Trào lưu Hội hoạ Trường Màu (Color Field Painting)
Xu hướng trừu tượng hoá là một trong những xu hướng quan trọng nhất mang tính định nghĩa chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật. Biểu hiện Trừu tượng là trào lưu cuối cùng và cũng thường được cho là triệt để nhất trong tính trừu tượng. Ngày nay, vẫn rất nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế sáng tạo theo phương pháp và thẩm mĩ của Biểu hiện Trừu tượng, trong đó có Việt Nam. Phát triển ở Mĩ – cái nôi nghệ thuật thế giới hậu Thế chiến – trong những thập kỉ 1940 và 1950, Biểu hiện Trừu tượng bao gồm các phong cách và xu hướng nhỏ cụ thể như hội hoạ cử chỉ, hội hoạ Cạnh-cứng, và hội hoạ Trường màu. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về hội hoạ Trường màu.
- “Chúng tôi đang tạo ra hình ảnh với hiện thực hiển nhiên và không có đạo cụ hay gậy chống gợi lên liên tưởng tới những hình ảnh lỗi thời, trác tuyệt và đẹp đẽ… Hình ảnh mà chúng tôi sản xuất hiển nhiên là một mặc khải, thật và cụ thể, bất cứ ai nhìn vào nó mà không qua mắt kính hoài cảm của lịch sử sẽ hiểu được.” – Barnett Newman
- “Một bức tranh không phải là hình ảnh của một trải nghiệm; nó là một trải nghiệm.” – Mark Rothko
- “Những tác phẩm tốt nhất thường có những yếu tố đơn giản nhất với số lượng ít nhất – những hình ảnh mà gần như hiển nhiên, cho tới khi bạn nhìn vào chúng thêm một chút và thứ gì đó bắt đầu xảy ra.” – Clyfford Still
- “Mặc dù bố cục và công năng của màu sắc là hai trong số những thừa số quan trọng nhất trong việc xác định nội dung định tính của một bức tranh, mối quan hệ qua lại của màu sắc với màu sắc tạo ra một hiện tượng về một trật tự huyền bí hơn. Hiện tượng mới này mang tính tâm lí. Một sự nhạy cảm cao là cần thiết để mở rộng màu sắc sang địa hạt của siêu thực mà không mất đi nền tảng sáng tạo. Màu sắc kích thích những tâm trạng nhất định trong ta. Nó đánh thức niềm vui hay nỗi sợ tuỳ theo cấu hình của nó. Thực tế là, toàn bộ thế giới, như chúng ta trải nghiệm một cách trực quan, đến với ta qua cõi huyền bí của màu sắc. Toàn bộ con người chúng ta được nó nuôi dưỡng. Phẩm chất huyền bí này của màu sắc như vậy cũng cần tìm được biểu hiện trong một tác phẩm nghệ thuật.” – Hans Hofmann
- “Những bức tranh của tôi trọn vẹn không phải bởi vì chúng đầy ắp màu mà bởi vì màu sắc tạo nên sự trọn vẹn. Sự trọn vẹn của nó là điều mà tôi can dự vào. Thật thú vị khi nhận ra rằng người ta gặp khó khăn tới nhường nào trong việc đón nhận sức nóng và ngọn lửa của màu sắc của tôi. Nếu những bức tranh của tôi trống rỗng thì họ hẳn đã có thể đón nhận nó một cách dễ dàng.” – Barnett Newman
- “Mối bận tâm của tôi đặt ở sự trọn vẹn mà đến từ cảm xúc, không phải ở sự bùng nổ ban đầu của nó, hay hậu quả cảm xúc của nó, hay sự rực rỡ của cái giá phải trả. Thực tế là, tôi là một hoạ sĩ đầy trực cảm, một hoạ sĩ trực tiếp… Tôi không trình bày bất cứ giáo điều, hệ thống, sự chứng minh nào. Tôi không có giải pháp hình thức… Tôi chỉ làm việc từ đam mê cao độ.” – Barnett Newman
Tóm lược về Hội hoạ Trường Màu (Color Field)
Tranh Trường Màu là một khuynh hướng thuộc phạm vi của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, khác với trừu tượng hành vi, hay Hội hoạ Hành động. Nó do các nghệ sĩ Mark Rothko, Barnett Newman và Clyfford Still tiên phong vào cuối những năm 1940, những người hoàn toàn độc lập tìm kiếm một phong cách trừu tượng có thể đem đến một nghệ thuật thần thoại, hiện đại và thể hiện khao khát về cái siêu nghiệm và cái vô hạn. Để đạt được điều này, họ đã từ bỏ tất cả các gợi ý về hình tượng và thay vào đó khai thác sức mạnh biểu đạt của màu sắc bằng cách triển khai nó trong các trường lớn như bao phủ người xem khi được quan sát ở cự li gần.
Tác phẩm của họ đã truyền cảm hứng cho hội hoạ Hậu-hoạ tính (Post – Painterly Abstraction) rất nhiều, đặc biệt là tranh của Helen Frankenthaler, Morris Louis, Kenneth Noland và Jules Olitski, mặc dù đối với các họa sĩ trường màu thế hệ sau, vấn đề hình thức có xu hướng trở nên quan trọng hơn nội dung thần thoại.
Ý tưởng & thành tựu chính
- Tranh Trường màu ra đời từ nỗ lực của một số nghệ sĩ vào cuối những năm 1940 để tạo ra một thứ nghệ thuật thần thoại, hiện đại. Tìm cách kết nối với những cảm xúc nguyên thủy bị giam cầm trong những thần thoại cổ đại, thay vì chính những biểu tượng, họ đã tìm kiếm một phong cách mới mà không có bất kỳ gợi ý nào về sự minh họa.
- Phong cách này có sự ủng hộ nhiệt tình nhất từ nhà phê bình Clement Greenberg, người đã ca ngợi những tiến bộ mà nó đạt được trong địa hạt của hình thức và bố cục. Phàn nàn về những đặc tính ông thấy ngày càng mang tính lý thuyết và bắt chước của một số họa sĩ hành động, ông lập luận rằng tranh Trường màu đại diện cho cách để tiến lên. Sự ủng hộ của ông với phong cách này đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng lớn của nó.
- Tranh Trường màu đánh dấu một bước phát triển lớn trong hội họa trừu tượng, vì đây là phong cách đầu tiên kiên quyết tránh hoàn toàn sự gợi ý về một hình khối hoặc khối lượng nổi lên trên một hậu cảnh. Thay vào đó, hình và nền là một, và không gian của bức tranh, được hình dung như một trường lớn, dường như trải ra ngoài các cạnh của bức tranh.
Những khởi đầu của hội hoạ Trường màu
Rothko, Newman và Still chuyển sang hướng trừu tượng hóa trường màu vào cuối những năm 1940 một cách hoàn toàn độc lập với nhau. Still được công nhận là đã đạt được thành tựu đầu tiên với một loạt tranh mà ông trưng bày vào năm 1947, nhưng Newman cũng quan trọng không kém trong những đóng góp ban đầu về mặt lý thuyết cho phong cách này. Cùng năm đó, ông tổ chức một cuộc triển lãm cho phòng trưng bày Betty Parsons mang tên Bức tranh biểu ý (The Ideographic Picture), quy tụ các nghệ sĩ như Mark Rothko, Clyfford Still, và Hans Hoffmann, và chỉ ra sự phát triển trong nghệ thuật Hoa Kì lúc bấy giờ của một “đối trọng hiện đại của thôi thúc nghệ thuật mang tính nguyên thủy.” Nó được tóm gọn trong ý niệm về dạng biểu ý đồ (ideograph) mà ông đã mô tả là – trích từ một cuốn từ điển – một “ký tự, biểu tượng hoặc hình vẽ gợi ra ý tưởng về một vật thể mà không cần gọi tên nó.” Newman đang tìm kiếm một nghệ thuật trừu tượng có thể loại bỏ các mô típ tượng hình tuyệt đối hoặc gần như tượng hình. Một hình dạng trừu tượng có thể là một “thực thể sống”, như ông viết trong bài tiểu luận vựng tập có ảnh hưởng của triển lãm, “một phương tiện cho một phức hợp tư tưởng trừu tượng.” Nó sẽ trở nên thật và đương đại hơn là một hình thức chỉ đơn thuần được trừu tượng hóa từ tự nhiên hoặc một vật thể.
Việc có những hướng đi hiệu quả mà Newman, Rothko và Still đang đi thời bấy giờ có nghĩa là vào cuối những năm 1940, chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đã đang bắt đầu chia thành hai khuynh hướng khác nhau – tranh Trường màu và hội hoạ cử chỉ. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, sự phân chia chính thức này mới được các nhà phê bình công nhận rộng rãi.
Khái niệm, phong cách và xu hướng
Mặc dù Still, Rothko và Newman đều phát triển những cách hiểu khác nhau về nội dung tác phẩm của họ, Newman đã đưa ra cách giải thích nổi tiếng nhất trong bài tiểu luận ‘Cái Trác tuyệt là cái Bây giờ’ (1948) của ông. Nó dựa trên mĩ học thế kỉ 18 của Edmund Burke để đưa ra một khái niệm rằng chỉ có cái trác tuyệt là phù hợp với thời hiện đại vốn đang bị nhấn chìm trong sự kinh hoàng của chiến tranh và đe dọa của bom đạn. Ông lập luận rằng nghệ thuật châu Âu luôn hướng tới cái đẹp, nhưng giờ đã đến lúc phải từ bỏ cuộc tìm kiếm đó.
Clement Greenberg có lẽ là người đầu tiên định danh và tung hô sự xuất hiện của hội hoạ Trường màu. Ông đã khám phá nhiều nhất về nó trong bài luận năm 1955 của mình, ‘Hội hoạ kiểu Mĩ’, trong đó ông lập luận rằng phong cách này thúc đẩy một khuynh hướng trong hội họa hiện đại là sử dụng màu trong những vùng lớn hay ‘các trường’. Ông coi điều này là đặc biệt quan trọng vì nó quay trở lại điều mà ông coi là một trong những phát kiến quan trọng nhất của các nghệ sĩ Ấn tượng – sự triệt tiêu của các kiểu tương phản về trị số màu (tương phản giữa màu sáng và tối), để mô tả chiều sâu và khối lượng. Nhiều họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng đã áp dụng cách tiếp cận “toàn diện” vào bố cục – tiếp cận bức tranh như một trường, thay vì như một cửa sổ để khắc họa các hình tượng – nhưng không ai đẩy điều này đi xa như các họa sĩ Trường màu.
Những phát triển về sau – Hậu hội hoạ Trường màu
Vào cuối những năm 1950, một thế hệ mới của các họa sĩ Trường màu bắt đầu xuất hiện. Lấy cảm hứng một phần từ trừu tượng nhuộm màu của Helen Frankenthaler và những lời phê bình của Greenberg, nhóm mới này bao gồm các nghệ sĩ như Kenneth Noland, Morris Louis và Jules Olitski. So với những họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng, những nghệ sĩ này có mối bận tâm mang tính vị hình thức hơn, thường mang tính trang trí không e dè hơn, và chắc chắn ít siêu hình tăm tối hơn. Bằng cách đổ sơn dầu và sơn acrylic lên toan không phủ sơn lót, các nghệ sĩ như Frankenthaler cho phép bột màu của họ ngấm vào toan thay vì chỉ nằm ở trên bề mặt của nó (như trường hợp của Willem de Kooning, người có sơn màu thực sự nổi lên thành những đống nhỏ như núi trên toan). Kỹ thuật này mang lại cho các bức tranh của họ sự đồng nhất về màu sắc và cảm giác đồng đều, phẳng, cũng như sự mơ màng phù du, nhẹ tựa lông hồng.
Khi những năm 1960 bắt đầu, những nghệ sĩ được Clement Greenberg xếp vào danh sách những người theo trừu tượng Hậu-hoạ tính nằm trong số những họa sĩ Trường màu nổi bật nhất. Morris Louis đã tạo ra tác phẩm có mức độ đối xứng nhất định, được kết xuất bằng cách đổ sơn thành các dải rộng trên bề mặt của bức vẽ. Kenneth Noland vẽ các hình dạng hình học táo bạo – chủ yếu là những hình tròn đồng tâm (target) và cạnh dích-dắc (chevron)– và bắt đầu thử nghiệm với những tấm toan có hình dạng. Và các họa sĩ như Ellsworth Kelly và Al Held cũng được mô tả là những họa sĩ vẽ trường màu thời kì cuối, mặc dù tác phẩm của họ cũng thường được gắn với ‘trừu tượng Cạnh-cứng’.
Những tác phẩm tiêu biểu
1957: 1957-D-Số 1 (1957-D-No. 1) của Clyfford Still
Đã từng có một số bất đồng về việc nghệ sĩ nào đến với phong cách trừu tượng Trường màu đầu tiên. Hầu hết ngày nay tin rằng đó là Clyfford Still – và đến một thời điểm nào đó thì tách mình khỏi những người ở New York, như Barnett Newman và Mark Rothko, những người cũng tìm được con đường riêng tới cách tiếp cận này vào cuối những năm 1940. Trong tác phẩm mẫu mực này, Still đưa các phần màu dày lên toan bằng bay pha màu để đạt được một hiệu ứng gợi lên sự phân chia dữ dội trong tự nhiên. Thông thường, các bức tranh của Still được phủ bằng màu tông đất đậm đà, từ mép này sang mép kia.
1953: Số 2, Lục, Đỏ, và Lam (No. 2, Green, Red, and Blue) của Mark Rothko
Mặc dù Rothko chưa bao giờ tự coi mình là hoạ sĩ Trường màu, nhưng cách tiếp cận đặc trưng của ông – cân bằng các mảng màu được làm phai đi ở kích cỡ lớn – phù hợp với cách hiểu của giới phê bình về phong cách này. Rothko coi màu sắc chỉ là một công cụ để phục vụ một mục đích lớn hơn. Ông tin rằng các trường màu của mình là những mặt phẳng tâm linh có thể chạm vào những xúc cảm cơ bản nhất của con người.
Với Rothko, màu sắc gợi lên cảm xúc. Vì vậy, mỗi tác phẩm của Rothko đều nhằm mục đích gợi lên những ý nghĩa khác nhau tùy theo ai đang là khán giả. Vào thời điểm bức tranh Số 2, Xanh lục, Đỏ và Xanh lam được tạo ra, Rothko vẫn sử dụng tông màu nhạt hơn, nhưng khi nhiều năm trôi qua và sức khỏe tâm thần của Rothko ngày càng suy giảm, tranh Trường màu của ông dần được tạo thành bởi các màu đen, xanh lam và xám u ám.
1952: Núi và biển (Mountains and Sea) của Helen Frankenthaler
Helen Frankenthaler đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hội hoạ Trường màu. Vào khoảng năm 1952, Clement Greenberg đã mời Morris Louis và Kenneth Noland đến thăm xưởng vẽ của Frankenthaler để chứng kiến kĩ thuật nhuộm sơn màu vào vải toan chưa qua xử lí của bà. Thời khắc quan trọng này đánh dấu một bước ngoặt cho chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và chẳng bao lâu sau, nhóm nghệ sĩ mới này đã đơn giản hóa quá trình vẽ tranh bằng cách đưa các dải lớn (hoặc sóng, vòng tròn, đường thẳng, v.v.) có màu đồng nhất lên tranh và hội hoạ Trường màu lại tiến thêm một bước.
1963: Đông-Tây (East-West) của Kenneth Noland
Kenneth Noland thường được biết đến với tính đối xứng chính xác của mình. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã chuyển từ mục hình dạng tâm mục tiêu sang cạnh chữ V dích-dắc sang sọc và thử nghiệm nhiều phong cách khác nữa (đáng chú ý nhất là toan có hình dạng), nhưng ông luôn duy trì sự cân bằng về mặt thị giác trong tác phẩm của mình. Ở bức Đông-Tây, Noland thực hiện phong cách dạng chữ V đặc trưng của mình và đây là một trong nhiều bức tranh mà họa sĩ tìm cách đạt được hiệu ứng bằng cách kết hợp màu sắc với các hình dạng hình học đơn giản. Khi trưởng thành về nghề và vốn từ vựng màu sắc của ông thay đổi, Noland ngày càng phủ sơn lên toàn bộ bức vẽ của mình, đến mức mà đường nét và màu sắc của anh dường như vô tận, và đạt được những gì Greenberg muốn gợi ra khi viết “có khả năng lặp lại bức tranh ngoài khung của nó tới vô tận.”
1964: Sự tiến bộ của lịch sử (Advance of History) của Mark Tobey
Mark Tobey là một trong những nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng ít được biết đến hơn. Ở cái nhìn đầu tiên, Sự tiến bộ của lịch sử xuất hiện gần như một phiên bản chặt chẽ của loạt tranh “nhỏ giọt” Pollock. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ hơn, xuất hiện một mẫu hoạ tiết gần như trang trí vốn không phổ biến trong tác phẩm của Pollock. Trong suốt sự nghiệp của mình, Tobey nổi tiếng với bản tính thích thử nghiệm, thường xuyên đi du lịch và có niềm đam mê với nghệ thuật và triết học phương Đông. Là một học trò của Haiku, thiền và thư pháp Nhật Bản, cùng nhiều thứ khác, Tobey thường lấy các hình thức tự nhiên và chữ viết phức tạp làm nguồn cảm hứng cho mình, đồng thời dựa vào các hoa văn trong tranh của mình như một cách truyền tải sự giao tiếp với thế giới tự nhiên.
1970: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan 1870-1970 (The Metropolitan Museum of Art 1870-1970) của Frank Stella
Đến năm 1970, các nghệ sĩ Trường Màu như Frank Stella, Kenneth Noland và Morris Louis quá cố từ lâu đã khẳng định phong cách của họ như là giai đoạn tiếp theo của trừu tượng hiện đại. Đặc biệt, Stella được biết đến nhiều nhất với quang phổ Trường màu, trong đó các dải màu khác nhau được sắp xếp theo cách sao cho khung vẽ trở thành trường ba chiều có màu không pha trộn. Điều làm cho những bức tranh này trở nên độc đáo và do đó là đặc điểm riêng biệt của hầu hết các tác phẩm Trường màu, là sự vắng mặt của bất kì hình thức biểu đạt hoặc tượng hình nào. Trong áp phích Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan 1870-1970, do bảo tàng đặt hàng nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, Stella đã cân bằng cẩn thận các dải màu xen kẽ để tạo ra một mặt phẳng trực quan và đóng khung mặt phẳng này trong một trường màu xanh lam cơ bản.
Nguyên bản tiếng Anh do Justin Wolf tổng hợp, viết, Những cộng sự của The Art Story hiệu đính, Nhung Ý Chi và Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật