Lập thể (Phần 1)

Trong khoảng thời gian từ năm 1907 đến năm 1914, Georges Braque và Pablo Picasso hợp tác chặt chẽ với nhau, họ ăn mặc giống nhau và đùa rằng họ giống như hai anh em nhà Wright đã phát minh ra máy bay – Picasso thậm chí còn gọi Braque là “Willbourg.” Braque nói, “Những điều mà Picasso và tôi nói với nhau trong những năm ấy sẽ không bao giờ được nói ra lần nữa, và kể cả chúng có được nói ra, không ai có thể hiểu chúng được nữa. Chúng tôi đã giống như thể là bị treo với nhau trên một ngọn núi,” khi hai người dẫn đầu phát triển trào lưu.

Trong loạt bài 3 phần, ta cùng như tìm hiểu chủ nghĩa Lập thể, một chủ nghĩa đã giải phóng hình dạng và phối cảnh bề mặt, do đó là người nghệ sĩ, khỏi mọi truyền thống nghệ thuật truyền thống. Đôi khi được coi là một chủ nghĩa hai người tức là trào lưu của Picasso và Braque, nhưng thực tế nó đã tạo cảm hứng cho một trào lưu rộng lớn hơn rất nhiều cũng như nhiều trào lưu cùng thời và sau này của chủ nghĩa Hiện đại, với những tiến bộ triệt để.

Tóm tắt chủ nghĩa Lập thể

Chủ nghĩa Lập thể phát triển như là hậu quả của tác phẩm gây chấn động năm 1907 Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) của Pablo Picasso trong một giai đoạn thử nghiệm ngắn giữa Pablo Picasso và Georges Braque. Vận dụng lối nhấn mạnh của Paul Cezanne vào kiến ​​trúc cơ bản của hình thức, hai nghệ sĩ này đã sử dụng nhiều điểm nhìn để bẻ gãy các hình ảnh thành các khối hình học. 

Thay vì tạo hình các hình khối trong một không gian tưởng tượng, các hình tượng được miêu tả như sự sắp xếp năng động của khối và mặt phẳng nơi hậu và tiền cảnh hợp nhất với nhau. Phong trào này là một trong những đột phá lớn nhất của đầu thế kỷ 20 vì nó thách thức các mô tả không gian của thời kỳ Phục hưng, dẫn đến gần như trực tiếp các cuộc thử nghiệm với nghệ thuật phi đại diện của nhiều nghệ sĩ khác nhau. Các nghệ sĩ làm việc theo phong cách Lập thể tiếp tục kết hợp các yếu tố cắt dán (collage) cùng văn hóa đại chúng vào tranh của họ và thử nghiệm với điêu khắc.

Nhiều nghệ sĩ đã áp dụng lối tạo bề mặt hình học cho các vật thể và không gian của Picasso và Braque, bao gồm Fernand Léger và Juan Gris, cùng với những người khác đã thành lập một nhóm được gọi là Salon Cubists.

 Georges Braque (trái) và Picasso (phải)

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Các nghệ sĩ đã từ bỏ lối vẽ phối cảnh, vốn được sử dụng để mô tả không gian kể từ thời Phục hưng, và họ cũng quay lưng lại với cách xây dựng hiện thực của các hình thể.
  • Những người theo chủ nghĩa Lập thể đã khám phá hình thể và vật thể táo bạo có hình dạng mở bằng cách để không gian chảy xuyên qua chúng, trộn lẫn hậu cảnh vào tiền cảnh, và thể hiện các vật thể từ nhiều góc độ khác nhau. Một số nhà sử học đã lập luận rằng những đổi mới này đại diện cho phản ứng đối với trải nghiệm đang thay đổi đối với không gian, chuyển động và thời gian trong thế giới hiện đại. Giai đoạn đầu tiên của phong trào được gọi là Chủ nghĩa Lập thể Phân tích.
  • Trong giai đoạn thứ hai của Chủ nghĩa Lập thể, những người thực hành Chủ nghĩa Lập thể Tổng hợp đã khám phá việc sử dụng các vật liệu phi nghệ thuật như các ký hiệu trừu tượng. Việc sử dụng vật liệu là các tờ báo của họ rồi sẽ khiến các nhà sử học sau này tranh luận rằng, thay vì chỉ quan tâm đến hình khối, những nghệ sĩ này cũng nhận thức sâu sắc về các sự kiện đương đại, đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ nhất.
  • Chủ nghĩa Lập thể mở đường cho nghệ thuật phi đại diện bằng cách tạo điểm nhấn mới lên sự thống nhất giữa cảnh được miêu tả và bề mặt của toan. Những thử nghiệm này rồi sẽ được thực hiện bởi những người như Piet Mondrian, người tiếp tục khám phá cách sử dụng lưới, hệ thống trừu tượng của các ký hiệu, và không gian nông.

Khởi đầu của chủ nghĩa Lập thể

Một bước ngoặt cho sự phát triển của chủ nghĩa Lập thể là việc triển lãm tác phẩm của Paul Cézanne, sau khi ông mất, tại Salon d’Automne năm 1907. Việc Cézanne sử dụng các hình khối khái quát để đơn giản hóa tự nhiên đã tạo ảnh hưởng vô cùng to lớn lên cả Pablo Picasso và Georges Braque. Một năm trước đó, Picasso cũng đã được giới thiệu với nghệ thuật phi phương Tây: ông được ngắm nghệ thuật Iberia ở Tây Ban Nha và nghệ thuật chịu ảnh hưởng từ châu Phi của Matisse, và tại bảo tàng nhân học Trocadero. Điều đã thu hút Picasso đến với những truyền thống mang tính nghệ thuật này nằm ở cách họ sử dụng đại diện hình ảnh trừu tượng hoặc đơn giản hóa của cơ thể con người chứ không phải là các hình dáng theo chủ nghĩa tự nhiên của truyền thống Phục hưng châu Âu.

Bước đột phá: Những cô nàng ở Avignon

Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) (1907) của Picasso. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan. Bức này có tên gốc là Nhà thổ của Avignon (The Brothel of Avignon). Các khuôn mặt phụ nữ trong bức tranh được cho là được thực hiện từ các nghiên cứu mặt nạ châu Phi của tác giả. 

Ta có thể thấy những ảnh hưởng khác nhau này trong tác phẩm mang tính đột phá của Picasso năm 1907 này, mà được coi là một tác phẩm của tiền Lập thể. Với sự biến dạng triệt để của các hình thể, việc thể hiện các khối dưới dạng các mặt phẳng phân mảnh và bảng màu được làm dịu bớt, tác phẩm này đã tiên đoán một số đặc điểm chủ chốt của chủ nghĩa Lập thể sau này.

Khi nhìn thấy tác phẩm Những cô nàng ở Avignon của Picasso tại xưởng vẽ của ông, Braque đã tăng cường những khám phá tương tự của mình trong việc đơn giản hóa hình khối. Ông đã vẽ một loạt các bức tranh phong cảnh vào mùa hè năm 1908, bao gồm Những ngôi nhà tại L’Estaque (Houses at L’Estaque) trong đó cây cối và núi non được thể hiện dưới dạng các khối lập phương và kim tự tháp có đổ bóng, trông giống như các hình khối kiến ​​trúc. Chủ nghĩa Lập thể đã được giới thiệu tới công chúng qua cuộc triển lãm cá nhân của Braque tại phòng trưng bày của Daniel-Henry Kahnweiler trên phố Rue Vignon vào tháng 11 năm 1908. Chính buổi triển lãm này đã khiến nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Louis Vauxcelles mô tả chúng như là “những khối lập phương kỳ dị” (“bizarreries cubiques”), do đó đặt tên cho phong trào (Cubism) này.

Các cuộc thử nghiệm của Picasso và Braque hàm ơn Kahnweiler, người hỗ trợ chính cho công việc của họ, rất nhiều. Picasso và Braque đều khá nghèo vào năm 1907 và Kahnweiler đã đề nghị mua các tác phẩm đúng như họ vẽ, do đó giải phóng các nghệ sĩ khỏi những lo lắng về việc phải làm hài lòng những nhà tài trợ hoặc nhận được đánh giá tiêu cực. Sau cuộc triển lãm năm 1908, chỉ ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, hai nghệ sĩ chỉ trưng bày trong phòng triển lãm của Kahnweiler.

Một bức ảnh chụp Kahnweiller trước một bức tranh của Picasso tại văn phòng của ông ở phố MOnceau năm 1962. Có thể nói không có tầm nhìn xa trông rộng của ông thì cũng khó có Lập thể.

Chủ nghĩa Lập thể của Picasso và Braque 

Sự hợp tác chặt chẽ giữa Picasso và Braque kể từ năm 1909 đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ra đời của phong cách vẽ này. Hai nghệ sĩ thường xuyên gặp nhau để thảo luận về tiến bộ của họ, và đôi khi thật khó để phân biệt tác phẩm của hai nghệ sĩ (và họ thích điều đó). Cả hai đều sống trong khu Montmartre phóng túng của Paris trong những năm trước và trong Thế chiến thứ nhất, điều giúp cho việc hợp tác của họ trở nên dễ dàng.

Vào năm 1912, Kahnweiler đã thực hiện cuộc phỏng vấn trước công chúng đầu tiên của mình về Chủ nghĩa Lập thể, chắc chắn là để đáp lại mối quan tâm ngày càng tăng (và một số công nhận) của công chúng đối với phong trào này. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Kahnweiler, là một người Đức, bị lưu đày khỏi Pháp. Trong thời kỳ chiến tranh, Léonce Rosenberg trở thành người môi giới chính cho nghệ thuật Lập thể ở Paris (bao gồm cả những tác phẩm của Salon Cubists) cùng với anh trai Paul Rosenberg là nhà môi giới của Picasso trong những năm giữa cuộc chiến.

Mặc dù Picasso và Braque có định kỳ quay trở lại các hình khối thuộc phong cách Lập thể trong suốt sự nghiệp của họ và có một số triển lãm tác phẩm tới tận năm 1925, phong-trào-hai-người không kéo dài quá lâu sau Thế chiến thứ nhất.

Salon hoặc Section d’Or Cubism

Salon Cubists (nhóm nghệ sĩ Pháp theo trường phái Lập thể), được gọi như vậy vì họ đã trưng bày các tác phẩm của mình tại các buổi triển lãm công cộng như Salon d’Automne (Triển lãm Mùa thu), dù không làm việc chặt chẽ với Picasso và Braque nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi các thử nghiệm của họ. Chính nhờ tác phẩm của nhóm Salon Cubists mà phong trào này đã được công chúng biết đến rộng rãi vào đầu những năm 1910. 

Hình ảnh các tác phẩm thuộc Section d’Or từ Salon d’Automne tổ chức tại Grand Palais năm 1912

Những nghệ sĩ này bao gồm Robert Delaunay, Albert Gleizes, Fernand Léger, Juan Gris, Henri Le Fauconnier, Robert de La Fresnaye và Jean Metzinger. Metzinger và Delaunay, là bạn ít nhất từ năm 1906, bắt đầu cộng tác với Gleizes sau cuộc triển lãm thường niên Salon d’Automne. Thông qua Gleizes, họ đã gặp Le Fauconnier, người đã xuất bản Về hội hoạ (Note sur la peinture) (1910), trong đó ông ca ngợi Picasso và Braque về “sự giải phóng hoàn toàn” của họ đối với nền hội họa.

Những nghệ sĩ này đã cùng nhau trưng bày tại Salon des Indépendants (Triển lãm của những người độc lập) năm 1911, điều đã giới thiệu chủ nghĩa Lập thể đến với công chúng. Indépendants là một cuộc triển lãm không có giám khảo, nơi phản ứng của công chúng phụ thuộc vào cách thức và vị trí các bức tranh được treo. Những người theo trường phái Lập thể đoạt quyền kiểm soát ủy ban treo tranh từ những người theo trường phái Tân Ấn tượng để các tác phẩm của họ có thể được treo cùng nhau trong một phòng như một trường phái gắn kết.

Các bức tranh đã tạo ra một sự khuấy động, như Gleizes ghi chú: “Trong khi các tờ báo gióng lên hồi chuông cảnh báo mọi người về mối nguy hiểm, và trong khi người ta kêu gọi các cơ quan công quyền làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này, những nhạc sĩ viết ca khúc, những nhà châm biếm và những người có tinh thần và trí tuệ đã khơi gợi niềm vui lớn trong những tầng lớp nhàn cư bằng cách chơi với từ ‘khối lập phương’, khám phá ra rằng nó là một phương tiện rất thích hợp để tạo tiếng cười, như chúng ta đều biết, là đặc điểm cơ bản phân biệt con người với động vật.”

 Những cô gái đang tắm (Les Baigneuses) (1912) của Albert Gleizes. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của thành phố Paris, Paris, Pháp. Sơn dầu trên toan.

Ngoài việc trưng bày các tác phẩm của họ trong các cuộc triển lãm lớn, nhóm Salon Cubists cũng khác với Picasso và Braque ở chỗ họ thường làm việc với quy mô tác phẩm lớn, dẫn đến việc một nhà sử học nghệ thuật còn đặt ra thuật ngữ “Chủ nghĩa Lập thể Sử thi” (Epic Cubism) để phân biệt tác phẩm của họ với những tác phẩm gần gũi hơn của Picasso và Braque. Đúng là họ có chia tách các vật thể và bộ phận cơ thể thành các dạng hình học như của Picasso và Braque, nhưng nhóm Salon Cubists không thách thức các quan niệm về không gian của thời kỳ Phục hưng ở mức độ tương tự như hai nghệ sĩ và họ cũng không tiếp nhận sự đơn sắc của chủ nghĩa Lập thể Phân tích hoặc các yếu tố cắt dán của chủ nghĩa Lập thể Tổng hợp.

Vào cuối năm 1911, Gleizes và Metzinger, sống gần nhau ở vùng ngoại ô Paris, cùng những người khác trong nhóm bắt đầu cuộc gặp mặt ở Puteaux, một vùng ngoại ô nơi họa sĩ – thợ chạm khắc Jacques Villon và anh trai của ông, nhà điêu khắc Raymond Duchamp-Villon có xưởng làm việc của họ (dẫn đến việc họ đôi khi được gọi là nhóm Puteaux). Có vẻ bởi những cuộc gặp này mà những ý tưởng chính cho Bàn về chủ nghĩa Lập thể (Du “Cubisme”) (1912) của Metzinger và Gleizes đã được hình thành; đó là tuyên ngôn đầu tiên được xuất bản về phong cách này.

Năm tiếp theo, nhóm cũng lên kế hoạch cho việc tổ chức Salon de la Section d’Or (1912), nơi sẽ hội tụ những trào lưu cấp tiến nhất lúc bấy giờ của hội họa. Khái niệm Section d’Or là cái tên mà nhóm Salon Cubists sử dụng để thể hiện sự gắn bó của họ với tỉ lệ vàng, tức là niềm tin vào trật tự và tầm quan trọng của tỷ lệ toán học trong các tác phẩm của họ mà phản ánh những tỷ lệ trong tự nhiên. Triển lãm Section d’Or được tổ chức sau Salon d’Automne năm 1912 và tại Galerie La Boetie. Chính tại cuộc triển lãm này, nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật Guillaume Apollinaire đã đặt ra thuật ngữ Orphism (có nguồn gốc từ Orpheus) để chỉ tác phẩm của Delaunay. Năm tiếp theo Apollinaire xuất bản cuốn Những suy niệm mỹ học: Những họa sĩ Lập thể (Aesthetic Meditations: The Cubist Painters) (1913). Nhiều cuộc triển lãm và ấn phẩm này đã được tính toán để tạo ra ảnh hưởng, cả ở Paris và nước ngoài.

Những tương phản đồng thời – Mặt trời và Mặt trăng (Simultaneous Constrasts – Sun and Moon) (1912-13) của Robert Delaunay. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan.

Cũng như chủ nghĩa Lập thể của Picasso và Braque, nhóm Salon hoặc Section d’Or không tiếp tục một cách chặt chẽ sau Thế chiến thứ nhất, chỉ có các cuộc triển lãm lẻ tẻ từ năm 1918 đến năm 1925.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê lập thể Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…