Grant Wood (Phần 1)

Vào thời kì Đại suy thoái, nước Mĩ đã tạo ra một dòng nghệ thuật đặc biệt mang tính ái quốc và ca ngợi bản chất gắn liền với nông nghiệp của đất nước này – chủ nghĩa Khu vực. Grant Wood là một trong những nghệ sĩ hàng đầu trào lưu, bên cạnh John Steuart Curry và Thomas Hart Benton. Tác phẩm Gothic Mĩ của ông đã trở thành một biểu tượng văn hoá đại chúng và những bức tranh theo chủ nghĩa hiện thực kì ảo với phong cách tạo hình có độ hoàn thiện cực kì cao và hoàn toàn độc đáo đặt ông vào một vị thế riêng biệt trong lịch sử nghệ thuật. Trong loạt bài 4 phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về Grant Wood.

  • Tôi cần phải tới Pháp để học cách trân trọng Iowa.”
  • Tác phẩm thời đầu của tôi là kết quả của việc đi quanh chính vùng lãnh thổ nơi tôi đã sống nhưng không nhìn thấy.
  • Kĩ thuật không cấu thành nghệ thuật… Thứ phẩm chất lãng mạn mơ hồ và nhạt nhoà thường được biết đến là “cái Đẹp”, xa cách khỏi những thực tại của cuộc sống thường nhật, cũng không. Là chiều sâu và cường độ trải nghiệm của một nghệ sĩ là điều quan trọng trước nhất trong nghệ thuật. 

Tóm lược về Grant Wood

Grant Wood sinh ngày 13/02/1891 ở Anamosa, lowa; mất ngày 12/02/21942 ở thành phố lowa, Mĩ

Được ca ngợi là một trong những họa sĩ theo chủ nghĩa Khu vực hàng đầu của nước Mĩ trong những năm 1930, Grant Wood đã nỗ lực khắc họa những chủ đề nguyên mẫu về nông thôn là hiện thân của các giá trị của sự chăm chỉ, cộng đồng, và sự khắc khổ. Tránh xa những thành ngữ của nghệ thuật tiền tiến châu Âu, Wood đã mô tả vùng quê hương Trung Tây của mình với sự rõ ràng và chính xác mà ông quan sát được trong nghệ thuật Phục hưng phương Bắc, cũng như đường thẳng và cong hữu cơ của thiết kế Art Deco, kết hợp những phong cách riêng biệt thành một tầm nhìn độc đáo của nước Mĩ. Khi vẽ tranh về thị trấn nhỏ và cuộc sống nông thôn, Wood đã mang đến cho công chúng Mĩ một tầm nhìn lí tưởng về chính họ trong suốt thời kì Đại suy thoái khi hầu hết những người lao động phổ thông ở Mĩ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trong những thập kỉ tiếp theo, tác phẩm của ông vừa được ca tụng vừa bị các nhà phê bình và công chúng chế nhạo, nhưng những bức tranh của ông, đặc biệt là Gothic Mĩ, vẫn là một trong những bức tranh của nghệ sĩ Mĩ mang tính biểu tượng và được nhái lại nhiều nhất, mang tới cho Wood một vị thế lâu dài trong văn hóa đại chúng Mĩ.

Gothic Mĩ (American Gothic) (1930)

Các thành tựu chính

  • Bất chấp thời kì trưởng thành tương đối ngắn ngủi trong sự nghiệp và bị các nhà phê bình cũng như học giả quan trọng bác bỏ vào những năm 1940, Grant Wood vẫn tiếp tục là một trong những nghệ sĩ Mĩ nổi tiếng nhất, người đã vẽ nên những khung cảnh tinh túy của đất nước này. Việc ông tuân theo chủ nghĩa hiện thực cùng với những bố cục hình thức phức tạp và góc nhìn hơi lạ đã lôi kéo người xem vào một thế giới không phải lúc nào cũng như mong đợi. Trong khi nhiều người vui mừng khi tìm thấy những mô tả về một nước Mĩ đồng quê, nhiều người cũng say sưa với sự kỳ lạ và tính phê phán tinh tế mà Wood thể hiện.
  • Sau sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 và khởi đầu của cuộc Đại suy thoái, các nghệ sĩ Mĩ đã nỗ lực tạo ra một dòng nghệ thuật đặc biệt của người Mĩ thể hiện các giá trị yêu nước đưa họ quay trở lại thời kì trước đó. Hoài cổ và lãng mạn, chủ nghĩa Khu vực đã hình dung một xã hội Mĩ cống hiến cho lao động sản xuất và các cộng đồng gắn kết chặt chẽ. Cùng với John Steuart Curry và Thomas Hart Benton, Grant Wood đã miêu tả những kiểu người Trung Tây vững vàng, hiện thân của một nước Mĩ lí tưởng hóa.
Nơi sinh của Herbert Hoover, nhánh phía Tây, Iowa (The Birthplace of Herbert Hoover, West Branch, Iowa) (1931)
  • Trong khi nổi tiếng nhất với những bức tranh mà đã lập tức thu hút được sự chú ý trong nước, Wood cũng làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí, thiết kế đồ trang sức, và minh họa. Ông làm như vậy phần vì kiếm tiền trang trải cho gia đình, đồng thời cam kết tạo ra nền văn hóa nghệ thuật sôi động ở thị trấn nhỏ Iowa mà các đô thị lớn hơn như Chicago và New York không chú ý đến.
  • Danh tiếng của Wood chưa bao giờ chắc chắn. Ông thu hút được sự yêu thích từ những người miền Trung Tây, những người coi mình được miêu tả dưới góc nhìn tích cực, nhưng những người miền Đông có xu hướng bỏ qua ông vì phong cách được cho là đa cảm có chủ đích và cổ hủ. Những diễn giải gần đây đã phát hiện ra một khía cạnh phê bình tinh tế trong nhiều bức tranh của ông, cho thấy rằng Wood không nhất thiết phải là nhân tố thúc đẩy như người ta vẫn hay gán cho ông.
  • Mặc dù có nhiều tin đồn về việc Wood là người đồng tính trong suốt cuộc đời và sau khi ông mất, nhưng ông chưa bao giờ công khai thừa nhận khía cạnh này trong bản dạng của mình và trên thực tế, dường như ông luôn sống trong nỗi sợ hãi bị lộ. Học thuật đương đại hơn đã bắt đầu xem xét lại bức tranh của Wood về khía cạnh tính dục của ông, khai quật nó, theo lời của giám tuyển David Ward, đã nhìn thấy “sự căng thẳng và những khó khăn mà người đồng tính nam ở lại Trung Mĩ phải đối mặt“.

Tiểu sử của Grant Wood

Thời thơ ấu

Grant Wood, sinh năm 1891, là con thứ hai trong số bốn người con của Francis Mayville Wood và Hattie Weaver Wood. Ông trải qua những năm đầu đời tại một trang trại ở vùng nông thôn Anamosa, Iowa. Khi ông 10 tuổi, cha ông đột ngột qua đời, mẹ Hattie cùng 4 người con chuyển đến Cedar Rapids. Grant và anh trai ngay lập tức phải nhận những công việc lặt vặt để phụ giúp gia đình. Tuổi thơ ở trang trại vẫn là nguồn cảm hứng cho ông trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình. Thời điểm này đã tách biệt quan điểm của ông với những người theo chủ nghĩa hiện thực khác: Wood tập trung vào những ký ức màu hồng, thần thoại của tuổi thơ và cuộc sống với những thú vui giản đơn phù hợp với các mùa, thay vì sự vất vả của người lớn và sự bấp bênh về kinh tế thường đi đôi với việc làm nông.

Ngô non (Young Corn) (1931)

Sở thích vẽ và hội họa của Wood nảy nở ở các trường công lập tại Cedar Rapids. Ông bắt đầu gửi tác phẩm tham gia các cuộc thi vào năm 1905, giành vị trí thứ ba trong một cuộc thi toàn quốc và quyết tâm trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Những đào tạo và sự nghiệp ban đầu

Năm 1906, khi lên học tại trường trung học Washington, Wood đã lao vào nhiều cơ hội liên quan đến nghệ thuật mở ra trong cộng đồng Cedar Rapids. Ông và Marvin Cone – một nghệ sĩ đồng nghiệp đã trở thành một người bạn vong niên – bắt đầu cùng nhau thiết kế bối cảnh sân khấu cho các nhà hát địa phương và làm tình nguyện viên tại Hiệp hội Nghệ thuật Cedar Rapids (nay là Bảo tàng Nghệ thuật Cedar Rapids), tổ chức các cuộc triển lãm và trông coi các phòng trưng bày. Wood cũng vẽ cho kỉ yếu của trường và đảm nhận các dự án trang trí nội thất, một lĩnh vực mà ông tiếp tục gắn bó cho đến những năm 1930.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Wood đến Minnesota để tham gia khóa học hè tại trường Thiết kế và Thủ công mĩ nghệ Minneapolis, do Ernest A. Batchelder, người khởi xướng nổi tiếng của phong trào Nghệ thuật & Thủ công, giảng dạy. Lẽ ra ông sẽ trở lại đó vào mùa hè tiếp theo, nhưng trong năm học, ông đã tham gia các lớp học người mẫu trực tiếp thực tại Đại học Iowa với Charles Cumming, một họa sĩ hàn lâm được đào tạo ở Pháp. Năm 1913, ông chuyển đến Chicago, tham gia các lớp học ban đêm tại Học viện Nghệ thuật đồng thời chế tác đồ trang sức để kiếm sống, đầu tiên là với tiệm bạc Kalo, và sau đó là tại cửa hàng nhỏ của riêng mình, cửa hàng thủ công Volund. Sự thất bại của công việc kinh doanh đó – và sự bất ổn tài chính ngày càng tăng của mẹ ông – đã thúc đẩy ông quay trở lại Cedar Rapids vào năm 1916, khi ông tiếp tục gánh vác tài chính cho mẹ và em gái, Nan. Ông làm nghề xây dựng và trang trí nhà cửa, còn công việc trong suốt Thế chiến thứ nhất là thiết kế đồ ngụy trang.

Một mẫu Vòng cổ (khoảng 1913) do Grant Wood chế tác

Sau chiến tranh, ông bắt đầu dạy nghệ thuật tại trường Trung học McKinley, nơi ông tập trung vào sự hợp tác và mối quan hệ giữa cộng đồng và hoạt động sáng tạo. Tại buổi trưng bày dự án của sinh viên – một bức phù điêu dài 45,7m mang tên Quần đảo tưởng tượng (Imagination Isles) (1921), được giới thiệu trước trường theo cách kịch tính của những bức ảnh toàn cảnh thế kỷ 19 – tường thuật của Wood ngụ ý rằng ông tiếp thu những ý tưởng theo chủ nghĩa Hiện đại. Nói với khán giả rằng “không cơ thể con người nào có thể đến thăm những hòn đảo này…Chỉ có linh hồn mới có thể”, nhưng các nghệ sĩ đã “được huấn luyện để sống” trong trí tưởng tượng và ở đó để giúp đỡ những người bình thường “chỉ giải quyết những vấn đề vật chất” bước ra khỏi bản thân mình và dẫn họ vào một “chuyến du hành tâm linh“. Chuyên khảo về Wood của nhà sử học nghệ thuật Wanda Corn chỉ ra rằng mặc dù ông không vẽ theo phong cách Hiện đại hàng đầu vào thời điểm đó, nhưng ông chia sẻ đặc tính của chủ nghĩa Hiện đại về sứ mệnh của người nghệ sĩ như một người hướng dẫn linh hồn, tách biệt khỏi thế giới vật chất và thương mại.

Vào mùa hè năm 1920, Wood đến châu Âu, một chuyến đi ông đã mong chờ từ lâu. Ông trở lại Pháp vào năm 1923-1924 để tham gia các lớp học tại Học viện Julian ở Paris, và tiếp tục chuyến du hành đến Ý. Trong thời kì này, ông vẽ theo phong cách lấy cảm hứng từ trường phái Ấn tượng, tập trung vào phong cảnh. Mặc dù phong cách đã thay đổi đáng kể theo thời gian, nhưng những mô típ trang trí bằng tán lá và ánh sáng trong tác phẩm thời đầu vẫn là nét đặc trưng trong phong cách trưởng thành của ông.

Địa điểm cũ Sexton (Old Sexton’s place) (khoảng năm 1919) của Grant Wood. Mặc dù nhà thơ Jay Sigmund của Cedar Rapids đã chê bai Wood, gọi ông là “kẻ bắt chước người Pháp” vì áp dụng phong cách lấy cảm hứng từ trường phái Ấn tượng, nhưng khả năng cảm nhận trang trí độc đáo của Wood đã phát triển trong những năm đầu làm họa sĩ.

Năm 1925, Wood từ bỏ công việc giảng dạy để tập trung toàn thời gian vào nghệ thuật. David Turner, người bạn đã khuyến khích ông làm điều này – được Wanda Corn mô tả là “người làm nghề tang lễ hiểu biết và tràn đầy năng lượng” – đóng vai trò như người đại diện cho ông với tư cách nghệ sĩ. Turner đã cho Wood sử dụng nhà xe bên cạnh nhà tang lễ của mình. Wood đã biến không gian thành xưởng nghệ thuật được trang trí độc đáo, hiệu quả và kỳ quặc. Sau khi trở về từ chuyến đi cuối cùng tới Paris vào năm 1926, ông nói với người bạn ở Cedar Rapids, nhà báo William Shirer rằng “như được khai sáng, những người hàng xóm của tôi ở Cedar Rapids, quần áo, nhà cửa của họ, hoa văn trên khăn trải bàn và rèm cửa, những công cụ mà họ đã sử dụng. Đột nhiên tôi thấy tất cả những thứ tầm thường này đều là chất liệu cho nghệ thuật. Chất liệu tuyệt vời!” Người nghệ sĩ đã xác định phong cách cá nhân đặc trưng của mình trong khoảng thời gian này, bao gồm quần yếm denim – phong cách ăn mặc thực tế, tiện dụng được thấy khắp vùng, do đó tự tạo cho mình khuôn mẫu của chủ nghĩa Khu vực.

Grant Wood đã trang trí xưởng của mình tại số 5 hẻm Turner theo phong cách cá nhân kì quặc và tổ chức nhiều buổi họp mặt và trình diễn trong thời gian ở đây. Cánh cửa được sơn tay nằm bên phải, bao gồm một chiếc đồng hồ để cho biết khi nào ông sẽ trở về và ghi chú lí do tại sao ông không trả lời, bao gồm cả việc “đang có một bữa tiệc” và “đang tắm”. (Ảnh do Bảo tàng Nghệ thuật Figge cung cấp, Kho lưu trữ Grant Wood; Cửa, Bảo tàng Nghệ thuật Cedar Rapids, Món quà của Harriet Y. và John B. Turner II.)

Grant Wood trở thành nghệ sĩ linh hoạt, đa năng của thành phố, vẽ tranh tường, thiết kế cửa sổ kính màu, nhận đơn đặt hàng vẽ chân dung và trang trí nhà cửa. Sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng, cả những nghệ sĩ có cùng chí hướng và những cá nhân sẵn sàng trả tiền cho tác phẩm của ông, càng khuyến khích sự gắn bó của Wood với chủ nghĩa Khu vực. Như nhà sử học nghệ thuật Joni Kinsey lưu ý, “việc khai thác nghệ thuật… thực sự có thể đạt được ở một khu vực chủ yếu được biết đến với khai thác nông nghiệp và cả hai đều được diễn tả chân thực và hấp dẫn hơn nhờ sự liên minh của chúng.” Chủ đề của Wood được rút ra từ những khuôn mẫu của vùng – nông dân, phụ nữ lớn tuổi hay tám chuyện, nhân viên ngân hàng ở thị trấn nhỏ, Shriners, thợ xây và những người tương tự – nhưng ông đối xử với họ bằng tình cảm và sự hài hước, thay vì thái độ khinh thường thường thấy trong văn học đương đại của những tác giả cựu Trung Tây như Carl Van Vechten và Sinclair Lewis.

Cửa sổ kính màu Tưởng niệm cựu chiến binh (Veterans Memorial Window) (1929) do Grant Wood thực hiện

Các nghệ sĩ của Cedar Rapids không đơn độc khi tin vào sự trau dồi văn hóa đích thực ở cấp địa phương và là một phần của xu hướng văn hóa lớn hơn nhiều vào thời kì giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Đặc biệt trong những năm thực hiện Chính sách Kinh tế Mới, sự phục hồi cả về tinh thần lẫn kinh tế sau cuộc Đại suy thoái đều phụ thuộc vào bản sắc dân tộc thông qua thành tựu của khu vực.

Mặc dù Wood đã cam kết với chất liệu thuộc về chủ nghĩa Khu vực, nhưng chuyến hành trình cuối cùng đến Châu Âu – lần này là đến Đức – đã truyền cảm hứng cho phong cách trưởng thành của ông. Năm 1928, Wood đến Munich để giám sát việc chế tạo thiết kế cửa sổ kính màu cho Tòa nhà Tưởng niệm Cựu chiến binh Cedar Rapids. Chủ nghĩa hiện thực khúc triết của các kiệt tác Flemish do Hans Memling, Hans Holbein và Albrecht Dürer trưng bày tại Alte Pinakothek đã gây ấn tượng với Wood bằng “trang phục và phụ kiện đáng yêu của thời kì Gothic”, và ông nói rằng phong cách này khiến ông nhớ đến tác phẩm của chính mình khi là một đứa trẻ, trước khi được dạy sử dụng “phong cách nhẹ nhàng, giàu sức gợi”.

Nguyên bản tiếng Anh do Felicia Wivchar tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu. Tố Uyên và rudderless20s dịch sang tiếng Việt và minh hoạ. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Grant Wood Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…