Chủ nghĩa Ấn tượng (Phần 1)

Édouard Manet từng nói: “Bạn sẽ khó có thể tin được việc đặt một hình tượng người trên một mặt toan vẽ, tập trung mọi sự hứng thú vào hình tượng đơn nhất và phổ quát này nhưng vẫn giữ cho nó sống động, thật khó tới nhường nào.” Ở đây ông đã tiết lộ đôi chút về suy nghĩ đầy mới mẻ đã đi vào cách đại diện mới cho thế giới của chủ nghĩa Ấn tượng. Trong bài viết gồm 3 phần về trào lưu Ấn tượng, ta tìm hiểu một trào lưu thường được coi là trào lưu chính thức đầu tiên của nghệ thuật Hiện đại. Trào lưu này kế thừa tinh thần của Hiện thực và Tự nhiên, bao gồm các nghệ sĩ đã gia tăng sức mạnh phản kháng và cải cách của mình bằng cách thực sự hợp tác làm việc và trưng bày với nhau trong một nhóm riêng, tiên phong cho tất cả các trào lưu mạnh mẽ và đa dạng kế tiếp của đoạn đầu chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật.

Tóm lược trường phái Ấn tượng

Ấn tượng có lẽ là trào lưu quan trọng nhất trong toàn bộ nền hội hoạ hiện đại. Vào một lúc nào đó trong những năm 1860, một nhóm nghệ sĩ trẻ quyết định vẽ, rất đơn giản là, những gì họ thấy, nghĩ, và cảm nhận. Họ không quan tâm đến việc vẽ lại lịch sử, thần thoại hay cuộc đời của những vĩ nhân, và họ cũng không tìm kiếm sự hoàn hảo về hình thức thị giác. 

Thay vào đó, như tên gọi của họ, những nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng đã cố gắng tạo ra trên toan vẽ một “ấn tượng” về cách mà phong cảnh, sự vật và con người hiện diện trước họ vào một thời điểm nhất định. Điều này thường có nghĩa là việc họ sử dụng nét vẽ nhẹ nhàng hơn, lỏng tay hơn nhiều so với các hoạ sĩ trước đó, và vẽ tranh ngoài trời, en plein air. Những nghệ sĩ Ấn tượng cũng từ chối những buổi triển lãm chính thức và các cuộc thi vẽ được tổ chức bởi chính phủ Pháp, thay vào đó họ tự tổ chức những cuộc triển lãm nhóm của riêng mình – điều mà ban đầu công chúng chống đối kịch liệt. Tất cả những động thái này dự đoán sự xuất hiện của nghệ thuật hiện đại, và toàn bộ triết học đi cùng với nó là triết học của những người tiền tiến (avant-garde).

Hoàng hôn ở Étretat (Étretat, Sunset) (1882 – 83) – Claude Monet

Các ý tưởng và thành tựu chính 

  • Nghệ sĩ Ấn tượng sử dụng nét vẽ lỏng tay hơn và màu sắc sáng hơn so với những nghệ sĩ trước đó. Họ bỏ đi góc nhìn ba chiều truyền thống và loại đi sự rõ ràng của hình dạng mà trước đây từng sử dụng để phân biệt các yếu tố quan trọng hơn với những cái ít quan trọng hơn trong một bức tranh. Vì lý do này, nhiều nhà phê bình đã chê bai những bức tranh của nghệ sĩ Ấn tượng vì vẻ ngoài không hoàn thiện và chất lượng có vẻ nghiệp dư của chúng. 
  • Tiếp thu những ý tưởng của Gustave Courbet, những nghệ sĩ Ấn tượng hướng đến trở thành những hoạ sĩ của cái thực: mục đích là nhằm mở rộng chủ đề cho các bức tranh. Họ muốn thoát khỏi cách miêu tả về những hình dáng được lý tưởng hoá và sự đối xứng hoàn hảo, và thay vào đó là tập trung vào thế giới mà họ nhìn thấy, vốn không hề hoàn hảo dù theo bất kỳ cách nào.
  • Tư tưởng khoa học trong thời đại Ấn tượng bắt đầu nhận ra rằng những gì mắt cảm nhận và những gì não bộ hiểu là hai điều hoàn toàn khác nhau. Nghệ sĩ Ấn tượng đã tìm cách để nắm bắt được những gì mắt cảm nhận – những hiệu ứng quang học của ánh sáng – để truyền tải bản chất thoáng qua của khoảnh khắc hiện tại, bao gồm những yếu tố của bầu không khí như những sự thay đổi của thời tiết, trên toan vẽ của họ. Nghệ thuật của họ không nhất thiết phải dựa trên những miêu tả mang tính tả thực.
  • Trường phái Ấn tượng ghi lại những ảnh hưởng của cuộc cải tạo lớn ở Paris vào giữa thế kỷ XIX, do nhà quy hoạch đô thị Georges-Eugène Haussmann dẫn dắt, bao gồm các nhà ga tàu được xây dựng mới của thành phố, những đại lộ rộng lớn rợp bóng cây thay thế cho những con phố chật hẹp, đông đúc trước đây; và những tòa chung cư lớn cao cấp. Các tác phẩm tập trung vào quang cảnh về giải trí công cộng – đặc biệt là cảnh những quán cà phê và quán rượu – thường truyền tải cảm giác tha hóa mới mẻ mà cư dân của đô thị hiện đại đầu tiên trải qua. 
Ly Absinth (L’Absinthe) (1875 – 76) của Edgar Degas. Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp. Tên gốc của tác phẩm là Trong một quán cà phê hoặc xa hơn thế là Một ký hoạ của một quán cà phê Pháp hay Những hình tượng người ở quán cà phê.

Những khởi đầu của chủ nghĩa Ấn tượng

Hiện thực, Tự nhiên, và thách thức đối với Nghệ thuật chính thức (Official Art)

Mặc dù là một phong trào mang tính cách mạng nhưng chủ nghĩa Ấn tượng vẫn có nguồn gốc từ các phong cách hội hoạ khác, như là chủ nghĩa Hiện thực và chủ nghĩa Tự nhiên, vốn đã luôn thách thức các quan niệm thông thường về cái đẹp trong nghệ thuật và mối quan hệ của nghệ sĩ với chính quyền.

Phong trào Hiện thực, do Gustave Courbet dẫn đầu, là phong trào đầu tiên đối đầu với nền nghệ thuật chính thức của Pháp và từ giữa thế kỷ XIX. Courbet là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ cho rằng nghệ thuật vào thời của ông đã bỏ mặc những hiện thực của cuộc sống. Người Pháp bị cai trị bởi một chế độ áp bức và phần lớn phải chịu cảnh đói nghèo. Thay vì mô tả những cảnh như vậy thì những nghệ sĩ thời đó lại tập trung vào những hình dạng khoả thân được lý tưởng hoá, những câu chuyện mang tính cổ điển và thần thoại, và những miêu tả tôn vinh thiên nhiên. Như một hành động phản đối, Courbet đã tự bỏ tiền ra để tổ chức một cuộc triển lãm những tác phẩm của mình ngay đối diện Hội chợ Triển lãm Thế giới (L’Exposition Universelle) ở Paris vào năm 1855, một hành động táo bạo truyền cảm hứng cho những nghệ sĩ tương lai mà tìm cách thách thức hiện trạng.

Xưởng của hoạ sĩ (The Painter’s Studio) (1854 – 55) – Gustave Courbet. . Người nghệ sĩ đưa chính mình vào trong tranh, cho thấy sự nhấn mạnh mới tìm thấy của chủ nghĩa Hiện thực vào việc miêu tả cuộc sống của người nghệ sĩ và thế giới riêng tư của họ, một sự nhấn mạnh sẽ tiếp tục được mang vác bởi chủ nghĩa Ấn tượng

Đồng thời, sự xuất hiện của chủ nghĩa Tự nhiên – một phong trào có liên kết chặt chẽ với chủ nghĩa Hiện thực – đã cho thấy nghệ thuật có thể lấy thế giới tự nhiên làm chủ thể mà không cần che giấu nó đi trong bối cảnh của chủ nghĩa anh hùng mang tính lịch sử hay thần thoại. Kể từ những năm 1820, các nghệ sĩ như Jean-Baptiste-Camille Corot và Jean-Francois Millet đã đi đến rừng Barbizon ở phía nam của Paris để tạo ra những bức phác thảo en plein air của cây cối, vùng quê và các tầng lớp lao động nông thôn. 

Sự xuất hiện của Barbizon School đánh dấu sự khởi đầu của xu hướng toàn cầu trong hội hoạ hướng đến việc miêu tả thế giới tự nhiên trong vẻ đẹp không hề khoa trương của nó và ngợi ca cuộc sống của những người lao động nông thôn. Trong khi chủ nghĩa Tự nhiên khác với chủ nghĩa Ấn tượng ở chỗ là thường xuyên chú trọng vào chi tiết cực thực – được thể hiện qua phần lớn tác phẩm của Jules Bastien-Lepage – còn chủ nghĩa Ấn tượng tôn vinh thế giới tự nhiên cho chính nó, và sử dụng kỹ thuật plein air (vẽ tranh ngoài trời), kế thừa tinh thần đặc trưng của những người theo chủ nghĩa Tự nhiên đi trước.

Thu hoạch nho (The Grape Harvest) (1880) – Jules Bastien-Lepage. Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam, Hà Lan

Những triển lãm ở Paris và Salon des Refusés

Năm 1863, tại triển lãm nghệ thuật chính thức diễn ra hàng năm, sự kiện quan trọng nhất của giới nghệ thuật Pháp, một số lượng lớn nghệ sĩ không được phép tham gia, dẫn đến sự phản đối kịch liệt của công chúng. Cùng năm, để đáp trả, Salon des Refusés (“Triển lãm của những tác phẩm bị từ chối”) được thành lập để trưng bày các tác phẩm của những nghệ sĩ trước đó đã bị từ chối vào cuộc triển lãm tranh chính thức. Những nghệ sĩ trưng bày bao gồm Paul Cézanne, Camille Pissarro, James Whistler, và Édouard Manet. Mặc dù đã được hoàng đế Napoleon III phê chuẩn nhằm xoa dịu những nghệ sĩ tham gia, nhưng cuộc triển lãm năm 1863 đã gây ra tranh cãi lớn đối với công chúng, phần lớn là do những tác phẩm với chủ đề và phong cách không theo quy ước, như bức Bữa trưa trên cỏ (Le déjeuner sur l’herbe) (1863) của Manet vẽ những người đàn ông có mặc đồ và những người phụ nữ khoả thân đang tận hưởng một buổi picnic ban chiều (những người phụ nữ này không phải khoả thân theo phong cách cổ điển, mà là những người phụ nữ hiện đại – có lẽ là những cô gái bán hoa – trong tình trạng cởi bỏ hết quần áo hàm ý rõ ràng hướng đến tình dục).

Palais de l’Industrie (Cung Công nghiệp) – nơi diễn ra Salon des Refusés – vốn được xây dựng để tổ chức Hội chợ Thế giới năm 1855 tại Paris sao cho có quy mô lớn hơn Đại Triển lãm năm 1851 tại London. Công trình này đã bị đập bỏ năm 1897 để xây Grand Palais (Cung điện lớn) làm Hội chợ Thế giới năm 1990.

Édouard Manet và cuộc cách mạng hội họa

Édouard Manet là một trong những nhà cải cách đầu tiên và quan trọng nhất xuất phát từ khung cảnh triển lãm mở cho công chúng của Paris. Mặc dù ông đã trưởng thành với sự tán dương tới các Bậc thầy Cổ điển, ông bắt đầu sáng tác theo một phong cách đổi mới và phóng khoáng hơn với bảng màu sáng hơn từ đầu những năm 1860. Ông cũng bắt đầu tập trung vào hình ảnh của cuộc sống thường nhật, như là khung cảnh trong quán cà phê, khuê phòng, và trên phố. 

Phong cách phản – hàn lâm và chủ đề hiện đại một cách tinh tế của ông sớm thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ “bên rìa” và đã tạo ảnh hưởng đến một loại hình hội họa mới mà sẽ khác hẳn với tiêu chuẩn đương thời. Những tác phẩm như Olympia (1863), cũng giống như Le déjeuner sur l’herbe, miêu tả một người hình ảnh phụ nữ khỏa thân hiện đại đối diện với người xem một cách quyết đoán, tạo ra động lực cho nhóm các nghệ sĩ Ấn tượng mới nổi để khắc họa những chủ đề không được cho là xứng đáng với nghệ thuật trước đây.

Những quán cà phê ở Pháp và sự đa dạng

Một trong số những địa điểm phổ biến nhất cho các hoạ sĩ của phong trào Ấn tượng mới nổi gặp gỡ và trò chuyện là các quán cà phê ở Paris. Đặc biệt là, Café Guerbois ở Montmartre được Manet thường xuyên ghé đến từ năm 1866 trở đi. Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sisley, Edgar Degas, Claude Monet, Paul Cézanne và Camille Pissarro đều đã đến quán này, trong khi Caillebotte và Bazille có những xưởng vẽ gần đó và thường tham gia các buổi tụ tập. Những nhân vật khác bị thu hút bởi nhóm này, bao gồm các nhà văn, nhà phê bình và nhiếp ảnh gia.

Tại quán cà phê (At the Café) (1869) – Édouard Manet. Bức tranh cho thấy một nhóm nghệ sĩ đang tụ tập tại một quán cà phê để thảo luận về những ý tưởng tiền tiến của họ.

Một phần sự quan tâm của nhóm nằm ở sự đa dạng đầy năng động về tính cách, hoàn cảnh kinh tế, và quan điểm chính trị của bọn họ. Monet, Renoir và Pissarro xuất thân từ gia đình thương nhân hay tầng lớp lao động, trong khi Berthe Morisot, Gustave Caillebotte và Degas xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Mary Cassatt là người Hoa Kỳ ( cũng là một người phụ nữ) và Alfred Sisley là người Anh-Pháp. Sự đa dạng về tính cách này có thể là lý do mà nhiều sáng tạo được nảy sinh từ các hoạt động tập thể của nhóm.

Những triển lãm Ấn tượng

Mặc dù chưa thống nhất bất kỳ phong cách cụ thể nào, nhưng cả nhóm đều cùng có chung ác cảm với các tiêu chuẩn hàn lâm độc đoán của mỹ thuật và quyết định tham gia một tổ chức hợp tác mang tính thương mại – được biết đến là Hiệp hội vô danh của các Nghệ sĩ, Hoạ sĩ, Nhà điêu khắc, Thợ khắc, V.v. (Anonymous Society of Artists, Painter, Sculptors, Engravers, Etcetera.) Nhìn chung, các hoạ sĩ có rất ít những thành công về mặt tài chính, và chỉ một vài tác phẩm của họ được chấp nhận cho trưng bày ở các triển lãm tranh Paris, vì vậy sự đồng lòng là quan trọng trong việc củng cố khả năng tài chính và sự độc lập trong sáng tạo của họ.

Một xưởng vẽ ở Batignolles (A Studio in the Batignolles) (1870) – Henri Fantin-Latour. Bức tranh miêu tả cảnh Édouard Manet đang ngồi vẽ, được vây quanh bởi các đồng nghiệp là Auguste Renoir, Claude Monet, và Frédéric Bazille.

Vào năm 1874, họ tổ chức buổi triển lãm đầu tiên trong chuỗi các triển lãm trong xưởng làm việc của nhiếp ảnh gia Felix Nadar. Mãi đến cuộc triển lãm thứ ba năm 1877, họ mới tự gọi chính mình là những người theo trường phái Ấn tượng. Trong khi triển lãm đầu tiên của họ không nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng, và hầu hết trong tám buổi triển lãm mà họ đã tổ chức thực ra tốn nhiều tiền hơn so với số tiền họ kiếm được, những buổi triển lãm sau đó của họ đã thu hút rất nhiều khán giả, với hàng nghìn người tham dự. Mặc dù vậy, phần lớn các thành viên của nhóm bán được rất ít tác phẩm, và một số người vẫn cứ nghèo đến khó tin suốt khoảng thời gian này.

Thuật ngữ “chủ nghĩa Ấn tượng”

Phong trào này được đặt tên sau khi nhà phê bình người Pháp Louis Leroy, người có bài đánh giá lớn đầu tiên mang tính phê phán triển lãm Ấn tượng, vào năm 1874, lấy tiêu đề theo bức tranh Ấn tượng, mặt trời mọc (1873) của Claude Monet. Leroy cáo buộc nhóm không vẽ được gì ngoài những ấn tượng. 

Bức tranh sơn dầu Ấn tượng, Mặt trời mọc (Impression, soleil levant) (1872) – Claude Monet. Bảo tàng Marmottan Monet, Paris, Pháp. 

Những người theo trường phái Ấn tượng đón nhận biệt danh này, mặc dù trong những thập kỷ sau đó họ cũng tự gọi mình là “Những người độc lập” (“Independents”), gợi nhắc đến những nguyên tắc lật đổ của Cộng đồng những nghệ sĩ độc lập (Société des Artistes Indépendants), được thành lập vào năm 1884 bởi những hoạ sĩ Ấn tượng muốn tách mình ra khỏi những quy ước nghệ thuật hàn lâm. Mặc dù các phong cách thực hành bởi những nghệ sĩ Ấn tượng có sự khác biệt đáng kể (và trên thực tế không phải nghệ sĩ nào cũng chấp nhận tên gọi mà Leroy đặt), song họ cũng vẫn gắn bó với nhau bởi một mối quan tâm chung là thể hiện nhận thức thị giác, dựa trên các ấn tượng quang học thoáng qua, và tập trung vào những khoảnh khắc sớm nở tối tàn của cuộc sống hiện đại.

Sự phát triển của Nhiếp ảnh 

Chủ nghĩa Ấn tượng có nợ với khoa học của nhiếp ảnh. Những khởi nguồn của phương tiện là phức tạp, trải rộng khắp các quốc gia, nhưng một sự kiện quan trọng là việc nhà phát minh người Pháp, Louis Daguerre, công bố daguerreotype ở Paris vào năm 1839. Daguerre đã phát triển một công nghệ mà hình ảnh của thế giới có thể được ghi vào một tấm đồng phủ bạc phản ứng được với ánh sáng. Điều này cho phép “in” lại trực tiếp hình ảnh của hiện thực lên một bề mặt hai chiều, một quá trình đã tạo ra cuộc cách mạng trong khả năng ghi lại hình ảnh của thế giới và cuộc sống của chính con người. Đến năm 1849, có 100.000 người Paris được chụp ảnh hàng năm.

Chân dung nhà văn nổi tiếng thời Victoria Edgar Allan Poe, cha đẻ của văn học Gothic, thậm chí là của thể loại văn chương kinh dị, được thực hiện bởi Edwin H. Manchester bằng phương pháp daguerreotype năm 1848.

Ảnh hưởng của nhiếp ảnh đối với trường phái Ấn tượng có lẽ là gấp đôi. Một mặt, nó tạo ra một cuộc cách mạng trong nhận thức điều gì là xứng đáng với một sự tái tạo thị giác. Hội hoạ hàn lâm ở Pháp có truyền thống tập trung vào các chủ đề lịch sử, thần thoại, chân dung các nguyên thủ quốc gia và anh hùng dân tộc. Nhưng nhiếp ảnh giúp việc lưu giữ tất cả các loại người, cảnh vật, toà nhà, phong cảnh dưới dạng hình ảnh trở nên khả thi. Điều này đã thay đổi cảm nhận của một số hoạ sĩ về việc ai và điều gì đáng được họ chú ý đến; khung cảnh của những quán cà phê, những con đường nhỏ và những quảng trường nhộn nhịp trong những bức tranh của nghệ sĩ Ấn tượng không chỉ phản ánh một thế giới đô thị sôi động mới, mà còn mang đến một cảm giác mới rằng thế giới này đáng được ghi lại. 

Mặt khác, nhiếp ảnh dạy cho các hoạ sĩ nghệ thuật của bố cục ngẫu hứng, và thứ cảm nhận liên quan đến điều ấy là một hình ảnh có thể nắm giữ được khoảnh khắc trong một thời gian cũng như vị trí trong một không gian. Tác phẩm như Quảng trường Concorde của Degas không phải là bức tranh vẽ quảng trường công cộng ở Paris mà nó là bức tranh vẽ lại quảng trường ấy, những con người và động vật tình cờ đi ngang qua đó, tại đúng một thời điểm cụ thể. 

Quảng trường Concorde (Place de la Concorde) (1875) – Edgar Degas

Sự sắp xếp lộn xộn một cách cẩn thận của các vật thể đang chuyển động trong bức tranh này và trong nhiều bức tranh Ấn tượng khác chỉ có thể học được thông qua tương tác với một công nghệ có khả năng đóng băng và chuyển tải một phần nghìn giây thành hình ảnh. Trước khi nhiếp ảnh xuất hiện, người ta ít cảm nhận được về việc thế giới trông như thế nào trong điều kiện cụ thể về thời gian như vậy.

Dịch: Khánh Nguyên


Cùng tác giả

#Tag

ấn tượng claude monet hiện thực Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa trào lưu ấn tượng trường phái ấn tượng tự nhiên

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…