Thomas Hart Benton (Phần 1)

Thomas Hart Benton, cùng với Grant Wood và John Steuart Curry, tạo thành Bộ ba chủ nghĩa Khu vực (Regionalist Triumvirate) – những hoạ sĩ đã góp phần to lớn tạo ra một phong cách nghệ thuật độc đáo Mĩ đầu thế kỉ 20. Với xuất thân trong một gia đình với nhiều chính trị gia có tiếng, tác phẩm của Benton phức tạp, hấp dẫn, qui mô hoành tráng, với những thông điệp chính trị xã hội đan cài sâu sắc. Chúng ta sẽ tìm hiểu về người nghệ sĩ này trong loạt bài hai phần.

  • Tôi có một niềm tin nội tại rằng, với tất cả những giới hạn khả thi của tâm trí tôi và những hệ quả khó chịu từ những quy trình của tôi, với tất cả những vật lộn mâu thuẫn và thất bại mà tôi đã trải qua, tôi đã đạt tới cái gì đó nằm trong hình ảnh của nước Mĩ và người Mĩ của thời đại tôi.

Tóm lược về Thomas Hart Benton

Thomas Hart Benton là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất và được bảo trợ nhiều nhất ở Mĩ trong những thập kỉ trước Thế chiến II, và những bức tranh tường của ông thì vô cùng được tán thưởng. Cùng Grant WoodJohn Steuart Curry, Benton đã nổi tiếng như một nghệ sĩ thuộc phong trào chủ nghĩa Khu vực Mĩ, tái hiện con người và văn hóa vùng Trung Tây, đặc biệt là quê hương Missouri của ông. 

Thomas Hart Benton sinh ngày 15/04/1889 ở Neosho, Missouri, mất 19/01/1975 ở thành phố Kansas, Missouri. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1911 đến khi mất, trong 2 trào lưu chủ nghĩa Khu vực Mĩ và chủ nghĩa Đồng bộ (Synchronism)

Mặc dù đề tài của ông chủ yếu dựa trên vùng trung tâm nước Mĩ, Benton lại dành tới 20 năm sống tại thành phố New York. Bị nhiều người coi là phản động do có những chỉ trích thẳng thắn và gay gắt chống lại thế giới nghệ thuật, Benton, một người dân chủ, đã dùng nghệ thuật của mình để phản đối KKK, lối hành hình linsơ (lynching: tử hình công khai mà không qua xét xử của luật pháp, nhiều người Mĩ da màu đã là nạn nhân của việc này vào đầu thế kỉ 20), và chủ nghĩa phát xít trong những năm 1930 và 1940. Benton cũng là một giáo viên được ngưỡng mộ tại Học viện Nghệ thuật New York, cung cấp cho sinh viên nền tảng về lịch sử nghệ thuật châu Âu, cũng như nhận thức về chủ nghĩa hiện đại châu Âu. Sự xuất hiện của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đã làm lu mờ tầm quan trọng của Benton trong lịch sử nghệ thuật hiện đại.

Những thành tựu

  • Cống hiến lớn nhất của Benton cho nghệ thuật Mĩ thế kỷ 20 có lẽ là việc ông tập trung khai thác hình ảnh của người bình dân và văn hóa đại chúng. Chủ nghĩa hiện thực đầy tính biểu hiện của ông nổi bật với những hình dạng và hình khối cong được phóng đại, cách sử dụng màu chủ đạo đầy táo bạo. Bằng cách rời sự chú ý khỏi New York và hướng về vùng Trung Tây, Benton đã mở rộng cả phạm vi đề tài nghệ thuật và đối tượng tiếp cận nghệ thuật Mĩ.
  • Trong tranh và bản in của mình, Benton say mê tái hiện âm thanh và âm nhạc như một phương thức giao tiếp. Ông đặc biệt quan tâm đến âm thanh, thường là những bài hát và nhạc cụ dân gian, cũng như là diễn thuyết và đối thoại bình dân Những thứ này gắn liền với bối cảnh gia đình hoạt động chính trị ở Missouri của ông, nơi mọi người thường nói lên tiếng nói của nhân dân – Benton đã tìm cách giữ tiếng nói đại chúng này trong tác phẩm của mình. Người nghệ sĩ, đồng thời là một người chơi harmonica tự học và hay biểu diễn, cũng là một nhà sưu tầm, biên mục, kí âm, và truyền bá nhạc đại chúng.
Bài học nhạc (The Music Lesson) (1944) của Thomas Hart Benton
  • Đến giữa những năm 1940, Benton trở nên tai tiếng với những tuyên bố kì quặc nhắm vào các nhà phê bình nghệ thuật và viện bảo tàng, thậm chí có lần ông còn có phát ngôn kì thị người đồng tính. Với cái tôi lớn và sự bướng bỉnh, Benton trở thành một kẻ bị cô lập không được chào đón, thậm chí ngay trong chính lĩnh vực của mình.
  • Jackson Pollock là người kế thừa nhiệt thành nhất của Benton trong những năm 1930 và những tác phẩm ban đầu của ông có nhiều điểm tương đồng với phong cách và chủ đề của thầy mình. Thay vì hoàn toàn đoạn tuyệt với Benton, việc Pollock chuyển sang trừu tượng thuần túy nên được xem như một sự chuyển dịch thẩm mĩ. Sự chuyển dịch từ chủ nghĩa Khu vực sang Biểu hiện Trừu tượng cũng có thể được nhìn nhận trong mối liên hệ với sự thay đổi văn hóa và chính trị rộng lớn hơn, từ phong trào cải cách New Deal sang thời kỳ Chiến tranh Lạnh hậu vũ khí hạt nhân.

Tiểu Sử Thomas Hart Benton

Tuổi thơ

Thomas Hart Benton sinh ra tại Neosho, Missouri vào năm 1889 trong một gia đình chính trị gia nổi tiếng theo đuổi chủ nghĩa cộng hòa chính trị và chủ nghĩa dân túy. Cha ông là một nghị sĩ, và ông cố của ông, người mà ông được đặt tên theo, là một thượng nghị sĩ quan trọng của Hoa Kì. Benton sau này đã nhớ lại rằng, “Chính trị là cốt lõi của cuộc sống gia đình chúng tôi.” Thông qua nghệ thuật của mình, đặc biệt là các bức tranh tường, Benton đã tìm cách duy trì sự ủng hộ của gia đình đối với chủ nghĩa cộng hòa chính trị của thế kỷ 19, ủng hộ những người sản xuất trong xã hội và khinh thường các doanh nghiệp và ngân hàng lớn.

Được cho là ​​sẽ theo đuổi con đường đã được gia đình mình trải sẵn, thay vào đó, dưới sự khuyến khích của mẹ, ông đã chọn học nghệ thuật. Bắt đầu từ tuổi 17, ông đã làm việc như một họa sĩ biếm hoạ cho một tờ báo địa phương. Để trốn thoát sự giới hạn của cuộc sống ở thị trấn nhỏ và chống lại những kì vọng đè nén của gia đình, Benton đã chuyển đến Chicago, nơi ông nhập học Viện Nghệ thuật Chicago vào năm 1907, học dưới sự hướng dẫn của Frederick Oswald. 

Băng qua khúc cong của con đường (Across the Curve of the Road) (1938) của Benton

Hành trình học tập

Sau hai năm học tại Viện Nghệ thuật, vào năm 1909, ông đã chọn con đường quen thuộc đã được nhiều họa sĩ Mĩ khác trải qua và chuyển đến Paris để học tại Académie Julian nổi tiếng. Trong khi ở Paris, ông đã quen biết với họa sĩ lớn người Mexico, Diego Rivera, và cũng được truyền cảm hứng rất lớn từ họa sĩ người Mĩ Stanton Macdonald-Wright, người sáng lập chủ nghĩa Đồng bộ. Benton định cư tại thành phố New York sau khi trở về vào năm 1913, cùng năm với Triển lãm Armory nổi tiếng. Vào những năm 1910, ông đã thử nghiệm với một số phong cách hiện đại bao gồm chủ nghĩa Đồng bộ, nhấn mạnh đến các đặc tính âm nhạc của màu sắc. Ông đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các chiến lược bố cục của Cézanne. Một đám cháy đã bùng phát trong xưởng của ông và phá hủy nhiều thử nghiệm và tác phẩm thời kì đầu của ông. 

Bong bóng (Bubbles) (1914-17) – một tác phẩm thời kì đầu theo phong cách chủ nghĩa Đồng bộ của Thomas Hart Benton

Giai đoạn trưởng thành

Benton đóng quân tại Norfolk, Virginia trong Thế chiến I, nơi ông đã phục vụ như một người phác thảo kiến trúc và sơn ngụy trang cho Hải quân. Trong thời gian rảnh rỗi, ông đọc lịch sử Mĩ và vẽ những cảnh địa phương của cuộc sống tại khu đóng tàu. Yêu cầu của Hải quân về tính chân thực nghệ thuật và tính tài liệu đã ảnh hưởng mạnh đến phong cách của ông sau này. Cho đến thời điểm này, ông vẫn đang vật lộn tìm kiếm bản sắc nghệ thuật. Đã đến lúc ông miêu tả cuộc sống hàng ngày của nước Mĩ và nhân dân Mĩ theo một phong cách đại diện – thứ khẳng định sự nổi lên của Benton như một nghệ sĩ trưởng thành. Do sự quan tâm đến lịch sử Mĩ và gốc rễ sâu xa của gia đình tại Missouri, Benton sớm chọn chủ đề Sử thi Mĩ làm đề tài; và những hình dạng nhân vật được kéo dài của ông cho thấy ảnh hưởng của El Greco. 

Chân dung Thomas Hart Benton trong quân ngũ

Sau khi trở về New York vào đầu những năm 1920, ông đã tuyên bố một cách không ngại ngùng rằng mình là “kẻ thù của chủ nghĩa hiện đại”, đồng thời kết hợp thẩm mĩ hiện đại vào tác phẩm của mình. Giống như nhiều nghệ sĩ trong những năm 1920 và 30, Benton đã tham gia vào cánh tả chính trị và các nhóm nghệ sĩ cánh tả như John Reed Club. Tác phẩm thời đầu của ông trong tư cách họa sĩ tranh tường đã giúp Benton lọt vào tầm mắt của công chúng. Năm 1930, Trường Nghiên cứu Xã hội New School nổi tiếng đã đặt Benton vẽ một bộ tranh tường mang tên Nước Mĩ ngày nay (America Today); những bức tranh này hiện đang được treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Cùng với Grant Wood và John Steuart Curry, Benton đã được ca ngợi là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào chủ nghĩa Khu vực Mĩ. Những nhà chủ nghĩa Khu Vực Mĩ được Thomas Craven, một người theo chủ nghĩa bản địa và bài Do thái cuồng nhiệt, ủng hộ. Thực tế, quan điểm mù quáng của Craven cuối cùng là đi ngược lại với các nhà chủ nghĩa Khu Vực. Bất chấp sự nổi tiếng của Benton, một số nhà phê bình đã đánh giá thấp tài năng nghệ thuật của ông, không tán thành thẩm mĩ và đề tài được cho là mang tính tỉnh lẻ cũng như sự từ chối không ngại ngần của ông với tính trừu tượng. 

Hình ảnh bộ tranh tường Nước Mĩ ngày nay tại bảo tàng Metropolitan

Năm 1925, Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật New York đã thuê Benton làm giảng viên, một vị trí ông giữ trong mười năm. Trong khi ở đó, ông đã giảng dạy cho một số người thực hành đầu tiên của trường phái Biểu hiện trừu tượng. Trong số học sinh của ông có Jackson Pollock, người đã giữ liên lạc với Benton trong nhiều năm bất chấp sự khác biệt về thẩm mĩ giữa họ. Benton đã giảng dạy Pollock về những nguyên tắc cơ bản của vẽ và cũng về tầm quan trọng của các Bậc thầy cổ điển. Những bức tranh tường cỡ lớn của Benton, cùng với những bức tranh tường của José Clemente Orozco, có thể đã ảnh hưởng đến qui mô lớn của các bức tranh nhỏ giọt của Pollock sau này. Nhịp điệu nhấp nhô trong các tác phẩm trừu tượng ban đầu của Pollock, phát ra từ một xoáy trung tâm, liên quan đến các bài học do Benton dạy.

Những năm 1930 đã đem lại nhiều thành công cho Benton. Năm 1932, ông hoàn thành các bức tranh tường Nghệ thuật của cuộc sống ở Mĩ (Arts of Life in America) cho thư viện của Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Whitney (hiện nay treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ New Britain, Connecticut), và năm 1933, ông hoàn thành một loạt 22 bức tranh tường mang tên Lịch sử Văn hóa và Công nghiệp của Indiana (Cultural and Industrial History of Indiana), cho triển lãm Thế kỉ của tiến bộ (Century of Progress Exhibition) tại Chicago; những bức tranh này hiện đang được lưu trữ tại Đại học Indiana, Bloomington. Một tấm trong số đó, nghệ sĩ đã mạnh mẽ miêu tả sự xuất hiện của KKK tại Indiana, điều này đã tạo ra những chỉ trích gay gắt nhắm vào Benton. Như một minh chứng cho tiếng tăm của Benton, ông đã xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time số ra ngày 24 tháng 12 năm 1934. Một năm sau đó, Benton – lúc đó đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng của mình, đã nhân cơ hội để viết một bài báo trong đó ông lên án một cách giả tạo các nhà phê bình New York đã từng hắt hủi ông. Cùng năm đó, Benton bỏ New York để chuyển sang giảng dạy tại viện Nghệ thuật thành phố Kansas, đánh dấu sự trở lại của ông với miền Trung Tây.

Bộ tranh tường Nghệ thuật của cuộc sống ở Mĩ của Benton
Tấm miêu tả một cuộc biểu tình của nhóm KKK trong loạt tranh tường Lịch sử Văn hóa và Công nghiệp của Indiana

Trong những năm cuối thập niên 1930, Benton đã hoàn thành nhiều bức tranh tường và bức tranh đơn cho các tổ chức khác nhau trên khắp đất nước. Thật không may, vào cuối Thế chiến II, sự quan tâm đến chủ nghĩa Khu Vực đã giảm sút và Benton không còn có thể tự xưng là một trong những nghệ sĩ tiên phong của Mĩ. Trường phái Biểu hiện trừu tượng bấy giờ trở thành một thế lực mới trong thế giới nghệ thuật Mĩ.

Những năm cuối đời và cái chết

Có lẽ là để phản ứng lại việc tiếng tăm giảm dần, Benton đã khá thô lỗ và mạnh miệng trong những đánh giá tiêu cực về các bảo tàng và nhân viên của họ, điều này chỉ khiến cho ông bị tẩy chay hơn nữa khỏi thế giới nghệ thuật New York. Tuy nhiên, tác phẩm sáng tạo của Benton không gặp cản trở. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm trong những thập kỉ cuối đời của mình; chỉ có đề tài của ông đã chuyển từ các tác phẩm sử thi, trần thuật cỡ lớn sang các phong cảnh đơn giản và các cảnh nông thôn. Benton vẫn nhận được các đơn đặt hàng ở tuổi tám mươi. Ông qua đời vào năm 86 tuổi tại thành phố Kansas, Missouri nơi ông sống. Vợ của ông, Rita, qua đời mười ngày sau đó.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Thomas Hart Benton

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…