Chủ nghĩa Siêu việt (Phần 1)

Nói rằng “Vào năm 1913, trong khi cố gắng đến tuyệt vọng để giải phóng nghệ thuật khỏi cái dằn vặt của một thế giới mang tính đại diện, tôi đã kiếm tìm chỗ trú ẩn ở trong hình dạng của hình vuông,” Kazimir Malevich phát minh ra chủ nghĩa Siêu việt/Tối thượng. Với ông, hình dạng nguyên bản là “Bước đầu tiên của sự sáng tạo thuần khiết.” Trong loạt bài 2 phần, chúng ta tìm hiểu về chủ nghĩa Siêu việt, hay Suprematism, mà có thể nên được dịch đúng nghĩa hơn là Tối thượng – một chủ nghĩa phi lý và tiến bộ vào thời của nó, một trong những phát triển sớm nhất và triệt để nhất của nghệ thuật trừu tượng.

  • Siêu việt đã tiến tới cái đỉnh tối hậu của kim tự tháp hình ảnh của góc nhìn soi vào vĩnh cửu… Chúng ta thấy rằng chủ nghĩa Siêu việt đã quét sạch những ảo ảnh của không gian phẳng hai chiều, những ảo ảnh của không gian phối cảnh ba chiều, và đã tạo ra ảo ảnh tối hậu của không gian phi lý, với khả năng mở rộng vô hạn của nó cả về hậu cảnh và tiền cảnh.” – El Lissitzky
  • Khi nói đến “Siêu việt”, tôi muốn nói đến sự siêu việt (tối thượng) của cảm xúc thuần túy trong sáng tạo nghệ thuật. Với những người theo chủ nghĩa Siêu việt, những hiện tượng hình ảnh của thế giới khách quan, tự thân chúng, đều vô nghĩa; điều quan trọng chỉ có là cảm xúc.” – Kazimir Malevich
  • Tôi rút gọn hội hoạ còn lời kết luận logic của nó và trưng bày ba bức tranh: đỏ, xanh lam, vàng. Tôi khẳng định: đây là điểm cuối của hội hoạ.” – Alexander Rodchenko.
  • Tôi chuyển mình về dạng không và vút lên từ hư vô tới sự sáng tạo, mà với Siêu việt, chính là một hiện thực mới trong hội họa – tới sự sáng tạo phi khách quan.” Kazimir Malevich.

[Siêu việt] sẽ giải phóng tất cả những người tham gia vào hoạt động sáng tạo và khiến thế giới này trở thành một mô hình đích thực của sự hoàn hảo. Đây là mô hình mà chúng ta đợi chờ từ Kazimir Malevich. SAU CỰU ƯỚC LÀ TÂN ƯỚC – VÀ SAU TÂN ƯỚC LÀ CỘNG SẢN – VÀ SAU CỘNG SẢN CUỐI CÙNG SẼ LÀ LỜI TUYÊN CỦA CHỦ NGHĨA TỐI THƯỢNG.” – El Lissitzky.

Chủ nghĩa Tối thượng năng động (Dynamic Suprematism) (1915 hoặc 1916)

Sơ lược về Siêu việt (1913 – cuối 1920)

Chủ nghĩa Siêu việt (Suprematism), phát minh của nghệ sĩ người Nga Kazimir Malevich, là một trong những phát triển sớm nhất và triệt để nhất trong nghệ thuật trừu tượng. Tên của nó bắt nguồn từ niềm tin của Malevich rằng nghệ thuật Siêu việt sẽ ưu việt hơn tất cả các nghệ thuật trước đây, và nó sẽ dẫn đến “sự ưu việt của cảm giác hoặc nhận thức thuần khiết trong nghệ thuật hình ảnh.” 

Chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nhà thơ tiền tiến, và phong trào đang nổi lên trong phê bình văn học, Malevich bắt đầu quan tâm đến việc chế giễu các quy tắc của ngôn ngữ và thách thức lý lẽ. Ông tin rằng chỉ tồn tại những liên kết tinh tế giữa các từ ngữ hoặc ký hiệu và các đối tượng mà chúng biểu thị, và từ đó ông nhìn thấy khả năng của một nghệ thuật hoàn toàn trừu tượng. Và cũng giống như các nhà thơ và nhà phê bình văn học quan tâm đến những gì cấu thành nên văn học, Malevich đã bị hấp dẫn bởi việc tìm kiếm những điều cốt yếu nhất của nghệ thuật. Đây là một dự án cấp tiến và mang tính thử nghiệm mà đôi khi đã tiến gần đến một sự thần bí kỳ lạ. 

Mặc dù các nhà chức trách Cộng sản sau đó đã tấn công phong trào này, những ảnh hưởng của nó đã lan rộng ở Nga vào đầu những năm 1920, và có vai trò quan trọng trong việc hình thành Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism), cũng như đã truyền cảm hứng cho nghệ thuật trừu tượng cho đến ngày nay.

Ảnh chụp từ phim Chiến thắng vầng thái dương (Victory over the Sun) của nghệ sĩ đa ngành người Pê-ru, Alan Poma, (trái) và thiết kế sân khấu cho vở kịch gốc bởi Kazimir Malevich (phải)

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Mối quan tâm của những người theo chủ nghĩa Siêu việt đối với sự trừu tượng đã được thôi thúc bởi việc tìm kiếm ‘độ không’ của hội họa, điểm mà vượt qua đó phương tiện này không thể ngừng trở thành nghệ thuật. Điều này khuyến khích việc sử dụng các mô-típ rất đơn giản, vì chúng thể hiện rõ nhất hình dạng và bề mặt phẳng của các tấm toan mà chúng được vẽ trên đó. (Cuối cùng, hình vuông, hình tròn và chữ thập đã trở thành mô-típ yêu thích của nhóm.) Nó cũng khuyến khích nhiều người theo chủ nghĩa này nhấn mạnh vào kết cấu bề mặt của sơn trên toan, kết cấu này là một chất lượng thiết yếu khác của phương tiện hội họa.
  • Mặc dù nhiều nghệ thuật Siêu việt có vẻ rất hà khắc và nghiêm trọng, xuyên suốt phong trào này vẫn tồn tại một sắc độ rõ nét của chủ nghĩa phi lý (absurdism). Một trong những nguồn cảm hứng ban đầu của Malevich cho phong trào này là zaum (các thí nghiệm ngôn ngữ trong biểu tượng âm thanh và sáng tạo ngôn ngữ của các nhà thơ theo chủ nghĩa vị lai của Nga như Velimir Khlebnikov và Aleksei Kruchenykh, một loại ngôn ngữ không có giá trị tiện ích, tức là không tham chiếu, vô nghĩa, không ngữ pháp và cú pháp), hay transrational poetry (ở giữa siêu nhiên – supernatural và hợp lý – rational), của một số tác giả cùng thời với ông, điều gì đó đã đưa ông đến với ý tưởng vẽ tranh zaum.
Дыр бул щыл, 1912-13, Aleksei Kruchenykh, một tác phẩm thơ zaum điển hình
Dyr bul shchyl
Ubeshshchur
Skum
vy so bu
r l èz

Những người theo chủ nghĩa Hình thức Nga, một nhóm các nhà phê bình văn học quan trọng và có ảnh hưởng lớn, những người cùng thời với Malevich, đã phản đối ý kiến cho rằng ngôn ngữ là một phương tiện đơn giản và minh bạch cho giao tiếp. Họ chỉ ra rằng các từ không dễ dàng liên kết với các đối tượng mà họ biểu thị. Điều này đã nuôi dưỡng ý tưởng rằng nghệ thuật có thể làm cho thế giới trở nên tươi mới và kỳ lạ, nghệ thuật có thể khiến chúng ta nhìn thế giới theo những cách mới. Tranh trừu tượng của chủ nghĩa Siêu việt cũng mong muốn thực hiện điều tương tự, bằng cách loại bỏ hoàn toàn thế giới thực và để người xem suy ngẫm về bức tranh mà bằng nó thế giới được đưa ra, chẳng hạn như, bức Hình vuông đen (Black Square) (khoảng năm 1915).

Kazimir Malevich, Khối vuông đen (Black Square), 1915, sơn dầu trên vải lanh, 79.5 x 79.5 cm, Phòng trưng bày Tretyakov, Moscow

Những khởi nguồn của Siêu việt

Chủ nghĩa Tối thượng hay Siêu Việt là một phong trào nghệ thuật được thành lập ở Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Những gợi ý đầu tiên về nó xuất hiện trong bản phác thảo phông nền và trang phục mà Kazimir Malevich đã thiết kế vào năm 1913 cho Chiến thắng vầng thái dương (Victory Over the Sun), một vở opera của chủ nghĩa Vị lai được trình diễn ở St.Petersburg. Trong khi các hình vẽ vẫn có mối liên hệ rõ ràng với Chủ nghĩa Lập thể – Vị lai (một phong trào nghệ thuật của Nga mà Malevich tham gia với vai trò nổi bật), những hình dạng đơn giản cung cấp một nền tảng thị giác cho chủ nghĩa Siêu việt xuất hiện nhiều lần. Màu sắc phong phú cũng được loại bỏ để chuyển sang đen và trắng, thứ mà Malevich sau này sử dụng như một phép ẩn dụ cho sự sáng tạo trong các tác phẩm viết của mình. Đặc biệt quan trọng là bức Hình vuông đen (Black Square) (khoảng năm 1915), đã trở thành tác phẩm trung tâm của phong trào mới của ông.

Triển lãm tranh Vị lai cuối cùng 0.10 (The Last Futurist Exhibition of Paintings 0,10) (đọc là “zero-ten”) tại Petrograd, nơi Malevich đã đầy thách thức treo bức Khối vuông đen của mình vào góc tường, nơi mà thường để treo một biểu tượng tôn giáo điển hình của Nga.

Năm 1915, các nghệ sĩ Nga Kseniya (Xenia) Boguslavskaya, Ivan Klyun, Mikhail Menkov, Ivan Puni và Olga Rozanova cùng với Kazimir Malevich thành lập nhóm Siêu việt. Cùng nhau, họ đã giới thiệu tác phẩm mới của mình với công chúng tại Triển lãm tranh Vị lai cuối cùng 0.10 (The Last Futurist Exhibition of Paintings 0.10) (1915-16). Các tác phẩm của họ có một loạt các hình dạng hình học lơ lửng trên nền trắng hoặc sáng màu. Sự đa dạng về hình dạng, kích thước và góc cạnh tạo ra cảm giác về chiều sâu trong các bố cục này, làm cho các hình vuông, hình tròn và hình chữ nhật dường như đang chuyển động trong không gian.

Siêu việt: Khái niệm, phong cách và xu hướng

Hội họa Siêu việt đã từ bỏ chủ nghĩa Hiện thực, thứ mà Malevich coi là sự xao lãng khỏi trải nghiệm siêu nghiệm (transcendental experience) mà nghệ thuật muốn khơi gợi. Chủ nghĩa Siêu việt có thể được coi là kết luận hợp lý về sự quan tâm của chủ nghĩa Vị lai đối với chuyển động và các hình dạng giản lược và đa phối cảnh của chủ nghĩa Lập thể. Hình vuông, mà Malevich gọi là “khuôn mặt của một nghệ thuật mới,” đại diện cho sự ra đời của phong trào mới này, trở thành lá cờ biểu tượng mà dưới đó các nhà phê bình và các nghệ sĩ khác tụ tập lại để ủng hộ phong cách mới. Nhưng nhiều người khác lại cáo buộc nó là chủ nghĩa hư vô (nihilism): nghệ sĩ và nhà phê bình Alexandre Benois đã công kích nó như một “thuyết giảng về sự hư vô (nothingness) và hủy diệt.”

Bìa của bản tuyên ngôn Từ chủ nghĩa Lập thể và chủ nghĩa Vị lai đến chủ nghĩa Siêu việt trong nghệ thuật (From Cubism and Futurism to Suprematism in Art)

Malevich xuất bản một bản tuyên ngôn để trùng với cuộc triển lãm năm 1915, có tên Từ chủ nghĩa Lập thể và chủ nghĩa Vị lai đến chủ nghĩa Siêu việt trong nghệ thuật (From Cubism and Futurism to Suprematism in Art). Ông tuyên bố đã vượt ra khỏi ranh giới của thực tại để bước vào một nhận thức mới. Với tư duy này, các mô-típ trong tranh của ông thu hẹp lại chỉ gồm hình tròn, hình vuông và hình chữ nhật. Các nhà phê bình đôi khi giải thích những mô-típ này là tham chiếu đến những ý tưởng thần bí, và một số tuyên bố hoa mỹ hơn của Malevich dường như ủng hộ điều này: về việc sử dụng vòng tròn, ông nói, “Tôi đã phá hủy cái đai của đường chân trời và thoát khỏi vòng tròn của vạn vật”; và ông nói về bức Hình vuông Đen như “một đứa trẻ hoàng gia sống động“. Nhưng trên thực tế, Malevich khinh bỉ chủ nghĩa tượng trưng: đối với ông, các mô-típ chỉ là những khối lắp ráp, là các yếu tố cơ bản nhất trong hội họa, hay như ông nói, là “con số không của hình thức.

Kazimir Malevich và Lissitzky đều có hình vuông đen ở tay áo, thể hiện sự đoàn kết với nhóm UNOVIS (đầu những năm 1920), nhóm nghệ sĩ thực hành phương pháp của chủ nghĩa Siêu việt.

Malevich chia sự tiến triển của Siêu việt thành ba giai đoạn: “đen”, “có màu” và “trắng”. Giai đoạn đen đánh dấu sự bắt đầu của phong trào và ‘độ không’ của hội hoạ, như được minh hoạ bởi Hình vuông đen. Giai đoạn màu, đôi khi được gọi là Siêu việt năng động, tập trung vào việc sử dụng màu sắc và hình dạng để tạo ra cảm giác chuyển động trong không gian. Việc này đã được Ilya Chasnik, El Lissitzky và Alexander Rodchenko theo đuổi sâu sắc; El Lissitzky đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi Malevich và đã phát triển phong cách Siêu việt của riêng mình, mà ông gọi là ‘Proun‘ (một từ viết tắt của từ tiếng Nga có nghĩa là “dự án cho sự khẳng định cái mới”). 

Đỉnh cao của Siêu việt có thể được nhìn thấy trong sân khấu màu trắng, được trưng bày bởi Malevich trong Triển lãm Trạng thái thứ mười: Sự sáng tạo phi chủ thế và Chủ nghĩa Siêu việt (Tenth State Exhibition: Non-objective Creation and Suprematism) vào năm 1919.

Trắng trên trắng (White on white) (1918), Kazimir Malevich, sơn dầu trên vải, 79.4 x 79.4 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ
Một bức trong bộ Đen trên đen (Black on Black) (1919), sơn dầu và nhựa bitum trên vải, 81.9 x 79.4 cm

Kiệt tác của ông, Trắng trên trắng (White on White) (1918), được tách rời hoàn toàn khỏi hình dạng, đại diện duy nhất “ý tưởng”. Tác phẩm này đã khơi mào phản ứng từ các nghệ sĩ khác dẫn đến những dự án mới, chẳng hạn như khám phá Kiến ​​tạo của Alexander Rodchenko về vai trò của các chất liệu cụ thể trong loạt Đen trên đen (Black on Black) (1919) của ông.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa siêu việt Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…