Cái Trác tuyệt trong Nghệ thuật (Phần 1)
Khi Théodore Géricault bắt đầu những nghiên cứu chuẩn bị cho kiệt tác Cái bè của tàu Medusa, ông đã đi những chặng đường cực đoan và đáng chấn động. Để có thể tái hiện lại đầy đủ thực tế khủng khiếp của những người sống sót trên cái bè rách nát của con tàu bị đắm trong bức hoạ của mình, Géricault đã mang các bộ phận cơ thể đang thối rữa vào trong xưởng vẽ, và người ta cho rằng ông thậm chí còn cất giữ chúng dưới gầm giường. Ông đi thăm các nhà xác để có thể nhìn thật cận cảnh tác động của cái chết đến cơ thể con người. Đó là phiên bản của cái Trác tuyệt của ông: một thẩm mỹ được thiết kế gây sốc, gây khó chịu, và kinh hoàng.
Vậy Trác Tuyệt, Tuyệt luân, hay Siêu phàm (The Sublime) trong nghệ thuật là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm này qua chuỗi bài viết gồm 3 phần.
Tổng quan về Cái Trác tuyệt trong Nghệ thuật
Cảm giác về sự kinh hãi, bàng hoàng, vô tận, và cái bé nhỏ bị xoay vần, và thông qua trải nghiệm về cái trác tuyệt, tuyệt luân, hay siêu phàm, trong tự nhiên, và trong nhiều thế kỷ, được các nghệ sĩ từ Donatello cho đến Bill Viola cố gắng tái hiện trong các bức tranh, tác phẩm điêu khắc, và các trình chiếu video của họ.
Được phát triển thành học thuyết ngay từ thế kỷ 1, cái trác tuyệt ấy đã làm say đắm các nhà văn, triết gia và nghệ sĩ. Thông qua các định nghĩa và cách giải thích khác nhau, trên cơ sở, trác tuyệt là cảm giác bắt nguồn từ mối quan hệ của con người với thế giới, với thiên nhiên và những gì nằm còn vượt lên trên đó mà giúp chúng ta hình thành sự hiểu biết về chính bản thân mình.
Bởi vì trải nghiệm của cái siêu phàm có tính chất tương tác – chúng ta cảm thấy bản thân có liên quan đến thứ gì đó lớn hơn bản thân mình – các nghệ sĩ quan tâm đến sự trác tuyệt sử dụng vô số phương pháp và phương tiện – từ màu sắc và phối cảnh cho đến tính sống động trong cách bố trí và âm thanh – để tạo ra một trải nghiệm thu hút các giác quan của người xem và dẫn dắt họ thưởng thức tác phẩm. Các nghệ sĩ sử dụng cái trác tuyệt không chỉ để bình luận về mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên, mà còn về tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như các sự kiện đương đại về chiến tranh và bạo lực.
Các ý tưởng và thành tựu chính
- Những khơi gợi hiện đại về cái trác tuyệt đã bén rễ từ những tác phẩm triết học vào thế kỷ 17 và 18. Để cắt nghĩa những cảm xúc và niềm say mê của con người, các tác giả đã ra sức chất vấn một cách có hệ thống về cội nguồn nơi chúng nảy sinh. Trong đó có ảnh hưởng hơn cả là Immanuel Kant, người đã xác định vị trí của trác tuyệt trong sự bất lực của con người trước việc lĩnh hội cái mênh mông vô trùng đến khiếp đảm, và nhờ đó mà ta tự nhận thức được sự nhỏ bé và giới hạn của mình.
- Trác tuyệt luôn nhen nhóm trong ta cảm thức về sự tồn tại của một thứ gì đó nằm ngoài ta mà ta không tài nào nắm bắt nổi, vì thế mà từ lâu người ta đã liên kết nó với tôn giáo, tâm linh và sự siêu việt. Ngay cả trong những bối cảnh thế tục, trác tuyệt cũng gợi lên cái gì đó đáng kinh ngạc, nhắc cho ta nhớ rằng con người không nhất thiết là trung tâm của vũ trụ.
- Sang thế kỷ 20, các nghệ sĩ bày tỏ niềm hứng thú với sự trác tuyệt thường tìm đến máy móc, công nghệ, cũng như nhà máy công xưởng để tìm kiếm cái phi thường và choáng ngợp. Công nghệ nhân tạo ngày nay trói buộc trí tưởng tượng và kiểm soát phần nhiều cuộc sống của chúng ta. Thứ ban đầu là sự nhiệt thành đón nhận công nghệ như công cụ làm giàu thế giới đã, trong không ít trường hợp, trở thành nỗi sợ hãi trước cái siêu phàm của công nghệ.
- Quá trình chính trị hoá và vật phẩm hóa những cảnh tượng siêu phàm, trác tuyệt đã khiến nhiều học giả gần đây bắt đầu xem xét kĩ hơn về trác tuyệt và mối quan hệ của nó với chủ nghĩa tư bản, cũng như về cách thức trải nghiệm về tự nhiên và công nghệ được bán cho người tiêu dùng. Dù là với du lịch sinh thái hay khung cảnh triển lãm ở một viện bảo tàng, khách hàng ngày càng trả giá cao hơn để mua lấy trải nghiệm trác tuyệt. Cũng có một số thành phần tranh cãi rằng tư bản đã làm ô nhiễm đi cái trải nghiệm ấy và đi ngược lại với tinh thần nguyên thuỷ của sự trác tuyệt.
Những sự khởi đầu
Boileau và Longinus – Về cái Trác tuyệt (On the Sublime) (1674)
Khái niệm về trác tuyệt có thể truy dấu xa nhất là giai đoạn Phục Hưng ở Ý. Các tác phẩm của Masaccio và Andrea Mantegna về chủ đề cái chết của Chúa Giêsu, cùng với những bức vẽ và nghiên cứu của Raphael về đầu lâu, đều nhắc nhở rằng ta về sự không thể tránh khỏi của cái chết và cái chưa biết – những chủ đề chính sự trác tuyệt. Hoạ sĩ kiêm lý thuyết gia Jonathan Richardson đã viết rất nhiều về trác tuyệt và ví dụ về nó bằng Michelangelo và hoạ sĩ người Ba Rốc Anthony van Dyck trong cuốn Luận về lý thuyết hội hoạ (An Essay on the Theory of Painting) (1715) của ông.
Nhưng mãi đến thời kỳ Lãng mạn thì trác tuyệt như một quan niệm thẩm mỹ mới thực sự thống trị châu Âu. Bắt đầu từ bản dịch của tác giả người Pháp Nicolas Boileau – Despréaux vào thế kỷ 17 cho cuốn Về cái trác tuyệt (Peri Hypsous), một tác phẩm phê bình văn học của Longinus, một người Hy Lạp, vào thế kỷ 1 CN.
Trong cuốn sách, Longinus lập luận rằng nhà hùng biện không nên chỉ thuyết phục người nghe mà cần hướng đến cả việc khơi dậy niềm đam mê cũng như lay động cảm xúc của họ. Chủ yếu là quan tâm đến ngôn ngữ, Longinus chỉ viết vắn tắt về sự trác tuyệt nhìn thấy được thể hiện trong cả tự nhiên lẫn các đồ vật do con người tạo ra; ông ước đoán rằng kích thước vĩ đại và sự đa dạng có khả năng mang đến cảm nhận về sự trác tuyệt.
Trong chuyên luận mỹ học của riêng mình, Boileau có viết về sự trác tuyệt: “Trác tuyệt không nói lên một cách chặt chẽ về điều gì đó đã được chứng minh hay phô bày, mà nói về một điều kỳ diệu, nó chiếm lấy ta, khích động ta, và khiến ta cảm nhận được những cảm xúc”.
Trác tuyệt của chủ nghĩa Lãng mạn và Khảo nghiệm triết học xoay quanh Nguồn gốc ý tưởng của chúng ta về Tuyệt luân và cái Đẹp của Edmund Burke (1757)
Năm 1757, triết gia Edmund Burke đã cho ra đời tác phẩm lớn đầu tiên về cái siêu phàm, trong đây ông tìm cách nghiên cứu một cách khoa học về những đam mê của con người. Là một người theo chủ nghĩa Duy nghiệm trong triết học, Burke đặt nền tảng lý luận của mình là kinh nghiệm cảm quan, ông đi vào nhiều cung bậc cảm xúc, bao gồm cái khoái lạc, cái đẹp và cái trác tuyệt.
Đối với Burke, cảm giác khoái lạc không mạnh bằng cảm giác đau đớn, ông đề xuất rằng trác tuyệt, mà theo ông hiểu là đam mê mạnh mẽ nhất của con người, bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, đặc biệt là nỗi kinh hoàng do cái chết mang lại. Burke viết rằng: “Niềm đam mê được khơi dậy từ sự vĩ đại và siêu phàm trong tự nhiên; khi các thế lực ấy hoạt động mạnh mẽ nhất – là sự kinh ngạc, và sự kinh ngạc là trạng thái của tâm hồn nơi mọi vận động đều đình chỉ, với một mức độ khiếp sợ nào đó.”
Phê phán năng lực phán đoán (Critique of Judgment) (1790) của Kant
Tương tự, nhà triết học người Đức Immanuel Kant đã khám phá phản ứng của cá nhân với cái siêu phàm, cho rằng nguồn cội của trải nghiệm đó nằm trong tâm thức con người. Trong cuốn Phê phán năng lực phán đoán của mình, Kant đã đề xuất hai loại trác tuyệt: loại toán học và loại động lực học.
Với loại siêu phàm toán học, con người đối mặt với sự vĩ đại của thiên nhiên, và trí tưởng tượng của anh ta không thể hiểu đầy đủ cái rộng lớn bao la. Tuy nhiên Kant biện luận rằng khi đó năng lực lý trí được kích hoạt và cho phép ta hiểu được cảm giác về cái vô hạn trước mắt. Vậy nên, cảm giác về cái trác tuyệt toán học xuất hiện khi lý trí của con người vượt trội hơn tự nhiên và trí tưởng tượng của mình.
Trác tuyệt động lực học cũng là cảm giác khi lý trí vượt qua được tự nhiên, nhưng lại thông qua con đường khác. Kant giải thích rằng: “Sức mạnh không cách nào chống chọi lại [của tự nhiên] hẳn là sẽ khiến cho chúng ta, được xem như những sinh vật tự nhiên, nhận thức được sự bất lực về mặt thể chất, nhưng đồng thời, nó cũng tiết lộ khả năng tự đánh giá bản thân mình là không lệ thuộc vào tự nhiên và có một sự vượt trội hơn so với tự nhiên… Nhờ đó mà nhân tính trong ta không bị suy giảm, dẫu cho con người buộc phải phục tùng sự thống trị của tự nhiên.”
Trong cả hai trải nghiệm trác tuyệt nói trên, Kant đều có viết đến cảm giác “kích động”. Nó lay chuyển tâm hồn, đối lập với cảm giác bình yên nảy sinh từ một tác phẩm về cái đẹp. Sự trác tuyệt cũng gây ra cảm giác không thoả lòng, theo lời giải thích của Kant: “phát sinh từ sự kém cỏi của trí tưởng tượng trong công cuộc ước lượng thẩm mỹ về tầm vóc để đạt đến ước lượng lý trí về nó…”
Những ý niệm của Kant về sự trác tuyệt tuy không được các triết gia chú ý nhiều, nhưng vẫn mang tầm quan trọng đặc biệt đối với lý luận thẩm mỹ và văn học sau này.
Những nghệ sĩ Lãng mạn của châu Âu
Theo nhà sử học nghệ thuật Beat Wyss, sự trác tuyệt của Kant, dựa trên mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và phản ứng có lý trí của ta với nó, đã được chuyển hoá sang chủ nghĩa Lãng mạn Đức dưới hình thức “tôn giáo nghệ thuật”.
Từ đây mở ra một kỷ nguyên nơi mà “bản ngã và thế giới chia tách”. Các nghệ sĩ Lãng mạn thường dùng những trải nghiệm của mình với thiên nhiên hoặc sự kiện tự nhiên để truyền đạt trải nghiệm về cái siêu phàm. Caspar David Friedrich, một người đồng hương của Kant, đã thông qua những bức tranh vẽ sương, mây mù, và bóng đêm của mình mà tìm cách nắm bắt trải nghiệm về sự vô tận, tạo ra một cảm giác choáng ngợp về sự trống không.
Hình ảnh bóng người đơn độc đứng trước những bầu trời kịch tính và uy quyền của Friedrich đã gây ảnh hưởng sâu rộng, khiến ông trở thành một nhân vật tiêu biểu của hội họa Lãng mạn. Cùng thời gian đó tại Pháp, Eugène Delacroix và Théodore Géricault đã khám phá trác tuyệt thông qua những chủ đề bạo lực và kinh hoàng như tự tử, thảm sát, đắm tàu và xử trảm. Những bức tranh của hai người thường có kích thước to lớn như muốn nuốt lấy người xem, đồng thời còn có sự xuất hiện thường xuyên của nhiều chi tiết hỗn độn đan xen gây choáng ngợp giác quan của khán giả.
Tranh phong cảnh của Anh và Trường Barbizon Pháp
Như là những lữ khách tiến vào vùng hoang dã như dãy Alps của Pháp và Thụy Sĩ, vùng núi Snowdonia và các miền tự nhiên khác để trải nghiệm sự trác tuyệt, các hoạ sĩ phong cảnh của nước Anh cũng đáp lại khao khát với sự hồi hộp và kinh ngạc.
John Constable đã tái hiện lại phong cảnh kỳ vĩ của Anh Quốc, được thiết kế nhằm khơi gợi sự ngạc nhiên và choáng ngợp cho người xem. Trong khi đó, người cùng thời cũng là đối thủ của ông, J.M.W. Turner, đã khắc hoạ nên những cảnh biển hùng vĩ, quang cảnh sông Thames và những bầu trời diễm lệ, khám phá sự phù du trong nỗ lực của con người khi đối mặt với các thế lực thiên nhiên. Và quả thật, Turner đã được công nhận là một trong những hoạ sĩ Lãng mạn thành công nhất trong sự nghiệp nắm bắt thẩm mỹ của trác tuyệt theo cách Burke và Kant đã ấn định.
Tại Pháp, các hoạ sĩ Trường phái Barbizon, mà có bao gồm Jean-Baptiste-Camille Corot, Théodore Rousseau, và Jean-François Millet, đã khám phá một cách tiếp cận ôn hoà hơn. Họ tìm cách truyền tải một cảm giác thanh bình, hay còn gọi là “trác tuyệt thưởng ngoạn” trong tranh phong cảnh. Ở đây, các hoạ sĩ tìm đến tranh vẽ cảnh thiên nhiên như liều thuốc giải độc cho những bệnh hoạn của quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, hơn là sự suy xét mạnh bạo về tình trạng con người.
Trường Hudson River
Lấy cảm hứng từ Turner và những người cùng thời với ông, các hoạ sĩ như Thomas Moran và Thomas Cole đã tìm thấy sự trác tuyệt tại những vùng đất hoang sơ của Bắc Mĩ, trong đó có thung lũng Yosemite, hẻm Grand Canyon và dãy núi Rocky, rồi sau đó tái hiện lại những cảnh quan ấy trên toan vẽ khổ thật lớn để thể hiện tầm vóc và sự huy hoàng.
Các nghệ sĩ mong muốn vẽ nên những tác phẩm truyền tải được sự kì vĩ, đáng sợ, bao la bát ngát và thần bí có thể trải nghiệm được ở những địa điểm phi thường này mà đa số dân Mỹ chưa có dịp tận mắt chiêm ngưỡng. Nhiều họa sĩ sau này được biết đến dưới cái tên Trường phái Hudson River (được đặt theo những căn nhà họ xây trên sông ở ngoại ô New York) từng làm việc tại toà nhà Studio toạ lạc trên đường West Tenth ở New York, là không gian cho nghệ sĩ kiểu đấy đầu tiên trong thành phố.
Sau khi chu du khắp đất nước và qua hết các vùng nông thôn, trải nghiệm sự trù phú của cảnh quan nước Mỹ, Albert Bierstadt, Frederic Edwin Church, và sau đó là Asher B. Durand đã khai thác những ý niệm về sự trác tuyệt trong giai đoạn mở mang bờ cõi phía Tây, đồng thời cái nhìn được vẽ ra của họ đã xác định hình hài nước Mỹ trong tâm thức của nhiều công dân bờ Đông.
Vào thập niên 1870 và 1890, các nhiếp ảnh gia tiên phong được chính phủ cùng các công ty tư nhân thuê để chụp lại phong cảnh bờ Tây, bao gồm cả Yosemite và Yellowstone. Những bức ảnh chụp Yosemite của Carleton Watkins đã ảnh hưởng đến quyết định của Quốc hội Hoa Kỳ là biến nó thành một công viên quốc gia. Các nhiếp ảnh gia sau này như Minor White và Ansel Adams đã kế thừa sự nghiệp ghi lại phong cảnh kỳ vĩ, phản ánh được trí tưởng tượng của người dân nước Mỹ.
Sự suy tàn của Trác tuyệt
Đến năm 1886, triết gia Friedrich Nietzsche tuyên bố rằng Trác tuyệt đã “hết thời”, và các hoạ sĩ thời Victoria cũng quay về với cái đẹp như là nàng thơ của họ. Vào khoảng đầu thế kỷ này, nước Mỹ cũng bắt đầu thay đổi, phải lòng trường phái Ấn tượng của Pháp và chủ nghĩa Hiện đại. Để góp thêm vào sự sụp đổ của trác tuyệt với tư cách là triết lý thẩm mỹ có sức ảnh hưởng – vào thập niên 1930, những ý niệm về trác tuyệt đã bị các chế độ độc tài toàn trị lợi dụng. Đức Quốc xã đã thu nạp tác phẩm của Caspar David Friedrich và biến nó thành tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tộc của Đức. Kiến trúc sư trưởng của Hitler, Albert Speer, đã cho ra đời Nhà thờ Ánh sáng (Cathedrals of Light).
Do không có sân vận động cụ thể nào nên Speer đã chiếu 152 đèn rọi phòng không vào bầu trời đêm, tạo thành bức tường ánh sáng thẳng đứng bao quanh khán giả của những cuộc diễu hành Nuremberg. Điều này tạo nên hiệu ứng rực rỡ ấn tượng, và được ghi lại trong những thước phim tuyên truyền của Đức Quốc xã. Việc sử dụng trác tuyệt một cách chính trị công khai đã khiến cho các nghệ sĩ sau này thấy miễn cưỡng khi đưa triết lý thẩm mỹ đó vào trong tác phẩm.
Thời đại của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng
Sau Thế chiến thứ hai, các nghệ sĩ bắt đầu khám phá những cảm giác trác tuyệt về sự siêu việt và sự thăng hoa để phục hồi sau những tàn bạo của chiến tranh. Những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng ở Bắc Mỹ và nhân vật tiên phong Yves Klein của châu Âu cùng tượng điêu khắc của Alberto Giacometti cùng những vần thơ và tranh vẽ của Henri Michaux đều đã tiếp cận lại với chủ đề này.
Trong bài luận năm 1948 với tựa đề “Sự trác tuyệt chính là hiện tại” (The Sublime is Now) của mình, Barnett Newman đã tuyên bố từ bỏ niềm hứng thú với cái đẹp của các hoạ sĩ châu Âu và lập luận rằng nghệ sĩ cần sáng tạo nên những tác phẩm siêu việt có khả năng mang đến một trải nghiệm tâm linh. Ông viết rằng: “Chúng ta đang tái khẳng định khát vọng tự nhiên hướng đến sự thăng hoa thức thần của con người.” Những nghệ sĩ cùng thời là Mark Rothko và Clyfford Still cũng chung một chí hướng, muốn khơi dậy trải nghiệm siêu việt phảng phất sắc màu tôn giáo cho người thưởng tranh.
Nhà sử học nghệ thuật lỗi lạc Robert Rosenblum đã làm xôn xao dư luận khi tạo ra thuật ngữ “trác tuyệt trừu tượng” để chỉ đến hội hoạ Mỹ thời hiện đại. Ông sử dụng khái niệm này để mô tả cảm giác mênh mang và đơn độc truyền tải qua các tác phẩm thuộc trường phái Biểu hiện Trừu tượng, và liên kết chúng với cội nguồn tổ tiên là ở trong hội họa Lãng mạn. Ông phát triển những ý tưởng này trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng của mình là Hội hoạ Hiện đại và Truyền thống Lãng mạn của phương Bắc: từ Friedrich đến Rothko (Modern Painting and the Northern Romantic Tradition: Friedrich to Rothko) (1975).
Vào năm 1961, Rosenblum viết rằng: “Trong công cuộc đầy oai dũng kiếm tìm một thần thoại cá nhân để hiện thân cho sức mạnh trác tuyệt của cái siêu nhiên, hội hoạ dưới bàn tay của Still, Rothko, Pollock và Newman một lần nữa nhắc nhở ta rằng kho tàng kinh hãi của lớp nghệ sĩ Lãng mạn vẫn chưa đến ngày cạn kiệt.”
Dịch: CM Ngô
Về chủ mục
Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi
Sinh năm 1991 tại Hà Nội, hiện Mi là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Mi làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA… Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.
Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác, Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.
Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Animal Theater 2019 – Á Space (Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật