những năm 1985 đến năm 1997 dựa trên tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville. Vì vậy, đối với Stella, nó thể hiện sự tôn kính đối với chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng vốn bao gồm một số nghệ sĩ cũng tạo ra những tác phẩm được truyền cảm hứng từ cuộc chiến hoành tráng với cá voi trắng của thuyền trưởng Ahab. Một cách phù hợp, và để giữ bản chất phi-đại-diện trong sáng tác của Stella, Đài phun nước mang tính trừu tượng và phản ánh lên mục tiêu của tác giả là truyền tải cả cảm giác về chuyển động và sức mạnh của câu chuyện, thay vì tường thuật cụ thể.
1998-2001: Hoàng tử Friedrich xứ Homburg, một vở kịch, 3X (Prinz Friedrich von Homburg, Ein Schauspiel, 3X)
Xét tới vô số các bức tranh, đôi khi ở quy mô lớn, với các yếu tố ba chiều nhô ra khỏi bề mặt, việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc hay kiến trúc có vẻ là một bước tiến hợp lí trong sự nghiệp của Stella. Tác phẩm Hoàng tử Friedrich xứ Homburg, một vở kịch, 3X chính là một ví dụ tiêu biểu – một bố cục đồ sộ của những cụm hình học xoắn ốc như đang phát triển tiếp vốn từ vựng sẵn có trong thực hành phù điêu-tranh trước đây của ông. Nằm ngay bên ngoài Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, đây là một trong những tác phẩm mang quy mô tưởng niệm đầu tiên của Stella – với trọng lượng gần 10 tấn và có kích thước khổng lồ 945 × 1188 × 1036 cm. Tiêu đề tác phẩm xuất phát từ một vở kịch của nhà soạn kịch người Đức thế kỷ 18 – Heinrich von Kleist – về tình yêu và chiến tranh.
Nguyên bản tiếng Anh do Rachel Gershman và Alexandra Ducan tổng hợp và viết, Những cộng sự của The Art Story hiệu đính, Anh Thư Đỗ dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật