Kazimir Malevich (Phần 1)

Siêu việt, hay đúng hơn là Tối thượng, là một chủ nghĩa phi lý và vô cùng tiến bộ vào thời của nó, một trong những phát triển sớm nhất và triệt để nhất của nghệ thuật trừu tượng. Nói rằng “Vào năm 1913, trong khi cố gắng đến tuyệt vọng để giải phóng nghệ thuật khỏi cái dằn vặt của một thế giới mang tính đại diện, tôi đã kiếm tìm chỗ trú ẩn ở trong hình dạng của hình vuông,” Kazimir Malevich phát minh ra chủ nghĩa Siêu việt/Tối thượng. Với ông, hình dạng nguyên bản là “Bước đầu tiên của sự sáng tạo thuần khiết.” Chúng ta sẽ tìm hiểu về một trong những nhân vật mang tính xác quyết cho tinh thần sáng tạo chung của nghệ thuật Hiện đại này trong loạt bài bao gồm 2 phần.

  • Với người chủ nghĩa Tối thượng, hiện tượng trực quan của thế giới vật thể là, tự trong nó, vô nghĩa; điều đáng kể là cảm giác, như vậy, hoàn toàn rời xa khỏi môi trường mà từ đó nó được gọi ra.
  • Chủ nghĩa Tự nhiên hàn lâm, chủ nghĩa Tự nhiên của những người chủ nghĩa Ấn tượng, chủ nghĩa Cézanne, Lập thể, v.v., tất cả những thứ đó, theo một cách nào đó, không là gì hơn những phương pháp biện chứng mà, như thế, không xác định chân giá trị của một tác phẩm nghệ thuật theo bất cứ nghĩa nào.
  • Cảm xúc là thành tố mang tính xác quyết… và do vậy nghệ thuật đi tới những tái hiện phi vật thể thông qua chủ nghĩa Tối thượng.
  • Không còn những ‘giống như là hiện thực’, những hình ảnh lý tưởng, không gì cả ngoài một hoang mạc!

Tóm lược về Kazimir Malevich

Kazimir Severinovich Malevich sinh ngày 23/02/1879 tại Kiev, Nga và mất 15/05/1935 ở Leningrad. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1890 cho tới khi mất.

Kazimir Malevich là người sáng lập ra trường phái nghệ thuật và triết học chủ nghĩa Tối thượng (Siêu việt). Những ý tưởng của ông về hình thức và ý nghĩa trong nghệ thuật cuối cùng sẽ hình thành nền tảng lý thuyệt của nghệ thuật phi-vật thể, hay trừu tượng. Malevich làm việc với những phong cách đa dạng, nhưng những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất của ông tập trung vào sự khám phá các hình thức hình học thuần khiết (vuông, tam giác, tròn) và các mối quan hệ giữa chúng cũng như trong không gian hình ảnh. Nhờ vào những mối quan hệ của mình ở phương Tây, Malevich đã có thể truyền đi những ý tưởng hội họa tới những người đồng nghiệp nghệ sĩ ở châu Âu và Mỹ, do vậy gây ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển chung của nghệ thuật hiện đại.

Các thành tựu

  • Malevich làm việc theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng ông được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp tới việc hình thành tiền tiến Nga đích thực tiền Thế chiến I thông qua triết lý độc đáo về nhận thực và hội họa của riêng mình. Ông gọi đó là chủ nghĩa Tối thượng hay Siêu việt (Suprematism). Malevich đã phát minh ra thuật ngữ này vì, cuối cùng, ông tin rằng nghệ thuật phải vượt lên trên chủ thể – chân lý của hình dạng và màu sắc nên ngự trị ở nơi ‘tối thượng’ phía trên hình ảnh hoặc lời kể chuyện.
  • Các bố cục Tối thượng của Malevich cấp tiến hơn cả những tác phẩm Lập thể và Vị lai, đồng thời tuyên bố rằng những bức tranh nên được cấu tạo nên từ những mảng sơn phẳng, trừu tượng, cũng như thể hiện những biểu tượng mạnh mẽ đa tầng và cảm giác thần bí về thời gian và không gian.
  • Malevich cũng là một cây viết năng suất. Các luận thuyết của ông về triết học nghệ thuật đề cập đến một khổ rộng các vấn đề lý thuyết nhận thức một nghệ thuật trừu tượng toàn diện và khả năng của nó dẫn dắt chúng ta tới những cảm giác của chính mình thậm chí là một tâm linh tính mới.

Tiểu sử Kazimir Malevich

Tuổi thơ và đào tạo ban đầu

Malevich sinh ra ở Ukraine với cha mẹ gốc Ba Lan, những người đã đi khắp Vương quốc Nga để tìm kiếm công việc. Bố của ông đã nhận công việc trong một nhà máy sản xuất đường và trong ngành xây dựng đường sắt, nơi Kazimir trẻ tuổi cũng đã làm việc trong những năm đầu niên thiếu. Dù không có bất kỳ sự khuyến khích đặc biệt nào từ gia đình, Malevich vẫn bắt đầu vẽ vào khoảng năm 12 tuổi.

Chân dung của người cha (Portrait of the Father) (khoảng 1902-03). Bảo tàng Stedelijk, Amsterdam, Hà Lan. Sơn dầu trên toan.

Vào năm 1904, Malevich chuyển nhà tới Moscow để học Trường Nghệ thuật Stroganov. Ông cũng học các lớp riêng với Ivan Rerberg, một giảng viên nghệ thuật lỗi lạc. Malevich tiếp tục được đào tạo tại Trường Hội hoạ, Điêu khắc, và Kiến trúc Moscow, nơi những người nghệ sĩ như Leonid Pasternak và Konstantin Korovin dạy ông các kỹ thuật của hội hoạ Ấn tượng và Hậu Ấn tượng. Những tác phẩm ban đầu của Malevich hầu hết được thực hiện theo kiểu cách của trường phái Hậu Ấn tượng. Tuy nhiên, có thể thấy được ảnh hưởng đáng kể của chủ nghĩa Biểu tượng và Art Nouveau tới những phát triển ban đầu của người nghệ sĩ.

Cô gái cầm hoa (Flowergirl) (1903). Bảo tàng Nga, St Petersburg, Nga. Sơn dầu trên toan

Thời kỳ trưởng thành

Một sự chuyển dịch mang tính quyết định về phía những thẩm mỹ tiền tiến hơn xuất hiện trong tác phẩm của Malevich khoảng năm 1907, khi ông quen biết với các nghệ sĩ như Wassily Kandinsky, David Burliuk, và Mikhail Larionov. Vào năm 1910, Larionov mời Malevich tham gia nhóm triển lãm tên J Cơ (Jack of Diamonds). Malevich cũng là thành viên của các nhóm nghệ sĩ Đuôi lừa (Donkey’s Tail) và Đích nhắm (Target), tập trung sự chú ý của mình vào triết lý nghệ thuật của các chủ nghĩa Nguyên thuỷ, Lập thể, và Vị lai. Sau khi xảy ra xung đột với Larionov, Malevich đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hiệp hội các nghệ sĩ Vị lai được gọi là Liên đoàn Thanh niên (Soyuz Molodezhi) có trụ sở tại St. Petersburg.

Chân dung tự hoạ của Malevich vẽ vào năm 1908 hoặc 1910-11

Hầu hết các tác phẩm của Malevich vào thời kỳ này tập trung vào những cảnh sinh hoạt của nông dân tỉnh lẻ. Từ năm 1912 đến 1913, Malevich chủ yếu làm việc theo phong cách Vị lai Lập thể (Cubo-Futurist), kết hợp các yếu tố căn bản của Lập thể phân tích và Vị lai ý, cho kết quả là những giải kiến tạo hình học động của các hình tượng trong không gian. Vào năm 1913, Malevich tham gia vào một trong những hợp tác nghệ thuật quan trọng nhất của thời hiện đại, tạo ra các thiết kế cho vở opera Chiến thắng vầng Thái dương (Victory over the Sun). Vào năm 1915, Malevich đặt nền móng cho chủ nghĩa Tối thượng khi xuất bản tuyên ngôn của mình là Từ Lập thể đến Tối thượng (From Cubism to Suprematism), từ bỏ hoàn toàn các yếu tố tượng hình trong hội họa của mình và quay về hướng trừu tượng thuần tuý.

Tác phẩm Hình vuông đen (Black Square) (1915) danh tiếng vốn là một phần trong thiết kế sân khấu của Chiến thắng vầng Thái dương

Cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 đã mở ra một chương mới cho người nghệ sĩ. Vào năm 1918, ông tham gia vào Uỷ ban Nhân dân về sự Khai sáng với tư cách là nhân viên của Cục Mỹ thuật trực thuộc uỷ ban, được gọi là IZO. Cơ quan mới này quản lý các bảo tàng và giám sát giáo dục nghệ thuật ở Cộng hoà Xô Viết mới. Malevich cũng giảng dạy tại Các xưởng nghệ thuật tự do (SVOMAS) ở Moscow, hướng dẫn sinh viên của mình từ bỏ những mỹ học tư sản của sự tái hiện diện và thay vào đó dấn thân vào thế giới của trừu tượng triệt để. Cùng năm, Malevich đã thiết kế ra những phần trang trí cho vở Misteriya-Buffa, đánh dấu lần liên hoan kỷ niệm đầu tiên của Cách mạng Cộng sản.

Vào năm 1919, Malevich hoàn thiện bản thảo cho cuốn sách mới O Novykh Sistemakh v Iskusstve (On New Systems in Art Về những hệ thống mới trong nghệ thuật), trong đó ông cố gắng áp dụng các nguyên tắc lý thuyết của chủ nghĩa Tối thượng cho một trật tự nhà nước mới, khuyến khích việc triển khai nghệ thuật tiên phong phục vụ cho nhà nước và nhân dân của nó. Tuy nhiên, cuối năm ấy, Malevich rời thủ đô đến thị trấn Vitebsk, nơi ông được mời giảng dạy tại trường nghệ thuật địa phương với hiệu trưởng là Marc Chagall. El Lissitzky cũng nằm trong bộ máy giảng viên và vận hành đơn vị in ấn.

Khi Marc Chagall rời Vitebsk đến Paris (hoặc bị đẩy đi một cách mạnh mẽ bởi Malevich lôi cuốn giờ đã có một lượng người theo sau đáng kể), Malevich giữ vị trí người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng của trường phái Vitebsk. Tại đó, ông tổ chức các học trò thành một nhóm hoạt động dưới cái tên UNOVIS, một từ viết tắt, mà có thể dịch thành Những người yêu thích Nghệ thuật mới. Khá đặc biệt, nhóm là một tập thể không có bất cứ cá nhân nào ký tên tác phẩm với tên của riêng mình, thay vào đó là tên chung của cả nhóm.

Kazimir Malevich và Lissitzky đều có hình vuông đen ở tay áo, thể hiện sự đoàn kết với nhóm UNOVIS (đầu những năm 1920), nhóm nghệ sĩ thực hành phương pháp của chủ nghĩa Siêu việt. 

Nhóm UNOVIS không còn tập trung vào việc vẽ tranh đúng nghĩa, đặc biệt là sau khi chuyển đến Petrograd vào năm 1922, thiết kế các áp phích tuyên truyền, mẫu vải dệt, đồ sành sứ, biển chỉ dẫn và các trang trí trên đường phố, gợi nhớ tới các hoạt động của trường Bauhaus ở cộng hoà Weimar Đức.

Malevich tiếp tục phát triển những ý tưởng Tối thượng của mình trong một sê-ri những mô hình kiến trúc của một thành phố lý tưởng không tưởng tên Architectona. Những ma-két này được cấu trúc bởi những hình dạng hình chữ nhật và hình lập phương được sắp xếp để nâng cao các chất lượng hình thức và tiềm năng thẩm mỹ. Malevich đã được cho phép mang những mô hình này tới triển lãm ở Ba Lan và Đức, nơi chúng khởi phát mạnh những quan tâm mang tính phê bình của giới nghệ sĩ và trí thức địa phương.

Một trong các mô hình Architectona của Malevich

Malevich để lại một số mô hình Architectona cũng như các bài viết lý luận, tranh, và phác thảo ở Đức sau khi phải vội vã rời đi để trở về Nga. Tuy nhiên, tại nước Nga Xô Viết vào lúc này, một mô hình văn hoá khác được khởi động. Sự nảy nở rực rỡ của nghệ thuật trong những năm 1920 giờ bị hạn chế bởi sự ra đời của nghệ thuật Hiện thực Xã hội chủ nghĩa được nhà nước bảo trợ, mà cuối cùng đã đàn áp tất cả các phong cách nghệ thuật khác.

Những năm cuối đời và cái chết

Malevich và sản phẩm của ông đã phải chịu số phận chìm vào màn mờ mịt trong những hoàn cảnh văn hoá xã hội bảo thủ hiếu chiến ở Nga vào thời kỳ này. Năm 1930, ông bị bắt và bị thẩm vấn về tư tưởng chính trị khi trở về từ một chuyến đi tới châu Âu. Để đề phòng, những người bạn của nghệ sĩ đã phải đốt bỏ một số tác phẩm của ông. Năm 1932, một cuộc triển lãm lớn do nhà nước chứng nhận nhân kỷ niệm 15 năm Cách mạng Bolshevik được tổ chức ở Moscow và Leningrad (trước đó là Petrograd, và trước đó nữa là Saint Petersburg). Malevich được đưa vào danh sách nghệ sĩ triển lãm, chỉ là bây giờ các bức tranh của ông được trưng bày kèm theo những khẩu hiệu phỏ báng, được dán nhãn là “suy đồi” và chống phá Liên Xô. 

Bị cấm khỏi các trường học và mọi địa điểm triển lãm của nhà nước, nghệ sĩ quay lại với các mô-típ cũ về cảnh nông thôn và thể loại tranh sinh hoạt, đồng thời thực hiện một số bức chân dung của bạn bè và người thân. 

Chân dung của người vợ nghệ sĩ vẽ năm 1933

Ông qua đời vì bệnh ung thư ở Leningrad vào năm 1935 và được chôn cất trong chiếc quan tài do chính ông thiết kế, với hình ảnh của Hình vuông đen đặt phù hợp trên nắp của nó. Các tác phẩm của ông được ký gửi trong các tầng hầm của các viện bảo tàng Liên Xô và chỉ tới thời Gorbachev, năm 1988, mới được đưa ra và giới thiệu với công chúng. Trước thời kỳ Glasnost (tạm dịch: Công khai hoá), chỉ có một vài tác phẩm của Malevich có thể xem được ở Mỹ – là kết quả của các nỗ lực phi thường của Alfred Barr của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York. Ông đã lén mang 17 bức tranh của Malevich – một số trong số đó được cuộn trong chiếc ô của ông – thoát ra khỏi nước Đức thời Đức Quốc xã vào năm 1935.

Dịch: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa siêu việt Hương Mi Lê Kazimir Malevich Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…