László Moholy-Nagy (Phần 1)
László Moholy-Nagy là một nghệ sĩ thị giác và một nhà giáo dục nhiệt huyết với tầm ảnh hưởng khó thể đong đếm tới giáo dục, thực hành nghệ thuật và thiết kế theo chủ nghĩa Hiện đại của thế kỷ 20. Những thành tựu của ông phải kể đến vai trò tại trường Bauhaus như người đứng đầu khoá học nền tảng sau Johannes Itten, người tiên phong trong thiết kế công nghiệp bao gồm việc ứng dụng chất liệu mica, người sáng lập ra Viện Thiết kế Chicago, đi đầu trong việc kết hợp nhiếp ảnh và ký tự pháp trong thiết kế truyền thông… Chúng ta sẽ tìm hiểu về ông trong loạt bài hai phần.
- “Kẻ thù của nhiếp ảnh chính là các quy ước, các luật lệ cứng nhắc ‘phải làm như này’. Sự cứu rỗi nhiếp ảnh phải đến từ thực nghiệm.”
- “Thực tại của thế kỷ chúng ta chính là công nghệ: sự phát minh, chế tạo và bảo trì máy móc. Trở thành người dùng máy móc chính là tinh thần của thế kỷ này. Máy móc đã thay thế chủ nghĩa duy linh luận siêu nghiệm của các thời đại đã qua”.
- “Để thiết lập trật tự mới của thế giới mới, nhu cầu sở hữu những yếu tố đơn giản nhất của biểu hiện, màu sắc, hình thức, vật chất, không gian lại nảy sinh lần nữa.”
Tóm lược về László Moholy-Nagy
Có thể nói rằng László Moholy-Nagy là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến ngành giáo dục nghệ thuật thời hậu chiến tại Hoa Kỳ. Là một người theo chủ nghĩa hiện đại và một nhà chủ nghĩa thực nghiệm không ngừng nghỉ ngay từ khi bắt đầu, người nghệ sĩ gốc Hungary này được định hình bởi chủ nghĩa Dada, chủ nghĩa Siêu việt, chủ nghĩa Kiến tạo, và cả những cuộc tranh luận về nhiếp ảnh.
Khi Walter Gropius mời ông giảng dạy tại trường nghệ thuật Bauhaus ở thành phố Dessau của Đức, ông đã tiếp quản khóa học sơ bộ quan trọng của ngôi trường và giúp nó trở nên thực dụng, mang tính thử nghiệm và khoa học kỹ thuật hơn. Về sau, ông cũng đào sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thiết kế thương mại đến thiết kế bối cảnh sân khấu, ngoài ra ông còn làm phim và làm giám đốc nghệ thuật cho tạp chí. Nhưng di sản lớn nhất của ông chính là phiên bản giảng dạy tại Bauhaus mà ông đã mang tới Hoa Kỳ, nơi ông thành lập Viện Thiết kế (Institute of Design) có ảnh hưởng lớn ở Chicago.
Những thành tựu chính
- Moholy-Nagy tin rằng loài người chỉ có thể chiến thắng trải nghiệm vụn vỡ của tính hiện đại – để cảm thấy toàn vẹn lần nữa – nếu chúng ta biết khai thác tiềm năng của những công nghệ mới. Nghệ sĩ nên chuyển mình trở thành những nhà thiết kế, và thông qua chuyên môn hóa cũng như thử nghiệm tìm ra những phương tiện có thể đáp ứng nhu cầu của nhân loại.
- Mối bận tâm với nhiếp ảnh đã khuyến khích niềm tin của ông rằng sự am hiểu về tầm nhìn của nghệ sĩ cần được chuyên môn hóa và hiện đại hóa. Nghệ sĩ đã từng phụ thuộc vào những công cụ vẽ phối cảnh, nhưng với sự ra đời của máy ảnh, họ một lần nữa phải học cách quan sát. Họ phải từ bỏ cách đào tạo cổ điển của những thế kỷ trước. Điều này khuyến khích họ suy ngẫm về lịch sử nghệ thuật cũng như tái tạo các công thức cũ và thử nghiệm với tầm nhìn, từ đó mở rộng năng lực của con người trước những nhiệm vụ mới.
- Mối bận tâm của Moholy-Nagy về đặc những tính của không gian, thời gian và ánh sáng đã tồn tại xuyên suốt sự nghiệp của ông và vượt lên khỏi những phương tiện rất khác biệt mà ông sử dụng. Dù là vẽ tranh hay tạo ra những quang đồ (nhiếp ảnh không dùng tới máy ảnh hay âm bản), hay chế tác những tác phẩm điêu khắc bằng mica trong suốt, thì mối bận tâm sau cùng của ông vẫn nằm ở việc nghiên cứu cách mà tất cả các yếu tố cơ bản tương tác với nhau.
Tiểu sử của László Moholy-Nagy
Thời thơ ấu
László Moholy-Nagy được sinh ra tại một thị trấn nông nghiệp nhỏ tại phía nam Hungary. Cha ông rời bỏ gia đình mình khi ông còn là một cậu bé, và mẹ László đưa ông và các anh em của ông tới sống cùng bà ngoại. “Tôi đã sống qua tuổi thơ của mình trong một sự tĩnh lặng khủng khiếp”, sau này ông viết. Cùng với mẹ và anh em, ông chuyển tới Budapest năm 1913 để học luật, nhưng việc học hành của ông đã bị gián đoạn khi ông nhập ngũ vào Quân đội Áo-Hung với tư cách là một sĩ quan pháo binh năm 1915. Ông đã phải trải qua nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh trên mặt trận Nga và Ý, thứ vẫn còn ám ảnh ông cho tới tận cuối đời. Trong thời gian là một người lính, khi ký hoạ lại đời sống ở chiến trường, các chiến hữu của mình, và cả những người dân thường ông gặp gỡ, Moholy-Nagy đã nhận ra niềm đam mê với vẽ.
Đào tạo ban đầu
Khi ở Budapest, với sự động viên bởi người bạn đồng thời là người cố vấn – nhà phê bình nghệ thuật Iván Hevesy – Moholy-Nagy bắt đầu tham gia các lớp học vẽ, nghiên cứu các Bậc thầy Cổ điển, đặc biệt là Rembrandt cùng với những tác phẩm của các họa sĩ theo trường phái Biểu hiện và trường phái Vị lai. Phong cách của ông trải rộng theo nhiều nguồn ảnh hưởng trong thời kỳ đầu này. Ông vẽ phong cảnh với các yếu tố trừu tượng và sử dụng màu sắc tươi sáng đặc trưng của nghệ thuật dân gian Hungary để khắc họa các chủ đề liên quan đến công nghệ theo phong cách Lập thể. Ông cũng bắt đầu hứng thú với nhiếp ảnh, nhờ sự giúp đỡ của nhiếp ảnh gia Erzsébet Landau.
Vào năm 1919, khi chính phủ của Đảng Cộng sản Hungary mà ông ủng hộ bị thay thế bởi chế độ độc tài quân sự, ông lui về thành phố Szeged lân cận, và rồi chuyển tới Vienna sau vài tháng. Tại đó ông tham gia nhóm MA (“Magyar Aktivizmus”/ “Hoạt động xã hội của Hungary”, đồng thời cũng là từ mang nghĩa “Ngày nay” trong tiếng Hungary), một nhóm tiên phong tại Hungary tin vào tiềm năng cách mạng của nghệ thuật. Năm 1920, ông chuyển đến Berlin, nơi mà bấy giờ là trung tâm sôi động của nghệ thuật tiên phong Trung và Đông Âu và là nơi những ý tưởng của ông bước đầu được kết tinh.
Ông đã vẽ những bức họa hoàn toàn trừu tượng dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Dada, chủ nghĩa Siêu Việt và chủ nghĩa Kiến Tạo của Nga. Ông sử dụng các chữ cái làm các thiết bị tổng hợp và tạo ra các tác phẩm photomontage (bức ảnh tổng hợp được tạo bởi kỹ thuật cắt, dán, sắp xếp các ảnh) tương tự như của Kurt Schwitters – dẫu cho bản chất nghiêm túc và nồng nhiệt của ông đã từ chối tính mỉa mai của phong trào Dada. Moholy-Nagy cũng bị những bức tranh của Kazimir Malevich thu hút, mặc dù ông không đồng tình với tính duy linh của người Nga. El Lissitzky và các nghệ sĩ theo Chủ nghĩa Kiến tạo là những người có ảnh hưởng nhiều nhất với ông lúc bấy giờ. Ông thử nghiệm với tính trong suốt của màu sắc khi chồng các hình dạng hình học lên nhau, tin tưởng vào lời khẳng định của Chủ nghĩa Kiến tạo rằng nghệ thuật là một lực lượng xã hội mạnh mẽ có khả năng dạy cho người lao động cách sống hòa hợp với công nghệ mới.
Mặc dù Moholy-Nagy chủ yếu coi bản thân là một họa sĩ trong suốt phần lớn sự nghiệp của mình, nhưng ông cũng đã tạo ra một lượng lớn các tác phẩm nhiếp ảnh. Người vợ đầu tiên của ông, bà Lucia Schulz, người mà ông gặp tại Berlin năm 1920, từng là một nhiếp ảnh gia tài năng, và đã sử dụng máy ảnh của mình để ghi lại những năm tháng tại trường Bauhaus. Họ cùng nhau thử nghiệm với quang đồ (nhiếp ảnh không dùng tới máy ảnh mà sử dụng giấy nhạy sáng phơi trực tiếp dưới ánh sáng), điều này cho phép Moholy-Nagy khám phá ánh sáng và bóng tối, tính trong suốt, và hình thức. Vào năm 1922, sự thành công với tư cách là một họa sĩ đã giúp ông có một buổi biểu cá nhân tại Galerie der Sturm, một trong những phòng trưng bày nổi tiếng nhất tại Berlin. Một năm sau, ông nhận được lời mời từ Walter Gropius để tới giảng dạy tại trường nghệ thuật Bauhaus.
Giai đoạn trưởng thành
Từ năm 1923 đến 1928, Moholy-Nagy giảng dạy tại Bauhaus, một ngôi trường kiến trúc và thiết kế công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn và cũng là nơi cung cấp cho sinh viên nền tảng về tất cả các loại hình nghệ thuật thị giác. Việc tuyển dụng ông vào khoa đã đánh dấu một bước ngoặt trong hướng đi của trường do ông được trao quyền kiểm soát khóa học sơ bộ quan trọng của trường, hay còn gọi là Vorkurs.
Thay vì tán thành chủ nghĩa cá nhân của hội họa theo trường phái Biểu hiện được khuyến khích nhiều hơn bởi người tiền nhiệm cũng là người khởi xướng khoá Vorkurs Johannes Itten, Moholy-Nagy lại đưa ra sự nhấn mạnh mới về sự thống nhất giữa nghệ thuật và công nghệ. Tính cách thích giao du của Moholy-Nagy giúp ông trở thành giảng viên một cách rất tự nhiên. Ông giảng dạy xưởng kim loại, tiếp quản từ Paul Klee. Tại đó, ông đã chỉ đạo thiết kế và sản xuất một dòng thiết bị chiếu sáng và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Moholy-Nagy cũng đồng biên tập tạp chí Bauhaus cùng với Gropius, người đã trở thành cố vấn cũng như người bạn chí cốt của ông. Họ cùng nhau xuất bản Bauhausbucher, một sê-ri gồm mười bốn cuốn sách đóng vai trò như bản tuyên ngôn của khoa Bauhaus. Ông thiết kế ký tự pháp cho những cuốn sách và tự mình viết hai cuốn có tầm ảnh hưởng lớn. Hội họa, Nhiếp ảnh và Phim được xuất bản vào năm 1925. Cuốn thứ hai, và là cuốn thứ 14 trong sê-ri, Từ Vật liệu tới Kiến trúc, được xuất bản năm 1930 (cuốn này có tựa tiếng Anh là Tầm nhìn mới: Từ Vật liệu tới Kiến trúc vào năm 1932) – trong đó có đưa ra một bản tóm tắt khóa học của Vorkurs
Áp lực chính trị cuối những năm 1920 đã khiến Moholy-Nagy phải từ chức tại Bauhaus. Sau đó, ông khám phá nhiều lĩnh vực sáng tạo khác nhau để nuôi gia đình, không còn tự coi bản thân là một họa sĩ nữa. Những người theo chủ nghĩa xã hội và những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tấn công các bối cảnh sân khấu gây tranh cãi mà ông thiết kế cho nhà hát Kroll, một nhà hát opera thử nghiệm tại Berlin, do sử dụng công khai máy móc làm lùn đi hình người trên sân khấu.
Moholy-Nagy chỉ thực sự thể hiện bản thân một cách vẹn toàn hơn trong loạt 11 bộ phim ông làm khoảng giữa năm 1929 và 1936. Bộ phim đầu tiên của ông, Tĩnh vật Berlin (Berlin Still-life) (1931), được dựng theo phong cách phim tài liệu mà ông thường áp dụng. Tuy nhiên, chính bộ phim Vở Ánh sáng, Đen-Trắng-Xám (Light-Play, Black-White-Gray) năm 1930 mới thực sự mang tính tiền tiến một cách rõ rệt. Vào năm 1932, ông và Lucia đường ai nấy đi, và ông kết hôn với người vợ thứ hai, Sibyl, người mà ông đã gặp tại một xưởng sản xuất phim. Con gái Hattula của họ ra đời vào năm 1933.
Căng thẳng chính trị cùng với sự nắm quyền của Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội (National Socialism) năm 1933 đã buộc Moholy-Nagy và vợ phải di cư. Họ tạm thời chuyển tới Hà Lan sống vào năm 1934, rồi lại đến London vào 1935. Moholy-Nagy phát hiện ra một nhóm các nghệ sĩ và trí thức quốc tế cũng tị nạn tại đó, tìm thấy nhiều cơ hội cho ngành thiết kế công nghiệp. Dù vậy ông vẫn không hài lòng với tình hình tại London bởi ông thực sự muốn tìm một cộng đồng nghệ sĩ và cơ hội tái lập một Bauhaus.
Con gái thứ hai của ông, Claudia, được sinh ra trong khi cuộc sống của ông đương bộn bề công việc và ngay trước khi có cơ hội trở lại Berlin. Một doanh nghiệp làm phim Anh Quốc đã mời ông quay phim cho Thế vận hội Olympic năm 1936 để thu lại thứ mà theo như ông mô tả – “tâm lý khán giả, sự tương phản sinh lý học giữa một đám đông quốc tế và đám người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng loạn của Đức”, thế nhưng, cảm thấy ghê tởm khi biết rằng những người bạn và sinh viên cũ của ông ở Berlin trở thành thành viên của Đức Quốc xã, ông đã bỏ việc sau ba ngày, nói với doanh nghiệp đó rằng: “Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Đức.” Năm 1937, một cánh cửa mới đã mở ra cho người nghệ sĩ này khi ông được Gropius giới thiệu để chỉ đạo tại một trường nghệ thuật mới ở Chicago.
Những năm cuối đời và cái chết
Từ năm 1937 đến 1946, Moholy-Nagy chuyên tâm vào việc giảng dạy và cả tác phẩm riêng của mình. Ông đã thương lượng một hợp đồng 5 năm với tư cách là giám đốc của trường Tân Bauhaus (New Bauhaus) ở Chicago, tuy nhiên trường đã phá sản ngay sau năm đầu tiên thành lập. Dù được các giảng viên đứng về phía mình, Moholy-Nagy vẫn phải đối mặt với các cuộc tấn công cá nhân của ủy ban điều hành, điều này khiến ông mất lòng tin vào các giới công nghiệp. Bất chấp mọi bất lợi, ông mở lại trường vào năm 1939 với cái tên Trường Thiết kế (School of Design) và tuyển dụng một hội đồng những người ủng hộ nghệ thuật tán thành với triết lý giáo dục của ông, bao gồm Walter Gropius, Alfred H. Barr, Jr. và triết gia John Dewey.
Moholy-Nagy và các giảng viên kiếm sống bằng công việc khác và dạy học ở trường vì lòng cống hiến. Chiến tranh Thế giới lần thứ II nổ ra, phô bày nhiều thách thức mới khi chế độ quân dịch bắt buộc làm cạn kiệt số lượng cả sinh viên và giảng viên của ngôi trường. Mặc dù vậy, óc sáng tạo của Moholy-Nagy đã giữ ngôi trường tiếp tục tồn tại, và ông tìm được những cách để trường có thể đóng góp cho nỗ lực chiến tranh thông qua ý tưởng về ngụy trang và các hoạt động mạo hiểm khác.
Moholy-Nagy làm việc không mệt mỏi với vô số dự án, bao gồm giảng dạy và quản lý trường học, viết một cuốn sách mới, Vision in Motion (Tầm nhìn Lưu động) (1947) và làm việc trong lĩnh vực thiết kế để nuôi gia đình. Vào năm 1944, một hội đồng thành lập bởi các nhà công nghiệp hứng thú với những ý tưởng giáo dục của ngôi trường đã đề nghị hỗ trợ quản lý và tài chính cho trường mới được đổi tên thành Viện Thiết kế (Institute of Design).
Tuy nhiên, Moholy-Nagy đổ bệnh nặng và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào Tháng Mười một năm 1945. Sau khi điều trị bằng tia X, ông lại quay lại làm việc siêng năng như trước. Tháng Mười một năm 1946, ông tham dự Hội nghị về Thiết kế Công nghiệp như một Nghề nghiệp mới của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Hội nghị này là chốt điểm cuối cùng cho những ý tưởng về giáo dục nghệ thuật của ông, đặc biệt là ý tưởng rằng nghệ thuật nên dẫn đường cho ngành công nghiệp hơn là để các nhà công nghiệp điều khiển lĩnh vực thiết kế. Ông qua đời do xuất huyết nội tạng không lâu sau khi trở về Chicago.
Di sản của László Moholy-Nagy
Sức ảnh hưởng của Moholy-Nagy lên nghệ thuật hiện đại có thể được cảm nhận ở mọi lĩnh vực. Cùng với những người di cư khác từ Bauhaus, ông đã thành công trong việc truyền tải thẩm mỹ hiện đại vào thiết kế hiện đại. Tác động của ông hầu như được cảm nhận mạnh mẽ nhất bởi các sinh viên ông dạy, nhưng việc ông sử dụng những vật liệu hiện đại và cả công nghệ đã để lại ấn tượng cho các nhà thiết kế trẻ, trong đó có Charles Eames, người đã tới thăm trường Tân Bauhaus khi còn đang học tại Viện Nghệ thuật Cranbook. Bên cạnh đó, bằng cách kết hợp nhiếp ảnh với ký tự pháp để tạo ra thứ mà ông gọi là ký tự pháp-nhiếp ảnh (typophoto), Moholy-Nagy được nhiều người coi là người khởi đầu cho thiết kế đồ họa hiện đại.
Tầm ảnh hưởng của Moholy-Nagy đối với nhiếp ảnh được nhận thấy rõ rệt qua các tham luận cũng như qua tác phẩm nhiếp ảnh và dựng ghép ảnh (photomontage) của ông. Cuốn sách Bauhaus đầu tiên của ông đã khẳng định rằng nhiếp ảnh cũng là một hình thức mỹ thuật ngang hàng với hội họa. Những thí nghiệm của ông về ánh sáng và bóng tối đã củng cố giá trị của nhiếp ảnh như một phương tiện chủ quan và từ đó chứng tỏ nhiếp ảnh là một phương tiện nghệ thuật, chứ không chỉ đơn giản là một phương tiện để ghi tư liệu hiện thực.
Những năm gần đây, việc một số bảo tàng lớn tổ chức các triển lãm hồi tưởng đã thu hút sự chú ý của quốc tế đến những thành tựu của Moholy-Nagy, bao gồm Bảo tàng Tate Modern ở London, Bảo tàng Schirn Kunsthalle ở Frankfurt và Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Loyola ở Chicago, tôn vinh tác động của ông đối với nền nghệ thuật Mỹ.
Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Minx Trần. Lời đề tựa và minh hoạ bởi Hương Mi Lê.
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật