Thomas Cole (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Thomas Cole, chúng ta tìm hiểu phần còn lại của tiểu sử nghệ sĩ – giai đoạn cuối sự nghiệp và di sản. Sau đó, chúng ta bắt đầu xem xét các tác phẩm tiêu biểu của ông.

  • Hiển nhiên, người hoạ sẽ vẽ cảnh quan nước Mỹ có đặc quyền vượt trội hơn bất cứ ai. Tất cả thiên nhiên ở nơi đây đều mới mẻ với nghệ thuật.
  • Theo đúng nghĩa, nghệ thuật, thực tế là, sự bắt chước thấp kém của con người với quyền năng sáng tạo của Đấng toàn năng.”
  • “… điều khác biệt nhất, có thể là ấn tượng nhất và đặc trưng nhất của cảnh quan Mỹ là vùng hoang dã của đất nước này.
  • Tôi không ngạc nhiên khi các bậc thầy người Ý đã vẽ được một cách đáng ngưỡng mộ như thế: Thiên nhiên trong bộ áo thiên phước là người thầy của họ.
  • Tôi không nhớ đã nhìn thấy ở Ý bất cứ cấu trúc núi nào đẹp và nên thơ được bằng rặng Adirondack huy hoàng này.”

Tiểu sử (tiếp)

Giai đoạn cuối

Những năm cuối sự nghiệp của Thomas Cole là những năm suy tư và thường thấm đẫm nỗi buồn. Ông vô cùng lo lắng trước quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra, đe dọa vùng hoang dã của Mỹ; người ta cho rằng ông đã trở nên căm ghét các thành phố, nhận thấy “một linh cảm xấu xa trong chúng” như Matthew Baigell đã nói. Trong khi đó, những bức tranh của Cole, dù vẫn miêu tả phong cảnh, dần trở thành phương tiện để ông xử trí các vấn đề như sự đi qua của thời gian và lịch sử, như trong loạt tranh Hành trình của cuộc đời (Voyage of Life) (1842).

Cole cũng chịu cảnh bệnh tật trong một thời gian, và vào mùa hè năm 1841, ông quyết định đi du lịch châu Âu một lần nữa. Khi trở lại New York một năm sau đó, ông gia nhập Giáo hội Giám nhiệm, và từ thời điểm này trở đi, tôn giáo dần trở thành trung tâm của cuộc đời ông. Về ảnh hưởng của tâm linh đối với nghệ thuật, ông tuyên bố: “Theo đúng nghĩa, nghệ thuật, thực tế là, sự bắt chước thấp kém của con người với quyền năng sáng tạo của Đấng toàn năng.” Năm 1844, ông đồng ý nhận Frederic Edwin Church làm học trò. Đây là một quyết định không toan tính, dù rồi Cole sẽ tác động rất nhiều đến tác phẩm của người nghệ sĩ trẻ và khiến di sản của Trường phái Hudson River nói chung, cũng như hội hoạ của Cole nói riêng, được gìn giữ.

Vào mùa hè năm 1847, có lẽ khao khát một lần nữa được nhìn thấy thiên nhiên hoang sơ, Cole lại đi du lịch đến Thác Niagara. Đây là chuyến thám hiểm lớn cuối cùng của ông, vì ông qua đời vào tháng Hai năm sau đấy ở tuổi bốn mươi bảy. Để tóm tắt sức ảnh hưởng mà các tác phẩm của Cole mang lại, người bạn của ông, tác giả William Cullen Bryant, trong bài điếu văn tại đám tang của nghệ sĩ đã nói rằng: “[t]he paintings of Cole are of that nature that it hardly transcends the proper use of language to call them acts of religion.

Di sản của Thomas Cole

Trong khi, vào đầu thế kỷ 19, tranh phong cảnh Lãng mạn đã là một truyền thống lâu đời ở châu Âu, Thomas Cole là nghệ sĩ đầu tiên tạo ra một phiên bản khác của phong cách này tập trung vào và lấy cảm hứng từ phong cảnh Bắc Mỹ. Khi làm như vậy, ông đã đặt nền móng cho toàn bộ phong cách hội họa Lãng mạn ở Bắc Mỹ một cách hiệu quả. Ông cũng được coi là cha đẻ của Trường phái sông Hudson, mặc dù chưa bao giờ đặc biệt liên kết với nhóm đó hoặc bất kỳ nhóm nào khác. Di sản của Cole thể hiện rõ trong tác phẩm của các nghệ sĩ Mỹ kế cận, những người đã nâng cao phong cách Trường phái sông Hudson, bao gồm Frederic Edwin Church là người học trò của ông, Albert Bierstadt, Jasper Cropsey, Asher B. Durand, George Inness, John Kensett và Thomas Moran.

Trích đoạn bức tranh Những tâm hồn đồng điệu (1849) thể hiện sự kính trọng của Asher Brown Durand đối với Thomas Cole. Ở đây, Durand vẽ Cole cùng nhà thơ William Cullen Bryant đang ngắm nhìn và trò chuyện trước một khung cảnh ngoạn mục.

Nhìn rộng hơn, toàn bộ nghệ thuật Bắc Mỹ thế kỷ 20, từ Hiện thực Lập thể (Precisionism) cho đến Nghệ thuật Thực địa (Land Art), đều có thể được coi là đã thừa hưởng một điều gì đó ở quy mô lớn và tham vọng trong tác phẩm của Cole. Theo nghĩa này, các bức tranh của ông không chỉ nắm bắt được đặc điểm của văn hóa Mỹ vào giữa thế kỷ 19, mà có lẽ là một điều gì đó lâu dài hơn về chất lượng cởi mở và mở rộng của nền văn hóa đó.

Các tác phẩm quan trọng

1825: Hồ có cây chết (Catskill)

Tranh sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Allen, Đại học Oberlin, Ohio, Mỹ

Bức Hồ có cây chết (Catskill) (Lake with Dead Trees [Catstkill]) là một trong những tác phẩm đầu tiên của Cole mô tả phong cảnh của dãy núi Catskill ở miền đông nam Bang New York. Ở rìa con hồ tĩnh lặng ấy, bao quanh bởi những hàng cây khô trụi, hai con nai đang vào thế hành động: một con đang ở tư thế sẵn sàng và cảnh giác, trong khi con còn lại lém lỉnh nhảy sang bên phải. Đằng sau những ngọn núi phủ rừng tăm tối là những tia sáng mặt trời len lỏi qua bầu trời nhiều mây.

Bức tranh này, được diễn dịch là sự suy ngẫm về bản chất của sự sống, cái chết, và dòng chảy thời gian, là một trong năm bức tranh được triển lãm ở Thành phố New York vào tháng 11/1825 sau chuyến đi lớn đầu tiên của Cole đến thung lũng Hudson. Sự hoan nghênh của những người cùng thời với ông đã giúp tạo nên tiếng tăm là một người họa sĩ vẽ phong cảnh vùng hoang dã nước Mỹ; nhà văn William Dunlap đã mua lại tác phẩm này, và xuất bản một vài bài báo khen ngợi kỹ năng hội họa tự học của Cole. Sự nghiệp của Cole tiến xa hơn vào khoảng thời gian này khi ông gặp nhà sưu tầm người Baltimore, ông Robert Gilmore Jr., người sau này trở thành một nhà bảo trợ quan trọng với nghệ sĩ.

Về sự phát triển của Cole với vai trò là một người họa sĩ, hình ảnh thiên nhiên nguyên sơ này đánh dấu sự khởi đầu của ông với nguồn cảm hứng thung lũng sông Hudson. Ông đã có quan sát rằng “điều khác biệt nhất, và có thể là ấn tượng nhất và đặc trưng nhất của cảnh quan Mỹ là vùng hoang dã của đất nước này”, và lần đầu tiên trong nghệ thuật Bắc Mỹ, Cole đã đem đến sự thôi thúc của một người họa sĩ Lãng mạn châu Âu đến vùng hoang dã đó: chẳng hạn như so sánh bức tranh này với tác phẩm Caspar David Friedrich. Thật vậy, trong số tất cả các nghệ sĩ trường phái sông Hudson, Cole là người hứng thú nhất với việc truyền tải khái niệm Lãng mạn Bắc Âu về Trác tuyệt, theo đó người xem đánh mất chính mình trong nhận thức về phong cảnh có quy mô và vẻ đẹp vừa đầy cảm hứng vừa đáng kinh hãi.

1827-28: Trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng

Tranh sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Massachusetts, Mỹ

Bức tranh này Trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng (Expulsion from the Garden of Eden) mô tả khoảnh khắc Chúa trục xuất Adam và Eve khỏi Vườn Địa Đàng được nhắc đến trong Sách Sáng thế. Thay vì tập trung vào nhân tính trần trụi của cặp đôi, Cole thu nhỏ họ trong một khung cảnh thiên nhiên với quy mô và sự hùng vĩ là biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng. Một cách phản trực giác, bức tranh này phải được đọc từ phải sang trái, bởi vì theo truyền thống, Vườn Địa Đàng nằm ở phía đông: nơi phát ra những tia sáng dữ dội như buộc cặp đôi phải sơ tán. Cảnh quan xung quanh mang tính ngụ ngôn cao, một biểu hiện trực quan của việc nhân cách hóa các vật vô tri, với những bầu trời quang đãng sáng sủa của Vườn Địa Đàng, đối lập với những bầu trời âm u và giông bão ở bên phải.

Tác phẩm thuở đầu này thể hiện sự quan tâm của Cole đối với các chủ đề tôn giáo và mong muốn đồng nhất vẻ đẹp hoang sơ của phong cảnh nước Mỹ với ý muốn của Chúa. Nếu các tác phẩm như Hồ có cây chết cho thấy sự kết hợp phong cách Lãng mạn trong hội họa của Cole, thì tác phẩm này cho thấy mối quan hệ của ông với các tác phẩm phong cảnh Tân cổ điển mang tính ngụ ngôn của các họa sĩ châu Âu thế kỷ 17 như Claude Lorrain và Gaspard Dughet. Thay vì mô tả một phiên bản phong cảnh thực, trường hợp này là một phong cảnh chỉ có trong tưởng tượng được tạo dựng dựa vào vùng hoang dã của Mỹ. Nó làm nền cho một cảnh tượng từ thời xa xưa thần thoại mà trong đó, mỗi yếu tố đều mang tính biểu tượng cao. Việc đóng khung và thu nhỏ hoạt động của con người trong một khung cảnh lớn hơn gợi nhớ đến những bức phong cảnh Tân cổ điển như Phong cảnh với một người đàn ông bị rắn giết (Landscape with a Man Killed by a Snake) (1648) của Nicholas Poussin.

Bức Phong cảnh với một người đàn ông bị rắn giết

Tác phẩm Trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng và các tác phẩm tương tự không được đón nhận nhiệt tình khi vừa ra mắt, có lẽ vì công chúng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thoát mình rõ rệt của Cole khỏi phong cách phong cảnh Lãng mạn đã khiến ông nổi tiếng. Bức tranh này cũng bị một số nhà phê bình chỉ trích là quá giống với bức tranh khắc do John Martin sáng tác cho ấn bản của Milton’s Paradise Lost (Thiên đường thất lạc) (1667). Tuy nhiên, bức tranh thể hiện phạm vi ảnh hưởng lịch sử của Cole, và bộc lộ tầm ảnh hưởng ngầm to lớn của tôn giáo trong tác phẩm của ông. Cole trở lại vẽ tranh tôn giáo vào cuối đời sau khi gia nhập Nhà thờ Episcopal.

1836: Sự viên mãn của Đế chế 

Tranh sơn dầu trên toan – Hiệp Hội Lịch sử New York (The New-York Historical Society), New York, Mỹ

Bức Sự viên mãn của Đế chế là một trong năm bức tranh thuộc chuỗi tranh mang tên Tiến trình Đế chế (The Course of Empire) được nhà bảo trợ của Cole đặt hàng, ông Luman Reed, và được sáng tác từ năm 1833 đến 1836. Trong đó, mỗi bức tranh mô tả cùng một phong cảnh vào từng giai đoạn suy thịnh của một nền văn minh tưởng tượng. Bức tranh này, bức giữa của chuỗi tranh, đại diện cho sự chiến thắng vẻ vang của nền văn minh đó, một khung cảnh tràn ngập những bức mái hiêm, vòm tròn, và tượng cổ điển, với một đoàn dân cư vui vẻ, sinh động, đang diễu hành qua cây cầu ở trung tâm. Tượng nữ thần Minerva, nữ thần lý trí, đứng ở phía bên phải, nhưng dường như bị đám đông bên dưới phớt lờ.

Trên thực tế, cả chuỗi tranh có ý định cảnh báo về tham vọng quá mức của Đế chế. Kể cả bức tranh này, khi dường như mô tả đế chế ở đỉnh cao quyền lực, lại báo trước về sự sụp đổ của nó qua sự tôn vinh của người dân với một nhà cai trị quân phiệt. Những bức tranh sau của chuỗi cho thấy sự đổ nát của thành phố, và sự cải tạo của thiên nhiên, mà trong hình ảnh này dường như hoàn toàn bị khuất phục (được thể hiện qua chậu cây ở phía trước). Nóng lòng tạo ra một loạt tranh sử thi và lấy cảm hứng từ những kiệt tác Tân cổ điển mà ông đã tận mắt nhìn thấy trong chuyến du lịch ở châu Âu vào năm 1829-32, Cole vẫn thể hiện khả năng độc đáo của mình thông qua Tiến trình Đế chế để nắm bắt tinh thần nước Mỹ trong tác phẩm của mình. Những bức tranh này như vang lên nốt nhạc chiến thắng hào hùng – nước Mỹ gần đây đã tự giải phóng khỏi Đế quốc Anh – và cả sự thận trọng: rằng nhà nước mới không nên rơi vào những cái bẫy giống như những người tiền nhiệm ở châu Âu. Hơn thế nữa, loạt tranh dường như thể hiện sự lo lắng của Cole về mối đe dọa xâm lấn của ngành công nghiệp và sự mở rộng đô thị đối với cảnh quan nước Mỹ.

Nhà sử học nghệ thuật Earl A. Powell đã tóm tắt ý nghĩa văn hóa của loạt tranh của Cole khi nói rằng “Nhìn tổng thể, Tiến trình Đế chế đại diện cho một khoảnh khắc thực sự hào hùng cả trong sự nghiệp của Cole và trong lịch sử hội họa Mỹ. Đó là một mô hình của tinh thần Lãng mạn – bi ai, vĩ đại trong phạm vi khái niệm, mang tính mô phạm và đạo đức – và nó đã thành công trong việc làm hài lòng khán giả của mình.” Chuỗi Tiến trình Đế chế cho thấy một nghệ sĩ ở đỉnh cao quyền lực của mình, người có phạm vi rộng lớn tổng hợp tinh thần của một quốc gia.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Greg Thomas hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Thomas Cole

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…