Trường phái Ấn tượng Mĩ (Phần 1)

Trào lưu sông Hudson đã bắt đầu mở ra sự độc lập cho nghệ thuật Mĩ, trực tiếp thúc đẩy sự ra đời của các trào lưu kế cận như chủ nghĩa Quang chiếu và chủ nghĩa Sắc độ đều là những phong cách hoàn toàn đặc trưng của quốc gia này. Tuy nhiên, tới cuối thế kỷ 19, nước Mỹ lại trở thành nơi tiêu thụ tranh Ấn tượng Pháp nhiều nhất thế giới lúc bấy giờ. Trào lưu Ấn tượng Mĩ cũng ra đời từ đó và chủ nghĩa Hiện đại châu Âu chính thức “xâm nhập” phía bên kia Đại Tây Dương. Trong loạt bài 3 phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về trường phái Ấn tượng Mĩ.

Tóm tắt trường phái Ấn tượng Mĩ

Giống như hầu hết giới nghệ thuật, các họa sĩ người Mĩ cuối thế kỷ 19 cũng choáng váng và kinh ngạc trước màu sắc rực rỡ và nét cọ mạnh mẽ của trường phái Ấn tượng Pháp. Nhưng đến thời điểm thế kỷ này kết thúc, người Mĩ là những người say mê phong cách trường phái Ấn tượng nhất. Lấy cảm hứng từ những cách tiếp cận mới lạ với việc vẽ lại cuộc sống hiện đại thể hiện trong trường phái Ấn tượng Pháp, trường phái Ấn tượng Mĩ tiếp nhận các bảng màu tươi sáng và cọ pháp lỏng tay để miêu tả vẻ đẹp gần gũi của cuộc sống thường ngày của người Mĩ. Dù là nắm bắt thế giới tự nhiên hay năng lượng đô thị, những nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ đã phá vỡ những kỳ vọng truyền thống về nghệ thuật hàn lâm để mở đầu cho phong trào nghệ thuật Hiện đại, phổ biến đầu tiên ở Mĩ.

Nhóm trên thuyền (The Boarting Party) (1893-94) của Mary Cassatt, sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, Mĩ. Cassatt là cầu nối theo nghĩa đen giữa Ấn tượng Mĩ và Pháp – bà là một nghệ sĩ gốc Mĩ đã làm việc trực tiếp trong nhóm Ấn tượng Pháp.

Những ý chính & thành tựu

  • Mặc dù ban đầu, nhiều nghệ sĩ Mĩ bác bỏ lối vẽ lỏng tay của trường phái Ấn tượng Pháp, cuối cùng, họ lại tiếp nhận phong cách này và đã tạo điều kiện cho một cuộc thay đổi cách mạng từ phong cách tuyến tính và những trần thuật kinh điển đã định nghĩa hội họa hàn lâm. Trường phái Ấn tượng đã truyền cảm hứng cho những họa sĩ Mĩ trong cả phong cách và đề tài ghi lại thế giới hiện đại hóa nhanh chóng của họ với sự pha trộn giữa lòng hiếu kỳ và niềm hoài thương.
  • Kết hợp sự tinh tế của châu Âu với chủ đề đặc trưng của Mĩ, trường phái Ấn tượng Mĩ nhanh chóng trở nên phổ biến với số lượng ngày căng tăng các nhà bảo trợ thuộc tầng lớp thượng lưu. Vì các nhà công nghiệp Mĩ xây dựng các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân, trước đó họ đã mua các tác phẩm hội họa Bậc thầy Cổ điển để thể hiện rằng họ có khiếu thẩm mỹ cao; những người theo trường phái Ấn tượng Mĩ là những nghệ sĩ đương thời đầu tiên được người Mĩ được sưu tập với số lượng lớn. 
  • Trường phái Ấn tượng Mĩ được xây dựng dựa trên ví dụ về hội họa phong cảnh được những người theo trường phái sông Hudsonchủ nghĩa Sắc độ thực hành, đặc biệt là sự nhấn mạnh việc hòa mình vào thế giới tự nhiên và chú ý đến ánh sáng và màu sắc. Tuy nhiên, chính mối quan tâm đến cuộc sống hằng ngày và phong cảnh đời thường của họa sĩ Ấn tượng đã đánh dấu sự khác biệt với tầm nhìn siêu nghiệm của hội họa phong cảnh của thế kỷ 19 trước đó.  
  • Họa sĩ trường phái Ấn tượng Mĩ đã bồi dưỡng các tổ chức mới sáng tạo và trưng bày tác phẩm của họ; những đổi mới này tồn tại lâu hơn sự phổ biến của phong cách. Nhiều người trong những giới hội họa và các hiệp hội triển lãm ủng hộ trường phái Ấn tượng Mĩ là quan trọng trong việc mở rộng nghệ thuật Mĩ ra ngoài hội họa hàn lâm. 

Những khởi đầu của trường phái Ấn tượng Mĩ

Một kỷ nguyên mới cho Nghệ thuật Mĩ

Với sự kết thúc của Nội chiến và một kỷ nguyên mới của nước Mĩ phồn vinh mở ra, người giàu bắt đầu xây những ngôi nhà lớn để chứng tỏ sự thành đạt của mình. Để thể hiện rằng mình có gu thẩm mỹ quốc tế, họ đã trang hoàng cho những dinh thự này bằng đồ nội thất và các tác phẩm nghệ thuật nhập khẩu từ châu Âu. Mặc dù các nghệ sĩ người Mĩ như nghệ sĩ trường phái sông Hudson và trường phái Sắc độ đã phát triển những phong cách quốc gia khá riêng biệt, tranh vẽ của họ không có giá cao bằng nghệ thuật châu Âu; nghệ thuật Mĩ không được coi là sành điệu hay tinh tế. Để trở thành một người nghệ sĩ được tôn trọng, người Mĩ cần phải được đào tạo ở những trường nghệ thuật danh tiếng ở London, Paris và tiếp nhận các phong cách hàn lâm được dạy ở đó. 

Những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng Pháp

Tuy nhiên, vào những năm 1870, chủ nghĩa vị hàn lâm bị đe dọa bởi sự xuất hiện của trào lưu tiền tiến, đặc biệt là ở Pháp. Nhóm nghệ sĩ trường phái Ấn tượng lần đầu cùng triển lãm vào năm 1874. Mặc dù phong cách và chủ ý của họ khác nhau, các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng đoàn kết trong việc từ chối Triển lãm Salon ở Paris truyền thống và truyền thống hàn lâm cũ kĩ của nó. Nhìn chung, thẩm mĩ của các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng mới nổi đáng chú ý vì nét cọ phóng khoáng và bố cục màu sắc mang tính thử nghiệm, với một điểm tập trung mới vào hiệu ứng ánh sáng. Thêm vào đó, các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng cũng quan tâm những hiệu ứng quang học hơn là kể chuyện; họ ưu tiên những cảnh đời thường và vẻ đẹp của thiên nhiên hơn là những chủ đề trí thức của hội họa truyền thống.

Tác phẩm Đống cỏ khô – Hiệu ứng tuyết (Haystacks – Snow Effect) (1891) là một trong những bức tranh tiêu biểu của Claude Monet. Ông vẽ theo từng loạt rất nhiều tranh cùng một chủ thể (ở đây là hai đụn cỏ khô) để nắm bắt hiệu ứng khí quyển của ánh sáng trong nhiều điều kiện thời tiết và thời gian khác nhau.

Những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng Mĩ xuất hiện

Thú vị thay, cả những nghệ sĩ người Mĩ đến châu Âu và cả công chúng mua sắm ở Mĩ đều từ chối trường phái Ấn tượng, kể cả khi phong cách này đạt được sự chú ý quan trọng từ giới phê bình Pháp. Người Mĩ, những người đã được truyền bá các nguyên lí của nghệ thuật hàn lâm, nhận thấy trường phái Ấn tượng quá cấp tiến khi bác bỏ mỹ thuật như vậy. Trong phần lớn những năm 1870 và 1880, những nghệ sĩ Mĩ ở châu Âu theo các phong cách hội họa truyền thống hơn, mà lúc bấy giờ vẫn còn nổi tiếng (và bán được) ở quê nhà. Những thập kỉ này chứng kiến những bước khởi đầu của một thị trường nghệ thuật sôi động hơn ở Mĩ, nơi ngày càng nhiều nhà buôn nghệ thuật trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ Mĩ và những cái tên đã nổi từ châu Âu. Thị trường này ưa chuộng những nghệ sĩ đưa ra phiên bản Mĩ của những xu hướng hội họa châu Âu, tạo sự dung hòa giữa tính dân tộc và tính quốc tế. Trong những năm này, một số tạp chí và ấn phẩm nghệ thuật định kì đã được thành lập, tạo điều kiện cho cả những người sành sỏi và nghiệp dư theo dõi sự phát triển của nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Bức Hoà âm mùa đông (Winter Harmony) (kh. 1890-1900) của John Twatchman là một trong nhiều mô tả về trang trại của ông gần Greenwich, Connecticut. Giống như Monet, Twatchman vẽ những cảnh trí với trọng tâm ở hiệu ứng ánh sáng và màu sắc.

Theo thời gian, sự do dự của người Mĩ đối với trường phái Ấn tượng bắt đầu dịu đi, đặc biệt khi người xem dần trở nên quen với sự trừu tượng của phong cách này. Một vài nghệ sĩ dũng cảm người Mĩ thuộc số những người nước ngoài đầu tiên tiếp nhận sự cải tiến của trường phái Ấn tượng Pháp (đáng chú ý như Mary Cassatt, John Singer Sargent, và James Abbott McNeill Whistler) và các tác phẩm của họ trở nên nổi tiếng ở quê nhà. Sau đó, khi các tác phẩm của các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng Pháp cập bến nước Mĩ, họ tìm thấy sự hỗ trợ từ trong một nhóm nhỏ những người Mĩ là những người đầu tiên mua tranh thuộc phong cách này với số lượng lớn.

Những nghệ sĩ Mĩ ở châu Âu

Trong khi hầu hết những nghệ sĩ Mĩ ban đầu chối bỏ phong cách Ấn tượng, vẫn có vài trường hợp ngoại lệ chính. Whistler và Sargent tìm thấy trong trường phái Ấn tượng có một phương pháp tương tự với cách họ tự khám phá màu sắc và các chủ đề thường ngày khác. Sinh ra là người Mĩ, Whistler dành hầu hết sự nghiệp ở London, nhưng ông vẫn duy trì kết nối sâu sắc với Paris, nơi ông được đào tạo. Ông thậm chí có được Edgar Degas mời trưng bày tác phẩm của mình tại triển lãm trường phái Ấn tượng Pháp đầu tiên năm 1874, (một lời mời mà Whistler đã từ chối). Whistler có một vài nhà bảo trợ quan trọng và những người quen có tầm ảnh hưởng ở Mĩ, trong đó bao gồm họa sĩ William Merritt Chase. Sargent, một người Mĩ khác được đào tạo ở Mĩ và sống ở London, cũng là một cầu nối giữa trường phái Ấn tượng với khán giá Mĩ. Sargent thực hiện một vài chuyến đi chuyên nghiệp đến Mĩ, nơi ông đã vẽ một số bức chân dung và tác phẩm theo trường phái Ấn tượng được đón nhận khá tốt.

Vì cả Whistler và Sargent đều không hoàn toàn theo phong trào Ấn tượng, mà lại thích duy trì sự độc lập của mình, Mary Cassatt trở thành nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ đầu tiên và đáng chú ý nhất, với đóng góp làm phong cách này nổi tiếng. Sinh ra ở Pennsylvania, bà chuyển đến Paris vào năm 1866 nơi bà gắn bó chặt chẽ với phong trào Ấn tượng ở châu Âu và kết giao gần gũi nhất với Degas. Bà trưng bày các tác phẩm với nhóm Ấn tượng vài lần và ở Pháp cho đến khi qua đời vào năm 1926. Việc bán các bức tranh của bà cho các khách hàng người Mĩ đã tác động rất lớn vào nhu cầu mua các tác phẩm trường phái Ấn tượng tại Mĩ.

Bức Mùa hè (Summertime) (1884) của Cassatt

Trường phái Ấn tượng được chấp nhận

Trường phái Ấn tượng trở nên thời thượng ở Mĩ hơn vào những năm 1880, khi nhiều nghệ sĩ tiếp nhận thẩm mỹ và chủ đề của nó. Nhiều nghệ sĩ Mĩ sống cuộc sống ở đô thị, đến châu Âu thường xuyên để xem triển lãm và khám phá các kĩ thuật và xu hướng mới. Một việc cũng rất quan trọng đó là người buôn tranh giàu sức ảnh hưởng Paul Durand-Ruel đã làm bạn với Claude Monet và ủng hộ những nghệ sĩ thuộc trường phái này nhiều năm. Trước đây, ông đã từng xuất khẩu trường phái Ấn tượng đến London, nơi phòng tranh của ông mở rộng vào năm 1870. Durand-Ruel đã tổ chức buổi triển lãm nghệ thuật Ấn tượng đầu tiên ở Mĩ năm 1883, mang các tác phẩm của Manet, Monet, Renoi và Pissarro tới Boston. Chứng kiến sự gia tăng của số lượng nhà sưu tầm nghệ thuật ở thị trường Mĩ, năm 1886, Durand-Ruel tổ chức một triển lãm tương tự nhưng lớn hơn ở thành phố New York. Buổi biểu diễn đó đã gây chấn động, khiến các nghệ sĩ, nhà sưu tập và nhà phê bình phải xem xét lại sự phản đối ban đầu của họ đối với phong cách này.

Bức Ngay gần đại lộ, phố 55 (Just Off the Avenue, Fifty-Third Street) (1916) thể hiện một bối cảnh Mỹ theo phong cách trường phái Ấn tượng

Trường phái Ấn tượng nhanh chóng trở thành một phong cách nổi tiếng, với thẩm mỹ đa dạng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ Mĩ thử nghiệm các nguyên tắc của phong trào và điều chỉnh theo chủ đề và khán giả Mĩ. Các nghệ sĩ như William Merritt Chase, Edmund C Tarbell và Childe Hassam đã vẽ công viên, vườn và vùng nông thôn quanh New York và Boston, thêm vào phong cách châu Âu này một sự nhạy cảm dễ nhận biết mang tính Mĩ.

Thuộc địa của các nghệ sĩ ở Đông Bắc

Trong những năm 1890, một số thuộc địa của nghệ sĩ được thành lập; trường phái Ấn tượng Mĩ nở rộ ở những vùng đất phóng túng. Khi làm việc trong những ngôi làng hợp tác này, các nghệ sĩ học hỏi lẫn nhau, cùng chia sẻ các ý tưởng và tài nguyên. Chúng thường được thành lập ở những nơi có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời, nhưng trong phạm vi dễ di chuyển từ một thành phố lớn nơi tác phẩm có thể được trưng bày và bán.

Ao hoa súng tại nhà của Claude Monet ở Giverny. Làm việc giữa những môi trường thiên nhiên tràn đầy cảm hứng rất quan trọng với nghệ sĩ vẽ theo phong cách Ấn tượng. Ảnh: Ariane Cauderlier.

Những nhóm nghệ sĩ đáng chú ý tụ họp ở New Hope, Pennsylvania, và tại Cos Cob và Old Lyme ở Connecticut, cũng như Long Island của New York. Ở phía bên kia nước Mĩ, những nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ cũng làm việc tại Carmel và Biển Laguna ở California. Nhiều thuộc địa này được truyền cảm hứng từ khu vườn và xưởng vẽ nổi tiếng của Monet tại Giverny, Pháp, nơi đã trở thành địa điểm hành hương đối với nhiều nghệ sĩ Mĩ. Đôi khi, những nhà bảo trợ và sưu tầm giàu có mời các nghệ sĩ đến nhà của họ ở nông thôn, dẫn đến sự thành lập các nhóm nhỏ hơn, như gia đình Blaney đã mời Childe Hassam, John Singer Sargent, và John Leslie Brek ở Đảo Ironbound ở Maine.

Mười họa sĩ người Mĩ

Hàng sau (đứng), trái qua phải: Chase, Benson, Tarbell, Dewing, DeCamp. Hàng trước (ngồi), trái qua phải: Simmons, Metcalf, Hassam, Weir, Reid. Ảnh chụp năm 1908

Trường phái Ấn tượng Mĩ được tổ chức lần đầu là một phong trào với sự thành lập của nhóm Mười người (The Ten), một nhóm các họa sĩ chống đối Hội Những Nghệ sĩ Mĩ (Society of American Artists) truyền thống hơn. Vào tháng Một năm 1898, họ tuyên bố rút khỏi Hội, sau khi những người theo trường phái Ấn tượng Pháp từ chối triển lãm Salon chính thức. Nhóm Mười người bao gồm Childe Hassam, J. Alden Weir, John Twatchman, Robert Reid, Willard Metcalf, Frank W. Benson, Edmund C. Tarbell, Thomas W. Dewing, Joseph R. De Camp, và Edward Simmons. William Merritt Chase cũng gia nhập nhóm vài năm sau đó. Mặc dù một số trong những nghệ sĩ này ít nổi trội hơn, và một số nghệ sĩ Ấn tượng Mĩ chủ chốt (chẳng hạn như những người sinh sống ở châu Âu) nằm ngoài nhóm, nhóm vẫn đã tạo ra một địa điểm tập trung cho trường phái Ấn tượng Mĩ như một trào lưu.

Nguyên bản tiếng Anh do Anna Souter tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trường phái Ấn tượng Mỹ

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…