Tổng quan Nghệ thuật Mỹ (Phần 4)

Trong phần cuối của loạt bài nhìn tổng quan về nghệ thuật Mỹ, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các trào lưu chủ nghĩa Tối giản và Hậu Tối giản, Nghệ thuật Đất và Nghệ thuật Môi trường, và Hậu Hiện đại với các xu hướng nổi bật như Nghệ thuật Vị niệm, Nghệ thuật Trình diễn, và Nghệ thuật Nữ quyền – bên cạnh các xu hướng khác.

Nghệ thuật Mỹ (Từ 1950 trở đi) (tiếp)

Chủ nghĩa Tối giản và Hậu Tối giản (1960 – Nay)

Ở New York vào đầu những năm 1960, các nghệ sĩ theo trường phái Tối giản như Donald Judd, Carl Andre, Sol LeWitt và Robert Morris đã tạo ra các tác phẩm từ những vật liệu công nghiệp trong khi sử dụng một cách tiếp cận lạnh lùng và ẩn danh. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Kiến tạo Nga, những người theo chủ nghĩa Tối giản chú trọng tính vật chất của phương tiện trong cảm nhận của người xem và ưu tiên sự chế tác cũng như vật liệu công nghiệp. Bác bỏ quan niệm hội họa theo chủ nghĩa hình thức của Greenberg, họ nhấn mạnh cách tiếp cận như sử dụng hình dạng, màu sắc và các yếu tố khác một cách tối thiểu, còn được gọi là “Hội họa có hệ thống” (Systematic Painting) hay “Nghệ thuật tiêu giảm” (Reductive Art). Frank Stella, Tony Smith, Richard Serra, Ronald Bladen và Dan Flavin gắn liền với phong trào này và nó nhanh chóng thống trị ở Mỹ và quốc tế, báo hiệu cho những bước tiến triển khác như chủ nghĩa Hậu tối giản và phong trào Ánh sáng và Không gian (Light and Space movement). 

Tác phẩm “Chuyến xe miễn phí” (Free Ride) (1962) của Tony Smith được chế tạo từ thép để tạo ra một cấu tạo tối giản.

Chủ nghĩa Hậu tối giản có nhiều khuynh hướng khác nhau, gồm Nghệ thuật Quá trình (Process Art), Nghệ thuật Trình diễn và Nghệ thuật Cơ thể (Body Art), Nghệ thuật Biệt vị (Site-specific Art) và một số khía cạnh của Nghệ thuật Vị niệm. Nhà phê bình nghệ thuật Lucy Lippard đã giám tuyển triển lãm Trừu tượng lập dị (Eccentric Abstraction) vào năm 1968, trưng bày tác phẩm của Louise Bourgeois, Eva Hesse và Bruce Nauman – những tác phẩm được làm bằng vật liệu mềm hoặc dẻo. Một số nghệ sĩ gắn liền với chủ nghĩa Hậu Tối giản đã mở rộng mối quan tâm của chủ nghĩa Tối giản với các vật thể trừu tượng và ẩn danh sang các địa hạt khác, trong khi nhiều người có phản ứng chống lại cách tiếp cận ẩn danh lạnh lùng của chủ nghĩa Tối giản để ủng hộ việc bộc lộ cảm xúc. Lynda Benglis, Eva Hesse và Louise Bourgeois sử dụng nhựa và mủ cao su, trong khi Nancy Graves sử dụng nhiều vật liệu để mô phỏng da động vật, các tác phẩm hoàn thành của bà đã tạo ra một hiệu ứng biểu cảm tự nhiên. Sol LeWitt, Richard Serra và Vito Acconci cũng nằm trong số những người theo chủ nghĩa Hậu Tối giản.

“May rủi” (Contigent) (1969) của Eva Hesse. Sợi thuỷ tinh, mủ cao su, và vải thưa.

Sinh sống và làm việc tại California với ảnh hưởng từ chủ nghĩa Tối giản, Robert Irwin bắt đầu tạo ra các tác phẩm sắp đặt lớn sử dụng nguồn sáng vào năm 1969 và tiên phong trong cái được gọi là phong trào Ánh sáng và Không gian. Larry Bell, James Turrell, John McCracken và Helen Pashgian đều gắn liền với phong trào sử dụng vật liệu công nghiệp, bao gồm đèn neon và đèn argon, acrylic đúc và nhựa polyester để tạo ra trải nghiệm dựa trên cảm giác. Dựa trên nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, họ đã tạo ra các tác phẩm nhấn mạnh sự tương tác giữa ánh sáng và không gian.

“Ánh sáng và không gian” (Light and Space) (2007) của Robert Irwin. Sắp đặt 115 bóng đèn huỳnh quang

Nghệ thuật Đất (Earth Art) và Nghệ thuật Môi trường (Environmental Art) (Những năm 1960 – Nay)

Còn được gọi là Nghệ thuật Thực địa (Land Art) hay các tác phẩm về Trái Đất (Earth Works), Nghệ thuật Đất là một phát triển của chủ nghĩa Tối giản, khi trái đất tự nó đã trở thành cả đối tượng vật chất và địa điểm biệt vị cho nghệ thuật, các nghệ sĩ cũng sử dụng các vật liệu tự nhiên sẵn có của khu vực đó, chẳng hạn như bùn, đất, đá để thiết kế những dự án quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng đối với của địa điểm. Thường bao gồm một số yếu tố trình diễn, Nghệ thuật Đất có chung một số xu hướng nhất định với chủ nghĩa Hậu tối giản, bao gồm Nghệ thuật Trình diễn, Nghệ thuật Quá trình và Nghệ thuật Sắp đặt. Triển lãm Nghệ thuật Trái đất năm 1969 tại Đại học Cornell, gồm những tác phẩm của Robert Smithson, Walter de Maria, Michael Heizer, Robert Morris, Dennis Oppenheim và Hans Haacke, đã phát động phong trào. Các nghệ sĩ, như Smithson, thường lấy cảm hứng từ các địa điểm cổ xưa, như Stonehenge hoặc Gò rắn của người Mỹ bản địa, và xem tác phẩm của họ là đối tượng của các điều kiện thay đổi và tính hỗn độn, hay sự xuống cấp của một hệ thống theo thời gian. Nancy Holt, Richard Long, Agnes Denes và Andy Goldsworthy cũng là những nghệ sĩ hàng đầu thực hành Nghệ thuật Đất.

Phong trào Nghệ thuật Đất đã ảnh hưởng lên sự phát triển của Nghệ thuật Môi trường mà còn được gọi là nghệ thuật sinh thái. Nhấn mạnh cách tiếp cận không xâm lấn, các nghệ sĩ Môi trường tự nhìn nhận mình là người cộng tác với môi trường và khám phá sự tương tác của con người với môi trường tự nhiên. Betty Beaumont, Andy Goldsworthy, Agnes Denes, Meg Webster, Olafur Eliasson, Herman de Vries, Nils Udo và Chris Jordan là những nghệ sĩ đứng đầu phong trào. Họ đa dạng hoá các cách tiếp cận; Beaumont đã biến chất thải của nhà máy điện thành một rạn san hô dưới nước trong tác phẩm “Địa danh ở biển” (Ocean Landmark) (1978-80). Còn Goldsworthy, trong khoảng thời gian bốn năm, làm việc, như ông nói, “phối hợp với thiên nhiên”, đã sắp xếp các mảng đá vôi được lấy từ những cánh đồng nơi ông làm vườn để tạo ra “Pinfold Cones” (1981-85 ).

Pinfold Cones” của Goldsworthy

Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Những năm 1960 – nay)

Vào những năm 1960, một bầu không khí thực nghiệm sôi nổi ngự trị, dẫn đến sự phát triển của Nghệ thuật Vị niệm, Nghệ thuật Nữ quyền, Nghệ thuật Cơ thể, và Nghệ thuật Trình diễn. Mặc dù những phong trào nghệ thuật này mang tính quốc tế, các nghệ sĩ Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của chúng, và mở rộng tiếp thành nhiều xu hướng.

Tác phẩm điêu khắc “Lại một cú xoắn nữa” (Another Twister) (João) của nhà điêu khắc người Mỹ Alice Aycock, được lắp đặt trước lối vào Bảo tàng Sprengel Hannover, Đức.

Chịu ảnh hưởng bởi tính mộc mạc giản lược của chủ nghĩa Tối giản, nghệ thuật Vị niệm nhấn mạnh rằng ý niệm của một tác phẩm quan trọng hơn hình thức hay thậm chí là sự hoàn thiện của nó. “Các đoạn về nghệ thuật Ý niệm” (Paragraphs on Conceptual Art) (1967) của Sol LeWitt đã thực tế trở thành bản tuyên ngôn của phong trào; ông đã viết rằng tác phẩm nghệ thuật “bất kể hình thức cuối cùng mà nó sở hữu là gì, nó phải bắt đầu từ một ý tưởng”. Những cái tên như Walter de Maria, Ed Ruscha, Marina Abramović, Dan Graham, và nghệ sĩ người Đức Joseph Beuys mới chỉ là một vài trong số những nghệ sĩ hàng đầu đã trở thành một phần của phong trào. 

Trong bầu không khí thực nghiệm, những xu hướng mới đã phát triển, bao gồm Phê bình Định chế (Institutional Critique), dẫn đầu bởi một loạt những nghệ sĩ quốc tế, gồm có Hans Haacke, Michael Asher, Daniel Buren, và Marcel Broodthaers, và Thế hệ hình ảnh (The Pictures Generation) (được đặt tên từ triển lãm cùng tên được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York năm), gồm có Sherrie Levine, Cindy Sherman, Robert Longo, Barbara Kruger, và Richard Prince. Một số nghệ sĩ Vị niệm đã tạo ra các tác phẩm sắp đặt khi nghệ thuật Sắp đặt trở thành xu hướng chính, được sử dụng trong nhiều phong trào. Ngoài ra, các thực hành ý niệm đã mang đến Neo-Geo (tạm dịch: Tân hình học), hay chủ nghĩa Tân Vị niêm Hình học (Neo-Geometric Conceptualism), một thuật ngữ định rõ các tác phẩm của Peter Halley, Ashley Bickerton, Jeff Koons, và Meyer Vaisman sau cuộc triển lãm năm 1986 ở New York. Bằng cách sử dụng những chiến thuật thích hợp, nhóm đã sử dụng dạng hình học để tự tạo khoảng cách một cách đầy châm biếm với hội hoạ trừu tượng, trong khi cũng sử dụng những tác phẩm trước đây như những tác phẩm có sẵn có thể được dùng riêng. 

Một tác phẩm NeoGeo của Jeff Koons – “Bể cân bằng tổng ba bóng” (hai sê-ri bạc Dr. J, kết thúc giải NBA mở rộng) [Three Ball Total Equilibrium Tank (Two Dr J Silver Series, Spalding NBA Tip-Off)]

Từ phong trào Dân quyền, phong trào mới nổi Tự hào đồng tính (Gay Pride), và tinh thần phản chiến hăng hái – nghệ thuật Nữ quyền (Feminism Art) đã phát triển vào cuối những năm 1960. Các tổ chức nghệ thuật dành cho phụ nữ như Liên minh công nhân nghệ thuật (Art Worker’s Coalition) và Những nữ nghệ sĩ trong cách mạng (Women Artists in Revolution) được thành lập để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và các vấn đề nữ quyền khác trong cộng đồng nghệ thuật. Judy Chicago và Miriam Schapiro đã thành lập nên Dự án nghệ thuật nữ quyền và Womanhouse của Viện nghệ thuật California, một dự án nơi các nghệ sĩ nữ có thể hợp tác và tạo ra các tác phẩm sắp đặt quy mô lớn. Mary Beth Edelson, Lynda Benglis, Martha Rosler, Carolee Schneemann, Suzanne Lacy, Leslie Labowitz, Bia Lowe, Barbara Kruger, và Guerilla Girls là những nghệ sĩ nữ hàng đầu, khi phong trào khám phá các cách tiếp cận đa dạng, và những nghệ sĩ nữ tham gia đã gắn kết với đồng thời một số phong trào. Judy Chicago trở nên nổi tiếng với “Bữa tiệc tối” (The Dinner Party), một ví dụ mang tính biểu tượng cho cả nghệ thuật Nữ quyền và nghệ thuật Sắp đặt. 

Bữa tiệc tối” (The Dinner Party) (1974-79) của Judy Chicago kết hợp các ý tưởng sắp đặt, thủ công và nữ quyền để tạo ra một tác phẩm hấp dẫn và gây tranh cãi.

Trong khi đó, các trình diễn của Carolee Schneemann là tiên phong trong các phong trào Nữ quyền, Cơ thể và Trình diễn. Nghệ thuật Nữ quyền ủng hộ một cách tích cực và truyền cảm hứng cho sự phát triển của nghệ thuật Queer, tập trung vào danh tính queer và kết nối với phong trào Tự hào đồng tính và cuộc khủng hoảng AIDS, đồng thời mở ra một kỷ nguyên của nghệ thuật Danh tính và chính trị Danh tính, tập trung vào trải nghiệm của những nhóm bên lề và sự bất bình đẳng họ phải đối mặt. 

Vào những năm 1960, nghệ thuật Trình diễn chú trọng vào những sự kiện diễn ra trực tiếp, nơi nghệ sĩ, đôi khi cùng với những cộng tác viên hay người biểu diễn, xoá bỏ mọi ranh giới giữa nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật. Phong trào quốc tế dựa trên một số xu hướng tiên phong ban đầu, bao gồm Dada, chủ nghĩa Vị lai, và chủ nghĩa Siêu thực, nhưng gần đây bắt nguồn từ các tác phẩm của John Cage, những nghệ sĩ Fluxus, và những happening của Allan Kaprow vào những năm 1950. Dàn dựng nên cái mà đôi khi được gọi là “những hành động”, các nghệ sĩ trình diễn thường đối diện với khán giả. Phong trào này gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật Cơ thể, khi các nghệ sĩ Mỹ, bao gồm Chris Burden, Carolee Schneemann, và Hannah Wilke, sử dụng chính cơ thể của họ để làm phương tiện.

 Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Valerie Hellstein biên tập và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Olivia Ha dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tổng quan nghệ thuật Mỹ

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…