Albert Bierstadt (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Albert Bierstadt – một trong những hoạ sĩ phong cảnh hàng đầu Mỹ với vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khai phá cũng như truyền bá vẻ đẹp của miền Tây quốc gia này – chúng ta tiếp tục tìm hiểu phần cuối tiểu sử của ông. Sau đó, chúng ta bắt đầu xem xét các tác phẩm quan trọng nhất của nghệ sĩ, từ những tác phẩm đầu tiên thực hiện ở châu Âu, như Thác nước Staubbach, gần Lauterbrunnen, Thuỵ Sĩ.
- “Cái đẹp tráng lệ của thế giới tự nhiên là một biểu hiện của những luật lệ tự nhiên huyền bí sẽ luôn bị che khuất khỏi nhận thức con người.”
- “Màu sắc của những rặng núi và những thảo nguyên, và, hẳn nhiên, của toàn bộ đất nước này, gợi ta nhớ về màu sắc của nước Ý; thực tế là, ở đây, chúng ta có nước Ý của Mỹ ở một điều kiện nguyên thuỷ.”
- “Chúng ta có rất nhiều chủ thể Anh-điêng. Chúng ta khá may mắn khi nắm bắt được họ, những người bản địa không thích thú gì trước việc những ống máy ảnh bằng đồng chỉ vào họ.”
Tiểu sử của Albert Bierstadt (tiếp)
Giai đoạn trưởng thành (tiếp)
Cuối năm 1863, Bierstadt được gọi đi nghĩa vụ quân sự nhưng đã trả tiền cho người khác thay mình đi. Năm tiếp theo, bức tranh Dãy Rocky của ông được trưng bày tại Hội chợ New York Sanitary Fair bên cạnh tác phẩm của họa sĩ phong cảnh nổi tiếng, Frederic Edwin Church. Bức tranh được phê bình nghệ thuật ảnh hưởng James Jackson Jarves khen ngợi vì “sự thể hiện khó lòng vượt qua về ánh sáng nước Mỹ“. Năm 1865, với danh tiếng đang lên, Bierstadt xây dựng một nhà ở/xưởng, có tên “Malkasten”, tại Irvington, phía Bắc thành phố New York, nhìn ra sông Hudson. Từ đây, Bierstadt đi tới New England và New Hampshire, thường là với anh trai Edward (một nhiếp ảnh gia). Thực tế, tại New Hampshire, ông đã tạo ra tác phẩm được nhiều người coi là tốt nhất của ông, Hồ Ngọc Lục Bảo (Emerald Pool) (1870).
Bierstadt bắt đầu được gắn với nhóm gọi là trường phái Sông Hudson thế hệ thứ hai. Những nghệ sĩ này được coi là “thế hệ thứ hai” vì họ đã mạo hiểm ra khỏi vùng Hudson quen thuộc để đi đến những địa điểm xa hơn trong nước. Thật vậy, Bierstadt (cùng với Thomas Moran) đã dịch chuyển vùng địa lý tập trung và đưa cảnh quan phía Tây vào tác phẩm như hình mẫu cho nguồn tài nguyên tự nhiên chưa khai thác của quốc gia. Hơn nữa, trong khi người sáng lập nhóm Hudson, Thomas Cole, nhấn mạnh việc tạo ra những hình ảnh thiên nhiên trác tuyệt, mang tính ngụ ngôn, thì các nghệ sĩ thế hệ thứ hai đã thay đổi cách tiếp cận của mình, tập trung hơn vào việc quan sát cẩn thận cảnh quan, và tạo ra các bức tranh truyền tải cảm giác thanh bình, chiêm nghiệm cho người xem.
Bằng cách giúp nâng tầm miền Tây Mỹ lên một mức độ nhận thức quốc gia, Bierstadt trở thành người liên kết với khái niệm Vận mệnh hiển nhiên. Đây là niềm tin, rộng rãi trong thế kỷ 19 ở Mỹ, rằng những người định cư da trắng ở miền Tây đã chấp nhận một sứ mệnh do Thượng đế ban cho để chinh phục môi trường của họ như một cách tạo ra một “thiên đường trên trái đất” mới (cụ thể là Mỹ). Như lời của lịch sử gia Anne F. Hyde, “Bierstadt đã vẽ miền Tây như những người Mỹ hy vọng nó sẽ là. Điều đó khiến cho những bức tranh của ông trở nên vô cùng phổ biến và củng cố được nhận thức về miền Tây như là châu Âu hoặc Eden trác tuyệt“.
Giai đoạn cuối
Năm 1866, Bierstadt và Rosalie kết hôn và cặp vợ chồng mới cưới ấy đã dành hai năm đi du lịch châu Âu. Khi ở London, họ được gặp Nữ hoàng Victoria (người được biết đến là người hâm mộ tác phẩm của ông); tại Paris, Bierstadt nhận huy chương danh giá Bảo hộ Nhân dân; và tại Rome, cặp vợ chồng giao lưu với nhà soạn nhạc nổi tiếng Franz Liszt. Trong những chuyến đi này, Bierstadt thuê phòng tranh và tiếp tục vẽ. Khi trở lại Mỹ, ông quay trở lại miền Tây, lần này đến khu vực Yosemite và Sierra Nevada. Bierstadt ở lại hai năm, phác thảo, vẽ tranh và bán tranh cho những người sưu tầm trong khu vực.
Vào tháng 7 năm 1871, gia đình Bierstadt đi đến San Francisco bằng tuyến đường sắt xuyên lục địa mới xây dựng. Họ ở lại California cho đến tháng 10 năm 1873. Năm 1875, bức tranh của Bierstadt Khám phá ra Hudson (The Discovery of the Hudson) (1874) được treo trong Toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ, và năm sau ông được Tổng thống Rutherford B. Hayes mời đến Nhà Trắng. Tuy nhiên, tác phẩm của Bierstadt cho Philadelphia Centennial năm 1876 không được đón nhận và đánh dấu bắt đầu sự sụt giảm trong tài năng nghệ thuật của ông.
Vào mùa thu năm 1876, Rosalie được chẩn đoán mắc bệnh lao và bác sĩ khuyên bà nên nghỉ ngơi ở những vùng khí hậu ấm hơn. Theo lời khuyên của bác sĩ, gia đình Bierstadt đã dành những tháng mùa lạnh trong năm để tới Bahamas nơi Bierstadt phác thảo và vẽ tranh các cảnh quan nhiệt đới và biển cả địa phương với sự sống động mới mẻ. Thực tế, bức tranh của ông, Bờ biển ngọc (The Shore of the Turquoise Sea) (1878), có thể là thành công cuối cùng của ông khi nó được trưng bày tại Học viện Thiết kế Quốc gia vào năm 1880.
Năm 1882, xưởng của Bierstadt (“Malkasten”) bị cháy và ông mất nhiều tác phẩm. Trở ngại đầy nghiệt ngã này xảy ra cùng lúc với thị trường nghệ thuật đang dần suy thoái. Nhưng cú đánh mạnh nhất vào tinh thần ông là khi tác phẩm tham dự của ông cho Exposition Universelle năm 1889 tại Paris, Con trâu cuối cùng (The Last of the Buffalo) (1888), bị hội đồng tuyển lựa Mỹ từ chối. Cùng năm đó, Bierstadt thực hiện chuyến đi cuối cùng đến miền Tây, và sau đó đi thẳng đến miền Bắc, Alaska. Tuy nhiên, thật buồn là ông đã bị lấn át bởi sự nổi lên của họa sĩ cảnh quan Bắc Mỹ George Inness, một nghệ sĩ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trường phái Barbizon của Pháp, người đang khám phá chủ nghĩa Sắc độ (một phong cách điềm tĩnh hơn ưa chuộng bảng màu trung tính giới hạn) và đang dần chiếm được sự yêu thích của các nhà phê bình và các nghệ sĩ khác.
Năm 1893, Rosalie qua đời. Năm sau ông tái hôn với một bà góa giàu có, nhưng, do lối sống hoang phí, ông tuyên bố phá sản. Ông buộc phải bán toàn bộ tài sản và tài sản của mình, bao gồm 150 bức tranh, để trả nợ cho các chủ nợ. Bierstadt dành những năm cuối cùng của mình hầu như là trong sự quên lãng; tác phẩm của ông bị coi là phô trương và lỗi thời. Ông qua đời đột ngột vào ngày 18 tháng 2 năm 1902. Được chôn cất tại Rural Cemetery ở New Bedford, Massachusetts, ông được vinh danh sau đó với việc đặt tên một ngọn núi ở Colorado theo tên ông – núi Bierstadt.
Di sản của Albert Bierstadt
Cùng với các thành viên thế hệ thứ hai của trường phái Sông Hudson (bao gồm Asher B. Durand, John Frederick Kensett, Sanford Robinson Gifford, Thomas Moran, và Frederic Edwin Church), Bierstadt trở nên nổi tiếng trong thế kỷ 19 vì đã vẽ các khung cảnh rộng lớn của cảnh quan Mỹ (không kể cảnh quan của châu Âu, Canada, và Bahamas). Nhưng điều làm cho Bierstadt (và Moran) khác biệt so với những người khác của trường phái Sông Hudson là ông tập trung vào miền Tây Mỹ chưa được khám phá. Trong khía cạnh này, ông đã giúp giới thiệu với công chúng Mỹ rộng rãi về những miền đất chưa được khai thác và những vùng hoang dã chưa được thuần hóa. Thực tế, những cảnh quan của một “Miền đất hứa” Mỹ đã đi vào tâm thức của quốc gia và truyền cảm hứng cho một thế hệ người khám phá và định cư đi về phía tây. Mặc dù phong cách của Bierstadt và các nghệ sĩ của trường phái Sông Hudson đã không còn được ưa chuộng vào cuối thế kỷ 19, các nghệ sĩ của phong trào chủ nghĩa Khu vực Mỹ (American Regionalism) trong những năm 1930 (bao gồm Thomas Hart Benton, Grant Wood, và John Steuart Curry) đã thể hiện sự chịu ơn với Trường phái sông Hudson thông qua việc tập trung vào hình ảnh chi tiết, thực tế, và thậm chí thường là lý tưởng, về nông thôn Mỹ vào thời điểm mà phần lớn dân số đã trở nên tuyệt vọng với cuộc sống đô thị và ngành công nghiệp hiện đại sau cú sốc từ Đại suy thoái.
Ngoài ra, cách tiếp cận của Bierstadt và các nghệ sĩ khác của trường phái Sông Hudson cũng đã lan tỏa đến các nhiếp ảnh gia cảnh quan thế kỷ 20, như Ansel Adams, người đã chụp những khung cảnh hùng vĩ nắm bắt sự tráng lệ của cảnh quan Mỹ trong khi cùng lúc hỗ trợ cho những nguyên nhân bảo tồn thông qua việc thành lập các công viên quốc gia.
Các tác phẩm nghệ thuật quan trọng của Albert Bierstadt
1856: Thác nước Staubbach, gần Lauterbrunnen, Thụy Sĩ
Tác phẩm Thác nước Staubbach, gần Lauterbrunnen, Thụy Sĩ (Staubbach Falls, Near Lauterbrunnen, Switzerland) thuở ban đầu này của Bierstadt được vẽ vào năm cuối cùng của chuyến du hành kéo dài bốn năm của ông tại châu Âu, nơi ông học cách vẽ bằng phương pháp en plain air (ngoài trời) dưới sự hướng dẫn của họa sĩ tranh lịch sử người Mỹ gốc Đức Emanuel Leutze và họa sĩ tranh phong cảnh người Mỹ Worthington Whittredge. Khi vẽ tác phẩm này, tái hiện một thung lũng rậm rạp rừng với thác nước chảy xiết bên phải và những ngọn núi phủ tuyết ấn tượng ở hậu cảnh, ông đang đi cùng Whittredge xuyên dãy Alps Thụy Sĩ. Không có nghi ngờ gì rằng Whittredge (người đã trải qua 16 năm đầu đời của mình trên các cánh đồng và rừng rậm của vùng quê Ohio) đã truyền cho Bierstadt một tình yêu và sự ngưỡng mộ chân thành và sâu sắc đối với vẻ đẹp và sức mạnh thiêng liêng của tự nhiên.
Tác phẩm này nhấn mạnh cách mà Bierstadt chịu ảnh hưởng bởi Whittredge và, mặc dù gián tiếp, bởi các thành viên khác của trường phái Düsseldorf. Những họa sĩ này tập trung vào việc thể hiện những cảnh quan lãng mạn, ấn tượng, chi tiết bằng việc sử dụng bảng màu hài hòa và dịu nhẹ. Thật vậy, Bierstadt đã đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu cách tiếp cận của trường phái Düsseldorf với trường phái sông Hudson khi ông trở về Hoa Kỳ. Theo các cây viết về nghệ thuật Martha N. Hagood và Jefferson C. Harrison, Bierstadt cũng lấy từ các họa sĩ Düsseldorf “ý tưởng rằng cảnh quan cần được quan sát như nhiều góc độ và được xem xét ở mức độ chi tiết rất lớn.”
Rõ ràng, Bierstadt đã tiếp tục dùng trải nghiệm của mình tại châu Âu như một điểm tham chiếu ngay cả sau khi trở về Mỹ. Trong một lá thư năm 1859 gửi tới tạp chí The Crayon của thế kỷ 19, ông viết: “Nếu bạn có thể có bất cứ hình dung nào về cảnh vật ở núi Rocky và cuộc sống của chúng tôi ở khu vực này […], tôi sẽ rất vui […] Những ngọn núi thật tuyệt vời; nhìn từ đồng bằng, chúng rất giống như dãy núi Alps vùng Berne, một trong những dãy núi đẹp nhất ở châu Âu, thậm chí là trên thế giới. Chúng có cấu trúc đá granite giống như những ngọn núi Thụy Sĩ, và những đỉnh núi nhọn, phủ đầy tuyết và hòa quyện với mây, tạo thành một cảnh tượng mà mọi người yêu thiên nhiên đều ngắm nhìn với niềm vui không thể nào diễn tả được“.
(còn tiếp)
Nguyên bản tiếng Anh do Alexandra Ducan tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật