Thomas Cole (Phần 1)

Thomas Cole là người đưa hội hoạ phong cảnh Lãng mạn châu Âu vào nước Mỹ và sáng lập ra trào lưu nghệ thuật đầu tiên được công nhận của quốc gia này – Trường phái sông Hudson. Ông thấu hiểu hơn ai hết sự trác tuyệt của thiên nhiên đất nước Mỹ và cả mối đe doạ của con người tới những khung cảnh ấy. Các bức tranh của ông vừa miêu tả xuất sắc tự nhiên, vừa đậm tính phúng dụ và biểu tượng về vận mệnh con người – mở ra toàn bộ nền hội hoạ Mỹ. Chúng ta tìm hiểu về Thomas Cole trong loạt bài ba phần.

Sơ lược về Thomas Cole

Hội hoạ của Thomas Cole, giống như văn chương của Ralph Waldo Emerson cùng thời, là tượng đài cho những giấc mộng và nỗi lo âu của một nước Mỹ non trẻ vào giữa thế kỷ 19; đồng thời cũng là sự tôn vinh đầy hưng phấn về cảnh quan tự nhiên của quốc gia này. Cole sinh ra ở miền tây bắc công nghiệp của nước Anh và di cư đến Mỹ khi còn là một chàng trai trẻ. Kể từ đấy, ông không ngừng tìm cách khắc họa vẻ đẹp trác tuyệt của vùng hoang dã nước Mỹ. 

Thomas Cole sinh ngày 01/02/1801 tại Lancashire, Anh Quốc và mất 11/12/1848 tại New York, Mỹ. Ông hoạt động nghệ thuật từ những năm 1820 cho tới khi mất

Thomas Cole được xem là nghệ sĩ đầu tiên mang cách nhìn của họa sĩ phong cảnh Lãng mạn châu Âu đến những môi trường của châu lục phía bên kia Đại Tây dương, và cũng là người có chủ nghĩa duy tâm và cảm quan tôn giáo thể hiện được tinh thần Mỹ độc đáo. Thật vậy, mặc dù lớn lên ở nước Anh – hay có lẽ chính nhờ hoàn cảnh giáo dục ấy đã kiến tạo cho người nghệ sĩ một quan điểm mới mẻ – tác phẩm của ông tiếp tục gây được tiếng vang như một hình mẫu cho tinh thần Mỹ trong buổi hiện đại.

Thành tựu

Trước Thomas Cole, không ai áp dụng mô-típ và kỹ thuật của hội họa phong cảnh Lãng mạn châu Âu vào phong cảnh Bắc Mỹ. Trong các tác phẩm của ông, chúng ta bắt gặp sự huy hoàng ấn tượng của Caspar David Friedrich hay J.M.W Turner được chuyển thể trong những dãy núi Catskill và Adirondack. Tuy nhiên, trong khi những họa sĩ Mỹ trẻ tuổi như Albert Bierstadt được tiếp xúc trực tiếp với trường phái hội họa Düsseldorf hay chính thứ truyền thống mà họ đặt mình vào – Cole phần lớn tự học, đại diện cho một kiểu hình mẫu nguyên mẫu người-Mỹ-tự-giáo dục.

Thomas Cole được xem là cha đẻ của Trường phái Sông Hudson một nhóm nghệ sĩ người Mỹ nỗ lực mô tả sự uy nghi nguyên sơ của phong cảnh nước Mỹ, đặc biệt quanh thung lũng sông Hudson ở bang New York. Cole là người đầu tiên khám phá vùng lãnh thổ này qua những chuyến tàu thủy chạy bằng hơi nước lên thung lũng từ giữa những năm 1820 trở về sau. Tác phẩm của ông trở thành tiêu chuẩn cho cả một thế hệ nghệ sĩ Mỹ bao gồm Frederic Edwin Church, Albert Bierstadt, và Asher Brown Durand.

Theo nhiều cách, nghệ thuật của Cole hàm chứa tất cả các mâu thuẫn trong văn hóa định cư của người châu Âu ở Mỹ. Ông phải lòng sự hoang dã trác tuyệt của phong cảnh nước Mỹ, và cố gắng lưu giữ nó bằng nghệ thuật của mình, nhưng chính sự hiện diện của ông trong phong cảnh đấy cùng với sự phát triển sự nghiệp của ông lại phụ thuộc vào các tiến trình đô thị hóa và nền văn minh đang đe dọa thiên nhiên. Từ quan điểm hiện đại, cái nhìn dĩ Âu vi trung của Cole đối với những vùng đất nom hoang vu không người chạm tới, nhưng thực tế đã có người sinh sống nhiều thế kỷ, cũng có vẻ đáng lo ngại. Khi những người Mỹ bản địa xuất hiện trong tác phẩm của ông, như bức Thác Kaaterskill (Falls of the Kaaterskill) (1826), bóng dáng con người như một vệt màu bổ sung cho bức tranh hơn là những nhân vật đặc trưng cho khung cảnh.

Bức Thác Kaaterskill. Nhân vật duy nhất có tỉ lệ rất nhỏ ở trung tâm bức tranh, đứng trên mỏm đá
  • Các tác phẩm tranh của Cole thường đóng vai trò cảnh báo về quá trình hủy diệt của nền văn minh nhân loại, đưa ra điềm báo về sự tàn phá của thế giới tự nhiên, và về sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp mà dự án Mỹ đang đại diện. Là một người đàn ông sùng đạo, Cole xem những quá trình này đang đi ngược lại ý Chúa trời theo cách nào đó, và nhiều tác phẩm của ông cũng ám chỉ rằng thời điểm phán quyết hoặc thảm họa có thể sẽ xảy ra. 

Tiểu sử của Thomas Cole

Tuổi thơ và Giáo dục

Lớn lên ở Bolton-le-Moors, Thomas là bé trai duy nhất trong tám đứa con của cặp vợ chồng Mary và James Cole. Cha ông là một nhà sản xuất len; người trong suốt thời thơ ấu của Thomas thường chuyển cả gia đình tới hết chỗ này tới chỗ khác để tìm một công việc tốt hơn. Lối sống nay đây mai đó đã tạo ra vô vàn cơ hội cho người nghệ sĩ trẻ, trong đó bao gồm việc học nghề tại một xưởng in ở Chorley vào tuổi mười bốn, nơi ông học cách khắc các thiết kế cho vải hoa, và đã là thợ khắc ở Liverpool trong năm 1817. Cole phát triển tình yêu với thiên nhiên khi còn trẻ, và thường đi bộ với chị Sarah để ngắm nhìn phong cảnh của phía bắc nước Anh.

Đào tạo thuở đầu

Cole sớm có niềm hứng thú với Bắc Mỹ thông qua việc đọc sách; chính vốn hiểu biết đó đã giúp ông rất nhiều khi gia đình ông chuyển đến đó vào năm 1818. Thomas lúc bấy giờ vẫn còn là một thiếu niên, ở lại Philadelphia trong khi gia đình chuyển tại Phio. Và chính tại đây, ngoài công việc là một nhà thiết kế vải dệt, ông đã sớm nhận được đơn đặt hàng khắc bản in các hình minh họa cho ấn bản mới của cuốn sách Cuộc Thánh chiến (Holy War) (1682), do John Bunyan viết về chủ nghĩa thanh giáo thế kỷ XVII. Sau một chuyến đi ngắn đến Tây Ấn vào năm 1819, Cole chuyển đến Ohio để ở gần gia đình và giúp đỡ công việc kinh doanh giấy dán tường của cha ông. Ông theo học hội họa lần đầu tiên và được giao nhiệm vụ sáng tác nhiều bức chân dung và phong cảnh khác nhau.

Chân dung tự hoạ của Thomas Cole vẽ năm 1846

Năm 1823, Cole trở về Philadelphia, tham dự các lớp học của Học viện Mỹ thuật Pennsylvania. Hai năm sau, khi đã sẵn sàng bắt đầu sự nghiệp hội họa chính thức, ông chuyển đến New York. Khi ông đã ổn định ở thành phố đấy, ông bắt đầu du ngoạn đến thung lũng sông Hudson để vẽ phong cảnh hoang dã của Mỹ. Người nghệ sĩ trẻ ngay lập tức cảm thấy hòa hợp với phong cảnh nơi này, và sự giao cảm ấy kéo dài đến suốt cuộc đời của ông. Tác phẩm mà ông sáng tác từ thời điểm này trở đi trở thành dấu mốc cho phong trào hội họa phong cảnh Lãng mạn được biết đến với cái tên trường phái Sông Hudson. Mục đích riêng của ông cho tác phẩm ấy được tóm tắt bài thơ Vùng hoang dã sáng tác năm 1825:

Hỡi những người bạn của trái tim tôi, những người yêu tạo tác của tự nhiên
Hãy để tôi đưa bạn tới những ngọn núi xanh hoang dã ấy
Dựng đỉnh sừng sững kế những con sóng của sông Hudson
[…]”

Ông đã hy vọng rằng sự khắc họa “những ngọn núi màu xanh” của dãy núi Catskills có thể mang lại cho người xem “một hương vị ngọt ngào của thiên đường”. Nhưng Cole không hề ảo tưởng về những mối đe dọa đối với cảnh quan thiên đường này: ngay cả trong chuyến đi đầu tiên lên sông Hudson, giữa những cảnh đẹp thiên nhiên ấy, ông đã bắt gặp những dấu hiệu của ngành công nghiệp – xưởng cưa, xưởng thuộc da, cánh đồng cháy.

Giai đoạn trưởng thành

Sự nghiệp của Cole đạt một bước tiến lớn vào năm 1825 khi ông bán tranh cho hai trong số những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ, Asher Brown Durand, John Trumbull, và cho nhà văn kiêm nhà sử học có ảnh hưởng William Dunlap. Năm sau đó, Cole được bầu vào Học viện Thiết kế Quốc gia, nơi ông thường tổ chức triển lãm.

Giống như tất cả các nghệ sĩ người Mỹ da trắng trong thời kỳ đó, nền tảng văn hóa của Cole là ở châu Âu và ông cảm thấy cần phải nghiên cứu các bậc thầy vĩ đại của truyền thống Cổ điển và Phục hưng để hoàn thiện kỹ năng của mình. Vì vậy, vào mùa hè năm 1829, ông bắt đầu một chuyến du lịch kéo dài đến châu Âu, và ngay trước khi rời đi, ông dự định sẽ đến thác Niagara. Như người nghệ sĩ đã nói, “Tôi không thể nghĩ đến việc đi châu Âu mà chưa từng nhìn thấy những con thác này. Tôi muốn nhìn thật lâu một lần cuối cùng khung cảnh hoang sơ của chúng ta. Tôi sẽ cố gắng khắc vào tâm trí mình những đặc điểm của chúng, sâu đến nỗi ngay cả giữa phong cảnh đẹp đẽ của các quốc gia khác, những nét đặc biệt to lớn và đẹp đẽ của chúng cũng không bị xóa nhòa.

Thác Niagara nhìn từ xa (Distant View of Niagara Falls) (1830) của Thomas Cole. Sơn dầu trên toan, Gallery 171, Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mỹ. Như vậy, bức tranh này vẽ một năm sau khi ông tới thác Niagara.

Khi thời điểm khởi hành của Cole đến, danh tiếng họa sĩ phong cảnh của ông đã được khẳng định vững chắc ở đất nước mà ông nhận Tổ quốc, đến mức bạn của ông, William Cullen Bryant, đã viết một bài thơ để vinh danh Cole ngay trước khi ông rời đi, với tựa đề Gửi Cole, Người Họa sĩ, Đang Khởi hành đến châu Âu (To Cole, The Painter, Departing for Europe). Trong đó, tác giả xin người nghệ sĩ đừng quên vẻ đẹp của Tân thế giới khi ở giữa những kỳ quan của lịch sử nghệ thuật châu Âu.

Cole đã học được nhiều điều từ chuyến thăm châu Âu của mình và có thể gặp gỡ các họa sĩ phong cảnh Lãng mạn người Anh John Constable và J. W. Turner, cũng như họa sĩ vẽ chân dung Thomas Lawrence; nhà sử học nghệ thuật Matthew Baigell cho rằng các tranh cảnh thành phố của Turner sau này đã ảnh hưởng đến bố cục của loạt tranh Tiến trình Đế chế (Course of Empire) của Cole. Ông cũng đã trưng bày tác phẩm của mình trong nhiều cuộc triển lãm khác nhau khi ở nước ngoài. Đáng chú ý, trong khi được coi là một nhân vật tiến bộ ở Mỹ, ông khá miễn cưỡng chấp nhận một số sự phát triển phong cách cấp tiến hơn có thể thấy rõ trong các tác phẩm của những bạn đồng hương ở Anh, đặc biệt là của Turner, người mà ông cảm thấy đã tập trung quá nhiều vào ấn tượng về màu sắc và ánh sáng. Cole thích nhất là thời gian ở Ý, và ở đó, ông nói rằng: “Tôi không ngạc nhiên khi các bậc thầy người Ý đã vẽ được một cách đáng ngưỡng mộ như thế: Thiên nhiên trong bộ áo thiên phước là người thầy của họ.

Từ San Miniato nhìn xuống Florence (View of Florence from San Miniato) (1837) của Thomas Cole. Sơn dầu trên toan. Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Cleveland, Mỹ

Việc Cole trở về từ châu Âu vào tháng 11 năm 1832 báo trước sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật và cuộc sống cá nhân của ông. Năm 1833, ông gặp người bảo trợ tương lai Luman Reed. Chính là cho Reed mà Cole đã thực hiện chuỗi tranh mang tính biểu tượng mang tên Tiến trình Đế chế (1836). Cùng năm đó, ông kết hôn với Maria Bartow, cháu gái của chủ trang trại đang cho Cole thuê chỗ làm xưởng ở Catskill, New York, trong khi ông thực hiện chuỗi tranh. Cặp đôi quyết định chuyển hẳn đến Catskill, nơi phong cảnh xung quanh là nguồn cảm hứng dồi dào cho Cole. Chính tại đó, vào năm 1835, ông đã viết Bài luận về Phong cảnh nước Mỹ (Essay on American Scenery) có tầm hưởng sâu sắc, trong đó xem xét mối đe dọa xâm lấn của sự phát triển công nghiệp đối với thế giới tự nhiên: “có những người hối tiếc rằng với những cải tiến trong canh tác, sự trác tuyệt của vùng hoang dã sẽ mất dần: những khung cảnh đơn độc mà bàn tay của thiên nhiên đã nâng đỡ tác động đến tâm trí ta bằng một cảm xúc sâu sắc hơn bất cứ thứ gì mà bàn tay con người đã chạm vào.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Greg Thomas hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Thomas Cole

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…