/viết một tay/ Nguồn gốc của kiểu chữ Fraktur và Antiqua, Antiqua Phục Hưng - Khi kỹ thuật tạo chữ và in công nghiệp mới xuất hiện
Tiếp tục với loạt bài “Ký tự pháp (Typography): Hành trình từ kỹ thuật in ấn trở thành một bộ môn khoa học và nghệ thuật”, chúng ta sẽ đến với nội dung về sự phát triển của các phông chữ trong 500 năm kể từ phát minh của Gutenberg. Nội dung này được chia làm ba phần, bao gồm:
- Phần 1: Kiểu chữ Fraktur và Antiqua, Antiqua Phục Hưng – Khi kỹ thuật tạo chữ và in công nghiệp mới xuất hiện
- Phần 2: Kiểu chữ Antiqua Baroque và Antiqua Cổ Điển – Thẩm mỹ, kỹ thuật và tính hệ thống
- Phần 3: Kiểu chữ Antiqua Serif vuông và Grotesque – Công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa
Còn giờ thì hãy đến với phần đầu tiên về Fraktur và Antiqua, Antiqua Phục Hưng nào!
Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) hiện là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.
Fraktur và Antiqua đã ra đời như thế nào?
Fraktur và Antiqua là hai kiểu chữ in ấn đầu tiên được tạo ra khi kỹ thuật in ấn của Gutenberg ra đời. Chúng được dùng cho các ngôn ngữ Tây Âu (Latin, Ý, Pháp, Đức, Anh…) đều là những ngôn ngữ sử dụng hệ thống alphabet Latin, giống như Quốc ngữ của chúng ta ngày nay. Các chữ cái Latin cũng như hai kiểu chữ này đã trải qua quá trình hình thành và hoàn thiện kéo dài hơn 2000 năm.
Ở nghĩa rộng, khái niệm “alphabet” chỉ hệ thống chữ viết nơi các tự vị (graphème) – gọi là chữ cái – đại diện cho các âm vị (phonème) hay hiểu đơn giản là hệ thống chữ viết tượng thanh (khác với tượng hình tượng ý giống như chữ Trung Quốc hay Nhật Bản). Hệ thống chữ viết được coi là alphabet lâu đời nhất là bảng chữ cái Phoenicia, ra đời khoảng năm 1050 TCN.
Bảng chữ cái Phoenicia được dùng để viết một số những ngôn ngữ Semit phía Bắc trong đó bao gồm tiếng Phoenicia (vùng đất chủ yếu bao gồm Liban, Syria, và bắc Israel ngày nay) và tiếng Hebrew. Các chữ cái được cấu tạo bởi các yếu tố đồ họa đơn giản như các đường ngang dọc cắt nhau, tam giác, đường tròn, và vòng cung. Bảng chữ cái Phoenicia phát triển từ chữ tượng hình Ai Cập và là một abjad, tức là chỉ có ký tự dành cho phụ âm mà không có nguyên âm. Do hoạt động trên diện rộng của các thương nhân người Phoenicia, bảng chữ cái này được truyền bá khắp vùng Địa Trung Hải và chính là tiền thân của tiếng Hy Lạp cổ.
Hệ thống chữ viết Hy Lạp cổ xuất hiện từ thế kỷ 9 – 8 TCN và là bảng chữ cái alphabet đầu tiên có cả ký tự phụ âm và nguyên âm. Người La Mã tiếp tục thừa kế bảng chữ cái này và phát triển ra hai loại chữ viết rất quan trọng đối với chúng ta ngày hôm nay đó là capitalis monumentalis (chữ hoa phi thường) hay capitalis quadrata (chữ hoa vuông), và capitalis rustica (chữ hoa chất phác).
Hiểu một cách đơn giản, capitalis monumentalis phù hợp cho việc khắc lên các bề mặt cứng hay kim thạch bản và capitalis rustica phù hợp cho việc viết tay. Ngày nay, chúng ta vẫn dễ dàng nhìn thấy capitalis monumentalis được khắc lên các tấm bia, cổng vào các di tích lịch sử tại châu Âu còn lại từ hàng trăm hàng nghìn năm trước. Bởi vì là chữ khắc lên bề mặt cứng, các nét của chữ capitalis monumentalis sắc nét, thẳng, cứng, nhọn hơn nhiều so với chữ capitalis rustica được phát triển để phù hợp với việc viết tay bằng bút và mực lên giấy cói (papyrus) và tấm da thú. Do cách sử dụng các dụng cụ khắc, chữ capitalis monumentalis xuất hiện độ tương phản giữa các nét, trong khi đó thì chữ capitalis monumentalis có nhiều nét cong hơn và có những đoạn nét ra ngoài xuống dưới đường nền tảng của dòng chữ.
Vào thời Hy-La cổ đại, chữ cái thường (minuscule) như ngày nay ta sử dụng chưa xuất hiện. Với mỗi chữ cái chỉ có một cách viết duy nhất và giống như cách viết chữ hoa hiện đại. Từ những bảng chữ cái đầu tiên, nhiều cách viết đã được phát triển ở các vùng khác nhau với các ngôn ngữ khác nhau. Chữ viết thường xuất hiện với semi-Uncial (bán-Uncial) vào thời Trung Cổ. Như thấy trong bảng phía trên, bán-Unicial có nguồn gốc từ capitalis rustica. Các ngôn ngữ sử dụng bảng chữ cái Latin thường viết hoa đầu câu và cho danh từ riêng.
Khi máy in ký tự rời của Gutenberg ra đời vào năm 1450-57, những nhà ký tự pháp người Đức đầu tiên – bao gồm Gutenberg – đã tích cực sản xuất các bộ ký tự theo bộ chữ cái kiểu Fraktur (nguồn gốc từ fractūra hay “chỗ gãy”) hay Gebrochene Schrift (Chữ Gãy) theo kiểu chữ viết tay vẫn thông dụng với tiếng Đức và một số ngôn ngữ Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan… Trong khi đó, những nhà Nhân Văn người Ý, cùng với xu hướng ưa chuộng trở lại các giá trị của văn minh Hy-La cổ đại, thừa kế chữ hoa capitalis monumentalis và chữ thường Carolingian (Carolingian minuscule) mà họ nhầm tưởng là chữ của người La Mã cổ đại để tạo ra kiểu chữ Antiqua (Cổ, Cổ Đại).
Mặc dù trong một khoảng thời gian dài, hai kiểu chữ Fraktur và Antiqua tồn tại song song mạnh mẽ tại châu Âu, trong bài viết này ta sẽ chỉ tìm kiểu về sự phát triển của Antiqua là kiểu chữ gần gũi với con người hiện đại hơn rất nhiều do độ dễ đọc cao hơn, với những đường nét mềm mại uyển chuyển hơn.
Với phần một trong ba phần của bài viết về sự phát triển của các phông chữ Antiqua trong 500 năm kể từ phát minh của Gutenberg, chúng ta sẽ tìm hiểu loại Antiqua đầu tiên được gọi là Antiqua Phục Hưng.
Từ Antiqua đến Sans-Serif
1. Antiqua Phục Hưng
Các kiểu chữ Antiqua Phục Hưng, Antiqua Baroque hay Tiền Cổ Điển (hay Antiqua Chuyển Đổi), và Antiqua Cổ Điển đều được xếp chung vào một nhóm phông chữ gọi là Kiểu Cổ (Old Style), Dạng Cổ (Old Face). Antiqua Phục Hưng hình thành ngay từ năm 1465 cùng sự ra đời của máy in Gutenberg và phổ biến cho tới đầu thế kỷ 17 khi Antiqua Baroque phát triển mạnh. Antiqua Phục Hưng được chia làm hai loại là Antiqua Venice và Antiqua Pháp.
a. Lịch sử
Từ Đức, các nhà ký tự pháp đầu tiên di cư sang Venice và biến Venice trở thành một thủ đô của ký tự pháp – tuy nhiên đây không hẳn là lý do chính cho việc loại chữ Antiqua đầu tiên được gọi là Venice.
Litterae Venetae (Chữ Cái Venice) được coi là kiểu chữ trong in ấn Antiqua đầu tiên, được xây dựng ban đầu bởi các nhà tiền ký tự pháp người Đức Arnold Pannartz và Conrad Sweynheym ngay từ năm 1465 tại Rome. Sau đó, từ khoảng năm 1468 tại Venice, kiểu chữ này được hai anh em cũng người Đức là Johannes và Wendelin von Speyer và cuối cùng là thợ khắc, nhà ký tự pháp người Pháp Nicolas Jenson tiếp tục kế thừa và hoàn thiện. Tại các quốc gia nói tiếng Anh (Anh Quốc, Mỹ…), kiểu chữ này cũng được gọi là Nhân Văn (Humanist) hoặc Kiểu Cổ Venice (Venetian Old Style).
Nicolas Jenson đã cho in bằng loại phông chữ này lần đầu tiên trong cuốn Praeparatio Evangelica (Chuẩn bị cho Tin Mừng) của giám mục Eusebius của Caesarea vào năm 1470. Kết quả là phông chữ của ông đã được phổ biến khắp nước Ý và bước vào lịch sử ký tự pháp như là “Antiqua của Jenson” huyền thoại, phông chữ đầu tiên thuộc loại Antiqua Venice nói riêng và Antiqua nói chung.
Tới năm 1496, nhà Nhân văn học, nhà xuất bản, và nhà ký tự pháp người Ý Aldus Manutius cho in cuốn De Aetna của Pierre Bembo tại nhà in Aldina. Kiểu chữ Antiqua trong cuốn này có khác biệt lớn với kiểu tiền thân Antiqua của Pannartz và Sweynheym cũng như Litterae Venetae, sau đó được gọi là “Chữ cái Bembo” và do nhà khắc chữ
Francesco Griffo (hay còn gọi là Francesco vùng Bologna) thực hiện. Chữ Cái Bembo mở ra một thời kỳ của những kiểu chữ được gọi chung là kiểu chữ Aldina.
Aldus Manutius cũng là người đầu tiên sử dụng kiểu chữ italic – tức là kiểu chữ thảo, nghiêng (phải). Nguồn gốc của tên ‘italic’ là bởi kiểu chữ này xuất hiện tại nước Ý. Kiểu chữ (Antiqua) thẳng khi đó được gọi là kiểu chữ roman (la mã) để phân biệt với italic. Kiểu italic sẽ được dùng cho các loại văn bản mang tính đọc giải trí như thi ca.
Tại Pháp, từ năm 1530, các nhà ký tự pháp người Pháp Antoine Augereau và học trò của mình là Claude Garamond, Jean Jannon, và Philippe Grandjean đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra Antiqua Pháp kế thừa từ kiểu chữ Aldina. Trong đó, Garamond là tác giả của những phông chữ có sức ảnh hưởng lớn nhất, để lại danh tiếng cho tới tận ngày hôm nay. Có lẽ do vậy mà Antiqua Phục Hưng Pháp cũng được gọi là “những kiểu chữ Garamond.”
b. Đặc điểm và so sánh
Antiqua Venice:
- Mái hay mũi chữ cái: nghiêng
- Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: từ đỉnh của chữ H (đường H) cho tới đỉnh của chữ k (đường k)
- Trục của chữ e: nghiêng trái
- Trục quang học của các hình dạng tròn: một phần nghiêng mạnh về phía bên trái
- Chuyển tiếp sang serif: tròn cho tới cong hình nón
- Cạnh bên của serif: từ rất cho tới hơi cong hoặc bất đối xứng nhẹ nhàng hướng sang phải
- Cạnh dưới của serif: từ rất cong cho đến cong vồng nhẹ lên
- Tương phản nét: thấp
- Khác: chữ M có thể có serif hai chiều
- Một số loại phông điển hình: Amalthea, Berkeley, Centaur, Guardi, Hadriano, Italia, Italian Old Style, Jenson Classico, Legacy, Schneidler, Tiffany, Trajanus, Weidemann
Antiqua Pháp:
- Mái hay mũi chữ cái: nghiêng
- Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: từ đỉnh của chữ H cho tới đỉnh của chữ k
- Trục của chữ e: thẳng đứng
- Trục quang học của các hình dạng tròn: nghiêng nhẹ về phía bên trái
- Chuyển tiếp sang serif: tròn
- Cạnh bên của serif: vòm cong nhẹ
- Cạnh dưới của serif: từ cong nhẹ đến hơi cong vồng lên
- Tương phản nét: mạnh hơn đáng kể so với Antiqua Venice
- Một số loại phông điển hình: Albertina, Aldus, Apollo, Bembo, Berling, Breughel, Caxton, Columbus, Comenius, Corporate A, Dante, Diotima, Esprit, Galliard, Gamma, Garamond, Garamond Amsterdam, Garth Graphic, Giovanni, Goudy, Goudy Modern, Granjon, Griffo Classico, Haarlemmer, Helicon, Hiroshige, Hollander, Horley Old Style, Leawood, Mendoza, Meridien, Minion, Minister, New Aster, Novarese, Octavian, Palatino, Plantin, Poppl-Pontifex, Post Antiqua, Quadraat, Romanée, Sabon, Spectrum, Stone, Trinité, Trump Mediaeval, Vendome, Warnock, Weiß-Antiqua, Zapf-Renaissance, Antiqua
Bài viết: Lê Hương Mi
Về tác giả
Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.
Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế.
Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy…
Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.
Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.
/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Maybe this art should be known