Trào lưu Hội hoạ Cạnh-cứng (Hard-edge Painting)
Cùng với hội họa Trường màu (Color field Painting) và hội họa cử chỉ (gestural painting), hội họa Cạnh-cứng (Hard-edge Painting) tạo nên xu hướng chung là Biểu hiện Trừu tượng – trái cuối mùa của nghệ thuật Hiện đại sau thời kì được nuôi dưỡng ở Mĩ từ sau Thế chiến. Những hình thức hình học đơn nhất táo bạo và sự dường như là thiếu bận tâm tới mối quan hệ màu sắc tạo nên một cảm giác phi cá nhân, và một hình thức khơi gợi tính thiết kế đồ họa hay trang trí hơn là nghệ thuật, cũng là tiền đề cho những trào lưu sau đó mở ra Hậu Hiện đại như chủ nghĩa Tối giản và Pop Art. Chúng ta cùng tìm hiểu về trào lưu này trong bài sau đây.
- “Hội hoạ Trừu tượng vị cổ điển là hội hoạ Cạnh-cứng. Hình thức được xác định, phẳng, được viền bằng những cạnh sắc nét, sạch sẽ. Những hình thức này không nhằm gợi lên trong khán giá bất cứ hồi tưởng nào về những hình dạng cụ thể mà anh hay cô ta đã từng gặp trong một vài mối liên hệ khác. Chúng là những hình dạng tự chủ, đủ cho chính chúng trong tư cách hình dạng.” – Jules Langsner
- “Hình thức của hội hoạ tôi chính là nội dung.” – Ellsworth Kelly
- “Một bức tranh là một bề mặt phẳng với sơn màu ở trên đó – không gì hơn.” – Frank Stella
- “Ngay cả những tác phẩm gần nhất của tôi, những bức tranh trừu tượng, về cơ bản là đang xử trí sự bất ổn định của màu sắc, sự bất ổn định của nét, để khiến mọi thứ chuyển động về mặt tâm lí.” – Lorser Feitelson
- “Việc tạo lập cấu trúc có tầm quan trọng hàng đầu. Không thể làm gì xa hơn một khi chưa có cấu trúc đúng. Sau khi bức tranh hoàn thiện được nét, hình dạng trở thành màu sắc. Tôi đáp lại trực cảm khi chúng tới.” – Frederick Hammersley
Tóm tắt hội hoạ Cạnh-cứng
Hội hoạ Cạnh-cứng (hay Cạnh sắc nét – hard-edge) là một khuynh hướng nghệ thuật cuối những năm 1950 và 1960, có liên hệ chặt chẽ với trừu tượng Hậu-hoạ tính (Post-painterly abstraction) và hội hoạ Trường màu (Color Field Paining). Nó mô tả một phong cách trừu tượng kết hợp bố cục rõ ràng của trừu tượng hình học với màu sắc rực rỡ và hình thức đơn nhất, táo bạo của hội họa Trường màu. Mặc dù, ban đầu, nó được định danh với các họa sĩ California, ngày nay cụm từ này được sử dụng để mô tả một trong những khuynh hướng hội họa trừu tượng đặc biệt nhất diễn ra trên khắp nước Mĩ vào những năm 1960.
Ý tưởng và thành tựu chính
- Trừu tượng Cạnh-cứng là một phần của một khuynh hướng chung rời xa khỏi những tính chất biểu hiện của trừu tượng cử chỉ (gestural abstraction). Nhiều họa sĩ cũng tìm cách tránh khoảng không nông, hậu Lập thể trong tác phẩm của Willem de Kooning, thay vào đó là sử dụng các trường màu mở được tìm thấy trong tác phẩm của Barnett Newman.
- Hội họa Cạnh-cứng được biết đến với hình thức đơn giản, đầy màu sắc, được thực hiện một cách phi cá nhân, và có bề mặt phẳng mịn.
- Thuật ngữ “trừu tượng Cạnh-cứng” do nhà phê bình nghệ thuật người California Jules Langsner tạo ra, với dự định ban đầu là đặt tên cho một cuộc triển lãm năm 1959 gồm bốn họa sĩ Bờ Tây (Nước Mĩ) – Karl Benjamin, John McLaughlin, Frederick Hammersley và Lorser Feitelson. Mặc dù về sau, phong cách này thường được gọi là “hội họa cạnh-cứng California” và bốn họa sĩ đó trở thành đồng nghĩa với phong trào này, Langsner cuối cùng quyết định đặt tên buổi triển lãm là Bốn nhà Cổ điển Trừu tượng (Four Abstract Classicists) (1959), vì ông cảm thấy phong cách này đánh dấu bước ngoặt mang tính kinh điển thoát khỏi chủ nghĩa lãng mạn của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.
Khởi đầu của Hội họa Cạnh cứng
Cuối những năm 1950, nhà phê bình nghệ thuật, nhà văn, và bác sĩ tâm lí người California Jules Langsner bắt đầu quan sát một xu hướng mới nổi lên trong nghệ thuật trừu tượng xuất phát từ hội họa Trường màu, nhưng thường dùng những đường nét gọn gàng và màu sắc đối lập. Ông chọn nhấn mạnh điểm này bằng cách tổ chức một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Quận Los Angeles vào năm 1959, gồm có những họa sĩ như Frederick Hammersley, Karl Benjamin, John McLaughlin and Lorser Feitelson. Buổi triển lãm được đặt tên là Bốn nhà Cổ điển Trừu tượng (Four Abstract Classicists).
Langsner tạo ra thuật ngữ “hình thức màu sắc sắc nét” để mô tả những bức tranh được trưng bày nói riêng, và phong cách hội họa Trường màu mới nói chung đang trở nên phổ biến ở California. Ông tin rằng nó gợi nên sự trừu tượng hình học của Piet Mondrian, Josef Albers, Ad Reinhardt và những họa sĩ khác. Sau bảo tàng nói trên, buổi trưng bày tiếp tục đến Anh và Ireland, vào thời điểm mà nhà phê bình nghệ thuật Anh Lawrence Alloway đã thêm tiêu đề phụ cho triển lãm là Cạnh cứng California (California Hard-edge).
Hội họa Cạnh-cứng: Khái niệm, Phong cách, và Khuynh hướng
Mặc dù bốn họa sĩ có mặt trong buổi triển lãm của Langsner rất khác nhau, nhưng họ hợp lại với nhau ở cách tạo bố cục rõ ràng, sáng sủa, màu sắc đậm, và có bề mặt phẳng mịn. Họ đều chịu ảnh hưởng bởi cảm quan của “chủ nghĩa toàn thể” (wholism), hay một bố cục đơn lẻ, thống nhất được thấy trong tác phẩm của Barnett Newman và những họa sĩ Trường màu khác. Trường phái trừu tượng Cạnh-cứng rất khác so với Hội hoạ Hành động (Action Painting), một khuynh hướng phổ biến đi trước nó. Ở trường phái Hội họa Cạnh cứng, người họa sĩ tô màu rất cẩn thận và cố gắng tránh mọi ngụ ý về tâm linh hay biểu hiện tâm hồn. Frank Stella là một nhân vật điển hình trong số những người có thể được xem là họa sĩ cạnh cứng, và những người tìm cách tránh phần kịch tính dài dòng của hội họa hành động. Vào giữa những năm 1950, giống như Stella, hầu hết bọn họ cảm thấy trường phái trừu tượng cử chỉ đang bị sao chép bởi nhiều tín đồ kém tài năng, những người đang giả vờ hiểu thấu sự đau khổ và hiện sinh.
Nhiều họa sĩ cạnh cứng cũng rất khác với các họa sĩ Trường màu truyền thống, bởi vì mặc dù tác phẩm của họ sử dụng màu sắc là một trong những thành phần chủ yếu, họ chú tâm hơn về thiết kế cũng như cấu trúc. Trên thực tế, mặc dù Kenneth Noland đã từng là học trò của Josef Albers, người nổi tiếng là tán thành “sự tương tác của màu sắc”, ông và những người như mình thường dùng màu theo cung cách mà không liên quan đến cách Albers trù tính trong tác phẩm của mình. Bức Đối lập #15 (Opposing #15) của Frederick Hammersley là một tác phẩm điển hình của chiến lược này, bởi vì nó sử dụng màu cơ bản tương phản nhau.
Những phát triển sau này – Sau Hội họa Cạnh cứng
Năm 1964, Langsner tổ chức một cuộc triển lãm khác, lần này là tại Phòng trưng bày Pavilion (còn được gọi là Newport Pavilion) ở Newport Beach, CA. Kết hợp thuật ngữ gốc của mình với phụ đề do Alloway chỉ định, Langsner gọi cuộc triển lãm này là Hội họa Cạnh cứng California (California Hard-Edge Painting). Có mặt trong buổi triển lãm là bốn họa sĩ gốc từ nhóm Bốn nhà Cổ điển Trừu tượng (Four Abstract Classicists) (1959), cùng với các họa sĩ như Larry Bell, Helen Lundenberg và John Coplans.
Nhưng điều đó không nên ám chỉ rằng thuật ngữ “cạnh cứng” vì vậy mà thành một điểm tham chiếu cho nhiều năm sau đó; nó phải cạnh tranh với nhiều thuật ngữ khác được dùng để mô tả những tác phẩm tương tự trong cùng một thời kỳ, trong đó có “Hội họa Nhất ảnh (One-Image painting)”, và “Hội họa hệ thống (Systemic painting)”. Do đó, một số giám tuyển đã cố gắng tránh hoàn toàn các nhãn mô tả, và vào năm 1963, một cuộc triển lãm mang tên Trừu tượng thế hệ thứ hai (Second-Generation Abstraction) được tổ chức tại Bảo tàng Do Thái ở New York. Buổi trưng bày gồm 47 tác phẩm của chín nghệ sĩ: Al Held, Ellsworth Kelly, Frank Stella, Morris Louis, Kenneth Noland, Miriam Schapiro, George Ortman, Paul Brach và Raymond Parker. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa các họa sĩ ở New York vào trường phái hội họa trừu tượng cạnh cứng. Đến thời điểm này, xu hướng này chỉ liên quan đến những nghệ sĩ California mà thường bị nhiều người coi là những kẻ nổi loạn từ Trường phái New York.
Mặc dù thuật ngữ “cạnh cứng” mô tả được những khuynh hướng của cuối những năm 1960, nó hầu như không được sử dụng cho đến khi các nghệ sĩ mới có những hướng đi mới, và nó không còn được sử dụng khi hội họa trừu tượng khám phá những vấn đề mới trong những năm 1970.
Những tác phẩm và nghệ sĩ của Hội hoạ Cạnh cứng
1957: Những cột trụ màu đen (Black Pillars) của Karl Benjamin
Được cho là một trong những bức hoạ đặc trưng của Benjamin, Những cột trụ màu đen đã giành được danh tiếng mới sau khi trở thành tác phẩm trung tâm của cuộc triển lãm lưu động Khởi sinh của cái Ngầu (Birth of the Cool), do Bảo tàng Nghệ thuật quận Orange tổ chức. Cách sử dụng những màu xanh lơ u ám, những hình thức bóng bẩy, và cách chơi với bóng đỏ của Benjamin giờ đây được coi là biểu tượng của phong cách Mĩ thời hậu chiến. Mặc dù một số hình dạng màu sắc của Benjamin trong Những cột trụ màu đen gợi lại hình dạng của những màn hình ti vi cũ, người nghệ sĩ không làm gì hơn là chơi với những màu và dạng đối lập để tạo ra một hình ảnh hấp dẫn về mặt thị giác.
1959: Đối lập #15 (Opposing #15) của Frederick Hammersley
Tác phẩm Đối lập #15 của Hammersley chứa sự đối xứng thị giác thường được gắn với trừu tượng hậu-hoạ tính và Hội hoạ Trường màu, nhưng nó thiếu đi bất cứ tương tác hoặc cân bằng màu sắc nào. Hammersley đặt các màu tương phản (chủ yếu là màu sơ cấp) cạnh nhau, cùng với các dạng hình học cơ bản dường như không có bất cứ tương tác nào. Kết quả cuối cùng thể hiện một trong những đặc điểm mang tính xác quyết cho rất nhiều bức tranh Cạnh-cứng, đó là sự hiện diện của màu sắc phong phú và có độ bão hoà cao, những nét rõ ràng, và các bề mặt phẳng, đồng thời không quan tâm đến mối quan hệ giữa các màu sắc cấu thành nên bức tranh. Tất cả những điều này cho thấy sự thay đổi về mối quan tâm đã diễn ra khi hội hoạ Trường màu nhường chỗ cho Trừu tượng hậu hoạ-tính; mối quan tâm về sức mạnh biểu đạt của màu sắc đã nhường chỗ cho mối quan tâm đến các hiện tượng quang học.
1959: Tổ chức phân đôi (Dichotomic Organization) của Lorser Feitelson
Tác phẩm Tổ chức phân đôi của Feitelson có thể được gọi là một cách diễn giải kiểu Cạnh-cứng của một bức tranh Clyfford Still. Các hình thức màu sắc sắc nét và chủ đề màu nóng-lạnh gợi lại thương hiệu tranh Trường màu của riêng Still, trong khi cảm giác về chiều của Feitelson khiến đây trở thành một tác phẩm rất độc đáo trong vựng tập các bức tranh Cạnh-cứng vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Jules Langsner từng coi tác phẩm của Feitelson là “không có gì mơ hồ hay chủ quan bối rối.” Nói cách khác, Langsner nhận thấy Feitelson là một nghệ sĩ có tầm nhìn cực kỳ rõ ràng, đó là tạo ra tác phẩm nghệ thuật quyến rũ mà không cần bất kỳ dấu hiệu nào về quan điểm của nghệ sĩ.
1957: Y-1957 của John McLaughin
Mặc dù nhìn chung khó đánh giá, McLaughlin có thể là người ít được biết đến nhất trong số bốn nhà cổ điển trừu tượng, hoặc những họa sĩ Cạnh-cứng ở California. Mặc dù không có phong cách đặc trưng của riêng mình, McLaughlin vẫn là một nhà dụng màu bậc thầy và là nhà biên soạn của những bức tranh phi vật thể theo phong cách tối giản. Bức Y-1957 của ông là một trong những tác phẩm Cạnh-cứng đầu tiên (mặc dù thuật ngữ “cạnh-cứng” bấy giờ vẫn chưa được đặt ra) đã thu hút sự chú ý của Langsner và thôi thúc ông tập hợp những nghệ sĩ có cùng chí hướng nhằm nỗ lực làm nổi bật giai đoạn mới này trong hội họa trừu tượng ở bờ Tây. Bức tranh sọc đơn giản này không chỉ vận dụng một cách tinh tế các nguyên tắc cơ bản của sự đối xứng thị giác mà còn có trước những bức tranh sọc nổi tiếng hơn của Kenneth Noland.
1962: Linh cẩu dậm chân (Hyena Stomp) của Frank Stella
Stella nằm trong số những hoạ sĩ Cạnh-cứng ở New York, người đã thu hút sự chú ý của Alan Solomon, giám đốc Bảo tàng Do Thái, người sau này giám tuyển triển lãm được đón nhận nồng nhiệt vào năm 1963 Trừu tượng thế hệ thứ hai (Second Generation Abstraction). Bức Linh cẩu dậm chân điển hình cho bức chuyển mình về hướng màu sắc sau cú nổi lên nổi tiếng với Những bức hoạ đen (Black Paintings). Nó cân bằng bốn hình thức hội tụ để gợi lên một lăng kính màu phức tạp; khi kiểm tra kĩ hơn, người ta nhận thấy bức tranh hoàn toàn không đối xứng.
1969: Vô đề (Untitled) của Robert Irwin
Robert Irwin không gắn bó với nhóm hoạ sĩ Cạnh-cứng California ban đầu, nhưng bề rộng của tác phẩm thời đầu này của nghệ sĩ cho thấy mối quan hệ họ hàng lỏng lẻo với các tác phẩm đơn giản đến kinh ngạc của nhóm nói trên. Loạt tác phẩm đĩa của Irwin, bao gồm tác phẩm không có tiêu đề ở trên, được chơi với mức độ ánh sáng và phối cảnh tinh dịu. Những gì ông đạt được với những tác phẩm này là sử dụng các cấu phần của cạnh cứng và hậu-hoạ tính (nghệ thuật bao gồm các hình dạng cơ bản, màu sắc, và hình thức hình học) và sự tái-diễn giải lại chúng trong không gian ba chiều. Tác phẩm Vô đề cũng áp dụng các nguyên lý của hội hoạ Trường màu, trong đó màu sắc tương tác và bao phủ toàn bộ không gian, đồng thời diễn giải lại nó để khiến mọi người tương tác với các hình dạng, nét, và hình thức của chính tác phẩm nghệ thuật.
Nguyên bản tiếng Anh do Justin Wolf tổng hợp và viết, những cộng sự của The Art Story hiệu đính, Nhã Văn và Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh họa và viết lời đề tựa.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật