Chủ nghĩa Biểu hiện (Phần 1)

Trong một cuộc tản bộ vào lúc chiều tàn với hai người bạn, Edvard Much đã miêu tả: “đột ngột, bầu trời đổi màu đỏ như màu… những lưỡi lửa và máu quệt dài trên con vịnh hẹp màu xanh đen. Những người bạn của tôi vẫn tiếp tục đi, trong khi tôi tụt lại phía sau, run mình vì sợ hãi. Và rồi tôi nghe thấy tiếng hét khủng khiếp, vô tận của thiên nhiên.” Được thể hiện trong bức tranh Tiếng thét (The Scream)(1893), sự nhấn mạnh vào trải nghiệm nội tâm mãnh liệt của ông đặt ra con đường cho chủ nghĩa Biểu hiện, được Ernst Kirchner định nghĩa là phản chiếu “những cảm quan của một con người vào thời đại của chúng ta.”

Qua đây, loạt bài hai phần về trào lưu chủ nghĩa Biểu hiện sẽ giúp ta bước đầu tìm hiểu về một trong những trào lưu định hình toàn bộ chủ nghĩa Hiện đại trong nền nghệ thuật này.

Tóm lược chủ nghĩa Biểu hiện

Chủ nghĩa Biểu hiện xuất hiện đồng thời ở nhiều thành phố trên khắp nước Đức như một phản ứng trước nỗi lo âu đang lan rộng về mối bất hòa giữa con người với thế giới, đi cùng đó là cảm giác mất mát về tính nguyên bản và tinh thần. Như một phần phản ứng chống lại chủ nghĩa Ấn tượng và chủ nghĩa hàn lâm, Chủ nghĩa Biểu hiện được truyền cảm hứng sâu sắc nhất bởi dòng chảy Biểu tượng trong nghệ thuật cuối thế kỷ 19. Vincent van Gogh, Edvard Munch, và James Ensor đã đặc biệt chứng tỏ tầm ảnh hưởng tới những người theo Chủ nghĩa Biểu hiện, khuyến khích sự làm méo các hình dạng và ứng dụng màu sắc mạnh để truyền tải sự đa dạng của lo âu và khao khát.

Thời kỳ cổ điển của trào lưu Biểu hiện kéo dài từ khoảng 1905 đến 1920 và lan ra khắp châu Âu. Những đại diện của nó rồi sẽ truyền tải một cách mạnh mẽ tới các cá nhân và nhóm như: Biểu hiện Trừu tượng, Tân Biểu hiện, và trường phái London.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Sự xuất hiện của chủ nghĩa Biểu hiện đã giới thiệu những tiêu chuẩn mới trong việc sáng tạo và đánh giá nghệ thuật. Nghệ thuật bấy giờ đã được cho là xuất phát từ bên trong người nghệ sĩ thay vì từ việc mô tả lại thế giới hình ảnh bên ngoài, và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tác phẩm nghệ thuật bắt đầu dựa trên đặc điểm cảm xúc của người nghệ sĩ thay vì sự điều tra phân tích về tác phẩm. 
  • Các nghệ sĩ Biểu hiện thường sử dụng các nét cọ được thực hiện dạng cuộn xoáy, lắc, và cường điệu trong cách mô tả đối tượng của họ. Những kỹ thuật này được cho là để truyền tải trạng thái cảm xúc ngán ngẩm của người nghệ sĩ trước lo lắng về thế giới hiện đại.
  • Thông qua cuộc đối đầu với thế giới đô thị của những năm đầu thế kỷ 20, các nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện đã phát triển một phương thức phản biện xã hội mạnh mẽ trong các nét vẽ tượng hình ngoằn ngoèo và màu sắc đậm của họ. Những đại diện của họ về thành phố hiện đại bao gồm những cá nhân bị tha hoá – một sản phẩm tâm lý của quá trình đô thị hóa gần đó – cũng như gái mại dâm, những người được tả để bình luận về vai trò của chủ nghĩa tư bản trong sự xa cách cảm xúc giữa các cá nhân trong thành phố.

Những khởi nguồn của Chủ nghĩa Biểu hiện

Vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ ở châu Âu, thay đổi trong phong cách và tầm nhìn về nghệ thuật bùng nổ như một phản ứng trước những thay đổi lớn trong bầu không khí xã hội. Những công nghệ mới và nỗ lực đô thị hóa hàng loạt thay đổi thế giới quan cá nhân, và nghệ sĩ phản ánh tác động tâm lý của những phát triển này bằng việc chuyển dịch từ mô tả tả thực về những gì họ thấy sang thể hiện cảm xúc và tâm lý về cách mà thế giới tác động lên họ. Nguồn gốc của Chủ nghĩa Biểu hiện có thể được tìm thấy ở một số nghệ sĩ hậu Ấn tượng nhất định như Edvard Munch ở Na-uy, cũng như Gustav Klimt thuộc Ly khai Vienna (Vienna Secession).

Edvard Munch ở Na-uy

Nghệ sĩ Edvard Munch người Na-uy cuối thế kỷ 19 xuất hiện như một nguồn cảm hứng quan trọng cho những người theo đuổi chủ nghĩa Biểu hiện. Những tác phẩm sống động và khơi gợi cảm xúc của ông mở ra những khả năng mới cho các thể hiện nội tâm. Cụ thể, những bức tranh trên vải bạt đầy điên cuồng của Munch thể hiện nỗi lo âu của cá nhân sống trong xã hội châu Âu mới được hiện đại hóa; bức tranh nổi tiếng của ông Tiếng hét (The Scream) (1983) đã minh chứng cho sự mâu thuẫn giữa tính tâm linh và sự hiện đại như một chủ đề chính trong tác phẩm của ông. Trước 1905 tác phẩm của Munch đã nổi tiếng trong nước Đức và ông cũng đã dành khá nhiều thời gian ở đó, điều này đặt ông vào mối tương tác trực tiếp với những nghệ sĩ theo đuổi trường phái Biểu hiện. Ngoài Munch, người nghệ sĩ ở Bắc Bỉ James Ensor cũng là một ảnh hưởng sớm đã được nghiên cứu và được dựa vào để xây dựng.

Lo âu (Anxiety) (1894) – Edvard Munch, Bảo tàng Munch, Oslo, Na-uy. Đây là một phần trong tổng thể tác phẩm của Munch đã ảnh hưởng tới sự khởi đầu của chủ nghĩa Biểu hiện.

Gustav Klimt ở Áo

Một nhân vật sống vào cuối thế kỷ 19 cũng có ảnh hưởng tới sự phát triển của Chủ nghĩa Biểu hiện là Gustav Klimt, người đã làm việc theo phong cách Tân Nghệ thuật Áo và dẫn dắt Ly khai Vienna. Cách Klimt thể hiện các đối tượng của mình bằng phương thức xa xỉ trong một bảng màu tươi sáng, các bề mặt có hoa văn tỉ mỉ và các cơ thể thuôn dài là một bước tiến tới những màu sắc kỳ lạ, các nét vẽ mang tính cử chỉ và các hình thức lởm chởm của các nhà Biểu hiện sau này. Klimt là người hướng dẫn cho họa sĩ Egon Schiele, và đưa ông đến với các tác phẩm, trong số đó có của Edvard Munch và Vincent van Gogh, tại một buổi triển lãm các tác phẩm của họ vào năm 1909.

Ấn phẩm của Ly khai Vienna là Ver Sacrum (Mùa xuân thiêng liêng, tiếng Latin), bìa một trong các số được cho thấy ở đây, đã truyền bá những ý tưởng mang tính cải cách của phong trào đi khắp châu Âu.

Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Biểu hiện ở Đức

Mặc dù bao gồm nhiều nghệ sĩ và phong cách, chủ nghĩa Biểu hiện lần đầu xuất hiện vào năm 1905, khi một nhóm bốn sinh viên kiến trúc người Đức khát khao trở thành họa sĩ – Ernst Ludwig Kirchner, Fritz Bleyl, Karl Schmidt-Rottluff, và Erich Heckel – thành lập nhóm Cây cầu (tiếng Đức: Die Brücke; tiếng Anh: The Bridge) ở thành phố Dresden. Vài năm sau, vào năm 1911, một nhóm họa sĩ trẻ tuổi đồng tư tưởng đã thành lập Kỵ sĩ lam (tiếng Đức: Der Blaue Reiter; tiếng Anh: The Blue Rider) ở Munich, sau khi bức họa của Kandinsky có tên Phán quyết Cuối cùng (The Last Judgment) (1910) bị từ chối ở một triển lãm địa phương. Ngoài Kandinsky, nhóm bao gồm Franz Marc, Paul Klee, và August Macke, trong số những người khác, tất cả đã tạo một nhóm có kết nối lỏng lẻo.

Nhóm Der Blauer Reiter cũng đã xuất bản cuốn niên giám của riêng họ và được in cho tới khi Thế chiến I bắt đầu. Hình ảnh ở trên được thiết kế bởi Wassily Kandinsky

Thuật ngữ “Chủ nghĩa Biểu hiện”

Thuật ngữ “Chủ nghĩa Biểu hiện” được cho là đã được đặt vào năm 1910 bởi sử gia nghệ thuật người Tiệp Antonin Matejcek, người mong muốn cái tên thể hiện sự đối lập với chủ nghĩa Ấn tượng. Trái với những người theo đuổi chủ nghĩa Ấn tượng tìm kiếm cách thể hiện sự hùng vĩ của thiên niên và hình dáng con người qua những bức họa, theo Matejcek, những người theo chủ nghĩa Biểu hiện chỉ tìm cách thể hiện thế giới bên trong, thường qua những bức tranh về các đối tượng chủ thể thực tế và khắc nghiệt. Tuy nhiên, điều đáng nói là, Die Brücke hay những trào lưu nhánh tương tự không quy họ là những người theo chủ nghĩa Biểu hiện, và trong những năm đầu của thế kỷ, thuật ngữ được dùng để thể hiện nhiều phong cách, bao gồm hậu Ấn tượng.

Chủ nghĩa Biểu hiện: Khái niệm, Phong cách và Xu hướng

Die Brücke: Kirchner, Schmidt-Rottluff, Heckel, và Bleyl

Chịu ảnh hưởng bởi các nghệ sĩ như Munch, van Gogh, và Ensor, các thành viên của nhóm Die Brücke tại thành phố Dresden của Đức tìm cách truyền tải những cảm xúc chân thật thông qua những hình ảnh đầy khiêu khích về xã hội hiện đại. Họ mô tả cảnh những cư dân thành phố, gái điếm, vũ công ở các con đường của thành phố và hộp đêm, thể hiện hạ phần suy đồi của xã hội Đức. Trong các tác phẩm như Phố, Berlin (Street, Berlin) (1913) của Kirchner, họ nhấn mạnh sự xa lánh vốn có của xã hội hiện đại và sự biến mất về tương tác tinh thần giữa các cá nhân trong văn hóa đô thị; những người cư dân trong thành phố cách biệt với nhau, đóng vai trò như thể những món hàng đơn thuần, như những ả gái điếm ở tiền cảnh trong bức tranh của Kirchner.

 Phố, Berlin (Street, Berlin) (1913) – Ernst Ludwig Kirchner. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Khác với những cảnh đồng quê của chủ nghĩa Ấn tượng và những bức vẽ hàn lâm của Tân Cổ điển, các họa sĩ Die Brücke sử dụng dáng hình bị bóp méo, hạt màu không tự nhiên và chói mắt để khơi gợi cảm xúc ở người xem. Tương tự, nhóm này đã thống nhất với nhau bằng một loại thẩm mỹ nguyên thủy và giản lược, một sự hồi sinh của các phương tiện cũ hơn và nghệ thuật trung cổ Đức, trong đó họ sử dụng các kỹ thuật đồ họa như in khắc gỗ để tạo ra các hình thức thô kệch, lởm chởm.

Nhóm đã xuất bản một bài báo khổ lớn khắc gỗ vào năm 1906, được gọi là Programme (Chương trình), để đi kèm triển lãm đầu tiên của họ. Bài báo tóm tắt cuộc giã từ của họ với truyền thống hàn lâm được ưa chuộng để đi theo tiếng gọi của thẩm mỹ hướng trẻ trung và tự do hơn. Mặc dù chủ yếu được viết bởi Kirchner, tấm áp phích đóng vai trò như một tuyên ngôn về những lý tưởng của Die Brücke. Các thành viên của Die Brücke vẽ nhiều từ những gì triết gia người Đức Friedrich Nietzsche xét về cả những phóng chiếu nghệ thuật và nền tảng triết học của họ. Tên của họ đến từ một trích dẫn trong Zarathustra đã nói như thế (Thus Spoke Zarathustra) (1883-85) rằng, “Điều vĩ đại ở một con người đó là anh ta là một cây cầu chứ không phải điểm cuối.” Nhóm chỉ triển lãm và hợp tác cho không quá năm 1913, khi Kirchner viết Biên Biên niên ký của Cây Cầu (Chronik der Brücke) và cả nhóm tan rã.

Programme

Der Blaue Reiter: Kandinsky, Macke, Klee, và Marc

Nghệ sĩ của nhóm Der Blaue Reiter đều có khuynh hướng về phía trừu tượng, nội dung mang tính biểu tượng, và ám thị tâm linh. Họ tìm cách thể hiện khía cạnh cảm xúc của sự hiện hữu thông qua những hình ảnh biểu hiện sáng màu và đầy tính biểu tượng. Tên của nhóm bắt nguồn từ biểu tượng con ngựa và kỵ sĩ, lấy cảm hứng từ một trong những bức họa của Wassily Kandinsky; đối với Kandinsky, kỵ sĩ tượng trưng cho sự chuyển giao từ thế giới hữu hình sang địa hạt tâm linh và vì thế đóng vai trò như một ẩn dụ cho việc thực hành nghệ thuật. Đối với những thành viên khác như Franz Marc, Paul, Klee, và Auguste Macke, ý niệm này trở thành nguyên tắc chủ đạo trong việc vươn ra khỏi mô tả thực tế và tiến vào sự trừu tượng.

Kỵ sĩ xanh (Der Blauer Reiter) (1903) – Wassily Kandinsky. Bộ sưu tập cá nhân.

Mặc dù Der Blaue Reiter không bao giờ bố cáo một tuyên ngôn nào, những thành viên của nhóm vẫn được thống nhất bởi những đổi mới mang tính thẩm mỹ chịu ảnh hưởng bởi các hình thức nghệ thuật thời nguyên thủy và trung cổ, là chủ nghĩa Lập thể và Dã thú. Tuy vậy, bản thân nhóm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn; với sự bùng nổ của Thế Chiến Thứ Nhất năm 1914, Franz Marc and Auguste Macke đã phải gia nhập quân đội Đức và bị giết không lâu sau đó. Các thành viên người Nga của nhóm – Wassily Kandinsky, Alexej von Jawlensky, và nhiều người khác – bị buộc phải về quê. Der Blaue Reiter theo đó mà tan rã ngay lập tức.

Ngựa xanh lam I (Blue Horse I) (1911) – Franz Marc. Städtische Galerie im Lenbachhaus, Munich, Đức
Vợ của nghệ sĩ với chiếc mũ xanh (The artist’s wife in blue hat) (1909) – Auguste Macke. LWL – Bảo tàng Nghệ thuật và Văn hoá, Münster, Đức.

Chủ nghĩa Biểu hiện ở Pháp: Rouault, Soutine, và Chagall

Sự vươn dài của Chủ nghĩa Biểu hiện được chứng tỏ bằng việc người ta tìm thấy nhiều nghệ sĩ ngoài biên giới nước Đức gắn liền với phong cách này. Georges Rouault, nghệ sĩ người Pháp đôi khi cũng được coi là một nghệ sĩ Biểu hiện, có lẽ cũng đã có những ảnh hướng tới những người Đức, thay vì theo chiều ngược lại. Ông đã học cách sử dụng một cách sống động màu sắc và sự méo mó trong hình dáng từ chủ nghĩa Dã thú, và khác với những nghệ sĩ Biểu hiện Đức, Rouault đã thể hiện niềm yêu thích tức thì với những người tiền nhiệm theo trường phái Ấn tượng, đặc biệt là tác phẩm của Edgar Degas. Ông cũng nổi tiếng bởi những cống hiến của mình với các chủ thể tôn giáo, và đặc biệt là với số lượng lớn mô tả về hình ảnh đóng đinh Chúa trên thập tự giá, thể hiện ở những màu sắc phong phú và những lớp sơn dày.

Sự đóng đinh Chúa (The Crucifixion) (1936) – Georges Rouault. Khắc mặt trời (heliogravure), aquatint, khắc a-xít, roulette, và điểm khô (drypoint).
Kẻ bị kết án bị dẫn đi (Le condamné s’en allé), loạt Miserere II (1922) – Georges Rouault. Khắc mặt trời (heliogravure), aquatint, khắc a-xít, roulette, và điểm khô (drypoint).

Nghệ sĩ người Do Thái gốc Nga-Pháp Marc Chagall đã vận dụng những dòng chảy từ các chủ nghĩa Lập thể, Dã thú, và Biểu tượng để tạo nên lối Biểu hiện của riêng mình, trong đó ông thường miêu tả những khung cảnh mộng mơ của vùng đất quê nhà Vitebsk ở Belarus. Khi ở Paris trong thời kỳ đỉnh cao của sự mở đầu của thời kỳ hiện đại, Chagall đã phát triển một ngôn ngữ hình ảnh của các mô-típ lập dị: “những nhân vật ma quái lơ lửng trên bầu trời, một người chơi vĩ cầm nhảy múa ở những ngôi nhà búp bê thu nhỏ, những con gia súc với những tử cung trong suốt và trong đó là những đứa con ngủ ngược.” 

Năm 1914, tác phẩm của ông đã được trưng bày ở Berlin, và tạo ảnh hưởng lên những người theo Chủ nghĩa Biểu hiện Đức kéo dài tới sau Thế Chiến I. Ông chẳng bao giờ gán tác phẩm của mình với bất kỳ một trào lưu cụ thể nào, và coi kho tác phẩm của mình là một vốn từ vựng hình ảnh có nghĩa với chính ông, nhưng chúng đã truyền cảm hứng tới nhiều người, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa Siêu thực. Vào những năm 1950, Pablo Picasso nhận xét rằng, “Khi Matisse qua đời, Chagall sẽ là họa sĩ duy nhất còn lại hiểu màu sắc thực sự là gì.”

Phía trên Vitebsk (Over Vitebsk) (1913) – Marc Chagall. Một bức tranh vừa thể hiện lòng hướng về quê hương vừa nói về tình yêu giữa người nghệ sĩ và vợ mình là Bella. Những bức tranh Chagall vẽ ông và Bella, thường bay cùng như như thể niềm vui và tình yêu mà họ chia sẻ với nhau mang lại một sức mạnh vật lý có thể chiến thắng được lực hấp dẫn, chắc chắn nằm trong nhóm những bức hoạ rung động lòng người nhất về tình yêu.

Chaïm Soutine, người họa sĩ Do Thái gốc Nga sống ở Paris, là một người đề xướng chính cho sự phát triển của chủ nghĩa Biểu hiện ở Paris. Ông đã đồng bộ các yếu tố từ Ấn tượng, truyền thống Hàn lâm Pháp, và tầm nhìn của cá nhân mình vào một kỹ thuật và phiên bản cá biệt của phong cách. Phong cách biểu hiện của ông đã chứng minh sức ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ sau.

Chủ nghĩa Biểu hiện Áo: Kokoschka và Schiele

Nghệ sĩ Áo như Oskar Kokoschka và Egon Schiele đã được truyền cảm hứng bởi Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, nhưng diễn giải theo những cách riêng và cá nhân hóa của họ mà không hề tạo nên mối liên quan chính thức như của những người Đức. Kokoschka và Schiele tìm cách thể hiện sự suy đồi của nước Áo hiện đại thông qua những hình ảnh biểu đạt tương tự về cơ thể con người; bằng những đường nét ngoằn ngoèo, màu sắc sặc sỡ, và những hình vẽ méo mó, cả hai nghệ sĩ nhuốm những chủ đề về tình dục và tâm lý vào đối tượng nghệ thuật của mình. 

Mặc dù Kokschka và Schiele là những người đề xướng chủ yếu của trào lưu ở Áo, Kokschka ngày càng tham gia nhiều hơn vào giới Biểu hiện Đức; ông rời Áo và chuyển tới Đức vào năm 1910. Ban đầu, Kokschka  làm việc theo phong cách Tân Nghệ thuật kiểu Vienna, nhưng bắt đầu từ 1908 ông làm việc một cách bản năng như một nghệ sĩ Biểu hiện, say mê tìm cách thể hiện sự nhạy cảm bên trong của người trông trẻ trong những bức chân dung ban đầu của mình. Còn Schiele rời Vienna vào năm 1912 nhưng vẫn ở lại Áo, nơi ông làm việc và triển lãm cho đến khi qua đời trong trận dịch cúm toàn cầu năm 1918.

Cô dâu của Gió (The Bride of the Wind) (1913-14) – Oskar Kokoschka
Tình nhân (Lovers) (1917) – Egon Schiele

Những phát triển sau đó – Sau Chủ nghĩa Biểu hiện

Trong khi một số nghệ sĩ nhất định phản đối chủ nghĩa Biểu hiện, nhiều người khác vẫn tiếp tục mở rộng những đổi mới của nó như một phong cách. Ví dụ, vào những năm 1920, Kandinsky chuyển sang những bức vẽ và màu nước hoàn toàn phi vật thể, điều này nhấn mạnh sự cân bằng màu sắc và những hình dáng nguyên mẫu, thay cho sự đại diện mang tính hình tượng. 

Tuy nhiên, chủ nghĩa Biểu hiện rồi sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp nhất ở Đức và sẽ tiếp tục định hình nghệ thuật nơi đây trong nhiều thập kỷ sau đó. Sau Thế Chiến I, chủ nghĩa Biểu hiện bắt đầu mất dần động lực và dần bị phân tán. Trào Khách quan mới (tiếng Đức: Neue Sachlichkeit; tiếng Anh: New Objectivity) đã phát triển như một phản hồi trực tiếp trước những nguyên lý nặng cảm tính của chủ nghĩa Biểu hiện, trong khi Tân Biểu hiện nổi lên ở Đức và sau đó là ở Mỹ vào cuối thế kỷ 20, khôi phục phong cách Biểu hiện trước đó.

Khách quan mới: Dix, Grosz và Beckmann

Ngay trước 1918, bản tuyên ngôn Dada đã tuyên bố “Chủ nghĩa Biểu hiện… không còn liên quan gì tới những nỗ lực của những người đang sống.” Nhưng những đặc tính của nó sẽ có một hậu đời sống sống động; nó rất quan trọng trong sự hình thành ban đầu của những nghệ sĩ như Otto Dix, George Grosz, và Max Beckmann, những người cùng nhau sáng lập trào lưu được biết đến như Khách quan mới. Những nghệ sĩ này tìm kiếm, như tên gọi, một cách tiếp cận khách quan và không cảm tính trong việc tạo ra nghệ thuật. Những thể hiện mang tính tự nhiên về các cá nhân và khung cảnh đô thị đã làm nổi bật tính thẩm mỹ mới này và song song với thái độ thực dụng chung đặc trưng cho văn hóa Weimar.

Daum kết hợp với chiếc xe khổng lồ của cô ta là George vào tháng 5 năm 1920, John Heartfield rất vui mừng về điều đó (Daum marries her pedantic automaton George in May 1920, John Heartfield is very glad of it) (1920) – George Grosz. Berlinische Galerie, Berlin, Đức.

Tân Biểu hiện: Baselitz, Kiefer, và Schnabel

Sự xuất hiện của các bức tranh có màu sắc sống động, nhiều lớp và những hình tượng bị bóp méo vào những năm 1960 của Georg Baselitz cùng những bức tranh của Anselm Kiefer được chôn vùi giữa lối vẽ đắp dày, được xây dựng từ những chất liệu đa dạng trên vải bạt trong những năm 1970 đã báo hiệu một sự hồi sinh của phong cách này ở Đức. Điều này rồi cuối cùng sẽ dấy lên trào lưu Tân Biểu hiện trên quy mô toàn cầu trong những năm 1980. Những nghệ sĩ ở New York, như Julian Schnabel, cũng ứng dụng nhiều lớp sơn dày, bảng màu không tự nhiên và các nét vẽ mô tả cử chỉ để đánh dấu sự trở lại của trào lưu Biểu hiện những những năm đầu thế kỷ 20.

Bức hoạ đồng tính (Homo Painting) (1981) – Julian Schnabel. Sơn dầu trên nhung đỏ.

Những ý tưởng ban của Chủ nghĩa Biểu hiện ban đầu về tâm linh, tính nguyên thủy và giá trị của nghệ thuật trừu tượng đã có ảnh hưởng sâu sắc tới một loạt các trào lưu không liên quan, như Biểu hiện Trừu tượng. Quan điểm siêu hình và sự khó chịu bản năng đối với thế giới hiện đại của những người theo Chủ nghĩa Biểu hiện đã thúc đẩy họ tới những thái độ phản kháng – thứ rồi sẽ tiếp tục là đặc điểm của những phong trào tiên phong khác trong suốt thế kỷ.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa biểu hiện hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi nghệ thuật Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…