Robert Henri (Phần 1)

Là “người của nhân dân”, Robert Henri đã tuyên bố “Ở đất nước này, chúng tôi không cần nghệ thuật như một loại văn hoá; không cần nghệ thuật vị thơ ca, hay bất kì thứ gì chỉ vị chính nó“. Đối với Henri nghệ thuật hiện đại Mỹ nên là “Nghệ thuật biểu đạt được tinh thần của con người thời đại ngày nay“. Trong loạt bài 3 phần, chúng ta tìm hiểu về người nghệ sĩ đã mở đường cho chủ nghĩa Hiện thực Mĩ đầy hấp dẫn của thế kỉ 20, mở đầu bằng nhóm Trường phái Ashcan danh tiếng.

  • Tôi quan tâm đến nghệ thuật như một cách sống, chứ không phải một phương tiện để kiếm sống“. 
  • “Một bố cục tốt giống như một chiếc cầu treo – mỗi nét đều thêm sức mạnh vào cấu trúc chung chứ không tước bỏ đi bất cứ điều gì“. 
  • Chiến tranh là về quyền lực của con người – sự kiểm soát của hắn đối với kẻ khác. Nghệ thuật là sự kiểm soát của con người đối với chính y. Khao khát của nghệ thuật là cho đi, còn của chiến tranh là chiếm đoạt”. 

Tóm lược về Robert Henri

Là người đứng đầu của nhóm được biết đến với tên Trường phái Ashcan, Robert Henri được ghi nhận là người mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa Hiện thực Mĩ thế kỉ 20. Nhóm Trường phái Ashcan, hay “Bộ Tám” (The Eight) (theo cách lần đầu chúng được biết đến) đã quay lưng lại với sự bình dị lãng mạn của trường phái chủ nghĩa Ấn tượng và, thay vào đó, tập trung cho hiện thực khắc khổ của cuộc sống thành thị; một phong cách mà Henri hoạch định là “nghệ thuật vị cuộc đời“. Những tác phẩm đầu tiên của Henri là tranh phong cảnh khổ nhỏ, nhưng ông lại tạo nên danh tiếng cho bản thân với tư cách hoạ sĩ chuyên vẽ tranh chân dung phi-đa cảm, với qui mô lớn hơn.

Robert Henri sinh ngày 24/06/1865 ở Ohio, mất 12/07/1929 ở New York, Mĩ. Ông hoạt động nghệ thuật từ nửa cuối thập kỉ 1880 đến khoảng 1928.

Tuy nhiên, hơn cả việc là một người hoạ sĩ, Henri đã tổ chức hai triển lãm độc lập thách thức những thường qui về cấp bậc của nghệ thuật Mĩ bằng cách bỏ qua các lựa chọn của ban hội thẩm và việc trao giải thưởng. Được kính trọng không kém với tư cách là một nhà giáo dục nghệ thuật, Henri khuyến khích quá trình tự khám phá bản thân nơi các học sinh của mình. Nhiều trong số đó gia nhập hàng ngũ những nghệ sĩ quan trọng nhất của nước Mĩ thế kỉ XX. Những triết lí về nghệ thuật của ông được xuất bản trong cuốn sách The Art Spirit (Tinh thần Nghệ thuật) (1923), một cuốn sách vẫn tạo ảnh hưởng đến các nghệ sĩ tới tận ngày nay. 

Các thành tựu chính

  • Trước Henri, chủ nghĩa Hiện đại Mĩ được những người như Mary Cassatt và William Merritt Chase đại diện, với bảng màu sáng của họ và phong cách en plein air (vẽ ngoài trời) giúp họ nắm trong tay ngọn đuốc của chủ nghĩa Ấn tượng Mĩ. Là một nghệ sĩ được thúc đẩy bởi việc tái hiện các vấn đề xã hội phù hợp hơn (và cấp thiết hơn), Henri đã mang niềm cảm hứng đến cho một nhóm họa sĩ đương thời – Bộ Tám và/hoặc Trường phái Ashcan – với đề tài chủ yếu tập trung vào hiện thực của đời sống đường phố thành thị. 
  • Nét cọ lỏng tay của Henri bắt chước phong cách biểu đạt của những người theo trường phái Ấn tượng tiền nhiệm. Nhưng dưới tay Henri, sự tươi vui, vốn được kết nối với Ấn tượng, dịu đi qua bảng màu trầm hơn, nhã nhặn hơn. Thực vậy, nó là một phong cách mà, khi được nhóm Ashcan đem vào những khu phố của New York, rồi sẽ chuyển hoá thành chủ nghĩa Hiện thực Thành thị Mỹ. 
  • Danh tiếng của Henri trong tư cách nghệ sĩ dựa trên một loạt tranh chân dung và tranh tượng hình, áp dụng cách tiếp cận thẳng thừng đối với những người mẫu “tầm thường”. Cách tiếp cận của ông với tranh chân dung là cách tiếp cận dân chủ, trong đó ông chọn những người mẫu từ đa dạng chủng tộc và các tầng lớp xã hội khác nhau. Khi trưởng thành với tư cách là một người nghệ sĩ, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lí thuyết màu sắc của Hardesty Maratta và tiếp nhận ý tưởng rằng màu sắc nên được hoà trộn như những hợp âm trong âm nhạc để đạt đến hiệu ứng hình ảnh phù hợp nhất. 
  • Henri là một nhân vật chủ chốt trong sự trỗi dậy của triển lãm nghệ thuật độc lập tại Mĩ. Là một người phản đối gay gắt những trưng bày của Viện hàn lâm, ông tuyên bố – “việc trao giải thưởng là một nỗ lực để kiểm soát vận mệnh tác phẩm của một người [vì] chẳng đặt ra được cách nào để đo giá trị của tác phẩm nghệ thuật” – Henri đóng một vai trò then chốt trong việc tổ chức Triển lãm Những nghệ sĩ độc lập năm 1910 (Exhibition of Independent Artists). Triển lãm này đã tạo ra tiền đề cho triển lãm đột phá Armory năm 1913. 

Tiểu sử của Robert Henri

Tuổi thơ và nền tảng giáo dục

Sẽ là nói giảm nói tránh khi tuyên bố rằng Henri, tên khai sinh là Robert Henry Cozad, đã có một sự giáo dục khác thường. Cha của ông, John Cozard, có mối quan hệ họ hàng xa với nghệ sĩ người Mỹ Mary Cassatt, là một nhà phát triển bất động sản, một tay đánh bạc chuyên nghiệp, và là người đã lên kế hoạch xây dựng thị trấn mới gần Cincinnati mà ông đặt tên là Cozaddale. Cuối cùng, thị trấn bị bỏ hoang do gặp những khó khăn tài chính và cha của Henri đã chuyển gia đình đến Nebraska, nơi vào năm 1873, ông thành lập thị trấn Cozad. Chính tại đây mà Henri, lúc này là một thiếu niên, đã có được những trải nghiệm thực tế về làm nghệ thuật khi giúp cha mình viết và minh hoạ các bài báo cho tờ báo của thị trấn mới.

Tranh vẽ của Robert Henri về ngôi nhà và khách sạn của gia đình (nay đã trở thành bảo tàng) ở Cozad

Khi nhà của Henri bị thiêu rụi trong một cuộc tấn công đốt phá, gia đình, bao gồm mẹ của Henri là Theresa, và anh trai của ông, Johnny, đã chuyển đến Denver. Bi kịch tiếp diễn vào năm 1882 khi cha của Henri trở lại Cozaddale để công tác và bị lôi vào cuộc tranh giành đất đai với một chủ trang trại tên là Alfred Pearson, người mà ông đã vô tình bắn chết. John Cozard, bị truy tố tội ngộ sát, lo sợ mình sẽ bị bắt và đưa ra xét xử, đã chuyển gia đình từ Denver đến thành phố Atlantic (qua New York) và thanh đổi danh tính. Danh tính này được giữ lại ngay cả sau khi John được bang Nebraska xoá bỏ mọi cáo buộc. Phát âm là “hen rye”, Robert trở thành Robert Earl Henri; anh trai của ông, Frank Southern Henri. Trước công chúng, cả hai cậu bé xuất hiện dưới danh nghĩa là con nuôi của cha mẹ họ. 

Những đào tạo ban đầu

Sau khi định cư ở thành phố Atlantic, Henri bắt đầu tập trung vào việc vẽ của mình. Sự nghiệp như một người nghệ sĩ của ông bước những bước chập chững đầu tiên khi, vào đông năm 1885, người giao sữa của gia đình, vốn cũng là một cự sinh viên nghệ thuật, đã nhìn thấy những bức vẽ của Henri treo trên tường và, nhận ra tài năng bẩm sinh của ông, đã giới thiệu ông tham gia các lớp học nghệ thuật chính thức. Vào mùa thu năm 1886, Henri đăng ký học tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania (PAFA), nơi ông phát triển mạnh mẽ dưới sự hướng dẫn của người thầy Thomas Anshutz, người đặc biệt quan tâm đến giải phẫu học.

Henri đã vẽ bức chân dung này của người thầy và cũng là người cố vấn đầu tiên của ông, Thomas Anshutz, vào năm 1906.

Năm 1888 Henri tới Paris, nơi ông nhập học tại Học viện Julian (Académie Julian). Ông nhận sự đào tạo của các hoạ sĩ hàn lâm Adolphe-William Bouguereau và Tony Robert-Fleury, nhưng ông trở nên càng ngày càng say mê với kĩ thuật của trường phái Ấn tượng, đặc biệt là tranh của Claude Monet. Henri đặc biệt chú ý đến việc ưa chuộng vẽ ngoài trời của nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng và nhanh chóng áp dụng phương pháp này vào nghệ thuật của riêng mình. Tuy nhiên, mục đích chính của ông trong thời gian này là trở thành sinh viên của trường Mĩ thuật (École des Beaux-Arts) danh giá mà ông đã đạt được (ở lần thi thứ hai), sau những chuyến du ngoạn vẽ tranh ngắn hạn đến Brittany, Barbizon, và Venice, suốt mùa xuân năm 1891. Tuy nhiên, ông nhận thấy chương trình Mĩ thuật ngột ngạt và quyết định trở về nước vào tháng 9 năm đó. 

Sáng sớm, Venice (Early Morning, Venice) (1891) của Robert Henri

Thời kì trưởng thành

Khi trở lại Mĩ, Henri định cư ở Philadelphia, nơi ông lại đăng kí tham gia các lớp học tại Học viện Mĩ thuật Pennsylvania (Pennsylvania Academy of the Fine Arts – PAFA). Ông theo học nghệ sĩ Ấn tượng Robert William Vonnoh và bắt đầu gửi tranh tới triển lãm hàng năm của trường. Henri đảm nhận vị trí giảng dạy đầu tiên vào tháng 5 năm 1892 tại Trường Thiết kế dành cho Phụ nữ (nơi ông dạy các lớp vẽ khô và sáng tác cho đến năm 1895). Theo tác giả Bennard Perlman, “việc giảng dạy đã là một phần thưởng dành cho ông ngay từ đầu, và ngay sau buổi đứng lớp đầu tiên, ông thông báo với cha mẹ rằng ông đã ‘thành công đáng kể’ với học sinh của mình.” Trong khi vẫn tham gia các lớp học tại PAFA, ông đã làm quen với một nhóm gồm bốn hoạ sĩ minh hoạ – William Glackens, George Luks, Everett Shinn, và John Sloan – làm việc cho tờ báo Philadelphia Press. Năm người đàn ông gặp nhau tại xưởng vẽ của Henri, nơi họ cùng nhau vẽ tranh và thảo luận về triết học và phê bình nghệ thuật. Họ tự gọi mình là Câu lạc bộ Chì than (Charcoal Club). Đến lúc này, Henri đã bắt đầu nổi dậy chống lại những gì ông xem là những chủ đề đa cảm uỷ mị đang thống trị nghệ thuật Mĩ. Ông khẩn cầu những người bạn và đồng nghiệp mới của mình giải phóng bản thân khỏi những phong cách thống trị của châu Âu và chuyển sang những chủ đề Mĩ dựa trên kinh nghiệm của cuộc sống đương đại Mĩ. Cuối cùng, ông ủng hộ sự sáng tạo cá nhân hơn bất kì cách tiếp cận chính thức nào được qui định. Ngay cả sau khi Câu lạc bộ Chì than tan rã, Henri vẫn thiết lập thói quen tổ chức các buổi họp mặt vào tối thứ Ba tại xưởng vẽ của mình, nơi cũng trở thành không gian gặp gỡ/luyện tập cho một đoàn kịch nghiệp dư.

Thiếu phụ ngồi trước biển (Girl Seated by the Sea) (1893) của Robert Henri

Năm 1895, Henri bắt đầu chuyến đi kéo dài hai năm tới châu Âu, nơi ông sáng tạo nghệ thuật và giảng dạy cho sinh viên Mỹ; đánh dấu sự khởi đầu của một mô hình đi lại giữa trong và ngoài nước được duy trì suốt cuộc đời ông. Chính trong chuyến lưu diễn này, ông đã say mê nghệ thuật của Frans Hals và Édouard Manet. Ảnh hưởng của họ đã khiến ông tiếp cận và áp dụng một bảng màu tối hơn và bắt đầu từ bỏ phong cách Ấn tượng nhẹ nhàng hơn, bình dị hơn.

Khi trở lại Philadelphia, Henri gặp và yêu một sinh viên, Linda Craige, người đã đăng kí học một trong những lớp nghệ thuật tư của ông. Cặp đôi kết hôn vào sáu tháng sau (ngày 2 tháng 6 năm 1898) và chuyển đến Paris, nơi họ sống khoảng hơn một năm. Henri đã vẽ nhiều cảnh thành phố Paris và cuộc sống châu Âu, và vô cùng vui mừng khi một trong những bức vẽ của ông, Tuyết (La Neige) được mua cho Bảo tàng Quốc gia Luxembourg. Đáng buồn là, hạnh phúc của cặp đôi tan vỡ khi Linda bị sảy thai. Bi kịch cá nhân là nguyên nhân khiến sức khoẻ của vợ ông ngày càng sa sút. 

Bức Tuyết (1899) của Henri. Hiện đang nằm ở bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Vào mùa hè năm 1900, cặp đôi chuyển đến thành phố New York, nơi Henri bắt đầu vẽ cảnh từ cửa sổ xưởng vẽ của mình. Sau khi thiết lập lại mối liên hệ với nhóm bạn bè của mình (nhiều người trong số họ cũng đang sống ở New York lúc đó) bao gồm Glackens, Luks, Shinn, và Sloan, ông đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm nhóm lại Phòng trưng bày Allan. Nhóm đã miêu tả những khung cảnh gan góc, trần trụi cả thành phố thường ngày. Đó là một phong cách được gọi là chủ nghĩa Hiện thực Đô thị và sau đó mang lại cho họ danh hiệu Trường phái Ashcan. (Như nhà sử học Barbara H. Weinberg ghi lại, “Thuật ngữ Trường phái Ashcan được gợi ý từ một bức vẽ của [George] Bellows với chú thích ghi ‘Sự thất vọng của cái thùng rác’ (ash can – thùng rác hoặc thùng tro), xuất hiện trên tờ Philadelphia Record vào tháng tư năm 1915; được hoạ sĩ truyện tranh Art Young viện dẫn để chê bai bài phê bình xuất hiện trên tờ New York Sun vào tháng tư năm 1916; và được Holger Cahill và Alfred H. Bar Jr. đưa vào một cuộc triển lãm năm 1934 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York”.)

Những thành viên của trường phái Ashcan và bè bạn ở xưởng của John Sloan tại Philadephia, 1898

Mặc dù chưa bao giờ được tổ chức thành một nhóm chính thức nhưng chính Henri là người đã đặt mục tiêu thu hút những nghệ sĩ trẻ khác đi theo phong cách “Ashcan”. “Tân binh” đáng chú ý nhất của ông là George Bellows, từng là học trò của Henri tại Trường Nghệ thuật New York (nơi Henri giảng dạy từ năm 1902). Từ hồi ức được trích dẫn từ bài học đầu tiên với Henri, Bellows nói, “cuộc đời tôi bắt đầu từ thời điểm này”.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Khánh Nguyên dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

hội họa Hương Mi Lê Lê Hương Mi Robert Henri Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Là những phong cảnh đường phố bình dị, các bức tranh của Onyamamoto gợi lên sự bình yên sống động. Không tĩnh lặng nhưng cũng chẳng ồn ào, dường như…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…