Tuyên truyền trong Thế chiến I (Phần 1)

Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tuyên truyền đã được sử dụng ở một quy mô toàn cầu. Không như những cuộc chiến trước đó, đây là lần đầu tiên một cuộc chiến toàn lực xảy ra với sự tham chiến của toàn bộ mỗi đất nước chứ không chỉ những đội quân chuyên nghiệp. Điều này và những cuộc chiến hiện đại diễn ra sau đó đòi hỏi công tác cổ động và tuyên truyền thuyết phục dân chúng về nguyên nhân và tính đúng đắn trong việc tham chiến; huy động sự căm ghét đối với kẻ thù; kêu gọi những hỗ trợ và hợp tác chủ động của những quốc gia trung lập; và gia tăng sự hỗ trợ của đồng minh. Cùng với nhu cầu quảng cáo, nhu cầu tuyên truyền và cổ động đã làm gia tăng nhu cầu về thiết kế đồ hoạ truyền thông hơn bao giờ hết.

Loạt bài này sẽ tìm hiểu về tuyên truyền trong thế chiến I (1914-1918) và thế chiến II (1939-1945).

Tuyên truyền về lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc

Thế chiến thứ nhất là cuộc chiến đầu tiên đẩy phương tiện truyền thông đại chúng lên một vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phổ biến tin tức từ Mặt trận chiến đấu đến Mặt trận hậu cần tại quê hương. Đây là cuộc chiến đầu tiên nhằm vào tuyên truyền chính phủ được sản xuất một cách có hệ thống tới công chúng. Do đó, tất cả những kẻ hiếu chiến buộc phải nhận ra rằng mình cần phải biện minh cho tính đúng đắn của cuộc chiến và, với mục đích này, các chủ đề như lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc đóng một vai trò quan trọng.

Một áp phích tuyển quân của Uỷ ban Tuyển quân Quốc hội Anh Quốc. Những người đàn ông đến từ các tầng lớp khác nhau, làm các nghề khác nhau, rồi đều trở thành những người lính mặc quân phục trong quân đội của quốc gia.

“Quốc gia của bạn cần BẠN”

Những đội quân của địa lục châu Âu được hình thành bởi lính nghĩa vụ, những người gần như không có lựa chọn trước việc tham chiến. Ngược lại với việc đó, vào năm 1914, quân đội Anh Quốc bao gồm các chuyên gia và những người hoàn toàn tình nguyện nhập ngũ. Người Anh đã đặt sự tin tưởng rất lớn vào công tác tuyên truyền để biện minh cho cuộc chiến này trước người dân, giúp thúc đẩy tuyển quân vào lực lượng vũ trang và thuyết phục dân chúng rằng sự hy sinh của họ sẽ được đền đáp.

Một trong những hình ảnh xuất hiện nhiều nhất và lâu nhất của cuộc chiến – đã bị sao chép và nhái lại rất nhiều – là tấm áp phích tuyển quân đặc biệt với khuôn mặt ria mép rậm rạp của Lord Kitchener và ngón tay đầy đe doạ chỉ thằng vào người dân Anh với lời khẩn cầu “Đất nước của bạn cần BẠN”. 

Vào ngày 05/08/1914, ngay sau khi Anh Quốc tuyên chiến với Đức, nguyên soái Lord Kitchner (1850-1916) – vốn đã là một anh hùng chiến tranh – trở thành Bộ trưởng bộ chiến tranh. Ông nhìn trước được một chiến dịch dài hơi và tốn kém, cần đến một đạo quân lớn hơn nhiều so với Lực lượng Viễn chinh Anh hiện tại, và do vậy đã kêu gọi vô số tình nguyện viên. Gần một nửa triệu người đã đăng ký nhập ngũ trong khoảng 04/08 đến 12/09, bao gồm 33.204 người chỉ trong ngày 03/09. Một yếu tố quan trọng trong việc kích thích nhập ngũ là các tiểu đoàn “bạn bè chiến hữu” được nuôi dưỡng tại địa phương, hứa hẹn với những người đàn ông nhập ngũ từ cùng một cộng đồng hoặc nơi làm việc rằng họ sẽ được chiến đấu cùng nhau. Tuy nhiên, nhiều người khác nhập ngũ để tìm kiếm phiêu lưu hoặc để thoát khỏi một công việc khác gian khổ, nguy hiểm, hoặc buồn chán.

Hình ảnh Lord Kitchener kêu gọi nhập ngũ trên tạp chí London Opinion số ngày 05/09/1914. Chúng ta có thể nhận ra đây chính là “bản gốc” của áp phích “Tôi muốn bạn” nổi tiếng (hơn) của nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu bản Mỹ sử dụng một nhân vật mang tính đại diện (Chú Sam đại diện cho nước Mỹ nói chung) thì người Anh sử dụng nhân vật có thật, khơi gợi ra sự dẫn dắt của người lãnh đạo quân đội.

Hình ảnh tuyển dụng do Alfred Leete thiết kế, nổi tiếng với Lord Kitchener đang chỉ tay vào người xem và dòng chữ “Đất nước của bạn cần BẠN” đã trở thành một biểu tượng cho vụ nhập ngũ điên cuồng nói trên. Tuy nhiên, nó đã không xuất hiện dưới dạng áp phích cho tới cuối tháng 9/1914, sau khi lượng đăng ký đã đạt đến đỉnh điểm. Do vậy, ảnh hưởng được cho là quan trọng của nó với việc tuyển quân khi đó thực ra cũng là một huyền thoại. Mặc dù 2,5 triệu người đã tự nguyện tham gia đội quân Anh Quốc giữa khoảng tháng 8/1914 và 12/1915, nhưng ngay cả số lượng này cũng không đủ cho tiền tiến và vào tháng 01/1916, Anh Quốc đã thực hiện cưỡng bách nhập ngũ.

Các khuôn mẫu ăn sâu vào tình cảm dân tộc được viện dẫn trong các tuyên truyền để biện minh cho việc tham chiến của Anh Quốc, và các áp phích tuyển dụng của Anh thường sử dụng biểu tượng tôn giáo về việc thánh George giết chết con rồng (đại diện cho nước Đức). Các áp phích tuyển dụng cũng có sự thay đổi trong giọng giao tiếp, từ đánh động lòng danh dự cá nhân cho tới “huy động bằng sự xấu hổ”. Bức áp phích nổi tiếng của Savile Lumley vào năm 1915 miêu tả hai đứa trẻ đang hỏi cha của chúng về năng lực quân sự của ông ta sau chiến tranh: “Bố ơi, BỐ đã làm gì trong cuộc Đại chiến?”. Việc “tống tiền” đầy cảm xúc của việc dùng trẻ em để làm bố mẹ chúng xấu hổ thực tế được áp dụng bởi tất cả những bên hiếu chiến. Phụ nữ cũng được giao trách nhiệm ra lệnh cho đàn ông tham chiến. Có lẽ nổi tiếng nhất trong thể loại này là bức “Phụ nữ Anh Quốc nói – ĐI!”

Cậu bé ngồi trên sàn đang chơi một trò chơi quân sự với những quân lính màu đỏ và xe pháo. Cô bé ngồi trên đùi của cha đang đọc một cuốn sách lịch sử và có lẽ là nhân vật hỏi câu “Bố ơi, bố đã làm gì trong cuộc Đại chiến?”. Người cha với khuôn mặt tối sầm vì nỗi xấu hổ nhìn thẳng vào người xem để truyền tải sự chất vấn và cảm xúc của câu hỏi ấy tới đối tượng thực sự của áp phích.
Hai người phụ nữ – nhân vật người mẹ và người vợ – đứa con nhỏ nhìn ra cửa sổ về hướng những người đàn ông mặc quần phục đang hành quân ra chiến trường.

Biểu tượng của quốc gia

Một khi trạng thái hưng phấn ban đầu (“cơn số chiến tranh”) lắng xuống, việc nhắc nhở mọi người, cả tại hậu phương và tiền tuyến, về những gì họ đang chiến đấu trở nên bắt buộc. Các chủ đề chính bao gồm lời kêu gọi vũ trang và yêu cầu những cho nhà nước vay chiến tranh; cũng như nỗ lực khuyến khích các hoạt động sản xuất công nghiệp, giải thích các chính sách quốc gia, khơi gợi các cảm xúc như lòng dũng cảm hay sự căm ghét, thúc giục dân chúng bảo toàn các nguồn lực và thông báo cho công chúng về thực phẩm và nhiên liệu thay thế.

Một chiến thuật mà các quốc gia có thể sử dụng là tạo ra các nhân vật mang tính biểu tượng để củng cố một điểm cụ thể về bản sắc dân tộc nhằm thúc đẩy lòng yêu nước. Đây có thể là những người có thật được thể hiện dưới hình thức thần thoại như những anh hùng dân tộc, hoặc họ có thể đến từ những câu chuyện thần thoại cũ hoặc văn hoá dân gian phổ biến: Britannia, John Bull và chó bull Anh Quốc; đại bàng Đức; con gà trống Pháp hay Marianne, biểu trưng của nước pháp – một sự gói gọn ẩn dụ của tự do và lý trí.

Một minh hoạ của nghệ sĩ người Anh Joseph Simpson trên tờ Canada in Khaki, một tạp chí được xuất bản để minh hoạ cho các hoạt động của người Canada ở mặt trận và gây quỹ cho Quỹ Tưởng niệm Chiến tranh Canada. Bức tranh cho thấy “Mẫu quốc” hiện thân thành Britannia, người phụ nữ khoác cờ, chào đón một người lính thuộc địa trở về từ mặt trận (những chiếc nón lính của quân Đức treo trên ba lô gợi ý rằng họ chiến thắng). Dòng chữ ghi “Mẫu quốc của anh sẽ không bao giờ quên“.
Tấm bưu thiếp này sử dụng cờ Liên Minh và biểu tượng chó bull để thể hiện Anh, Úc, Ấn Độ, New Zealand, và Nam Phi đang đoàn kết chống lại mối đe doạ chung. Nước Anh, với tư cách là Mẫu quốc, lớn hơn so với các lãnh địa và thuộc địa liên quan, một tuyên bố về vai trò là trái tim của Đế chế rồi sẽ trở nên chướng mắt trong thời kỳ hậu đế quốc.
Con gà trống tượng trưng cho người Bỉ và con quạ đại diện cho quân Đức (được làm rõ bằng chiếc nón lính đặc trưng). Dòng chữ lớn ghi “Người Bỉ, các bạn đã sẵn sàng chưa?”. Dòng chữ phụ ghi đại ý rằng người Bỉ chỉ có thể trông cậy vào chính mình để đảm bảo tự do và độc lập cho Tổ quốc.

Một chiến lược thay thế là sử dụng các biểu tượng vật chất của quốc gia. Thật thế, một quốc gia có thể có nhiều cơ hội sử dụng chúng để tạo ra những lời trần thuật và lưu hành những hình ảnh có lợi cho câu chuyện quốc gia có lợi cho họ – trong các vật dụng hàng ngày như tiền xu, tiền giấy, và tem bưu chính, hoặc các cấu trúc mang tính biểu tượng như tượng, tượng đài, và toà nhà.

Mô típ tiền

Nhu cầu huy động tiền để chi trả cho chiến tranh bằng trái phiếu chiến tranh (hay “Trái phiếu tự do” như chúng được biết đến ở Hoa Kỳ) đã cung cấp một trong những chủ đề quan trọng nhất về lòng yêu nước cho áp phích và phương tiện mới – phim ảnh. Một chủ đề lặp đi lặp lại, có liên quan tới, là miêu tả tiền (tiền xu và tiền giấy) như một lực lượng tham chiến chủ động, ví dụ “Biến bạc của bạn thành những viên đạn – tại Bưu điện”. Ở Pháp, một áp phích tương tự, được thiết kế bởi Jules Abel Faivre vào năm 1915, miêu tả một đồng vàng lớn với con gà trống Gô-loa trên đó, đe doạ một người lính Đức, với khẩu hiệu: “Gửi vàng cho nước Pháp – chiến đấu bằng vàng để giành chiến thắng“.

Áp phích xuất bản năm 1915 kêu gọi người Anh mua trái phiếu chiến tranh
Áp phích năm 1915 của nước Pháp. Tác giả của nó là một nhà biếm hoạ nổi tiếng đương thời với tranh vẽ xuất hiện trên rất nhiều tờ báo L’Assiette au beurre, La Baïonnette, Le Figaro…)

Tuyên truyền như một vũ khí

Ngay từ khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bắt đầu, cả hai phe đối lập sử dụng tuyên truyền để uốn nắn quan điểm quốc tế theo hướng có lợi cho mình và bất lợi cho phe kia. Các chính phủ đều đầu tư những nguồn tài nguyên lớn và nỗ lực khổng lồ để biện minh cho hành vi của mình, xây dựng sự đồng thuận quốc tế, bôi xấu địch, cho kết quả là những tuyên truyền mạnh mẽ nhất từng thấy. Họ cũng đồng thời hình thành thái độ với chính tuyên truyền trong những năm hậu chiến. 

Tác động tới tin tức

Một trong những hành động đầu tiên do Anh thực hiện ở đoạn đầu của cuộc chiến là cắt đứt các đường dây cáp truyền thống dưới biển của Đức, đảm bảo rằng Anh Quốc độc quyền về phương tiện truyền tin nhanh chóng nhất từ châu Âu tới các cơ quan báo chí ở Hoa Kỳ. Một mục tiêu quan trọng với các quốc gia vào thời điểm này là gây ảnh hưởng đến việc đưa tin về cuộc chiến trên quy mô toàn thế giới, với mục đích giành được ủng hộ và cảm thông. Các quốc gia đều tìm cách đặt các báo cáo thuận lợi với mình trên báo chí hiện hành của các quốc gia trung lập. Tin tức có minh hoạ, mang hình vẽ và hình chụp được xem là đặc biệt hiệu quả. Trong một thời điểm nhất định, tờ báo trung văn tên Cheng Pao có số lượng phát hành 250,000 số mỗi hai tuần, dưới ảnh hưởng từ tuyên truyền của Anh, đã được mô tả là có “tác động mạnh mẽ đến quần chúng Trung Quốc tới mức chính phủ Trung Quốc có thể tuyên chiến với Đức” (theo Lưu trữ quốc gia Anh Quốc).

Một tuyên truyền về thế chiến I tại Trung Quốc. Hình ảnh miêu tả Kaiser Wilhelm II (Hoàng đế cuối cùng của đế quốc Đức và vua nước Phổ, trị vì đến 1918) và Thống chế Ferdinand Foch, lãnh đạo quân sự Pháp quan trọng vào Thế chiến I. Dải vải co giãn màu đỏ, trắng, xanh đại diện cho biên giới giữa hai quốc gia. Ở hình trên, Kaiser đẩy mạnh dải vải để tiến vào Pháp. Ở hình dưới, Foch buông dải vải bắn ngược Kaiser trở lại Đức.

Tuyên truyền về sự tàn bạo là một kỹ thuật tuyên truyền cụ thể tìm kiếm sự ủng hộ việc tham chiến và cung cấp một diễn giải đạo đức cho điều ấy bằng cách nhấn mạnh vào các tội ác và sự tàn bạo của kẻ địch.

Tuyên truyền về sự tàn bạo

Những nạn nhân bị bắn, bị đâm bằng lưỡi lê, bị giết bằng dao, tay bị chặt, xé, hoặc bẻ gãy, chân bị gãy, mũi bị cắt, tai bị cắt, mắt bị móc ra, bộ phận sinh dục bị cắt, nạn nhân bị ném đá, phụ nữ bị xâm phạm và giết hại, ngực bị cắt bỏ, những người bị treo cổ, những nạn nhân bị thiêu sống, một đứa trẻ bị ném vào bầy lợn, những nạn nhân bị đánh tới chết bằng báng súng trường hoặc gậy, những nạn chân bị xiên, những nạn nhân bị rạch da thành từng dải.

Bên trên là một đoạn trích từ điều tra tội ác chiến tranh của bác sĩ, nhà khoa học pháp y danh tiếng R.A Reiss, trong đó có phân loại nhiều hành vi bạo lực đối với dân thường do lực lượng Áo-Hung chiếm đóng tại Serbia năm 1914 gây ra. Báo cáo của ông có những điểm tương đồng đáng chú ý với các ấn phẩm cùng thời của Pháp như Le livre rouge des atrocités allemandes (Cuốn sách đỏ về sự man rợ của người Đức) hay của Báo cáo Bryce của Anh Quốc. 

Báo cáo của Uỷ ban về những cáo buộc về sự lăng nhục của nước Đức ( Report of the Committee on alleged German outrages) của Viscount James Bryce. Báo cáo này đã phóng đại rất nhiều lần những tội ác của quân Đức đối với phụ nữ và trẻ nhỏ, bao gồm những câu chuyện quân Đức chặt tay trẻ con. Nước Đức phản kháng bằng cuốn “Sách trắng” tố cáo rằng Bỉ cũng làm nhiều điều quá đáng và cho quân đội giả trang làm dân thường (tức là vi phạm luật chiến tranh). Bỉ tiếp tục bác bỏ những điều này trong cuốn “Sách xám”.

Những báo cáo như vậy được ghi lại một cách tỉ mỉ đầy đau đớn về các hành vi bạo lực đối với thường dân, quân đội, tù nhân chiến tranh; cướp bóc; sử dụng các vũ khí cấm bởi quy tắc và quy ước chiến tranh; phá huỷ các thư viện và nhà thờ cổ, phá huỷ nhà dân và làng xã; hãm hiếp và tra tấn… Những tội ác được minh hoạ sống động đi kèm với lời khai trực tiếp. Các thành phố của Bỉ và Pháp gần Luxembourg bị biến thành các “thị trấn tử vì đạo” (Đức tấn công vào Pháp bằng cách đi qua Luxembourg và Bỉ vào năm 1914). Những nơi này bị tàn phá không khoan nhượng, người dân từ trẻ tới già, từ khoẻ đến bệnh, tất cả đều bị hại một cách vô nhân đạo. Tường thuật này đã thống trị tuyên truyền đầu thế chiến thứ I.

Bản chất của tuyên truyền về sự tàn bạo

Tuyên truyền về sự tàn bạo rất đa dạng, xuất hiện trong sách, báo, tờ rơi, phác thảo, phim, áp phích, phim đèn chiếu, truyện tranh, bưu thiếp, đĩa, cốc, mề đay v.v. Nó hoạt động trên mọi cấp độ. Các báo cáo chính phủ đưa ra những “bằng chứng” thông qua những lời làm chứng đầy thuyết phục của cả nạn nhân và thủ phạm. Các phương pháp điều tra thường không đạt tiêu chuẩn pháp lý, nhưng các báo cáo vẫn có vẻ như dựa vào các sự thật không thể chối cãi. Tác giả của chúng là các chuyên gia được kính trọng (như Bryce từng là đại sứ Anh tại Mỹ, thành viên của Hạ viện, và là một luật gia) gia tăng uy tín của các cáo buộc.

Các dòng chữ lớn dịch ra lần lượt là: “Người Đức thay quần áo nhưng vẫn là người Đức!” (trên) và “Hãy nhớ lấy!” (dưới). Áp phích bằng tiếng Ý có vẻ xuất hiện từ Florene này tố cáo các tội ác của người Đức: giết trẻ con, giết nữ quân ý, hành hạ phụ nữ, tàn phá nhà thờ, nhà cửa, thuyền bè… Và dù người Đức mặc áo lính hay mặc thường phục thì vẫn là như thế: độc ác, man rợ.

Rất nhiều câu chuyện về tội ác đã được kể một cách giật gân. Sức mạnh thuyết phục của chúng vừa xuất phát từ khả năng đứng một mình của những hành động man rợ và suy đồi đạo đức đơn lẻ và có vẻ bộc phát, vừa xuất hiện như một phần của một chuỗi các hành vi được suy tính trước khiến cả một quốc gia có tội. Những sự căm ghét có sẵn được lợi dụng. Các nhà tuyên truyền biện minh cho chiến tranh, khuyến khích nhập ngũ, gây quỹ, và khiến các quốc gia trung lập mất đi vị thế này… bằng cách tận dụng các tường thuật gây sốc. Trên hết, hệ quả của những tuyên truyền nghiêm trọng tới vậy sẽ kéo dài rất lâu, ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc.

Hương Mi Lê tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn, trong đó bao gồm British Library và International Encyclopedia of the First World War.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tuyên truyền trong Thế chiến I

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…