Dã thú (Phần 1)

Sinh ra trong một gia đình thợ dệt và lớn lên ở Bohain-en-Vermandois, khi còn là một đứa trẻ, Henri Matisse đã bị ảnh hưởng bởi những màu sắc sáng và mô típ của các loại vải dệt địa phương. Cảm giác nguyên thuỷ của ông với màu sắc (điều căn bản nhất của Dã thú) đã được đánh thức lần nữa khi ông, một chàng trai trẻ, trở về nhà để dưỡng bệnh sau cơn đau ruột thừa, và mẹ của ông đưa cho ông một bộ sơn vẽ. Sau này, ông nói “Từ khoảnh khắc tôi cầm trong tay hộp màu, tôi đã biết rằng đây là cuộc đời của mình. Tôi quăng mình vào đó như một con thú lao về phía thứ mà nó mê đắm.”

Tóm lược trường phái Dã thú (1899-1908)

Sông Seine ở Chatou (The Seine at Chatou) (1906) bởi Maurice de Vlaminck. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan.

Trường phái Dã thú, phong trào nghệ thuật hiện đại đầu tiên của thế kỷ XX, được lấy cảm hứng ban đầu từ những ý tưởng hội họa của Vincent Van Gogh, Paul Gauguin, Georges Seurat, và Paul Cézanne. Fauves (“những con thú hoang”) là một nhóm liên kết không bền vững của những họa sĩ người Pháp có chung sự quan tâm. Một vài trong số đó, bao gồm cả Henri Matisse, Albert Marquet, và Georges Rouault, từng là môn đồ của nghệ sĩ trường phái Biểu tượng Gustave Moreau và ngưỡng mộ sự chú trọng của người nghệ sĩ lớn tuổi hơn này về biểu hiện cá nhân. 

Matisse nổi lên với tư cách là người đứng đầu của nhóm, với các thành viên cùng chia sẻ việc sử dụng màu sắc mạnh mẽ như một phương tiện để mô tả ánh sáng và không gian, đồng thời cũng là người định nghĩa lại màu sắc và hình dạng nguyên chất như một phương tiện để truyền tải trạng thái cảm xúc của người họa sĩ. Với những lẽ đó, trường phái Dã thú đã chứng minh nó là một tiền thân quan trọng đối với Trường phái Lập thể và Trường phái Biểu hiện, cũng như là một nền tảng cho các phương thức trừu tượng trong tương lai.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Một trong những đóng góp chính đối với nghệ thuật hiện đại của trường phái Dã thú là mục tiêu cấp tiến của nó trong việc tách màu sắc ra khỏi mục đích mang tính mô tả, đại diện và cho phép nó hiện hữu trên toan vẽ như một yếu tố độc lập. Màu sắc có thể phóng chiếu một tâm trạng và thiết lập một cấu trúc từ bên trong tác phẩm nghệ thuật mà không cần phải đồng nhất với thế giới tự nhiên.
  • Một trong những mối quan tâm nghệ thuật trung tâm khác của Dã thú là sự cân bằng tổng thể trong bố cục. Hình thức được đơn giản hóa và màu sắc bão hòa của những người theo trường phái Dã thú đã gợi sự chú ý đến độ bằng phẳng vốn có trong toan vẽ và giấy vẽ; mà trong không gian hình ảnh ấy, mỗi phần tử đóng một vai trò cụ thể. Ấn tượng thị giác ngay tức thời của tác phẩm là phải mạnh mẽ và thống nhất.
  • Trên hết, trường phái Dã thú xem trọng biểu hiện cá nhân. Trải nghiệm trực tiếp về các chủ thể, phản ứng cảm xúc đối với thiên nhiên, và trực giác của người nghệ sĩ đều quan trọng hơn lý thuyết hàn lâm hay chủ đề cao cấp. Và tất cả những yếu tố hội họa được quy tụ để phục vụ cho mục đích này.

Những sự khởi đầu của trường phái Dã thú

Vào những năm đầu tiên của thế kỷ XX, những họa sĩ Hậu ấn tượng làm việc ở Pháp như Van Gogh, Gauguin, Seurat, và Cézanne được xem là những người đứng đầu trong nghệ thuật tiền tiến. Những thử nghiệm chung của họ trong cách sử dụng chất liệu màu, đề tài, đường nét ấn tượng, và màu sắc chưa pha trộn là những cải tiến để đáp ứng sự xuất hiện của trường phái Dã thú. 

Trường phái Biểu tượng, với sự nhấn mạnh vào cái nhìn nội tại của người nghệ sĩ, cũng là một ảnh hưởng quan trọng khác. Từ một nguồn khác, việc đánh giá của người châu Âu về điêu khắc châu Phi nghệ thuật hơn là một sự hiếu kì nhân học, đã giới thiệu những ý tưởng mới về hình thức và sự đại diện đối với người theo chủ nghĩa Hiện đại châu Âu. 

Matisse như là người tiên phong của trường phái Dã thú

Người phụ nữ với một chiếc mũ (Woman with a Hat) (1905) bởi Henri Matisse

Henri Matisse thường được xem là nghệ sĩ sáng lập chính của trường phái Dã thú. Cũng như nhiều họa sĩ cùng thời khác, Matisse được truyền rất nhiều cảm hứng bởi lời dạy của Moreau rằng biểu hiện cá nhân nằm trong những điều quan trọng nhất để tạo nên một họa sĩ vĩ đại. Một điều đáng cân nhắc là quan trọng nữa đối với chàng Matisse trẻ là những kỹ thuật và ngôn ngữ thị giác mang tính hệ thống của phong cách Điểm chấm, được dẫn dắt bởi những người đồng hương của ông là Georges SeuratPaul Signac, và Henri-Edmond Cross

Mặc dù Matisse không trực tiếp áp dụng lý thuyết của kỹ thuật Điểm chấm vào tranh của mình, việc vẽ những chấm nhỏ li ti theo nhiều màu sắc khác nhau để tạo ra một tông độ trực quan hài hòa là một điều gì đó khiến Matisse thích thú. Sự quan sát về kỹ thuật này dẫn đến việc ông phát triển “cấu trúc màu sắc”, hay các vùng màu sắc lớn, phẳng mà thiết lập một hiệu ứng và cảm nhận về tâm trạng có chủ ý và mang tính trang trí. Ông cũng rất có ý thức về những tác phẩm Hậu Ấn tượng của Paul Gauguin, Pierre Bonnard, và Édouard Vuillard, với sự kết hợp của những màu sắc và thiết kế đồng nhất rời bỏ hiệu ứng nhấp nhấp nháy, nhất thời của tranh Ấn tượng.

Mở cửa sổ, Collioure (Open Window, Collioure) (1905) bởi Henri Matisse

Tổng hợp lại tất cả những ý tưởng này, Matisse đã bỏ qua cách sử dụng sắc độ tế nhị của màu sơn được pha trộn và bắt đầu làm việc với màu sắc rực sáng hơn, màu gốc – thẳng từ tuýp, như một phương tiện để truyền tải cảm xúc. Ông đã vẽ ngoài trời từ giữa những năm 1890, và chuyến đi đến Corsica và phía Nam nước Pháp năm 1898 đã làm ông thêm thích thú hơn với việc nắm bắt hiệu ứng của ánh sáng tự nhiên có cường độ mạnh. Dành cả mùa hè làm việc cùng với Signac và Cross tại Saint-Tropez vùng Riviera ở Pháp năm 1904 cũng đã cho ông thêm cơ hội để chứng kiến những kỹ thuật của họ.

Những người đồng hội của nhóm Dã thú: Derain và de Vlaminck

Trong cùng những năm thử nghiệm ban đầu của Matisse với những kỹ thuật của trào lưu Hậu Ấn tượng, hai người họa sĩ André Derain và Maurice de Vlaminck đã gặp nhau năm 1901 và bắt đầu dùng chung xưởng vẽ ở Chatou, một vùng ngoại ô phía Tây của Paris. Làm việc gắn bó cùng nhau, họ đã hình thành quan tâm chung mới với màu mạnh mẽ và nét cọ trực tiếp. 

Matisse gặp Derain vào năm 1899, và hai năm sau, thông qua Derain, ông gặp được Vlaminck. Vì là họa sĩ nhiều tuổi hơn và thành danh hơn, ông đã ủng hộ và động viên tinh thần của hai tâm hồn tương đồng này, thậm chí là giới thiệu họ với những nhà buôn nghệ thuật tiềm năng. Năm 1905, Matisse đã ghé thăm xưởng vẽ ở Chatou, nơi mà ông có ấn tượng sâu sắc với cách sử dụng các màu nguyên gốc của Vlaminck. Matisse đã mời Derain cùng dành mùa hè năm 1905 cùng với ông ở Collioure, là một cảng và thị trấn đánh cá nằm ở bờ biển phía Nam nước Pháp. Hai người đã dành mùa hè đột phá này để làm việc và cải tiến phong cách cũng như kỹ thuật của họ, tạo ra vô số bức tranh đáng chú ý trong khoảng thời gian hợp tác quan trọng kéo dài suốt bốn tháng. 

Salon d’Automne năm 1905

Salon d’Automne (1905).

Thời gian sau đó, Salon d’Automne (Triển lãm Mùa thu) được tổ chức tại Grand Palais ở Paris. Matisse, Derain và de Vlaminck đều trưng bày các tác phẩm trong triển lãm này; và có cả sự tham dự của những môn đồ ngày trước của Moreau, bao gồm Henri Manguin và Albert Marquet. Những bức vẽ được trưng bày khá đặc biệt trong cách sử dụng màu sắc sống động, có độ bão hòa cao với nét vẽ thanh thoát của họ. 

Bao gồm trong đó là cả bức tượng điêu khắc bán thân trông truyền thống hơn của Albert Marquet, và sự gần gũi của bức tượng này với những bức tranh sặc sỡ được thực hiện bằng đam mê mãnh liệt đã khiến nhà phê bình Louis Vauxcelles mô tả khung cảnh trông giống như “Donatello parmi les fauves” (Donatello ở giữa những con thú hoang). Do đó khái niệm “Dã thú” đã được đặt ra cho những người nghệ sĩ này; mặc dù điều này nghe có vẻ tiêu cực trong ngữ cảnh nguyên bản nhưng vẫn là cái tên được chấp nhận. 

Trường phái Dã thú: Những khái niệm, phong cách và xu hướng

Nhóm được mở rộng

Bất chấp sự thù địch ban đầu của các nhà phê bình, nhiều trong số những nghệ sĩ theo trường phái Dã thú vẫn hưởng thụ với sự thành công đến từ thương mại diễn ra sau Salon d’Automne năm 1905. Tác phẩm của họ tiếp tục được trưng bày tại các triển lãm khác được tổ chức vào những năm tiếp theo, đáng quan tâm nhất là buổi Salon des Indépendants (Triển lãm của những Người độc lập) năm 1907, nơi có điểm thu hút chính là một căn phòng lớn được đặt tên “Hang ổ của Dã thú”

Trong khi đó, những nghệ sĩ khác bắt đầu tham gia cùng bộ ba trung tâm là Matisse, Derain, and de Vlaminck. Nhóm mở rộng của những người theo trường phái Dã thú (đều đến từ Pháp) đến cuối cùng gồm có Othon Friesz, Georges Rouault (một môn đồ khác của Gustave Moreau), Kees van Dongen, Georges Braque, và Raoul Dufy. Những nghệ sĩ này du hành cùng nhau, dùng chung xưởng vẽ, và thoải mái trao đổi những ý kiến với nhau trong suốt những ngày tháng sung sức ngắn ngủi của Dã thú.

Tính thống trị của sắc màu

Cây cầu Charing Cross, London (Charing Cross Bridge, London) (1906) bởi André Derain

Những người theo trường phái Dã thú đều có mối quan tâm sâu sắc đến màu sắc như là một phương tiện để diễn tả cảm xúc cá nhân. Màu sắc và sự kết hợp của màu sắc cấu tạo nên chủ đề, hình thức và nhịp điệu nội tại của tác phẩm. Bầu trời có thể mang màu cam, cây có thể mang màu xanh dương, khuôn mặt có thể là sự kết hợp của các màu sắc trông có vẻ không thể đi với nhau; kết quả cuối cùng là một sản phẩm hoàn toàn độc lập đến từ nhận thức của người họa sĩ, hơn là sự mô tả chân thực của những hình dạng vật chất nguyên bản. Hơn nữa, các yếu tố thành phần được xây đắp lên bằng sự sắp xếp của màu sắc, hơn là thông qua những hệ thống phối cảnh xa gần hay kỹ thuật phác thảo.

Đề tài và phong cách

Trong mối bận tâm chung với cách biểu đạt thông qua màu sắc và hình dạng, những người nghệ sĩ này nhìn chung đều ít bận tâm đến tính mới lạ trong đề tài của họ. Trong khi những nghệ sĩ Ấn tượng và Hậu Ấn tượng chọn mô tả khung cảnh của cuộc sống đô thị hiện đại, như những đại lộ, quán cà phê, sảnh hòa nhạc của Paris, thì những người theo trường phái Dã thú sử dụng nhiều đề tài truyền thống hơn cho khởi điểm của mình.

Notre-Dame vào cuối buổi chiều (1902) bởi Henri Matisse

Đề tài của họ được lấy từ thế giới xung quanh họ và bao gồm chân dung, phong cảnh ở đất liền, ở biển, và nhân vật trong khung cảnh trong nhà, nhưng sự ảnh hưởng thị giác của kết cấu màu sắc chiếm phần nhiều hơn hẳn bất cứ lời kể chuyện khả thi nào hay tính biểu tượng. Thay vào đó, họ sẽ dùng những đề tài như phương tiện cho việc quan sát và vẽ, với nét vẽ linh hoạt và màu sắc phi tự nhiên như một cách để dẫn người xem nhìn thấu vào những hành trình sáng tạo, nội tại của họ.

Những sự phát triển về sau – Sau trường phái Dã thú

Xu hướng làm biến dạng hình dạng và màu sắc để diễn đạt những cảm quan bên trong của những nghệ sĩ trường phái Dã thú đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đến những nghệ sĩ Biểu hiện, những người có bước phát triển nghệ thuật riêng lâu dài hơn và gắn kết hơn. Những nghệ sĩ Biểu hiện Đức, dẫn đầu bởi những nghệ sĩ như Ernst Ludwig Kirchner và Karl Schmidt-Rottluff, tận dụng cách dùng màu mạnh bạo tương đồng trong khung cảnh hối hả của đường phố Berlin và cách vẽ chân dung thường kỳ dị.

Cézanne và trường phái Lập thể

Theo một góc nhìn nhất định, sự sụp đổ của trường phái Dã thú cũng đã góp phần khôi phục lại sự quan tâm về Cézanne. Một triển lãm Cézanne tổ chức tại Paris năm 1907 đã khơi lại sự chú ý đến các tác phẩm của người nghệ sĩ, đặc biệt là sự nhấn mạnh về quy luật và bố cục tự nhiên. Ví dụ như Georges Braques, ông bắt đầu thích thú hơn với bảng màu bị hạn chế hơn, tập trung nhiều hơn đến sự phân độ tinh tế trong màu sắc và tỉ lệ. Lối tiếp cận này đã dẫn Braque lấp đầy những toan vẽ của mình bằng những hình khối và hình thái đa dạng đông đúc nhưng được sắp trật tự cẩn thận, như tác phẩm Con đường gần L’Estaque (Road near L’Estaque) năm 1908 của ông, hiển nhiên là một tiền thân quan trọng cho sự phát triển của nghệ sĩ theo phong cách Lập thể.

Con đường gần L’Estaque (Road near L’Estaque) năm 1908 bởi Braque

Nghệ thuật Châu Phi

Trong một sự giao nhau đầy thú vị khác vào kỷ nguyên này, những người theo trường phái Dã thú và nhóm của Pablo Picasso đều quan tâm đến nghệ thuật Châu Phi. Chuyến đi đến Morocco của Matisse đã tiếp thu thêm nhiều ý tưởng mới về màu sắc và hoạ tiết đã xuất hiện trong các tác phẩm như Đường màu lục (Chân dung của bà Matisse) (The Green Line (Bức chân dung của Madame Matisse)) (1905) và Bức khoả thân màu lam (Quà lưu niệm của Biskra) (Blue Nude (Souvenir of Biskra)) (1907), với những nét đặc trưng được đơn giản hóa hoàn toàn và những chi tiết góc cạnh được lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc châu Phi. Việc sử dụng nguồn lực nghệ thuật phi-phương Tây này cũng đã có một sự ảnh hưởng sâu sắc lên Picasso thời trẻ, ông bắt đầu kết hợp mặt nạ của người châu Phi và I-bê-ri vào tác phẩm của mình, bao gồm cả một số bức chân dung tự họa và tiêu biểu là Những người phụ nữ Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) (1907).

Đường màu lục (The Green Line) (1905) bởi Henri Matisse

Đến năm 1908, từng người trong nhóm những nghệ sĩ trường phái Dã thú đã mạo hiểm đi theo các hướng riêng: Braque bắt đầu phát triển trường phái Lập thể cùng với Picasso, Derain trong một thời gian ngắn cũng đã làm việc cùng với trường phái này, còn de Vlaminck đi theo xu hướng tối hóa bảng màu và đề tài của mình. Trong khi đó, các nghệ sĩ khác trong nhóm, như Marquet, Dufy, và Rouault, đã bắt đầu làm việc theo những phong cách khác.

Hệ quả

Quyển sách “Những ghi chú của một hoạ sĩ” (“Notes of a Painter“) năm 1908 bởi Henri Matisse

Cuối cùng thì, Fauves đã làm việc cùng nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng mang lại hiệu quả cao, hơn là một school được định nghĩa đầy đủ. Mặc dù họ chưa bao giờ cho ra đời một bản tuyên ngôn nhóm nào để liệt kê ra những mục tiêu nghệ thuật của họ, nhưng “Những ghi chú của một hoạ sĩ” (“Notes of a Painter“) của Matisse, được viết vào năm 1908, đã chính thức hóa nhiều trong số những mục tiêu và mối quan tâm chung của họ, bao gồm cả sự cam kết về biểu hiện cá nhân và bản năng cá thể, cách dùng màu như một yếu tố thị giác độc lập với một hiệu ứng cảm xúc, và sự tái đánh giá bố cục như bề mặt hình ảnh. Thậm chí sau sự tan rã của nhóm, gần như ngay khi bị gọi với cái tên tai tiếng, ý tưởng của trường phái Dã thú và các tác phẩm quan trọng còn sẽ ảnh hưởng đến nghệ thuật hàng thập kỷ sau đó.

Dịch: Olivia Ha

Cùng tác giả

#Tag

dã thú Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…