Tân tạo hình (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài bốn phần về chủ nghĩa Tân tạo hình, chúng ta tìm hiểu phần tiếp theo về những khởi đầu của phong trào, bao gồm sự phát triển của nó ở Paris, London, và New York. Sau đó, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về chủ nghĩa Tân tạo hình trong thiết kế đồ hoạ và điêu khắc.

  • Càng ngày thì tác phẩm nghệ thuật càng có khả năng tự nói về chính mình. Cá tính đã bị đặt sai chỗ; mỗi tác phẩm nghệ thuật là một cá tính thay bằng là thuộc về một nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật trở thành một biểu hiện khác của cái phổ quát.” – Piet Mondrian
  • Nghệ thuật – mặc dù vừa là một mục đích và là mục đích của chính nó, giống như tôn giáo – là phương tiện để chúng ta biết được cái phổ quát và chiêm nghiệm nó ở dạng hữu hình.” – Piet Mondrian
  • Tất cả các mối quan hệ đều bị chi phối bởi một mối quan hệ nguyên thuỷ đơn nhất được định nghĩa bởi sự đối lập của hai thái cực.” – Piet Mondrian
  • Chủ nghĩa Tân tạo hình là hội hoạ thuần khiết; mục tiêu của biểu hiện vẫn là hình thức và màu sắc, mặc dù những thứ này hoàn toàn được nội tâm hoá; nét thẳng và màu phẳng giữ nguyên mục đích hình ảnh thuần khiết của biểu hiện…” – Piet Mondrian
  • Tầm nhìn hữu hình ngụ ý hành động… Tầm nhìn hữu hình thuần khiết cần phải kiến thiết một xã hội mới… một xã hội được bố cục bởi những mối quan hệ cân bằng.
  • Trong tương lai, việc thành hình các biểu hiện tạo hình thuần khiết trong hiện thực hữu hình sẽ thay thế tác phẩm nghệ thuật. Nhưng để có thể đạt được điều đó, định hướng tới một quan niệm phổ quát và tách rời khỏi sự áp bức của tự nhiên là cần thiết. Khi đó, chúng ta không còn nhu cầu về tranh ảnh và điêu khắc nữa, bởi vì chúng ta sẽ sống trong tác phẩm nghệ thuật.” – Piet Mondrian

Những khởi đầu của chủ nghĩa Tân tạo hình

Chủ nghĩa Tân tạo hình ở Paris (1919 – 1938)

Năm 1919, Mondrian chuyển đến Paris và mặc dù vẫn là một phần của De Stijl cũng như vẫn tiếp tục xuất hiện với nhóm, ông ngày càng trở nên độc lập trong quá trình phát triển đang tăng tiến của chủ nghĩa Tân tạo hình. Ông bắt đầu vẽ những bức tranh “hình thoi” đầu tiên của mình, trên một tấm toan vuông, nghiêng, giống như hình kim cương, như có thể thấy trong tác phẩm Bố cục Với Lưới VII (Composition With Grid VII) (1919) của ông. 

Bố cục Với Lưới VII (Composition With Grid VII) (1919) của Piet Mondrian

Năm tiếp theo, ông xuất bản cuốn sách của mình, Chủ nghĩa Tân tạo hình (Neo-Plasticism) ở Paris, cuốn sách đã mang lại cho De Stijl một động lực mới, tiếp cận nhiều khán giả châu Âu hơn. Ý thức của ông về tầm quan trọng của tác phẩm được phản ánh trong niềm hy vọng rằng chủ nghĩa Tân tạo hình sẽ được công nhận là biểu hiện nghệ thuật của Thông thiên học. Ông đã gửi một bức thư cho nhà thông thiên học Rudolf Steiner vào năm 1921, nhưng việc Steiner không trả lời đã dẫn đến việc Mondrian ngày càng độc lập khỏi thông thiên học chính thức, về mặt triết học.

Vào đầu những năm 1920, Mondrian phát triển những bức tranh đã trở thành biểu tượng cho phong cách Tân tạo hình trưởng thành của ông. Trong những tác phẩm này, chẳng hạn như Bức tranh với Vàng, Đen, Xanh lam, Đỏ và Xám (Tableau with Yellow, Black, Blue, Red and Grey) (1923), các đường đen dày hơn chạy đến mép của toan, tạo ra các hình chữ nhật và hình vuông, được Mondrian vẽ bằng màu trắng hoặc màu cơ bản thuần khiết. Trong khi đó, Ghế Đỏ và Xanh (Red and Blue Chair) của Rietveld (khoảng năm 1923) và Ngôi nhà Rietveld Schröder (Rietveld Schröder House) (1924) là những ví dụ về phong cách trưởng thành của chủ nghĩa Tân tạo hình trong thiết kế và kiến trúc. 

Bức tranh với vàng, đen, xanh lam, đỏ và xám (Tableau with Yellow, Black, Blue, Red and Grey) (1923) của Piet Mondrian
Ghế đỏ và xanh (Red and Blue Chair) (khoảng năm 1923) của Gerrit Rietveld
Ghế đỏ và xanh trong không gian của nhà Rietveld Schröder

Đến năm 1925, chủ nghĩa Tân tạo hình trở nên độc lập với De Stijl và kết giao với các nghệ sĩ và hội nhóm khác. Năm 1930, Mondrian đã ra mắt Hình tròn và Hình vuông (Cercle et Carré) và nhóm đã quảng bá chủ nghĩa Tân tạo hình trong ba số tạp chí của mình. Năm 1931, ông tham gia Sáng tạo – Trừu tượng (Abstraction-Creation), một nhóm nghệ sĩ trừu tượng quốc tế, một số người đã bị thu hút bởi sự thưa thớt toán học của chủ nghĩa Tân tạo hình, đã áp dụng việc sử dụng màu cơ bản và các đường ngang và dọc vuông góc và giao nhau.

Năm 1934, nghệ sĩ người Mỹ Harry Holtzman đã dành hàng tháng trời ở Paris, nơi ông đã dành nhiều thời gian với Mondrian và sau đó, tạo ra những bức tranh Tân tạo hình, như bức Thể tích hình vuông với màu xanh lá (Square Volume With Green) (1936 – 37). Nghệ sĩ người Pháp Jean Gorin, cũng đã từng gặp Mondrian, bắt đầu thực hành chủ nghĩa Tân tạo hình, như được thấy trong bức tranh Kiến trúc tạo hình sắc độ (Chromoplastique architecturale) (1930) của ông. 

Thể tích hình vuông với màu xanh lá (Square Volume With Green) (1936 – 37) của Jean Gorin
Bức Kiến trúc tạo hình sắc độ (1930) của Jean Gorin

Chủ nghĩa Tân tạo hình ở London (1938 – 1940) và New York (1940-1944)

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát xít ở Pháp khiến Mondrian rời Paris vào năm 1938 để đến London. Tại đó, lòng đầy hồ nghi, ông đã bỏ dở một số lượng tác phẩm chưa hoàn thiện nhưng vẫn tiếp tục phát triển từ vựng Tân tạo hình. Ông đã thêm nhiều đường đen mảnh vào các bố cục của mình, tạo ra hiệu ứng chồng lớp, và thử nghiệm với các đường có màu. Khi Paris thất thủ trước quân đội Đức năm 1940, ông rời châu Âu hoàn toàn, định cư tại Thành phố New York, nơi ông sống cho đến khi qua đời.

Ở New York, Mondrian cảm thấy một cảm giác đổi mới về năng lượng và sức sống; ông yêu thành phố này, và những tác phẩm được tạo ra ở đây là những tác phẩm sáng tạo nhất của ông. Ông bắt đầu sử dụng các đường kẻ mảnh chồng chéo, màu sắc tươi sáng và một cảm nhận về sự sống động của thành phố, như có thể thấy trong bức tranh New York (1942) và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông từ thời điểm này, Broadway Boogie-Woogie (1942-1943). Lấy cảm hứng từ tình yêu của ông đối với nhạc jazz và Manhattan, các hình chữ nhật của tác phẩm, được tạo ra bởi những đường kẻ mảnh màu vàng lấp lánh với những ô vuông nhỏ màu sắc, là một lưới động nhộn nhịp. 

Broadway Boogie-Woogie (1942 – 1943) của Piet Mondrian

Các nghệ sĩ người Mỹ, bao gồm Ilya Bolotowsky, Harry Holtzman, Leon Polk Smith, Charmion Von Wiegand và Sidney Jonas Budnick đã lấp đầy chủ nghĩa Tân tạo hình. Charmion Von Wiegand phỏng vấn Mondrian vào năm 1941, và ông khuyến khích bà theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ. Hai người bắt đầu một tình bạn nghệ thuật, bà dịch các bài luận của Mondrian sang tiếng Anh, trong khi phát triển nghệ thuật Tân tạo hình của riêng mình. Sau đó, bà gia nhập Nhóm nghệ sĩ Trừu tượng Mỹ, nơi bà trở thành một nhà lãnh đạo năng nổ, quảng bá nghệ thuật hình học trừu tượng.

Một tác phẩm của Von Wiegand

Chủ nghĩa Tân tạo hình: Các khái niệm, phong cách và xu hướng

Trong khi chủ nghĩa Tân tạo hình bắt đầu xuất hiện trong hội họa, nó đã thu hút được nhiều tín đồ trong địa hạt điêu khắc, kiến trúc và tất cả các khía cạnh của thiết kế. Sự thay thế có liên quan chặt chẽ duy nhất của phong trào là chủ nghĩa Nguyên tố, có cùng ý thức về một thẩm mỹ toàn diện có thể được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế. 

Chủ nghĩa Tân tạo hình và thiết kế đồ hoạ

Các nguyên tắc của Thuyết Tân tạo hình đã được thực hành rộng rãi trong thiết kế đồ họa và ký tự pháp. Mỗi số tạp chí De Stijl đều thể hiện thiết kế Tân tạo hình, như được phản ánh trong trang bìa tạp chí đầu tiên do Vilmos Huszár thiết kế. Ghép từng chữ cái vào hình vuông, Theo van Doesburg đã tạo ra một bảng chữ cái ký tự pháp mới để sử dụng cho áp phích, bìa sách và tạp chí, và bảng chỉ dẫn. 

Ông đã tạo ra các áp phích, như áp phích cho Triển lãm Quốc tế năm 1920 về những người của chủ nghĩa Lập thể và Tân Lập thể, và tất cả các bảng chỉ dẫn cho Quán cà phê l’Aubette. Trong suốt sự nghiệp của mình, Bart van der Leck đã thiết kế một số áp phích, bao gồm một áp phích quảng cáo nổi tiếng cho nhà máy dầu xa-lát Delft (1919). Trong một tác phẩm nổi tiếng khác, Van Doesburg và László Moholy-Nagy đã thiết kế bìa sách cho Cuốn sách Bauhaus 6 (Bauhausbücher 6) là tiêu biểu cho thiết kế Tân tạo hình vào năm 1925.

Thiết kế áp phích cho dầu xa-lát Delft (Delftsche Slaolie) của Bart van der Leck
Bìa cuốn sách Bauhaus 6 (1925) thiết kế bởi Van Doesburg và László Moholy-Nagy

Chủ nghĩa Tân tạo hình và điêu khắc

Mondrian ủng hộ mối liên hệ giữa hội họa và kiến trúc, và cảm thấy rằng điêu khắc và phù điêu là sự phát triển tự nhiên của hội họa hướng về kiến trúc. Có lẽ do ảnh hưởng này, một số nghệ sĩ, bao gồm Georges Vantongerloo, César Domela, Jean Gorin và Harry Holtzman, những người bắt đầu là họa sĩ Tân tạo hình, đã chuyển sang điêu khắc Tân tạo hình và làm phù điêu ba chiều. 

Chủ nghĩa Tân tạo hình sử dụng các đường ngang và dọc, màu cơ bản và sự bất đối xứng đã được đem sang các tác phẩm điêu khắc như tác phẩm Bố cục hình trứng (Composition from the Ovoid) (1918) của Vantongerloo, sử dụng các đường ngang, dọc và các hình chữ nhật bằng gỗ được sơn bằng màu cơ bản. Vantongerloo đã tiếp tục phát triển phong cách Neo-Plastic trong điêu khắc như có thể thấy trong tác phẩm Cấu tạo của các mối tương quan về thể tích uất phát từ hình vuông nội tiếp và hình vuông nội tiếp bởi một đường tròn (Construction of Volumetric Interrelationships Derived from the Inscribed Square and the Square Circumscribed by a Circle) năm 1924 của ông. Nhà điêu khắc đã chuyển đổi các nguyên tắc của Thuyết Tân tạo hình thành các biến thể khác nhau về thể tích và tỷ lệ bắt nguồn từ các công thức toán học.

Bố cục hình trứng (1918) của Georges Vantongerloo
Cấu tạo của các mối tương quan về thể tích Xuất phát từ Hình vuông nội tiếp và Hình vuông nội tiếp bởi một đường tròn (1924) của Vantongerloo

Nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ và nhà ký tự pháp César Domela đã thực hiện những bức phù điêu ba chiều như Công trình (Construction) (1929), một tác phẩm bằng sơn dầu và kim loại trên ván. Ông tiếp tục sử dụng kim loại, ghép ảnh, cắt xẻ và nhựa nhiệt dẻo để tạo ra các tác phẩm điêu khắc Tân tạo hình như Phù điêu Tân tạo hình #10 (Neoplastic Relief #10) (1930) của mình. Tác phẩm sau này của ông thường sử dụng các đường chéo, thể hiện ảnh hưởng từ chủ nghĩa Nguyên tố của van Doesburg, mặc dù ông đã phát triển cách thể hiện riêng của mình bằng cách thay đổi góc đặt các đường chéo.

Phù điêu Tân tạo hình #10 (1930) của César Domela

Trong khi Vantongerloo và Domela là thành viên của De Stijl, điêu khắc Tân tạo hình cũng được thực hành bởi các nghệ sĩ bên ngoài nhóm. Tác phẩm Điêu khắc I (Sculpture I) (1940) và Điêu khắc (Sculpture) (1941-42) của nghệ sĩ Mỹ Holtzman, làm bằng vải xô hay vải màn, được vẽ bằng màu cơ bản, và sau đó được gắn với một ván cứng (masonite), là những ví dụ về các tác phẩm điêu khắc Tân tạo hình của ông. 

Điêu khắc I của Holtzman

Jean Gorin, chịu ảnh hưởng của Mondrian, đã chuyển từ hội hoạ Tân tạo hình sang phù điêu và phát triển thành tác phẩm điêu khắc trên tường. Sử dụng các màu cơ bản thuần túy trên nền đen hoặc trắng, tác phẩm điêu khắc đa sắc của ông rất hiếm trong thời đại này.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Rebecca Seiferle; biên tập và hiệu đính, với tóm tắt và bổ sung bởi Valerie Hellstein. Dịch sang tiếng Việt bởi Tố Uyên; đề tựa tiếng Việt và minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tân tạo hình

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…