Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’

Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội hoạ Trường màu thế hệ thứ hai. Tạo ra kĩ thuật “ngấm-vết” nổi tiếng sử dụng màu dầu pha loãng bằng nhựa thông hoặc acrylic pha nước, bà cho ra đời những bức hoạ khổng lồ nhưng không táo bạo hay đe doạ, ngược lại mang tới sự xoa dịu và an ủi – những điều đột phá trong toàn bộ nghệ giới đương thời. Đặc biệt, tới cuối đời, bà mang hiệu ứng mềm mại như màu nước này vào tranh in khắc gỗ, tiếp tục tạo ra đột phá đối với kĩ thuật tranh in. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Frankenthaler trong bài viết này.

  • Điều khiến tôi quan tâm khi tôi làm việc, không phải là việc hình ảnh là một phong cảnh, hay nó mang tính đồng quê, hay liệu người ta có thấy một hoàng hôn nơi đó. Điều tôi quan tâm là – liệu tôi đã tạo ra một hình ảnh đẹp không?” – Helen Frankenthaler
  • Một hình ảnh thực sự đẹp trông giống như đã từng xảy ra một lần. Đó là một hình ảnh tức thời.” – Helen Frankenthaler
  • Là người như tôi đã và đang là, được tiếp xúc với tất cả những điều mà tôi đã tiếp tục, tôi chỉ có thể tạo ra những bức hoạ của mình với những cách thức – và với cổ tay – mà tôi có.” – Helen Frankenthaler

Tóm lược về Helen Frankenthaler

Helen Frankenthaler nằm trong số những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất vào giữa thập kỉ 20. Được giới thiệu từ sớm với những nghệ sĩ lớn như Jackson Pollock và Frankz Kline (và cả Robert Motherwell, người mà sau này kết hôn cùng bà), Frankenthaler đã chịu ảnh hưởng của thực hành hội hoạ Biểu hiện Trừu tượng, nhưng phát triển cách tiếp cận khác biệt riêng với phong cách này. Bà phát minh ra kĩ thuật “ngấm vết” (soak-stain), trong đó bà đổ sơn được giảm độ nhớt bằng nhựa thông lên toan, tạo ra một lớp màu loãng lấp lánh dường như hợp nhất với vải toan và xoá bỏ mọi dấu hiệu của ảo ảnh ba chiều. Bước đột phá của bà đã dẫn tới phong trào mà được nhà phê bình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng Clement Greenberg quảng bá là “điều lớn lao tiếp theo” trong nghệ thuật Mĩ: Tranh trường màu, được đánh dấu bởi các tác phẩm nhẹ nhõm tôn vinh niềm vui của màu sắc thuần tuý và mang lại một cách nhìn và cảm nhận hoàn toàn mới cho bề mặt của toan. 

Helen Frankenthaler sinh 12/12/1928 ở New York và mất 27/12/2011 ở Connecticut, Mĩ. Ngoài nằm trong hai phong trào Biểu hiện Trừu tượng và hội hoạ Trường màu, đôi khi tranh bà cũng được xếp vào “trừu tượng trữ tình”.

Sau này trong sự nghiệp của mình, Frankenthaler chuyển sự chú ý của mình sang những phương tiện nghệ thuật khác, đặc biệt nhất là tranh in khắc gỗ, nơi bà đạt được chất lượng của hội hoạ, trong một số trường hợp thậm chí còn tái tạo được hiệu quả của quá trình ngấm-vết của mình.

Những thành tựu

  • Khi tạo ra tác phẩm Núi và biển (Mountains and Sea) (1952), Frankenthaler đã tìm ra biến thể sáng tạo riêng của kĩ thuật đổ sơn của Jackson Pollock, trong đó bà cũng đổ sơn lên những tấm toan khổng lồ đặt nằm trên sàn. Nhưng trong khi Pollock sử dụng sơn men, loại sẽ ở lại trên bề mặt toan khi khô, Frankenthaler đổ sơn dầu mà bà đã làm giảm độ nhớt bằng nhựa thông và sau đó làm ngấm sơn xuống vải. Kĩ thuật ngấm-vết của bà tạo ra những bố cục mờ ảo, phát quang, nổi bật bởi cách vùng màu lớn dường như nhập vào với mặt toan một cách tự nhiên và hữu cơ
Helen Frankenthaler vẽ bức Lửa (Fire) trong xưởng của mình, tháng 4 năm 1964. Ảnh: J Paul Getty Trust
  • Tác phẩm của Frankenthaler đã ảnh hưởng đến Morris Louis và Kenneth Noland, những người đã công nhận những tác phẩm như Núi và biển là một phương thức hội hoạ trừu tượng mà đã vượt ra ngoài những bức tranh thể hiện rõ kết cấu và mang đậm tính tâm lí đến những bố cục hoàn toàn dựa trên màu sắc. Trên cơ sở kĩ thuật ngấm-vết và màu loãng, Frankenthaler, Louis, và Noland đã tạo ra hội hoạ Trường màu (nhưng đôi khi được gọi là Trường màu thế hệ thứ hai). Trong những tác phẩm đó, toàn bộ không gian hình ảnh được hình thành như một “trường” dường như trải rộng ra ngoài mép của khung vẽ; hình tượng và nền trở thành một và giống nhau, và ảo ảnh ba chiều hoàn toàn bị loại bỏ.
  • Trong một sự rời bỏ quan trọng khác khỏi hoạ phái Biểu hiện Trừu tượng thế hệ đầu tiên, Frankenthaler là một nghệ sĩ trừu tượng mà coi phong cảnh thiên nhiên là trọng tâm và nguồn cảm hứng chính – thay cho sự đối đầu hiện sinh với toan vẽ hay việc tìm kiếm cái trác tuyệt. Các hình thức đơn giản hoá của bà thường được hình thành từ ấn tượng của bà về thiên nhiên, cho dù là địa hình khô cằn ở Tây Nam nước Mĩ; một cây dâu tằm bà thấy ở ngoại ô New York; hoặc Long Island Sound, nhìn từ nhà của nghệ sĩ ở Darien, Connecticut.
Tác phẩm Hình vuông màu trắng đục (Off White Square) (1973) của Frankenthaler
  • Frankthaler đã áp dụng kĩ thuật ngấm-vết màu mang tính đột phá của mình cho các phương tiện hội hoạ khác, đáng chú ý nhất là acrylic được pha loãng bằng nước, mà bà sử dụng thay thế cho sơn giảm độ nhớt bằng dầu thông từ những năm 1960. Sau đó, bà cũng tìm cách tái tạo hiệu ứng của phương pháp trong tranh in, tạo ra những bức in khắc gỗ không chỉ giống như tranh vẽ, mà còn đạt được chất lượng mờ ảo và nom như màu nước của những lớp màu loãng của bà.

Đôi khi, tôi nghĩ rằng điều tồi tệ nhất là sự “trần tục” của toàn bộ giới [nghệ thuật]. Đó là thứ lừa dối, hủ bại, nhất thời nhất, toàn những kích động và vui vẻ nhưng gần như chẳng có gì về việc nó thực là về cái gì… Nó cần phải về thời đại của chúng ta, một hiệp ước tuyệt vọng về sức mạnh sự tức-thời. Nhưng mà tôi cũng càng ngày càng ít quan tâm tới nó như một vấn đề. Thì sao chứ? Chẳng có sự đe doạ nào.” – Helen Frankenthaler

Không có quy tắc nào. Đó là cách mà nghệ thuật sinh ra, cách những đột phá xảy ra. Hãy chống lại quy tắc hoặc lờ đi quy tắc. Đó chính là ý nghĩa của phát minh.” – Helen Frankenthaler

Tiểu sử của Helen Frankenthaler

Tuổi thơ

Helen Frankenthaler sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở Manhattan cùng với hai chị gái. Cha mẹ cô đã nhận ra và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật của cô từ khi còn nhỏ, gửi cô đến những trường học thử nghiệm, tiến bộ. Gia đình đã thực hiện nhiều chuyến đi vào mùa hè và chính trong những chuyến đi này, Frankenthaler đã phát triển tình yêu của mình với phong cảnh, biển và bầu trời. Cha cô là thẩm phán của Tòa án tối cao bang New York và qua đời vì bệnh ung thư khi cô mới 11 tuổi. Sự mất mát đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô, khiến Helen rơi vào khoảng thời gian bất hạnh kéo dài 4 năm, trong thời gian đó cô bị chứng đau nửa đầu dữ dội.

Đào tạo ban đầu

Ở tuổi 15, Frankenthaler được gửi tới trường Dalton ở New York và bắt đầu học với sự hướng dẫn của hoạ sĩ Mexico Rufino Tamayo. Khi cô 16 tuổi, cô quyết định trở thành một nghệ sĩ, tham gia học tại Đại học Bennington nơi cô học với Paul Feeley, người rất quan trọng trong việc tổ chức các triển lãm cho các nhà Biểu hiện Trừu tượng.

Từ trái qua: Patricia Johanson (người cũng sẽ học nghệ thuật tại trường Bennington), vợ của Paul Feeley, Helen Frankenthaler, và Lisa Motherwell – con riêng của chồng Frankenthaler

Thời kì trưởng thành

Vào năm 1948, Frankenthaler chuyển về New York. Hai năm sau, cô gặp nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Clement Greenberg (hơn cô 19 tuổi) tại một cuộc triển lãm mà cô tổ chức cho các cựu sinh viên Bennington. Họ bắt đầu một mối quan hệ tình ái kéo dài vài năm, trong thời gian đó Greenberg đã giới thiệu cô với một số nghệ sĩ hàng đầu của trường phái Biểu hiện Trừu tượng, bao gồm Willem de Kooning, Lee Krasner, Jackson Pollock, và Franz Kline. Greenberg cũng thúc đẩy Frankenthaler theo học Hans Hofmann vào năm 1950. Năm 1952 là năm đột phá với cô; khi trở về nhà từ chuyến đi tới Nova Scotia, bà đã tạo ra bức tranh Núi và biển, một bức tranh đột phá nơi cô tiên phong với kĩ thuật “ngấm-vết”. Làm việc với những tấm toan lớn đặt trên sàn, Frankenthaler làm loãng sơn của mình với dầu thông và sử dụng que gạt nước cửa sổ, miếng bọt biển, và đường viền bằng than để kiểm soát các vũng sắc tố tạo thành.

Năm sau đó, Greenberg đưa các họa sĩ Morris Louis và Kenneth Noland đến xưởng vẽ của Frankenthaler để xem bức Núi và biển; sự phấn khích của họ đối với tác phẩm đã dẫn đến việc họ thử nghiệm kĩ thuật ngấm-vết của Frankenthaler và cùng với Frankenthaler phát triển Tranh trường màu. Louis sau này tuyên bố rằng tác phẩm của Frankenthaler là “cầu nối từ Pollock đến những gì là khả thi“. Thành tích này cũng rất đáng chú ý khi Frankenthaler khi đó mới 24 tuổi, trong khi Pollock và de Kooning đều ở độ tuổi 40 và 50, và phải vật lộn nhiều năm trước khi được công nhận.

Helen Frankenthaler vào khoảng 1956 (Ảnh: Gordon Parks). Ở bức tường bên phải bà là bức Rừng và biển.

Trong những năm sau đó, Frankenthaler tiếp tục sử dụng phương pháp mới mà cô đã phát triển, lấy cảm hứng từ tình yêu lâu dài của mình đối với phong cảnh. Năm 1957, cô gặp nghệ sĩ đồng nghiệp Robert Motherwell, một họa sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng hàng đầu khác, và năm sau đó họ bắt đầu cuộc hôn nhân kéo dài 13 năm, đánh dấu một thời kì ảnh hưởng lẫn nhau trong tác phẩm nghệ thuật của họ. Vì Motherwell và Frankenthaler đều xuất thân từ chỗ có đặc quyền, cả hai đã làm dấy lên sự ghen tị giữa những nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng khác, nghèo khó, và được mệnh danh là “cặp đôi vàng”.

Robert Motherwell và Helen Frankenthaler trong bữa trưa đám cưới của mình, 14/06/1958. Ảnh: Hans Namuth

Vào những năm 1960, Frankenthaler bắt đầu sử dụng sơn acrylic thay cho sơn dầu. Cô đã đạt được những mảng màu sáng loãng lớn trong các bức tranh acrylic như Hẻm núi (Canyon)(1965), điều này cho thấy khả năng của loại vật liệu mới này. Năm 1964, tác phẩm của cô được đưa vào một cuộc triển lãm do Clement Greenberg phụ trách tại Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles. Xác định dòng tranh mới nổi lên từ chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng này, Greenberg đã đặt tên cho triển lãm là Trừu tượng hậu-hoạ tính – tựa đề ưa thích của ông cho phong cách hội họa được phát triển bởi Frankenthaler, Louis và Noland, thường được gọi là Tranh trường màu. Frankenthaler cũng bắt đầu trưng bày tác phẩm của mình trên phạm vi quốc tế, triển lãm tại Venice Biennale năm 1966 và tại gian hàng của Mĩ tại Triển lãm Quốc tế và Toàn cầu năm 1967 ở Montreal. Cô đồng thời bắt đầu phát triển trình độ của mình trong các phương tiện nghệ thuật khác; đặc biệt, cô yêu thích tranh in, tạo ra các bức tranh khắc gỗ, tranh in aquatint và tranh in thạch bản sánh ngang với bức tranh của cô ấy về tính sáng tạo và vẻ đẹp.

Hình ảnh từ phim tài liệu Nghệ thuật Mĩ những năm 1960 (American Art in the 1960s) của Micheal Blackwood

Sau khi li hôn với Motherwell vào năm 1971, Frankenthaler đi du lịch đến vùng Tây Nam nước Mĩ. Hai chuyến đi của bà vào giữa những năm 1970 đã dẫn đến Đèo Sa mạc (Desert Pass) (1976) và một số tác phẩm khác ghi lại màu và sắc độ của phong cảnh Tây Nam Mĩ.

Thời kì sau này

Frankenthaler tiếp tục hoạt động nghệ thuật trong suốt những năm 1980 và 1990, cho đến những năm cuối đời. Ngoài tác phẩm hội hoạ và tranh in, bà còn thử nghiệm nhiều loại phương tiện khác, bao gồm điêu khắc bằng đất sét và thép, thậm chí còn thiết kế sân khấu và trang phục cho đoàn Ballet Hoàng gia Anh. Vài năm sau khi được vinh danh tại phòng trưng bày nổi tiếng Knoedler & Company ở New York với triển lãm Frankenthaler ở tuổi 80: Sáu thập kỉ (Frankenthaler at Eighty: Six Decades), Frankenthaler qua đời vào năm 2011 tại nhà riêng ở Darien, Connecticut.

  • Dù phương tiện là gì, có sự khó khăn, thử thách, mê hoặc và thường là sự vụng về hiệu quả của việc học một phương pháp mới: bài toán đố và những vấn đề tuyệt vời của việc diễn dịch những chất liệu mới.” – Helen Frankenthaler
  • Quá thường xuyên, mọi nghệ sĩ cảm thấy, ‘Tôi sẽ không bao giờ vẽ nào. Nàng thơ đã nhảy khỏi cửa sổ.’ Năm 1985, tôi gần như không vẽ gì trong ba tháng, và đau đớn tột cùng. Tôi xem những bản sao tác phẩm. Tôi nhìn chằm chằm vào Matisse. Tôi nhìn chằm chằm vào Bậc thầy Cổ điển. Tôi nhìn chằm chằm vào Quattrocento. Và tôi nghĩ cho mình – Đừng ép nó! Nếu mày cố gắng quá nhiều để đạt được điều gì, mày gần như sẽ đẩy nó đi xa.” – Helen Frankenthaler
  • Phong cảnh nằm trong vòng tay tôi khi tôi làm việc ấy.” – Helen Frankenthaler

Di sản của Helen Frankenthaler

Kỹ thuật ngấm-vết của Frankenthaler đã dẫn đến phong trào Trường màu, có tác động quyết định đến tác phẩm của các nghệ sĩ khác gắn liền với phong cách này, chẳng hạn như Morris Louis, Kenneth Noland và Jules Olitski. Ngoài sự khác biệt đáng chú ý với chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng thế hệ đầu tiên, nghệ thuật Trường màu thường được coi là tiền thân quan trọng của chủ nghĩa Tối giản những năm 1960, với chất lượng thiền định, đơn giản hoá.

Tranh của Frankenthaler, Morris Louis, và Kenneth Nolad trong cùng một không gian triển lãm

Những bức tranh sơn dầu của Frankenthaler và các họa sĩ Trường Màu đồng nghiệp của bà cũng cộng hưởng với lí thuyết của người quảng bá lớn nhất cho phong trào, Clement Greenberg. Việc thiếu không gian ảo giác của họ thể hiện điều mà Greenberg mô tả là kết quả cuối cùng hợp lí của hội họa Hiện đại chủ nghĩa: ngày càng nắm bắt được phẩm chất nội tại của phương tiện, mà đối với ông là khái niệm về ‘sự phẳng’, hay tính hai chiều của mặt phẳng tranh. Cuối cùng, phong trào và những ý tưởng của Greenberg mất đi tính phổ biến và bị khuất phục trước sức mạnh mạnh mẽ hơn của Pop Art và chủ nghĩa Tối giản.

Các tác phẩm nghệ thuật quan trọng

1952: Núi và biển (Mountains and Sea)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập Helen Frankenthaler Foundation, Ic. (cho Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, Mĩ mượn lâu dài)

Bức tranh này là tác phẩm mang tính bước ngoặt của nghệ sĩ, trong đó bà lần đầu tiên đi tiên phong trong quy trình ngâm-vết của mình. Mặc dù có kích thước lớn (214 cm×305 cm), nhưng nó là một tác phẩm mang lại sự gần gũi yên tĩnh. Được vẽ khi trở về từ Nova Scotia, Núi và biển vẫn giữ được những ấn tượng của nghệ sĩ về vùng phụ cận Cape Breton; như bà đã mô tả một cách nổi tiếng, cảnh quan của khu vực “nằm trong vòng tay của tôi khi tôi làm việc ấy… Tôi đang cố gắng đạt được điều gì đó – tôi không biết là điều gì cho đến khi nó hiển hiện rõ ràng.” 

Ở đây, màu sắc đảm nhận một vai trò mới, chính yếu, với các mảng loãng màu hồng, xanh lam và xanh lục xác định những ngọn đồi, đá và nước, những hình thức của chúng được phác họa sơ sài bằng than. Sau cuộc gặp gỡ với bức Núi và biển cũng như các tác phẩm khác của Frankenthaler được tạo ra bằng kĩ thuật ngâm-vết, Morris Louis và Kenneth Noland đã nhanh chóng áp dụng phương pháp này và cùng với Frankenthaler đã đưa ra “điều lớn lao tiếp theo” trong nghệ thuật Mĩ: Hội hoạ Trường màu.

1965: Hẻm núi

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập Phillips

Đặc điểm địa hình của phong cảnh thường là nguồn cảm hứng cho hình ảnh trừu tượng của Frankenthaler. Với mảng màu đỏ rực rỡ lấp đầy hầu hết khung vẽ, bức Hẻm núi phản ánh sự thay đổi trong thực hành nghệ thuật của Frankenthaler được giới thiệu vài năm trước đó, khi bà bắt đầu thay thế loại màu dầu pha loãng bằng nhựa thông bằng acrylic pha loãng với nước đổ vào các vết và vệt lớn hơn. 

Độ sáng nhẹ nhàng của bức tranh gợi lên mô tả năm 1964 của nhà phê bình nghệ thuật Nigel Gosling về tác phẩm của Frankenthaler, được viết nhân cuộc triển lãm tại phòng trưng bày ở London của họa sĩ vào năm đó: “Nếu bất kì nghệ sĩ nào có thể giúp đỡ và an ủi chúng ta, thì Helen Frankenthaler có thể làm được với những mảng màu dịu tuyệt vời trên những bức tranh vuông vắn khổng lồ, chúng to lớn nhưng không táo bạo, trừu tượng nhưng không trống rỗng hay lâm sàng, tự do nhưng có trật tự, sống động nhưng cực kỳ thư thái và yên bình.

1974: Làn gió sa mạc (Savage Breeze)

Tranh in khắc gỗ

Miêu tả một không gian mở phía trên một vách ngăn nom giống một ngọn núi, bức Làn gió sa mạc là bước đột phá đầu tiên của Frankenthaler vào lĩnh vực tranh in khắc gỗ. Mối quan tâm của bà trong tác phẩm này là đạt được màu sắc rực rỡ và hình thức vô định như những bức tranh vẽ của bà đã dẫn đến trong một sự đổi mới kĩ thuật lớn cho loại hình nghệ thuật này.

Người nghệ sĩ cắt một tấm gỗ dán mỏng thành các hình dạng theo màu mực riêng biệt rồi sau đó, phối hợp với ULAE (Universal Limitet Art Editions), một xưởng ở Long Island để in tác phẩm, tạo ra một phương pháp đặc biệt nhằm loại bỏ các đường trắng giữa các hình dạng khi in. Kĩ thuật mới được thiết kế này – được một cây viết ca ngợi là “một sự khởi đầu sâu sắc đến mức hầu như tất cả các bức tranh in khắc gỗ sau đó đều kết hợp tư duy mà nó thể hiện” – đã có tác động lớn đến quá trình in tranh sau này. Thật vậy, Làn gió sa mạc khác xa với hình thức đồ hoạ của bản in khắc gỗ truyền thống, mang lại vẻ ngoài như gỗ được sơn chứ không phải được chạm khắc.

1976: Đèo sa mạc (Desert Pass)

Acrylic trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Smithsonian, Washington, Mĩ

Với các hình thức được xác định tối giản và bảng màu đất, bức Đèo sa mạc là một ví dụ tuyệt vời về cách Frankenthaler phản hồi cảnh quan thiên nhiên. Lấy cảm hứng từ một chuyến đi đến miền Tây Nam nước Mĩ, bức tranh ghi lại màu sắc và hình thức cũng như khí hậu của khu vực. Trong số đó: màu vàng kim, gợi lên cát cũng như sự khô cằn và ánh sáng gay gắt của sa mạc và màu lam ngả lục, gợi ra hình thức và màu sắc của xương rồng.

1977: Tinh chất dâu tằm (Essence Mulberry)

Tranh in khắc gỗ – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mĩ

Một bức in khắc gỗ tám màu, Tinh chất dâu tằm bao gồm một vùng xám ngả lam lớn chữa những vệt màu cam, được đóng khung bằng hai dải đỏ rực. Bảng màu của bức tranh in có nguồn gốc ở cả lịch sử nghệ thuật – màu phai dần của thế kỉ 15 – những bức tranh in mà Frankenthaler gặp ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan – và thiên nhiên: một cây dâu tằm nằm bên ngoài xưởng in tranh của Kenneth Tyler ở New Bedford, New York. Sử dụng nước dâu tằm để nắm bắt màu đỏ rực rỡ của cây, nghệ sĩ đã đạt được chất lượng của hội hoạ – thách thức bản chất đồ hoạ và giúp mở rộng những khả thể của phương tiện. Do Tyler Graphics in, bức Tinh chất dâu tằm là bức tầu tiên trong vô số hợp tác của Frankenthaler với bậc thầy in ấn trong suốt hai lăm năm.

2000: Quý bà bươm bướm (Madame Butterfly)

Tranh in khắc gỗ

Mặc dù hình dạng màu trắng ở giữa gợi nhớ đến một con bướm, nhưng bản in này mang tính khơi gợi hơn là mô tả chủ đề của nó, với cảm giác tinh tế phù hợp với nhân vật nữ anh hùng Nhật Bản trong vở opera bi kịch cùng tên của Puccini. Lần hợp tác cuối cùng của Frankenthaler với Tyler Graphics, Quý bà bươm bướm là một tác phẩm vô cùng phức tạp, bao gồm 106 màu sắc, 46 bản khắc gỗ và dài 183 cm. Cả chủ đề và cách thức tạo ra bản in, sử dụng kỹ thuật chạm khắc Ukiyo-e truyền thống của Nhật Bản, đều phản ánh sự gắn bó lâu dài của nghệ sĩ với nghệ thuật và văn hóa châu Á. Với mảng màu sắc loãng, hình dạng trôi nổi và hiệu ứng giống như màu nước, bức Quý bà bươm bướm gợi nhớ đến các tác phẩm như Núi và biển – dường như là sự hiện thực hóa kĩ thuật ngấm-vết trong môi trường khắc gỗ.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica Shaffer tổng hợp và viết, Những cộng sự của The Art Story hiệu đính, Thu Vũ dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Helen Frankenthaler Hương Mi Lê Lê Hương Mi Quý bà bươm bướm Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…
Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)
Clyfford Still - Cha đẻ của hội hoạ Trường màu (Color Field painting)
Biểu hiện Trừu tượng là trào lưu nghệ thuật cuối cùng khép lại chủ nghĩa/thời kì Hiện đại trong lịch sử nghệ thuật. Nhiều người cũng coi đây là phong…