Chủ nghĩa Sắc độ/Tonalism (Phần 2)

Trong phần hai loạt bài về chủ nghĩa Sắc độ, chúng ta tìm hiểu khái niệm, phong cách, xu hướng, các phát triển hậu trào lưu, và những tác phẩm tiêu biểu đầu tiên. Qua bài này, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hội hoạ Sắc độ, đặc biệt là tranh của James Whistler, góp phần mở ra xu hướng trừu tượng hoá điển hình cho nghệ thuật Hiện đại, cũng như tranh đấu cho quan điểm ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’ giải phóng nghệ thuật thị giác khỏi vai trò truyền thống duy nhất là mô phỏng và tái hiện.

  • … càng ít bắt chước thì càng nhiều khơi gợi, và do vậy càng thi vị.” – Dwight William Tryon
  • Thiên nhiên chứa đựng những yếu tố, với màu sắc và hình thức, của mọi hình ảnh, giống như bàn phím đàn chứa những nốt của mọi âm nhạc” – James Abbott McNeill Whistler
  • Nghệ thuật nên độc lập với mọi trò câu khách – phải đứng một mình và thu hút cảm quan nghệ thuật của mắt hoặc tai, mà không làm lẫn lộn điều này với những cảm xúc hoàn toàn xa lạ với chúng, như sự tận tâm, sự thương hại, tình yêu, lòng ái quốc và những gì tương tự. Tất cả những điều này không liên quan gì tới nghệ thuật; và đó là lý do tại sao tôi nhất quyết gọi tác phẩm của mình là những ‘biên khúc’ và ‘hoà âm’” – James Abbott McNeil Whistler

Chủ nghĩa Sắc Độ: Khái niệm, phong cách và xu Hướng

Nhiếp ảnh và Nhiếp ảnh như hoạ

Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa Nhiếp ảnh như hoạ thống trị nhiếp ảnh. Đây là một phong trào quảng bá nhiếp ảnh như một loại hình mỹ thuật bằng cách nhấn mạnh vào những khả năng mang tính hội hoạ của việc phơi sáng, tráng phim, và in ảnh. Bảng màu êm lặng và hiệu ứng bầu không khí của hội hoạ Sắc độ là một mô hình phù hợp và nhanh chóng tạo ảnh hưởng tới các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Clarence Hudson White, Edward Steichen, và Alfred Stieglitz. Trong số này, tác phẩm của Steichen, tái hiện những cảnh hoàng hôn và dưới ánh trăng, bầu không khí mù sương, và những chuyển sắc xuất phát từ việc thí nghiệm với quy trình nhiếp ảnh là minh hoạ điển hình cho phong cách. Các kiệt tác của ông, như Ánh trăng, mùa đông (Moonlight, Winter) (1902) phản ánh ảnh hưởng của cả Albert Pinkerton Ryder và Ralph Albert Blakelock. Ông cũng là một họa sĩ, thỉnh thoảng kết hợp các tiếu tượng của chủ nghĩa Biểu tượng vào bố cục của chủ nghĩa Sắc độ; bức tranh Dạ khúc, ngôi đền tình yêu (Nocturne, Temple d’Armour) (1910) của ông mô tả một người phụ nữ khỏa thân đang nhảy múa trên một hòn đảo gần một ngôi đền trắng để tạo ra một tác phẩm giàu cảm xúc và khơi gợi một câu chuyện, nhưng không giải thích nó.

Ánh trăng, mùa đông – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. In bạc platinum và tô thêm màu
Dạ khúc, ngôi đền tình yêu – Bảo tàng Nghệ thuật Metroplitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan

Tương tự, nhiếp ảnh của Clarence Hudson White nhấn mạnh các chân dung phụ nữ trong các cảnh hoàng hôn ngoài trời hoặc cảnh trong nhà, kết hợp chân dung nhiếp ảnh với việc xử lý bối cảnh theo phong cách của chủ nghĩa Sắc Độ để tạo ra một tâm trạng thơ mộng.

Thuộc Địa Old Lyme 

Sau khi vẽ tranh ở châu Âu, Henry Ward Ranger muốn tạo ra một “trường phái Barbizon Mỹ”. Năm 1899, ông thành lập Thuộc địa Old Lyme ở Connecticut – một thuộc địa nghệ thuật phỏng theo mô hình của nhóm Barbizon Pháp, nhưng vẽ tranh theo phong cách của chủ nghĩa Sắc Độ. Một thế hệ thứ hai của các họa sĩ thuộc chủ nghĩa Sắc Độ, bao gồm Allen Butler Talcott, Henry Cook White, Bruce Crane, William Henry Howe, Louis Paul Dessar, và Jules Turcas là những nghệ sĩ đã tham gia vào thuộc địa này. Họ vẽ các phong cảnh nông thôn địa phương, ưa thích những cảnh quan vào lúc hoàng hôn và mùa thu. Năm 1903, Childe Hassam gia nhập thuộc địa và ban đầu ông tiếp nhận chủ nghĩa Sắc Độ. Tuy nhiên, về sau ông chuyển hướng sang chủ nghĩa Ấn tượng đã thay đổi sự tập trung của toàn bộ thuộc địa sang phong cách mới. Từ đó, nó được biết đến với cái tên “Giverny của Mỹ”.

Rừng mùa thu (Spring Woods) (k. 1895-1900) của Henry Ward Ranger – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan

Trường phái Sắc Độ ở Úc 

Tuy chủ yếu là một phong cách của Mỹ, chủ nghĩa Sắc Độ cũng có một số người theo đuổi ở Úc, tập trung xung quanh Duncan Max Meldrum vào những năm 1910. Được trao học bổng sinh viên, Meldrum đã đi du lịch đến Paris vào năm 1899 nơi ông tiếp xúc với các tác phẩm của Whistler. Trở lại Melbourne, ông bắt đầu đề cử việc sử dụng các giá trị sắc độ để tạo ra các cảnh quan có tính chất bầu không khí. Lý thuyết về việc vẽ “tông xuyệt tông” của ông đã thu hút một lượng lớn nghệ sĩ. Nhóm này từ chối tường thuật và giảm nhấn mạnh màu sắc, ưa thích một bảng màu giới hạn, và độ nét mềm. Bảo tàng Athenaeum ở Melbourne đã tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên với các tác phẩm của Meldrum và học trò của ông vào năm 1919. Cùng năm này, bài luận lý thuyết của ông, The Invariable Truths of Depictive Art (Những chân lý bất biến của nghệ thuật mô tả) được xuất bản, trong đó ông lập luận rằng mối quan hệ sắc độ là khía cạnh quan trọng nhất của hội họa, hơn cả tỷ lệ và màu.

Đồng cỏ vùng Champagne (Le Pré de Champagne) (k. 1910) của Meldrum

Những nghệ sĩ liên quan đến nhóm của Meldrum bao gồm Percy Leasaon, Colin Colahan, Llord Rees, Roy de Maistre, Roland Wakelin, và đáng chú ý nhất, Clarice Majoribanks Beckett. Beckett học với Meldrum, nhưng tác phẩm của bà ít nhận được sự chú ý tích cực trong thời của bà, ngay cả từ người thầy của mình, người tuyên bố rằng “sẽ không bao giờ có một nghệ sĩ nữ vĩ đại và cũng chưa từng có“. Bà đã được tái khám phá sau khi mất và bây giờ được coi là một trong những nghệ sĩ hiện đại Úc quan trọng nhất. Các bức tranh như Những chuyến xe qua (Passing Trams) (1931) của bà, với cảm quan hình thức tối giản và ngôn ngữ gần như trừu tượng, được coi là ảnh hưởng quan trọng đối với chủ nghĩa Tối giản và chủ nghĩa Ý niệm ở Úc.

Những chuyến xe qua của Beckett. Sơn dầu trên ván gỗ

Phát triển sau này – Hậu chủ nghĩa Sắc độ

Chủ nghĩa Sắc độ mất dần độ phổ biến vào khoảng năm 1915, sau triển lãm Armory năm 1913, mặc dù nó vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia trong nhóm của Stieglitz (bao gồm nhiếp ảnh gia Paul Strand, và các họa sĩ Marsden Hartley, John Marin, và Georgia O’Keeffe).

Whistler đã tạo ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều thế hệ nghệ sĩ, cả ở Hoa Kỳ và châu Âu, trong đó bao gồm Walter Sickert, John Singer Sargent, và William Merritt Chase. Sự đơn giản hóa các yếu tố để tạo ra nghệ thuật gợi ý và gợi cảm của ông cũng tác động đến các họa sĩ Ấn tượng, đặc biệt là Edgar Degas và Claude Monet, và cũng ảnh hưởng đến phong trào chủ nghĩa Biểu tượng. Ở thế kỷ 20 đầu, nhà phê bình nghệ thuật Charles Caffin tuyên bố rằng Whistler “ảnh hưởng đến toàn thế giới nghệ thuật. Dù theo một cách có ý thức hoặc không, sự hiện diện của ông được cảm nhận trong vô số phòng tranh; thiên bẩm của ông thấm đẫm trong tư duy nghệ thuật hiện đại.

Các phong cảnh của Ryder đã tạo ra ảnh hưởng lâu dài đối với hiện đại Mỹ; sau khi tiếp xúc với những tác phẩm đó vào năm 1909, Marsden Hartley vẽ một loạt cảnh quan tông màu tối. Ryder cũng ảnh hưởng đến Bill Jensen và Jackson Pollock, người tuyên bố “bậc thầy Mỹ duy nhất mà tôi quan tâm là Ryder.” tác phẩm của Ryder cũng tạo ra ảnh hưởng đối với nghệ sĩ Milton Avery, người với những mối quan tâm hình thức của mình đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ Biểu hiện trừu tượng như Adolph Gottlieb, Barnett Newman, William Baziotes, và Mark Rothko.

Ngọn núi tối, số 2 (The Dark Mountain, No. 2) (1909) của Mardsen Hartley – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan. Đây là một trong những phong cảnh tối Hartley vẽ sau khi xem các bức tranh của Ryder.

Tác phẩm và nghệ sĩ của trào lưu chủ nghĩa Sắc độ

1871: Biên khúc tông xám và đen số 1 (Arrangement in Grey and Black No.1) – James Whistler

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Là một trong những bức tranh mang tính biểu tượng (và thường xuyên được vẽ nhại lại), hay được biết đến với tên “Mẹ của Whistler,” tác phẩm này vừa là một bức chân dung về sự đĩnh đạc và nghiêm khắc đầy quả quyết, vừa là một nghiên cứu màu sắc với những sắc thái của đen và xám thay đổi một cách tinh tế. Tiêu đề, sử dụng từ vựng mang tính âm nhạc, gợi rằng biên khúc – sự sắp xếp – của các màu sắc và dạng là điều Whistler quan tâm hàng đầu, ngay cả khi ông vẽ một hình ảnh giống mẹ của mình.

Nhân vật ngồi một cách nghiêm trang và nhìn thẳng về phía trước, bàn tay chắp lại cầm một chiếc khăn tay trắng và chân đặt trên một bục nghỉ, người phụ nữ mang đến cảm quan cảnh giác và nghỉ ngơi kín đáo. Bảng màu cũng được tiết chế tương tự, với các mặt phẳng lớn màu đen và xám chỉ tương phản với họa tiết đen và trắng bất đối xứng của tấm rèm ở phía bên trái khung tranh. Trong cách phối màu đơn sắc thể hiện các sắc thái của màu xám, từ xám ám xanh lá của sàn nhà đến xám đá của bức màn, chúng ta chứng kiến sự phát triển của phong cách chủ nghĩa Sắc độ. Và, với bảng màu u buồn, không gian nội thất mang lại một cảm giác bi thương, trở thành một loại thơ thị giác về tuổi tác; như Whistler giải thích, “Khi ánh sáng phai dần và bóng tối chìm sâu hơn, tất cả các chi tiết nhỏ nhặt và cụ thể biến mất, mọi thứ tầm thường biến mất, và tôi nhìn thấy mọi thứ như theo từng khối lớn: những nút áo biến mất, nhưng người mẫu còn ở lại.” Trong mô tả thơ mộng này, chúng ta thấy sự đơn giản hóa của các hình thức và sự tĩnh lặng trong bảng màu của Whistler như những năng biểu đầy ý nghĩa; sự tối giản của ông nhằm thể hiện bản chất của đối tượng và tạo ra một tâm trạng chiêm nghiệm cho phép đối tượng ấy được đánh giá một cách tốt nhất. Ý tưởng về một sự thật cốt lõi mà còn gợi mở hơn là một ảo tưởng văn chương sẽ tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại Mỹ; trao cho các nghệ sĩ sự tự do được trừu tượng hóa các chủ đề của mình để tìm kiếm sự gợi ý mang tính gợi mở hơn một mô tả thẳng thừng.

Trong khi những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Sắc Độ được truyền cảm hứng từ những bản nhạc, tác phẩm của họ cũng ảnh hưởng ngược lại các nhà soạn nhạc; bức tranh này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Claude Debussy, người mô tả những bản Dạ khúc (Nocturnes) (1899) của mình là những đẳng lượng âm nhạc của “thứ mà một nghiên cứu tông xám trong hội hoạ sẽ là.” Ngày nay, hình ảnh này đã trở thành một phần của ý thức văn hóa, xuất hiện trong các bộ phim như Babette’s Feast (Bữa tiệc của Babette) (1986), Bean (1997) và I Am Legend (Thành phố chết hay Tôi là huyền thoại) (2007), cũng như các tập phim truyền hình của The Simpsons (Gia đình Simpsons) và America’s Next Top Model (Siêu Mẫu Mỹ), Mùa 5. Nó đã tạo ra vô số sao chép và bản nhại lại.

Cảnh nổi tiếng trong phim Bean (1997) với sự tham gia của bức tranh Mẹ của Whistler

1875: Dạ khúc tông đen và vàng kim: Tên lửa rơi (Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket) – James Whistler

Sơn dầu trên ván gỗ – Viện Nghệ thuật Detroit, Michigan, Mỹ

Bức phong cảnh này chỉ cho thấy những dấu hiệu tối thiểu về bối cảnh của nó tại Vườn Cremona ở London, thay vào đó, nó nhấn mạnh vào những tia lửa rơi của pháo hoa chiếu sáng bầu trời đen như mực và phản chiếu xuống mặt sông phía dưới. Tiêu đề cho thấy lối tiếp cận bố cục của ông trong bức tranh gần như trừu tượng này; như Whistler giải thích, “Bằng việc sử dụng từ ‘dạ khúc’, tôi muốn chỉ ra một mối quan tâm nghệ thuật duy nhất, loại bỏ bất kỳ mối quan tâm ngoại vi nào có thể được liên kết với hình ảnh. Một dạ khúc trước tiên là biên khúc sắp đặt các nét, hình khối và màu sắc.

Whistler đã vẽ sáu Dạ khúc mô tả công viên này, với các rạp hát, nhà hàng, mê cung, và sân chơi bowling trong nhà, nơi này là một điểm tụ tập phổ biến. Tuy nhiên, thay vì vẽ các cảnh hoạt động xã hội, ông tập trung vào các màn trình diễn pháo hoa hoặc cảnh vườn dưới ánh trăng. Ở tiền cảnh, ta có thể thấy một số phụ nữ đang đứng trên bờ, hình dáng của họ rõ ràng nhưng gần như trong suốt.

Bản chất trừu tượng và thiếu hoàn thiện của cách vẽ này khiến nhà phê bình nghệ thuật John Ruskin mô tả tác phẩm Dạ khúc tông đen và vàng kim như một “nồi sơn” ném “thẳng vào mặt công chúng.” Tuyên bố rằng sự tấn công phỉ báng này gây hại cho sự nghiệp của mình, Whistler đã khởi kiện. Phiên tòa theo đó trở thành cuộc tranh luận về bản chất của nghệ thuật được đông đảo công chúng quan tâm, khi Whistler bảo vệ niềm tin “nghệ thuật vị nghệ thuật” của Trào lưu Thẩm mỹ. Lời bào chữa này tuyên bố một mục đích rằng hội họa vượt ra khỏi mô phỏng: thay vì tái hiện một câu chuyện, một sự việc lịch sử, hoặc ghi chép lại thiên nhiên, nghệ thuật là sự tương tác của các phẩm chất hình thức như nét và màu sắc. Tài năng (và tương ứng với nó là giá trị) nằm ở sự sáng tạo biểu cảm và thẩm mỹ của nghệ sĩ, không phải khả năng tái tạo một ảo ảnh về thế giới đã thấy.

Trong suốt phiên tòa, khi được hỏi liệu tác phẩm có phải là một quang cảnh của Cremorne, Whistler đã trả lời, “Nếu nó có tên là Một quang cảnh của Cremorne, nó chắc chắn sẽ khiến người xem cảm thấy không gì khác ngoài thất vọng. Nhưng nó là một sắp đặt nghệ thuật. Đó là lý do tôi gọi bức tranh là một dạ khúc.” Sự nhấn mạnh vào khái niệm về sự sắp đặt – biên khúc làm nổi bật hướng đi mang tính hình thức trong phong cách của Whistler. Thực tế, sự biến đổi sắc thái của màu đen và vàng kim (như màu đen mực ở phía trái nơi một vài mảnh than hồng màu vàng kim rơi, biến đổi thành màu xám xanh nhạt của nước) là chủ thể chính của bức tranh. Định nghĩa này về hội họa là một sắp đặt nghệ thuật đã ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa Sắc độ nhưng cũng có tác động lâu dài đến sự phát triển của chủ nghĩa Hiện đại khi nó mở một con đường mới xa rời từ các truyền thống về ảo ảnh và chủ nghĩa Hiện thực.

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa sắc độ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tonalism

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…