Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)

Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế, ông dẫn dắt chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng cũng như tranh Trường màu, tác động tới những trào lưu liên quan như chủ nghĩa Tối giản (dù ông nhất mực phủ nhận), trong khi cũng là một nhà lí thuyết nghệ thuật truyền cảm hứng. Trong loạt bài hai phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về một nghệ sĩ không chỉ quan trọng với nghệ thuật Mĩ hay trái cuối mùa chủ nghĩa Hiện đại là Biểu hiện Trừu tượng mà còn góp phần đáng kể vào diễn ngôn về cái trác tuyệt trong thời kì hiện đại. Khả năng đưa hội hoạ xâm nhập vào không gian ba chiều của đời sống thật của ông sẽ còn mãi bảo tồn vị thế của ông trong lịch sử văn hoá thị giác của con người.

  • Tôi hi vọng là tranh của mình có tác động là mang tới cho ai đó, như nó đã làm với tôi, cảm nhận về tính toàn thể của chính họ, sự tách biệt của chính họ, và tính cá thể của chính họ.” – Barnett Newman
  • Hình ảnh mà ta tạo ra là hình ảnh tự chứng của mặc khải, thật và cụ thể.” – Barnett Newman
  • Chức năng của chính chúng ta trong tư cách nghệ sĩ là khiến khán giả nhìn thế giới cách của chúng ta và không phải cách của họ.” – Barnett Newman
  • Không có cái gọi là một bức tranh tốt mà không về cái gì cả.” – Barnett Newman

Tóm lược về Barnett Newman

Newman đã chia sẻ niềm hứng thú của những nhà Biểu hiện Trừu tượng với sự vô thức nguyên thuỷ, nhưng những trường màu khổng lồ và những đường “zip” đặc trưng trong các bức tranh của mình đã đặt ông tách biệt với xu hướng trừu tượng cử chỉ của nhiều người đồng trang lứa. Phản hồi với tác phẩm trưởng thành của ông, ngay cả từ bạn bè người nghệ sĩ, là sự im lặng trong lần đầu tiên ông trưng bày chúng. Mãi cho đến sau này trong sự nghiệp của mình, ông mới bắt đầu nhận được sự ca ngợi và tiếp nối là việc trở thành tiêu chuẩn cho cả những nhà Tối giản chủ nghĩa và thế hệ hoạ sĩ Trường màu thứ hai. Nhận xét về một trong những cuộc triển lãm của Newman vào năm 1959, nhà phê bình Thomas B. Hess viết, “trong khoảng một năm, ông đã biến từ một kẻ ruồng bỏ hoặc một kẻ lập dị thành hình tượng người cha cho hai thế hệ.

Barnett Newman sinh ngày 29/01/1905 và mất ngày 04/07/1970 (thọ 65 tuổi) tại New York, Mĩ. Ông được biết đến với các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, in thạch bản, và cả những bài luận nghệ thuật quan trọng, ví dụ như “Trác tuyệt là bây giờ” (The Sublime is Now)

Các thành tựu của Barnett Newman

  • Newman tin rằng thế giới hiện đại đã khiến các chủ đề và phong cách nghệ thuật truyền thống trở nên vô giá trị, đặc biệt là trong những năm sau Thế chiến thứ II vốn bị bao phủ bởi xung đột, sợ hãi, và bi kịch. Newman đã viết “những tiêu chuẩn cũ về cái đẹp không còn phù hợp nữa: cái trác tuyệt tất cả đều là về những gì phù hợp – một trải nghiệm về cái to lớn có thể nâng nhân loại lên khỏi trạng thái mê muội.
  • Những bức tranh của Newman là một bước đột phá mang tính quyết định với trừu tượng cử chỉ của những người đương thời với ông. Thay vào đó, ông nghĩ ra một cách tiếp cận tránh sự đối lập thông thường giữa hình tượng và hậu cảnh. Ông tạo ra một biểu tượng, một đường “zip”, có thể vươn ra và kêu gọi người xem đứng trước nó – kẻ được đốt bằng tia lửa của cuộc sống.
  • Ông nghĩ rằng con người có động lực sáng tạo nguyên thuỷ và người ta có thể tìm thấy những biểu hiện của bản năng và khao khát trong nghệ thuật cổ xưa cũng giống như trong nghệ thuật hiện đại. Ông ấy nhìn nhận các nghệ sĩ, cũng như bản thân mình, là những đấng sáng tạo ra thế giới.

Tiểu sử của Barnett Newman

Tuổi thơ

Barnett Newman sinh năm 1905 trong một gia đình người Do Thái nhập cư tới New York từ Nga Ba Lan năm năm trước đó. Barney, theo cách mà gia đình và bạn bè cậu gọi, lớn lên ở Manhattan và Bronx cùng với ba người em. Cậu bắt đầu vẽ khi tham gia Liên đoàn học sinh nghệ thuật khi học cấp ba, tiếp tục theo các lớp hội hoạ ở đó trong khi học để lấy bằng cử nhân triết học ở Trường Đại học Thành phố (City College) của New York. Chính là tại Liên đoàn mà cậu đã gặp gỡ và đánh bạn với Adolph Gottlieb, người sẽ giới thiệu cậu với những nghệ sĩ và chủ phòng tranh quan trọng tại New York.

Đào tạo ban đầu

Sau khi tốt nghiệp đại học, Newman làm việc cho doanh nghiệp sản xuất quần áo của cha mình cho tới khi nó phá sản một vài năm sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929. Trong vài năm kế tiếp, các mục tiêu khác nhau của chàng trai trẻ bao gồm dạy thay các lớp nghệ thuật (mặc dù đã thất bại nhiều lần trong kì thi lấy chứng chỉ giáo viên mĩ thuật), tranh cử với tư cách ứng cử viên ghi thêm tên cho chức thị trưởng vào năm 1933, và tạo ra một tạp chí tồn tại ngắn hạn ủng hộ quyền của người lao động công chức. Năm 1936, ở tuổi 31, Newman kết hôn với Annalee Greenhouse, một giáo viên. Trong đoạn đầu thập kỉ 1940, anh từ bỏ hoàn toàn việc vẽ tranh. Thay vào đó, anh nghiên cứu lịch sử tự nhiên, thuyết điểu học, và nghệ thuật tiền Colombia, viết các bài tiểu luận cho vựng tập bảo tàng và các bài phê bình nghệ thuật, cũng như tổ chức các cuộc triển lãm. Sự hứng thú của anh đối với thuyết điểu học sau này đã dẫn tới câu nói nổi tiếng “Mĩ học dành cho nghệ sĩ cũng như thuyết điểu học dành cho các loại chim.” Trong thời gian này, anh bắt đầu kết bạn với chủ phòng tranh Betty Parsons và tổ chức một số cuộc triển lãm cho cô. Nhanh chóng, cô trở thành người đại diện cho Mark Rothko, Clyfford Still, và Jackson Pollock, tất cả đều là bạn thân của Newman.

Những hoạ sĩ trừu tượng Mĩ, bao gồm William Baziotes, James C. Brooks, Jimmy Ernst, Adolph Gottlieb, Hedda Sterne, Clyfford Still, Willem de Kooning, Bradley Walter Tomlin, Barnett Newman, Jackson Pollock, Theodoros Stamos, Richard Pousette-Dart, Robert Motherwell, Ad Reinhardt, and Mark Rothko. (ảnh của Nina Leen//Time Life Pictures/Getty Images)

Vào năm 1944, Newman quay trở lại hoạt động nghệ thuật, một phần vì cảm hứng từ chủ nghĩa Siêu thực. Không hài lòng với tác phẩm tượng hình trước đó của mình, anh đã phá huỷ mọi thứ anh từng tạo ra, và sẽ còn tiếp tục phá huỷ những tác phẩm không khiến anh hài lòng trong suốt sự nghiệp của mình. Năm 1946, phòng trưng bày Betty Parson bắt đầu đại diện cho Barnett Newman.

Thời kì trưởng thành

Năm 1948 là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Newman. Ông bắt đầu phát triển một yếu tố tạo hình ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc theo chiều dài của toan, và điều này dẫn tới bức tranh Nhất thể I (Onement I) (1948). Yếu tố này rồi sẽ trở thành thương hiệu cho tất cả các tác phẩm sau đó của ông. Với nó, ông đã đình chỉ sự đối lập truyền thống giữa hình và nền và tạo ra một trải nghiệm bao trùm về màu sắc nơi bản thân người xem, cả về thể chất và cảm xúc, được khơi gợi bởi đường zip – được coi là tràn ngập tia lửa đời sống nguyên bản, giống như “người đầu tiên” thần thoại của Newman (xem phần “Các bài viết và ý tưởng” ở dưới). Ông đã đề cập đến một số ý tưởng như vậy khi giải thích cách khán giả nên đọc bức tranh lớn hơn nhiều Con người, sự anh hùng, và trác tuyệt (Vir heroicus sublimis) năm 1950: “Thật sự, không có gì khác với việc gặp gỡ một người khác. Một người có phản ứng thể chất với người khác. Ngoài ra, có một cái gì đó siêu hình, và nếu gặp gỡ ai đó là có ý nghĩa, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của cả hai.

Nhất thể I (1948) của Barnett Newman. Sơn dầu trên toan và sơn dầu trên băng keo dán trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mĩ.
Con người, sự anh hùng, và trác tuyệt (1950-51) của Barnett Newman. Sơn dầu trên toan. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mĩ
Những zip màu sẽ kêu gọi người xem lại gần và khi đó trường màu đỏ lớn sẽ nuốt trọn họ.

Tác phẩm mới, bao gồm Nhất thể I, được triển lãm lần đầu tại phòng trưng bày Betty Parsons vào năm 1950. Tuy nhiên, phản hồi phần lớn là tiêu cực; một bức tranh thậm chí bị phá huỷ, và các tác phẩm của Newman tiếp tục kích thích phản ứng dữ dội từ khán giả, bị rạch nhiều lần trong nhiều dịp vào những năm tiếp theo. Năm sau đó, 1951, Parson tiếp tục trưng bày tác phẩm của Newman, phản ứng cũng chỉ tốt hơn có một chút và khiến Newman phải rút lui khỏi hoạt động trưng bày nói chung. Trong suốt thời kì này, ông tiếp tục viết và cho ra đời một vài tiểu luận triết học về nghệ thuật. Đáng chú ý nhất, ông viết “Trác tuyệt là bây giờ” mà trong đó, ông tuyên bố “Tôi tin rằng ở Mĩ, một số người trong chúng ta, thoát được khỏi sức nặng của văn hoá châu Âu, đang tìm kiếm câu trả lời bằng cách hoàn toàn phủ nhận rằng nghệ thuật có bất cứ mối quan tâm nào với vấn đề của cái đẹp và nơi để tìm được chúng.

Tác phẩm của Newman không được treo ở bất cứ đâu trong khoảng 1951-1955; ông thậm chí còn mua lại một số bức mà ông không muốn được trưng bày công khai nữa. Và trong những năm này, ông bán được rất ít tranh. Chỉ tới đầu những năm 1960 – và sau cơn đau tim năm 1957 – mà một số nhà phê bình tiêu cực nhất của ông mới bắt đầu thay đổi quan điểm.

Thời kì sau này

Với xu hướng phê bình dần thay đổi, rất nhiều người bắt đầu coi Newman là một hoạ sĩ quan trọng trong xu hướng chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, đặc biệt là sau khi Clement Greenberg tổ chức cuộc trưng bày cá nhân đầu tiên của Newman vào năm 1959 tại French & Company. Vào những năm 1960, Newman mở rộng sáng tác ra in thạch bản và điêu khắc, những lĩnh vực mà ông mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu trước đó trong sự nghiệp. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trong một số triển lãm bảo tàng quan trọng về chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, đảm bảo vị trí quan trọng của ông trong phong trào. Tuy nhiên, bất chấp sự công nhận rộng rãi hơn này, nhiều người vẫn tiếp tục diễn giải sai về tác phẩm của ông; Newman đã nhiều lần tranh cãi về những hiểu lầm như vậy suốt sự nghiệp của mình. Ông ấy thậm chí sẽ làm điều này ngay cả với cái giá phải trả đáng kể cho chính mình; vào thời điểm mà ít bảo tàng tỏ ra quan tâm với tác phẩm của ông, ông đã từ chối lời đề nghị xuất hiện trong triển lãm về Trừu tượng hình hoạ năm 1962 ở bảo tàng Whitney.

Chân dung Barnett Newman vào khoảng năm 1969

Di sản của Barnett Newman

Mặc dù phần lớn không được đánh giá cao khi còn sống, Barnett Newman giờ đây được coi là một người cực kì quan trọng đối với phong trào chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và tác phẩm cũng là tiền thân của chủ nghĩa Tối giản. Tuy nhiên, ông không bao giờ cho mình là một phần của bất kì trào lưu cụ thể nào, và cũng không phải là đối lập với cái nào. Ông bác bỏ những so sánh với các hoạ sĩ hình học cũng như những bình luận cho rằng ông là người tiên phong cho phong trào Tối giản. Không giống như trong những bức tranh rõ ràng hơn tập trung vào ý nghĩa phi đại diện hay phi biểu đạt của hình dạng và màu sắc, Newman mang lại khía cạnh triết học hơn cho hội hoạ của mình, truyền vào chúng cái tôi của chính mình và mời khán giả trải nghiệm chúng bằng cả cơ thể và tâm hồn của họ.

(Còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Rachel Gershman tổng hợp và viết, Những cộng sự của The Art Story hiệu đính, Thu Vũ dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Barnett Newman Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…