Mary Cassatt (Phần 1)

Trong loạt bài hai phần, chúng ta tìm hiểu về Mary Cassatt – một nghệ sĩ Hiện đại thời đầu quan trọng, một người tiên phong xây dựng sự nghiệp như một hoạ sĩ nữ nghiêm túc, chuyên nghiệp, và thành danh, cũng như là cây cầu nối quan trọng giữa hai trào lưu Ấn tượng Pháp và Ấn tượng Mĩ.

  • Tôi đã nhận ra ai là những người thầy thực thụ của tôi. Tôi ngưỡng mộ Manet, Courbet, và Degas. Tôi ghét nghệ thuật theo cách thông thường – tôi bắt đầu được sống.” – Mary Cassatt
  • Tôi độc lập! Tôi có thể sống một mình và tôi yêu lao động.” – Mary Cassatt
  • Tốt nhất là cũng không nên có một sự ngưỡng mộ quá lớn với tác phẩm của thầy bạn. Bạn sẽ bớt gặp nguy hiểm là bắt chước ông ấy.” – Mary Cassatt

Tóm lược về Mary Cassatt

Marry Cassatt, là một nữ họa sĩ người Mĩ, sinh ngày 22 tháng 5 năm 1844 tại thành phố Allegheny, Pennsylvania, Hoa Kì, mất ngày 14 tháng 6 năm 1926 tại Mesnil-Theribus, Oise, Pháp. Bạn hoạt động nghệ thuật từ khoảng giữa thập kỉ 1870 cho tới khi qua đời.

Mary Cassatt sinh ra ở Mĩ, đến Pháp để nhận đào tạo nghệ thuật và ở lại đó trong phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của mình. Ở đây, bà được những người cùng thời như Edgar Degas công nhận tài năng, và trở thành nghệ sĩ người Mĩ duy nhất triển lãm với những người theo trường phái Ấn tượng ở Paris. Đề tài đặc trưng của bà là chân dung phụ nữ và chân dung của những người mẹ và những đứa trẻ được bắt trọn trong các khoảnh khắc thường nhật. Bà là một nghệ sĩ Hiện đại khác biệt trong cả phong cách và cách gợi mở sâu sắc về đời sống nội tâm của phụ nữ vào cuối thế kỉ 19.

Thành tựu

  • Tác phẩm của Cassatt kết hợp bảng màu tươi sáng và cọ pháp lỏng tay của trường phái Ấn tượng với các tác phẩm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Nhật Bản cũng như của các Bậc thầy Cổ điển châu Âu, và bà đã sáng tác trên nhiều phương tiện trong suốt sự nghiệp của mình. Sự linh hoạt này đã giúp tạo nên thành công trong sự nghiệp của bà vào thời điểm mà rất ít phụ nữ được nhìn nhận là nghệ sĩ một cách nghiêm túc.
Trà (Le Thé) (1879-80) của Marry Cassatt
  • Nghệ thuật của Cassatt mang đặc trưng là mô tả bối cảnh trong nhà, thế giới mà thường hạn chế bản thân bà (với tư cách là một người phụ nữ đáng kính) trong đó, thay vì những không gian công cộng nơi những người đàn ông cùng thời được tự do trú ngụ. Về bản chất, chất liệu của bà đôi khi bị coi là “nữ tính”, nhưng hầu hết các nhà phê bình đều thừa nhận rằng bà đã mang đến kỹ năng kỹ thuật đáng kể và cái nhìn sâu sắc về tâm lí cho đề tài và chủ thể của mình.
  • Thông qua sự nhạy bén trong kinh doanh cũng như tình bạn và mối quan hệ nghề nghiệp với các nghệ sĩ, nhà buôn nghệ thuật, và nhà sưu tập ở cả hai bờ Đại Tây Dương, Cassatt đã trở thành nhân vật chủ chốt trong thế giới nghệ thuật ở thời điểm chuyển giao thế kỷ và giúp thiết lập phẩm vị nghệ thuật Ấn tượng ở quê hương Hoa Kì.

Tiểu sử của Mary Cassatt

Tuổi thơ và Giáo dục

Mary Stevenson Cassatt sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng trung lưu thoải mái: cha là một nhà môi giới chứng khoán thành công và mẹ bà đến từ một dòng họ làm ngân hàng giàu có. Gia đình Cassatt sống ở Pháp và Đức từ năm 1851 đến năm 1855, giúp cô bé Mary sớm được tiếp xúc với nghệ thuật và văn hóa châu Âu. Bà cũng học tiếng Pháp và tiếng Đức khi còn nhỏ; những kĩ năng ngôn ngữ này sẽ giúp rất nhiều trong sự nghiệp sau này ở nước ngoài. Người ta biết rất ít về thời thơ ấu của bà, nhưng có thể Cassatt đã đến thăm Hội chợ Thế giới Paris năm 1855, nơi bà được chiêm ngưỡng nghệ thuật của Gustave Courbet, Jean-Baptiste-Camille Corot, Eugène Delacroix và Jean-Auguste-Dominique Ingres, bên cạnh các bậc thầy người Pháp khác.

Tuổi thơ trong một khu vườn (Childhood in a Garden) (1910) của Marry Cassatt

Năm 1860, ở tuổi 16, Cassatt bắt đầu chương trình học kéo dài hai năm tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania. Năm 1865, bà xin cha mẹ cho tiếp tục học nghệ thuật ở nước ngoài. Bất chấp những nghi ngờ ban đầu, họ đã đồng ý, và bà chuyển đến Paris và học với Jean-Léon Gérôme. Sau một thời gian ngắn trở lại Hoa Kì trong khoảng năm 1870 đến năm 1871, khoảng thời gian mà đã khiến bà cảm thấy thất vọng vì thiếu nguồn lực và cơ hội nghệ thuật, bà lại lên đường đến Paris. Vào đầu những năm 1870, bà cũng đến Tây Ban Nha, Ý, và Hà Lan, nơi bà làm quen với tác phẩm của những nghệ sĩ như Diego Velázquez, Peter Paul Rubens và Antonio da Correggio.

Thời kỳ trưởng thành

Vào năm 1874, Cassatt đã tự mình thành lập một xưởng nghệ thuật ở Paris. Ba năm sau, cha mẹ và chị gái Lydia của bà cũng chuyển đến Pháp. Cả gia đình thường xuyên làm người mẫu cho tác phẩm của bà trong khoảng cuối những năm 1870 và 1880, bao gồm nhiều hình ảnh của những người phụ nữ đương thời tại nhà hát, trong vườn và phòng khách. Là một người luôn chuyên tâm và tự chủ, giờ đây Cassatt có cơ hội tập trung vào nghệ thuật của mình tại một thành phố mà sau này bà miêu tả là nơi “phụ nữ không phải đấu tranh để được công nhận nếu họ làm việc nghiêm túc.

Chân dung Marry Cassatt do Edgar Degas vẽ (1880-1884)

Cassatt có một bức tranh được nhận và ca tụng tại Salon vào năm 1872, và bà đã trưng bày tác phẩm của mình tại đây trong một vài năm sau. Tuy nhiên, khi một trong những tác phẩm dự tuyển của bà bị Salon từ chối vào năm 1875 và tất cả các tác phẩm dự tuyển năm 1877 đều không được chấp nhận, Cassatt trở nên chán nản với chính trị và thị hiếu truyền thống của giới nghệ thuật chính thống ở Paris. Khi nghệ sĩ Edgar Degas mời bà tham gia nhóm các nghệ sĩ độc lập được gọi là những nhà Ấn tượng chủ nghĩa vào năm 1877, bà đã rất vui mừng. Bà vốn là một người ngưỡng mộ nghệ thuật của Degas, và nhanh chóng trở thành bạn thân của ông; hai người thường xuyên làm việc cùng nhau, động viên và bảo ban nhau. Bà cũng giao du với các nghệ sĩ đồng nghiệp khác trong nhóm thân thiết này. Chẳng hạn, Camille Pissarro, là một thành viên lớn tuổi trong nhóm, như một người thầy, người hướng dẫn cho Cassatt. Berthe Morisot là một nữ nghệ sĩ khác đã trưng bày với những người theo trường phái Ấn tượng; bà là người cùng thời gần gũi với Cassatt, và chia sẻ sự tập trung của Cassatt với các cảnh trong nhà.

Hai người phụ nữ ném hoa (Two women throwing flowers) (1872), một trong những tác phẩm tại Salon 1872 của Mary Cassatt

Cassatt đã trưng bày tác phẩm của mình với những người theo trường phái Ấn tượng ở Paris từ năm 1879 trở đi, và vào năm 1886, tác phẩm của bà được đưa vào triển lãm lớn đầu tiên về nghệ thuật của trường phái Ấn tượng ở Hoa Kì, được tổ chức tại phòng trưng bày Durand-Ruel New York. Bà tiếp tục chuyên tâm sáng tác về những cảnh phụ nữ trong không gian nội thất gia đình, với điểm nhấn của trào lưu Ấn tượng là những khoảnh khắc được ghi lại nhanh chóng của cuộc sống đương đại, đồng thời bà mở rộng kỹ thuật của mình từ tranh sơn dầu và phác thảo sang phấn màu và tranh in. Nghệ thuật Nhật Bản đã rất nổi tiếng ở Paris kể từ khi được giới thiệu tại Triển lãm Thế giới (Exposition Universelle) năm 1878, và Cassatt (giống như nhiều người theo trường phái Ấn tượng khác) đã kết hợp các biểu hiện thị giác của nghệ thuật Nhật Bản vào tác phẩm của chính mình. Bà cũng chia sẻ với những người theo trường phái Ấn tượng niềm tin chung rằng nghệ thuật hàn lâm đã lỗi thời và cam kết khám phá những phương tiện mới mẻ để miêu tả cuộc sống hiện đại hàng ngày.

Người phụ nữ tắm (Woman Bathing) (1890-91) của Marry Cassatt. In khắc nguội và in aquatint có màu trên giấy laid

Tới những năm 1880, Cassatt đặc biệt nổi tiếng với những miêu tả nhạy cảm về người mẹ và trẻ em. Những tác phẩm này, giống như tất cả các bức chân dung phụ nữ của bà, có thể đã đạt được thành công phổ biến như vậy vì một lí do cụ thể: chúng đáp ứng nhu cầu xã hội là lí tưởng hóa vai trò nội trợ của phụ nữ vào thời điểm mà trên thực tế, nhiều phụ nữ bắt đầu quan tâm đến quyền bầu cử, cải cách trang phục, giáo dục bậc cao, và bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, những miêu tả của Cassatt về những người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng trung lưu và thượng lưu của bà không bao giờ đơn giản; chúng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa đằng sau nét vẽ bay bổng và màu sắc tươi mới theo kĩ thuật của trường phái Ấn tượng. Bản thân Cassatt chưa bao giờ kết hôn hay sinh con, thay vào đó, bà chọn cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghệ thuật. Bà chia sẻ và ngưỡng mộ thái độ cấp tiến của Bertha Honore Palmer, một nữ doanh nhân và nhà từ thiện đã mời Cassatt vẽ một bức tranh tường cho Triển lãm Thế giới Columbia năm 1893 và người cảm thấy rằng “phụ nữ nên là một ai đó chứ không phải một thứ gì đó.

Chân dung bà Palmer do Zorn Anders vẽ. Bà là nhà bảo trợ và nhà sưu tập rất lớn của nghệ thuật Ấn tượng, người mang tác phẩm của trào lưu này tới Chicago

Thời kỳ cuối đời

Sau năm 1900, Cassatt phải chịu đựng việc suy giảm sức khỏe và thị lực. Tuy nhiên, bà vẫn duy trì tình bạn thân thiết với các nghệ sĩ khác và những nhân vật quan trọng trong giới nghệ thuật Pháp, từ Pierre-Auguste Renoir đến các nhà sưu tập người Mĩ Harry và Lousine Havemeyer. Mặc dù tình bạn giữa bà và Degas bị rạn nứt trong vụ Dreyfus khét tiếng vào cuối những năm 1890 (Cassatt, giống như Pissarro và Monet, ủng hộ Dreyfus, trong khi Degas đứng về phía chống lại Dreyfus), sau đó đã được cải thiện. Năm 1904, Cassatt được chính phủ Pháp công nhận vì những đóng góp văn hóa của mình và trao tặng cho bà huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh (Chevalier of the Legion d’honneur). Lần cuối bà đến thăm Hoa Kì là vào năm 1908. Vào thời điểm này, bà chịu một số mất mát cá nhân; người chị yêu quí của bà, Lydia, qua đời sau một thời gian dài lâm bệnh vào năm 1882, và anh trai bà là Alexander, chủ tịch Công ty Đường sắt Pennsylvania, qua đời năm 1906.

Marry Cassat về cuối đời

Đến năm 1914, do thị lực ngày càng tệ đi, Cassatt không thể làm việc được nữa, mặc dù bà vẫn tiếp tục triển lãm các tác nghệ thuật của mình. Bà chủ yếu sống ở Grasse trong Thế chiến I trước khi trở về quê nhà, một lâu đài nằm ở Le Mesnil-Theribus, cách Paris 50 dặm (khoảng 80.5km) về phía tây bắc. Cassatt qua đời vào ngày 14 tháng 6 năm 1926.

Nguyên bản tiếng Anh do Những người cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, hiệu đính và đăng tải. Tố Uyên dịch sang tiếng Việt và minh hoạ. Hương Mi Lê hiệu đính và viết lời đề tựa

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi mary cassatt Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…