Albert Bierstadt (Phần 1)

Trong loạt bài ba phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về một nhân vật quan trọng của hội hoạ phong cảnh Mỹ nói chung và cả trào lưu trường phái sông Hudson cũng như chủ nghĩa Quang chiếu nói riêng – Albert Bierstadt.

  • Thực sự, mọi thứ đều đáng chú ý và là suối nguồn của kinh ngạc và diệu kỳ. Con người vô cùng may mắn được cư ngụ trong Vườn Địa Đàng Mỹ này.
  • Như nhà văn, nghệ sĩ cũng nên nói lên phần lịch sử của anh ta; một sự kết hợp của hai sẽ đảm bảo khắc hoạ nó toàn vẹn hơn.
  • Đức Ki-tô là một với những sinh vật của Ngài và bởi vậy con người phải đối xử với những đồng loại của mình theo cùng cách của Đức Ki-tô. Chúng ta cần chấm dứt sự giết hại liên tục đối với các loài động vật bản địa trước khi mất tất cả.

Tóm lược về Albert Bierstadt

Trong những năm cuối đời, Bierstadt bị nhiều nhà phê bình chỉ trích vì sự thái quá và thiếu trau chuốt. Tuy nhiên, ngày nay, ông vẫn được coi là một trong những họa sĩ phong cảnh vĩ đại nhất của Mỹ; một người tạo ra bức tranh khắc hoạ một hình ảnh độc đáo về lịch sử tự nhiên của Mỹ trong nửa sau của thế kỷ 19. Sử dụng nhiều ảnh chụp và bản phác họa làm nguyên liệu, ông vẽ ra những tác phẩm toàn cảnh đầy hùng tráng về miền Tây Mỹ hoang dã đã được minh chứng là vô cùng phổ biến với công chúng của quốc gia này. Hoành tráng trong quy mô và tác động cảm xúc, hội hoạ của Bierstadt sử dụng màu sắc để tạo hiệu ứng lãng mạn hơn là chân thực. Những bức tranh của ông chịu ảnh hưởng lớn từ những chuyến du hành của ông tới châu Âu, theo đó chúng thúc đẩy ý tưởng bảo tồn, dẫn đến việc thành lập các công viên quốc gia mới, đồng thời nhấn mạnh tình trạng khốn đốn của người Mỹ bản địa và nguy cơ tuyệt chủng của bò rừng.

Albert Bierstadt là một người Mỹ gốc Đức, sinh 07/01/1830 ở Soligen, Đức và mất 18/02/1902 ở New York, Mỹ. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1850 đến khi mất.

Những thành tựu

  • Bierstadt được liên hệ với thế hệ thứ hai của các họa sĩ trường phái sông Hudson. Giống những người cùng thời của mình là Frederic Church và Thomas Moran, Bierstadt nổi tiếng nhờ việc sẵn lòng đi bộ đường dài, thường là phải vượt qua những địa hình gồ ghề nguy hiểm, để tìm ra những cảnh quan đẹp nhất. Lấy cảm hứng từ trường phái hội họa phong cảnh Düsseldorf và được truyền cảm hứng bởi chính chuyến đi tới vùng núi Alps của Thụy Sĩ và Ý, ông đã tạo ra một phiên bản lãng mạn và tinh tế của miền Tây Hoa Kỳ dựa trên những bản phác thảo và ảnh chụp của mình.
  • Mặc dù chủ nghĩa Quang chiếu thường được gắn liền với các bức tranh có quy mô hơi nhỏ hơn so với tranh của Bierstadt, ông vẫn được coi là một người tiên phong của phong cách này. Đó là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả phong cảnh có hiệu ứng ánh sáng rực rỡ, thứ thôi thúc một cảm giác chiêm nghiệm và yên bình nơi người xem. Thật vậy, chủ nghĩa Quang chiếu được coi là một trải nghiệm trác tuyệt chỉ có thể đạt được bằng cách đắm mình trong kỳ quan của thiên nhiên.
  • Có thể cho rằng bức tranh nổi tiếng nhất của Bierstadt, Những mái vòm của Yosemite (Domes of Yosemite) (1867), đã giúp quảng bá cho những ngọn núi của thung lũng Yosemite trở thành kỳ quan tự nhiên được yêu thích nhất của Hoa Kỳ. Viện Nghệ thuật Chicago mô tả cách Bierstadt đã “tôn vinh cảnh vật tự nhiên bằng cách thu hẹp lại thung lũng và tăng chiều cao của những ngọn núi lên một cách đáng kể” theo một cách gợi nhớ đến “kiến trúc gothic và độ cao vút của tòa thánh giáo trung tâm“. Bức tranh này thành công đến nỗi vào năm 1882, một đài quan sát đã được lắp đặt tại cùng một điểm quan sát mà Bierstadt đã dùng để sáng tác khung cảnh của mình.
Điểm quan sát của Bierstadt trong bức Những mái vòm của Yosemite nằm ở khoảng giữa đường lên thác nước Yosemite gần Hòn đá Columbia (Columbia Rock)
  • Trong giai đoạn cuối sự nghiệp của mình, Bierstadt bổ sung vào bên cạnh các tác phẩm về chủ đề Mỹ và châu Âu của mình bằng một loạt các bức tranh “nhiệt đới” mà ông sáng tác khi lưu lại ở Bahamas. Rời xa kỹ thuật theo trường phái Quang chiếu, các tác phẩm về Bahamas của ông thể hiện nghệ sĩ ở một tâm trạng biểu cảm hơn. Những bức tranh đất liền và biển này sử dụng những màu sắc táo bạo, tươi sáng hơn và không quan tâm nhiều đến sự hiện diện trác tuyệt của thiên nhiên, mà thay vào đó là đời sống và hoạt động hàng ngày của người dân địa phương.
Một khung cảnh ở Bahamas (A View in the Bahamas), khoảng 1879 của Albert Bierstadt

Tiểu sử của Albert Bierstadt

Thời thơ ấu

Albert Bierstadt là con út trong số sáu người con và là con thứ trong số người con trai, với bố là Henry Bierstadt, một thợ đóng thùng, và mẹ là Christina M. Tillmans. Trước khi Albert lên hai tuổi, gia đình ông đã di cư đến New Bedford, Massachusetts, nơi ngành đánh cá voi và nhu cầu lớn về thùng hàng hóa đã mang lại mức sống thoải mái cho Henry và gia đình. Bierstadt từ sớm đã đam mê nghệ thuật, và mặc dù màu vẽ khó tìm, ông vẫn thích vẽ phác họa và vẽ bằng sáp màu. Như Albert sau này kể lại, đó là một tuổi thơ hạnh phúc, nhưng vẫn có ít thông tin được biết về những năm đầu đời của ông. Tuy nhiên, cũng được ghi nhận rằng, khi còn là thiếu niên, ông đã giúp đỡ họa sĩ phong cảnh người Anh George Harvey trong một chuyến trưng bày nhiều điểm, trong đó nghệ sĩ chiếu hình ảnh của những bức tranh của mình lên màn hình nhỏ của rạp hát (với giá vé vào cửa là 25 xu).

Chân dung của Albert Bierstadt do anh trai ông chụp năm 1895. Đây là bức ảnh chân dung màu đầu tiên được biết tới trên thế giới.

Giáo dục và đào tạo ban đầu

Bierstadt chủ yếu tự học và, ở tuổi 20, ông bắt đầu dạy vẽ ở New Bedford. Một năm sau, ông bắt đầu thử nghiệm với sơn dầu. Ông cũng trưng bày 13 tác phẩm của mình lần đầu tiên tại Liên hiệp Nghệ thuật New England ở Boston. Sau đó, vào năm 1853, sau khi trưng bày tại Học viện Mỹ thuật Massachusetts và sau một chuyến đi đến dãy núi White của New Hampshire, ông đi đến Bắc Âu, nơi ông hy vọng có thể học tại Trường Düsseldorf.

Trường Düsseldorf được điều hành bởi một nhóm họa sĩ, bao gồm Andreas Achenbach, Karl Friedrich Lessing, Johann Wilhelm Schirmer và Hans Fredrik Gude, những người là một phần của phong trào Lãng mạn Đức. Những nghệ sĩ này ủng hộ kỹ thuật vẽ tranh en plein air và tác phẩm của họ thường mang đậm nét tôn giáo. (Bierstadt hy vọng sẽ liên lạc được với người họ hàng xa của mình, và cũng là thành viên nổi bật của trường Düsseldorf, Johann Peter Hasenclever, nhưng đáng tiếc Hasenclever đã qua đời ngay trước khi Bierstadt đến.)

Trong khi ở Düsseldorf, Bierstadt tìm đến họa sĩ tranh lịch sử Đức-Mỹ Emanuel Gottlieb Leutze và họa sĩ phong cảnh Mỹ Worthington Whittredge, với hy vọng họ sẽ thuyết phục Achenbach nhận mình làm học trò. Tuy nhiên, họ đánh giá tác phẩm của Bierstadt mang tính trang trí quá cao và thuyết phục ông tin vào lời nói dối rằng Achenbach không nhận học trò mới. Cây viết về nghệ thuật Charles McQuillen ghi nhận rằng Leutze và Whittredge, tuy nhiên, đã khuyến khích ông kiên trì với phong cách riêng của mình, điều cuối cùng sẽ tạo ra “những tác phẩm kịch tính, kỹ thuật vẽ kiểu Tân Cổ Điển sắc nét, sự chú ý đến từng chi tiết, và những phong cảnh lãng mạn đầy cảm xúc, hoa mĩ, mang tính biểu tượng trong nội dung được thực hiện tỉ mỉ theo một phong đặc biệt hoàn thiện“.

Quét sạch – Bờ biển Sicily (Clearing Up – Coast of Sicily) (1847) – một tác phẩm của Andreas Achenbach

Bierstadt ở lại châu Âu trong bốn năm, nơi ông dành toàn bộ tâm trí cho nghệ thuật của mình. Trong năm cuối cùng, ông đi du lịch cùng Whittredge khắp Đức, Thụy Sĩ và Ý (nơi ông dành những tháng mùa đông đến thăm Rome, Naples và Capri). Ông trở về New Bedford vào năm 1857 với tư cách là một họa sĩ trưởng thành. Ông dạy vẽ trong một thời gian ngắn, trước khi dành toàn bộ thời gian cho tác phẩm của chính mình.

Ban đầu Bierstadt tạo ra những tác phẩm dựa trên những cảnh tượng châu Âu hư cấu. Sau đó, vào cuối năm 1857, ông tham gia chuyến khảo sát đất đai của Frederick W. Lander, đi tới miền tây nước Mỹ và dãy núi Rocky. Lander đã được chính phủ ký hợp đồng để khảo sát, thiết kế và sau đó xây dựng, tuyến đường sau này sẽ được biết đến với tên “Đường mòn Lander” băng qua Wyoming và Idaho. Suốt chuyến đi, Bierstadt đã vẽ vô số bản phác họa và cũng bắt đầu thử nghiệm với phương tiện mới – nhiếp ảnh. Những bản phác họa và bức ảnh của ông đã tạo nên nền tảng cho những khung cảnh bao la mà ông sẽ thực hiện sau này trong xưởng của mình. Năm 1859, Bierstadt chu du đến dòng sông Platte và dãy núi Wind River, chiêm ngưỡng những cảnh quan ngoạn mục và vẽ những cảnh cuộc sống của người dân bản địa. Ông tiếp tục hành trình đến dãy núi Rockies, nơi mà đôi khi có những khung cảnh còn tuyệt vời hơn cả dãy núi Alps của châu Âu. Bierstadt rất hào hứng và tuyên bố rằng “Chính đất nước của chúng ta có nguồn tư liệu tốt nhất cho nghệ sĩ trên thế giới“. Bức tranh quan trọng đầu tiên của ông từ giai đoạn này (nay đã mất) là Chân núi Rocky (Base of the Rocky Mountains) (khoảng 1860).

Vùng Wind River (Wind River Country) (1860) của Albert Bierstadt

Giai Đoạn Trưởng Thành

Vào mùa xuân năm 1858, Bierstadt đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới phê bình tại New York, bằng một bức tranh lớn về hồ Lucerne nằm giữa dãy Alps tại Thụy Sĩ, khi tác phẩm này được trưng bày trong triển lãm hàng năm tại Học Viện Thiết Kế Quốc Gia (National Academy of Design – NAD). Ấn tượng ông tạo ra mạnh mẽ đến mức chỉ vài tuần sau, ông đã được chọn làm hội viên danh dự của NAD. Ông chuyển đến New York và mở phòng tranh tại Tòa nhà Phòng tranh Đường Thứ Mười. Bierstadt nhanh chóng gây dựng danh tiếng với những bức tranh về phía Tây núi non của Mỹ, bao gồm một trong những tác phẩm được ca ngợi nhiều nhất của ông, Rặng núi Rocky, Đỉnh Lander (The Rocky Mountains, Lander’s Peak) (1863). Vào khoảng thời gian này, ông cũng thành lập một doanh nghiệp chụp ảnh thành công tại Thành phố New York với hai người anh của mình, Charles và Edward (doanh nghiệp hoạt động từ năm 1860 đến 1866).

Rặng núi Rocky, đỉnh Lander (The Rocky Mountains, Lander’s Peak) (1863) của Albert Bierstadt

Đầu năm 1863, Bierstadt một lần nữa hướng về phía tây, lần này cùng với tác giả Fitz Hugh Ludlow (người nổi tiếng nhất với cuốn sách The Hasheesh Eater (TD: Kẻ ăn đọt cây gai), ghi lại những trải nghiệm của ông về việc sử dụng ma túy). Hai người đi qua Utah và San Francisco, dành bảy tuần trong thung lũng Yosemite, trước khi trở về nhà qua Oregon. Không lâu sau đó, Ludlow và vợ của ông, Rosalie, đã ly dị để bà có thể đi theo Bierstadt. Mặc dù vậy, Ludlow và Bierstadt vẫn là bạn thân, thậm chí Ludlow trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho nghệ sĩ. (Ông viết về các chuyến thám hiểm của họ trong các bài viết cho The Atlantic Monthly, và sau đó, trong một cuốn sách có tựa đề The Heart of the Continent (Trái tim của lục địa) (1870). Ludlow cũng là phê bình nghệ thuật cho The New York Evening Post, nơi ông viết các bài đánh giá khen ngợi tranh của Bierstadt.)

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Alexandra Ducan tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Albert Bierstadt hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…