Chủ nghĩa Sắc độ/Tonalism (Phần 1)

Kế thừa di sản và cộng hưởng từ trường phái Sông Hudson và chủ nghĩa Quang chiếu, các nghệ sĩ chủ nghĩa Sắc độ tiếp tục đẩy xa thành công của hội hoạ phong cảnh Mỹ vào thế kỷ 19. Đặc biệt, quan điểm tiếp cận việc bố cục các yếu tố hội hoạ như biên soạn các nốt nhạc trong một bản nhạc và đan cài các tầng nghĩa biểu tượng vào phong cảnh của trào lưu đã góp phần mở ra xu hướng trừu tượng tiêu biểu cho chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật thế kỷ 20. Chúng ta sẽ tìm hiểu chủ nghĩa Sắc độ trong loạt bài 3 phần.

  • Chúng ta không nên vẽ những lớp sơn dày. Sơn màu cần phải như một hơi thở lưu dấu trên một mặt kính.” – James Abbott McNeill Whistler
  • Công dụng thực sự của nghệ thuật, trước hết, là nuôi dưỡng bản chất tâm linh của nghệ sĩ.” – George Inness
  • Một tác phẩm nghệ thuật không nhằm hướng dẫn hay chỉnh sửa một cảm xúc, mà để làm thức tỉnh nó.” – George Inness

Tóm lược về chủ nghĩa Sắc độ (Tonalism)

Chỉ làm việc với một bảng màu được tuyển chọn cẩn thận, gồm các màu có liên quan chặt chẽ với nhau, những người theo chủ nghĩa Sắc độ mong muốn mô phỏng tính nhạc và truyền cảm hứng cho việc chiêm nghiệm. Bằng cách sắp xếp các màu sắc và hình khối, họ tin rằng phong cảnh có thể khơi lên cảm xúc và gợi tới sự hài hòa vũ trụ sâu sắc. Cách phối màu nhẹ nhàng và những đường viền được vẽ một cách mềm mại của họ nhanh chóng trở nên phổ biến, tạo ảnh hưởng đến các nhạc sĩ và nhà thơ.

Không giống như những người cùng thời, chẳng hạn như những người theo chủ nghĩa Quang chiếuchủ nghĩa Ấn tượng, những người theo chủ nghĩa Sắc độ ưa chuộng những bảng màu lạnh và thường chọn những cảnh về đêm hay những cảnh khiêm tốn về sự yên tĩnh mang tính chiêm nghiệm. Sự đơn giản và lưu tâm đến bố cục được tìm thấy trong chủ nghĩa Sắc độ đã góp phần tạo nên những dạng trừu tượng rồi sẽ phát triển trong chủ nghĩa Hiện đại Mỹ thế kỷ 20.

Nhà ở Montclair (Home at Montclair) (1892) của George Inness – Bảo tàng The Clark, Massachusetts,

Những ý tưởng và thành tựu chính

  • Lấy cảm hứng từ các chiến lược soạn nhạc, những người theo trường phái Sắc độ đã phát triển các lý thuyết về màu sắc và nét mà họ tin là nâng cao tiềm năng biểu tượng của tranh phong cảnh. Theo gương các nghệ sĩ trường phái Sông Hudson, họ sắp xếp lại các yếu tố của thế giới quan sát được để truyền tải sự hài hòa âm nhạc và hình ảnh một cách tốt hơn.
  • Các họa sĩ theo chủ nghĩa Sắc độ đã nhấn mạnh vào cả các thành phần tạo hình trong tác phẩm – màu, nét, hình dạng – và ý nghĩa biểu tượng truyền tải đến người xem. Bỏ qua tường thuật như một phương tiện giao tiếp tâm linh, tấm gương của họ đã trở thành phương tiện cho sự phát triển của tính trừu tượng đầu thế kỷ 20.
  • Thẩm mỹ trong hội hoạ Sắc độ đã thu hút các nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa Như hoạ muốn thiết lập nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật. Bằng các xử lí đặc biệt khi phơi sáng và in ảnh, những nhiếp ảnh gia này đã có thể mô phỏng các hiệu ứng bầu không khí và các tương quan sắc độ định hình phong cách này. Việc nhấn mạnh vào quy trình này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia, ngay cả sau khi phong cách Như hoạ không còn phổ biến.

Những khởi nguồn của chủ nghĩa Sắc độ

Để bắt đầu: Định nghĩa chủ nghĩa Sắc độ

Thuật ngữ chủ nghĩa Sắc Độ mô tả một phong cách nghệ thuật của Mỹ chủ yếu tập trung vào việc miêu tả cảnh vật, nhấn mạnh vào các giá trị sắc độ để thể hiện tâm trạng hoặc cảm xúc thơ mộng. Nguyên gốc của nó bắt nguồn từ những năm 1870, khi James McNeill Whistler, một nhà tiên phong rồi sẽ được gắn liền với phong cách này, bắt đầu sử dụng các thuật ngữ âm nhạc như “dạ khúc” để đặt tên cho tác phẩm của mình. Tại thời điểm này, ông bắt đầu xem những bức tranh như thể chúng là các tác phẩm âm nhạc, sắp xếp giá trị sắc độ và màu như một nhạc sĩ sắp xếp một loạt các nốt nhạc liên quan tới nhau. Phong cách này nhanh chóng được chấp nhận: vào những năm 1890, thuật ngữ “Trường phái Sắc độ” (Tonal School) được sử dụng để mô tả những nghệ sĩ nhấn mạnh các bảng màu với màu tương tự nhau và vào năm 1910, nhà phê bình hiện đại Sadakichi Hartmann viết, “Sắc độ là lý tưởng của họa sĩ hiện đại. Nó là tham vọng cao nhất của họ. Nó là thứ mạnh mẽ khuất phục tất cả những điều bất hợp lý của nghệ thuật hiện đại.” Tuy nhiên, chỉ không lâu sau, phong trào này bắt đầu mất độ phổ biến, bị thay thế bởi các cách tiếp cận chủ nghĩa Hiện đại trừu tượng hơn.

Những phát triển ban đầu

Vào những năm 1870, một số xu hướng bắt đầu hội tụ và hình thành nên phong trào được biết đến là chủ nghĩa Sắc độ, bao gồm mô hình của Trường phái Barbizon (như được thể hiện trong các bức tranh của George Inness [1825-1894]), phong trào Thẩm mỹ và tranh in mộc bản Nhật (phản ánh trong tác phẩm của James Abbott McNeil Whistler [1834-1903]), và chủ nghĩa Biểu tượng (được Albert Pinkham Ryder [1847-1917] đón nhận). Ba yếu tố độc lập này đại diện cho ba phương pháp tiếp cận khác nhau, nhưng được thống nhất bởi những mối quan tâm về phong cách đối với tính tranh đầy không gian và sự hài hoà của các sắc độ gần nhau.

Constance (k. giữa 1880 – giữa 1890) của Albert Pinkham Ryder – Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Boston, Mỹ

James Abbott McNeill Whistler

Là một người dẫn dắt trường phái Thẩm mỹ và ủng hộ nhiệt thành “nghệ thuật vị nghệ thuật”, Whistler trở nên nổi tiếng với bức tranh Giao hưởng tông trắng số 1: Cô gái bận đồ trắng của mình. Dù Whistler là người gốc Mỹ và bấy giờ đang sống ở London, bức tranh của ông thu hút sự chú ý nhiều nhất khi nó được trưng bày tại Salon des Refusés (Triển lãm những tác phẩm bị từ chối) năm 1863 tại Paris. Tại đây, nó gây ra tranh cãi vì cách thể hiện một cô gái trẻ đang thách thức quy định xã hội, nhưng cũng vì tính thẩm mỹ của nó mà chối bỏ tiêu chuẩn học thuật truyền thống về hình thức và hoàn thiện. 

Một cách trực quan, bức tranh Giao hưởng tông trắng số 1: Cô gái bận đồ trắng (Symphony in White No. 1: The White Girl) (1862) của Whistler cho thấy ảnh hưởng của trường phái Thẩm mỹ và Hội huynh đệ tiền-Raphael, nhưng tiêu đề mang tính nhạc của nó và việc nhấn mạnh các biến thể sắc độ của màu trắng đã tiền định hình phong cách chủ nghĩa Sắc độ của Whistler.

Thay vào đó, tác phẩm của Whistler, giống như tác phẩm của một nhân vật đương thời, Édouard Manet, tập trung vào những mối quan tâm hình thức của chính việc vẽ tranh, ưu tiên hài hoà màu sắc và bề mặt mang tính trang trí, phẳng hơn là các hiệu ứng ảo ảnh và tường thuật quy mô. Với danh tiếng là một kẻ nổi loạn hiện đại, Whistler trở thành họa sĩ Mỹ nổi tiếng nhất trong thời đại của mình. Các họa sĩ, sinh viên, và những người sưu tầm nghệ thuật của Mỹ tìm đến ông ở London, sau đó, ở Paris, và Venice.

Trong bức chân dung vẽ James Abbott McNeill Whistler (1885) của William Merritt Chase, việc ông sử dụng phong cách của chính Whistler để chế nhạo nghệ sĩ một cách tinh quái đã kết thúc tình bạn thân thiết giữa hai người. 

Từ vị trí có quyền lực và sức ảnh hưởng, những thử nghiệm tiếp theo của Whistler đã ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ cuối thế kỷ 19 tại Mỹ. Các cảnh đêm của ông trên sông Thames, ban đầu có tiêu đề “ánh trăng”, sau đó là “dạ khúc”, nhấn mạnh sự xử lý sắc độ mang tính không gian, sử dụng bảng màu xanh lam và xanh lục trầm. Whistler trở thành một người nổi tiếng, được biết đến không chỉ vì tác phẩm của mình mà còn vì hiện diện xã hội, sự hóm hỉnh và việc tham gia công khai của ông vào những cuộc tranh luận nghệ thuật. Đáng chú ý nhất, vào năm 1877, ông đã kiện nhà phê bình nghệ thuật John Ruskin vì tội phỉ báng. Ruskin đã viết một bài phê bình về tác phẩm Dạ khúc tông Đen và Vàng: Tên lửa rơi, khẳng định rằng “sự tự phụ kém học thức của nghệ sĩ…gần như tiệm cận sự giả dối cố ý” và mô tả bức tranh như “một cái nồi sơn” bị ném “thẳng vào mặt công chúng“. Mặc dù Whistler đã thắng kiện, nhưng chỉ là chiến thắng về mặt đạo đức: ông được trao đúng một xu tiền bồi thường, chi phí của phiên tòa đã khiến ông gần như phá sản, và danh tiếng tiêu cực đã đuổi đi mọi nhà bảo trợ tiềm năng.

Dạ khúc tông Đen và Vàng: Tên lửa rơi (Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket) (k. 1872-77) – Viện Nghệ thuật Detroit, Detroit, Mỹ. Sơn dầu trên toan

Đối với Whistler, những sự tương tự giữa bố cục trong âm nhạc và hội họa là trung tâm cho tác phẩm của ông. Các tiêu đề của bức tranh của ông, thường được sắp xếp theo chuỗi hoặc sự suy ngẫm về cùng một chủ đề, dựa trực tiếp vào thực hành đánh số của các phối khí âm nhạc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tính toán chính xác của sự hài hòa màu sắc và các mô típ lặp của nét và hình thức, mà ông tin rằng hoạt động một cách trực quan như các giai điệu và hoà âm trong âm nhạc, tạo ra hình ảnh tinh thần hoặc cảm xúc cho khán giả. Khát vọng với tính âm nhạc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều người theo sau, những người tìm kiếm một con đường rời xa mô phỏng nhưng muốn duy trì một chủ đề ý nghĩa và kết nối với người xem.

Như thường thấy vào cuối thế kỷ 19, Whistler đã bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật Nhật Bản. Nhưng, không giống như nhiều người cùng thời, ông không đơn thuần chỉ kết hợp những trang trí của chủ nghĩa Nhật Bản (Japonism) vào tác phẩm của mình. Thay vào đó, Whistler đã tiếp nhận các chiến lược cấu trúc của các bản in Ukiyo-e Nhật. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa các yếu tố riêng lẻ của cảnh, nhấn mạnh mô típ lặp và thể hiện cảnh bình minh hoặc đêm với bảng màu trầm của xanh lam và xanh lục. Những người theo chủ nghĩa Sắc độ, như John Henry Twachtman, Arthur F. Matthews và Dwight Tryon, đã chịu ảnh hưởng lớn bởi cách tiếp cận của Whistler và những yếu tố này trở thành mô típ trung tâm cho phong cách mới.

George Inness 

Bức ảnh chân dung George Inness (1890) của E. S. Bennett cho thấy nghệ sĩ trong phòng làm việc của mình, vây quanh bởi những phong cảnh mà khiến ông được ca ngợi. 

Ban đầu liên kết với trường phái Sông Hudson, George Inness sau đó chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm của trường phái Barbizon trong những chuyến du lịch của mình ở châu Âu. Cụ thể, ông cảm thấy một sự đồng điệu với các tác phẩm của Théodore Rousseau – những bức tranh phong cảnh kết hợp chi tiết tự nhiên với chủ nghĩa Lãng mạn. Ý niệm nhúng nội dung cảm xúc vào phong cảnh này trở thành một điểm tập trung của Inness, vì ông tin rằng các đặc tính hình thức của một bức tranh chỉ quan trọng khi là một biểu hiện của tinh thần. Ông muốn sử dụng những yếu tố hình thức của nét và màu sắc để tạo ra những cảnh quan của bầu không khí tâm trạng. Các chủ đề đơn giản và cách vẽ biểu cảm của các nghệ sĩ Barbizon cũng được nối tiếp trong phong cách trường phái Sắc Độ mới.

Albert Pinkham Ryder

Bức chân dung Albert Pinkham Ryder (1938) của Marsden Hartley kết hợp bảng màu thuộc trường phái Sắc độ của Ryder với phong cách nổi bật của riêng tác giả để tạo nên một bức chân dung giống linh ảnh (icon) của người nghệ sĩ đã truyền cảm hứng cho loạt tranh phong cảnh của Hartley năm 1909.

Trường phái Barbizon cũng là một ảnh hưởng sớm đối với Albert Pinkam Ryder; bức Phong cảnh với gia súc (Landscape with Cattle) (khoảng 1886) của ông cho thấy một cảnh quan nông thôn Barbizon điển hình với gia súc đang gặm cỏ, nhưng thêm một mức độ gợi ý biểu tượng và bí ẩn thông qua bảng màu và ánh sáng. Khác với nhiều đồng nghiệp của mình, Ryder thích những câu chuyện thần thoại được đặt trong một cảnh quan thuộc trường phái Sắc Độ, như bức tranh Siegfried và những trinh nữ vùng Rhine (Siegfried and the Rhine maidens) (1888-1891) của ông. Các cảnh quan ảm đạm và đôi khi bí ẩn của Ryder đã giới thiệu một yếu tố mang tính chủ nghĩa Biểu tượng hơn vào chủ nghĩa Sắc độ; những người theo ông, bao gồm Inness, thường sử dụng bảng màu của họ để gợi lên một thế giới không biết rõ hoặc huyền bí. Với cách tiếp cận này, cảnh quan đã vượt ra khỏi những miêu tả tự nhiên để trở thành những giấc mơ nội tại huyền bí, và một hình tượng nhân vật duy nhất trở thành biểu tượng của sự cô đơn và sự hiện diện huyền bí như thấy trong Mặt trời mọc (Sunrise) (1887) của Inness.

Siegfried và những trinh nữ vùng Rhine của Ryder – Bộ sưu tập Andrew W. Mellon. Sơn dầu trên toan
Mặt trời mọc của Inness – Bảo tảng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan

Tiếp nhận phê bình và xã hội

Charles de Kay, một tiểu thuyết gia, nhà thơ, và nhà phê bình nghệ thuật cho New York Times, đã đóng vai trò chính trong việc quảng bá phong cách thuộc chủ nghĩa Sắc độ, mặc dù thuật ngữ mà ông thường sử dụng nhất là “chủ nghĩa vị màu sắc” (colorism). Ông tin rằng hội họa phong cảnh biểu hiện một tinh thần và tâm linh đặc trưng của người Mỹ, và ca ngợi các tác phẩm của Ryder cũng như Inness với gốc rễ nằm trong giá trị quốc gia. Dựa trên những giải thích về trường phái Sông Hudson, de Kay đã quảng bá tranh phong cảnh thuộc trường phái Sắc Độ như một biểu hiện của lòng yêu nước, viết “Những người Mỹ đã bị khuất phục trước những điều đáng kinh ngạc mà họ gặp phải khi đến châu Âu trở nên mù quáng không thấy được những sản phẩm mà đất nước họ tạo ra, cũng đẹp như và trong nhiều trường hợp còn tốt hơn so với các sản phẩm của bàn tay châu Âu.

Chân dung Charles de Kay

Những họa sĩ thuộc chủ nghĩa Sắc độ tại Mỹ tạo thành một nhóm khá đóng, vì nhiều người trong số họ có xưởng làm việc tại New York, thuộc Hội Nghệ sĩ Mỹ, Viện Hàn lâm Thiết kế Quốc gia, và thường xuyên tới các địa điểm giao lưu xã hội như Lotus Club, The Century Club, và Salmagundi Club. Do đó, phong cách này khá thống nhất và nhanh chóng trở nên phổ biến với các khách hàng tầng lớp trung lưu. Đến cuối thế kỷ 19, tuy nhiên, phong cách này đã được sao chép rộng rãi đến mức một số nhà văn bắt đầu chế giễu những tông màu mùa thu phổ biến của nó bằng những cái tên như trường phái “táo nướng” hay “nước sốt nâu”.

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa sắc độ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tonalism

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…