Chủ nghĩa Quang chiếu/ Luminism (Phần 1)

Trong loạt bài hai phần, chúng ta tìm hiểu về một trong các phong cách hội hoạ phong cảnh riêng của nước Mỹ – chủ nghĩa Quang chiếu (Luminism). Phong cách này lùi xa khỏi những cảnh Trác tuyệt đậm chất lục địa thường thấy trong những tác phẩm vẽ lại vùng hoang dã rộng lớn của nước Mỹ trước đó và cùng thời. Thay vào đó, chủ nghĩa Quang chiếu khai thác hiệu ứng ánh sáng lan toả tới tối đa với kỹ thuật xuất chúng, tạo ra những bức tranh thân mật đầy tĩnh lặng và nhuốm màu linh thiêng.

  • Xưởng của một hoạ sĩ nên ở bất cứ đâu.” – William Sidney Mount
  • Cái đẹp bao chứa sự đa dạng vô tận. Không chỉ có cái đẹp trong sự đối xứng và hình thức duyên dáng, tuổi trẻ và sức khoẻ, mà thường cũng trọn vẹn ngay cả trong tuổi già mục nát. Ta có thể tìm thấy cái đẹp trong thôn trang của nông dân và trong cung điện của hoàng đế.” – George Caleb Bingham

Tổng quan về chủ nghĩa Quang chiếu (Luminism)

Vào thời điểm ngay trước khi Nội chiến Mỹ bùng nổ, một vài họa sĩ phong cảnh đã bỏ qua những cảnh tượng hoành tráng, ấn tượng của vùng hoang dã Hoa Kỳ để vẽ những bức hoạ nhỏ và yên tĩnh hơn. Phong cách Quang chiếu có khá nhiều điểm tương đồng so với những tác phẩm theo chủ nghĩa Siêu nghiệm (Transcendentalism) của Ralph Waldo Emerson và Henry David Thoreau, với quan điểm rằng con người hoà mình vào thiên nhiên để tìm hiểu chính mình và sự thần linh. 

Tuy các nghệ sĩ không cùng nhau thành lập một phong trào thống nhất, nhưng họ đều theo đuổi chung những xu hướng nghệ thuật. Điểm nhấn trên các bức tranh của Chủ nghĩa Quang chiếu là cách tả sáng như một thứ ánh sáng đồng nhất lan toả lên toàn bộ khung cảnh, hoàn toàn không để lộ nét cọ của nghệ sĩ, và do vậy duy trì một bề mặt tĩnh lặng và gần như phi cá nhân. Tới nay, phong cách nghệ thuật đặc trưng Mỹ này vẫn tiếp tục tạo ảnh hưởng tới hội hoạ phong cảnh đương đại.

Thợ xẻ gỗ vào buổi tối trên vịnh Penobscot (Lumber Schooners at Evening on Penobscot Bay) (1863) – Fitz Henry Lane. Sơn dầu trên toan. Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mỹ, Washington DC, Mỹ

Những ý tưởng và thành tựu chính

  • Mặc dù phần nào bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Lãng mạn, các tác phẩm của trường phái Quang chiếu không có xu hướng miêu tả thiên nhiên hùng vĩ, huy hoàng, cũng không truyền tải cảm giác trác tuyệt ngoài sức tưởng tượng hay đem đến nỗi kinh hãi. Thay vào đó, kích thước khiêm tốn của bức tranh cùng với việc quan sát các hiện tượng tự nhiên một cách kỹ lưỡng, nhất là về đặc tính của ánh sáng, gợi lên tính tâm linh tĩnh lặng.
  • Thứ ánh sáng trong những tác phẩm của chủ nghĩa Quang chiếu vô cùng đặc trưng. Nó thường dịu mát và “cứng”, gần như chạm vào được. Các hoạ sĩ sử dụng các điều chỉnh tinh vi về sắc độ để tạo ra hiệu ứng ánh sáng rực rỡ chứ không thể hiện qua những nét cọ.
  • Bố cục của các tác phẩm thuộc trường phái Quang chiếu rất có hệ thống, nhấn mạnh sự mở rộng theo chiều ngang của không gian, với độ lùi sâu. Phần mặt tranh được thực hiện một cách chính xác, không hề xuất hiện dù chỉ là một vết nét cọ. Sự rõ ràng của bề mặt hình ảnh tạo nên một khoảng lặng nhất định cho khung cảnh, đồng thời cũng giúp người xem liên kết hơn với cảnh thiên nhiên trước mắt. 

Những khởi đầu của chủ nghĩa Quang chiếu

Định nghĩa chủ nghĩa Quang chiếu (Luminism)

Chủ nghĩa Quang chiếu chỉ tới một loại hội hoạ phong cảnh Mỹ đã trở nên nổi bật nhất vào những năm 1850 và kéo dài cho tới những năm 1870. Các nghệ sĩ liên quan tới trường phái Sông Hudson cũng đã thực hành loại nghệ thuật này. Tuy nhiên, họ không tự định danh mình là các nhà Quang chiếu chủ nghĩa, mà khái niệm Quang chiếu là do nhà sử học nghệ thuật và giám đốc của Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney John I. H. Baur định ra vào năm 1954. Ông sử dụng khái niệm này để mô tả những bức phong cảnh tự nhiên, thường là cảnh biển hay sông, nhấn mạnh vào việc xử trí ánh sáng để tạo ra một hiệu ứng toả sáng và mang tính chiêm nghiệm. Bauer đã định nghĩa tác phẩm Quang chiếu là “một chủ nghĩa hiện thực bóng bẩy và tỉ mỉ, trong đó không có dấu vết của nét cọ hay chủ nghĩa ấn tượng, các hiệu ứng bầu không khí đạt được bằng cách chuyển sắc độ cực kỳ cẩn thận, bằng nghiên cứu chính xác nhất về tương quan độ rõ nét của các vật thể xa-gần, bằng chiết xuất chính xác của các biến thể về kết cấu chất liệu, và bằng màu sắc được tạo ra bởi các tia sáng trực tiếp hoặc phản xạ.

Chân dung John I. H. Baur do Alice Neel vẽ năm 1974. Baur là một chuyên gia thực thụ về nghệ thuật Mỹ và đã có nhiều đóng góp cho nhiều bảo tàng tại Mỹ trong thời gian làm giám tuyển và giám đốc nghệ thuật

Các phát triển ban đầu

Các hoạ sĩ phát triển phong cách mà rồi sẽ được gọi là chủ nghĩa Quang chiếu có nền tảng và đào tạo khác nhau. Nhà sử học nghệ thuật Barbara Novak, tác giả cuốn Nature and Culture: American Landscape and Painting 1825-1875 (Thiên nhiên và văn hoá: Phong cảnh và hội hoạ nước Mỹ 1825-1875) (1980) đã định nghĩa và nâng cao sự công nhận của chủ nghĩa Quang chiếu, viết rằng những khởi nguồn của trào lưu là “huyền bí” và rằng trào lưu ấy là “một trong những phong cách bản địa đích thực nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại.”

Dù thiếu một nguồn gốc xác định, chủ nghĩa Quang chiếu vẫn phản ánh một số nguồn ảnh hưởng, đáng chú ý nhất là hội hoạ Hà Lan thế kỷ 17, thể loại nghệ thuật ngây thơ (naïve art) của Mỹ thế kỷ 19, triết lý của chủ nghĩa Siêu nghiệm, và nhiếp ảnh cũng như tranh in. Sự phát triển của phong cách Quang chiếu có thể được thấy trước hết trong các tác phẩm của George Harvey và các nghệ sĩ tranh sinh hoạt như George Caleb Bingham và William Sidney Mount, và đạt tới độ chín muồi trong các tác phẩm của các bậc thầy phong cảnh đáng chú ý như Fitz Hugh Lane, Martin Johnson Heade, Sanford, và John R. Kensett.

George Harvey: Các phong cảnh bầu không khí tâm trạng

Harvey, một nghệ sĩ người anh nổi tiếng với việc vẽ các bức hoạ chân dung và phong cảnh thu nhỏ, đã đến Mỹ vào năm 1820 để tìm kiếm vận may và bắt đầu kết nối với cộng đồng nghệ thuật và văn học ở New York. Từ đây, ông trở nên hứng thú với cái mà ông gọi là “những hiệu ứng bầu không khí luôn thay đổi” của phong cảnh Bắc Mỹ. Từ năm 1830, ông bắt đầu làm việc với chuỗi tranh màu nước Những phong cảnh không khí tâm trạng của Bắc Mỹ (Atmostpheric Landscapes of North America) mà sẽ kéo dài tới đầu những năm 1840.

Mục đích của ông là thể hiện cái được ông gọi là “tiến trình của một ngày“, bằng cách tập trung vào một số khu vực nhất định trong các mùa khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày. Ông chịu ảnh hưởng bởi các ý tưởng của Thomas Cole về thiên nhiên là tuần hoàn như thể hiện trong chuỗi tranh Tiến trình của Đế chế, cũng như dựa trên các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng gắn với trường phái Sông Hudson. Ví dụ, bức Bình minh: Mưu mẹo của Vớ-Da (​​Daybreak: Leather-stocking’s Expedient) (khoảng những năm 1830-40) kết hợp phong cảnh không khí tâm trạng với một cảnh trong tiểu thuyết The Prairie (Thảo nguyên) (1827). 

Bức Bình minh: Mưu mẹo của Vớ-Da. Màu nước, mực đen, màu goát, và sơn men trên than chì trên giấy bồi trên bìa xám. Bức tranh vẽ cảnh Vớ-Da, hay Mắt-Diều-Hâu, hay Kẻ-Săn-Hươu đang đốt lửa trên đồng cỏ xuyên Mississipi để thoát khỏi sự vây hãm của một nhóm người da đỏ Sioux – những kẻ đã đốt một đống lửa khác nhìn thấy được ở phía xa trong bức tranh.

Vào năm 1841, Harvey xuất bản cuốn Atmospheric Landscapes (1841) kết hợp các bức màu nước với các bản in khắc a-xít của các bức phong cảnh của ông do William J. Bennett in, và ông trưng bày các bức sơn dầu và màu nước vào năm 1842 ở Học viện Quốc gia ở New York. Để chạm tới một đám khán giả lớn hơn, sau đó, ông đã tái hiện các hình ảnh của mình trên các tấm kính dùng xem trong một thiết bị gọi là “lồng đèn ma thuật” (magic lantern), và mang giới thiệu trong các chuyến du diễn quanh nước Anh và Mỹ. Nhờ đó, các tác phẩm của ông thu hút được sự chú ý của các nghệ sĩ liên quan tới trào lưu trường phái Sông Hudson.

Về cơ bản, “lồng đèn ma thuật” là một thiết bị trình chiếu hình ảnh. Nguồn sáng phát ánh sáng đi qua các tấm trong suốt (thường làm bằng kính) có chứa hình ảnh tranh, bản in, ảnh chụp… và hệ thống ống kính tạo ra một hình ảnh trình chiếu.

Thế hệ thứ hai của trường phái Sông Hudson

Hầu hết các nghệ sĩ liên quan tới chủ nghĩa Quang chiếu đều là một phần thế hệ thứ hai của trường phái Sông Hudson. Nguồn gốc của trào lưu này có thể truy dấu về năm 1825 với những bức phong cảnh về rặng núi Catskill do hoạ sĩ Thomas Cole vẽ, như trong bức Hồ với cây chết (Catskill) (Lake with Dead Trees [Catskill]) (1825). Những phong cảnh Lãng mạn của Cole tập trung vào vùng hoang dã nguyên sơ và giúp nâng cao nhận thức quốc gia về nước Mỹ như một môi trường đẹp độc đáo và chưa được khám phá.

Sau cái chết của Cole vào năm 1848, Frederic Edwin Church đã vẽ những cảnh đồng quê hùng vĩ của phong cảnh Mỹ kết hợp giữa cái thực và cái lý tưởng hoá, và ông tiếp tục vẽ vùng hoang dã Bắc Mỹ ở quy mô đại cảnh, như đã thấy trong Vùng Andes của Ecuador (The Andes of Ecuador) (1853). Những cảnh quan kịch tính này và về sau gợi lên trải nghiệm về cái trác tuyệt – vị thế bấp bênh của cá nhân giữa một thiên nhiên choáng ngợp. Khả năng nắm bắt ánh sáng và bầu không khí của Church đã mở đường cho các hoạ sĩ Quang chiếu chủ nghĩa nối bước.

Bức Vùng Andes của Ecuador 

Asher B. Durand, một hoạ sĩ phong cảnh tỉ mỉ chính xác và đầy khiêm tốn, đã viết vào năm 1855 rằng các hoạ sĩ mới nên tránh xa sự kịch tính và trác tuyệt mà thay vào đó tập trung vào “những hồ nước ‘đơn độc và yên tĩnh’ ẩn mình trong những khu rừng cổ xưa trải đầy những quận hoang dã của chúng ta, những ngọn núi nguyên sơ bao quanh chúng bằng lớp phủ với kết cấu chất liệu phong phú, những đại dương thảo nguyên xanh của miền Tây và vô số các dạng tự nhiên khác chưa bị nền văn minh làm ô nhiễm.” Những lời của ông rồi sẽ trở thành kim chỉ nam cho một thế hệ hoạ sĩ phong cảnh mới.

Theo bước Church và Durand, một nhóm hoạ sĩ thế hệ thứ hai của trường phái sông Hudson bao gồm Fitz Hugh Lane, Martin Johnson Heade và John Frederick Kensett, đã phát triển phong cách Quang chiếu lên đỉnh cao vào những năm 1850. Vào những năm nay, nước Mỹ đã từ chỗ một quốc gia ghi dấu ấn bằng những vùng hoang dã rộng lớn trở thành đất nước với những khung cảnh thôn dã, nhiều thị trấn và thành phố nhỏ đang phát triển, kết nối với nhau bằng hệ thống đường sắt và kênh đào Erie. Kết quả là quang cảnh sông và biển của những người theo chủ nghĩa Quang chiếu mô tả những nơi chốn luôn có dấu hiệu của nơi ở và hoạt động của con người. Trong những bức tranh nhỏ gần gũi, họ tìm cách truyền đạt cảm quan cá nhân hoà hợp với thiên nhiên, một trạng thái chiêm nghiệm tĩnh lặng.

Chân dung của Fitz Henry Lane do Robert Cooke vẽ vào năm 1835. Đây là khoảnh khắc người nghệ sĩ, vốn bị bại liệt và ngồi xe lăn từ thời thơ ấu, đang tạm dừng trong khi vẽ một cảnh biển

Hội hoạ thơ ngây (Naïve painting)

Nghệ thuật ngây thơ hay dân gian là một nguồn cảm hứng quan trọng tới sự phát triển của chủ nghĩa Quang chiếu, đặc biệt như ta có thể quan sát được trong các tác phẩm của William Sidney Mount và George Caleb Bingham. Nhưng những hoạ sĩ Quang chiếu khác cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách ngây thơ. Người thầy và người cố vấn của Martin Johnson là Edward Hicks – được biết đến nhiều nhất với bức Vương quốc hoà bình (Peaceable Kingdom) (1826), miêu tả một cảnh thánh thơ trong phong cảnh nước Mỹ và là một trong những tác phẩm được sao chép lại nhiều nhất của thế kỷ 19. 

Bức Vương quốc hoà bình của HIcks minh hoạ cho lý tưởng của Giáo Hữu Hội (The Religious Society of Friends hay The Quackers). Tác phẩm mô tả cuộc gặp gỡ hoà bình giữa động vật ăn thịt và con mồi (bên phải/tiền cảnh), người Mỹ bản địa và những tín hữu Quakers (bên trái/hậu cảnh), tất cả đều nằm trong bối cảnh của nước Mỹ

Trong khi miêu tả một chủ đề hoàn toàn khác với Hicks và các nghệ sĩ dân gian khác, chủ nghĩa Quang chiếu đã dựa trên các truyền thống của phong cách ngây thơ như tính tuyến tính, đường viền đậm, các yếu tố được tối giản hoá để cấu trúc phong cảnh.

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. CM Ngô và Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa quang chiếu Hương Mi Lê Lê Hương Mi Luminism Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…