Chủ nghĩa Hiện thực xã hội (Phần 1)

Có thể nói, làm cách mạng trong nghệ thuật và dùng nghệ thuật làm cách mạng là hai tiền đề quan trọng của chủ nghĩa Hiện đại tại châu Âu. Chủ nghĩa Hiện thực Pháp với những lời bình chính trị của Honoré Daumier và Gustave Courbet mở đầu toàn bộ thời kì chính là minh chứng cho điều ấy. Di sản này tiếp tục là nền tảng cho chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Social Realism) tại Mĩ, nổi lên trong những năm Đại suy thoái trước Thế chiến II, với những nghệ sĩ đứng trong nhân dân và dùng nghệ thuật như một vũ khí. Trong loạt bài 3 phần, chúng ta cùng tìm hiểu trào lưu nghệ thuật tập trung vào hình dạng và thân phận con người này.

  • Với tôi tuyên truyền là một từ thần thánh.” – Ben Shahn
  • Nếu nghệ thuật là để sinh tồn, nó phải miêu tả và thể hiện nhân dân, đời sống và thời đại của họ.” – Raphael Soyer
  • Hãy vẽ nước Mĩ, nhưng là với đôi mắt mở to. Đừng tôn vinh Phố Chính. Hãy vẽ nó đúng như nó là – xấu tính, bẩn thỉu, tham lam.” – Moses Soyer

Tóm lược về Chủ nghĩa Hiện thực xã hội

Phong trào chính trị và những khám phá nghệ thuật Hiện thực Xã hội chủ yếu khởi sắc vào những năm 1920 và 1930 – thời kì suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột chủng tộc gia tăng, các chế độ phát-xít quốc tế trỗi dậy, và chủ nghĩa lạc quan vĩ đại sau hai cuộc cách mạng Mexico và Nga. Người theo chủ nghĩa này đã tạo ra những hình ảnh tượng hình và thực tế về “đại chúng” (masses), một thuật ngữ bao hàm các tầng lớp thấp và lao động, những đoàn viên công nhân, và những người bị tước quyền công dân về mặt chính trị. Các nghệ sĩ người Mĩ đã trở nên không hài lòng với tiền tiến Pháp và sự cô lập của chính họ với xã hội rộng lớn hơn, dẫn tới sự tìm kiếm từ vựng mới và ý nghĩa xã hội mới; họ đã tìm ra mục đích của mình từ niềm tin rằng nghệ thuật là một vũ khí chống lại sự bóc lột của tư bản đối với công nhân và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa phát-xít quốc tế. 

Bìa tờ New Masses (TD: Đại chúng mới) vào tháng 12 năm 1931. Tờ tạp chí này gắn liền với phong trào chủ nghĩa Hiện thực Xã hội

Phải đặc biệt lưu ý rằng thời kì nghệ thuật khá khác biệt so với Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Soviet Socialist Realism), là phong cách thống trị nước Nga thời hậu cách mạng Stalin.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Những nhà Hiện thực xã hội chủ nghĩa đã mường tượng bản thân họ là những công nhân hay người lao động, giống như những người làm việc vất vả trên các cánh đồng và nhà máy. Thường trong trang phục quần yếm tượng trưng cho sự đoàn kết với các tầng lớp lao động, nghệ sĩ tin rằng họ là những thành viên quan trọng của xã hội nói chung, thay vì là nhóm tinh hoa sống bên lề và làm việc cho tầng lớp thượng lưu. 
  • Trong khi vô số phong cách và đề tài trong chủ nghĩa Hiện thực xã hội, nhưng những nghệ sĩ đã cùng hợp lại với nhau qua cuộc tấn công của họ vào hiện trạng và cấu trúc quyền lực xã hội. Mặc cho khác biệt về phong cách nghệ thuật, các nghệ sĩ vẫn là các nhà hiện thực tập trung vào hình dáng và thân phận của con người. Họ đã xây dựng dựa trên những di sản của Honoré Daumier, Gustave Courbet và Francisco Goya trong những lời phê bình xã hội cấp tiến mang đầy tính chính trị.
  • Trong khi chủ nghĩa Hiện đại thường xuyên được xem là sự đổi mới về phong cách nghệ thuật, các nhà Hiện thực Xã hội cho rằng nội dung chính trị ở tác phẩm của họ biến chúng thành hiện đại. Những nghệ sĩ Hiện thực Xã hội đã quay lưng với sự tiến bộ mang tính hội hoạ của trường phái Paris.

Những sự khởi đầu của Chủ nghĩa Hiện thực xã hội

Xuyên suốt những năm 1920, các nghệ sĩ người Mĩ đã tìm kiếm một tầm quan trọng vĩ đại hơn trong xã hội. Sự hiện diện của những nghệ sĩ vẽ tranh bích hoạ người Mexico Diego Rivera và José Clemente Orozco ở thành phố New York, cùng với những bài giảng về Karl Marx và Vladimir Lenin lan rộng, là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ mới. Về sau, do những ảnh hưởng dai dẳng của cuộc Đại suy thoái vào năm 1929, Cơ quan Quản lý Tiến Độ Công trình (Works Progress Administration – WPA) của tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã cung cấp nguồn bảo trợ, tinh thần cộng đồng, và những uỷ nhiệm vẽ tả thực cho những nghệ sĩ đang gặp khó khăn. 

Bức tranh tường nổi tiếng Lịch sử Mexico (The History of Mexico) của Diego Rivera vẽ trên hành lang Cung điện Quốc gia ở thành phố Mexico

Đứng trước bối cảnh lịch sử nói trên, một nhóm đông đảo và đa dạng các nghệ sĩ, sau này được gọi là những nghệ sĩ chủ nghĩa Hiện thực xã hội, đã cùng nhau tham gia xuất bản các cuốn tạp chí, tổ chức các liên hiệp, triệu tập các hội nghị nghệ sĩ, và khích động công khai đối với tầm quan trọng của tác phẩm mang tính cách mạng của họ, vai trò của người nghệ sĩ trong xã hội, và sự thay đổi cấp tiến chống chủ nghĩa tư bản đối ở Mĩ.

Tạp chí New Masses và câu lạc bộ John Reed (1931)

Vào những năm 1920, một vài nghệ sĩ cánh tả cam kết đã cho ra đời New Masses (TD: Đại chúng mới), một ấn phẩm văn hóa cấp tiến gắn liền với Đảng Cộng sản Nga. Những nghệ sĩ cách mạng này cũng đã thành lập câu lạc bộ John Reed. Tên của câu lạc bộ là sự tôn vinh đối với nhà báo người Mỹ John Reed (1887-1920), tác giả của Ten Days That Shook the World (Mười ngày làm lay chuyển thế giới) – một cuốn sử kí về Cách mạng Nga. Các câu lạc bộ John Reed (tổng cộng là 60 trên khắp đất Mĩ) đã thúc đẩy sự thành lập một xã hội vô sản thông qua các sự kiện văn hóa của họ. Những thành viên được biết đến nhiều nhất là Max Weber, Hugo Gellert, William Gropper, Moses Soyer, và Raphael Soyer. 

Bìa ấn phẩm của câu lạc bộ John Reed

Theo lời thuật lại sau này của các nghệ sĩ tham gia, thông qua chính CLB John Reed mà họ đã phát triển một thế giới quan tiến bộ. Giảng viên tại CLB John Reed ở thành phố New York gồm có họa sĩ vẽ bích hoạ người Mexico David Alfaro Siqueiros, nhà lí luận Lewis Mumford, nhà sử học nghệ thuật Meyer Schapiro, nghệ sĩ Ben Shahn, và Louis Lozowick, thuyết gia chính của nhóm. CLB John Reed chưa bao giờ quy định một phong cách nghệ thuật hay đề tài cụ thể, mà yêu cầu nghệ sĩ phải đứng về phía những người nghèo, người bị tước đoạt tài sản, không nơi nương tựa, đấu tranh cho công lí chủng tộc, và chống lại chủ nghĩa phát-xít.

Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và chủ nghĩa Hiện thực Xã hội 

Đầu những năm 1930 đã chứng kiến sự mở cửa của một vài viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật quan trọng nối tiếp nhau triển lãm các tác phẩm nghệ thuật củ chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, ví dụ như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art –  MoMA) của New York và Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Whitney. Năm 1930, Diego Rivera đã có một cuộc trưng bày cá nhân tại MoMA, sự kiện này bao gồm việc người nghệ sĩ vẽ tranh bích hoạ di động ngay tại chỗ. Nhiều trong số các nhà Hiện thực Xã hội đã ghé thăm Rivera đáng kính khi ông vẽ nó. 

Diego Rivera vẽ tranh tường

Hai năm sau, MoMA trưng bày một buổi triển lãm gây tranh cãi mời tới các nghệ sĩ, bao gồm những nhà Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, để thực hiện các nghiên cứu bích họa cho những dự án có tiềm năng. Ben Shahn, Hugo Gellert, và William Gropper đã không ngần ngại đưa ra những phê bình xã hội gay gắt. Bức tranh Nỗi oan ức của Sacco và Vanzetti (The Passion of Sacco and Vanzetti) (1931-32) của Shahn, cũng như các tác phẩm châm biếm chua cay của Gellert và Gropper đã tấn công vào những người giàu có, các nguyên thủ quốc gia, và giới tinh hoa xã hội, hay nói cách khác, những tầng lớp có quyền điều hành xã hội và ngồi trong Ban lãnh đạo của MoMA. Những tác phẩm của họ đã tạo ra một cơn bão các chỉ trích mà Gropper đã hân hoan kí sự trong bài báo We Captured the Walls (Chúng tôi nắm giữ những bức tường) trên tờ New Masses của ông.

Nỗi oan ức của Sacco và Vanzetti của Ben Shahn

Mặt trận Phổ biến 

Đảng Cộng sản Nga công bố thời kì chính trị được gọi là Mặt trận Phổ biến vào năm 1935, hướng đến việc tạo ra một mặt trận chính trị thống nhất để tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, rằng, với việc Hitler được bầu làm Thủ tướng Đức năm 1933 – người được coi là một kẻ thù lớn mạnh hơn chủ nghĩa tư bản. Dưới khẩu hiệu “Chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa Mĩ thế kỉ XX”, Đảng Cộng sản đã cố gắng để thống nhất những người Mĩ cánh tả và tự do. 

Mặt trận Phổ biến hoan nghênh những nghệ sĩ tự do hoạt động vì công bằng xã hội, hơn là cho việc biến đổi hệ thống xã hội chủ nghĩa cực đoan của Mỹ. Sự kiện lịch sử này, được thúc đẩy bởi Nga, đã gây ảnh hưởng lên nghệ sĩ người Mỹ bằng việc cho phép người tiến bộ mà không phải người cực đoan gay gắt tham gia. Một số lượng lớn hơn các nghệ sĩ đã theo đuổi chủ đề chống đối chủ nghĩa Phát – xít trong nghệ thuật của họ và giảm bớt sự cam kết kiên quyết đối với hình ảnh và nghệ thuật dựa trên người lao động. 

Liên hiệp các nghệ sĩ và Art Front (Mặt trận Nghệ thuật)

Mối quan tâm lớn trong những năm 1930 là các liên hiệp và tổ chức lao động. Các nhà Hiện thực Xã hội tự xem mình là những công nhân đã thành lập liên hiệp lao động của chính mình, gọi là Liên hiệp các nghệ sĩ. Liên hiệp các nghệ sĩ là một nhánh của liên đoàn lao động có ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ, Hiệp hội của các tổ chức công nghiệp. Bernarda Bryson, Ben Shahn, và Stuart Davis, cùng các thành viên khác của Liên hiệp các nghệ sĩ, đã cùng nhau khích động các chương trình nghệ thuật liên bang lâu dài và mức lương tốt hơn cho các nghệ sĩ dưới chính sách mới (New Deal). Họ cũng là một phần trong cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát-xít, và chiến tranh. Art Front (Mặt trận Nghệ thuật) là tạp chí cấp tiến của Liên hiệp, đầy đủ các bài báo, hình ảnh, bài luận, và minh hoạ. 

Bìa tờ Art Front năm 1934
Bìa tờ Art Front năm 1935

Đại hội Nghệ sĩ Hoa Kì

Đại hội Nghệ sĩ Hoa Kì (American Artists Congress) vào năm 1936 và các nhà Hiện thực Xã hội nằm trong số hàng trăm người tham gia. Đây là một phần trong cuộc tấn công của Mặt trận Phổ biến chống lại chủ nghĩa phát-xít toàn cầu với sự trỗi dậy của Adolf Hitler và, thậm chí tại địa phương, với việc Cha Charles Coughlin kích động tư tưởng bài Do Thái. Thêm vào đó, nhiều người đã nghĩ đến việc kiểm duyệt nghệ thuật với việc huỷ bỏ bức bích họa của Diego Rivera trong Trung tâm Rockefeller (1933) và bức bích họa của Ben Shahn cho nhà tù trên đảo Riker (1934) đầy tai tiếng của Nelson Rockefeller. 

Bản vẽ lại của bức tranh tường gốc Con người ở nơi ngã tư đường (Man at the Crossroads) tại Trung tâm Rockefeller của Diego Rievera tại Mexico, với tên mới là Con nguời, kẻ kiểm soát vũ trụ (Man, Controller of the Universe)
Một tái hiện điện tử lại tranh tường Rikers của Ben Shahn trên website của ĐH Harvard, dựa trên các phác thảo và ghi chú trù bị của người nghệ sĩ.

Các sự kiện xã hội cấp bách trong ngày gây xôn xao hơn là các tranh biện về thẩm mĩ. Ví dụ như họa sĩ người Mỹ gốc Phi Aaron Douglas, đã chỉ trích các nghệ sĩ có ý thức xã hội về việc sử dụng người Mĩ gốc Phi làm biểu tượng. Một nghệ sĩ lưu vong từ Đức Quốc xã đã báo cáo về những sự kiện đang diễn ra ở Châu Âu. Tình cảnh kinh tế khó khăn của những nghệ sĩ cũng là một vấn đề được bàn luận sôi nổi. Liên hiệp đã thành công tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ, giúp họ ý thức được về tầm quan trọng của xã hội và là một phần của một cộng đồng toàn cầu to lớn hơn.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Olivia Ha dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa Hiện thực xã hội Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…