Tuyên truyền trong Thế chiến I (Phần 3)

Trong phần cuối cùng về tuyên truyền trong Thế chiến thứ nhất, chúng ta cùng tìm hiểu về phụ nữ trong tuyên truyền – ở vai trò hình tượng cũng như đối tượng của thông điệp. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu trải nghiệm của trẻ em trong thời chiến.

Phụ nữ trong tuyên truyền Thế chiến I

Hỡi các cô, hãy tỉnh táo! Những người đàn ông của các cô là để các cô xoay vần,

Hãy giúp họ coi chừng sự tự tin mà chính họ cảm thấy.

Hãy giúp họ rũ bỏ sự lười nhác và thờ ơ;

Kẻ thù dũng mãnh và xứng đáng với lưỡi thép của chúng ta.

Lời kêu gọi này của Liên đoàn Hàng hải Hoàng gia đối với phụ nữ Anh làm nổi bật tấm áp phích nổi tiếng nhằm thuyết phục các tân binh tiềm năng nhập ngũ: trong khi những người mẹ, người vợ, và con gái cảm nhận sâu sắc sự mất mát, họ vẫn chấp nhận việc những người đàn ông ra đi tới những vùng chiến trường ở Flanders để bảo vệ cho phẩm giá và cuộc sống của mình. 

“Phụ nữ Anh Quốc nói – “ĐI!” – một tấm áp phích tuyên truyền kêu gọi phụ nữ Anh đảm bảo rằng những người đàn ông của họ nhập ngũ

Các nhà tuyên truyền đã gây áp lực tới những tình nguyện viên tương lai bằng nỗ lực thuyết phục họ tin rằng phụ nữ và trẻ nhỏ đang bị đe doạ và cần được bảo vệ, đặc biệt là với các báo cáo từ các vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng về những vụ hãm hiếp, tra tấn, và giết chóc. Tương tự, bản thân phụ nữ cũng là đối tượng được kêu gọi và huy động tham gia hỗ trợ chăm sóc quân lính ở ngoài mặt trận chiến đấu, đảm nhận các vai trò trong mặt trận tổ quốc bị bỏ trống do binh lính đã ra tiền tuyến, và làm việc trong các nhà máy sản xuất đạn dược.

Huy động và nhiệm vụ

Những yêu cầu của thời chiến làm thay đổi những vai trò tiêu chuẩn của phụ nữ. Trong tuyên truyền, họ thường được miêu tả là người bảo vệ mái ấm, bà nội trợ hiền lành, dễ bị tổn thương, vừa là đối tượng được đàn ông yêu mến, vừa là nạn nhân của những hành động man rợ từ kẻ thù – nhưng cũng là những người tham gia tích cực và kiên cường vào nỗ lực chiến tranh.

Một khi vẫn còn chiến tranh, hỡi chàng trai yêu quý, tôi chỉ có thể là một người chị em gái của anh!

Phụ nữ đóng vai trò nhắc nhở về sự cần thiết của cuộc chiến và những gì chờ đợi người lính khi họ trở về từ cuộc chiến. Mái ấm được lý tưởng hoá tượng trưng cho ổn định, an toàn, và hoà bình, mô tả về một cuộc sống dưới sự chiếm đóng của Đức nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ mái ấm ấy. Các nhà tuyên truyền lập luận rằng những người từ chối làm việc đó sẽ phải đối mặt với sự buộc tội và đổ lỗi (như áp phích BỐ đã làm gì trong cuộc đại chiến?) và sẽ bị những người thân yêu hắt hủi. Tuyên truyền kêu gọi phụ nữ “chờ đợi, thương khóc, và tỏ ra xứng đáng” (“wait, weep, and be worthy“). Các chiến dịch khuyến khích họ chăm sóc quân nhân bị thương, tạm thời đảm nhận các công việc phi truyền thống và sản xuất vũ khí cho mặt trận. Nhiều ấn phẩm đề cao ‘những người phụ nữ dễ thích nghi của chúng ta’ – giờ là nông dân, trưởng ga, thợ đốt lò, thợ bôi trơn đường sắt, thợ nề, thợ mộc, người bán thịt, người nấu bia và người quét ống khói.

Những người ủng hộ bầu cử cho nữ giới đã tận dụng việc huy động phụ nữ để lập luận rằng những người phụ nữ tích cực tham gia trong cuộc chiến xứng đáng với tư cách công dân hơn đàn ông theo chủ nghĩa hoà bình và phản chiến. Nhưng, hình ảnh của những người phụ nữ như vậy không rõ ràng. Các nữ y tá, mạo hiểm mạng sống của mình để chăm sóc những người lính ở tiền tuyến, vẫn được mô tả theo các thuật ngữ giới tính (như “người chăm sóc”, “chị gái” hay “em gái”, hoặc “thiên thần”), trong khi công nhân vũ khí đồng thời được miêu tả là có khả năng lao động nặng nhọc và đi ngược với bản năng làm mẹ. Làm thế nào để giải quyết nghịch lý rằng chính những người phụ nữ chế tạo đạn và vỏ đạn, chịu trách nhiệm về cái chết của rất nhiều người, cũng sẽ là mẹ của thế hệ tiếp theo?

Biểu tượng của các quốc gia

Phụ nữ đóng vai trò là hiện thân của các quốc gia: Mère-Patrie (Đất mẹ), Marianne (Pháp), “linh hồn của nước Úc”, Mẹ Nga, Tự Do (Liberty – Mỹ), và Britannia (Anh)…  đều mang hình dạng nữ giới, vừa có vẻ đoan trang lại vừa hiếu chiến. Những biểu tượng này được vận dụng rất nhiều trong các thời điểm khủng hoảng quốc gia, là hình ảnh thu nhỏ của thái độ đạo đức, đức hạnh và sự vô tội, công lý của chính nghĩa, và quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Chúng gợi ra sự màu mỡ và dồi dào của tài nguyên thiên nhiên cũng như nền tảng lịch sử của một đất nước. Ví dụ, tuyên truyền của Pháp tạo ra những sự tương đồng với các nguyên tắc của Cách mạng Pháp và với levée en masse (TD: quần chúng nổi dậy – chỉ sự huy động quần chúng trong các cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp). Trong khi đó, cộng đồng người Alsace nhớ lại thất bại năm 1871 (Pháp mất vùng Alsace và Lorraine vào tay Đế quốc Phổ) khi tưởng niệm những người đã khuất. 

Hiện thân của nước Anh. “Đất mẹ của anh sẽ không bao giờ quên!
Hiện thân của Canada
Montenegro

Phụ nữ cũng là biểu tượng ngụ ngôn trong các tuyên truyền về sự tàn bạo của các quốc gia. Những cuộc tấn công biên giới lãnh thổ và những gì mà người dân ở vùng bị chiếm đóng phải gánh chịu được thể hiện bằng hình ảnh và các thuật ngữ mang tính giới tính (VD, vụ “Hãm hiếp nước Bỉ”). Ngôn ngữ như vậy đặc biệt truyền tải được rất nhiều khi bổ sung cho những tường thuật phổ biến của cuộc chiến: chủ nghĩa quân phiệt Phổ với hiệu quả lạnh lùng, “nam tính”, đã vượt lên và khuất phục các quốc gia được “nữ tính hoá” (Pháp và Bỉ). Tường thuật này được thể hiện trong nhiều tái hiện hình ảnh về quân lính Đức đang đe doạ và làm ô nhục, theo nghĩa đen hoặc ám chỉ, các biểu tượng quốc gia dưới hình hài phụ nữ trong khi, ngược lại, những người đàn ông của các quốc gia bị xâm lược ấy thì suy nhược và không bảo vệ được những người phụ nữ của mình.

Bàn tay nam giới lông lá có quốc huy của Đế quốc Đức bóp chặt lấy cô gái yếu ớt là hoá thân của nước Bỉ. “The Rape” có nghĩa là hãm hiếp và cũng có nghĩa là bắt cóc (thường để xâm hại tình dục). Mô típ những người đàn ông lực lưỡng ôm chặt lấy thân thể yếu mềm của phụ nữ thường được sử dụng để miêu tả việc này trong nghệ thuật phương Tây.

Nạn nhân của bạo lực

Sự báng bổ của kẻ xâm lược được gợi lên thông qua tuyên truyền tàn bạo thu hút sự chú ý đến các hành vi man rợ của cá nhân đối với phụ nữ, dù là người trẻ (có xu hướng trở thành nạn nhân của hành vi tấn công tình dục hoặc giết người tàn bạo) hay người già (đối tượng đánh đập hoặc tra tấn tâm lý). Tuyên truyền này chắc chắn đã được tiếp nhận rộng rãi cả do sự phẫn nộ của công chúng và những chi tiết khủng khiếp có trong lời khai của các nhân chứng, nhằm biểu thị bản chất thú tính của kẻ thù. 

Con quái thú nửa thân đàn ông nửa thân bạch tuộc đội nón lính điển hình của Đế quốc Đức với dòng chữ “Gott mit uns” đang vươn xúc tu bóp nghiền các cô gái tội nghiệp đại diện cho Bắc Pháp, Bỉ, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Serbia, và Ba Lan.
Bìa cuốn Histoire d’une Fidélité (Lịch sử của một sự trung thành) về vùng Alsace. Người phụ nữ mặc trang phục điển hình của phụ nữ vùng Alsace: đầu đội một loại nơ màu đen cực lớn. Alsace đã được Đức trả lại Pháp sau Thế chiến I

Những tuyên truyền như vậy cũng giảm thiểu những tình thế tiến thoái lưỡng nan. Như nhà sử học Ruth Harris đã chứng minh, người ta đặc biệt chú ý đến những phụ nữ mang thai sau khi bị hãm hiếp: liệu “đứa con của kẻ man rợ” có thể được nuôi dạy như một người Pháp hay không, và nếu không, liệu Nhà nước và Giáo hội có cho phép phá thai không? Để loại bỏ thai nhi của kẻ thù không chỉ khỏi người phụ nữ bị xâm hại mà còn khỏi toàn bộ chính thể? “Kẻ thù là kẻ thù, và tại bất cứ nơi nào hắn đưa mình vào và đào sâu, chúng ta phải đánh bật và giết chết hắn, chiến tranh là như thế.” (John Horne và Alan Kramer ghi lại trong German Atrocities, 1914: A History of Denial [TD: Những tội ác của Đức, 1914: Một lịch sử của sự chối bỏ).

“Người phụ nữ mới”

Những nhà bình luận đương thời nhận ra rằng chiến tranh có những quan niệm truyền thống phức tạp về giới tính cả trong khu vực công cộng và riêng tư. Biên tập viên của Women of the Empire đưa ra quan điểm rằng sự đóng góp của phụ nữ vào nỗ lực chiến tranh sẽ “có nghĩa là một thế giới hoàn toàn mới sẽ thống trị khi hoà bình được lặp lại. Một sự tái sinh hoàn toàn, không chỉ của cánh phụ nữ mà cả đàn ông, và bạn có thể hoàn toàn an tâm rằng người phụ nữ mới sẽ không hài lòng với người đàn ông cũ.” Những tuyên bố như vậy khiến cuộc chiến trở thành một thời khắc mang tính “bước ngoặt” trong lịch sử giải phóng phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế lại luôn khác và phức tạp hơn bất cứ hình dung nào, và những căng thẳng mới sớm xuất hiện.

Hình ảnh “người phụ nữ mới” là một trong các mối quan tâm của những người nghệ sĩ phong trào Khách quan mới

Việc mở rộng quyền bầu cử và tiếng nói ngày càng lớn của các nhà vận động cho quyền của phụ nữ đã nhấn mạnh một nhận thức rằng “phụ nữ (đã) thịnh vượng khi đàn ông đau khổ”, một ví dụ khác về cách chiến tranh tạo ra sự phân đôi giới tính. Như nhà sử học Gail Braybon đã viết, công tác tuyên truyền có xu hướng củng cố sự chia rẽ như vậy: “…khi việc huy động bị phân cực theo giới tính, đàn ông ra đi, phụ nữ ở lại, như chiến thắng và thất bại. Trong chiến thắng, những người đàn ông hành quân về nhà và những người phụ nữ nghênh đón. Thất bại, đàn ông bị giết và phụ nữ bị hãm hiếp”. Thực tế, như Braybon gợi ý, phức tạp hơn: tương đối ít phụ nữ trải nghiệm hoặc chấp nhận khái niệm giải phóng giới tính, xã hội và chính trị được hứa hẹn trong những năm giữa hai cuộc chiến, được ví dụ điển hình bởi hình ảnh ‘người phụ nữ mới’ của Cộng hòa Weimar. Nhưng, về cơ bản, địa vị của phụ nữ đã thay đổi và sẽ trải qua những biến động hơn nữa trong Thế chiến II.

Trải nghiệm của trẻ em và tuyên truyền

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất theo những cách chưa từng có trước đấy. Lần đầu tiên, chiến tranh tác động đến toàn bộ người dân của mỗi quốc gia, vì chiến tranh cơ giới hóa đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế phải thay đổi để hỗ trợ sản xuất vũ khí và nuôi các đội quân khổng lồ. Những tiến bộ công nghệ đã mang lại mối đe dọa ném bom từ trên không xuống các thành phố nằm xa ngoài khu vực xung đột, trong khi các cuộc phong tỏa hàng hải đồng nghĩa với việc hàng triệu người trên khắp châu Âu phải trải qua nạn đói và những tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng khác.

Một cuốn sách của Ý dành cho trẻ em, được sử dụng tại trường học. Bao gồm các câu chuyện yêu nước dành cho thanh thiếu niên. Khoảng 12 triệu trẻ em Ý dưới 14 tuổi là đối tượng cho tuyên truyền có hệ thống thông qua sách giáo khoa và sách đọc. Những ấn phẩm ấy đề cao chiến tranh, lòng yêu nước, và đức hy sinh.

Trải nghiệm tuổi thơ trong thời chiến phản ánh những thay đổi về cơ bản này. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt do phong tỏa và nhu cầu chuyển hướng các nguồn lực cho chiến tranh. Chúng có thể trải qua việc mất cha mẹ và những người lớn khác trong gia đình – khi cha và chú tham gia lực lượng vũ trang còn mẹ và dì bắt đầu làm việc trong các nhà máy. Đồng thời, trải nghiệm của trẻ em trên khắp châu Âu nói chung đã thay đổi nhanh chóng từ giữa thế kỷ 19, do những cải cách trong giáo dục và tiến bộ trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhiều trẻ em hơn bao giờ hết được học hành theo cách này hay cách khác cho tới tuổi niên thiếu.

Những sản phẩm trong trường học của trẻ em vào thời chiến

Trong suy nghĩ của nhiều người châu Âu thời bấy giờ, giáo dục có nghĩa là học hành vi đạo đức đúng đắn – quan trọng như học đọc và viết. Ngay trước năm 1914, trường học đã trở thành một ảnh hưởng quan trọng đối với các giá trị của trẻ em, đôi khi còn hơn cả cha mẹ. Khắp châu Âu, các trường học đề cao các giá trị yêu nước. Sự phát triển này thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột – các trường học và giáo viên chịu áp lực dành toàn bộ việc giảng dạy để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh.

Các bài học điển hình yêu cầu các em viết và vẽ về chiến tranh. Hai ví dụ sau đây được thực hiện bởi trẻ em từ trường trung cấp nghề Franz Josef ở Styria, Áo – phản ánh cách trẻ em được dạy về chiến tranh.

Bức tranh của cậu bé Leirer Hubert cho thấy sự phá huỷ của một ngôi làng: ở hậu cảnh là những ngôi nhà đang cháy bốc khói đen kịt, ở tiền cảnh là một con suối chảy qua những cánh đồng đã vào mùa thu hoạch, và một khẩu pháo – có lẽ là thứ gây ra vụ cháy.

Bức vẽ này của một cậu bé 13 tuổi có tựa đề là “Durch Feindeshand!” (“Do bởi bàn tay của kẻ thù!”). Nó phản ánh nỗi sợ hãi về huỷ hoại cả tài sản lẫn mạng sống của dân thường, nhưng cũng quy trách nhiệm rõ ràng cho “kẻ thù”. Trong hình ảnh này, “kẻ thù” hoàn toàn mất hình người mà được khắc hoạ/thay thế bằng một khẩu súng lớn. Như vậy, một hình ảnh tuyên truyền về sự tàn bạo đã được tạo ra “tự nhiên” qua bàn tay của một đứa trẻ.

Hình ảnh đi kèm câu chuyện “Tôi tạo ra một cuộc tấn công đêm vào London với tàu Zeppelin của mình như thế nào” của cậu bé Biberl, lấy góc nhìn của một thành viên đạo quân đóng tại Antwerp kể về một cuộc ném bom thành công

Bức hình này, của một học sinh cùng trường, đi kèm với một bài luận mô tả một cuộc tấn công hư cấu của tàu bay Zeppelin Đức vào London. Cả bài luận và bức tranh đều thể hiện sự say mê với công nghệ chiến tranh mới, vốn là một chủ đề phổ biến đối với trẻ em. Gần như không quan tâm tới số phận của những người bị đánh bom, bài luận mô tả phi hành đoàn Zeppelin được chào đón như anh hùng khi trở về căn cứ ở Antwerp. Trái ngược với bài tiểu luận hư cấu này, có rất nhiều lời tường thuật về các cuộc tấn công bằng khí cầu có thật vào London, do trẻ em địa phương viết. Lời kể của các nam sinh Trường tiểu học Princeton Street, từ 5 đến 14 tuổi, thường thể hiện sự phấn khích cũng như sợ hãi khi nhìn thấy Zeppelin.

Sự hài hước và độc ác của trẻ em trong tuyên truyền

Tuyên truyền khuyến khích sự tàn ác đối với kẻ thù nhắm cả vào người lớn và trẻ em. Việc sử dụng sự tàn ác trong sự hài hước thiếu nhi đã phổ biến trước chiến tranh, chẳng hạn như trong cuốn sách nổi tiếng Struwelpeter. Những câu chuyện nhại về đạo đức dành cho trẻ nhỏ này bao gồm các đoạn văn vần và hình ảnh rùng rợn kể về số phận khủng khiếp của những đứa trẻ hư. Được xuất bản lần đầu vào giữa thế kỷ 19, nó vẫn phổ biến khắp châu Âu và được chuyển thể cho mục đích tuyên truyền trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Der Kriegs-Struwwelpeter” – “Struwwelpeter chiến tranh” của Karl Ewald Olszewski

Trong phiên bản này của cuốn sách, những kẻ thù của nước Đức được miêu tả là những đứa trẻ lầm lạc. Chúng chịu trách nhiệm gây ra chiến tranh và cần tới ‘Germania’ – hiện thân của nước Đức – can thiệp để lập lại trật tự.

Việc sử dụng hành vi tàn ác đặc biệt gia tăng trong các ấn phẩm thương mại, ví dụ như cuốn sách dành cho trẻ em Đức tên Hurra! A picture book of war (Hoan hô! Một cuốn sách tranh về chiến tranh). Cuốn sách kể về câu chuyện của hai cậu bé, Willi người Đức và Franzl người Áo, tìm hiểu về các quốc gia khác nhau đang chiến đấu và tham gia vào các cuộc tấn công kẻ thù. Các quốc gia được chia thành “người tốt” hoặc “kẻ xấu” tùy thuộc vào việc họ thuộc phe nào.

Bìa và một trang trong cuốn Hurra!

Cuốn Hurra! cũng là điển hình cho việc miêu tả trẻ em trong các bộ đồng phục. Việc sử dụng quân phục cho bé trai và đồng phục y tá cho bé gái đã góp phần tạo nên kỳ vọng rằng trẻ em lớn lên sẽ bảo vệ đất nước của mình. Ngay lập tức, nó làm tăng áp lực buộc trẻ em phải trở thành những người yêu nước và ủng hộ tích cực cho cuộc chiến.

“Quý cô à! Hãy nhanh lên cho!” – Một bưu thiếp cho thấy cảnh hai đứa trẻ đang chơi trò đóng giá một người lính và một y tá Chữ thập Đỏ.

Tuyên truyền và vai trò của trẻ em 

Trẻ em được cho là sẽ đóng góp cho cuộc chiến theo một số cách, bao gồm trồng rau trong vườn nhà và thu thập phế liệu để tái sử dụng. Chúng cũng giúp làm các thiết bị cần thiết như bao cát, và trẻ em gái được khuyến khích đan quần áo cho binh lính. Đặc biệt, các chiến dịch tiết kiệm thời chiến đã nỗ lực tuyển dụng trẻ em. Chúng được yêu cầu đóng góp tiền của mình và khuyến khích người lớn xung quanh cũng làm như vậy. Các trường đã giúp điều phối các hoạt động gây quỹ như các buổi hòa nhạc.

Khi trẻ lớn hơn, vai trò của chúng trở nên quân sự hơn. Phong trào Hướng đạo là một yếu tố quan trọng, nhấn mạnh sự chuẩn bị cho quân đội và hỗ trợ thiết thực cho cảnh sát và lực lượng vũ trang. Những đứa trẻ lớn hơn thực hiện các công việc như chuyển thư giữa các doanh trại quân đội hoặc các cơ quan chính phủ, và làm việc trong bếp nấu ăn cho binh lính. Việc tuyên truyền nhằm vào những năm trẻ em còn nhỏ tuổi hơn giúp chúng sẵn sàng với những vai trò tích cực hơn.

Bức ảnh chụp những đứa trẻ đóng giả làm quân lính bằng cách cầm “kiếm” và “khiên” tự chế và đứng thành hàng như đang diễn tập quân sự

Tuyên truyền còn có một ảnh hưởng nữa đến các hoạt động của trẻ em trong Thế chiến thứ nhất – tìm kiếm gián điệp và những kẻ phá hoại. Những câu chuyện dành cho trẻ em đã phóng đại mối đe dọa của các đặc vụ kẻ thù, nhưng cũng tập trung vào trách nhiệm cảnh giác với ‘những kẻ lười biếng’. Trẻ em và người lớn không đủ thể hiện lòng yêu nước của mình là mục tiêu cho áp lực xã hội và bị buộc tội phản bội. Phụ huynh không thể trả lời câu hỏi “bố/mẹ đã làm gì trong chiến tranh?” gặp nhiều nguy hiểm hơn chỉ là bị xấu hổ.

Hương Mi Lê tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn, trong đó bao gồm British Library và International Encyclopedia of the First World War.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tuyên truyền trong Thế chiến I

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…