Trường phái Ấn tượng Mĩ (Phần 2)

Ở phần hai của loạt bài về trường phái Ấn tượng Mĩ, chúng ta sẽ tìm hiểu các khái niệm, phong cách, và xu hướng liên quan tới trào lưu, các phát triển hậu trào lưu, và bước đầu xem xét các tác phẩm tiêu biểu. Trong phần này, chúng ta sẽ thấy được trào lưu Mĩ đã kế thừa và mở rộng như thế nào từ trào lưu Pháp, đạt được thành công nhanh chóng và cũng sớm suy thoái khi những xu hướng tiền tiến hơn du nhập từ châu Âu vào đầu thế kỉ 20.

  • Tôi nghĩ rằng nếu bạn rung một cái cây, bạn nên ở quanh đấy thu nhặt khi quả rụng xuống – Mary Cassatt
  • Nghệ thuật, với tôi, là sự diễn giải ấn tượng mà thiên nhiên đặt vào đôi mắt và trí não.” – Childe Hassam
  • Tôi không đánh giá, tôi chỉ ghi lại.” – John Singer Sargent

Trường phái Ấn tượng Mĩ: Khái niệm, Phong cách, và Xu hướng

Thiên nhiên Mĩ

Chủ ý của trường phái Ấn tượng Pháp là khắc họa một khoảnh khắc thoáng qua hoặc tái hiện cách nhìn nhận của người nghệ sĩ về một nơi chốn, hơn là một nghiên cứu chính xác. Các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng không chọn những địa điểm lãng mạn hay kỳ ảo quá mức cho bức tranh của họ, mà thay vào đó tập trung vào các không gian thường nhật như các thành phố, những khu vườn, hay những địa điểm giải trí phổ biến.

Khi trường phái Ấn tượng cập bến đất Mĩ, các nghệ sĩ cũng có chung sự hứng thú trong việc nắm bắt những ấn tượng thoáng qua và mô tả những cảnh tượng cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, họ cũng đồng thời hứng thú với những thứ vượt ngoài mục tiêu của trường phái Ấn tượng Pháp, đó là ghi nhận những nơi thể hiện bản sắc dân tộc. Đối với nhiều nghệ sĩ, chẳng hạn như Childe Hassam, vẽ những cảnh thiên nhiên Mĩ tạo ra cơ hội để phân biệt tác phẩm của họ với tác phẩm của trường phái Ấn tượng châu Âu. Nó cũng tạo ra sự tiếp diễn từ trường phái sông Hudson mà đã tôn vinh phong cảnh Mĩ là một niềm tự hào và vẻ vang của quốc gia. Bằng cách mô tả những kỳ quan thiên nhiên của đất nước, đặc biệt là những cảnh được tìm thấy quanh một vài thuộc địa của nghệ sĩ được thành lập vào những năm 1880, các họa sĩ Mĩ đã phát triển nên một trường phái Ấn tượng ái quốc.

 Quần đảo Shoals (Isles of Shoals) (1907) của Childe Hassam. Sơn dầu trên toan, bảo tàng Nghệ thuật Bắc Carolina, Bắc Carolina, Mĩ

Trở về mái ấm

Cũng giống như những nghệ sĩ Ấn tượng Pháp (nổi bật như Berthe Morisot và Edgar Degas), khung cảnh và cuộc sống trong nhà là những chủ đề chính với nhiều nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ. Các nhà bảo trợ ưa thích các hình ảnh đầy màu sắc và hài hòa về sự yên bình trong nhà, thường như một liều thuốc cho những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống công nghiệp và thành thị. Những bức tranh của Mary Cassatt về cảnh trong nhà riêng tư và sự đồng hành của phụ nữ truyền cảm hứng cho những nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ ở cả hai giới. Những bức tranh của Edmund Tarbell chứng minh tầm ảnh hưởng của những ví dụ về cuộc sống gia đình yên tĩnh và vẻ đẹp của những khung cảnh đơn giản của đời sống hàng ngày như vậy.

Mẹ, Mercie, và Mary (Mother, Mercie, and Mary) (1918) của Edmund Tarbell

Những khu vườn và công viên

Giống như những nghệ sĩ Pháp tiền nhiệm, nhiều nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ vẽ những khung cảnh trong vườn và công viên. Tuy nhiên, trong khi những bức tranh vẽ vườn của Claude Monet thường dựa trên bảng màu rực rỡ và bố cục bất thường (hình thức và màu sắc đặt lên trên chủ đề), nhiều người Mĩ được tấm gương của Auguste Renoir truyền cảm hứng sâu sắc. Renoir tập trung vào các tương tác xã hội đang thay đổi diễn ra trong những không gian này. Ví dụ như với tác phẩm của Edmund Tarbell và William Merritt Chase, những không gian vườn và công viên tạo nền cho những người phụ nữ ung dung tận hưởng thiên nhiên trong một môi trường được kiểm soát và an toàn. Là một phần mở rộng của sự tái hiện cảnh quan gia đình tươi đẹp, vườn và công viên đã được xử trí cẩn thận để mang đến một khung cảnh yên tĩnh và thanh bình.

Bữa sáng ngoài trời (Open Air Breakfast) (1888) của William Merritt Chase

Những bước phát triển sau này – Sau trường phái Ấn tượng Mĩ

Sau sự gia tăng đột phá về danh tiếng và uy tín, trường phái Ấn tượng Mĩ nhanh chóng thay thế nghệ thuật hàn lâm trở thành niềm yêu thích của các nhà sưu tập. Tuy nhiên, uy tín tăng vọt của nó đã nhanh chóng bị triển lãm Armory năm 1913 chặn lại. Triển lãm này trưng bày nhiều nghệ thuật thử nghiệm hơn từ châu Âu (bao gồm cả nhóm Dã thúLập thể) và châu Mĩ (bao gồm cả những tác phẩm trừu tượng của nhóm Stieglitz và chủ nghĩa hiện thực của trường phái Ashcan). Đối với nhiều nhà sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương thời, trường phái Ấn tượng Mĩ đã trở nên lỗi thời và bảo thủ.

Tuy nhiên, bất chấp sự suy thoái khỏi trào lưu tiên phong, nhiều thuộc địa của nghệ sĩ nơi trường phái Ấn tượng Mĩ đã phát triển mạnh mẽ và tiếp tục là những trung tâm quan trọng cho tới những năm 1920. Nhiều nghệ sĩ, như Childe Hassam và William Merritt Chase, tiếp tục làm việc theo phong cách này, nhận được sự bảo trợ từ một thị trường lâu đời hơn vốn đòi hỏi những tác phẩm đẹp mắt hơn là những phong cách tiên phong mang tính ý niệm.

Các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ của trường phái Ấn tượng Mĩ

Bà Chase ở công viên Propspect (Mrs. Chase in Prospect Park) của William Merritt Chase

Sơn dầu trên ván gỗ – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mĩ

William Merritt Chase là một trong những nghệ sĩ Mĩ đầu tiên kết hợp trường phái Ấn tượng vào tác phẩm hội họa của mình. Chuỗi tranh của ông về công viên Prospect ở Brooklyn, được vẽ và trưng bày năm 1886, thể hiện rõ phong cách trường phái Ấn tượng của ông. Ở bức tranh này, Chase vẽ người vợ tương lai của mình ngồi trên một chiếc thuyền có mái chèo trên một chiếc hồ nhỏ. Tư thế ngồi trầm ngâm của cô tạo cho bức tranh một cảm giác thư thái. Công viên có một điểm ngồi thuận tiện để có thể vẽ tranh ngoài trời, theo gương người Pháp. Hơn nữa, là một không gian tự nhiên được kiến tạo bởi con người ở giữa một môi trường đô thị, công viên tạo ra một cảnh nền tuyệt hảo cho tầm nhìn của Chase về thú vui của tầng lớp thượng lưu và sự tương tác quý phái với ánh sáng và thiên nhiên. Công viên Prospect cũng là một lời hồi đáp với những không gian tinh xảo của các thủ đô châu Âu, với luận điểm rằng các thành phố Mĩ đã phát triển để bao hàm cả những cân nhắc về văn hóa như vậy.

Bức tranh thể hiện các nét cọ lớn và niềm hứng thú với cuộc chơi của ánh sáng vốn là những đặc trưng của nghệ thuật trường phái Ấn tượng. Tuy nhiên, bảng màu của Chase lại trầm hơn đáng kể so với hầu hết các tác phẩm của trường phái Ấn tượng Pháp. Điều này có thể phản ánh sự đào tạo của ông ở Munich (nơi ông chọn thay vì theo học ở Paris). Khi từ Đức trở về Mĩ, ông đã thành lập một xưởng được trang hoàng một cách tinh tế ở Xưởng Phố 10 (Tenth Street Studio), tòa nhà đầu tiên ở New York được thiết kế để làm không gian cho nghệ sĩ. Ông cũng bắt đầu dạy tại trường Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật (Art Students League) mới thành lập, khiến ông trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng và được chú ý nhiều trong giới nghệ thuật Mĩ. Trong những năm 1880, ông chuyển hướng sang trường phái Ấn tượng, được truyền cảm hứng từ nét vẽ phóng khoáng của Whistler và Manet cùng với sự ngưỡng mộ sâu sắc dành cho các tác phẩm của John Singer Sargent, người sẽ trở thành bạn vong niên của ông, sau khi họ gặp nhau vào năm 1881. Sự nổi tiếng của ông trong giới xã hội thượng lưu ở Long Island, nơi ông là hiệu trưởng của trường Nghệ thuật hè Sinnecock Hills, đã giúp thiếp lập trường phái Ấn tượng thành một trường phái mới có thể sưu tầm được.

1889: Paul Helleu vẽ tranh bên vợ (Paul Helleu sketching with his Wife) của John Singer Sargent

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Brooklyn, New York, Mĩ

John Singer Sargent không phải là một nghệ sĩ đi theo trường phái Ấn tượng một cách trọn vẹn, nhưng ông có tác động quan trọng tới sự phát triển của trường phái này với vai trò là cầu nối truyền tải các ý tưởng mới từ Paris đến bạn bè và đồng nghiệp của ông ở Mĩ. Phong cách cá nhân của Sargent kết hợp các yếu tố của trường phái Ấn tượng với cách vẽ chân dung truyền thống, hàn lâm hơn. Trong bức tranh này, Sargent miêu tả người bạn của mình, nghệ sĩ người Pháp Paul Helleu, đang vẽ tranh ngoài trời bênh cạnh vợ. 

Trong tác phẩm này, các nhà phê bình nghệ thuật Helene Barbara Weinberg, Doreen Bolger và David Park Curry đã đưa quan điểm rằng Sargent “đã bộc lộ đáng kể cả về thực hành lẫn mục đích của trào lưu mới về hội họa phong cảnh khi nó nổi lên ở Mĩ. Hội họa phong cảnh (không phải là phác thảo phong cảnh phổ biến hơn) đã được đem ra ngoài bốn bức tường, lời tuyên bố mạnh mẽ từ bức vẽ của người nghệ sĩ được dựng trực tiếp trên mặt đất ngay giữa chủ thể mà anh ta đang miêu tả, và từ sự hiện diện của những cây cọ và khay màu di động. Sargent, vốn đã là một họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng, mô tả người mẫu của mình, một nhân vật họa sĩ được đào tạo hàn lâm thường làm việc trong xưởng, đang tiếp nhận phương pháp vẽ tranh ngoài trời và cam kết với quan sát trực tiếp mà bấy giờ mới trở thành điểm tựa trong các tác phẩm của ông.

Sargent miêu tả một cặp đôi nom có vẻ không quan trọng. Người đàn ông đang vẽ một cách chuyên nghiệp, nhưng ở đây ông xuất hiện trong dáng vẻ ngả mình vào thảm cỏ và được vợ bầu bạn. Chính sự dung dị này là điểm then chốt tạo nên tính hiện đại của tác phẩm, thể hiện rằng Sargent từ chối sự cần thiết có một trần thuật. Không có tiêu đề, chủ thể chỉ có thể được một nhóm bạn bè và đồng nghiệp nhỏ nhận ra. Cặp đôi được quan sát từ một góc nhìn từ trên xuống, bao bọc họ trong một không gian thiên nhiên, nhưng là một không gian tạo cảm giác thân thiện và thoải mái. Ngồi cạnh một chiếc thuyền nhỏ, họ là những người rong chơi ban ngày đang tận hưởng giây phút nhàn hạ; quần áo sành điệu của họ tiết lộ rằng họ chắc chắn là những thị dân sành điệu, trốn vào bầu không khí trong lành của vùng nông thôn để nghỉ ngơi đôi chút.

Người xem không thể thấy Helleu đang vẽ gì; thay vào đó, điểm tập trung là vào các nhân vật và sự đắm chìm của họ vào thiên nhiên. Đáng chú ý là, gương mặt của cặp đôi được đi vào chi tiết cẩn thận hơn là phần còn lại của bức tranh, tạo ra sự đối lập với cọ pháp lỏng tay dùng thể hiện phần cỏ và chiếc thuyền. Điều này nói lên sự cân bằng về phong cách của Sargent giữa hai lối tiếp cận theo cách hàn lâm và theo trường phái Ấn tượng, và điều này sẽ ảnh hưởng đến những nghệ sĩ Mĩ khác.

Nguyên bản tiếng Anh do Anna Souter tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trường phái Ấn tượng Mỹ

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…