International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về trào lưu thiết kế Phong cách Ký tự pháp Quốc tế, chúng ta tìm hiểu những đồ hoạ mang tính khoa học của Anton Stankowski, các thiết kế phông sans-serif mới đương thời của Thuỵ Sĩ như Univers và Helvetica, và cuối cùng là Hermann Zapf – một nhân vật thiết kế phông dựa trên truyền thống.

Đồ hoạ mang tính công năng cho khoa học

Anton Stankowski (1906–98) sinh ra ở Đức và làm việc với tư cách là nhà thiết kế đồ họa ở Zurich từ năm 1929 đến năm 1937, nơi ông có mối quan hệ thân thiết với nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế hàng đầu của Thụy Sĩ, bao gồm Bill, Matter và Richard P. Lohse (1902–88). Trong thời kỳ ở Zurich, Stankowski đặc biệt sáng tạo trong nhiếp ảnh, dựng ảnh, và chỉnh sửa hình ảnh trong phòng tối. Ông khám phá các hình thức và họa tiết thị giác trong các bức ảnh chụp cận các vật thể thông thường, biến kết cấu bề mặt và chi tiết của chúng thành hình ảnh trừu tượng.

Năm 1937, Stankowski chuyển đến Stuttgart, Đức, nơi ông đã vẽ và thiết kế trong hơn năm thập kỷ. Có thể thấy rõ đối thoại giữa hội hoạ và thiết kế của ông. Ý tưởng về màu sắc và hình thức từ các bức tranh của Stankowski thường tìm đường vào các thiết kế đồ họa của ông; và ngược lại, thử nghiệm hình thức trên phạm vi rộng để tìm kiếm các giải pháp thiết kế dường như đã cung cấp các hình dạng và ý tưởng bố cục cho tác phẩm mỹ thuật của người nghệ sĩ.

Chiến tranh Thế Giới thứ hai và nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả giai đoạn làm tù nhân chiến tranh sau khi bị quân Nga bắt giữ, đã làm gián đoạn sự nghiệp của Stankowski. Sau chiến tranh, tác phẩm của ông bắt đầu kết tinh thành đóng góp chủ đạo của ông cho thiết kế đồ họa: tạo ra các hình thức thị giác để truyền đạt các quá trình vô hình và lực vật lý.

Nhãn hiệu cho Standard Elektrik Lorenz AG của Anton Stankowski (1953). Cân bằng động đạt được nhờ một cấu trúc bất đối xứng trong một hình vuông ẩn dụ, biểu thị việc truyền và nhận thông tin liên lạc.
Bìa lịch cho Standard Elektrik  Lorenz AG của Anton Stankowski (1957). Cấu hình hướng tâm tượng trưng cho việc truyền và bức xạ khi khách hàng sử dụng các sản phẩm điện thoại và radio.
Hình ảnh từ thiết kế lịch cho Viessmann, nhà sản xuất thiết bị sưởi ấm của Anton Stankowski. Các phần tử tuyến tính thay đổi màu sắc sau khi đi qua thanh trung tâm, thể hiện sự truyền nhiệt và năng lượng trong nồi hơi của lò đốt.

Những khả năng mà Stankowski mang ra giải bài toán này là sự thông thạo đáng kể về thiết kế kiến tạo, nhạy bén trí tuệ đối với khoa học và kỹ thuật, và tò mò cháy bỏng. Nghiên cứu và lĩnh hội về chủ đề đến trước các thiết kế của ông, vì một nhà thiết kế chỉ phát minh ra được các hình thức trở thành biểu tượng cho các khái niệm khoa học và kỹ thuật phức tạp sau khi đã thấu hiểu vật liệu sử dụng. Stankowski đã giải quyết vấn đề không nhìn thấy được, từ năng lượng điện từ đến nội hoạt của máy tính và biến các khái niệm nằm sau những lực này thành các thiết kế thị giác.

Năm 1968, thượng viện Berlin đặt hàng Stankowski và xưởng của ông phát triển một bộ thiết kế toàn diện cho thành phố. Các tiêu chuẩn thiết kế nhất quán cho biển chỉ dẫn kiến trúc, biển báo đường phố và ấn phẩm xuất bản đã được phát triển. Thay vì thiết kế một nhãn hiệu hoặc logo chữ độc đáo để sử dụng làm yếu tố hình ảnh thống nhất, Stankowski đã phát triển một yếu tố mang tính kiến trúc để sử dụng nhất quán trên mọi chất liệu. Đường ngang dài kết hợp với một đường thẳng đứng ngắn nhô lên từ đường ngang đã trở thành biểu tượng cho thành phố Berlin khi đó đang bị chia cắt. Đường thẳng đứng đại diện cho Bức tường Berlin đã ngăn cách phần thành phố do Liên Xô thống trị với phần còn lại của Berlin cho đến năm 1989. Cái tên Berlin, được để ở phông Akzidenz Grotesk với độ dày nét trung bình, luôn được đặt ở phía bên phải của yếu tố kiến tạo.

Bìa cho Berlin-Layout của Anton Stankowski (1971). Thiết kế bìa bắt nguồn từ một bức tranh của Stankowski.

Các phông chữ sans-serif mới của Thụy Sĩ

Trào lưu Phong cách Ký tự pháp Quốc tế đang lên được minh họa bằng một số bộ chữ sans-serif mới được thiết kế vào những năm 1950. Các phong cách sans-serif hình học, được xây dựng một cách toán học với các công cụ tạo hình (com-pa, thước kẻ…) trong những năm 1920 và 1930, đã bị từ chối để ủng hộ các thiết kế tinh tế của các phông Akzidenz Grotesk vốn lấy cảm hứng từ thế kỷ 19. Năm 1954, một nhà thiết kế trẻ người Thụy Sĩ làm việc tại Paris, Adrian Frutiger (sinh năm 1928), đã hoàn thành một họ gồm 21 phông chữ sans-serif được lập trình một cách trực quan có tên là Univers

Bảng các biến thể kiểu chữ – vốn giới hạn ở kiểu chữ thường, nghiêng và đậm trong ký tự truyền thống – đã được mở rộng gấp bảy lần. Việc đánh số thay thế các danh phép thông thường trong tên gọi của các biến thể phông. Độ dày nét thông thường với tương phản đen-trắng phù hợp cho văn bản trong sách được gọi là Univers 55 và họ phông dao động từ Univers 39 (mảnh – light/cực kỳ cô đặc – extra condensed) đến Univers 83 (giãn rộng – expanded/cực kỳ dày – extrabold). 

Lược đồ 21 phông chữ Univers (Schematic diagram of the 21 Univers fonts) của Adrian Frutiger (1954). Frutiger đã sắp xếp các phông theo thứ tự biến đổi hình dạng có chủ ý từ theo chiều dọc và chiều ngang về các phía từ Univers 55.

Các phông chữ nằm bên trái của Univers 55 được giãn rộng; các phông chữ bên phải của Univers 55 thu hẹp lại. Độ dày nét của các phông chữ phía trên Univers 55 mảnh hơn, trong khi nét của các phông chữ dưới Univers 55 dày hơn. Bởi vì tất cả 21 phông chữ có cùng chiều cao x, cũng như chiều dài phần phía trên chiều cao x và phía dưới đường nền tảng, chúng tạo thành một tổng thể thống nhất có thể được sử dụng cùng nhau với sự hài hòa tuyệt đối. Kích thước và độ dày của chữ in hoa gần bằng kích thước và độ dày của các ký tự chữ thường; do đó, kết cấu và sắc độ của thiết lập văn bản các phông Univers đồng nhất hơn so với hầu hết các kiểu chữ trước đó, đặc biệt là trong các ấn phẩm xuất bản đa ngôn ngữ. Frutiger đã làm việc với Univers trong ba năm. Để sản xuất họ phông Univers, xưởng Deberny và Peignot ở Paris đã đầu tư hơn 200.000 giờ khắc bằng máy, chỉnh sửa, và hoàn thiện thủ công tạo ra 35.000 phôi chữ cần thiết để đúc tất cả 21 phông chữ trong toàn bộ phạm vi của các kích cỡ.

Giữa những năm 1950, Edouard Hoffman của xưởng đúc chữ HAAS ở Thụy Sĩ quyết định rằng các phông chữ Akzidenz Grotesk nên được cải tiến và nâng cấp. Hoffman hợp tác với Max Miedinger (1910–80) – người đã thực hiện các thiết kế, và kiểu chữ sans-serif mới của họ, với chiều cao x thậm chí còn lớn hơn của Univers, được phát hành với tên gọi Neue Haas Grotesk. Khi thiết kế này được D. Stempel AG (đã không còn tồn tại) sản xuất ở Đức vào năm 1961, kiểu chữ được đặt tên là Helvetica, tên la-tinh truyền thống của Thụy Sĩ. Các hình thực được xác định rõ ràng của Helvetica và nhịp điệu tuyệt vời của các vùng âm và dương đã khiến nó trở thành kiểu chữ được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới trong những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, do các nhà thiết kế khác nhau ở một số quốc gia đã phát triển các phiên bản phông có độ dày nét, dạng nghiêng italic và chiều rộng khác nhau của Helvetica, họ phông Helvetica ban đầu thiếu sự gắn kết của Univers. Khi sắp chữ kỹ thuật số trở nên thịnh hành vào những năm 1980, các phiên bản của dòng Helvetica có khả năng tương thích một cách hệ thống hơn đã được phát triển, bao gồm cả Neue Helvetica năm 1983 của Linotype với tám độ dày nét, mỗi độ dày có các phiên bản giãn rộng, thu hẹp và in nghiêng.

Kiểu chữ Helvetica của Edouard Hoffman và Max Miedinger (1961). Đây là phiên bản tiêu chuẩn của Helvetica do xưởng Stempel phát hành năm 1961 cùng với một số biến thể được phát triển sau đó.

Một bậc thầy về ký tự pháp cổ điển

Trong khi các nhà thiết kế người Đức và Thụy Sĩ đang rèn giũa ra Phong cách Ký tự pháp Quốc tế, một nhà thiết kế chữ lớn của Đức phát triển dựa trên truyền thống thư pháp và ký tự pháp thời Phục hưng. Sự ngưỡng mộ to lớn dành cho Rudolf Koch và Edward Johnston đã là bệ phóng cho sự nghiệp của Hermann Zapf (sinh năm 1918). Là người gốc ở Nuremberg, Đức, Zapf bước vào nghệ thuật đồ họa với tư cách là một thợ học việc nghề chỉnh ảnh ở tuổi mười sáu. Một năm sau, ông bắt đầu học thư pháp kể từ khi mua được bản sao của cuốn Das Schreiben als Kunstfertigkeit (Viết như một bộ môn nghệ thuật) của Koch, một cẩm nang hướng dẫn về viết. 

Sau bốn năm tự học rất kỷ luật, ở tuổi 21, Zapf bắt đầu thực hành ký tự pháp khi ông gia nhập công ty in của Koch. Cuối năm đó, Zapf trở thành một nhà thiết kế sách và ký tự pháp tự do, ở tuổi 22, ông thiết kế và đúc kiểu chữ đầu tiên trong số hơn 50 kiểu chữ đã làm cho xưởng Stempel. Zapf đã phát triển sự nhạy cảm phi thường đối với các hình dạng chữ cái trong các hoạt động với tư cách là một nhà thư pháp, nhà thiết kế kiểu chữ, nhà ký tự pháp và thiết kế đồ họa; tất cả những nỗ lực này đã góp phần vào quan điểm của ông về thiết kế phông chữ như là “một trong những biểu hiện thị giác nhìn thấy rõ ràng nhất của một thời đại”.

Bộ ba phông chữ của Zapf được thiết kế vào cuối những năm 1940 và những năm 1950 được công nhận rộng rãi là những phông chữ then chốt: Palatino (phát hành năm 1950) – một kiểu roman với các chữ cái rộng, serif rõ ràng và tỷ lệ trang nhã phần nào gợi nhớ đến Antiqua Phục Hưng Venice; Melior (1952) – một phong cách trở nên hiện đại hơn so với những mẫu trước bằng sự nhấn mạnh vào đường dọc và các dạng vuông; và Optima (1958) – kiểu chữ sans-serif có tương phản nét.

Kiểu chữ Palatino (1950); Melior (1952); và Optima (1958) của Hermann Zapf. Những chữ cái này có sự hài hòa và trang nhã hiếm có trong thiết kế kiểu chữ.

Mặc dù các thiết kế kiểu chữ của Zapf dựa trên hiểu biết sâu sắc về quá khứ, nhưng chúng là những phát minh được thiết kế từ kiến thức đầy đủ về các công nghệ của thế kỷ XX. Đối với việc thiết kế kiểu chữ thủ công phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao, Zapf đã mang đến nhận thức tinh thần của một nhà thơ có khả năng phát minh ra những hình thức mới để thể hiện thế kỷ hiện tại và bảo tồn nó cho hậu thế.

Trang từ Hướng dẫn sử dụng Ký tự pháp (Manuale Typographicum) của Hermann Zapf (1968). Những suy nghĩ của Jan Parandowski về sức mạnh của văn bản in trong việc “điều chỉnh thời không” đã truyền cảm hứng cho vùng đồ họa căng thẳng tỏa ra từ một cụm trung tâm này
Trang từ Hướng dẫn sử dụng Ký tự pháp (Manuale Typographicum) của Hermann Zapf (1968). Zapf đã sắp xếp trang này với sự đối xứng cổ điển và khoảng cách tinh tế giữa các chữ cái.

Trong lĩnh vực thiết kế sách, hai phiên bản Manuale Typographicum (Hướng dẫn sử dụng Ký tự pháp) của Zapf, xuất bản năm 1954 và 1968, là những đóng góp nổi bật của ông cho nghệ thuật thiết kế sách. Bao gồm mười tám ngôn ngữ và hơn một trăm kiểu chữ, hai tập sách tập hợp các trích dẫn về nghệ thuật ký tự pháp, với phần diễn giải hình ảnh toàn trang cho mỗi trích dẫn. Zapf, giống như Eric Gill, kết hợp tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về ký tự pháp truyền thống cổ điển với thái độ của thế kỷ 20 hướng tới không gian và tỷ lệ.

Tố Uyên dịch từ Meggs’ History of Graphic Design, phiên bản số 5. Hương Mi Lê hiệu đính

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê International Typographic Style Ký tự pháp Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa typography

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…