James Whistler (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về James Whistler, chúng ta sẽ tìm hiểu phần còn lại về thời kỳ trưởng thành, giai đoạn cuối sự nghiệp, và các tác phẩm nổi bật đầu tiên của ông bao gồm Giao hưởng tông trắng, số 1: Cô gái bận đồ trắng Hoà âm tông lam và bạc: Trouville.

Tiểu sử của James Whistler (tiếp)

Thời kỳ trưởng thành (tiếp)

Whistler biết đến trường phái Ấn tượng nhờ các nghệ sĩ đồng nghiệp Claude Monet và Camille Pissaro, những người đã tạm thời chuyển đến London vào năm 1870 để tránh Chiến tranh Pháp – Phổ. Trong những năm tháng ấy, Whistler đã tạo ra những bức “dạ khúc” của mình bằng cách dùng các lớp sơn mỏng được vẩy thêm những chấm màu sáng để mô tả ánh đèn hoặc con tàu ở xa. Các nguyên tắc thẩm mỹ của Nhật Bản, chẳng hạn như hình dạng được đơn giản hóa và các đường nét biểu cảm, thể hiện rõ trong những bức tranh này. Chúng là một mặc khải cho các nghệ sĩ trường phải Thẩm mỹ người Anh bấy giờ còn xa lạ với tranh in mộc bản ukiyo-e và đồ sứ châu Á do Whistler và những đồng nghiệp người Pháp của ông sưu tầm. Tương tự như những bức chân dung của ông và nhất quán với các nguyên tắc của Ấn tượng Pháp, loạt “dạ khúc” của Whistler cũng cho thấy mối bận tâm mang tính chủ nghĩa Hiện đại với việc tạo ra một hiệu ứng tổng thể bỏ qua các chi tiết cụ thể và miêu tả chính xác. Trên thực tế, Edgar Degas đã từng mời Whistler tham gia triển lãm đầu tiên của nhóm trường phái Ấn tượng vào năm 1874, nhưng Whistler từ chối.

Dạ khúc: Lam và Bạc – Chelsea (Nocturne: Blue and Silver – Chelsea)

Dù Whistler vẽ những bức “dạ khúc” cảnh biển trong suốt 10 năm tiếp sau đó, khả năng vẽ chân dung của ông vẫn không hề suy giảm. Chính trong thời kỳ này, ông đã sáng tác tác phẩm nổi tiếng nhất của mình – một bức chân dung mẹ ông có tựa đề Biên khúc tông Xám và Đen (Arrangement in Gray and Black) hay Chân dung người mẹ của nghệ sĩ (Portrait of the Artist’s Mother) (1871). Tác phẩm đã mang lại cho ông thành công rực rỡ, nhưng chuyến thăm của mẹ ông vào năm 1864 đã tạo ra một bước ngoặt hệ trọng trong cuộc sống vô ưu của ông ở London. Khi biết mẹ muốn ở lại sống cùng mình, chàng trai 29 tuổi Whistler buộc phải sắp xếp lại cuộc sống cá nhân, bao gồm cả việc đưa người tình lúc bấy giờ là Joanna Hiffernan ra khỏi nhà mình và chuyển đến một căn hộ.

Whistler không chỉ là một nghệ sĩ nổi tiếng, ông còn nổi danh với tính hóm hỉnh và có chính kiến. Ông đã từng đánh bại Oscar Wilde tại một bữa tiệc bằng cách kêu gọi sự chú ý vào thói quen của nhà văn này trong việc xào xáo lại những câu thông minh của người khác (bao gồm của chính Whistler). Tuy nhiên, người nghệ sĩ cũng chịu đựng nhiều vì tính khí thất thường và nóng nảy của mình, những thói tật đã khiến ông phải vật lộn từ nhỏ. Quả thực, chính sự tức giận và ghen tuông đã khiến mối quan hệ của Whistler với người tình Joanna Hiffernan tan vỡ sau khi cô làm mẫu khỏa thân cho bạn của ông là nghệ sĩ Hiện thực Gustave Courbet.

Người đàn bà và con vẹt (Woman with a Parrot) (1866) – một trong những bức tranh Gustave Courbet có Joanna Hiffernan làm mẫu (khoả thân)

Tính cách thích kiểm soát của Whistler đôi khi gây nên ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp họa sĩ của ông. Thiết kế Hòa âm tông lam và vàng kim: Phòng con công hiện được tôn vinh là ví dụ điển hình nhất của Whistler trong sự kết hợp nghệ thuật Anh – Nhật và cũng là đóng góp quan trọng nhất cho thiết kế nội thất phong cách Thẩm mỹ. Tuy nhiên, nó cũng đã gây ra sự bất hòa rất lớn giữa nghệ sĩ và người bảo trợ của ông Frederick Leyland. Whistler là một nhà sưu tập đầy đam mê với tranh in và đồ sứ của Nhật Bản. Vì vậy, khi Leyland đề nghị ông thực hiện một số thay đổi nhỏ cho phòng ăn được thiết kế để trưng bày bộ sưu tập đồ sứ của chính Whistler, ông đã háo hức nhận lời. Tuy nhiên, các sửa đổi của nghệ sĩ đã được chứng minh là nhiều hơn dự kiến ban đầu và một tranh chấp về khoản bồi thường đã xảy ra sau đó.

Khu vực trưng bày những món đồ sành sứ châu Á ở trong Hòa âm tông lam và vàng kim: Phòng con công (Harmony in Blue and Gold: The Peacock Room) (1876 – 1877)

Whistler cũng tranh luận với các nhà phê bình nghệ thuật. Trong khi giải thích cách tiếp cận cá nhân với hội họa, ông đã phát triển giả thuyết nghệ thuật của riêng mình mà ông mô tả vào năm 1873 là “khoa học về màu sắc và ‘hoa văn hình ảnh’.” Tức giận trước một điều ông cho là một cú tấn công vào bức Dạ khúc tông đen và vàng kim: Pháo hoa rơi (Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket) (1874), dưới dạng một bài đánh giá tồi của John Ruskin, Whistler đã kiện nhà phê bình nghệ thuật vì tội phỉ báng. Mặc dù thắng vụ kiện, phần bồi thường do thẩm phán quyết định chỉ là một đồng fađinh, tương đương với một đồng xu penny, phần nào cho thấy tuyên bố mạnh mẽ về giá trị mà tòa án đặt ra cho vụ việc. Ngược lại, Whistler phải trả án phí đắt đỏ khiến ông đi đến cảnh phá sản.

Giai đoạn cuối

Năm 1879, Whistler vì vỡ nợ mà buộc phải rời khỏi ngôi nhà ở London của mình. Ông cùng tình nhân mới là Maud Franklin tới Venice, nơi ông nhận một đơn đặt hàng một loạt tranh in khắc từ Hiệp hội Mỹ thuật. Trong thời gian lưu trú mười bốn tháng, Whistler cũng đã sáng tác nhiều tranh màu nước và phấn màu cùng với hơn năm mươi tranh in khắc cảnh ở Venice. Các bức tranh in khắc thành phố Ý này của ông đã được đón nhận nồng nhiệt khi được trưng bày ở London vào năm 1880 và 1883, nhu cầu với tranh phấn màu của ông đồng thời cũng được tăng lên.

Một trong các bức tranh in cảnh Venice của Whistler

Trong những năm cuối đời, ông tiếp tục vẽ chân dung, thử nghiệm với nhiếp ảnh màu và in thạch bản, đồng thời xuất bản hai cuốn sách; Ten O’clock Lecture (Bài giảng lúc mười giờ) (1885) và The Gentle Art of Making Enemies (Nghệ thuật ôn hòa của việc tạo ra kẻ thù) (1892). Nhận thức được hình tượng của mình trước công chúng, Whistler đã làm việc chăm chỉ để xây dựng hình ảnh một nghệ sĩ thành công. Ông thường xuất hiện với chiếc kính một mắt, tay chống gậy tre, có một lọn tóc duy nhất màu trắng trên nền mái tóc nâu, một điểm khác biệt mà bạn bè ông cho là bắt nguồn từ “sự tinh quái” của ông. Luôn thích kiểm soát, ông còn nổi tiếng với việc khuyên phụ nữ nên mặc gì khi đến các cuộc triển lãm của ông để trang phục của họ hợp với màu sắc trong các tác phẩm của ông. Cho đến thập niên 1890, Whistler cũng đã tạo ra chữ ký độc đáo cho riêng mình: một chú bướm được tạo nên từ những ký tự viết tắt tên ông có đuôi là một cái vòi châm – có lẽ là để ám chỉ đến cách xử lí tinh tế và ngôn từ sắc bén của ông.

Quá trình tạo hình chữ kí của James (Abbot) McNeil Whistler

Năm 1888, Whistler kết hôn Beatrix Godwin, người bạn và người học trò cũ của ông. Bà là một người phụ nữ danh tiếng, với các mối quan hệ đã giúp chồng của mình kiếm được đơn đặt hàng hơn. Cuối cùng, hai vợ chồng đã chuyển đến Paris, nơi Whistler thành lập một xưởng vẽ và có một thời gian làm việc hiệu quả trước khi suy sập vì vợ mất do bệnh ung thư vào năm 1896. Sau đó, Whistler đã thành lập một trường nghệ thuật nhưng không thể quản lý được vì sức khỏe yếu. Ngôi trường đóng cửa vào năm 1901, chỉ hai năm trước khi Whistler qua đời vào năm 1903.

Di sản của James Abbott McNeill Whistler

Cũng như Courbet, Whistler đã tạo ra một con người nghệ thuật và kiên quyết bảo vệ tác phẩm của mình theo cái cách có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ sau này trong việc thách thức các cơ quan có thẩm quyền về nghệ thuật. Mặc dù phong cách hội họa của ông quá cấp tiến với nhiều người thời Victoria, vào thời điểm ông qua đời, họa sĩ đã được ghi nhận là người đã mang hội họa hiện đại của Pháp đến Anh, như được miêu tả trong tờ Daily Chronicle của London: “Đã 25 năm kể từ vụ kiện nổi tiếng, ‘ Whistler đối đầu Ruskin,’ được xét xử. Trong lịch sử nghệ thuật, có lẽ đã hai trăm năm kể từ khi quan điểm của các nhà phê bình và công chúng lại thay đổi hoàn toàn, và thiên tài lỗi lạc mà Ruskin gọi là ‘kẻ tự phụ ngu ngốc’ đã hoàn toàn được minh oan.

Vượt ra ngoài trường phái Ấn tượng Anh quốc, tác phẩm của Whistler đem lại ảnh hưởng rõ ràng nhất trong các tác phẩm của những người Mỹ cùng thời và các thế hệ nghệ sĩ hiện đại sau này. John Singer Sargent, Henry Ossawa Tanner và Albert Herter nằm trong số những họa sĩ người Mỹ ngưỡng mộ và thi thoảng bắt chước cách Whistler tiếp cận với màu sắc và thậm chí cả cách ông sắp xếp hình dạng trong tranh. Loạt tác phẩm Dạ khúc của nghệ sĩ đánh dấu sự khởi đầu của phong trào nghệ thuật hướng tới trừu tượng hoá, mà đỉnh cao là hội hoạ Hành động mang tính cử chỉ của những người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng như Jackson Pollock và Mark Rothko. Bằng cách liên tưởng cũng như đặt tiêu đề cho các tác phẩm của mình bằng các thuật ngữ âm nhạc trừu tượng, Whistler đã dẫn đầu một cách tiếp cận hiện đại, mới đối với hội họa, trong đó chính phương tiện là đối tượng đề tài chính chứ không phải người mẫu hay phong cảnh được vẽ.

Mục tử nhân lành (The Good Shepherd) (1902-03) của John Singer Sargent

Các tác phẩm tiêu biểu của James Whistler

1862: Giao hưởng tông trắng, số 1: Cô gái bận đồ trắng (Symphony in White, No. 1: The White Girl)

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington DC, Mỹ

Ban đầu tác phẩm có tựa đề là Cô gái bận đồ trắng, mô tả người tình của Whistler, Joanna Hiffernan, với mái tóc đỏ dài bồng bềnh trong chiếc váy lanh màu trắng đơn giản. Cô đứng trên một tấm thảm da gấu và một tay cầm một bông hoa trắng, ánh mắt xa xăm khiến cô trông như búp bê. Thật vậy, Whistler coi nhân tình của mình như một món đồ chơi hoặc một con tốt khi, ở đây, người nghệ sĩ ít quan tâm đến độ chính xác của việc hoạ chân dung. Thay vào đó, ông quan tâm đến việc sử dụng bức tranh như một phương tiện để khám phá sự đa dạng của các sắc độ màu sắc. Bởi vậy, Whistler rồi đã đặt lại tên cho bức tranh là Giao hưởng tông trắng, số 1: Cô gái bận đồ trắng nhằm để thu hút sự chú ý vào các sắc độ trắng khác nhau được sử dụng trong tác phẩm và ám chỉ tương quan giữa chúng với các nốt nhạc, làm rõ mục tiêu thực tế của bức tranh.

Bức tranh đặc biệt nổi trội bởi là tác phẩm đầu tiên thực sự mang lại danh tiếng cho nghệ sĩ. Bị Học viện Hoàng gia London và Đơn vị Salon Pháp từ chối vì chủ đề không phù hợp – dường như đề cập đến việc sự trong trắng đã bị tước mất, bức tranh xuất hiện tại Salon des Refusés vào năm 1863, nơi nó được Édouard Manet, Gustave Courbet và Charles Baudelaire cùng những người khác vô cùng ngưỡng mộ. Bức Giao hưởng màu trắng chỉ ra sự chuyển đổi của Whistler từ việc bắt chước chủ nghĩa hiện thực của Courbet sang phát triển phong cách trừu tượng đặc trưng của riêng mình, trong đó ông tập trung vào việc sử dụng các sắc độ màu một cách đa dạng tinh tế, kết cấu chất liệu, và cân bằng kỹ lưỡng các hình khối hoặc hình dạng để tạo ra một tâm trạng thu hút các cảm quan.

1865: Hòa âm tông lam và bạc: Trouville (Harmony in Blue and Silver: Trouville)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, Boston, Massachusetts

Tác phẩm này là một trong ít nhất năm bức tranh mà Whistler đã vẽ ở Trouville, vẽ một nhân vật đơn độc đứng trên bãi biển, nhìn ra vùng nước rộng lớn trước mặt. Cái nhìn của nhân vật hướng người xem về phía hai chiếc thuyền buồm xuất hiện ngay khu vực trung tâm bên phải trên đường chân trời nằm cao. Người đàn ông có râu được miêu tả trên bờ biển là bạn của nghệ sĩ và họa sĩ theo trường phái Hiện thực Gustave Courbet, người đã cùng Whistler đến Trouville vào năm 1865 khi bức tranh này được sáng tác. Ban đầu tác phẩm có tiêu đề là Courbet – Trên bờ biển (Courbet – on Sea Shore), Whistler sau đó đã đổi tiêu đề để phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của ông trong việc liên kết các bức tranh sơn dầu đã vẽ của mình với các sáng tác âm nhạc. Nhân vật và phong cảnh nơi ông vẽ gần như biến mất trong những vệt màu loãng, mà Whistler đã tô một cách tinh tế bằng những nét quét với sơn màu mỏng.

Bức tranh thể hiện sự tri ân đến Courbet, người đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nghệ thuật thủa ban đầu của Whistler, nhưng nó cũng báo hiệu sự chuyển hướng của Whistler từ chủ nghĩa Hiện thực của Courbet sang chủ nghĩa Thẩm mỹ. Bức Trouville không có ý nghĩa hay thông điệp đạo đức rõ ràng. Thay vào đó, tác phẩm cho thấy thử nghiệm của Whistler với các sắc độ màu và phương pháp vẽ sơn màu lên bề mặt toan nhằm thúc đẩy kích thích thị giác hoặc cảm giác. Quan điểm cho rằng sự hài hòa về màu sắc, tâm trạng và vẻ đẹp của hình thức quan trọng hơn bản thân đề tài là cốt lõi của phương châm đáng tự hào của phong trào Thẩm mỹ – “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà Whistler đã trở thành người tiên phong hàng đầu. Màu sắc êm dịu và tính chất bầu không khí mộng mơ được tạo ra thông các nét vẽ quét, lớn cũng đánh dấu tác phẩm như là tiền thân quan trọng của phong trào chủ nghĩa Sắc độ ở Mỹ những năm 1880.

Nguyên bản tiếng Anh do những cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Sarah McCain hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Thuý An dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê James Whistler Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…