Ben Shahn (Phần 2)

Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để đấu tranh xã hội và chính trị. Những di sản này sẽ được làm rõ hơn qua các tác phẩm quan trọng hơn, bắt đầu từ Nỗi oan ức của Sacco và Vanzetti (The Passion of Sacco and Vanzetti), Vô đề – Bức tranh tường ở Trang trại Jersey (Untitled – Jersey Homestades Mural), Những nguồn lực của nước Mĩ (Resources of America), và Đây là sự tàn bạo của Đức Quốc xã (This is Nazi Brutality).

  • “Những người tự nhận trách nhiệm phục vụ cho tinh thần con người sẽ chủ yếu bị lay động bởi những thứ liên quan đến tinh thần.”
  • “Tôi ghét sự bất công; tôi đoán rằng đó là thứ duy nhất tôi thực sự căm ghét.”
  • “Đối với tôi, tuyên truyền là một từ thiêng liêng.”

Tiểu sử của Ben Shahn (tiếp)

Di sản của Ben Shahn

Việc Ben Shahn sử dụng nghệ thuật của mình để chống lại những bất công xã hội và chính trị đã trở thành một ví dụ điển hình cho chủ nghĩa Hiện thực xã hội và nghệ thuật có ý thức xã hội. Các tác phẩm của ông tường thuật lại hoàn cảnh và những khó khăn của nhiều người sống trong thế kỷ 20, đồng thời cung cấp nền tảng cho các thế hệ nghệ sĩ tượng hình và có cam kết chính trị trong tương lai như Leon Golub và họa sĩ  tranh tường Mike Alewitz. 

Lực lượng da trắng V (White Squad V) (1984) (3 x 4 m) của Leon Golub tượng trưng hoá nội dung mang tính tư liệu của tác phẩm về quyền lực và sự tra tấn bên lề chính trị phương Tây ở Mĩ La-tinh
Một tác phẩm tranh tường của Mike Alewitz với dòng chữ “Solidarity Forever” – “Đoàn kết mãi mãi” – tên bài của Ralph Chaplin đã trở thành châm ngôn của công nhân Mĩ

Shahn tin tưởng mãnh liệt vào vai trò của nghệ thuật trong việc giúp phụng sự thân phận con người, chỉ ra những bất công và hướng tới các đồng minh hơn là tạo ra sự bất hòa. Các nghệ sĩ khác có tác phẩm gắn liền với các phong trào xã hội như Phong trào Vận động Dân quyền của người Da đen, Phong trào chống Chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh cho quyền tự do sinh sản, đều có tiền thân về cả mặt hình ảnh lẫn triết học trong cả sự nghiệp rất dài của Shahn.

Các tác phẩm quan trọng của Ben Shahn

1931-32: Nỗi oan ức của Sacco và Vanzetti (The Passion of Sacco and Vanzetti)

Màu keo trứng trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, New York, Mĩ

Đây là bức tranh trên giá vẽ duy nhất trong loạt 23 bức vẽ bằng màu goát của Ben Shahn khắc họa các yếu tố của phiên tòa cùng vụ hành quyết sau đó đối với hai người nhập cư Ý, Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti, bị buộc tội giết người trong một vụ cướp ở Massachusetts. Vào thời điểm đó và cho đến tận ngày nay, phán quyết có tội của tòa án vẫn gây ra tranh cãi, nhiều người tin rằng những hai người đàn ông bị kết án vì họ là những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và do thái độ công khai thù ghét người nhập cư vào thời đó. Trong bức tranh này, ba thành viên của Ủy ban Lowell, những người đã bác bỏ kháng cáo của hai bị cáo, cầm hoa huệ đứng trước hai chiếc quan tài mở nắp chứa thi thể của Sacco và Vanzetti. Thẩm phán Thayer xuất hiện ở phía sau, đang nhìn chằm chằm ra ngoài từ cửa sổ tòa án để quan sát khung cảnh.

Shahn đã gửi bức tranh trên giá vẽ này tới một cuộc triển lãm do Lincoln Kirstein tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Ban quản trị của bảo tàng đã phản đối cách Shahn miêu tả các thành viên Ủy ban Lowell, những người vốn là bạn của nhiều ủy viên quản trị của bảo tàng. Bất chấp việc Hội đồng yêu cầu không được trưng bày các tác phẩm của Shahn cùng các tác phẩm dễ bị phản đối của Hugo Gellert và William Gropper, rất nhiều nghệ sĩ khác của triển lãm cùng vị giám tuyển Kirstein đã từ chối tham gia nếu ba vị họa sĩ trên bị cấm. Triển lãm cuối cùng vẫn được diễn ra bao gồm cả tác phẩm của Shahn và nhiều vị ủy viên đã từ chức trong giận dữ.

Chủ đề của bức tranh cung cấp một ví dụ thuở đầu về cách Shahn sử dụng nghệ thuật để chống lại bất công xã hội. Tác phẩm này đã đưa ông trở thành một trong những họa sĩ theo chủ nghĩa Hiện thực xã hội quan trọng. Cũng trong quá trình phát triển bức tranh này, Shahn đã bắt đầu suy nghĩ tuần tự về cách kể chuyện thông qua nghệ thuật, một quá trình mà sau này dẫn ông tới việc vẽ những bức tranh tường công cộng đầy phức tạp. Thay vì vẽ cho chính mình như những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Hiện đại khác, Shahn lại vẽ cho công chúng và vì sự nghiệp của Sacco và Vanzetti, đồng thời vẽ các nhân vật của mình theo các hình thức lập thể của Picasso. Shahn đã kết hợp thành công hình thức và chính trị ở trong tác phẩm này.

1936-38: Vô đề – Bức tranh tường ở Trang trại Jersey (Untitled – Jersey Homestades Mural)

Fresco – Bộ sưu tập của Trường công lập Roosevelt, New Jersey, Mĩ

Bức tranh tường ở Trang trại Jersey dài 14m cao 3m của Ben Shahn kể lại câu chuyện vĩ đại về cuộc di cư của người Do Thái đến Hoa Kì (1880-1924), hành trình tìm kiếm sinh kế tử tế của người Do Thái trong những xưởng lao động bóc lột của ngành buôn bán hàng may mặc vô tổ chức, và tầm quan trọng của các liên đoàn lao động Do Thái. 

Tấm bên trái bắt đầu câu chuyện ở thập kỉ 1930 tại Đức, nơi một người lính Đức Quốc xã cầm tấm biển cảnh báo người Đức không được mua bất cứ thứ gì từ người Do Thái; hình ảnh đầy tính hăm dọa này do Shahn vẽ là ám chỉ duy nhất đến Đức Quốc xã trong bất cứ tác phẩm nào thuộc dự án Chính Sách Mới (New Deal). Ta thấy hai người phụ nữ được đang than khóc trước những chiếc quan tài mở chứa Sacco và Vanzetti được đặt ngay phía trên hình ảnh miêu tả văn phòng đăng ký hộ tịch ở Đảo Ellis, nơi có tượng Nữ thần Tự do lấp ló qua một ô cửa mở. Một nhóm người nhập cư bước xuống tàu bao gồm mẹ của Shahn, họa sĩ Raphael Soyer và cả Albert Einstein – người dẫn đầu nhóm đồng thời là ủy viên trong hội đồng quản trị của Trang trại Jersey.

Tấm trung tâm khắc họa những người Do Thái cùng những người nhập cư khác đang làm việc trong một công xưởng bóc lột sức lao động không có công đoàn và không an toàn. Shahn, một nhà đấu tranh cho các công đoàn, đã vẽ một hình ảnh gần giống với Chủ tịch CIO (Commitee for Industrial Organization – Uỷ ban Tổ chức Công nghiệp) John J. Lewis nhưng không để tiếp nhận như là một bức chân dung theo nghĩa đen. Người tổ chức công đoàn đang trình bày một bài phát biểu và trích dẫn một câu của Lewis: “Một trong những nguyên tắc lớn mà người lao động và nước Mĩ phải tuân theo trong tương lai đó là quyền được có việc làm, quyền kiếm sống của mọi đàn ông và đàn bà, nếu họ sẵn lòng lao động.

Shahn kết thúc câu chuyện bằng tấm bên phải với cảnh đời sống tươi vui hơn trong quá trình xây dựng khu dân cư Trang trại Jersey. Tầm quan trọng của các công đoàn được đề cập trong tranh qua hình ảnh một tấm biển trên lối vào của khu vực quy hoạch ghi “ILGWU”, viết tắt của International Ladies’ Garment Workers Union (Liên đoàn Công nhân May mặc Đồ nữ Quốc tế). Ở cảnh cuối cùng, bức chân dung nhóm của các nhà lãnh đạo công đoàn dệt may Do Thái, cùng với Thượng nghị sĩ New York Robert F. Wagner là người có công trong việc tạo ra luật cải cách lao động, đang xem xét các bản thiết kế của Trang trại Jersey.

Shahn đã nhận được ủy thác vẽ bức tranh tường này từ dự án phát triển 200 ngôi nhà mới tại Trang trại Jersey của Cơ quan Quản lý Tái định cư Hoa Kì, được tạo ra để cung cấp cơ hội nhà ở, việc làm và nông nghiệp cho các công nhân may mặc Do Thái muốn di dời từ thành phố New York và Philadelphia; nhiều người đã mất việc làm do sự tàn phá của cuộc Đại suy thoái. Bức bích hoạ to lớn và chi tiết này đã thể hiện sự tận tâm của Shahn trong việc cải thiện tình trạng con người thông qua cách kể chuyện tường thuật và kĩ năng tài tình của ông trong việc sáng tác các bố cục phức tạp.

1938-39: Những nguồn lực của nước Mĩ (Resources of America)

Màu keo trứng trên thạch cao – Bộ sưu tập của Bưu điện Trung tâm Bronx, New York, Mĩ

Những nguồn lực của nước Mĩ (1938-39) là một bức tranh tường mà Ben Shahn được ủy thác hoàn thành cho Bưu điện Trung tâm Bronx ở thành phố New York. Người vợ Bernarda Bryson là trợ lí của ông trong dự án này. Ban tài chính mảng Hội họa và Điêu khắc của chương trình Chính Sách Mới, với mục tiêu là giám sát việc ủy ​​thác tác phẩm nghệ thuật tốt nhất có thể cho các tòa nhà liên bang mới, đã lựa chọn bản thiết kế của Shahn. Ví dụ, một trong mười ba tấm miêu tả đồng thời một công nhân nông nghiệp và công nghiệp, một người đàn ông đang cúi thấp để hái bông và một phụ nữ đang làm việc với các con quay trong một nhà máy. Tấm giữa được đặt trên một mặt phẳng cao hơn các tấm khác thì diễn tả nhà thơ người Mĩ Walt Whitman đang nói chuyện với một nhóm công nhân và chỉ tay vào một tấm bảng đen chứa đầy văn bản. Bộ râu trắng dài khiến nhà thơ trông như một sự kết hợp giữa Moses và Karl Marx.

Tấm giữa trong bộ tranh tường

Mặc dù không có ý định tạo nên tranh cãi, nhưng bức tranh tường ở Bronx vẫn dẫn tới những lời chỉ trích gay gắt bởi lẽ Shahn đã đưa vào một câu trích dẫn của Whitman, người mà lúc đó nằm trong Danh mục Sách Cấm của Giáo hội Công giáo. Ban đầu, Shahn dự định đưa văn bản từ bài thơ Thou Mother with Thy Equal Blood (Người mẹ với dòng máu bình đẳng) của Whitman. Nhưng khi bản phác thảo sơ bộ của bức họa được trưng bày tại Bưu điện Bronx, một linh mục địa phương đã chú ý tới nó.

Ngay sau đó, mục sư Ignatius W. Cox, giáo sư đạo đức học tại Đại học Fordham, đã công khai lên án bức họa trước hàng nghìn người tụ tập trong một nhà thờ rằng nó là một tuyên bố thù địch của chính phủ đối với tôn giáo. Cox kêu gọi giáo dân cùng ông yêu cầu thay đổi dòng chữ đó và bắt đầu một chiến dịch viết thư thu hút được nhiều sự quan tâm của báo chí. Bởi Shahn đã đồng ý khi nhận công việc rằng sẽ sửa đổi nếu có bất kỳ sự phản đối nào, ông đã chuyển dòng chữ sang những dòng trong bài thơ As I Walk These Broad Majestic Days (Khi tôi bước đi trong những ngày huy hoàng rộng lớn này) của Whitman.

Mặc dù bức tranh họa sau sửa đổi được đón nhận thành công, trải nghiệm này đã khiến vị họa sĩ nhận thấy rõ sức nặng của kiểm duyệt và quyền lực mà ngay cả một vài thành viên quần chúng có thể dùng để tác động lên tác phẩm của một nghệ sĩ.

1942: Đây là sự tàn bạo của Đức Quốc xã (This is Nazi Brutality)

In thạch bản offset – Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mĩ

Vào đầu những năm 1940, Ben Shahn đã sáng tác những bức tranh mà sau này trở thành nền tảng cho các áp phích phản chiến do chính phủ Hoa Kì tài trợ. Bức Đây là sự tàn bạo của Đức Quốc xã của Shahn là một trong những tấm áp phích nổi tiếng nhất mà ông từng thiết kế trong thời gian làm việc tại Văn phòng Thông tin Chiến tranh (Office of War Information – OWI).

Phản ứng lại sự tàn phá hoàn toàn của Đức Quốc xã đối với thị trấn Lidice, Tiệp Khắc và người dân của nó, bức tranh đầy uy lực của Shahn khắc họa hình ảnh một nhân vật nam với phần đầu bị trùm kín và đôi bàn tay nắm lại, đặt chắc hai bên hông, bị gông cùm siết chặt. Anh ta đứng dưới bầu trời tối tăm báo hiệu điều chẳng lành và ngay phía sau lẫn bên trái anh đều là bức tường gạch đỏ. Tiêu đề của tác phẩm cũng như chủ đề của nó được ghi bằng chữ màu đỏ đậm ở phía trước nhân vật, ở bên dưới là một mẩu tin tức về sự kiện ở Lidice được dịch từ một chương trình phát thanh. Đoạn văn bản có nội dung: ĐÀI PHÁT THANH BERLIN.–CHÍNH THỨC CÔNG BỐ: -TẤT CẢ ĐÀN ÔNG CỦA LIDICE – TIỆP KHẮC – ĐÃ BỊ BẮN HẠ: ĐÀN BÀ ĐÃ BỊ CHUYỂN ĐẾN TRẠI TẬP TRUNG: TRẺ EM ĐÃ ĐƯỢC GỬI ĐẾN CÁC TRUNG TÂM THÍCH HỢP–TÊN CỦA NGÔI LÀNG NGAY LẬP TỨC BỊ XÓA SỔ. 11/6/42/115P. Đáng ngạc nhiên thay, các quan chức của OWI đã bác bỏ các bản thiết kế của Shahn bởi lẽ quá “bạo lực” và “không đủ lôi cuốn”. Chán nản với những ý kiến bất đồng như vậy, Shahn từ chức sau một năm. Tư thế đối đầu của Shahn trước chính quyền truyền tải một niềm tin mãnh liệt vào trong các đề tài của ông.

Thông qua phương pháp thiết kế đồ họa táo bạo, sử dụng hệ thống ngôn từ súc tích, đi cùng với một hình ảnh thoát khỏi những kiểu chi tiết vốn tiêu biểu cho các tác phẩm tượng hình của Shahn, phản ứng đối với tác phẩm đầy ám ảnh này rất mạnh mẽ và khơi lên tự đáy lòng.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Diana Linden hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu, Minx Trần dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Ben Shahn Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…