Siêu thực (Phần 1)

Siêu thực là một trong những chủ nghĩa nghệ thuật Hiện đại có sức hấp dẫn nhất với khán giả đại chúng từ khi nó thành lập cho tới nay. Những hình ảnh kỳ dị, bí ẩn, và đa dạng phản ánh tâm trí phi lý trí hay những giấc mơ của các tác giả lôi cuốn người xem. Nhưng chính những hình ảnh đó lại khó định nghĩa và phân loại nhất, bởi chúng thuộc về riêng cõi vô thức của từng nghệ sĩ. Trong bài viết ba phần về Siêu thực, chúng ta tìm hiểu một trường phái nghệ thuật tập trung vào hội hoạ bao gồm những cái tên quen thuộc như Salvador Dalí hay  RenéMagritte… với những tác phẩm không những luôn được yêu thích bởi khán giả mà vẫn luôn tạo ảnh hưởng tới sáng tác của các nghệ sĩ sau đấy.

  • Mặc dù giấc mơ đã là một hiện tượng rất kỳ lạ và một bí ẩn không thể giải thích được, những điều còn khó giải thích hơn nữa là điều bí ẩn và diện mạo mà tâm trí chúng ta quy cho một số đối tượng và khía cạnh của đời sống.” – G. de Chirico
  • Siêu thực đặt nền tảng trên niềm tin… vào sự toàn năng của những giấc mơ, trong trò chơi vô hướng của suy nghĩ.” – André Breton – Tuyên ngôn về Siêu thực
  • Hỡi trí tưởng tượng yêu dấu, điều mà ta thích nhất ở ngươi là phẩm chất không khoan nhượng.” – André Breton
  • Biết cách để nhìn như thế nào là một cách để phát minh.” – Dalí
  • Nghệ thuật là một cái lưới chết người bắt lấy cánh của những khoảnh khắc lạ thường này như bắt những con bướm bí ẩn đang chạy trốn sự ngây thơ và lơ đãng của những người tầm thường.” – G. de Chirico
  • Cắt dán là một cuộc chinh phục cao cả của cái phi lý, sự ghép nối của hai thực tại mà không hoà hợp về diện mạo và nằm trên một mặt phẳng dường như cũng không phù hợp với chúng.” – Max Ernst
  • Tất cả những gì chúng ta thấy đều che giấu một điều gì khác, và chúng ta luôn muốn nhìn thấy điều bị che giấu bởi điều mà chúng ta đã thấy.” – René Magritte
  • Nghệ thuật khơi gợi điều bí ẩn mà, thiếu nó, thế giới này không thể tồn tại được.” – René Magritte
  • Những tác phẩm phải được hình thành bằng ngọn lửa trong linh hồn nhưng phải được thực hiện bằng một độ lạnh phi cảm xúc.” – Joan Miró
  • Thiên nhiên không tạo ra các tác phẩm ngệ thuật. Đó là chúng ta, và năng lực diễn giải đặc biệt của riêng tâm trí con người, mà nhìn thấy nghệ thuật.” – Man Ray

Sơ lược về Siêu thực

Tòa tháp Đỏ (The Red Tower) (1913) được Giorgio de Chirico khắc họa với khung ảnh đầy tâm trạng là một trong những nguồn cảm hứng ban đầu cho Siêu thực

Những người theo chủ nghĩa Siêu thực đã cố gắng chiêu gọi cái vô thức (unconcious) như một phương tiện để mở khóa sức mạnh của trí tưởng tượng. Không đồng tình tới chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa hiện thực văn học, đồng thời chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phân tâm học, những người theo chủ nghĩa Siêu thực tin rằng lý trí kìm hãm sức mạnh của trí tưởng tượng, đè nặng nó bằng những điều cấm kỵ. Cũng chịu ảnh hưởng của Karl Marx, họ hy vọng rằng linh hồn có sức mạnh để bộc lộ những mâu thuẫn trong thế giới hàng ngày và thúc đẩy cách mạng. 

Việc nhấn mạnh vào sức mạnh của trí tưởng tượng cá nhân đặt họ vào truyền thống của chủ nghĩa Lãng mạn, nhưng không giống như tiền nhân, họ tin rằng sự giác ngộ có thể được tìm thấy trên đường phố và trong cuộc sống hàng ngày. Sự thôi thúc của chủ nghĩa Siêu thực nhằm khai thác tâm trí vô thức, và niềm quan tâm của họ đối với thần thoại và thuyết nguyên thủy đã tiếp tục tạo nền tảng cho nhiều phong trào sau này, và ảnh hưởng của nó vẫn tiếp diễn tới ngày hôm nay.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • André Breton đã định nghĩa chủ nghĩa Siêu thực là “sự tự động tâm linh ở trạng thái thuần túy của nó, mà qua đó một cá thể có ý muốn diễn đạt – bằng lời nói, chữ viết, hoặc bất kỳ cách nào khác – chức năng thực thụ của suy nghĩ.” Điều mà Breton đang đề xuất là các nghệ sĩ hãy bỏ qua lý lẽ và lý trí bằng cách tiến vào tâm trí vô thức của họ. Trong thực hành, những kỹ thuật này được gọi là chủ nghĩa tự động hoặc ghi tự động, cho phép các nghệ sĩ bỏ qua suy nghĩ có ý thức và trân trọng tính ngẫu nhiên khi sáng tạo nghệ thuật.
  • Tác phẩm của Sigmund Freud có ảnh hưởng sâu sắc đối với những người theo chủ nghĩa Siêu thực, đặc biệt là cuốn sách Diễn giải những giấc mơ (The Interpretation of Dreams) (1899). Freud đã khiến cho tầm quan trọng của giấc mơ và vô thức như những sự mặc khải có giá trị về cảm xúc và mong muốn của con người là chính đáng; sự tiếp xúc của ông với thế giới nội tâm phức tạp và bị kìm nén của tính dục, ham muốn, và bạo lực đã cung cấp cơ sở lý thuyết cho phần lớn chủ nghĩa Siêu thực.
  • Hệ thống hình ảnh Siêu thực có lẽ là yếu tố dễ nhận biết nhất của phong trào, nhưng nó cũng là yếu tố khó phân loại và định nghĩa nhất. Mỗi nghệ sĩ dựa trên các mô típ lặp đi lặp lại của riêng họ nảy sinh thông qua giấc mơ hoặc/và tâm trí vô thức của họ. Về cơ bản, các hình ảnh này xa lạ, khó hiểu và thậm chí kỳ quái (uncanny), vì nó nhằm đánh văng người xem ra khỏi những giả định dễ chịu của họ. Tuy nhiên, thiên nhiên là hình ảnh thường gặp nhất: Max Ernst bị ám ảnh bởi các loài chim và loài chim cũng là nhân cách thứ hai của ông, các tác phẩm của Salvador Dalí thường bao gồm kiến hoặc trứng, và Joan Miró chủ yếu dựa vào những hình thái sinh học mơ hồ.

Khởi đầu của Siêu thực

Chủ nghĩa Siêu thực phát triển từ phong trào Dada vốn đang nổi dậy chống lại sự tự mãn của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, ảnh hưởng nghệ thuật cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau. Người có ảnh hưởng tức thì nhất đối với một số người theo chủ nghĩa Siêu thực là Giorgio de Chirico, người cùng thời, và, cũng giống như họ, sử dụng nguồn hình ảnh kỳ quái với những sắp đặt gây bất an (và phong trào Hội họa Siêu hình của ông). Họ cũng bị thu hút bởi các nghệ sĩ từ quá khứ gần mà quan tâm đến chủ nghĩa nguyên thủy, hình ảnh ngây thơ hoặc kỳ lạ, chẳng hạn như Gustave Moreau, Arnold Böcklin, Odilon Redon và Henri Rousseau. Ngay cả những nghệ sĩ từ tận thời kỳ Phục hưng, chẳng hạn như Giuseppe Arcimboldo và Hieronymous Bosch, cũng đã truyền cảm hứng ở cách họ không quá quan tâm đến các vấn đề thẩm mỹ liên quan đến đường nét và màu sắc – mà thay vào đó họ cảm thấy thật sự cần phải tạo ra thứ mà những người theo chủ nghĩa Siêu thực nghĩ là “thực.”

Phong cảnh huyền bí đầy tính biểu tượng trong Đảo của người chết III (Die Toteninsel III) (1883) của Arnold Böcklin
Giấc mơ (Le Rêve) (1910) của Henri Rousseau – Một tác phẩm thể hiện xu hướng siêu thực, biểu tượng, ngoại lai, và nguyên thuỷ của tác giả

Phong trào Siêu thực bắt đầu khi một nhóm văn học liên minh mạnh mẽ với Dada nổi lên sau sự sụp đổ của Dada ở Paris – khi niềm hứng khởi tìm kiếm mục đích cho Dada của André Breton xung đột với chủ nghĩa chống độc tài của Tristan Tzara. Breton, người thỉnh thoảng được mô tả là ‘Giáo hoàng’ của chủ nghĩa Siêu thực, chính thức thành lập phong trào vào năm 1924 khi ông viết Tuyên ngôn chủ nghĩa Siêu thực (The Surrealist Manifesto). 

Tuy nhiên, thuật ngữ “Siêu thực” lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1917 bởi Guillaume Apollinaire khi ông sử dụng nó trong bản giới thiệu chương trình cho vở kịch Cuộc diễu hành (Parade), được viết bởi Pablo Picasso, Leonide Massine, Jean Cocteau và Erik Satie.

Hàng trên, từ trái qua: Paul Eluard, Jean Arp, Yves Tanguy, Rene Clevel
Hàng dưới, từ trái qua: Tristan Tzara, Andre Breton, Salvador Dalí, Max Ernst, Man Ray

Cùng khoảng thời gian Breton xuất bản bản tuyên ngôn đầu tiên của mình, nhóm bắt đầu xuất bản tạp chí Cuộc cách mạng Siêu thực (La Révolution surréaliste), tạp chí chủ yếu tập trung vào việc viết lách, nhưng cũng bao gồm các bản sao tác phẩm của các nghệ sĩ như de Chirico, Ernst, André Masson và Man Ray. Việc xuất bản tiếp tục cho đến năm 1929.

Hiệp hội nghiên cứu Siêu thực (The Bureau for Surrealist Research hay Centrale Surréaliste) cũng được thành lập ở Paris vào năm 1924. Đây là một nhóm các nhà văn và nghệ sĩ có liên kết lỏng lẻo với nhau, gặp gỡ và thực hiện các cuộc phỏng vấn để “thu thập tất cả thông tin có thể, liên quan đến các hình thức có khả năng thể hiện hoạt động vô thức của tâm trí.” 

Với sự đứng đầu của Breton, hiệp hội đã tạo ra một kho lưu trữ kép: một để lưu trữ hình ảnh giấc mơ và một để thu thập tài liệu liên quan đến đời sống xã hội. Có ít nhất hai người quản lý văn phòng mỗi ngày – một người để chào đón du khách và người kia ghi lại những quan sát và nhận xét của những vị khách mà sau đó trở thành một phần của kho lưu trữ. Vào tháng 1 năm 1925, Hiệp hội chính thức công bố ý định mang tính cách mạng của mình đã được 27 người ký tên, bao gồm Breton, Ernst và Masson.

Siêu thực: Ý tưởng, phong cách, và trào lưu

Phát triển từ phong trào Dada, chủ nghĩa Siêu thực cũng phần lớn hướng về chủ nghĩa chống duy lý của Dada. Những người theo chủ nghĩa Siêu thực ở Paris ban đầu đã sử dụng nghệ thuật như một sự giải thoát khỏi các tình huống chính trị bạo lực và để giải quyết sự bất an mà họ cảm thấy về những bất trắc của thế giới. Bằng cách sử dụng hình ảnh giả tưởng và giấc mơ, các nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm sáng tạo trên nhiều phương tiện giúp phơi bày nội tâm của họ theo những cách lập dị, mang tính biểu tượng, hé lộ những lo lắng và xử lý chúng bằng cách giải thích thông qua các phương tiện thị giác.

Hội họa Siêu thực

Có hai phong cách hoặc phương pháp để phân biệt hội họa Siêu thực. Các nghệ sĩ như Salvador Dalí, Yves Tanguy và René Magritte đã vẽ theo phong cách cực thực, trong đó các đối tượng được mô tả chi tiết rõ nét và với ảo giác ba chiều, nhấn mạnh bản chất giống như mơ của chúng. Màu sắc trong các tác phẩm này thường là bão hòa (Dalí) hoặc mang tính đơn sắc (Tanguy), cả hai lựa chọn đều truyền tải trạng thái mơ màng.

Sự tuyệt chủng của những ánh sáng vô dụng (Extinction of Useless Lights) (1927) của Yves Tanguy. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ
Cám dỗ của Thánh Anthony (The Temptation of St. Anthony) (1946) của Salvador Dalí. Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng Gia Bỉ, Brussels, Bỉ

Một số người theo chủ nghĩa Siêu thực cũng chủ yếu dựa vào thuyết vô thức hoặc ghi vô thức như một cách để khai thác tâm trí vô thức. Các nghệ sĩ như Joan Miró và Max Ernst đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo ra những hình ảnh phi lý và thường kỳ lạ bao gồm: cắt dán ảnh (collage), vẽ nguệch ngoạc, sao chép bề mặt (frottage – kỹ thuật đặt trực tiếp giấy lên bề mặt vật rồi đi chì hoặc màu để sao chép bề mặt đó lên giấy), decalcomania (kỹ thuật trang trí mà các bản khắc và bản in có thể được chuyển sang đồ gốm hoặc các vật liệu khác) và cạo màu (grattage – kỹ thuật cạo đi lớp màu bề mặt để tạo hình và gây hiệu ứng chuyển động). Các nghệ sĩ như Hans Arp cũng đã tạo ra các bức cắt dán dưới dạng các tác phẩm độc lập.

Cây đơn độc và cây vợ chồng (Solitary and Conjugal Trees) (1940) của Max Ernst. Bảo tàng quốc gia Thyssen-Bornemisza, Madrid, Tây Ban Nha

Chủ nghĩa cực thực và ghi tự động không loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, Miro thường sử dụng cả hai phương pháp trong một tác phẩm. Trong cả hai trường hợp, dù là bất cứ chủ đề nào được đề cập đến hoặc được mô tả, nó luôn kỳ lạ – vốn nhằm gây xáo trộn và tạo trở ngại.

Lễ hội hoá trang của chú hề (Harlequin’s Carnival) (1924-25) của Joan Miró

Vật thể và điêu khắc Siêu thực 

Breton cảm thấy rằng vật thể (object) đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kể từ đầu thế kỷ 19 và nghĩ rằng sự bế tắc này có thể được khắc phục nếu vật thể trong tất cả sự kỳ lạ của nó có thể được nhìn thấy như lần đầu tiên. Chiến thuật không nằm ở chỗ tạo nên các vật thể Siêu thực với mục đích gây sốc cho tầng lớp trung lưu như Dada đã làm mà là làm cho các vật thể trở nên “siêu thực” bằng cái mà Breton gọi là dépayesment hay sự lạ hoá. Mục tiêu là dịch chỗ vật thể, loại bỏ nó khỏi bối cảnh được kỳ vọng, “biến quen thành lạ”. Một khi vật thể đã được loại bỏ khỏi hoàn cảnh bình thường của nó, nó có thể được nhìn thấy khi không còn màn chắn từ bối cảnh văn hóa của nó. Những sự kết hợp bất hợp lý này của các vật thể cũng được cho là đang vén màn các nguồn năng lượng tính dục và tâm lý dày đặc ẩn bên dưới bề mặt của hiện thực.

Một số lượng hạn chế những người theo chủ nghĩa Siêu thực được biết đến với tác phẩm ba chiều của họ. Arp, người bắt đầu như một phần của phong trào Dada, được biết đến với các vật thể mang hình thái sinh học của mình. Các tác phẩm của Oppenheim là sự kết hợp kỳ lạ mà đã loại bỏ các vật thể quen thuộc khỏi bối cảnh hàng ngày của chúng, trong khi tác phẩm của Giacometti là các hình thức điêu khắc truyền thống hơn, nhiều trong số đó là các hình lai giữa người và côn trùng. 

Dalí, ít được biết đến với tác phẩm 3D của mình, đã tạo ra một số tác phẩm sắp đặt thú vị, đặc biệt là Chiếc Taxi Mưa (Rainy Taxi) (1938), là một chiếc ô tô với ma-nơ-canh và một loạt các đường ống tạo ra “mưa” trong nội thất của xe.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa siêu thực Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…