Bauhaus (Phần 1)

Khi nói về một tập thể những người sáng tạo và giảng dạy có tầm ảnh hưởng lớn nhất với thực hành đa dạng nhất trong nghệ thuật, thiết kế và sư phạm nghệ thuật cũng như thiết kế của chủ nghĩa Hiện đại – thì đó chắc chắn phải là Bauhaus. Những người Bauhaus không phải là những người đầu tiên khởi xướng những lý luận, phương pháp thực hành và đào tạo đặc trưng của ngôi trường này, nhưng họ là những người hoạt động hiệu quả nhất. Thành tựu của họ là gesamtkunstwerk (tác phẩm nghệ thuật tổng lực), xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật ứng dụng và mỹ thuật, đưa thẩm mỹ vào sản xuất công nghiệp, hợp nhất công năng với cái đẹp, và nói chính xác là làm việc ấy như thế nào. Chúng ta cùng tìm hiểu về ngôi trường này trong loạt bài 3 phần.

  • Nếu nghệ thuật ngày nay yêu thích máy móc, công nghệ, và tổ chức, nếu chúng mong muốn sự khúc chiết và từ chối bất cứ thứ gì mơ hồ và mơ màng, thì điều này ngụ ý một sự thoái thác trực giác trước cái hỗn loạn và mong đợi tìm kiếm hình thức phù hợp với thời đại của chúng ta.” – Oskar Schlemmer
  • Mục tiêu tối hậu của tất cả các hoạt động nghệ thuật là xây dựng!… Hỡi các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, hoạ sĩ, chúng ta cần phải quay lại với thủ công!… Người nghệ sĩ là một biểu hiện cao cấp hơn của người nghệ nhân… Hãy cùng nhau hình thành… một nghiệp đoàn mới của những nghệ nhân mà không có bất cứ sự phân chia tầng lớp nào được đặt ra để tạo một rào cản kiêu ngạo giữa những nghệ nhân và nghệ sĩ!… Hãy cùng nhau tạo ra một toà nhà mới của tương lai mà sẽ là tất cả trong một: kiến trúc và điêu khắc và hội hoạ.” – Walter Gropius

Sơ lược về Bauhaus

Có thể nói rằng Bauhaus là trường nghệ thuật hiện đại có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Cách tiếp cận của Bauhaus đối với việc giảng dạy và mối quan hệ giữa nghệ thuật, xã hội và công nghệ đã có một tác động to lớn ở cả châu Âu và Hoa Kỳ, cho đến rất lâu sau khi trường đóng cửa dưới áp lực của Đức Quốc xã vào năm 1933. 

Bauhaus chịu ảnh hưởng bởi các định hướng nghệ thuật của thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 như trào lưu Arts & Crafts (Nghệ thuật và Thủ công), cũng như Art Nouveau (Tân Nghệ thuật) và nhiều hiện thân quốc tế của nó, bao gồm cả Jugendstil (phong cách Tuổi trẻ) và Vienna Secession (Ly khai Vienna). Tất cả các phong trào này đều tìm cách san bằng sự khác biệt giữa mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, đồng thời thống nhất sự sáng tạo và sự chế tạo; di sản của những phong trào nói trên được phản ánh trong chủ nghĩa trung cổ lãng mạn theo kiểu Bauhaus trong những năm đầu phát triển, khi trường tự hình thành như kiểu một nghiệp đoàn của những thợ thủ công. 

Logo nổi tiếng của trường Bauhaus do Oskar Schlemmer thiết kế. Hình ảnh này không chỉ đặc trưng cho tinh thần của Bauhaus mà cũng nói lên chính tinh thần riêng của Schlemmer – một sự hợp nhất ở mức độ nhất định giữa con người và máy móc.

Nhưng vào giữa những năm 1920, tầm nhìn này đã nhường chỗ cho sức nặng trong việc hợp nhất nghệ thuật và thiết kế công nghiệp, và chính điều này đã làm nền tảng cho những thành tựu ban đầu và quan trọng nhất của Bauhaus. Trường cũng nổi tiếng với đội ngũ giảng viên phi thường, những người sau đó đã dẫn đầu sự phát triển của nghệ thuật hiện đại – và tư tưởng hiện đại – trên khắp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Ý tưởng và thành tựu chính

  • Những khởi nguồn của Bauhaus nằm ở cuối thế kỷ 19, trong nỗi lo lắng về sự vô hồn của sản xuất hiện đại và nỗi lo sợ về việc nghệ thuật mất đi sự liên hệ với xã hội. Bauhaus hướng tới việc hợp nhất mỹ thuật và thiết kế mang tính công năng, tạo ra các đồ vật thiết thực với linh hồn của các tác phẩm nghệ thuật.
  • Mặc dù Bauhaus đã từ bỏ nhiều khía cạnh của giáo dục mỹ thuật truyền thống, nó vẫn quan tâm sâu sắc đến các phương pháp tiếp cận về mặt trí tuệ và lý thuyết đối với chủ đề của mình. Các khía cạnh khác nhau của sư phạm nghệ thuật và thiết kế đã được hợp nhất, và hệ thống phân cấp của nghệ thuật đã từng tồn tại trong thời kỳ Phục hưng giờ bị san bằng: các sản phẩm thủ công thực dụng – bao gồm kiến ​​trúc và thiết kế nội thất, dệt may và đồ gỗ – được đặt ngang hàng với mỹ thuật như điêu khắc và hội họa.
  • Với sức nặng ngang bằng mà Bauhaus đặt lên mỹ thuật và thủ công mang tính chức năng, không có gì ngạc nhiên khi nhiều thành tựu lâu dài và có ảnh hưởng nhất của Bauhaus nằm trong các lĩnh vực nằm ngoài hội họa và điêu khắc. Các thiết kế đồ nội thất và đồ dùng của Marcel Breuer, Marianne Brandt, và những người khác đã mở đường cho phong cách tối giản đầy phong cách của những năm 1950-60. Trong khi đó, các kiến ​​trúc sư như Walter Gropius và Ludwig Mies van der Rohe đã được công nhận là người dẫn đầu của Phong cách Quốc tế (International Style) bóng bẩy, mà vẫn còn rất quan trọng trong kiến ​​trúc cho đến ngày hôm nay.
  • Phương pháp giảng dạy ở Bauhaus, với đặc trưng là sự nhấn mạnh vào tính thử nghiệm và cách giải quyết vấn đề, cũng đã chứng tỏ sức ảnh hưởng to lớn của nó đến giáo dục nghệ thuật đương đại. Một trong những ảnh hưởng ấy là việc suy nghĩ lại về “mỹ thuật” như là “nghệ thuật thị giác”, và tái nhận thức rằng quá trình thực hành nghệ thuật giống như môn khoa học nghiên cứu hơn là môn khoa học nhân văn như văn học hoặc lịch sử.

Khởi đầu của Bauhaus

Bauhaus, lấy tên theo một từ tiếng Đức có nghĩa là “ngôi nhà của xây dựng”, được thành lập vào năm 1919 tại Weimar, Đức bởi kiến ​​trúc sư Walter Gropius. Năm 1915, ông tiếp quản Trường Nghệ thuật và Thủ công Grand-Ducal Saxon (Grand-Ducal Saxon School of Arts and Crafts), và bốn năm sau, thông qua sự hợp nhất của trường này với Học viện Mỹ thuật Weimar (Weimar Academy of Fine Art), ông thành lập một trường thiết kế cấp tiến mới. Xét về mặt ý niệm, Bauhaus được tạo lập từ những mong muốn tái hợp mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng cuối thế kỷ 19, đẩy lùi việc cơ giới hóa sự sáng tạo, và cải cách giáo dục. Đồng thời, sự phát triển của Chủ nghĩa Kiến tạo Nga trong những năm 1910 đã đem đến một tiền lệ kế cận và phù hợp hơn về phong cách cho việc hợp nhất thiết kế có tính nghệ thuật và thiết kế có tính kỹ thuật của Bauhaus. 

Tuy nhiên, khi Bauhaus mở cửa vào năm 1920, có dấu hiệu về một món nợ của trường đối với các kiểu mốt thẩm mỹ của những thập kỷ trước bởi trường nằm tại xưởng điêu khắc cũ của trường Grand-Ducal Saxon. Xưởng điêu khắc ấy được thiết kế theo phong cách Art Nouveau bởi Henry van de Velde, hiệu trưởng áp cuối của trường.

Cầu thang xoắn tại Bauhaus Weimar tóm tắt “món nợ” ban đầu của trường với phong cách Tân Nghệ thuật cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Gropius đã kêu gọi trường thể hiện một sự tôn trọng mới đối với kỹ thuật thủ công và thực hành, đề xuất quay trở lại với thái độ từng là đặc trưng cho thời kỳ trung cổ đối với nghệ thuật và thủ công. Ông hình dung Bauhaus như chứa đựng toàn bộ tổng thể của các phương tiện nghệ thuật, bao gồm mỹ thuật, thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, ký tự pháp, thiết kế nội thất và kiến ​​trúc.

Bauhaus: Khái niệm, Phong cách và Xu hướng

Chương trình giảng dạy của Bauhaus

Trọng tâm trong phương pháp tiếp cận của trường là một chương trình giảng dạy nguyên bản và tạo được sức ảnh hưởng. Điều này được đặc tả bởi Gropius như chiếc bánh xe được tạo thành từ các vòng đồng tâm, với vòng ngoài đại diện cho Vorkurs, một khóa học sơ cấp hoặc ‘khóa học cơ bản’ kéo dài sáu tháng, được khởi xướng bởi Johannes Itten. Khóa học này tập trung vào các khía cạnh cơ bản của thiết kế, cụ thể là những tính chất tương phản của vô số hình dạng, màu sắc và chất liệu. 

Biểu đồ bánh xe minh họa cho chương trình học tại Bauhaus

Hai vòng giữa đại diện cho hai khóa học trung cấp kéo dài ba năm. Một khóa là Formlehre (Form – hình thức, lehre – giảng dạy), tập trung vào các vấn đề liên quan đến hình thức. Khóa còn lại là Werklehre (Werk – sản phẩm/tác phẩm), một chương trình hướng dẫn mang tính thực tiễn và dựa trên hình thức workshop (thực hành trong xưởng dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy), được định hướng xoay quanh các kỹ năng và thủ công mang tính kỹ thuật. Các lớp học này nhấn mạnh vào chủ nghĩa chức năng, cụ thể là việc sử dụng các dạng hình học đơn giản mà có thể được tái tạo một cách dễ dàng. Chủ nghĩa chức năng cũng là một cơ sở khái niệm của kiến ​​trúc và thiết kế hiện đại trong nhiều thập kỷ sau đó. 

Tại trung tâm của bánh xe là các khóa học chuyên về việc xây dựng công trình, dạy cho sinh viên những kiến ​​thức cơ bản về thiết kế kiến ​​trúc, kỹ thuật và xây dựng. Tuy nhiên, khóa học cũng nhấn mạnh vào thủ công và tay nghề cá nhân, những thứ dường như đã bị bỏ rơi trong các quy trình xây dựng hiện đại đương thời. Mục tiêu chính của phương pháp tiếp cận sư phạm, được áp dụng trong tất cả các khóa học, là loại bỏ xu hướng cạnh tranh, thúc đẩy không chỉ sự sáng tạo của cá nhân mà còn cả ý thức về cộng đồng và mục tiêu chung.

Các giảng viên tại Bauhaus

Gropius đã thu hút được một đội ngũ giảng viên tài năng tới Weimar và họ chịu trách nhiệm xây dựng cũng như truyền tải chương trình giảng dạy nức tiếng của trường. Các họa sĩ tiên phong Johannes Itten và Lyonel Feininger, và nhà điêu khắc Gerhard Marcks, nằm trong số những người đầu tiên được Gropius bổ nhiệm. 

Hình ảnh các giảng viên của Bauhaus chụp trên sân thượng của trường năm 1926.

Johannes Itten có một vị trí đặc biệt quan trọng với đặc tính sơ khai của trường: có nền tảng về Chủ nghĩa Biểu hiện, ông chịu trách nhiệm cho phần lớn sự nhấn mạnh ban đầu vào chủ nghĩa lãng mạn thời trung cổ. Sự nhấn mạnh này đã giúp định vị Bauhaus, đặc biệt là ở chương trình sơ cấp Vorkurs, mà Itten đã thiết kế. Có một câu chuyện nhiều người vẫn nói là chính những khuynh hướng theo Chủ nghĩa Biểu hiện và mang tính bí truyền này của Itten đã đặt ông vào vị thế đối nghịch với phương pháp tiếp cận khoa học, xã hội học của Gropius, và cả hai sớm xảy ra xung đột. 

Đến năm 1923, Itten rời đi và được thay thế bởi László Moholy-Nagy, một người “hợp rơ” hơn dành cho Gropius; Moholy-Nagy đã cải tiến các Vorkurs thành một chương trình  ủng hộ công nghệ và chức năng xã hội của nghệ thuật. Dù thế nào, Bauhaus vẫn giữ được một sự hòa trộn các ảnh hưởng thẩm mỹ khác nhau trong suốt quá trình tồn tại ngắn ngủi của nó. 

Mặc dù những nhân vật như Moholy-Nagy hiện nay được cho là liên quan ở một mức độ nào đó đến các đặc tính về công nghệ của Chủ nghĩa Kiến tạo, những người quan trọng khác được bổ nhiệm từ đầu còn bao gồm các họa sĩ theo trường phái Biểu hiện và các họa sĩ chịu ảnh hưởng từ trường phái Biểu hiện như Wassily Kandinsky và Paul Klee. Họ cũng bao gồm các nghệ sĩ làm việc trên nhiều phương tiện sáng tạo, từ điêu khắc đến biên đạo múa, bao gồm Georg Muche và Oskar Schlemmer.

Bauhaus tại Dessau

Ảnh của trụ sở Bauhaus Dessau, được thiết kế bởi Walter Gropius trong khoảng 1919 – 1925, và là địa điểm ghi lại những thành tựu nổi bật nhất của phong trào Bauhaus. Hàng chữ dọc vuông góc vẫn tiếp tục gợi lên tinh thần của tổ chức có lẽ hơn bất kỳ hình ảnh nào khác.

Năm 1925, Bauhaus chuyển đến thị trấn công nghiệp của Đức, Dessau, bắt đầu thời kỳ hoạt động hiệu quả nhất của nó. Gropius đã thiết kế một tòa nhà mới cho ngôi trường mà từ đó không chỉ được coi là “lá bùa hộ mệnh” của Bauhaus mà còn là một dấu mốc của kiến ​​trúc hiện đại theo chủ nghĩa chức năng. Cũng chính tại đây, trường cuối cùng đã tạo ra khoa kiến ​​trúc, điều mà rõ ràng đã bị thiếu sót ở tiền thân của nó. 

Tuy nhiên, đến năm 1928, Gropius đã cạn kiệt sức lực bởi công việc của mình, và bởi các cuộc ganh đấu leo thang với các nhà phê bình của trường, bao gồm cả những thành phần bảo thủ trong văn hóa Đức. Ông từ chức, chuyển giao quyền lãnh đạo cho kiến ​​trúc sư người Thụy Sĩ, Hannes Meyer. Meyer, người đứng đầu khoa kiến ​​trúc, là một nhà cộng sản hoạt động tích cực, cài cắm các ý tưởng chính trị của mình vào các tổ chức sinh viên và các chương trình giảng dạy. Trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhưng những lời chỉ trích về chủ nghĩa Mác của Meyer ngày càng tăng, và ông bị cách chức hiệu trưởng vào năm 1930. 

Sau cuộc bầu cử địa phương đưa Đức Quốc xã lên nắm quyền ở Dessau vào năm 1932, trường một lần nữa bị đóng cửa và chuyển địa điểm. Lần chuyển này là tới Berlin, nơi mà trường sẽ chứng kiến những năm cuối cùng của nó.

Ở Berlin, Bauhaus tồn tại một thời gian ngắn dưới sự chỉ đạo của kiến ​​trúc sư Ludwig Mies van der Rohe, một người ủng hộ nổi tiếng cho kiến ​​trúc theo trường phái chức năng mà sau này, giống như Gropius, có liên đới tới Phong cách Quốc tế (International Style). Tuy nhiên, Mies van der Rohe đã phải vật lộn với nguồn tài nguyên nghèo nàn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của mình, và với một đội ngũ giảng viên đã mất đi nhiều “ngôi sao” sáng nhất. Ông đã cố gắng loại bỏ chính trị khỏi chương trình giảng dạy của trường, nhưng nỗ lực xây dựng lại thương hiệu ngắn ngủi này đã không thành công. Và khi Đức Quốc xã lên nắm quyền toàn quốc vào năm 1933, trường học đã bị đóng cửa vô thời hạn dưới áp lực và đe dọa chính trị dữ dội.

Những phát triển sau này – Hậu Bauhaus

Trong nhiều thập kỷ sau khi đóng cửa, ảnh hưởng của Bauhaus vẫn lan xa cùng bước chân của các giảng viên cũ của trường. Nhiều người trong số họ đã buộc phải rời khỏi châu Âu khi những ảnh hưởng gây trì trệ của Chủ nghĩa Phát xít dần lớn mạnh. 

Sau khi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1937, Gropius giảng dạy tại Trường Thiết kế Sau đại học (Graduate School of Design) tại Đại học Harvard, và được coi là nhân tố quan trọng trong việc giới thiệu kiến ​​trúc của Phong cách Quốc tế (International Style) đến Hoa Kỳ và các quốc gia nói tiếng Anh. Mies van der Rohe cũng vậy, ông đến Hoa Kỳ cùng năm với Gropius rồi trở thành Giám đốc Đại học Kiến trúc, Quy hoạch và Thiết kế (College of Architecture, Planning, and Design) tại Viện Công nghệ Illinois (Illinois Institute of Technology). Bốn năm trước đó, Josef Albers đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu chương trình hội họa tại Đại học Black Mountain (Black Mountain College) huyền thoại ở Bắc Carolina, nơi có các sinh viên của ông có bao gồm Robert Rauschenberg và Cy Twombly. Sau chuyến bay rời khỏi Đức của riêng mình vào năm 1933, László Moholy-Nagy, người Hungary gốc Do Thái, đã thành lập nơi mà sau này đã trở thành Viện Thiết kế (Institute of Design) ở Chicago.

Oskar Schlemmer đã vẽ Bauhaustreppe (1932), cho thấy các cửa sổ và cầu thang mang tính biểu tượng của Bauhaus, vài năm sau khi ông rời trường học và sự trỗi dậy của Đức Quốc xã báo hiệu sự kết thúc của các thí nghiệm theo chủ nghĩa hiện đại ở đây.

Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, di sản quốc gia của Bauhaus cũng được hồi sinh, thông qua sự hình thành của trường Đại học Thiết kế (Hochschule für Gestaltung) tại Ulm vào năm 1953. Về nhiều mặt, trường này là sự kế thừa tinh thần của Bauhaus, với cựu sinh viên Bauhaus là Max Bill được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên. Bill, Moholy-Nagy và Albers là những người đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh triết lý Bauhaus sang một kỷ nguyên mới: Moholy-Nagy và Albers đã cải tiến nó thành một mô hình phù hợp hơn với một trường đại học nghiên cứu hiện đại, hoạt động trong nền văn hóa định hướng thị trường, trong khi Bill đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá trừu tượng hình học trên toàn thế giới dưới hình thái Nghệ thuật Cụ thể (Concrete Art), một phong trào kế thừa Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism).

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Larissa Borteh; biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Quang Khải; minh hoạ và đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

bauhaus Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…