Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu

08/06/2021

Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu

Gustave Courbet nói rằng ông vẽ “người thị trường, nặng 180kg, vị linh mục quản xứ, công lý của hoà bình, người mang thánh giá, công chứng viên Marlet, vị phụ tá thị trưởng, những người bạn của tôi, cha tôi, những cậu bé trong ca đoàn, người đào mộ, và hai nhà cách mạng luống tuổi” của thị trấn quê hương ông để miêu tả đám tang của ông cố của mình trong bức Lễ chôn cất tại Ornans (Burial at Ornans) (1849-51) – do đó là vẽ hiện thực của chính ông. Khi trưng bày bức tranh mà đã tạo ra một sự náo động như vậy và khởi động Hiện thực, mà người nghệ sĩ sau này nói, “Lễ chôn cất tại Ornans thực tế là lễ chôn cất của chủ nghĩa Lãng mạn.”

Tóm tắt trào lưu chủ nghĩa Hiện thực (1840s-1880s)

Mặc dù chưa bao giờ là một nhóm thống nhất, chủ nghĩa Hiện thực được công nhận là phong trào hiện đại đầu tiên trong nghệ thuật mà đã từ chối các hình thức nghệ thuật, văn học, và tổ chức xã hội truyền thống trở nên lỗi thời sau thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Công nghiệp. 

Bắt đầu ở Pháp vào những năm 1840, chủ nghĩa Hiện thực đã cách mạng hóa hội họa, mở rộng quan niệm về những gì cấu thành nên nghệ thuật. Làm việc trong một thời đại hỗn loạn được đánh dấu bởi cách mạng và sự thay đổi xã hội lan rộng, các họa sĩ Hiện thực đã thay thế những hình ảnh lý tưởng hoá và những ẩn dụ mang tính văn học của nghệ thuật truyền thống bằng những sự kiện có thật, tạo cho các lề xã hội một sức nặng tương tự như hội hoạ và ngụ ngôn lịch sử vĩ đại. 

Sự lựa chọn đưa cuộc sống hàng ngày vào tranh vẽ của họ là một biểu hiện ban đầu của mong muốn tiên phong kết hợp nghệ thuật và cuộc sống, và việc họ từ chối các kỹ thuật hình ảnh, như phối cảnh, đã báo trước nhiều cách định nghĩa và tái định nghĩa của chủ nghĩa hiện đại vào thế kỷ 20.

Xin chào, ông Courbet

 Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Chủ nghĩa Hiện thực thường được coi là sự khởi đầu của nghệ thuật hiện đại. Theo nghĩa đen, điều này xuất phát từ niềm tin của chủ nghĩa rằng cuộc sống hàng ngày và thế giới hiện đại là những chủ đề phù hợp với nghệ thuật. Về mặt triết học, chủ nghĩa Hiện thực chấp nhận các mục tiêu tiến bộ của chủ nghĩa hiện đại, tìm kiếm chân lý mới thông qua việc tái thẩm định và lật ngược các hệ thống giá trị cũng như niềm tin truyền thống.
  • Chủ nghĩa Hiện thực quan tâm đến và do đó tham dự vào việc cuộc sống được cấu trúc như thế nào về mặt xã hội, kinh tế, chính trị, và văn hóa vào giữa thế kỷ 19. Điều này dẫn đến sự khắc họa chân thực, đôi khi “xấu xí” về những khoảnh khắc khó chịu trong cuộc sống, và việc sử dụng những bảng màu tối, màu đất đối chọi với những lý tưởng tối thượng về cái đẹp của nghệ thuật cao cấp (high art).
  • Chủ nghĩa Hiện thực là phong trào nghệ thuật đầu tiên công khai phản định chế, không thỏa hiệp. Các họa sĩ Hiện thực nhắm vào lề thói xã hội và giá trị xã hội của giai cấp tư sản và quân chủ mà bảo trợ thị trường nghệ thuật. Cho dù họ tiếp tục gửi các tác phẩm đến các Salon của Học viện Nghệ thuật, họ cũng không coi thường việc tổ chức các cuộc triển lãm độc lập để trưng bày tác phẩm của mình một cách thách thức.
  • Theo sau sự bùng nổ của báo in và các phương tiện thông tin đại chúng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp, Chủ nghĩa Hiện thực đã mang đến một quan niệm mới về nghệ sĩ rằng họ chính là người tự xuất bản tác phẩm. Gustave Courbet, Édouard Manet, và những người khác cố tình gây tranh cãi và sử dụng phương tiện truyền thông để nâng cao danh tiếng của mình theo cái cách mà cho đến ngày nay, trong giới nghệ sĩ, vẫn còn tiếp diễn.

Sự khởi đầu của Chủ nghĩa Hiện thực

Tiền Hiện thực: Tranh lịch sử và Học viện 

Được thành lập vào năm 1648 bởi Louis XIV, Académie Royale de Peinture et de Sculpture hay Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia điều hành việc sản xuất nghệ thuật ở Pháp trong gần hai thế kỷ. Với sự nổi bật của Pháp trong nền văn hóa châu Âu trong thời kỳ đó, Học viện này thiết lập các tiêu chuẩn cho nghệ thuật trên khắp lục địa, đào tạo cho các tài năng trẻ, và công nhận thành tựu nghệ thuật tại các triển lãm Salon bán-thường-xuyên.

Bức tranh vẽ lại cảnh một buổi gặp mặt của Học viện Hội và Điêu khắc Hoàng gia tại cung điện Louvre, vẽ bởi Jean-Baptiste Martin

Hình thức nghệ thuật “cao nhất”, được Viện Hàn lâm thiết lập trong một hội nghị năm 1668, là tranh lịch sử (history painting): sự diễn họa quy mô lớn của một câu chuyện, thường được vẽ từ thần thoại cổ điển, Kinh thánh, văn học, hoặc biên niên sử về thành tựu của con người. Chỉ những họa sĩ giỏi nhất mới được phép vẽ theo thể loại này, và các tác phẩm của họ được Học viện tôn vinh nhất. Tầm quan trọng giảm dần trong thứ bậc của các thể loại là chân dung (miêu tả những người quan trọng), cảnh sinh hoạt (genre painting – miêu tả nông dân, hoặc những người “không quan trọng”), phong cảnh (miêu tả thiên nhiên sống) và tĩnh vật (nature morte, có nghĩa là “thiên nhiên chết”).

Được thúc đẩy bởi những khám phá khảo cổ học ở Hy Lạp và Ý vào giữa thế kỷ 18 và những lý tưởng của thời Khai sáng về lý trí và trật tự, trường phái Tân Cổ điển đã trở thành phương thức xuất sắc cho tranh lịch sử vào cuối những năm 1700. Bức tranh lịch sử Tân Cổ điển, điển hình như trong tác phẩm của Jacques-Louis David, đã sử dụng các liên hệ cổ điển, kỹ thuật bố cục, và bối cảnh để bình luận về các sự kiện đương đại. Chẳng hạn, bức Lời thề của anh em Horatii (1784) nổi tiếng của ông đã truyền đạt giá trị của lòng yêu nước thông qua câu chuyện của nhà sử học La Mã Livy.

Lời thề của anh em Horatii (Le Serment des Horaces) (1784) của Jaques-Louis David, trưng bày tại Bảo tàng Louvre. Kích cỡ 329.8 cm × 424.8 cm. 

Để đáp lại chủ nghĩa Tân cổ điển, Cách mạng Công nghiệp, và sự lý tính hóa cuộc sống và xã hội của thời kỳ Khai sáng, chủ nghĩa Lãng mạn coi trọng cảm xúc phi lý, mãnh liệt, và chủ đề ngoại lai như những nguồn cội chân thực hơn cho sự sáng tạo nghệ thuật. 

Thay vì những cảnh ngoài trời được sắp đặt một cách đẹp đẽ, những cảnh quan Lãng mạn đã trở thành đấu trường cho cuộc xung đột thăng hoa giữa con người và thiên nhiên. Thay cho lời ca ngợi đức tính công dân của David là những bức tranh lịch sử như bức Cái chết của Sardanapalus (The Death of Sardanapalus) (1827) của Eugène Delacroix: một cảnh hỗn loạn, rối ren lấy cảm hứng từ một vở kịch của Lord Byron, trong đó vị vua nổi tiếng của Assyria đã ra lệnh phá hủy tài sản của mình và những người vợ đang hoảng hồn và thống thiết van xin đã bị thảm sát khi ông đối mặt sự thất bại quân sự cuối cùng của mình.

Cái chết của Sardanapalus (La Mort de Sardanapale) (1827 và 1844) của Eugène Delacroix, trưng bày tại Bảo tàng Louvre và Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia. Bức tại bảo tàng Philadelphia là một bản sao nhỏ hơn do chính Delacroix, vào năm 1844. Kích thước lần lượt của hai bức là 392 cm × 496 cm và 73.71 cm × 82.47 cm

Cuộc cách mạng, sự từ bỏ truyền thống và tầm quan trọng của nhiếp ảnh

Mặc dù chủ nghĩa Lãng mạn có thể đã bác bỏ một số nguyên lý nhất định của chủ nghĩa Tân Cổ điển, nó không làm thay đổi mạnh mẽ các thể chế nghệ thuật và xã hội của thế kỷ 17 và 18. Tình trạng cách mạng gần như triền miên ở Pháp vào thế kỷ 19 đã tạo ra động lực để thực hiện một sự thay đổi thiết yếu hơn. Sau cuộc Cách mạng đầu tiên năm 1789, nước Pháp trải qua Đệ nhất Cộng hòa, Đệ nhất Đế chế dưới thời Napoléon Bonaparte, sự phục hồi chế độ quân chủ nhà Bourbon, Cách mạng 1830, Chế độ Quân chủ Tháng Bảy, Cách mạng 1848, Đệ nhị Cộng hòa, Đệ nhị Đế chế, chiến tranh Pháp-Phổ, và thiết chế Công xã Paris năm 1871, cùng sự thành lập của nền Cộng hòa thứ ba.

Một chiến luỹ do Vệ binh Quốc gia Cộng xã dựng lên vào ngày 18/03/1871

Thách thức chủ nghĩa Tân Cổ điển và chủ nghĩa Lãng mạn như đại diện cho chủ nghĩa thoát ly (escapist) khi đối mặt với các vấn đề xã hội lớn hơn do thế kỷ 19 đầy biến động mang lại, vào những năm 1840, chủ nghĩa Hiện thực bùng nộ ở Pháp như một khía cạnh văn hóa của một phản ứng lớn hơn đối với sự quản lý xã hội thay đổi liên tục, việc chiếm đóng quân sự và khai thác kinh tế ở các thuộc địa, và sự công nghiệp hóa và đô thị hóa ở các thành phố. 

Chủ nghĩa Hiện thực, không chỉ là sự đại diện bình dị của tự nhiên, mà còn là một nỗ lực để đặt bản thân mình vào cái “thực”: vào sự chắc chắn trong khoa học, đạo đức, và chính trị.

Vào những năm 1830, sự thúc đẩy chủ nghĩa thực chứng khoa học này được thể hiện qua sự ra đời của nhiếp ảnh. Louis Daguerre đã trình diễn công khai phép chụp hình daguerreotype vào năm 1839, cố định một cách cơ học hình ảnh từ thiên nhiên lên một miếng kim loại bằng cách sử dụng máy ảnh. Đồng thời ở Anh, William Henry Fox Talbot đã hoàn thành điều tương tự với calotype, cách thức cố định hình ảnh trên giấy tráng bạc iođua. Đổi lại, ảnh chụp đã thúc đẩy chủ nghĩa Hiện thực. 

 Âm bản calotype và bản in giấy muối (salted paper print) của Talbot

Trong khi các nghệ sĩ Hiện thực hiếm khi làm việc từ các bức ảnh (một số đã làm), sức mạnh khái niệm lớn nhất của ảnh chụp là tuyên bố về tính xác thực. Nếu quyền cai trị được hỗ trợ theo một cách truyền thống bởi thứ nghệ thuật lý tưởng hóa kẻ quyền lực, thì bức ảnh gợi ra khả năng chỉ ra những khuyết điểm thực sự của những người cai trị theo đúng nghĩa đen. Vào giữa một thế kỷ cách mạng, các họa sĩ theo trường phái Hiện thực đã tìm cách điều chỉnh giá trị chân thực của nhiếp ảnh vào nghệ thuật của họ.

Honoré Daumier và nghệ thuật phê bình xã hội 

Một ảnh hưởng lớn khác đến chủ nghĩa Hiện thực là sự bùng nổ của báo chí phê bình xã hội và biếm họa vào đầu thời kỳ Quân chủ tháng Bảy (1830-48). Mặc dù triều đại độc đoán của Louis Phillippe I sẽ kết thúc bằng việc bị lật đổ, nhưng 5 năm cầm quyền đầu tiên của ông cho phép báo chí tự do hơn. Chính vào thời điểm này, Honoré Daumier bắt đầu xuất bản những bức biếm họa phê phán chế độ quân chủ, chẳng hạn như bức tranh in thạch bản Gargantua (1831), trong đó ông mô tả nhà vua như một gã khổng lồ háu ăn trong cuốn tiểu thuyết năm 1534 của François Rabelais.

Bức tranh in thạch bản Gargantua này đã được in trong tờ La Caricature ngày 15/12/1831

Bản khắc, sản phẩm mà có thể được tái sản xuất và phổ biến trên báo chí, đã cho phép Daumier lưu hành các sáng tác phê bình của mình. Mặc dù bị bỏ tù sáu tháng vì miêu tả tiêu cực về vua như Gargantua, ông vẫn tiếp tục tạo ra bức thạch bản in Hiện thực Phố Transnonain, ngày 15 tháng 4 năm 1834 (Rue Transnonain, le 15 Avril 1834) (1834), cho thấy hậu quả tàn bạo của cuộc tàn sát của tầng lớp lao động vô tội bởi chính quyền Pháp. Tác phẩm được coi là có sức mạnh và nguy hiểm đối với chế độ quân chủ, đến nỗi Louis-Philippe đã cử người đi mua càng nhiều bản sao càng tốt để tiêu hủy. Daumier tiếp tục sáng tác trong vài thập kỷ, tạo ra các tác phẩm tập trung vào xã hội như Chuyến xe hạng ba (Third-Class Carriage) (1862-64).

Gustave Courbet, cuộc cách mạng năm 1848, và nguồn gốc của Chủ nghĩa Xã hội

Khi Chế độ Quân chủ tháng Bảy sụp đổ ở Pháp vào năm 1848, mở ra nền Cộng hòa thứ hai (1848-51), nó đã trở thành một phần của làn sóng lớn hơn của cách mạng châu Âu mà đã mang lại những thay đổi xã hội trên diện rộng ở Đức, Ý, Đế quốc Áo, Hà Lan, và Ba Lan. Những sự kiện này, kết hợp với việc xuất bản cuốn Triết học của sự khốn cùng (The Philosophy of Poverty) của Pierre-Joseph Proudhon năm 1846, và Tuyên ngôn Cộng sản (Communist Manifesto) của Marx và Engels năm 1848, đã soi ánh sáng mới lên các giới hạn của xã hội, và chủ nghĩa Hiện thực đã trở thành ngôn ngữ thị giác để thể hiện chúng.

 Chân dung của Pierre-Joseph Proudhon

Một người bạn của Proudhon và cũng là người đề xướng chính của chủ nghĩa Hiện thực, Gustave Courbet, đã dẫn đầu một cuộc tấn công nhiều mặt nhằm vào quyền lực chính trị, các lề thói của giới tư sản, và các định chế nghệ thuật của Pháp. 

Việc trưng bày bức Một cuộc chôn cất ở Ornans tại Salon 1850-51 đánh dấu sự ra mắt của chủ nghĩa Hiện thực như một lực lượng quan trọng trong nền nghệ thuật châu Âu. Bức tranh đã tạo ra một vụ bê bối với mô tả thực tế của nó về một đám tang nông thôn trên quy mô truyền thống vốn dành riêng cho tranh ngụ ngôn và lịch sử. 

Bức Những người đập đá (The Stone Breakers) (1849-50), được triển lãm trong cùng năm, thể hiện hai người lao động vô danh, thuộc tầng lớp thấp tham gia lao động nặng nhọc mà không được đền bù xứng đáng. Đó là một cảnh tượng mang những liên tưởng tới chủ nghĩa Xã hội mà là khó chịu với khán giả thuộc tầng lớp trung lưu của Salon. 

Bức Những cô gái trẻ bên bờ sông Seine (Mùa hè) (Young Ladies on the Banks of the Seine (Summer)) (1856) đã gây ra một sự khích động tương tự tại Salon năm 1857, với mô tả thẳng thắn về hai cô gái điếm uể oải ngả mình trên bờ sông với trang phục xộc xệch, xúc phạm thị hiếu tư sản.

Người dịch: SAC

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa hiện thực Heirstory hiện thực Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa trường phái hiện thực

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…