James Whistler (Phần 1)

James Abbott McNeil Whistler là người tiên phong quan trọng chiến đấu cho cương lĩnh “nghệ thuật vị nghệ thuật” đấu tranh giải phóng nghệ thuật khỏi nhiệm vụ tái hiện duy nhất và thay vào đó được phép hiện lên là chính nó. Do vậy, ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất của chủ nghĩa Hiện đại, và ông cũng là tác giả của một trong những bức tranh Mỹ phổ biến nhất thế giới. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Whistler trong loạt bài 3 phần.

  • Nói với người họa sĩ rằng Thiên nhiên phải được vẽ lại theo đúng bản chất của nó, chẳng khác nào nói với nhạc công rằng anh ta được phép ngồi vào cây dương cầm.” 
  • “Một nghệ sĩ được trả công nhờ tầm nhìn của anh ta chứ không phải nhờ công lao động.” 
  • Nếu một người chỉ vẽ lại cây cối, hoa cỏ, hay các bề mặt khác ở trước mắt anh ta là một nghệ sĩ, thì vua của nghệ sĩ hẳn phải là một nhiếp ảnh gia. Người nghệ sĩ thực sự cần làm nhiều hơn thế.
  • Một tác phẩm được hoàn thiện khi mọi vết tích của các phương tiện được sử dụng để tạo nên nó đều biến mất.” 

Tóm lược về James Abbott McNeill Whistler

Là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong nghệ thuật Hiện đại và cũng là người tiên phong trong phong trào Hậu Ấn tượng, James Abbott McNeill Whistler được tôn vinh bởi phong cách hội họa sáng tạo cùng cá tính lập dị của ông. James Whistler là một người táo bạo và tự tin, đồng thời đã nhanh chóng xây dựng tiếng tăm về những đáp trả bằng phát ngôn và pháp lý với các nhà phê bình nghệ thuật, các thương nhân và các nghệ sĩ đã xúc phạm tác phẩm của ông. Các bức tranh, tranh in khắc và tranh phấn màu của ông cô đọng lại xu hướng Hiện đại trong việc tạo ra “nghệ thuật vị nghệ thuật” – một chân lý được Whistler và những nghệ sĩ khác trong phong trào Thẩm mỹ (Aesthetic Movement) ca ngợi. Các tác phẩm ấy cũng là đại diện cho một trong những bước chuyển mình sớm nhất từ nghệ thuật tái hiện truyền thống sang nghệ thuật trừu tượng –  vốn là trung tâm của phần lớn nghệ thuật Hiện đại.

James Whistler sinh ngày 11/07/1834 tại Lowell, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ và mất vào ngày 17/07/1903 tại London, Anh Quốc. Ông đã hoạt động nghệ thuật từ năm 1854 cho tới khi qua đời.

Những thành tựu chính

  • Whistler từ bỏ chủ nghĩa Hiện thực của Gustave Courbet và phát triển phong cách cá nhân, giống như Édouard Manet vào thời điểm đó, ông bắt đầu khám phá những tiềm năng cũng như hạn chế của sơn màu. Bằng cách giới hạn bảng màu cũng như mức tương phản sắc độ trong khi bóp méo phối cảnh, Whistler đã giới thiệu một cách tiếp cận bố cục mới bằng cách tập trung vào tính chất phẳng và trừu tượng của bức tranh.
  • Whistler đã đặt (lại) tiêu đề cho các tác phẩm của mình bằng cách sử dụng các thuật ngữ như “bản giao hưởng”, “biên khúc” và “dạ khúc” nhằm ám chỉ mối tương quan giữa các nốt nhạc và sự thay đổi đa dạng trong sắc độ màu. Mục đích của những tiêu đề trừu tượng này là thu hút sự chú ý của người xem vào cách nghệ sĩ thao tác với sơn màu, hơn là đối tượng thật sự được mô tả.
  • Whistler là người ủng hộ nhiệt tình cho phong trào Thẩm mỹ trong việc thúc đẩy tâm lý “nghệ thuật vị nghệ thuật” thông qua các tác phẩm ông đã viết như The Gentle Art of Making Enemies (Nghệ thuật ôn hòa của việc tạo ra kẻ thù) (1892). Ông cũng góp phần xây dựng những quan niệm mới về cái đẹp bằng cách sử dụng các người mẫu phi truyền thống gợi nhớ đến tiếp cận của các nhân vật trong nhóm hội huynh đệ Tiền-Raphael và đáng chú ý nhất là, kết hợp thẩm mỹ Nhật Bản vào các bố cục giàu trí tưởng tượng của mình.
  • Nghệ thuật Nhật Bản đã mê hoặc nhiều nghệ sĩ hiện đại thời kỳ đầu ở Paris một cách sâu sắc. Nhưng vì Whistler là một trong những nghệ sĩ người Mỹ đầu tiên làm việc ở Anh kết hợp các mẫu họa tiết vải trang nhã và đạo cụ phương Đông vào tác phẩm của mình, ông được ghi nhận là người đi đầu trong cái được gọi là phong cách Anh-Nhật trong nghệ thuật thị giác. Những sản phẩm như Phòng Con Công (The Peacock Room) đóng vai trò quan trọng trong việc khai mở thẩm mỹ Nhật Bản đến Anh và Mỹ.
Phòng con công hay Hoà âm tông Lam và Vàng kim (Harmony in Blue and Gold) là tác phẩm nghệ thuật trang trí nội thật hiện đang đặt trong Phòng triển lãm Nghệ thuật Freer ở Washington, D.C, Mỹ
  • Giống như cách Gian hàng chủ nghĩa Hiện thực của Courbet đã đặt nghi vấn về thẩm quyền của Salon Pháp, việc Whistler kiện John Ruskin tội phỉ báng cũng như có các biện pháp phòng thủ trước các nhà phê bình nghệ thuật không cùng tầm nhìn đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ hiện đại, như những người thuộc trường phái Ấn tượng, nhìn ra ngoài các thể chế nghệ thuật truyền thống để tìm kiếm không gian triển lãm hoặc nguồn lực hỗ trợ cho công việc của họ.

Tiểu sử của James Whistler

Tuổi thơ và nền tảng giáo dục

James Abbott McNeill Whistler là con trai cả của kỹ sư George Washington Whistler và người vợ thứ hai sùng đạo Tân giáo – Anna McNeill. Khi còn nhỏ, Whistler là đứa trẻ có tính khí thất thường và tâm trạng dễ thay đổi. Cha mẹ ông nhanh chóng nhận ra rằng việc vẽ giúp xóa dịu ông và vì vậy họ khuyến khích những khuynh hướng nghệ thuật trong ông. Năm 1842, cha của Whistler được Sa hoàng Nicholas I chiêu mộ để thiết kế một tuyến đường sắt, James cùng cha, mẹ và em trai William (sau này là bác sĩ phẫu thuật cho quân Liên minh) chuyển đến thành phố St. Petersburg ở Nga. Tại đây, cậu bé sáng dạ kiên quyết muốn cho Ngài William Allan, một họa sĩ người Scotland được Sa hoàng thuê để vẽ chân dung của Peter Đại đế, xem các bức vẽ của mình. Allan đã khuyến khích Whistler trau dồi tài năng của mình, và vào năm 1845, ở tuổi 11, Whistler đã đăng ký vào Học viện Mỹ thuật Hoàng gia. Tuy nhiên, việc theo học nghệ thuật một cách chính thức đầu tiên của Whistler kết thúc chỉ sau bốn năm khi cha ông qua đời do bệnh tả, gia đình ông phải trở về Hoa Kỳ và định cư ở thị trấn Pomfret, Connecticut.

Chân dung cậu trai trẻ James Whistler đầy khao khát
Hai anh em nhà Whistler

Dẫu cho gia đình đang trong tình trạng tài chính bấp bênh, mẹ của Whistler luôn gồng mình để xây dựng nền tảng đạo đức cũng trao mọi cơ hội có thể cho các con. Bà gửi James đến trường dòng Ki-tô và đọc Kinh thánh cho James nghe mỗi sáng với hi vọng con trai sẽ theo đuổi sự nghiệp mục sư. Nhưng con trai bà không hề nản lòng trước việc theo đuổi nghệ thuật. Whistler đăng ký vào Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point vào năm 1852, nơi ông học vẽ với thầy là Robert W. Weir, tuy nhiên thái độ ác cảm với quyền lực cộng với thành tích học tập kém đã khiến ông bị đuổi học ngay sau đó. Vẽ bản đồ – một kỹ năng được phát triển tại West Point, đã giúp Whistler có được công việc đầu tiên khi rời khỏi ghế nhà trường là người vẽ bản đồ địa hình cho Cơ quan Khảo sát Trắc địa và Bờ biển Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ hai tháng ngắn ngủi, người nghệ sĩ đã tìm hiểu về quy trình khắc, một kỹ năng mà sau này ông tận dụng để tạo ra 490 bức khắc a-xít, khắc lõm bằng ngòi khô và khắc nạo. Với mục tiêu theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp, Whistler chuyển đến Châu Âu vào năm 1855. Ông không bao giờ quay trở lại Hoa Kỳ sau đó nữa.

Đào tạo ban đầu

Paris đã cung cấp cho Whistler một nền tảng đào tạo vững chắc theo nhiều cách khác nhau – cụ thể, chàng trai trẻ tự tin đã có một thời gian ngắn là sinh viên của Trường Hoàng gia (École Imperiale) trước khi theo học tại xưởng vẽ của họa sĩ người Thụy Sĩ Charles Gabriel Gleyre, và sau này trở thành thầy của những người theo trường phái Ấn tượng như Claude Monet và Camille Pissarro. 

Nhận thấy bản thân đã dần rủ bỏ ảnh hưởng tôn giáo từ người mẹ, chàng trai 21 tuổi nhanh chóng trở thành một nghệ sĩ phóng túng. Ông khoác lên mình một diện mạo thoải mái của một flâneur với mái tóc xoăn chải chuốt cẩn thận, nhàn nhã tản bộ dọc theo các đại lộ Paris và chiêm ngưỡng từng chi tiết của của khung cảnh đô thị xung quanh mình. “Jimmy”, cái tên mà bạn bè ông thường gọi, đã tiêu tiền một cách xa hoa vào quần áo, thuốc lá, đồ ăn, thức uống và họa cụ. Ông thường phải cầm đồ hoặc dựa vào lòng hảo tâm của bạn bè để trang trải món nợ ngày càng chồng chất. Là một người ngưỡng mộ các bậc thầy Hà Lan và Tây Ban Nha thế kỷ 17, Whistler đã sao chép các tác phẩm của họ được trưng bày tại Louvre và bán chúng để giúp giảm bớt gánh nặng tài chính của mình.

Chân dung tự hoạ năm 24 tuổi (1858) của James Whistler

Sự phát triển thực sự của nghệ thuật trong Whistler bắt đầu vào năm 1858 khi ông và họa sĩ người Pháp Henri Fantin-Latour trở thành bạn bè, và thông qua bạn, ông gặp gỡ các họa sĩ theo trường phái Hiện thực Gustave Courbet, Alphonse Legros và Édouard Manet, cũng như nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật Charles Baudelaire, người được cho là đã định nghĩa thuật ngữ “sự hiện đại” như là cái phù du của những trải nghiệm nơi đô thị. Phong cách hội họa của Whistler vào thời kỳ đầu này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa hiện thực Courbet, thể hiện qua những màu sắc tông đất với bề mặt có kết cấu tinh xảo qua tác phẩm Bên đàn dương cầm (At the Piano) (1859). 

Tác phẩm Bên đàn dương cầm của James Whistler – bảo tàng Taft, Ohio, Mỹ

Được sáng tác cùng năm nghệ sĩ chuyển đến London, Bên đàn dương cầm mô tả hình ảnh một người mẹ và con gái – là em gái cùng cha khác mẹ và cháu gái của nghệ sĩ – trong phòng nhạc tại ngôi nhà ở London của họ. Bức tranh đã được đón nhận nồng nhiệt khi trưng bày tại Học viện Hoàng gia vào năm 1860. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm, Whistler đã từ bỏ góc nhìn Hiện thực này để chuyển sang một phong cách kỳ lạ phù hợp hơn với chủ nghĩa Thẩm mỹ ở phẩm chất trang trí của nó. Việc kết hợp các đạo cụ phương Đông và tuân thủ theo các nguyên tắc thẩm mỹ Nhật Bản càng khiến ông tách biệt khỏi những người theo chủ nghĩa Hiện thực, đồng thời đưa ông lên một tầm cao mới trong phong trào Thẩm mỹ.

Thời kỳ trưởng thành

Whistler định cư lâu dài ở London từ năm 1859, nhưng thường xuyên đến thăm cũng như trưng bày tác phẩm của mình ở lục địa châu Âu, đặc biệt là Pháp, mặc dù không phải lúc nào cũng đạt được thành công như mong muốn. Ví dụ, bức Giao hưởng tông trắng, số 1: Cô gái bận đồ trắng (Symphony in White, No. 1: The White Girl) (1862) vẽ chân dung người tình Joanna Hiffernan của ông đã bị cả Học viện Hoàng gia ở London và Salon Pháp từ chối. Tuy nhiên, bức tranh bị từ chối đã xuất hiện với tựa đề Cô gái bận đồ trắng (The White Girl) trong Salon des Refusés (triển lãm các bức tranh bị từ chối) vào năm 1863, cùng với tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong khác, bao gồm cả Édouard Manet. Mặc dù bị nhiều khán giả bảo thủ vào thời điểm đó chế giễu, giống như Bữa trưa trên cỏ (Le dejeuner sur l’herbe) (1863) của Manet, Cô gái mặc đồ trắng hiện được coi là một tiền đề quan trọng của nghệ thuật hiện đại. Đây là tác phẩm đầu tiên trong số nhiều tác phẩm của Whistler dựa vào màu sắc để khám phá các mối quan hệ không gian và hình thức theo cách kích thích thị giác, điều này nhất quán với quan điểm của chủ nghĩa Thẩm mỹ “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Một số nhà phê bình cho rằng bức tranh Cô gái bận đồ trắng mang ý nghĩa biểu tượng với việc cô gái cầm một nhành hoa rũ và một số nhành hoa nằm nát dưới chân cô biểu trưng cho việc cô đã mất đi sự trong trắng. Tuy nhiên, Whistler hoàn toàn phủ nhận điều này và bất cứ ý nghĩa nào khác ngoài bề mặt bức tranh.

Người họa sĩ cũng phiêu lưu với những cuộc du hành nhiều như với cây cọ. Vào năm 1866, Whistler bất ngờ lên đường tới thành phố Valparaiso, Chile. Một số học giả đã suy đoán rằng ông cảm thấy đồng cảm với quân đội Chile khi đó đang trong cuộc chiến với Tây Ban Nha, và mạo hiểm đến đó để hỗ trợ Chile trong cuộc chiến. Bất kể mục đích của chuyến đi là gì, tại đó, Whistler đã vẽ ba bức tranh về cảnh biển, đánh dấu sự biến chuyển trong danh mục sáng tác của ông.

Dạ khúc tông Lam và Vàng kim: Vịnh Valparaiso (Nocturne in Blue and Gold: Valparaiso Bay) (1866) của James Whistler

Những khung cảnh bến cảng dưới màn đêm này ban đầu được đặt là “ánh trăng” và sau đó được đổi thành “dạ khúc”, lấy cảm hứng từ những góc nhìn theo trường phái Ấn tượng có tiêu đề tương tự về sông Thames và vườn Cremorne, được tạo ra khi nghệ sĩ trở về London.

Nguyên bản tiếng Anh do những cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Sarah McCain hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Thuý An dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê James Whistler Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…