Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những năm 1940. Sử dụng những hình chữ nhật màu lớn trôi nổi trên một nền phẳng, tranh của ông đôi khi được ví như cánh cổng mở vào thế giới tâm linh trác tuyệt của người nghệ sĩ mà chính ông cảm thấy dường như chỉ có mình thực sự hiểu được. Tuy nhiên, Rothko cũng đã trải qua một hành trình nhất định trước khi tìm ra điều đó, đi qua những phong cách và những nguồn tham khảo khác nhau. Trong phần cuối cùng của loạt bài về Mark Rothko, chúng ta tìm hiểu về những tác phẩm quan trọng tạo nên tiến trình nghệ thuật suốt cuộc đời người nghệ sĩ.
- “Công cụ quan trọng nhất mà người nghệ sĩ tạo ra được thông qua thực hành liên tục là niềm tin vào khả năng của mình trong việc tạo ra những phép nhiệm màu khi cần thiết. Hình ảnh cần phải màu nhiệm: Ngay vào khoảnh khắc một hình ảnh được hoàn thiện, sự thân mật giữa tạo tác và kẻ sáng tạo kết thúc. Y là một kẻ ngoài cuộc. Hình ảnh, với y và với bất cứ ai trải nghiệm sau đó, phải là một mặc khải, một giải pháp không ngờ tới và không có tiền nhiệm cho một nhu cầu quen thuộc vĩnh cửu.” – Mark Rothko
- “Tiến trình của tác phẩm một hoạ sĩ, khi nó du hành qua thời gian từ điểm này tới điểm kia, cần phải hướng tới sự rõ ràng; về nơi xoá bỏ mọi chướng ngại giữa hoạ sĩ và ý tưởng, giữa ý tưởng và người quan sát.” – Mark Rothko
- “Nghệ thuật với tôi là một giai thoại của tinh thần, và cách duy nhất để khiến mục đích của sự khẩn trương và tĩnh lặng của nó trở nên cụ thể.” – Mark Rothko
- “Tôi không phải một nhà trừu tượng, tôi chưa bao giờ mất cảm nhận về nhu cầu với cái cụ thể. Đó là lí do tại sao tôi không hiểu được một thẩm mĩ được xây trên nền nhận thức về mối quan hệ. Hình ảnh với tôi cần phải cụ thể và không thể chia cắt và có thể hiểu được theo khía cạnh đời sống thật.” – Mark Rothko
- “Chúng tôi ưa thích biểu hiện đơn giản của tư tưởng phức tạp. Chúng tôi ủng hộ những hình dạng lớn bởi vì chúng có tác động của sự dứt khoát. Chúng tôi mơ ước được tái khẳng định mặt phẳng hình ảnh. Chúng tôi ủng hộ những hình thức phẳng bởi chúng phá huỷ ảo ảnh và hé lộ chân lí.” – Mark Rothko và Adolph Gottlieb
- “Tôi không tin rằng từng có một câu hỏi về việc là trừu tượng hay đại diện.
- “Giống như những nhà Lập thể trước đó, những nhà trừu tượng cảm thấy một điều đẹp đẽ trong việc nhận thức cách mà phương tiện có thể, theo ý riêng của nó, mang một người vào cõi không biết, cho sự khám phá những cấu trúc mới. Phương tiện này thật sự là một nguồn cảm hứng.” – Mark Rothko
- “Trong khi thẩm quyền của bác sĩ hay thợ sửa ống nước không bao giờ bị nghi ngờ, tất cả mọi người đều cho bản thân là một thẩm phán giỏi và một trọng tài thích hợp để phán xét rằng một tác phẩm nghệ thuật nên như thế nào và nên được thực hiện như thế nào.” – Mark Rothko
- “Trong các vấn đề nghệ thuật, xã hội của chúng ta đã thay thế khẩu vị với chân lí mà nó thấy là sự thú vị hơn là một trách nhiệm, và thay đổi khẩu vị của mình cũng thường xuyên như thay áo.” – Mark Rothko
Các tác phẩm quan trọng của Mark Rothko
1935: Đóng đinh trên thập giá (Crucifixion)
Rothko là một trong số những nghệ sĩ được Joseph Brummer mời tham gia triển lãm tại Galerie Bonaparte, Paris vào tháng 11 năm 1936; bức Đóng đinh là một trong những tác phẩm được trưng bày. Nhà phê bình người Pháp Waldemar George nhận thấy tranh của Rothko gợi lên cảm giác hoài cổ về nghệ thuật Ý thế kỉ 14, và chúng thể hiện “giá trị màu sắc đích thực”.
Bức tranh này có mối liên hệ về chủ đề với tranh tôn giáo thời Phục hưng, nhưng nó cũng mang những tham khảo đến tác phẩm Khóc thương đức Ki-tô đã chết (Lamentation over the Dead Christ) (kh. 1635) của Rembrandt: hai cây thánh giá ở tiền cảnh đông đúc; cây thứ ba tách biệt ở phía sau; và cách bố trí các nhân vật, tất cả đều gợi nhớ đến tác phẩm của Rembrandt. Tác phẩm này được kí là Rothkowitz, vì tới năm 1940 người nghệ sĩ mới chính thức đổi tên thành Rothko.
1938: Lối vào ga tàu điện ngầm (Entrance to Subway)
Tác phẩm tượng hình sơ khai này cho thấy sự quan tâm của Rothko đến cuộc sống đô thị đương đại. Các đặc điểm kiến trúc của nhà ga được phác họa sơ sài, bao gồm cổng soát vé và chữ “N” trên tường. Mặc dù tâm trạng của bức tranh được làm dịu phần nào do ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng, nó vẫn phản ánh nhiều cảm xúc của nghệ sĩ đối với thành phố hiện đại. Thành phố New York được cho là vô hồn và vô nhân tính, và điều đó được thể hiện phần nào ở đây trong các đặc điểm ẩn danh và hầu như không được thể hiện rõ ràng của các nhân vật.
1944: Oepidus
Thần thoại Hi Lạp là một chủ đề quan trọng trong các tác phẩm của Rothko vào đầu những năm 1940. Oedipus, người được cho là đã giải được câu đố của Nhân sư Sphinx, lại chính là kẻ sát hại cha mình và trở thành tình nhân của mẹ. Câu chuyện của nhân vật này đã truyền cảm hứng cho cả nghệ sĩ và nhà tâm lí học. Đối với Rothko, Oedipus tiêu biểu cho nạn nhân của lòng kiêu hãnh và dục vọng, mà theo họa sĩ là nguyên nhân chính dẫn đến bản chất hủy diệt của con người.
Giống như các tác phẩm mang tính đại diện khác cùng thời kì, Rothko đã phân rã và sau đó tái tổ hợp các nhân vật của mình một cách phức tạp đến mức chúng trở thành một khối kết tụ duy nhất của những thân thể con người. Bằng cách này, Rothko muốn gợi ra ý rằng loài người gắn bó với nhau bởi bi kịch. Các hình tượng người xuất hiện chen chúc một cách kì lạ ở góc một căn phòng với kiến trúc lạ thường. Họa tiết zích-zắc màu lam và lục lặp lại trong một số bức tranh thần thoại của ông. Như Rothko đã nói: “Nếu tựa đề của chúng tôi gợi nhớ đến những huyền thoại cổ đại đã biết, chúng tôi đã sử dụng chúng vì chúng là những biểu tượng vĩnh cửu mà chúng ta phải dựa vào để thể hiện những ý tưởng tâm lí cơ bản… (chúng) biểu hiện một điều gì đó thật và tồn tại trong chính chúng ta”.
1944: Những cuộn sóng chậm ở rìa biển (Slow Swirl at the Edge of the Sea)
Tác phẩm Những cuộn sóng chậm ở rìa biển là một ví dụ tiêu biểu cho giai đoạn Siêu thực của Rothko. Ảnh hưởng của Miró đặc biệt rõ ràng, đặc biệt là trong bức tranh Gia đình (The Family) (1924). Bố cục tổng thể với gam màu lặng của Rothko, những hình thù kì lạ trong mờ, những đường ngang, góc cạnh và hình xoáy tạo nên một hình ảnh sống động nhưng đầy ẩn ý một vùng đất tiền sử tối tăm. Được vẽ trong thời gian Rothko đang tán tỉnh Mary Beistel, người sau này trở thành vợ thứ hai của ông, khung cảnh kì lạ này cũng có thể được giải thích như một chuyện tình lãng mạn trong một thế giới thần thoại và kì diệu, nơi các nhân vật đang tận hưởng đại dương khi bình minh màu hồng đang le lói ở đường chân trời.
1947: Số 9 (No. 9)
Vào mùa xuân năm 1949, Rothko trưng bày 11 bức tranh tại Phòng trưng bày Betty Parsons; bức tranh Số 9 nằm trong số đó. Sau khi bỏ lại phong cách vẽ tượng hình và phong cảnh trong các tác phẩm trước đó, những bức tranh “đa hình thái”, mà bức này là một ví dụ điển hình, có các hình khối mờ được tạo ra từ những lớp sơn màu loãng chồng lên nhau. Tác phẩm này mở đường cho bước đột phá của Rothko vào năm 1949 định hình “tranh mảng”.
Màu đỏ, cam và vàng ấm của bức Số 9 bị phá vỡ bởi khối màu đen kì lạ tràn vào từ bên trái cũng như những vệt như vệt cọ xoáy màu xanh lam ở phần dưới. Có thể thấy các cạnh mờ, các khối màu tách biệt, sự bắt đầu xuất hiện của các phần hình chữ nhật, cũng như một số thử nghiệm về kích thước và tỉ lệ. Tuy nhiên, vượt xa những hình thức trừu tượng đơn thuần, Rothko tin rằng những mô-típ này là những vật thể thấm đẫm sức sống của ông – “những sinh thể… với niềm đam mê thể hiện bản thân.“
1958: Bốn mảng tối trong sắc đỏ (Four Darks in Red)
Năm 1969, Rothko trưng bày mười bức tranh tại Phòng trưng bày Sidney Janis; “Bốn Mảng Tối Trong Sắc Đỏ” nằm trong số đó. Với bảng màu tối, hạn chế, bức tranh minh họa cho sự hướng nội của Rothko vào sắc đỏ và nâu trong giai đoạn cuối của ông. Nó thiết lập nguyên mẫu cho bảng màu đỏ sẫm/nâu/đen và bố cục ngang mà ông sau này sẽ sử dụng trong các bức tranh Tòa nhà Seagram chưa được lắp đặt.
Mặc dù hình ảnh của những bức tranh như “Bốn Mảng Tối Trong Sắc Đỏ” dường như rất khác xa so với “Sự Cuộn Chậm Ở Rìa Biển” (1944), Rothko tin rằng các hình chữ nhật chỉ đơn giản cung cấp một cách mới để thể hiện sự hiện diện hoặc linh hồn mà ông cố gắng nắm bắt trong các tác phẩm trước đó. “Không phải là hình tượng đã bị loại bỏ,” ông từng nói, “…mà là những biểu tượng cho các hình tượng… Những hình dạng mới này nói… những gì các hình tượng đã nói.” Bằng cách này, Rothko hình dung ra một kiểu giao tiếp trực tiếp giữa mình và người xem, một kiểu giao tiếp có thể chạm đến người xem bằng một tâm linh cao hơn.
1965: Nhà nguyện Rothko (The Rothko Chapel)
Nằm trong khuôn viên của Đại học Công giáo St. Thomas, Nhà nguyện Rothko được John và Dominique de Menil tài trợ và chứa mười bốn bích họa trên tường của Rothko. Ba bức theo dạng tam liên hoạ và năm tác phẩm riêng lẻ. Tất cả các bức tranh này đều có tông màu tím sẫm, nâu đỏ và đen; có kích thước cực kì lớn. Rothko hợp tác chặt chẽ với các kiến trúc sư, gần như kiểm soát hoàn toàn hình dạng của tòa nhà và môi trường thiền định bên trong. Sự tối tăm của các tác phẩm có thể được coi là u sầu và thể hiện tâm trạng của Rothko trong những năm cuối đời. Ông đã mất trước khi có thể chứng kiến lễ khánh thành chính thức của Nhà nguyện.
1969: Vô đề, đen trên xám (Untitled, Black on gray)
Rothko đã mời nhiều người ưu tú trong giới nghệ thuật New York đến xưởng vẽ của mình để xem loạt tranh mới nhất, cũng là loạt tranh cuối cùng của ông, mang tên Đen trên xám. Trong khi sự kiện chủ yếu diễn ra trong im lặng, một số người cho rằng đây là những điềm báo trước về cái chết của ông. Những người khác nghĩ rằng với sự phổ biến của hình ảnh mặt trăng trong văn hóa đại chúng, chúng là những cách diễn giải về phong cảnh mặt trăng, trong khi những người khác lại nghĩ chúng là những bức tranh vẽ lại ảnh chụp vào ban đêm. Nhìn chung, chúng không được coi trọng, điều này khiến Rothko suy sụp, nhưng cũng mang tính khẳng định, vì ông thường cảm thấy rằng thế giới nội tâm trong tranh của mình chỉ mình ông mới hiểu được.
Loạt Đen trên xám được vẽ trực tiếp lên vải toan trắng và thiếu lớp sơn lót thông thường mà Rothko thích “sơn đối lên”. Chỉ sử dụng hai tông màu, ông đã hạn chế nghiêm ngặt bảng màu và thu nhỏ kích thước toan xuống một kích thước dễ tiếp cận và thân mật hơn. Sự tương phản cực đoan giữa sáng và tối gợi lên một nỗi buồn diễn ra như một vở kịch tâm lí, vừa mang tính thần thoại vừa bi kịch.
Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Thu Vũ dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật