Ben Shahn (Phần 1)

Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói riêng và của thế giới nói chung – những tác phẩm mang tính đấu tranh xã hội và chính trị. Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội là một trong số đó và Ben Shahn là một nghệ sĩ điển hình quan trọng của trào lưu này. Trong loạt bài ba phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về ông, một người đứng ở giữa những lằn ranh của mĩ thuật và truyền thông đại chúng, nghệ thuật và cách mạng, tường thuật và tuyên truyền.

  • “Nếu tôi thực là một họa sĩ, tôi phải cho thế giới thấy diện mạo của nó qua con mắt của chính tôi, không phải của ai khác.”
  • “Mọi nghệ thuật đều dựa trên sự trái lệch thông lệ.”
  • “Nghệ thuật vẫn là thành quách của cá nhân.”

Tóm lược về Ben Shahn

Khao khát của Ben Shahn trong việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật tường thuật tập trung vào công bằng xã hội và chính trị đã trở thành một ví dụ tiêu biểu cho chủ nghĩa Hiện thực Xã hội và nghệ thuật của ý thức xã hội. Từ việc đặt nghi vấn cho các giáo lí tôn giáo từ khi còn trẻ ở Lithuania cho tới tận cuối đời, Shahn luôn giữ sự trung thành với tầm nhìn của mình. Ông chưa bao giờ thất bại trong việc tạo nên những tác phẩm nghệ thuật điều hướng sự chú ý đến những mảnh đời vật lộn sinh tồn, và ông làm vậy không phải bằng sự uỷ mị hay duy cảm mà bằng lòng tự trọng.

Ben Shahn sinh ngày 12/09/1898 ở Kaunas, Lithuania, mất 14/03/1969 ở New York, Mĩ, làm việc từ khoảng 1921 tới khi mất

Những thành tựu chính

  • Trước Thế chiến thứ hai, Shahn là một người dẫn đầu trong việc thực hành thứ rồi sẽ được gọi là chủ nghĩa Hiện thực Xã hội. Những tác phẩm nghệ thuật như vậy mang tính tường thuật, tính tượng hình và tính minh họa về tầng lớp nghèo, bị áp bức, hoặc những người sống bên lề xã hội. Tinh thần chỉ đạo của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội là một cam kết với chủ nghĩa nhân văn.
  • Ben Shahn đã tập kết các loại hình văn hóa thị giác khác nhau để phá bỏ rào cản giữa phương tiện truyền thông đại chúng và mĩ thuật. Đối nghịch với cái mà Shahn gọi là “các quy tắc cho nghệ thuật thuần túy”, vị họa sĩ thường xuyên chèn các từ ngữ, văn bản, và các trích dẫn vào các tác phẩm để nhấn mạnh bản chất mô phạm trong nghệ thuật của mình.
  • Nhờ thời gian học nghề cũng như tình bạn của mình với Diego Rivera, Frida Kahlo và các nghệ sĩ nổi tiếng khác, Ben Shahn trở nên đề cao tính ưu việt và tính phổ quát của nghệ thuật vượt lên biên giới nguỵ tạo giữa các quốc gia. Thông qua các tác phẩm làm với Rivera, Shahn đóng vai trò như cầu nối giữa Hoa Kì và nghệ thuật Mexico, vốn từng là cơn sốt trong những năm 1920 và 1930, nhưng không được ưa chuộng cho đến khi nó được hồi sinh vào những năm 1980.
  • Không màng đến sự nổi tiếng và danh vị ngày càng lớn, Shahn vẫn trung thành với khán giả và đề tài của mình. Shahn không bao giờ lên tiếng với người dân Mỹ, thay vào đó ông đứng giữa đám đông và chiến đấu tương tự như những con người ấy.

Tiểu sử của Ben Shahn

Tuổi thơ và nền tảng giáo dục

Sinh ra trong một gia đình Do Thái Chính thống giáo, Ben Shahn đã chứng kiến cả chủ nghĩa bài Do Thái lẫn sự đàn áp chính trị trong suốt thời thơ ấu ở Lithuania. Lực lượng của Sa hoàng đã bắt giữ người cha theo chủ nghĩa xã hội của Shahn và giam ông ở Siberia. Khi còn là một cậu bé, Shahn đã bắt đầu có lập trường chống lại sự bất công xã hội, một lập trường đạo đức mà sau này định hình sự nghiệp cả đời của ông. Khi còn là một thanh niên nghiền ngẫm Kinh thánh, ông đã buộc tội Chúa hành động bất công khi giết chết một người đàn ông không vâng lời ngài trong câu chuyện xây dựng Đền thờ của Solomon. Ban đầu, Shahn từ chối quay lại trường dòng một khi giáo viên chưa thừa nhận sự bất công này; chàng trai trẻ chỉ trở về sau đó bởi sự thuyết phục của người ông kính yêu. Năm 1906, khi Shahn 8 tuổi, gia đình ông di cư đến New York và đoàn tụ với người cha đã trốn thoát từ lâu và định cư ở Brooklyn. Năm 1906 là năm cao điểm của làn sóng người Do Thái di cư từ Đông Âu sang Mĩ nên câu chuyện của Shahn cũng chính là câu chuyện của một người nhập cư. Shahn đã bắt đầu quan tâm tới nghệ thuật khi còn là một đứa trẻ ở Lithuania; nhưng do tài nguyên khan hiếm nên ông đã phải vẽ lên các trang sách của mình.

Tác phẩm Chúng ta CHIẾN ĐẤU vì một thế giới TỰ DO! (We FIGHT for a FREE world!) (kh. 1940) của Ben Shahn là một minh chứng cho tinh thần đấu tranh xuyên suốt cuộc đời của ông

Tại Brooklyn, một vị giáo viên lớp 5 người Mĩ của Shahn đã chú ý và khuyến khích tài năng nghệ thuật non trẻ của Shahn. Một năm sau, ông nhận được việc làm nghệ thuật được trả công đầu tiên: viết tên lên bằng tốt nghiệp [cho các học sinh], đó là lần đầu tiên một cậu học trò nhỏ lại được trao cho vinh dự này. Tuy nhiên, bất chấp tài năng nổi trội của Shahn, mẹ của ông đã yêu cầu ông từ bỏ việc học trung học mà thay vào đó kiếm một công việc giúp đỡ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Hành động của mẹ ông đã gây nên một tổn hại không thể cứu vãn được cho mối quan hệ giữa hai người. May mắn thay, Ben Shahn đã nhận được một công việc có thể nuôi dưỡng sự phát triển nghệ thuật là tập sự trong cửa hàng in thạch bản của chú mình, nơi ông nảy sinh tình yêu với những chữ cái, một niềm đam mê và tài năng kéo dài cả đời; ở tuổi 19, Shahn đã là một nhà in thạch bản chuyên nghiệp. Bên cạnh việc tham gia các lớp học nghệ thuật tại Liên minh Giáo dục nổi tiếng ở Lower East Side của New York, Shahn tiếp tục việc học của mình thông qua việc tự học cùng với các lớp học buổi tối. Vào mùa thu năm 1919, Shahn đã kiếm đủ tiền để theo học đại học và bắt đầu học tại Đại học New York, Cao đẳng Thành phố New York và Học viện Thiết kế Quốc gia.

Những đào tạo ban đầu

Năm 1922, sau cuộc hôn nhân với Tillie Goldstein, người từng là một nhà hoạt động chính trị và vận động bầu cử, Shahn tiếp tục công việc in thạch bản. Đồng thời, ông tiếp tục nhận sự đào tạo để trở thành một nghệ sĩ, thực hiện hai chuyến đi dài ngày đến châu Âu và Bắc Phi để nghiên cứu về môi trường, con người và những Bức tranh Vĩ đại (Grand Paintings) của châu Âu. Trong chuyến đi thứ hai đầy năng suất vào năm 1928, ông đã tạo ra hơn hai trăm bức tranh màu nước và phác thảo.

Khi trở về nhà ở Brooklyn, Shahn bắt đầu dùng toàn thời gian để tạo ra các bức tranh, bản in thạch bản và những tấm ảnh chụp. Với vốn kiến thức nhiếp ảnh tự học – cùng chút ít lời khuyên từ người bạn nhiếp ảnh gia nổi tiếng, Walker Evans – và đang lúc cần một chiếc máy ảnh tốt, Shahn đã thỏa thuận với anh trai để mua cho ông một chiếc máy ảnh mà Ben sẽ trả lại nếu không một tấm ảnh nào từ cuộn phim đầu tiên mình chụp được xuất bản. Đầy lòng quyết tâm, như mọi khi, Shahn đã thắng cược khi vào năm 1934, tấm ảnh chụp một nhóm kịch biểu diễn trên vỉa hè thành phố New York của ông đã được đăng trên New Theater (Sân khấu mới), một tạp chí nghệ thuật cấp tiến.

Ba người đàn ông với chiếc cột sắt (Three Men With Iron Pilaster) (1934) của Ben Shahn thể hiện những âm hưởng từ người bạn Walker Evans

Năm 1933, Diego Rivera, họa sĩ vẽ tranh tường nổi tiếng người Mexico, đã thuê Shahn và với một số họa sĩ triển vọng khác làm tập sự để cùng thực hiện bức tranh tường Con người ở ngã tư (Man at the Crossroads) tại Trung tâm Rockefeller vừa xây xong; Nelson Rockefeller trẻ tuổi ban đầu đặt hàng họa sĩ vẽ tranh tường người Mexico cho buổi lễ ra mắt, nhưng sau đó lại phá dỡ bức bích họa chưa hoàn thành của ông do Rivera đã đưa vào đó khắc hoạ chân dung Lenin. Dưới sự chỉ dẫn của Rivera, Shahn đã học được nghệ thuật fresco hay chính là nghệ thuật vẽ tranh bằng bột màu khô trên thạch cao ướt đầy khắt khe. Với việc thành lập Chương trình Nghệ thuật Chính sách Mới (New Deal) dưới thời FDR, Shahn kiếm tìm các đơn ủy thác vẽ tranh tường nhưng không thành công cho đến năm 1936 – khi vị họa sĩ đảm bảo được một đơn đặt hàng từ dự án Trang trại Jersey.

Trang trại Jersey, nay được gọi là Roosevelt, ở New Jersey là một dự án phát triển nhà ở hợp tác do chính phủ tài trợ, được xây dựng cho các công nhân may mặc người Do Thái đến từ thành phố New York, phần lớn trong số họ đều là những người cấp tiến về chính trị. Shahn và gia đình thứ hai của ông với họa sĩ Bernarda Bryson đã biến Trang trại thành mái ấm của họ.

Hình ảnh tranh tường của Ben Shahn cho dự án Trang trại Jersey

Shahn thường tạo ra các tác phẩm chống lại sự bất công xã hội, chẳng hạn như phiên tòa xét xử và hành quyết Sacco và Vanzetti khét tiếng. Trong những năm 1930 và thời kỳ FDR, Shahn làm nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ đồ họa cho Cơ quan Quản lý Tái định cư của chính phủ liên bang. Shahn tìm cách chụp ảnh cuộc sống và điều kiện nông nghiệp khắc nghiệt mà người dân miền Nam nghèo khổ phải vật lộn sống cùng. Sau đó, ông tiếp tục làm nghệ sĩ đồ họa trong lực lượng Đồng minh trong Thế chiến thứ hai cho Văn phòng Thông tin Chiến tranh, đồng thời cũng là một cơ quan chính phủ.

Thời kỳ trưởng thành 

Với sự tàn phá mà Thế chiến thứ hai để lại cùng cuộc hành quyết hàng loạt sáu triệu đồng bào Do Thái, Shahn đã quay lưng lại với chủ nghĩa Hiện thực Xã hội và hướng tới cái mà ông gọi là “chủ nghĩa hiện thực cá nhân”. Dù vẫn sáng tác với hình tượng con người, các bức tranh của Shahn dần ít miêu tả về xã hội như một nhất thể mà trở nên cá nhân và mang tính biểu tượng nhiều hơn. Ngày càng đạt được nhiều sự công nhận của công chúng và giới nghệ thuật hơn, vào năm 1947, ông trở thành nghệ sĩ trẻ nhất có một triển lãm hồi tưởng tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York. Trái ngược hoàn toàn với trường phái Biểu hiện Trừu tượng đang ngày càng phổ biến, đồng thời bất chấp những đánh giá tiêu cực của một số nhà phê bình, các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực của Shahn có sức hấp dẫn rộng rãi.

Những áp phích mang tính hoạt động chính trị của Shahn rất nổi tiếng và có sức ảnh hưởng – ví dụ như áp phích mời gọi mọi người tham gia bỏ phiếu này

Tác phẩm của Shahn thường có khuynh hướng chính trị tiến bộ mà đôi khi gây ra tranh cãi. Hoạt động tích cực bên cánh tả của ông đã dẫn đến việc bị FBI điều tra, cáo buộc ông sản xuất tác phẩm nghệ thuật cho các tờ báo và tạp chí Cộng sản, đồng thời thân thuộc với các tổ chức nghệ thuật Cộng sản trong những năm 1930 (dù trên thực tế, việc đó bấy giờ là hợp pháp). Năm 1959, trong cuộc săn lùng McCarthy và thời kì Chiến tranh Lạnh, Shahn đã dũng cảm từ chối làm chứng trước các thành viên của Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động chống Hoa Kỳ và làm vậy để bảo vệ các nghệ sĩ khác thuộc Cánh tả. Để cố gắng lật ngược tình thế một cách hài hước, trong một lần FBI đến thăm nhà Shahn để điều tra, vị họa sĩ đã quyết định “chơi lớn” khi mời họ dùng bữa trưa, giới thiệu con gái ông cho họ và kéo họ vào những cuộc đàm luận không ngừng nghỉ khiến các đặc vụ không thể đột ngột rời đi mặc cho sự khó chịu của họ. Bất chấp điều đó, FBI vẫn duy trì hồ sơ hoạt động về Shahn cho đến tận khi ông qua đời.

Giai đoạn cuối đời

Shahn đã có một sự nghiệp rực rỡ với tư cách là một nghệ sĩ đồ họa. Ông đã là họa sĩ minh họa cho đài truyền hình CBS và cho các tạp chí quốc gia như Esquire, Harper’sTime. Ông cũng quay về cội nguồn Do Thái của mình bằng cách tạo nên những bức tranh khảm cho nhiều giáo đường Do Thái. Trong suốt thời gian đó, việc theo đuổi công lí thông qua nghệ thuật vẫn là mối quan tâm chính của ông. Shahn đã vẽ một loạt tranh khắc họa những người đàn ông và tác động hạt nhân lên cơ thể họ để phản ứng lại vụ thảm kịch năm 1954, khi mà các ngư dân tàu đánh cá Lucky Dragon đã phải hứng chịu hệ lụy của bức xạ từ vụ thử bom hydro của Mỹ. Việc giảng dạy cũng rất quan trọng đối với Shahn và khi dạy tại Đại học Harvard trong năm học 1956-57, ông đã trình bày sáu bài giảng về nghệ thuật, sau này được xuất bản dưới tên The Shape of Content  (Hình thù của Nội dung) (1957); điều ấn tượng là cuốn sách vẫn đang được in mới và cung cấp rất nhiều những hiểu biết sâu sắc về niềm tin và thực hành nghệ thuật của ông và cả cuộc đời của một nghệ sĩ.

Bìa cuốn sách The Shape of Content với 34 hình minh hoạ của nghệ sĩ

Năm 1969, Shahn qua đời ở tuổi 70 vì một cơn đau tim ngay sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u trên bàng quang. Vị họa sĩ vẫn hoạt động tích cực trong suốt những năm cuối đời mình.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Diana Linden hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu, Minx Trần dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Ben Shahn Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…