Frederic Edwin Church (Phần 1)
Frederich Edwin Church nằm trong số những nhân vật kinh điển của nghệ sĩ Mỹ thời kỳ đầu (thế kỷ 19) cũng như là một hoạ sĩ phong cảnh Lãng mạn quan trọng. Ông cũng đã góp phần dẫn dắt thế hệ thứ hai của trào lưu Trường phái sông Hudson – phong trào nghệ thuật đầu tiên của Mỹ. Chúng ta sẽ tìm hiểu về người hoạ sĩ này trong loạt bài hai phần.
- “Hãy hình dung Ngôi đền cổ tích này rực sáng như ánh mặt trời giữa những tảng đá đen hoang dã đó“.
- “Thiên nhiên đã rất rộng lượng khi ban tặng vẻ đẹp của nàng – tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thích thú những khung cảnh cao quý mà cửa sổ của chúng tôi mở ra.”
- “Trong nhiều tháng ngày kể từ khi tôi chọn nơi này [Olana] làm nhà của mình, tôi hầu như không nghĩ đến bất cứ điều gì khác ngoài việc trồng cây, và đã có hàng ngàn rồi hàng ngàn cái cây được trồng ở các sườn núi phía nam và phía bắc.”
- “Tôi vừa trở về từ chuyến viếng thăm bức tranh đẹp nhất mà thành phố này [New York] từng được chiêm ngưỡng – tác phẩm Trung tâm Andes.” (Mark Twain)
Tóm lược về Frederic Edwin Church
Những bức tranh phong cảnh của Frederic Edwin Church đem đến cho chúng ta cái thành kính và cái ngoại lai, cái tự nhiên và cái nhân tạo, ở mức ngang nhau. Ông là một nhân vật quan trọng trong phong trào hội họa Mỹ được biết đến với cái tên Trường phái sông Hudson, và trong sự phát triển của hội họa phong cảnh phương Tây nói chung. Tác phẩm của ông tóm lược tất cả những mâu thuẫn của nền văn hóa sản sinh ra nó. Là một họa sĩ tài tình về kỹ thuật, có hứng thú với việc thể hiện chính xác hệ thực vật, động vật cùng các hiệu ứng viễn cận, ông cũng nhận thức được giá trị của ảo ảnh, và thường dựng nên các phong cảnh của mình từ nhiều bản phác thảo được thực hiện trước ở các địa điểm khác nhau. Các chủ thể sáng tác của ông trải dài từ New York tới Bắc Cực và dãy Andes. Tại mỗi địa điểm Church đặt chân đến, ông đều mang theo sự kết hợp rộn lòng người của niềm kinh ngạc mang tính tôn giáo, ham muốn tìm tòi khoa học, cùng đam mê trước những điều kỳ lạ.
Những thành tựu chính
- Frederic Edwin Church là một trong những họa sĩ tả ánh sáng và không khí tài hoa nhất thời kỳ Lãng mạn. Tranh của ông không chỉ nổi tiếng nhờ cách khắc họa phong cảnh đầy tỉ mỉ mà còn nhờ sự chu đáo không kém cạnh đối với ánh sáng mặt trời, mặt trăng, mây, sương mù, và các đặc tính vô hình khác của bối cảnh. Theo khía cạnh này, tác phẩm của ông có liên hệ đến nhánh tranh phong cảnh Lãng mạn của Mỹ được gọi là trường phái Quang chiếu, tuy rằng nó thiếu vắng sự nhấn mạnh vào sự êm đềm và tĩnh lặng của phong cách này.
- Nếu những bức họa của Thomas Cole đã làm nên danh tiếng cho vùng thung lũng sông Hudson thì Frederic Edwin Church đã giúp các họa sĩ từ nơi này trở nên nổi tiếng với việc vẽ lại thế giới. Trong khi các chuyến đi của Cole chỉ giới hạn trong phạm vi Hoa Kỳ thì những chuyến lưu trú nghệ thuật của Church lại đưa ông tới những vùng đất xa xôi và lạ kỳ, từ vòng Bắc Cực đến Trung Đông. Tác phẩm của ông đồng nghĩa với cái nhìn tự tin, tò mò, đôi khi đầy kinh ngạc của phương Tây thế kỷ 19 đối với phần còn lại của thế giới, và rung lên với năng lượng của sự khám phá.
- Là một thành viên thuộc thế hệ thứ hai của các họa sĩ theo trường phái sông River, tác phẩm của Church tạo ra một phong trào thoát khỏi sự thống nhất mang tính biểu tượng của các họa sĩ thế hệ đầu tiên như Cole – trong đó mỗi yếu tố của phong cảnh đều có một giá trị ngụ ngôn được mã hóa – hướng tới sự chú trọng thuần túy vào cảnh tượng thiên nhiên. Điều này đi đôi với mong muốn ghi lại, phân loại, và tìm hiểu cảnh quan ở cấp độ khoa học.
Tiểu sử của Frederic Edwin Church
Thời thơ ấu
Frederic Edwin Church sinh ra trong một gia đình thương nhân ở Connecticut vào năm 1826. Mặc dù tổ tiên của ông nằm trong số những người Tin lành đã thành lập quốc gia Hoa Kỳ, những gì ông trực tiếp thừa kế lại khá tầm thường. Cha và chú ông kiếm sống bằng nghề sản xuất mũ lưỡi trai và bằng các dự án kinh doanh khác bao gồm xay xát và bảo hiểm. Tuy nhiên, cha của Church rất giàu có và có nhiều mối quan hệ. Khi thấy con trai sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, thông qua sự quen biết của mình với Daniel Wadsworth – một nhà sưu tập nổi tiếng ở Connecticut, ông đã sắp xếp để Frederic theo học họa sĩ Thomas Cole.
Vào những năm 1840, hoạ sĩ gốc Anh Thomas Cole được coi là người sáng lập nên Trường phái sông Hudson và hội hoạ phong cảnh Hoa Kỳ. Những chuyến đi vẽ tranh hàng năm của ông xuôi thung lũng Sông Hudson tới dãy núi Catskill đã trở thành chất liệu cho những thần thoại lịch sử-nghệ thuật. Trong thời gian kèm cặp kéo dài 4 năm kể từ 1844 đến 1848, Church trở thành học trò cưng của Cole và sau này sẽ kế tục dự án vẽ tranh phong cảnh Lãng mạn Hoa Kỳ. Ban đầu, giống như Cole, Church tập trung vào các phong cảnh ngoại ô New York, nơi ông định cư vào năm 1849. Nhưng dần dần, ông càng đi xa và rộng hơn để tìm kiếm đề tài, bao gồm tới Vermont và Bar Harbor, Maine, tới cả Nam Mỹ, Levant và vòng Bắc Cực.
Thời kỳ đầu
Church đã nhận được sự hoan nghênh đáng chú ý của giới phê bình vào cuối những năm 1850, và cũng chứng minh bản thân là một doanh nhân sắc sảo khi chủ yếu coi các bức tranh của mình là tài sản tài chính. Chẳng hạn, khi ông vận chuyển tác phẩm Trung tâm Andes (The Heart of the Andes) (1859) đến Anh để triển lãm, Church nhất quyết rằng nó đã được bảo hiểm lên tới 10.000 USD, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Quyết định trưng bày tranh ở cả hai bờ Đại Tây Dương – New York và London – cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của người họa sĩ. Bức tranh khổ lớn Niagara (1857) cũng được quảng bá theo cách tương tự, minh chứng cho chính sách tối đa quảng cáo đã giúp ông mở rộng quy mô khán giả và thu hút người theo dõi quốc tế.
Nhà phê bình nghệ thuật và chuyên gia nghiên cứu về hoạ sĩ Church – Tim Barringer đã nhận xét rằng các hoạt động của Church là tiêu biểu cho văn hoá xuyên Đại Tây Dương đương thời, khi có một luồng các hoạ sĩ và doanh nhân di chuyển qua lại Đại Tây Dương. Chính văn hoá này đã cho phép Church, cũng giống như người thầy Cole của ông, kết nối với truyền thống tranh phong cảnh châu Âu, và đặc biệt là với các họa sĩ người Anh như John Constable và J.M.W Turner.
Năm 1860, Church kết hôn với Isabel Carnes. Có ý kiến cho rằng mối quan hệ của họ nên duyên một phần bởi sự thành công rực rỡ của chuỗi triển lãm bức Trung tâm Andes, một sự kiện kéo dài hai năm và diễn ra ở tám thành phố của Mỹ và Anh. Bản thân Church là một người mang tinh thần tiêu dao và đã đạt được thành công đáng kể về tài chính nên đã có thể đi du lịch khắp nơi. Vào năm 1859, ông cùng với người bạn mục sư Louis Legrand Noble phiêu lưu tới vùng Bắc Đại Tây Dương, nơi ông vẽ phác các tảng băng trôi giữa Labrador và Greenland, những bức nghiên cứu mà sau này sẽ được xây dựng thành những bức tranh sơn dầu hoàn chỉnh.
Thời kỳ trưởng thành
Không lâu sau khi kết hôn, Church cùng Isabel định cư tại Olana, một khu đất nhỏ ở ngoại ô New York. Trang viên này có một điểm quan sát mà ông đã sử dụng để vẽ tranh từ khoảng hai thập kỷ trước đó, khi ông vẫn còn là học trò của Thomas Cole. Church bắt đầu chuyển đổi khu đất rộng khoảng hơn 500m2, nuôi một đàn bò sữa, trồng nhiều cây xanh và dựng một ngôi nhà nhỏ đặt tên là Thôn Trang Ấm Cúng (Cosy Cottage). Ông thường xuyên qua lại giữa ngôi nhà mới của mình và thành phố New York, nơi ông lấy một xưởng vẽ tại tòa nhà Xưởng Vẽ phố 10 (10th Street Studio Building). Vào năm 1865, Frederic và Isabel phải chịu một mất mát khủng khiếp khi hai đứa con sơ sinh của họ qua đời vì bệnh bạch hầu. Trong suốt sáu tháng hồi phục, cặp đôi đã sống ở Jamaica, chuyến đi này về sau là nguồn động lực cho sáng tác tiếp theo của Church. Năm sau, con trai Frederic Joseph của họ ra đời, đứa con đầu tiên trong số 4 đứa trẻ sống sót đến tuổi trưởng thành.
Sau khi kiếm được một khoản tiền đáng kể nhờ việc vẽ tranh, Church chuyển sang một loại dự án sáng tạo khác. Mua được một khu đất liền kề với khu nhà mình, vào năm 1869, ông bắt đầu thiết kế một ngôi nhà nữa cho mình và vợ. Church vừa trở về sau chuyến du hành kéo dài mười tám tháng bao gồm một chuyến hành hương tới Thánh Địa, và được truyền cảm hứng bởi những chi tiết của các tòa nhà ở Damascus, Jerusalem và Beirut để mang lại cảm giác phương Đông cho thiết kế của căn nhà. Christened Olana (TD: Olana chịu lễ rửa tội), ngôi nhà mới của họa sĩ được hoàn thành vào năm 1872 và vẫn tọa lạc trên một vị trí đầy ấn tượng nhìn ra sông Hudson. Phong cách kiến trúc của tòa nhà bổ sung cho các tác phẩm của ông từ giai đoạn này, phần lớn khắc họa các địa điểm từ vùng Trung Đông cổ đại – như trong bức Mùa Xuân tại Levant (Springtime in the Levant) (1879) – và mang một vẻ đẹp phương Đông quyến rũ kỳ bí.
Thời kỳ cuối đời
Về cuối đời, tranh của Church không còn thu hút công chúng nữa, một phần vì bệnh viêm khớp dạng thấp đã cản trở khả năng sáng tác của ông; một phần vì những bức phong cảnh sáng tạo nhất và táo bạo nhất của ông đều đã nằm trong quá khứ. Ông tiếp tục sống tại Olana, tạo ra những bức tranh thường bắt nguồn từ những trải nghiệm trước đây của ông khi du hành tới vùng Trung Đông và Bắc Đại Tây Dương. Để thoát khỏi mùa đông lạnh giá của New York, Church đã đến Mexico hằng năm. Con trai Louis và con dâu Sally của ông đã sống cùng ông cho đến khi ông qua đời vào năm 1900.
Những năm cuối đời của Church không phải là khoảng thời gian bất hạnh. Những ngày ở Olana của ông tràn ngập niềm vui, bao gồm cả những chuyến viếng thăm của Mark Twain, người đã đọc thơ cho ông nghe, cùng Robert và Emily de Forest, những người đã chụp ảnh ngôi nhà và cảnh vật xung quanh nó. Church cũng đã đạt tới mức độ thành công về mặt vật chất giúp ông không phải lo nghĩ gì về những gánh nặng của công việc sáng tạo; thật vậy, ông nhạy bén tài chính đến mức vào những năm 1890, ông có thể bắt đầu mua lại những bức tranh của chính mình, bao gồm cả bức Dãy núi Catskill nhìn từ nhà của họa sĩ (Catskill Mountains from the Home of the Artist) mà ông đã mua trong cuộc đấu giá vào năm 1890.
Di sản của Frederic Edwin Church
Church là một hình tượng đầy sức mê hoặc đối với các thế hệ họa sĩ Mỹ nối tiếp, bao gồm Edward Hopper, George Bellows và các thành viên khác của trường phái mang tên Trường phái Ashcan. Sự ảnh hưởng của ông đối với những họa sĩ như vậy không hẳn do một phẩm chất đặc biệt nào trong tác phẩm của ông mà bởi tính phổ biến tuyệt đối của chúng, một kết quả của danh tiếng quốc tế cùng thành công thương mại mà ông đã đạt được trong những năm giữa đời. Tuy nhiên, với quy mô và chất lượng sản phẩm của mình, Church có thể được coi là nhân vật trung tâm trong kinh điển về họa sĩ Hoa Kỳ. Di sản của ông ngày nay được quản lý bởi Hội Nhóm Olana (Olana Partnership), một tổ chức từ thiện do chính Church thành lập, giám sát việc bảo trì ngôi nhà của ông ở ngoại ô New York và tổ chức các cuộc trưng bày thường xuyên tác phẩm của ông.
Quy trình nghệ thuật của Church, bao gồm các bản phác thảo trực tiếp ngoài trời, theo sau đó là lao động tỉ mỉ tại xưởng vẽ kết hợp với các mô típ từ các địa điểm khác nhau, đã tạo tiền đề quan trọng cho cái gọi là trường phái Ấn tượng Mỹ, một phong trào gắn liền với các họa sĩ như Winslow Homer. Dù từ chối quá trình sáng tác xây dựng các hình ảnh phức tạp từ nhiều phác thảo khác nhau, những hình ảnh của trường phái này về cơ bản được xây dựng trên các phương pháp quan sát và cách tiếp cận của Church.
Nguyên bản tiếng Anh do Luke Farey tổng hợp và viết, Greg Thomas hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật